Đại diện NACCET, MCNV và Trường ĐH KTYT Hải Dương trao chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn về HĐTL cơ bản cho học viên.
61 học viên từ 04 tỉnh Kon Tum, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam vừa hoàn thành khóa đào tạo Hoạt động trị liệu cơ bản trong Phục hồi chức năng trong khuôn khổ Dự án Hòa Nhập.
Hoạt động trị liệu (HĐTL) là ngành quan trọng trong lĩnh vực Phục hồi chức năng (PHCN). HĐTL đóng góp trực tiếp vào việc đạt được đích đến sau cùng của PHCN là giúp người bệnh, người khuyết tật (NKT) tăng cường khả năng thực hiện các hoạt động chức năng trong sinh hoạt hàng ngày, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, tại Việt Nam, HĐTL vẫn chưa được phát triển theo nhu cầu cần có, do thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật.
Trong bối cảnh đó, khoá đào tạo 9 tháng Hoạt động trị liệu cơ bản trong Phục hồi chức năng do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y tế (ĐH KTYT) Hải Dương triển khai trong khuôn khổ Dự án Hòa Nhập được kỳ vọng sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu kiến thức, kỹ năng thực hành một số kỹ thuật chuyên môn cơ bản về HĐTL của cán bộ y tế đang công tác tại các đơn vị PHCN trên địa bàn các tỉnh Dự án.
Với thời lượng 9 tháng (11/2023-7/2024), khóa đào tạo gồm 03 học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 10-15 tuần, với tổng số 1500 giờ đào tạo và 21 kỹ thuật HĐTL được các giảng viên Trường ĐH KTYT Hải Dương, có trình độ Thạc sỹ HĐTL tốt nghiệp từ Đại học Manipal, Ấn Độ, giảng dạy. Các nội dung giảng dạy gồm: Lượng giá, lập kế hoạch và can thiệp HĐTL, kỹ thuật can thiệp HĐTL đối với tổn thương não mắc phải, tổn thương tủy sống, trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, HĐTL trong ngoại khoa, nhi khoa, thiết kế và sản xuất các dụng cụ trợ giúp sinh hoạt…
Tính từ năm 2019 đến nay, đây là khóa đào tạo thứ ba về HĐTL với thời lượng từ 9 đến 12 tháng do MCNV phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức từ nguồn tài trợ của USAID. Tuy nhiên, đây là khóa học đầu tiên được triển khai theo hình thức giảng dạy kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Mỗi kỳ học, học viên sẽ tham gia học lý thuyết trực tuyến; sau đó, thực hành lâm sàng trực tiếp tại Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế và Bệnh viện PHCN tỉnh Thừa Thiên – Huế. Do đó, thời gian xa nhà của học viên không quá dài, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia khóa học.
Giảng viên chủ nhiệm lớp, ThS.Nguyễn Khắc Tuấn, Khoa PHCN, Trường ĐH KTYT Hải Dương chia sẻ: Hình thức dạy trực tuyến có thuận lợi là học viên có thể học ở bất cứ đâu. Nhằm tăng cường tương tác trong giảng dạy trực tuyến, giảng viên sử dụng các video minh họa sinh động cho bài giảng, vận dụng các công cụ hỗ trợ trực tuyến như chức năng chia “phòng thảo luận” trên nền tảng Zoom để chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ. Nhờ đó, học viên được tham gia thảo luận nhóm nhiều hơn, tăng thêm cơ hội tương tác và khả năng phản biện.
Chia sẻ cảm nhận về khóa đào tạo, học viên của khóa học, chị Đỗ Thị Hương Loan, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Kon Tum cho biết:
“Việc học lý thuyết trực tuyến rất thuận tiện đối với những người đi làm như tôi, giúp tôi vừa đảm bảo được công việc chuyên môn và chăm sóc gia đình. Trước khóa học, tôi hơi lo lắng vì thời gian học lý thuyết trực tuyến kéo dài liên tục, nhưng nhờ tinh thần giảng dạy nhiệt tình, vui vẻ của các thầy cô, bài giảng với hình ảnh sinh động, kèm theo nhiều bài tập xử lý tình huống, nên mỗi buổi học trực tuyến đều rất thú vị. Tôi không gặp khó khăn với việc tập trung học và tiếp thu bài dễ dàng”.
Đây cũng là khóa học đầu tiên được thực hiện với 100% giảng viên là người Việt Nam thay vì phải mời chuyên gia nước ngoài như các khoá đào tạo trước, vốn gặp khó khăn trong quá trình chuyển ngữ và ít nhiều khác biệt về văn hoá. Điều này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc truyền tải các kiến thức, kỹ năng về HĐTL – một chuyên ngành mà các yếu tổ văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng. Đồng thời, thầy và trò có thêm nhiều thời gian hơn cho hoạt động dạy và học.
Tại lễ bế giảng khóa đào tạo diễn ra ngày 26/7/2024, tổng số 61/61 học viên được công bố đạt tiêu chuẩn cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn HĐTL/PHCN cơ bản, với tỉ lệ xếp loại giỏi chiếm trên 70%. Mô hình đào tạo kết hợp trực tuyến và trực tiếp cũng được nhiều đại biểu tham dự là đại diện của đơn vị Chủ dự án, các Sở Y tế, Sở Ngoại vụ các địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và đề nghị tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Sau khóa học, các cán bộ y tế sẽ trở về địa phương, tham gia vào việc cung cấp dịch vụ HĐTL và góp phần vào việc tăng cường chất lượng dịch vụ PHCN cho bệnh nhân và NKT.
Về Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2:
• Nhà tài trợ: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
• Chủ dự án: Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET).
• Đơn vị quản lý: Trung tâm Sáng kiến và Sức khỏe Dân số (CCIHP) và tổ chức Humanity & Inclusion Vietnam (HI).
• Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) là một trong những đơn vị thực hiện Dự án, trực tiếp thực hiện hợp phần đào tạo nguồn nhân lực PHCN.