Sức khỏe và Dinh dưỡng - 1

Phát triển hoạt động trị liệu tại Việt Nam

Bối cảnh

Việt Nam đã hoạt động trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho người khuyết tật (NKT) hơn 40 năm qua, tuy nhiên NKT rất hiếm khi nhận được sự hướng dẫn để họ có thể làm được các công việc hàng ngày. Làm thế nào để họ tự nấu ăn, giặt quần áo, chăm sóc bản thân với tình trạng khuyết tật của mình? Làm sao để họ có thể học hành hay làm việc được? Kỹ thuật viên vật lý trị liệu không giúp họ giải quyết được những vấn đề này mà đây chính là nhiệm vụ của kỹ thuật viên hoạt động trị liệu (HĐTL). Trong số những người cần sự giúp đỡ đặc biệt của kỹ thuật viên HĐTL có bệnh nhân bị tổn thương tủy sống. Việt Nam chưa có số liệu chính xác nhưng tại hai bệnh viện lớn nhất toàn quốc, mỗi năm có tới 2.000 bệnh nhân tổn thương tủy sống được điều trị và sau đó họ được chuyển về nhà mà không có sự trợ giúp tiếp theo.

Tại Việt Nam, MCNV luôn quan tâm đến việc làm thế nào để NKT thực hiện được các hoạt động về cả thể chất lẫn tinh thần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Với NKT sử dụng chân giả, làm sao để họ đi được lên tầng trên của một ngôi nhà nếu chỉ có một cái cầu thang lung lay để đi lên? Làm sao để NKT sắp xếp cuộc sống hàng ngày khi họ bị trầm cảm? Những ví dụ đó cho thấy nhu cầu rất lớn về HĐTL trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐTL và định hướng đến năm 2020, các Bệnh viện Phục hồi chức năng cần có Khoa HĐTL, các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh cần có nhóm HĐTL.

Vai trò của MCNV

Cho đến nay ở Việt nam chưa có đào tạo HĐTL chuyên nghiệp. HĐTL mới chỉ có ở một số ít bệnh viện lớn và thường có sự hỗ trợ của các sinh viên hoặc kỹ thuật viên HĐTL người nước ngoài. Câu hỏi “bệnh nhân của tôi sẽ ra sao khi họ trở về nhà?” ngày càng được các nhân viên y tế nhiều nơi đặt ra. Một nghiên cứu của MCNV trong hệ thống y tế đã chỉ ra rằng đào tạo HĐTL là nhu cầu cấp thiết ở Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về HĐTL, năm 2015 MCNV đã khởi xướng Dự án Phát triển đào tạo HĐTL chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cùng Tổ chức Handicap International, một tổ chức NGO về trợ giúp NKT với sự tài trợ của tổ chức USAIDS. Điều này rất quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sống của NKT, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của họ trong công việc gia đình và xã hội. .

Hoạt động đang được triển khai

Trong khuôn khổ dự án, bốn giảng viên đại học Việt Nam đã được gửi sang Ấn Độ học khóa định hướng HĐTL 1 tháng tại Ấn Độ hiện đang xây dựng chương trình đào tạo HĐTL chuyên nghiệp tại Việt Nam bao gồm: khung đào tạo và chương trình đào tạo chi tiết. Năm sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình đào tạo cử nhân và thạc sỹ HĐTL tại Ấn Độ. Khi trở về Việt Nam, họ sẽ giảng dạy các môn HĐTL tại trường đại học nơi họ công tác. Các mảng hoạt động trọng tâm khác của dự án là xây dựng các đơn vị hỗ trợ phục hồi chức năng tập trung vào HĐTL cho NKT tại 2 xã của Thành Phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương.

Trong năm nay, MCNV hỗ trợ năm sinh viên Việt Nam tham gia chương trình đào tạo Cử nhân HĐTL tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ. Chương trình học này là một thách thức đối với các em với những bài giảng bằng tiếng Anh, với cuộc sống ở môi trường khác biệt, xa gia đình và bạn bè, nhưng các em rất nhiệt tình và lạc quan về cơ hội để thành công. MCNV lựa chọn Đại học tổng hợp Manipal để hợp tác vì trường này có danh tiếng trong lĩnh vực đào tạo HĐTL.

Các kết quả đạt được

Sau gần một năm thực hiện dự án, chúng tôi đã đạt được các kết quả sau đây:

  • Gửi một nhóm 4 giảng viên đại học Y dược tham gia khoá đào tạo 1 tháng về Hoạt động trị liệu tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ.
  • Gửi một nhóm 5 Chuyên gia trị liệu tham gia khoá học tiếng Anh và khoá Cử nhân về Hoạt động trị liệu tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ.
  • Gửi một nhóm 6 thành viên chủ chốt từ Bộ Y tế, Đại học Y Hải Dương và Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh tham quan học tập về Hoạt động trị liệu tại Đại học tổng hợp Manipal ở Ấn Độ.
  • Phát triển khung chương trình đào tạo cử nhân cho các khoá học bán thời gian và toàn thời gian
  • Xây dựng giáo án cho chương trình đào tạo cử nhân sẽ được thí điểm tại đại học Y Hải Dương và Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017.

Hoạt động trị liệu (HĐTL) là dùng các đánh giá và điều trị để phát triển, phục hồi, hoặc duy trì các kỹ năng sống và công việc hàng ngày của những người có rối loạn về thể chất, tinh thần, hoặc nhận thức.

Kỹ thuật viên HĐTL cũng tập trung nhiều vào việc xác định và loại bỏ các rào cản của môi trường đến sự độc lập và tham gia của NKT vào các hoạt động hàng ngày của họ. [1] Kỹ thuật viên HĐTL lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng vào tiến trình hướng tới mục tiêu của khách hàng. [2] Can thiệp của kỹ thuật viên HĐTL tập trung vào việc cải thiện môi trường, điều chỉnh công việc, hướng dẫn các kỹ năng, tư vấn cho NKT/gia đình để cải thiện việc thực hiện và sự tham gia của họ vào các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là những hoạt động có ý nghĩa với NKT. Kỹ thuật viên HĐTL thường xuyên làm việc chặt chẽ với các kỹ thuật viên vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, điều dưỡng viên, nhân viên công tác xã hội và cộng đồng trong khi hỗ trợ cho NKT.

(nguồn: Wikipedia)