MCNV VÀ A.S.R ĐẠT GIẢI QUAN HỆ ĐỐI TÁC 2016

Chiều thứ Năm ngày 12 tháng 05, tại thành phố La Hay, Hà Lan giải thưởng Quan hệ đối tác mới thành công nhất đã được trao cho MCNV và a.s.r vì có dự án xã hội tốt nhất ở nước đang phát triển.

MCNV và a.s.r cùng nhau phát triển kế hoạch cho dự án bảo hiểm thu nhập để những người kinh doanh nhỏ lẻ ở Việt Nam được đảm bảo thu nhập cơ bản hàng ngày phòng khi bị tai nạn hoặc các chấn thương khác khiến họ không thể làm việc. Không chỉ dừng lại ở kế hoạch, vào tháng 09, chương trình sẽ bắt đầu được thử nghiệm với 1000 phụ nữ tham gia nhóm tín dụng nhỏ trong các dự án của MCNV ở Bến Tre, Quảng Trị và Phú Yên. Quỹ này được kì vọng sẽ phát triển lên tới 7000 người tham gia trong vòng 3 năm tới.

Maarten Mast, Iris Lucassen, Melissa Nguyen và Sybren Sierksma, tất cả đều tham gia chương trình phát triển tài năng của a.r.s. Họ cùng nhau làm việc với MCNV để viết một đề xuất dự án kinh doanh cho dự án bảo hiểm thu nhập cộng đồng ngay tại quê hương Việt Nam của Melissa. 4 tài năng trẻ này đang tìm kiếm sự hợp tác từ một tổ chức hoạt động ở Việt Nam và họ đã tìm được một tổ chức sẵn lòng làm đối tác là MCNV.

Bảo hiểm thu nhập

MCNV hỗ trợ các chương trình tín dụng nhỏ tại tỉnh Bến Tre, Quảng Trị và Phú Yên. Các khoản tín dụng được dành cho phụ nữ để họ có thể mua bò hoặc dê, hoặc mở cửa hàng buôn bán nhỏ để tạo thu nhập cho gia đình. Đây cũng chính là bước đầu tiên trong công cuộc thoát nghèo. Những người vay tiền sẽ tham gia vào nhóm tín dụng có khoảng 10 phụ nữ, họ họp mặt thường xuyên với quản lý quỹ để trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Hàng tháng, các thành viên sẽ để dành ra một số tiền nhỏ phòng trường hợp nếu một thành viên ốm, họ sẽ nhận được một khoản tiền từ quỹ bảo trợ của nhóm để trang trải đến khi có thể làm việc lại.

Guus Paardekooper, giám đốc MCNV, đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của ý tưởng này: “Kế hoạch của a.s.r rất phù hợp với chủ trương của MCNV: dùng đầu tư nhỏ để có thể đạt được bước tiến lớn trong cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn. Bảo hiểm này còn hỗ trợ duy trì tốt các nhóm tín dụng nhỏ và các thành viên có thể an tâm về thu nhập cơ bản bền vững, cho dù họ có ốm đau bệnh tật. Melissa Nguyen từ a.r.s cho biết thêm: “Đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa giúp đỡ bằng hành động với việc trở lại phần cơ bản của bảo hiểm – chia sẻ rủi ro mà không ai có thể tự kiểm soát, vì vậy tôi tin rằng chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt.”

Về MCNV
MCNV là tổ chức phi chính phủ có mạng lưới quốc tế hoạt động trên các lĩnh vực Cải thiện sức khỏe, sản xuất bền vững và giáo dục chính thống cho trẻ khuyết tật từ trụ sở chính ở Hà Lan và các văn phòng dự án tại Việt Nam và Lào. Tất cả các chương trình của MCNV đều hướng tới cải thiện bền vững đời sống của những nhóm thiệt thòi trong xã hội.

Read more

Áp dụng các thực tiễn về hòa nhập

MCNV, Global Initiative on Psychiatry, và World Granny vừa xuất bản cuốn sách “Áp dụng các thực tiễn về Hòa nhập”

Download tài liệu tại đây

Các câu chuyện về phát triển hòa nhập đang diễn ra tại Georgia, Lao PDR, Sri Lanka, Tajikistan và Việt Nam đã được ghi chép lại.

