Tin tức

Kết quả khảo sát thực trạng sức khỏe tâm thần tại trường THPT tỉnh Quảng Trị

Ngày 8/9/2017, MCNV phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Trị tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng sức khỏe tâm thần học sinh Trung học phổ thông tỉnh Quảng Trị” với sự tham gia của đại diện Sở Giáo dục – Đạo tạo và Ban giám hiệu của 31 trường Trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng SKTT học sinh THPT đã được khảo sát vào tháng 5/2017 và tham vấn ý kiến đại biểu để xây dựng mô hình điểm can thiệp về vấn đề SKTT học sinh.

MCNV và Sở Giáo dục đào tạo Quảng Trị đã sử dụng bộ câu hỏi SDQ25 của WHO để tiến hành khảo sát SKTT toàn bộ học sinh THPT ở 3 Trường A Túc, Vĩnh Linh và Đông Hà đại diện cho 3 vùng miền khác nhau ở Quảng Trị: miền núi, đồng bằng và thành phố/thị xã. Mục đích khảo sát nhằm (i) xác định tỉ lệ học sinh có vấn đề về SKTT; (ii) tìm hiểu các yếu tố tố liên quan đến học sinh có vấn đề về SKTT.

Kết quả khảo sát cho thấy: trong tổng số 2.637 em tham gia khảo sát có 293 (11.08%) em có vấn đề về SKTT (tổng số điểm trả lời SDQ25 > 20) và 550 (20,86%) em nguy cơ có vấn đề về SKTT (tổng số điểm trả lời SDQ25 từ 16 – 19). Các yếu tố liên quan đến 293 em có vấn đề về SKTT là (i) hoàn cảnh kinh tế gia đình: các em có hoàn cảnh gia đình nghèo có vấn đề về SKTT cao nhất (23,15% với p < 0.001); (ii) số anh chị em trong gia đình: các em có hơn 5 anh/chị em có vấn đề về SKTT cao nhất (20,79% với p < 0.001) ; (iii) kết quả học tập: các em có kết quả học tập yếu có vấn đề về SKTT cao nhất (26,79% với p < 0.001); (iv) số lượng bạn thân: các em không có bạn thân có vấn đề về SKTT cao nhất (24,18% với p < 0.001); (v) tham gia các hoạt động ngoại khóa: các em không tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường có vấn đề về SKTT cao nhất (15,20% với p = 0.001)

Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Trị đã thống nhất cùng MCNV triển khai dự án SKTT ở trường THPT Vĩnh Linh trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến cuối năm 2018. Dự án nhằm mục đích góp phần cải thiện tình trạng SKTT học sinh thông qua “Mô hình can thiệp chăm sóc SKTT toàn diện” với các can thiệp chính (i) tư vấn và điều trị cho các em có vấn đề về SKTT; (ii) đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng tư vấn cho nhóm giáo viên; (iii) truyền thông nâng cao nhận thức về SKTT cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Dự án sẽ được MCNV và Sở Giáo dục đào tạo Quảng Trị đánh giá vào cuối năm 2018 và đề xuất nhân rộng mô hình trong tỉnh.