Sức khỏe và Dinh dưỡng - 1

Giúp hàng trăm em bé Chăm H’roi ngoan khỏe

Cách thành phố Tuy Hòa hơn 100 km về phía Tây Bắc, xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Ðồng Xuân (Phú Yên) biệt lập với đồng bằng. Ở đây có 100% bà con là người Chăm H’roi. 25% số trẻ bị suy dinh dưỡng. Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã thống kê như trên và tổ chức này đã phối hợp cùng địa phương giúp cho các em bé có những bữa ăn cũng như cuộc sống tốt hơn.

Lo suy dinh dưỡng

Trái với cái tên toát lên vẻ trù phú, màu mỡ, Phú Mỡ được biết đến là xã “3 nhất” của tỉnh Phú Yên: “cao nhất, xa nhất, nghèo nhất”.

Với nhân khẩu hơn 3000 người, 100% là dân tộc Chăm H’roi, hơn 70% người dân ở đây thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đồng bào sống bằng nghề chính là nương rẫy, thu nhập chủ yếu dựa vào cây sắn, giá cả không ổn định nên đời sống rất bấp bênh. Cơm, lá sắn, rau rừng, muối ớt là những thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày.

Theo khảo sát của MCNV và trường Đại học (ĐH) Y Dược Huế vào tháng 3/2018, 76,7% hộ gia đình xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) không có đủ lương thực thực phẩm ăn trong một năm. Trong khu dân cư, các cửa hàng tạp hóa chỉ bán mì tôm, cháo ăn liền, bánh kẹo. Ở trường mầm non cũng không tổ chức ăn bán trú hay ăn sáng, do không đủ kinh phí.

Bởi vậy, ở xã Phú Mỡ, cứ trung bình trong 100 trẻ thì có đến 25 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi hoặc thiếu cân. Cá biệt ở một số thôn tỉ lệ này lên đến trên 50%.

Chị Mang Thị Sự, 25 tuổi, có hai con: một trai (6 tuổi) và một gái (3 tuổi). Hai bé đều vàng vọt, xanh xao vì kém ăn, suy dinh dưỡng. Mỗi lần đến bữa, chị Sự phải mất rất nhiều công sức dỗ con ăn mà các bé vẫn lắc đầu quầy quậy.

Chị Mang Thị Sự chuẩn bị bữa ăn cho gia đình

Theo MCNV, bên cạnh nguyên nhân điều kiện kinh tế eo hẹp, thì nhận thức về dinh dưỡng còn hạn chế của các hộ gia đình cũng góp phần dẫn đến tình trạng này. Ngay cả những hộ có khả năng tiếp cận với thực phẩm đầy đủ hơn, trẻ vẫn biếng ăn, suy dinh dưỡng, do chế độ ăn thiếu các vi chất cần thiết.

Thay đổi nhận thức

Từ tháng 6/2018, những lo lắng của chị Mang Thị Sự và các chị em trong xã Phú Mỡ bắt đầu được giải tỏa nhờ dự án “Nhân rộng các sáng kiến phòng chống suy dinh dưỡng dựa trên các giải pháp nông nghiệp tại khu vực miền núi Việt Nam và Lào” (gọi tắt là tiếp cận Dinh dưỡng – Nông nghiệp – Nutrition Sensitive Agriculture – NSA) do MCNV triển khai.

Tham gia dự án, lần đầu tiên chị Sự được học những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, biết cách vào bếp chế biến những món ăn ngon miệng, đủ chất cho trẻ mà vẫn vừa túi tiền.

Đơn giản như cùng một số tiền, chị Sự đã biết cách đa dạng hóa các nguyên liệu thực phẩm, chế biến những món dễ ăn, phù hợp với khẩu vị và hệ tiêu hóa của trẻ. Những món ăn trên mâm cơm vừa có màu sắc bắt mắt, vừa hợp khẩu vị trẻ, và quan trọng hơn là giàu dinh dưỡng.

Chị tâm sự, các bé nhà chị bây giờ, thay vì trốn tránh, sợ hãi những giờ ăn, thì hào hứng hẳn. “Món nào có màu sắc rực rỡ nó thích lắm. Bữa nào mà con ăn được  một chén, chén rưỡi là trong lòng mình vui lắm. Nó tự ăn xong nó tự đứng lên cân hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con được mấy ký rồi?” người mẹ trẻ kể, mắt lấp lánh niềm vui.

Một người thay đổi rồi đến một nhóm, dần dần hình thành nhiều nhóm. Hàng tháng hoặc hàng tuần, các nhóm phụ nữ lại có một buổi họp mặt, chia sẻ về tình hình sức khỏe, dinh dưỡng của con cái, học hỏi những gương nuôi con khỏe, cập nhật những trường hợp cần theo dõi, chỉ cho nhau cách đi chợ, lên thực đơn, cách chế biến những món ăn bổ dưỡng, vừa túi tiền.

Giải “bài toán” dinh dưỡng

Giúp các hộ gia đình thay đổi nhận thức là một trong rất nhiều những hoạt động hỗ trợ giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng của dự án NSA. Các hoạt động được triển khai với sự tham gia chặt chẽ của bốn bên: y tế, nông nghiệp, giáo dục  và dịch vụ tư nhân.

Dưới sự phối hợp của đội ngũ cán bộ y tế địa phương, các hội thảo, tập huấn cấp huyện, xã và thôn bản được triển khai. Cán bộ y tế, các bà mẹ nhóm trưởng, giáo viên mầm non được tập huấn về dinh dưỡng, vệ sinh môi trường. Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng được can thiệp điều trị.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình được tập huấn tăng gia sản xuất, cải thiện dinh dưỡng từ chính mảnh vườn, thửa ruộng, khoảng sân nhà mình như nuôi gà đẻ trứng, trồng xen canh các loại rau, quả nhiều dinh dưỡng…

Để tăng thêm chất lượng bữa ăn của trẻ, dự án NSA cũng tài trợ cho các trường mầm non cung cấp bữa trưa, bữa sáng tại trường cũng như định hướng cho các thành phần kinh tế tư nhân (hàng ăn, tiệm tạp hóa) kinh doanh những sản phẩm dinh dưỡng như cháo dinh dưỡng, bánh, bột ngũ cốc, góp phần giúp các hộ gia đình tiếp cận với các sản phẩm dinh dưỡng một cách thuận lợi hơn.

Dự án NSA được MCNV triển khai tại huyện Đồng Xuân trong giai đoạn 2017-2020, với sự phối hợp của các đối tác là tổ chức phi chính phủ WOTRO, trường Đại học Vrije Amsterdam (Hà Lan); Đại học Nông Lâm Huế, Đại học Y Dược Huế.

Không chỉ giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam, dự án NSA còn hỗ trợ trẻ em Lào tại 10 thôn của huyện Nong – tỉnh Savannakhet. Hiện tại, phía Lào đã hoàn thành khảo sát ban đầu, được chia sẻ kiến thức và bộ công cụ khảo sát định lượng nghiên cứu, được tập huấn về phương pháp nghiên cứu, phân tích số liệu, xây dựng kế hoạch can thiệp và đã tổ chức một số hoạt động can thiệp bước đầu.

Dự án dinh dưỡng của MCNV là một nỗ lực hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) của Liên hợp quốc về xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phi Yến (Báo Thời đại)

Post a comment