Read more

Tín dụng vi mô và bảo hiểm thu nhập

Tài chính vi mô – Một động lực bền vững cho phát triển

Impacts of microfinance to the poor

Tác động của  TCVM đến người nghèo

Trọng tâm của Mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ (SDGs) là cam kết “Xóa nghèo ở mọi nơi, dưới mọi hình thức và khía cạnh vào năm 2030”.

Read more

Phát triển hoạt động trị liệu tại Việt Nam

Bối cảnh

Việt Nam đã hoạt động trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho người khuyết tật (NKT) hơn 40 năm qua, tuy nhiên NKT rất hiếm khi nhận được sự hướng dẫn để họ có thể làm được các công việc hàng ngày. Làm thế nào để họ tự nấu ăn, giặt quần áo, chăm sóc bản thân với tình trạng khuyết tật của mình? Làm sao để họ có thể học hành hay làm việc được? Kỹ thuật viên vật lý trị liệu không giúp họ giải quyết được những vấn đề này mà đây chính là nhiệm vụ của kỹ thuật viên hoạt động trị liệu (HĐTL). Trong số những người cần sự giúp đỡ đặc biệt của kỹ thuật viên HĐTL có bệnh nhân bị tổn thương tủy sống. Việt Nam chưa có số liệu chính xác nhưng tại hai bệnh viện lớn nhất toàn quốc, mỗi năm có tới 2.000 bệnh nhân tổn thương tủy sống được điều trị và sau đó họ được chuyển về nhà mà không có sự trợ giúp tiếp theo.

Tại Việt Nam, MCNV luôn quan tâm đến việc làm thế nào để NKT thực hiện được các hoạt động về cả thể chất lẫn tinh thần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Với NKT sử dụng chân giả, làm sao để họ đi được lên tầng trên của một ngôi nhà nếu chỉ có một cái cầu thang lung lay để đi lên? Làm sao để NKT sắp xếp cuộc sống hàng ngày khi họ bị trầm cảm? Những ví dụ đó cho thấy nhu cầu rất lớn về HĐTL trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐTL và định hướng đến năm 2020, các Bệnh viện Phục hồi chức năng cần có Khoa HĐTL, các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh cần có nhóm HĐTL.

Vai trò của MCNV

Cho đến nay ở Việt nam chưa có đào tạo HĐTL chuyên nghiệp. HĐTL mới chỉ có ở một số ít bệnh viện lớn và thường có sự hỗ trợ của các sinh viên hoặc kỹ thuật viên HĐTL người nước ngoài. Câu hỏi “bệnh nhân của tôi sẽ ra sao khi họ trở về nhà?” ngày càng được các nhân viên y tế nhiều nơi đặt ra. Một nghiên cứu của MCNV trong hệ thống y tế đã chỉ ra rằng đào tạo HĐTL là nhu cầu cấp thiết ở Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về HĐTL, năm 2015 MCNV đã khởi xướng Dự án Phát triển đào tạo HĐTL chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cùng Tổ chức Handicap International, một tổ chức NGO về trợ giúp NKT với sự tài trợ của tổ chức USAIDS. Điều này rất quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sống của NKT, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của họ trong công việc gia đình và xã hội. .

Hoạt động đang được triển khai

Trong khuôn khổ dự án, bốn giảng viên đại học Việt Nam đã được gửi sang Ấn Độ học khóa định hướng HĐTL 1 tháng tại Ấn Độ hiện đang xây dựng chương trình đào tạo HĐTL chuyên nghiệp tại Việt Nam bao gồm: khung đào tạo và chương trình đào tạo chi tiết. Năm sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình đào tạo cử nhân và thạc sỹ HĐTL tại Ấn Độ. Khi trở về Việt Nam, họ sẽ giảng dạy các môn HĐTL tại trường đại học nơi họ công tác. Các mảng hoạt động trọng tâm khác của dự án là xây dựng các đơn vị hỗ trợ phục hồi chức năng tập trung vào HĐTL cho NKT tại 2 xã của Thành Phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương.

Trong năm nay, MCNV hỗ trợ năm sinh viên Việt Nam tham gia chương trình đào tạo Cử nhân HĐTL tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ. Chương trình học này là một thách thức đối với các em với những bài giảng bằng tiếng Anh, với cuộc sống ở môi trường khác biệt, xa gia đình và bạn bè, nhưng các em rất nhiệt tình và lạc quan về cơ hội để thành công. MCNV lựa chọn Đại học tổng hợp Manipal để hợp tác vì trường này có danh tiếng trong lĩnh vực đào tạo HĐTL.

