Các ấn phẩm

MCNV nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị

Cuối tuần qua, tại thành phố Đông Hà đã diễn ra Hội nghị “Tăng cường hợp tác và triển khai chương trình viện trợ phi chính phủ nước ngoài (FNGO) tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2020 – 2025”

Sự kiện do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức vào ngày 2/10, có sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện Bộ Ngoại giao, Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ quốc tế…

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan và các tổ chức đối tác của tỉnh Quảng Trị trong đó có MCNV đã tham gia thảo luận về các chủ đề liên quan mật thiết tới sự phát triển của địa phương như hỗ trợ về kinh tế – xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả bom mìn, giải quyết các vấn đề xã hội.

Gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công đặc sắc từ tre nứa, dầu trẩu… sản xuất bởi cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) do MCNV hỗ trợ.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Phục hồi chức năng chuyên nghiệp để hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế phục hồi chức năng cơ sở, đồng thời đề xuất các lĩnh vực hợp tác triển khai mới như: Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, Quản trị công…  

Tại sự kiện, cùng 10 đơn vị, tổ chức tiêu biểu, MCNV đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về thành tích xuất sắc trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, giai đoạn 2014-2019.

Sự ghi nhận này là động lực để MCNV tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi của mình đồng hành cùng những bước phát triển của tỉnh Quảng Trị trong tương lai.

Các dự án đang được MCNV triển khai tại tỉnh Quảng Trị bao gồm:

*Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (PROSPER)

*Phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số;


*Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho các hộ gia đình người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số.

Read more

Ra mắt Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên

Sự kiện ra mắt và khai giảng năm học mới của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên là bước khởi đầu triển vọng của hành trình cùng trẻ khuyết tật khu vực Tây Bắc vươn tới ước mơ mà MCNV và các đối tác đang chung sức thực hiện…

Năm 2016, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong việc thành lập và vận động nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên đón những học sinh đầu tiên vào tháng 10/2019.

Với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, các nhà trợ Hà Lan, quỹ Thiện Tâm (Vingroup) và công ty PwC, tháng 10/2019, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên chính thức đi vào hoạt động. Tháng 12/2019, Trung tâm đón những học sinh đầu tiên.

Một giờ học kỹ năng vận động tại Trung tâm.

Được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên” triển khai bởi MCNV, nhiệm vụ chính của Trung tâm là phát hiện các trường hợp khuyết tật để tư vấn, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp, hỗ trợ trẻ khuyết tật tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng… Sau hai đợt tuyển sinh, hiện tại, Trung tâm hiện có 41 trẻ đang theo học và hỗ trợ can thiệp cá nhân cho 2 trẻ. Học sinh đến với Trung tâm thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau như tự kỷ, khuyết tật ngôn ngữ, khiếm thính…

Nằm trên diện tích gần 6.000 mét vuông, Trung tâm gồm 6 dãy nhà khang trang với tổng số 24 phòng trong đó có nhiều phòng chức năng như Điều hòa và Vận động, Can thiệp cá nhân…

Giáo viên hướng dân học sinh ghép hình và tập đếm trong giờ can thiệp nhóm.

Để đáp ứng nhu cầu dạy, học và trị liệu đặc thù, đa dạng, Trung tâm được trang bị đầy đủ các đồ dùng, công cụ giáo dục như bảng chữ cái, đồ xếp hình gỗ, bóng điều hòa cảm giác, cầu thăng bằng…với màu sắc tươi sáng, thiết kế thân thiện, phù hợp với trẻ khuyết tật.

Theo ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh Điện Biên có gần 4.000 học sinh ở các dạng khuyết tật như khuyết tật vận động, nghe nhìn, thần kinh. Trong số đó, rất nhiều học sinh không thể đến trường hoặc gặp phải khó khăn, trở ngại trong việc học tập, hòa nhập tại các trường phổ thông. Bởi vậy, sự ra đời của Trung tâm có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương.

Nhân dịp này, ông Lê Văn Quý đã bày tỏ mong muốn Trung tâm sẽ nỗ lực từng bước hoàn thiện phương pháp giáo dục đối với từng đối tượng trẻ khuyết tật, để các học sinh khuyết tật có thể coi Trung tâm là “mái nhà thứ hai”, “mang lại môi trường giáo dục phù hợp nơi các gia đình có thể tin tưởng gửi gắm con em mình.”

