Tin tức

Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh: Những nét phác họa đầu tiên

Trái ngược hẳn với ấn tượng “xứ cát trắng, gió Lào” khi nói đến Quảng Trị, huyện Hướng Hóa có khí hậu quanh năm ôn hòa, dịu mát. Đây cũng là vùng đất của những danh thắng thiên nhiên thơ mộng, nổi tiếng với những ngọn thác hoang sơ, kỳ vỹ. Một trong số đó là thác Chênh Vênh.

Thác Chênh Vênh thuộc địa phận thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nằm giữa núi rừng hoang sơ, với dòng nước trong lành, mát lạnh, địa danh này bắt đầu được biết đến rộng rãi trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ sự phát triển của thông tin liên lạc và điều kiện giao thông.

Vào những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, thác Chênh Vênh trở thành địa điểm thư giãn, nghỉ ngơi lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Trị. Ở đây, người ta có thể thỏa sức bơi lội, câu cá, nhóm lửa trại… mà không cần trả bất kỳ một khoản phí nào.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Chênh Vênh. Ảnh: MCNV

Du lịch miễn phí có tính hấp dẫn cao, tuy nhiên kèm theo đó là những nguy cơ mất an toàn. Thác ở Hướng Hóa đa số có vách đá cao hiểm trở, trơn trượt, nhiều hầm, hố sâu, nước chảy xiết. Trong khi đó, phần lớn những con thác này lại chưa được đưa vào quản lý, nên các khu vực nguy hiểm không được khoanh vùng, dựng biển báo, không có lực lượng cứu hộ trực xung quanh. Thác thường nằm cách xa khu dân cư nên khi sự cố phát sinh thì việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, một bộ phận khách tham quan còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức và kỹ năng an toàn cũng như đồ dùng phòng hộ. Những yếu tố này đã dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Trong 4 năm trở lại đây, riêng tại khu vực thác Chênh Vênh đã có 2 trường hợp đuối nước tử vong, xảy ra gần nhất vào tháng 5/2020.

Đá suối trơn trượt, nước chảy xiết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại thác Chênh Vênh. Ảnh: MCNV

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với du khách, du lịch tự phát còn có khả năng tác động xấu lên môi trường, khi không được quy hoạch, quản lý, giám sát chặt chẽ. Thói quen xả rác bừa bãi, tự đốt lửa nấu ăn, hút thuốc…của một số du khách có thể dẫn tới nhiều hậu quả như ô nhiễm nguồn nước, đất, cháy rừng…

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của danh thắng địa phương để tạo nên các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hướng Hóa đã lên kế hoạch tổng thể phát triển du lịch, trong đó có việc quản lý và khai thác những thác nước đẹp trên địa bàn như thác Chênh Vênh.

Đồng hành cùng địa phương trong việc triển khai kế hoạch này là Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV). Từ mối gắn kết hơn 50 năm với tỉnh Quảng Trị, MCNV đã và đang thực hiện nhiều dự án cộng đồng tại huyện Hướng Hóa, trong đó có dự án ”Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (dự án PROSPER, do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ).

MCNV và đại diện chính quyền cùng người dân xã Hướng Phùng họp về kế hoạch phát triển du lịch. Ảnh: MCNV

Trong khuôn khổ dự án này, MCNV đang thực hiện các hỗ trợ phát triển du lịch thác Chênh Vênh, với các hoạt động đầu tư vào cảnh quan gồm: dựng lán tre cho khách tham quan thuê, trang bị thùng rác và đào hố xử lý rác thải, lắp đặt biển chỉ dẫn, bảng thông tin về rừng cộng đồng, thành lập đội quản lý, bảo vệ du lịch thác…

Đội ngũ phục vụ và quản lý được lựa chọn từ chính các thành viên tổ bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh. Gần đây MCNV cũng đã phối hợp với trạm y tế xã Hướng Phùng tập huấn cho Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh về các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động.

Các lán tre đã được dựng ở khu vực thác Chênh Vênh. Ảnh: MCNV

Được biết, trong thời gian vài ngày cuối tháng 4 – đầu tháng 5/2021, lượng khách tới với khu du lịch thác Chênh Vênh khá đông. Trong những 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, doanh thu từ việc thu phí du lịch đạt 4 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với những người làm dịch vụ ở thác Chênh Vênh. Từ chỗ du lịch tự phát, từ khi đi vào khai thác chính thức, du khách đến đây đóng phí du lịch (120.000đ/lán tre và 10.000đ/người/phí vào cổng), trong đó 50% số tiền được trả cho người tham gia phục vụ, 50% đóng góp vào Quỹ bảo vệ rừng của thôn Chênh Vênh.

Hoạt động dọn dẹp rác thải tại thác Chênh Vênh do một thành viên tổ bảo vệ rừng thực hiện. Ảnh: MCNV

Trong thời gian tới, dự án sẽ triển khai thêm các quầy hàng ăn uống, bày bán các nông sản địa phương tại khu du lịch thác Chênh Vênh, đồng thời sẽ hỗ trợ cho đội ngũ phục vụ du lịch tại đây được tham gia các khóa tập huấn kĩ năng như hướng dẫn khách, thuyết minh, đón tiếp, nấu ăn, bán hàng để nâng cao tính chuyên nghiệp.

Lá cọ được thu gom để làm nguyên liệu dựng nhà truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Ảnh: MCNV

Thác Chênh Vênh là hạng mục đầu tiên trong tổ hợp “Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh” mà MCNV đang hỗ trợ xã Hướng Phùng thực hiện. Dự án được MCNV tài trợ 650 triệu đồng, được triển khai trong 6 tháng cuối năm 2021, bao gồm các hoạt động cải tạo, nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: xây dựng nhà sàn truyền thống của người Bru-Vân Kiều, các quầy bán nông sản. hệ thống nước sạch, nhà tắm sử dụng năng lượng mặt trời, cải tạo cảnh quan và lối đi bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương…

Xây dựng hồ cá phục vụ du lịch. Ảnh: MCNV

Sáng kiến này được triển khai dựa trên những lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng như vị trí thuận lợi của Chênh Vênh khi nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh nối với kỳ quan Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Đây cũng là nơi còn lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Vân Kiều – Pa Cô, với những nghề thủ công truyền thống như đan lát, thủ công mây tre, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, ẩm thực truyền thống.

Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh trong quá trình xây dựng. Ảnh: MCNV

Tính riêng năm 2018 và 2019, lượng du khách đến huyện Hướng Hóa đã tăng từ 10 – 16%, tương đương trên 30.000 lượt, trong đó có khoảng 14.000 lượt khách nước ngoài. Hiện tại do tình hình dịch bệnh phức tạp nên hoạt động du lịch trên cả nước đang tạm thời chững lại. Trong tương lai, khi dịch COVID-19 được kiểm soát và dự án hoàn thành, “Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh” sẽ trở thành một “mắt xích”, làm phong phú thêm chuỗi điểm đến cùng tuyến đường như tượng đài Chiến thắng Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri, di tích khảo cổ Khu công xưởng chế tác đồ đá Hướng Lập, đèo Sa Mù, động Brai, thác Tà Puồng, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của du lịch Việt Nam sau đại dịch./.