Tin tức

Trồng phục hồi rừng ở các điểm sạt lở

Tháng 11 vừa qua, người dân thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa) mang theo hạt trẩu và dụng cụ lao động đến các điểm sạt lở ở cánh rừng tự nhiên do người dân thôn này quản lý và bảo vệ để trồng lại rừng. Những điểm sạt lở này do thiên tai gây ra vào cuối năm 2020, mỗi điểm rộng hàng nghìn m2.

10ha rừng bị sạt lở ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn) được người dân trồng cây trẩu để phục hồi rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Sau một năm, các điểm sạt lở vẫn không có cây cối mọc lên, thậm chí là cỏ dại. Đợt này, người dân Ra Ly Rào trồng cây trẩu trên diện tích 10ha. Đây là đợt trồng cây phục hồi rừng ở các điểm sạt lở đầu tiên tại huyện Hướng Hóa. Việc trồng phục hồi rừng được thực hiện dưới sự tài trợ của Liên Minh Châu Âu/EU và MCNV (Dự án PROSPER).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình, cho hay người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. “Chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá khả năng bám rễ, giữ đất của cây trẩu ở các điểm sạt lở, tham vấn các bên liên quan rồi mới có phương án nhân rộng”, ông Tùng cho hay. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến 326ha rừng tự nhiên bị sạt lở, thiệt hại 100%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình (ngoài cùng, trái) cho biết: Người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Tham gia trồng cây, chị Hồ Thị Chung, cho biết rất phấn khởi vì được hỗ trợ trồng lại rừng, vừa phủ xanh, chống sạt lở, lâu dài cây trẩu cho quả để có thêm thu nhập. “Tôi mong muốn dự án hỗ trợ trồng thêm ở nhiều điểm sạt lở khác”, chị Chung nói. Ngoài ra, Dự án PROSPER còn hỗ trợ người dân các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn trồng trẩu, lõi thọ, lát hoa, xoan nhừ trên diện tích đất lâm nghiệp hộ gia đình. Đây là đất trống đồi trọc, không được nông dân canh tác do chất lượng đất không tốt và nông dân không có năng lực tài chính để trồng rừng.

Chị Hồ Thị Chung, một thành viên tham gia trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Việc này nhằm tăng độ che phủ rừng, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc thu nhặt hạt trẩu và chi trả dịch vụ môi trường rừng ở vùng rừng trồng thuộc lưu vực thủy điện. Trong năm 2021, Dự án PROSPER hỗ trợ trồng rừng trên diện tích gần 140ha ở các xã Hướng Phùng và Hướng Sơn. Trong năm 2020, Dự án PROSPER cũng đã hỗ trợ hơn 70 hộ gia đình ở các thôn Chênh Vênh và Mã Lai Pun (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa) trồng rừng trẩu xen với cây lõi thọ trên diện tích gần 120 ha đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình quản lý. MCNV đã và đang chia sẻ mô hình thông qua mạng lưới các tổ chức, nhà tài trợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm sự hợp tác nhân rộng mô hình.

Trẩu là cây bản địa ở huyện Hướng Hóa, trước đây thường mọc tự nhiên, những năm gần đây được người dân trồng để lấy hạt. Cây trẩu thường mọc ở vùng đất khô, ráo nước ở trong rừng thưa hoặc ven rừng rậm. Cây trung bình cao 10 đến 15m. Hạt trẩu được người dân bán với giá 8 đến 12 nghìn đồng mỗi kg hạt khô, dùng để ép lấy dầu, dùng trong công nghiệp sản xuất sơn, véc-ni, vật liệu phủ gỗ, mực in, keo bảo vệ vi mạch điện tử../.

Hoàng Táo