Tin tức

Cải thiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở Quảng Trị

Ngày 8/12/2016, MCNV đã phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Trị và Tổ chức Y tế vì Hòa bình (Medipeace) tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả đánh giá về thực trạng công tác giáo dục hòa nhập (GDHN) ở tỉnh Quảng Trị. Hội thảo diễn ra với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban ngành các cấp và các tổ chức có liên quan, bao gồm ngành giáo dục, ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành tài chính, ngành y tế, Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị, Hội Người khuyết tật, Hội Y tế thôn bản, Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ngoài việc chia sẻ kết quả đánh giá, MCNV, Medipeace và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cũng tham vấn ý kiến đóng góp của các bên liên quan về định hướng hoạt động hỗ trợ GDHN cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020.

Trước đó, trong tháng 10 và tháng 11/2016, MCNV đã hỗ trợ kĩ thuật và phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị thực hiện đợt khảo sát tại các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà để đánh giá tình hình GDHN hiện nay ở địa phương. Kết quả đánh giá được sử dụng để đề xuất định hướng can thiệp nhằm cải thiện chất lượng GDHN ở Quảng Trị trong thời gian tới. Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị có khoảng 37.000 người khuyết tật, trong đó có hơn 6.300 trẻ em khuyết tật, chiếm gần 1,1% so với dân số. Những phát hiện chính từ đợt đánh giá cho thấy ngành giáo dục và các ban ngành liên quan còn gặp nhiều thách thức trong hỗ trợ GDHN cho trẻ khuyết tật, đặc biệt trong việc thực thi các chính sách hiện có về GDHN, đảm bảo sự bền vững tài chính trong công tác GDHN, phối hợp liên ngành, xây dựng năng lực cho đội ngũ giáo viên và phụ huynh của trẻ khuyết tật, cải thiện cơ sở vật chất học đường phù hợp với nhu cầu và sự tham gia của trẻ. Tại hội thảo, các bên tham gia đã thống nhất về các giải pháp chính đối với GDHN trẻ khuyết tật ở Quảng Trị, bao gồm (i) Thiết lập  và phát triển bền vững hệ thống  hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp dịch vụ can thiệp sớm, giáo dục cho trẻ khuyết tật; (ii) chuyển đổi trường trẻ em khuyết tật (hiện đang là một trường giáo dục chuyên biệt) thành Trung tâm hỗ trợ GDHN và hoàn thiện cơ chế hoạt động của Trung tâm; và (iii) Phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực cho các bên liên quan.