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập đồng thời đánh giá cao vai trò của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí phát biểu tại sự kiện

“Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập không chỉ có chức năng can thiệp sớm, phát hiện sớm để giúp trẻ có thể phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình, mà còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là hỗ trợ các nhà trường, các cơ sở giáo dục tại tỉnh Điện Biên thực hiện tốt phương thức giáo dục hòa nhập”, Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí nhận định.

Chia sẻ tại sự kiện, Giám đốc quốc gia MCNV, ông Phạm Dũng cho biết:

Giám đốc quốc gia MCNV, ông Phạm Dũng phát biểu.

“MCNV mong muốn Trung tâm sẽ không ngừng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xa hơn nữa sẽ đóng vai trò như là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho các Trung tâm tương tự của khu vực Tây Bắc. Việc hợp tác, kết nối mạng lưới và giúp đỡ nâng cao năng lực giữa các Trung tâm là rất quan trọng. Cũng như trước đây Trung tâm Đắk Lắk đã giúp Trung tâm Cao Bằng, Trung tâm Cao Bằng lại hỗ trợ trung tâm của tỉnh Phú Yên và giờ là trung tâm Điện Biên”.

Giáo viên và học sinh Trung tâm nhận quà từ các nhà tài trợ. Các phần quà gồm máy lọc nước, chăn mùa đông, quần áo ấm.

Read more

650 thùng ủ phân compost đến với Bến Tre

Đại diện các hộ gia đình tại thành phố Bến Tre nhận thùng compost. Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre

Trong tháng 8 vừa qua, tổng cộng 650 thùng ủ phân compost đã được trao cho cho 10 phường/xã của thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Trong số này, 600 thùng được trao cho các hộ gia đình và 50 thùng lớn được trao cho 4 điểm chợ và 10 trường học trên địa bàn thành phố Bến Tre.

Các hộ tham dự tập huấn xử lý rác thành phân bón. Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre

Cũng trong tháng 8/2020, 600 hộ gia đình mới tham gia dự án đã được tập huấn hướng dẫn xử lý rác thành phân hữu cơ bằng thùng ủ phân Compost; 350 hộ gia đình đã được tham gia tập huấn trồng rau an toàn từ phân hữu cơ.

Chương trình trao thùng compost và tập huấn được thực hiện trong đợt 2 dự án “Biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ để phát triển vườn rau xanh” được tài trợ bởi công ty UPS, nằm trong khuôn khổ chương trình Tăng quyền cho phụ nữ do MCNV triển khai.

Rau được bón bằng phân ủ từ rác hữu cơ. Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre

Dự án tập trung trang bị công cụ và kỹ năng cho các hộ gia đình để biến rác thải hữu cơ thành phân bón bằng quy trình đơn giản, hiệu quả. Vỏ trái cây, rau quả thừa, lá khô…được gom lại, bỏ vào thùng compost cùng với chế phẩm sinh học phụ trợ sau vài tháng sẽ phân hủy thành phân bón hữu cơ phục vụ cho việc trồng rau an toàn. Đây là giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm, làm xanh sạch đẹp môi trường cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

Read more

Từ tín dụng tiết kiệm đến nông nghiệp thông minh

Chị Trần Thị Kim Thúy bên khu vườn nhà. Ảnh: Trần Lê Hiệu

Kể từ năm 2009, dự án Tín dụng tiết kiệm do MCNV triển khai đã giúp hàng ngàn phụ nữ Bến Tre vươn lên thoát nghèo. Qua hơn 10 năm, dự án vẫn tiếp tục trao cho các chị em “hành trang” thiết thực để phát triển kinh tế.

Chị Trần Thị Kim Thúy (ấp Bình Hòa, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại) gắn bó với nghề nông đã 30 năm nay. Trồng rau màu mang lại nguồn thu nhập chính, vừa trang trải sinh hoạt gia đình và nuôi con ăn học.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, hai con chị Thúy theo học ngành cơ khí tại TPHCM rồi lần lượt được tuyển sang làm việc tại Nhật Bản. Chị Thúy tâm sự, các con đều đã trưởng thành, công việc ở nước ngoài ổn định, hoàn toàn tự lập, nên anh chị rất yên tâm và phấn khởi.