Các kết quả đạt được

Sau gần một năm thực hiện dự án, chúng tôi đã đạt được các kết quả sau đây:

  • Gửi một nhóm 4 giảng viên đại học Y dược tham gia khoá đào tạo 1 tháng về Hoạt động trị liệu tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ.
  • Gửi một nhóm 5 Chuyên gia trị liệu tham gia khoá học tiếng Anh và khoá Cử nhân về Hoạt động trị liệu tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ.
  • Gửi một nhóm 6 thành viên chủ chốt từ Bộ Y tế, Đại học Y Hải Dương và Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh tham quan học tập về Hoạt động trị liệu tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ.
  • Phát triển khung chương trình đào tạo cử nhân cho các khoá học bán thời gian và toàn thời gian
  • Xây dựng giáo án cho chương trình đào tạo cử nhân sẽ được thí điểm tại đại học Y Hải Dương và Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017.

Hoạt động trị liệu (HĐTL) là dùng các đánh giá và điều trị để phát triển, phục hồi, hoặc duy trì các kỹ năng sống và công việc hàng ngày của những người có rối loạn về thể chất, tinh thần, hoặc nhận thức.

Kỹ thuật viên HĐTL cũng tập trung nhiều vào việc xác định và loại bỏ các rào cản của môi trường đến sự độc lập và tham gia của NKT vào các hoạt động hàng ngày của họ. [1] Kỹ thuật viên HĐTL lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng vào tiến trình hướng tới mục tiêu của khách hàng. [2] Can thiệp của kỹ thuật viên HĐTL tập trung vào việc cải thiện môi trường, điều chỉnh công việc, hướng dẫn các kỹ năng, tư vấn cho NKT/gia đình để cải thiện việc thực hiện và sự tham gia của họ vào các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là những hoạt động có ý nghĩa với NKT. Kỹ thuật viên HĐTL thường xuyên làm việc chặt chẽ với các kỹ thuật viên vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, điều dưỡng viên, nhân viên công tác xã hội và cộng đồng trong khi hỗ trợ cho NKT.

(nguồn: Wikipedia)

Read more

Chăm sóc sức khỏe tâm thần

Bối cảnh

Rối loạn sức khỏe tâm thần chiếm một phần lớn trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Chính sách và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện còn ít quan tâm đến sức khỏe tâm thần. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần thuộc Bộ Y Tế đã cung cấp chăm sóc y tế miễn phí ở hầu hết các địa bàn ở Việt Nam nhưng hầu như chỉ tập trung vào bệnh tâm thần phân liệt và bệnh động kinh, và có một số khu vực thí điểm về bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có chương trình tập trung vào việc hỗ trợ xã hội đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Mặc dù đã có những chương trình hỗ trợ này, nhưng những bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm, và gia đình của họ vẫn còn chưa ý thức được những khả năng chăm sóc, điều trị và đồng thời vẫn bị kì thị từ cộng đồng.

Vấn đề

Ở hầu hết các tỉnh nông thôn như Quảng Trị và Phú Yên ở Việt Nam, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế từ cấp tỉnh cho đến cấp thôn. Nhân viên y tế, đặc biệt là Y tế thôn bản, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và thái độ làm việc với bệnh nhân tâm thần. Việc khám sàng lọc và phát hiện sớm còn rất hạn chế, không có giáo dục nâng cao sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý. Giáo trình đào tạo về sức khỏe tâm thần tại các trường y tế không được cập nhập thường xuyên. Nếu không có sự tư vấn hoặc chăm sóc tại nhà trong cộng đồng, bệnh nhân tâm thần vẫn tự mặc cảm hoặc bị cộng đồng kì thị

Vai trò của MCNV

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và gia đình họ, MCNV đã hợp tác với tổ chức phi chính phủ quốc tế Sáng kiến Toàn cầu về Tâm thần học (GIP) và các đơn vị y tế cấp tỉnh để bước đầu thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng ở huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị, và huyện Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên.

