Tin tức

Khởi động dự án Inclusion 3 tại tỉnh Tây Ninh

Cuối tháng 5/2022, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), thuộc Bộ Quốc phòng, Sở Lao động- Thương binh – Xã hội và Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (dự án Hòa nhập 3) – hợp phần tại tỉnh Tây Ninh”.

Bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhà thầu quản lý – Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và các nhà thầu thực hiện dự án, gồm tổ chức MCNV, Tổ chức Hỗ trợ người Khuyết tật Việt Nam (VNAH), Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth), Công ty Tư vấn Giáo dục Hoàng Đức, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD).

Ông Nguyễn Quốc Hùng (NACCET) phát biểu tại Hội nghị.

Được thực hiện trong giai đoạn từ 2021-2026, dự án Hòa nhập do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với NACCET là cơ quan chủ quản, được triển khai tại 8 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.

Hợp phần tại tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tổng quát là hỗ trợ trực tiếp cho 7.500 người khuyết tật, cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống của 75% trong số này (khoảng 5.625 người).

Bà Nguyễn Thị Phương Nhung (tổ chức CSIP) phát biểu tại Hội nghị.

Mục tiêu chung của dự án được xây dựng từ 4 mục tiêu cụ thể là: mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng (PHCN), dịch vụ xã hội, cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của NKT và tăng cường năng lực quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ NKT của các cấp, các ban ngành liên quan. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kế hoạch triển khai các hoạt động dự án, thảo luận và thống nhất về cơ chế phối hợp, điều phối, lập kế hoạch, báo cáo của các bên liên quan trong quá trình triển khai dự án tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra về các mặt chất lượng, số lượng cũng như tiến độ.

Là một trong những nhà thầu thực hiện, MCNV sẽ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ PHCN tại tỉnh Tây Ninh thông qua hoạt động huấn luyện kỹ năng lâm sàng cho 15 cán bộ PHCN (12 cán bộ vật lý trị liệu, 3 cán bộ ngôn ngữ trị liệu) trong thời gian 6 tháng (tháng 6/2022 đến tháng 12/2022).

ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Công tác huấn luyện sẽ được triển khai theo hình thức ghép cặp 1 huấn luyện viên – 1 học viên hoặc theo nhóm (tối đa 3 học viên), kế hoạch huấn luyện được xây dựng cho từng học viên. Chương trình huấn luyện NNTL được thực hiện trực tuyến và với VLTL sẽ là trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiến sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, 15 kỹ thuật viên, cán bộ thực hành PHCN sẽ cung cấp dịch vụ PHCN chất lượng tới 540 bệnh nhân và 129 NKT và cải thiện chức năng cho100 NKT trong số này./.