Ở nhà, hai vợ chồng tiếp tục chăm lo làm kinh tế. Qua quan sát, học hỏi từ các hộ lân cận, cũng như nghe các con chia sẻ về “nông nghiệp thông minh” ở nước ngoài, anh chị quyết định từng bước đầu tư vào các thiết bị công nghệ cao hỗ trợ việc chăm bón vườn rau.

Đầu năm 2020, với sự tài trợ của Quỹ MfM (Hà Lan), dự án Tín dụng tiết kiệm thuộc chương trình Tăng quyền cho phụ nữ do MCNV triển khai được mở rộng đến thị trấn Bình Đại nơi chị Thúy sinh sống. Được biết về những lợi ích thiết thực mà mô hình này đã đem lại cho hàng ngàn phụ nữ tỉnh mình, chị Thúy nhanh chóng nắm bắt cơ hội trở thành thành viên của một trong 9 nhóm tín dụng tiết kiệm ở thị trấn Bình Đại.

Vốn vay tín dụng vi mô đã giúp chị Thúy trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại. Ảnh: Trần Lê Hiệu

Chị Thúy chia sẻ: “Tham gia nhóm, mình được tiếp cận với nguồn vốn vay gọn nhẹ, linh động, phù hợp với mục đích của mình. Mình đã vay 10 triệu đồng từ dự án, nhờ đó mà góp đủ tiền để lắp bộ thiết bị tưới nhỏ giọt trị giá 30 triệu đồng.”

Từ khi có hệ thống tưới, việc chăm sóc vườn rau của vợ chồng chị Thúy nhẹ nhàng đi đáng kể. Hệ thống tưới nhỏ giọt đã thay con người gánh vác những công đoạn tốn công sức. Thay vì gánh từng thùng nước nặng trĩu vai dưới trời nắng gắt, giờ chỉ cần vài thao tác điều khiển, nước đã được tự động bơm lên bằng máy, đi qua những ống dẫn, vòi phun tới từng gốc cây.

Tiết kiệm sức lao động chỉ là một trong rất nhiều những lợi ích mà tưới nhỏ giọt đem lại cho những hộ gia đình làm nông nghiệp như chị Thúy, khi nước được ngấm thẳng tới rễ cây, tăng hấp thụ. Thiết bị cũng cho phép người dùng điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp với nhu cầu của từng loại cây, giúp tiết kiệm, sử dụng nước có hiệu quả. Bên cạnh đó, tưới nhỏ giọt còn ngăn ngừa lãng phí nước do bay hơi, hạn chế cỏ dại và tránh xói mòn đất. Đây là những lợi ích thiết thực đối với những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và hạn mặn như tỉnh Bến Tre.

Ngắm nhìn những vòi phun mang những “cơn mưa nhỏ” tưới mát cho khu vườn, chị Thúy hồ hởi chia sẻ ước mơ: ” Hai vợ chồng đang cố gắng để đưa rau nhà trồng đi xa, hi vọng có thể được kết nối với các siêu thị, đảm bảo giá cả ổn định.”…

  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.
  • Dưới sự tài trợ của quỹ Microcredit for Mothers (MfM) (Hà Lan), năm 2020, dự án đã mở rộng tới địa bàn mới là thị trấn Bình Đại.
  • Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.

Read more

Tổng kết 5 năm Chương trình LEARN tại Lào

Sau 5 năm triển khai, chương trình Công bằng qua Mạng Phân tích chính sách và Nghiên cứu (LEARN) do văn phòng MCNV tại Lào và các đối tác thực hiện dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU) đã hoàn thành. Sự kiện tổng kết đã diễn ra ngày 30-31/7/2020 tại thủ đô Viêng-chăn.

Sự kiện có sự tham dự của Trưởng Ban Hợp tác EU tại Lào, ông Bryan Fornari; Đại sứ EU tại Lào, ông Leon Faber; Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, ông Khamphone Phouthavong; Quyền Hiệu trưởng Đại học Khoa học Y tế Lào, tiến sĩ Bounthom Samountry; Giám đốc Viện Sức khỏe công cộng và nhiệt đới Lào, tiến sĩ Sengchanh Kounnavong.

Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm sáng 30/7. Ảnh: MCNV tại Lào

Ngày thứ nhất của sự kiện, các đại biểu đã tham gia thảo luận về những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm từ LEARN sau 5 năm triển khai chương trình, cũng như hoạch định cho những dự án kế tiếp có hiệu quả tương tự.

Ngày thứ hai của sự kiện được bắt đầu với lễ ra mắt số đặc biệt của chuyên san khoa học Global Health Action (Hành động vì Sức khỏe toàn cầu), trong đó đăng tải các công trình nghiên cứu từ 14 luận văn của các Thạc sĩ Y tế công cộng tại Đại học Khoa học Y tế Lào, được đào tạo trong khuôn khổ chương trình LEARN.

Bà Rebecca Derry, Giám đốc quốc gia MCNV Lào trao tặng chuyên san Global Health Action cho Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, ông Khamphone Phouthavong. Ảnh: MCNV tại Lào

Được thực hiện trong vòng 5 năm, 14 luận văn khai thác nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau về dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản tại Lào, như: Hiểu biết về sức khỏe sinh sản ở thanh thiếu niên, Các nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, Thực trạng thai chết lưu tại Lào, Thiếu máu ở tuổi vị thành niên, Chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình dành cho phụ nữ ở tuổi sinh sản…

Đáng chú ý, bên cạnh tập trung tìm giải pháp cho những vấn đề có tính dai dẳng như suy dinh dưỡng, mang thai ở tuổi vị thành niên, có những nghiên cứu đã chỉ ra được những thực trạng mới xuất hiện như gia tăng tình trạng béo phì ở thành thị tại Lào.

Lễ tốt nghiệp của các tân Thạc sĩ đợt 2 trong khuôn khổ LEARN. Ảnh: MCNV tại Lào

Sự kiện tổng kết LEARN khép lại với lễ tốt nghiệp của 10 tân Thạc sĩ Y tế công cộng tại Đại học Khoa học Y tế Lào. Trước đó, LEARN đã đào tạo được 9 Thạc sĩ, tốt nghiệp vào tháng 2/2020.

Được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu (EU), triển khai bởi MCNV Lào, với sự phối hợp của Đại học VU Amsterdam, Đại học Y tế công cộng Hà Nội. Chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực của các cơ sở y tế công cộng tại Lào, đặc biệt là Viện Y tế công cộng và nhiệt đới Lào và khoa Y tế công cộng, Đại học Khoa học Y tế Lào.

Read more

24 giáo viên Điện Biên lần đầu tiếp cận TEACCH

Cuối tháng 7 vừa qua, 24 cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên và nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với TEACCH – phương pháp giáo dục thân thiện với trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ – giao tiếp”.

Diễn ra từ ngày 27 – 30/7, khóa tập huấn là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa MCNV và Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên trong năm 2020.

TEACCH (Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp) là một chương trình tiếp cận theo suốt cuộc đời nhằm giúp những trẻ bị hội chứng tự kỷ mà mục tiêu của nó là trang bị cho trẻ một cuộc sống hữu ích trong gia đình và cộng đồng.

TEACCH được thực hành từ thập niên 1970 bởi các chuyên gia tâm lý, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học North Carolina, Mỹ. Ngày nay, TEACCH được sử dụng khá phổ biến tại hầu hết các bang ở Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ và Châu Á.

Bản chất TEACCH là quá trình dạy học có cấu trúc, trong đó tạo điều kiện tối đa những gì tiếp thu bằng thị giác, giảm thiểu những hướng dẫn bằng lời vốn gặp khó khăn ở trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ-giao tiếp.

Nhận thấy việc áp dụng Chương trình TEACCH có thể giúp giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên và các giáo viên dạy trẻ khuyết tật thực hiện các hoạt động hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ và trẻ có khó khăn về ngôn ngữ – giao tiếp được hiệu quả hơn nên MCNV và đối tác đã thống nhất tổ chức một lớp tập huấn áp dụng TEACCH, tăng cường năng lực cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên về kỹ năng kết hợp các kỹ thuật, phương pháp khác nhau trong chương trình can thiệp cho trẻ khuyết tật.

Trong 4 ngày tập huấn, dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Kim Quý, Giám đốc chuyên môn của Văn phòng Tham vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em (Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam), các học viên đã được làm quen với các khái niệm, kỹ thuật trong TEACCH, tiếp cận với cách vận dụng các lĩnh vực của TEACCH theo từng lứa tuổi cho trẻ như Bắt chước, Nhận thức, Vận động thô, Vận động tinh, Phối hợp mắt và tay, Kỹ năng ngôn ngữ, các yếu tố cơ bản của tiết dạy học thiết kế theo phương pháp TEACCH.

TS.Nguyễn Thị Kim Quý (áo đen) hướng dẫn các học viên thực hành áp dụng TEACCH.

Sau khóa tập huấn, các học viên đã có những hiểu biết cần thiết về TEACCH, và chia sẻ nhiều điều tâm đắc về phương pháp tiếp cận này:

Các nội dung, phương pháp dạy học theo TEACCH rất hữu ích và thực tiễn, sẽ được Trung tâm áp dụng vào công tác chỉ đạo chuyên môn, xây dựng hồ sơ giáo án cũng như giảng dạy trong năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.

(Chị Mai Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên).

“TEACCH là cách tiếp cận tập trung vào các kỹ năng của trẻ thay vì những hạn chế. Điều tôi tâm đắc nhất về khóa tập huấn là được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để thiết kế một tiết học theo phương pháp TEACCH.”

(Anh Cà Văn Thu, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, trị liệu và tư vấn, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên).

“Sau khóa tập huấn, tôi đã nhận thức được việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ – giao tiếp, và có cách can thiệp kịp thời cho trẻ mang lại hiệu quả rất tốt. Tôi sẽ nghiên cứu nâng cao nhận thức để có thể phát hiện sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ và có thể dùng TEACCH để xây dựng hoạt động thử áp dụng hỗ trợ lồng ghép can thiệp cho 1 số trẻ qua quan sát và đối chiếu với TEACCH chủ yếu là trẻ tự kỷ mức độ nhẹ.”

Chị Phạm Thanh Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Công Chất, huyện Điện Biên).
  • Điện Biên là tỉnh biên giới phía Tây Bắc Việt Nam, dân số là gần 550.000 người. Theo số liệu khảo sát tại thời điểm năm 2018, toàn tỉnh hiện có 3.041 trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-18 tuổi.
  • Từ năm 2014, MCNV bắt đầu các hoạt động hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại tỉnh Điện Biên. Từ năm 2016, MCNV và Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong việc thành lập và vận động nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên.
  • MCNV và Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã thành công trong việc vận động được Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn VINGROUP cam kết nguồn tài chính xây dựng một phần cơ sở vật chất cho Trung tâm, gồm 01 dãy nhà 02 tầng gồm 08 phòng.
  • Tháng 10/2019, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên chính thức đi vào hoạt động.
  • Tháng 12/2019, Trung tâm bắt đầu nhận trẻ khuyết tật vào học. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận chăm sóc và giáo dục bán trú cho 40 trẻ khuyết tật các dạng, tuổi từ 3 đến 15.
Read more

MCNV xây tặng sân chơi, mang niềm vui cho hàng trăm em nhỏ dân tộc Vân Kiều tỉnh Quảng Trị

Hai sân chơi mới được xây dựng tại thôn Hoong (xã Hướng Linh) và thôn Moi (xã Hướng Sơn) hứa hẹn sẽ mang tới một mùa hè vui tươi, bổ ích và an toàn cho hàng trăm em nhỏ dân tộc Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).

Hai sân chơi được thiết kế với màu sắc sinh động, thân thiện với trẻ em lứa tuổi từ 5 đến 12. Ở những cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện biên giới Hướng Hóa, thiếu thốn cơ sở vật chất như sân chơi trẻ em là tình trạng thường thấy, dẫn tới việc các em vui chơi ở những môi trường nhiều rủi ro như bờ sông, lề đường hoặc thiếu vệ sinh như sân nhà, nơi gia súc được chăn thả. Nhu cầu về không gian vui chơi lành mạnh, an toàn lại càng trở nên cần thiết khi hè đến.

Từ bãi đất trống các sân chơi đã được xây dựng, giúp trẻ em có chỗ vui chơi an toàn, bổ ích. Ảnh: Lê Minh Vũ

Từ tháng 8/2018 tới nay, tổng cộng 09 sân chơi với tổng kinh phí 5.500 euro (140 triệu đồng) đã được Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) xây tặng trẻ em huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Các sân chơi được tài trợ bởi quỹ Suus Van Hekken, doanh nghiệp Hội An Roastery và những nhà tài trợ cá nhân của MCNV. Xây dựng sân chơi là một hoạt động thuộc dự án “Hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số” do MCNV khởi động tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vào năm 2017. Từ năm 2019, dự án có tên là “Phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số”.

Sân chơi mang lại niềm vui cho hàng trăm em nhỏ dân tộc Vân Kiều huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Lê Minh Vũ)

Mục tiêu chính của dự án là giải quyết các vấn đề trẻ em gái trong độ tuổi 12-19 tại địa phương gặp phải như bỏ học, mang thai ngoài ý muốn, tảo hôn, thất nghiệp. Trong quá trình triển khai dự án tại cộng đồng, MCNV đã nhận thấy thực trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em trên địa bàn huyện Hướng Hóa và quyết định hỗ trợ cho hạng mục này.

Trong hai năm qua, khoảng 1.000 trẻ em dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với những sân chơi vui tươi, bổ ích, an toàn. Những không gian vui chơi tốt sẽ phát huy vai trò thiết thực và tích cực trong việc hỗ trợ phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em, từ đó mang lại lợi ích gián tiếp cho gia đình và cộng đồng trẻ em sinh sống, cũng như khuyến khích sự quan tâm đối với trẻ em từ các cấp, ngành, địa phương.

Read more

Ra mắt “ngôi nhà” Hoạt động trị liệu trực tuyến Việt Nam

Là một trong những chuyên ngành của Phục hồi chức năng, Hoạt động trị liệu (trị liệu bằng hoạt động) có vai trò quan trọng trong việc cải thiện các hoạt động hàng ngày của con người, đã bị suy giảm/mất đi do khuyết tật, tai nạn, bệnh tật. Các hoạt động này có nhiều mức độ, từ cơ bản nhất như tự di chuyển, ăn uống, tắm rửa cho tới cao hơn là nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho tới phức tạp nhất như giao lưu xã hội, học tập, làm việc.

Trên thế giới, Hoạt động trị liệu (HĐTL) có một lịch sử phát triển khá lâu đời. Tại Mỹ và Châu Âu, các hiệp hội HĐTL đã có mặt trên 100 năm. Ở nhiều nước Châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, chuyên ngành này cũng đã phát triển sớm từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Tại Việt Nam, HĐTL vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, và do đó nhận thức về ngành cũng như nguồn nhân lực cho ngành đều còn hạn chế.

Nắm bắt được thực tế này, năm 2015, dự án Phát triển ngành HĐTL tại Việt Nam đã được khởi động. Dự án được triển khai bởi MCNV, dưới sự tài trợ của USAID thông qua tổ chức Humanity & Inclusion (HI).

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho ngành HĐTL của Việt Nam thông qua đào tạo giảng viên bậc Đại học, dự án hướng tới việc phát triển ngành HĐTL với tầm nhìn dài hạn, trong đó có việc xây dựng một mạng lưới kết nối các nhà HĐTL. Website HĐTL Việt Nam ra mắt tháng 7/2020 là một trong những nỗ lực của dự án nhằm đạt được mục tiêu này.

Với hai ngôn ngữ Việt – Anh, website là kênh thông tin chính thức và chuyên nghiệp đầu tiên về HĐTL tại Việt Nam, cung cấp nền tảng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm về lĩnh vực mới mẻ nhưng giàu tiềm năng này.

Các nhà HĐTL, sinh viên ngành Y, học sinh cuối cấp Trung học phổ thông cũng như bất kỳ cá nhân, tổ chức, cộng đồng quan tâm, đều có thể tìm thấy những thông tin cần thiết về kỹ thuât HĐTL, ứng dụng trong đời sống cũng như văn bản pháp quy, giáo dục-hướng nghiệp HĐTL.

–> Ghé thăm “ngôi nhà” chung của HĐTL Việt Nam tại địa chỉ otvietnam.net!

Read more

Nghĩa cử đẹp của một tổ nhóm hợp tác

Hôm nay (ngày 10/7) chúng tôi có dịp tới thăm tổ may gia công xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên tới vùng dự án chương trình Tăng quyền cho phụ nữ (WE) của MCNV trong năm 2020.

