Lần đầu tiên những sản phẩm thổ cẩm của làng nghề truyền thống Xí Thoại (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã tới với thủ đô Hà Nội trong không gian trưng bày, giới thiệu làng nghề thổ cẩm Xí Thoại.
Chương trình diễn ra từ ngày 20/4/2024 tới hết ngày 15/5/2024 tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức.
Với sự tài trợ của MCNV, hai nghệ nhân Lê Thị Thu Điền và So Thị Chuyển đã đại diện các tổ nhóm sản xuất thổ cẩm tới Hà Nội tham dự lễ khai mạc sự kiện vào chiều 20/4 với những màn trình diễn dệt thổ cẩm tinh xảo và những sản phẩm thổ cẩm thủ công độc đáo, phong phú như áo, váy truyền thống, khăn choàng, ví cầm tay, hộp đựng bút, túi điện thoại…
Thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân có 219 hộ dân sinh sống, chủ yếu dân tộc Ba Na (chiếm 95%). Nghề dệt thổ cẩm nơi đây có lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển. Khởi đầu từ các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ, nhờ nét đẹp độc đáo riêng, thổ cẩm Xí Thoại dần được ưa chuộng và trở thành mặt hàng được buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên.
Điểm đặc biệt của thổ cẩm nằm ở bề mặt vải được dệt rất cầu kỳ, tạo nên những ô hoa văn nổi lên trông giống như được thêu tay, dù thực tế toàn bộ quá trình đều được thực hiện trên khung cửi. Dệt thổ cẩm rất công phu, vì người nghệ nhân phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu sao cho đúng. Nếu trong quá trình dệt có lỗi sai hay quên thì phải tháo ra và sửa ngay lại chỗ đó.
Trên các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Ba Na, hoạ tiết thường thấy là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời – đất, âm – dương, rừng núi, lá hoa. Mỗi tấm thổ cẩm là một bức tranh thu nhỏ miêu tả thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Màu sắc chủ đạo của thổ cẩm Ba Na là trắng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sự vươn lên, sức sống và tình yêu. Màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, thiên nhiên. Màu đen cũng là màu sắc được người Ba Na tôn sùng hơn cả.
Trước nguy cơ nghề truyền thống dần mai một, những năm gần đây, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có nhiều nỗ lực tích cực để bảo tồn phát huy thổ cẩm Xí Thoại.
Trong khuôn khổ “Dự án Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân” đồng tài trợ bởi quỹ GSRD (Hà Lan) năm 2023, MCNV đã hỗ trợ bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn Xí Thoại bằng các hoạt động như: thành lập, điều phối các tổ hợp tác, tổ chức tham quan học tập tại Hợp tác xã tỉnh bạn, các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, hỗ trợ trang thiết bị và dụng cụ, liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, quảng bá tiếp thị sản phẩm..Hiện nay tổ hợp tác dệt thổ cẩm Xí Thoại do MCNV hỗ trợ có 22 thành viên và có thể mở rộng thêm nếu phát triển thị trường tốt.
“Mình đam mê dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ. Nhưng trước đây đa phần là dệt áo váy, khăn choàng truyền thống thôi. Gần đây, được Dự án tạo điều kiện tham gia tập huấn, đi học hỏi ở hợp tác xã bạn tại Quảng Nam, mình và các chị em trong tổ đã biết làm thêm nhiều sản phẩm mới, hiện đại hơn như những chiếc ví, chiếc túi rút. Đây là lần đầu tiên mình mang sản phẩm tới thủ đô Hà Nội. Sau chuyến đi này, mình sẽ tiếp tục học hỏi để dệt được nhiều sản phẩm hơn nữa, quảng bá rộng hơn về thổ cẩm Xí Thoại và truyền nghề cho thế hệ trẻ trong cộng đồng!”
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình Giới thiệu làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biếtêt: Đây là lần đầu tiên Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với khu vực miền Trung tổ chức sự kiện quảng bá về nghề dệt thổ cẩm, bày tỏ mong muốn các đơn vị giao lưu, giới thiệu về nghề, nét đặc trưng và nét đẹp của văn hóa vùng miền tới người dân trên cả nước.
TS.Trần Đoàn Lâm, nhà nghiên cứu văn hoá, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam đánh giá cao thổ cẩm Xí Thoại ở góc độ một di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh Phú Yên, dựa trên hai yếu tố là những đặc trưng về hoạ tiết, hoa văn thể hiện bản sắc dân tộc và những bí quyết của từng công đoạn như dệt may, cách dàn sợi trên khung dệt…
Theo TS. Trần Đoàn Lâm, sự kiện Giới thiệu thổ cẩm Xí Thoại diễn ra tại thủ đô Hà Nội – “tấm gương phản chiếu những tinh tuý vùng miền của đất nước, cũng như “đầu tàu của cả nước về bảo tồn, phát huy di sản” sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm văn hoá, du lịch của tỉnh Phú Yên, mở ra triển vọng về đầu ra cho các hộ làm nghề, cũng như tiềm năng phát triển du lịch làng nghề trong tương lai.
Clip sự kiện khai mạc chương trình Giới thiệu làng nghề thổ cẩm Xí Thoại: