Sức khỏe và Dinh dưỡng - 1

Hỗ trợ người khuyết tật

Bối cảnh

Khoảng 7,8% người Việt Nam là người khuyết tật (NKT) và khoảng 75% NKT sống ở khu vực nông thôn. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật. Theo đó, Chính phủ cam kết bảo đảm quyền của NKT dựa trên nguyên tắc bình đẳng về cơ hội và phát triển hòa nhập trong một xã hội không rào cản. Để thực hiện các quyền này, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật người khuyết tật. Trên cơ sở này, trong 10 năm qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ NKT, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội và đào tạo nghề.

Vấn đề

Tuy nhiên, nhiều NKT vẫn bị tách biệt trong cuộc sống. Khoảng 35% trẻ khuyết tật ở độ tuổi tiểu học chưa từng bao giờ đi học trong khi con số này ở nhóm trẻ không khuyết tật là 3%. Vẫn còn khoảng 42% NKT có thể làm việc và mong muốn được làm việc nhưng không thể tìm được việc làm; con số này ở nhóm người không khuyết tật là 4%. NKT đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội và trong cuộc sống khi họ không thể tiếp cận được các phương tiện giao thông hoặc công trình công cộng; không thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội do ít tiếp cận được với thông tin và truyền thông; không thể hưởng lợi từ quá trình phát triển vì tiếng nói của họ không được lắng nghe và nhu cầu của không được tính đến trong thiết kế các chương trình. Nguyên nhân là do năng lực hạn chế của các bên cung cấp dịch vụ công trong quá trình thực thi chính sách và của cả NKT trong việc lên tiếng, thể hiện nhu cầu trong khi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với NKT vẫn còn tồn tại.

Vai trò của MCNV

Nhiều năm qua, MCNV đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hòa nhâp cho NKT ở Việt Nam. Chương trình hỗ trợ NKT được bắt đầu với các hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (CBR) như là một phần trong Chương trình phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý (CMHD) ở tỉnh Quảng Trị vào đầu những năm 1990. Sau đó, các hoạt động được mở rộng và triển khai tại các tỉnh Đăk Lăk (1998), Cao Bằng (2001), Phú Yên (2002), Khánh Hòa (2005) và Điện Biên (2014). Hiện tại, Chương trình hỗ trợ NKT của MCNV có bốn hợp phần, gồm:

  • Phục hồi chức năng y tế
  • Giáo dục hòa nhập
  • Tăng thu nhập
  • Tăng cường năng lực cho NKT và các tổ chức của NKT

Chương trình hỗ trợ NKT được thực hiện với sự hợp tác của các đối tác nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương, dựa trên hệ thống dịch vụ công có sẵn. MCNV luôn luôn huy động sự tham gia của NKT và gia đình trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Chương trình chú trọng vào việc tạo ra các dịch vụ mới phù hợp với hoàn cảnh văn hóa và nguồn lực của địa phương nhằm mục đích tạo ra những thay đổi bền vững về chất lượng cuộc sống của NKT. Chương trình cũng tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng năng lực cho các bên liên quan từ cấp độ cá nhân, bao gồm cả NKT, đến cấp độ thể chế/mạng lưới. Tất cả những hỗ trợ cho NKT đều dựa trên nhu cầu thực tế của bản thân NKT và được cung cấp, quản lý với sự tham gia đầy đủ của NKT.

Kết quả đạt được

Hơn 20.000 NKT, trẻ em khuyết tật và gia đình của NKT đã được hưởng lợi từ các hoạt động hỗ trợ về y tế, giáo dục, tài chính và xã hội của chương trình. Khoảng 60% NKT cải thiện được tình trạng tự lập của mình trong cuộc sống hằng ngày nhờ vào các hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng tại nhà và dịch vụ chuyển tuyến. 70% NKT nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo nhờ vào các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho các hoạt động tăng thu nhập. 88% trẻ khuyết tật ở tuổi đi học trên địa bàn dự án được tiếp cận với giáo dục phù hợp. Tổng cộng có 47 Hội NKT được hỗ trợ để góp tiếng nói và bày tỏ quan điểm của NKT thông qua kênh truyền thông và các cuộc đối thoại về chính sách và dịch vụ ở tại cộng đồng của họ. Những Hội NKT này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho 55% thành viên của mình tham gia vào các hoạt động thể thao và xã hội ở tất cả các cấp. Mô hình CBR do MCNV khởi xướng được Bộ Y tế ghi nhận, đưa vào chính sách về phục hồi chức năng và được các địa phương khác học tập và áp dụng.

Định hướng tương lai

MCNV sẽ áp dụng các bài học kinh nghiệm hỗ trợ NKT cho những địa bàn mới, ưu tiên khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình sẽ chú trọng vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan để lồng ghép vấn đề khuyết tật vào các chương trình phát triển chung của cộng đồng xã hội. Các dự án cụ thể sẽ được thiết kế cho NKT và các tổ chức, hội của NKT nhằm tăng cường năng lực vận động chính sách về quyền của NKT. MCNV cũng sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng nguồn nhân lực liên quan đến khuyết tật, đồng thời cũng sẽ thu thập bằng chứng về chi phí – hiệu quả của các can thiệp để làm căn cứ vận động chính sách.