Là 1 trong số 19 tổ nhóm hợp tác do Quỹ Jumpstart (Hà Lan) tài trợ, tổ may được thành lập vào tháng 1/2019, đã tạo công ăn việc làm cho 20 thành viên với sản phẩm chính là trang phục nữ, ga trải giường…Thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi thành viên là 3-4 triệu đồng và được đánh giá là nguồn sinh kế phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang ngày càng khắc nghiệt tại tỉnh Bến Tre.

Từ tháng 3/2020, do đại dịch COVID-19, lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ, việc sản xuất kinh doanh của nhóm cũng bị tạm dừng. Sự xáo trộn này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các thành viên tổ nhóm may xã Tân Thiềng. Thế nhưng, thay vì lo lắng, hoang mang, các thành viên của nhóm đã sử dụng khoảng thời gian trống này cho một hoạt động rất ý nghĩa : May khẩu trang vải miễn phí tặng cộng đồng.

20 thành viên cần mẫn, cùng sự tiếp sức của trưởng nhóm Nguyễn Thị Ngọc Yến, người đã bỏ tiền túi để trả công khuyến khích các chị em may khẩu trang (1.000 đồng/sản phẩm), trong tháng 3 và 4/2020, hơn 10.000 chiếc khẩu trang vải đã được hoàn thành. Số khẩu trang này đã được trao tặng cho người dân trong xã Tân Thiềng cũng như huyện Chợ Lách, trong đó, một nửa số khẩu trang (5.000 chiếc) đã được tặng cho các trường học trên địa bàn.

Không chỉ tạo sinh kế cho chị em phụ nữ khó khăn, tổ nhóm may Tân Thiềng còn tạo điểu kiện để các thành viên thể hiện ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, góp phần đẩy lùi đại dịch.

Với những đóng góp đó, vừa qua, tổ nhóm may Tân Thiềng đã được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre

Từ tháng 6/2020, sau khi dịch đã được khống chế, tổ may đã khôi phục hoạt động sản xuất với tinh thần phấn khởi, nhiệt huyết.

Cùng chờ đợi những cập nhật mới về hoạt động của tổ nhóm nhé!

Read more

Lan tỏa thông điệp cộng đồng bảo vệ rừng qua hội trại

Cuối tuần qua, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tổ chức sự kiện hội trại  “Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”.

Hội trại diễn ra tại khu vực đèo Sa Mù, thuộc địa phận xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ở độ cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển.

Hơn 1.000 người đã đến tham dự sự kiện độc đáo này, gồm đại diện chính quyền, các cơ quan, ban ngành liên quan tại địa phương, đông đảo du khách và đồng bào dân tộc ít người sinh sống tại các thôn, bản khu vực vùng đệm của rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Hội trại “Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Hoạt động này cũng hướng đến kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (7/7/2010 – 7/7/2020).

Đến với hội trại, khách tham quan được khám phá đời sống đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Vân Kiều qua những căn trại đẹp mắt, được dựng lên từ những vật liệu thiên nhiên như tre, mây, tranh, cọ, trang trí bằng những công cụ độc đáo của bà con như “a đư”, “a chói”, “a noác”…

Mỗi trại là một gian trưng bày các lâm sản ngoài gỗ và nông sản đặc trưng của địa phương, với điểm nhấn là những đồ dùng, đồ lưu niệm được chế tác một cách tinh tế do các nhóm sản xuất tre ở các thôn Cù Bai (xã Hướng Lập), thôn Trăng – Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) với sự hỗ trợ của MCNV. Đây cũng là những sáng kiến được đại diện lãnh đạo ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương đánh giá cao khi tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc ít người phát triển sinh kế nhờ khai thác lâm sản ngoài gỗ hiệu quả gắn với công tác quản lý rừng bền vững.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông về công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, hội trại đã ghi dấu trong lòng du khách với những hoạt động thể thao, thưởng thức ẩm thực, vui chơi giải trí, nổi bật là màn trình diễn sôi động của ban nhạc Tiamo, những điệu múa vui tươi quanh lửa trại.

Chương trình khép lại với buổi tọa đàm kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, với những câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ về quãng đường đã qua, cũng như những định hướng, mục tiêu trong thời gian tới.

Trước mắt, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và MCNV đang tiếp tục lập kế hoạch cho các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới với trọng tâm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời giúp cộng đồng sống gần rừng phát triển sinh kế một cách bền vững. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2020 – 2022.

Read more