Hoạt động đầu tiên là phát triển năng lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, từ cấp thôn đến cấp tỉnh đặc biệt là cấp xã và cấp thôn. Việc phát triển năng lực được thực hiện thông qua các giảng viên tại các Trường đại học y tế thông qua các hội thảo tập huấn, tham quan học tập và huấn luyện bởi các bác sĩ từ bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Chúng tôi đã tập huấn về kiến thức cơ bản và khả năng phát hiện, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần cũng như sử dụng các công cụ sàng lọc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Sau đó, các nhóm tự lực của gia đình có người rối loạn tâm thần được thành lập thông qua Hội người khuyết tật để các bệnh nhân tâm thần và gia đình họ có thể gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Tiếp đó, MCNV hỗ trợ các kế hoạch phát triển cá nhân cho người rối loạn tâm thần. Những kế hoạch này dựa vào tình trạng của từng cá nhân nhằm mục đích điều trị toàn diện, hòa nhập xã hội và nâng cao điều kiện sống của họ.

Các nhân viên y tế thôn bản được tập huấn và hướng dẫn để họ có khả năng thực hiện việc thay đổi hành vi giao tiếp bằng cách sử dụng các phương pháp sáng tạo (chẳng hạn như phim hoặc kịch rối) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần và giảm sự kì thị cũng như phân biệt đối xử mà những người bệnh vẫn phải đối mặt.

Kết quả đạt được

Kết quả từ một số nghiên cứu bởi các sinh viên Hà Lan chỉ ra rằng những cán bộ y tế được tập huấn đã nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, họ có khả năng chăm sóc tại nhà và tư vấn cho người bệnh tâm thần.

Những nhân viên y tế thôn bản được tập huấn đã sử dụng công cụ chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (SQR – WHO 1994) để sàng lọc 12,008 người độ tuổi từ 18 đến 65, trong số đó đã phát hiện 755 người có nguy cơ về sức khỏe tâm thần. Gần 100 người trong số đó được điều trị và tư vấn. Kết quả này đã cho thấy nhiều người được tiếp cận với chương trình sức khỏe tâm thần quốc gia hơn và bây giờ đã có thể được tiếp cận đầy đủ hơn các chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp.

Sáu nhóm gia đình có người rối loạn tâm thần gồm có hơn 120 gia đình với bệnh nhân tâm thần, những người này đã cho thấy sự cải thiện trong quá trình điều trị của họ, đã nhận được hỗ trợ xã hội và ít bị kì thị hơn trong cộng đồng. Gánh nặng của gia đình trong chăm sóc người bệnh đã giảm nhờ sự thay đổi tích cực trong hành vi của bệnh nhân tâm thần và uống thuốc đêu đặn dưới sự hỗ trợ của gia đình.

“Cảm ơn sự hỗ trợ của MCNV, em trai tôi bây giờ uống thuốc rất đều. Cậu ấy thường xem tivi, gánh nước cho gia đình bất cứ khi nào đi ra suối để tắm. Em tôi có thể chăn trâu và dê. Mọi người trong làng đều vui khi thấy em đã hồi phục, thỉnh thoảng họ nói chuyện với em, những đứa trẻ rủ em cùng chơi bóng đá với chúng.

Hai năm trước, chúng tôi đã nhốt em trong một cái cũi gỗ. Chúng tôi đặt thức ăn và nước uống trong cũi 2 lần một ngày, em ấy chỉ ăn khi nào muốn. Em vệ sinh cá nhân trong cũi và chúng tôi đưa em đi tắm mỗi tháng một lần. Mỗi lần được ra ngoài, em rất vui và cầu xin chúng tôi đừng khóa em trong cũi nữa.”

Trên đây là lời của Hồ Văn Kun, anh trai của Ken, một bệnh nhân tâm thần ở Xã Xy, Hướng Hóa, Quảng Trị

Định hướng tương lai

Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng đã cho thấy sự hiệu quả trong việc giúp đỡ các bệnh nhân tâm thần và gia đình ở những vùng nông thôn ở Việt Nam. Nếu có thêm kinh phí, chúng tôi sẽ mở rộng can thiệp để hỗ trợ 6,800 bệnh nhân tâm thần ở nhiều xã hơn tại Phú Yên và Quảng Trị.

Những bài học kinh nghiệm từ dự án này sẽ được tài liệu hóa chia sẻ với các cơ quan, tổ chức liên quan như BasicNeeds, hội nghị ALHA, và các nhà hoạch định chính sách y tế tại Việt Nam nhằm hướng đến những tác động lâu dài và rộng lớn hơn đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam nói chung.

Read more