Cải thiện sinh kế - 1

Làm kinh tế và chuỗi giá trị

Bối cảnh

Nền kinh tế thị trường đã mang đến cơ hội thoát nghèo cho một số người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Tuy nhiên, nhiều người trong họ phải đối mặt với những rào cản về khả năng tiếp cận, thiếu năng lực cần thiết hoặc không nhận ra rằng họ đang có những cơ hội. Vì lý do này, MCNV đã nghiên cứu cơ chế hoạt động của thị trường địa phương và xác định những rào cản và tác nhân đối với khả năng tiếp cận của những nhóm bị lề hoá. Cách thức làm việc với những hệ thống thị trường sẽ thay đổi ở những chương trình và dự án khác nhau với các mức độ phát triển khác nhau.

Can thiệp của MCNV

Hầu hết tất cả các nhóm dân tộc thiểu số trước đây phụ thuộc vào nền nông nghiệp tự cung tự cấp đã tiếp cận với “thị trường” nhiều hơn. Đầu tiên, những thương lái tìm đến các nhóm thiểu số thông qua những con đường mới được mở ra vì mục đích phát triển để mua những nông phẩm ngay trên thửa ruộng của họ. Nhưng sau đó, những thương lái này đã mở ra những cửa hàng ngay chính ở cộng đồng của những người nông dân, sử dụng chính kiến thức và mạng lưới của họ để trở thành nhân vật trung gian giữa người sản xuất địa phương và thị trường bên ngoài. Ảnh hưởng của những thương lái này rất là đa dạng: một mặt họ giúp những nông dân nghèo tạo ra những nguồn thu nhập mới, những mùa vụ mới và kiến thức nông nghiệp. Tuy nhiên, về mặt khác, họ thu lợi được trong việc nông dân phụ thuộc vào họ, ví dụ như thông qua những cái bẫy nợ nần để bảo vệ sự độc quyền của họ ở địa phương. Ở dự án Phát triển Sức khoẻ và Đời sống do Cộng đồng Quản lý tại tỉnh Khánh Hoà (2004 – 2016), MCNV đã làm việc với những cộng đồng dân tộc thiểu số để giúp họ nâng cao nguyện vọng, sự tự tin và kiến thức của mình để dần dần giảm sự phụ thuộc của họ vào những người trung gian cũng như vào chính quyền địa phương.

Một ví dụ nữa của việc tăng sự tiếp cận với thị trường để giảm bị lề hoá và nghèo đói là chương trình tín dụng vi mô của MCNV. Ở chương trình này, với sự quản lý của Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bên Tre, những nhóm phụ nữ nghèo học tiết kiệm và đầu tư để tạo lập và phát triển những doanh nghiệp nhỏ. Những nhóm bị lề hoá thường thiếu kiến thức quản lý tài chính cơ bản và vì thế MCNV đã nâng cao năng lực này cho rất nhiều nhóm, kết quả là các Tổ chức Người khuyết tật biết làm thế nào để duy trì các Quỹ quay vòng của họ một cách hiệu quả nhất.

Để thị trường phục vụ cho người nghèo đòi hòi thực hiện rất nhiều bước. Đại đa số nông dân Việt Nam là những nông dân quy mô nhỏ, họ được tổ chức một cách nghèo nàn và đó chính là điều làm suy giảm đáng kể sự ảnh hưởng và chuỗi giá trị của những sản phẩm của họ. Có thể có những lý do mang tính lịch sử về việc tại sao những nông dân Việt Nam nói chung đều khá miễn cưỡng để làm việc với nhau trong các “hợp tác xã” hoặc các “hiệp hội” mặc dù Chính phủ cố gắng khuyến khích sự hợp tác. Trong một dự án nhằm cải thiện chuỗi giá trị của rong biển, MCNV đã rút ra được bài học là việc đưa những người mua chính, những nhà sản xuất, xuất khẩu, thương mại, trung gian và nông dân vào một “diễn đàn gồm nhiều bên liên quan” đã khai sáng cho rất nhiều bên và đã đưa đến một số cải thiện đáng kể trong việc điều phối chuỗi giá trị này.

MCNV đồng thời cũng rút được bài học từ những dự án này là những tổ chức phát triển nhỏ và vừa sẽ rất khó quản lý những chuỗi giá trị. Chúng ta có thể làm môi giới hoặc điều phối ở quy mô địa phương nhưng kết quả lại khó đoán trước được. Rất nhiều lợi ích lớn về thương mại thường nằm ở ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Việt Nam là quốc gia nuôi trồng và sản xuất Pangasius, một loại cá rẻ nhất có mặt ở thị trường đắt đỏ ở Châu Âu. Nhưng trong khi những người trung gian, nhà xuất khẩu và nhập khẩu được lợi lớn thì những hộ gia đình nuôi trồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn thế nữa, quá trình toàn cầu hoá đã đưa đến những thay đổi khó lường về mặt giá cả và nhu cầu thị trường, những tác động mạnh mẽ của nó được thấy rõ trong nhóm những người nghèo nhất ở những vùng hẻo lánh nhất. Những chính sách của chính phủ thậm chí cũng trở nên vô nghĩa trước sự biến động đột ngột và quy mô lớn từ nhu cầu của Trung Quốc. Ví dụ như sự bùng nổ của thị trường xuất khẩu chuối sang Trung Quốc trong một số năm trước đây đã dẫn đến việc rất nhiều nông dân nghèo ở huyện Nòng và Sêpon ở tỉnh Savannakhet, Lào đã chuyển hết từ trồng rừng sang trồng chuối. Cho đến một ngày không báo trước, việc xuất khẩu chuối sang Trung Quốc đột ngột bị dừng lại và sản phẩm chuối của người nông dân hoàn toàn bị mất giá.

Post a comment