Trong hai ngày 14-15/4/2021, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã tới thăm dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” (PROSPER) do MCNV thực hiện ở tỉnh Quảng Trị.
Chuyến thực địa là dịp để nhà tài trợ EU và tổ chức MCNV nhìn lại những kết quả mà dự án đã đạt được trong năm đầu tiên một cách trực quan thông qua tham quan các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên, vườn ươm… của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR), các hợp tác xã tham gia dự án, như vùng trồng thông, trồng keo của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Hưng (Hải Phú, Hải Lăng); vườn ươm keo giống chất lượng cao của HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn (Cam Nghĩa, Cam Lộ).
Song song với đó, đoàn cũng đã gặp gỡ, trao đổi với các Chi hội CCR, các ban quản lý rừng cộng đồng, các hộ dân được hưởng lợi của thôn Hồ (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa), HTX nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây và Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa).
Các chi hội đã giới thiệu với đoàn về các hoạt động đã và đang được triển khai trong một năm kể từ khi tham gia dự án như: xây dựng quy ước quản lý rừng bền vững, tuần tra, giám sát, kết hợp nuôi dưỡng rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ…
Bên cạnh đó, đại diện các nhóm hưởng lợi cũng chia sẻ về kế hoạch hoạt động trong năm tiếp theo, tập trung vào quản lý rừng bền vững gắn với sinh kế cộng đồng, như mở rộng diện tích trồng trẩu (loài cây bản địa nhiều tiềm năng kinh tế), tham gia chuỗi cung ứng trẩu bền vững, liên kết cộng đồng trong quản lý, kinh doanh mây tre có chứng chỉ FSC, phát triển du lịch sinh thái…
Dự án PROSPER có tổng giá trị 800.000 euro (trong đó 600.000 euro do EU tài trợ, 200.000 euro do MCNV tài trợ) được triển khai tại tỉnh Quảng Trị từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2023.
Dự kiến đặt mục tiêu sẽ có 60 chi hội/nhóm của khoảng 3.000 nông dân là chủ rừng hộ gia đình, hợp tác xã và cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi từ Dự án. Sau 3 năm thực hiện, dự án sẽ tăng thêm 1.500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC® và 600 ha rừng tự nhiên được chứng nhận quản lý rừng bền vững.
Tới nay, sau 1 năm triển khai, trong bối cảnh nhiều thách thức do đại dịch COVID-19 và thiên tai, dự án đã nỗ lực triển khai được nhiều hoạt động đóng góp vào quản lý rừng bền vững như: hỗ trợ các nhóm chủ rừng trong tham gia chứng nhận FSC, thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững lâm sản ngoài gỗ, phát triển vườn ươm keo giống chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng rừng, sử dụng ứng dụng quản lý dữ liệu về rừng trên điện thoại thông minh…
*Infographic kết quả dự án PROSPER sau 1 năm triển khai: