Sức khỏe và Dinh dưỡng - 1

Sức khỏe sinh sản và tình dục cho trẻ vị thành niên dân tộc thiểu số

Bối cảnh

Hướng Hóa là một huyện miền núi ở tỉnh Quảng Trị, giáp giới với Lào. Huyện Hướng Hóa có dân số gần 80.000 dân, trong đó hơn 50% là dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều và Pa Cô. MCNV hiện đang thực hiện dự án ở các thôn, bản thuộc 5 xã nằm sát biên giới. Dân số ở khu vực này là 12.353 người, trong đó có 1.999 hộ nghèo (16.2%) và 9.835 người dân tộc thiểu số (79.6%)

Ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều và Pa Cô không có chữ viết. Cũng vì lẽ đó, người dân khó tiếp cận các nguồn thông tin, còn chất lượng dịch vụ y tế thì không cao. Họ chủ yếu trồng chuối, sắn, ngô, lúa trên đồi núi có chất lượng đất kém. Họ làm việc chăm chỉ nhưng không có đủ thu nhập để có thể trang trải các chi phí về chăm sóc y tế và giáo dục. Giống như nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác, người Bru Vân Kiều và Pa Cô chịu ảnh hưởng của nghèo đói và bị tụt hậu trong quá trình phát triển.

Vấn đề

Theo phong tục tập quán địa phương, trẻ vị thành niên Bru Vân Kiều và Pa Cô được cha mẹ cho phép tự do kết bạn trai gái từ khá sớm. Các em cũng thường lập gia đình khi còn rất trẻ, đặc biệt nhiều em gái lấy chồng khi chưa đến tuổi 18. Trẻ vị thành niên có xu hướng quan hệ tình dục sớm, nhưng lại thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Điều này khiến các em dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn. Một mặt sức khỏe sinh sản và tình dục không thực sự được giảng dạy ở trường học, mặt khác trẻ vị thành niên khó tiếp cận với các nguồn thông tin có tính giáo dục về lĩnh vực này thông qua các kênh khác. Kể cả khi nhận thức rõ các vấn đề về sức khỏe sinh sản và tình dục, các trẻ vị thành niên cũng tránh đề cập đến vì lí do quá “nhạy cảm” hoặc quá “riêng tư”.

Một khảo sát với trẻ vị thành niên trong vùng năm 2013 cho thấy có đến 56% trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi đã từng quan hệ tình dục, 78% không biết tự bảo vệ để phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, 14% số em gái có thai ngoài ý muốn, và 97% thiếu các kiến thức cơ bản về ngừa thai.

Vai trò của MCNV

Năm 2015, MCNV triển khai một dự án để giúp giải quyết thực trạng này. MCNV tổ chức các hội thảo với các nhóm thanh thiếu niên và y tế thôn bản (YTTB) tích cực ở 2 xã trong vùng. Các hội thảo này giúp các thanh thiếu niên có được những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, cùng nhau phân tích những vấn đề nổi cộm của các em, xây dựng giải pháp và thống nhất kế hoạch hành động cụ thể. Các thanh thiếu niên chia sẻ các câu chuyện thực tế mà các em biết ở cộng đồng mình, về những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến chủ đề sức khỏe sinh sản và tình dục. Với sự hỗ trợ của MCNV và YTTB, các thanh thiếu niên xây dựng các câu chuyện thành những tiểu phẩm kịch bóng mờ và múa rối. Sau đó, các em trình bày những tiểu phẩm này ở cộng đồng mình để truyền thông tương tác với mọi người về những khía cạnh khác nhau . Các buổi truyền thông được các thanh thiếu niên tổ chức định kỳ hàng tháng và có sự tham gia của các nhóm sở thích khác ở cộng đồng, như nhóm hip-hop, nhóm hát RAP, CLB bóng đá, …

Bên cạnh đó, một số thanh thiếu niên đã tình nguyện bán bao cao su tại nhà mình, điều này giúp những người trẻ tuổi cảm thấy thoải mái hơn thay vì tìm đến các cơ sở y tế. Các thanh thiếu niên cũng sử dụng phương pháp kể chuyện ảnh, chuyển thể các câu chuyện ảnh sang dạng hoạt họa và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Kết quả đạt được

Một trong những thay đổi quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ vị thành niên về các vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục của mình. Các em cũng mạnh dạn chia sẻ với bạn bè, gia đình và những người xung quanh để góp phần nâng cao nhận thức của mọi người. Đây là điều mà trước đây các em không bao giờ dám làm.

Các em thanh thiếu niên ở địa bàn được can thiệp cảm thấy bản thân có vai trò và động lực để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng mình. Các em cũng trở nên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau hơn trước. Trước đây, đã từng có những mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm thanh thiếu niên ở các xã khác nhau trong vùng, điều đó khiến các em không dám đi từ xã này đến xã khác vì sợ bị đánh lộn. Bây giờ, nhờ cùng nhau tham gia các hoạt động của dự án, các em đã trở nên thân thiện, đoàn kết với nhau chứ không còn giữ thái độ thù địch. Đây có thể được xem là một giá trị gia tăng của dự án.

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi can thiệp, giám sát và đánh giá để biết thêm những thay đổi khác về kiến thức, thái độ và hành vi của thanh thiếu niên.

Định hướng tương lai

MCNV sẽ duy trì các hoạt động dự án ở 2 xã A Túc và A Xing, huyện Hướng Hóa, và tìm cách nhân rộng mô hình đến các xã lân cận trong năm 2017 và 2018 để đem lại lợi ích cho khoảng 1.300 trẻ vị thành niên trong vùng. Chúng tôi sẽ tăng cường phát huy vai trò của các nhóm phụ huynh và trường học (bậc THPT và THCS) góp phần thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đơn vị y tế và Hội Y tế thôn bản để áp dụng các sáng kiến truyền thông trực tuyến cho trẻ vị thành niên.

Các bài học kinh nghiệm của dự án này sẽ được tài liệu hóa và chia sẻ với các ngành y tế địa phương và một số tổ chức có liên quan như Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Liên minh Barefoot Guide, ARROW, ADF, WGNRR.