Tin tức

Vun trồng những mùa vui

Giữa cái nắng oi ả ban trưa đầu mùa khô ở Bắc Hướng Hóa, anh Hồ Văn Dinh, 49 tuổi, ở thôn Nguồn Rào Pin (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một tay cầm rựa, men theo ven suối, thoăn thoắt sải bước tiến về hướng ngọn núi Tà Bang sừng sững.

Sau đợt thiên tai lịch sử diễn ra vào tháng 10/2020, những vết nứt lớn đã xuất hiện trên núi Tà Bang. Để đảm bảo an toàn cho bà con trước nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã khẩn trương tổ chức di dời 32 hộ dân sinh sống quanh chân núi tới nơi ở mới.

Sau một hồi leo dốc liên tục trên quãng đường gập ghềnh gần 2km, anh Dinh dừng lại, chỉ tay vào lô đất trống ngổn ngang đất đá ở lưng chừng núi: “Ở đó, anh trồng trẩu và lát hoa. Diện tích lô này là 1,6 héc-ta”. Từ xa nhìn lại, nơi anh Dinh nói tới trông giống như một vùng đất trống đồi trọc cằn cỗi, không gì có thể mọc nổi ngoài những vạt cỏ hoang và vài đám cây bụi thấp lưa thưa.

Thế nhưng, tiến lại gần một chút, là đã có thể thấy được thấp thoáng màu xanh tươi mới của những cây trẩu non, cao tầm một gang tay, đang vươn lên khỏi mặt đất, xen kẽ cùng những cây lát hoa.

Cây trẩu hơn 3 tháng tuổi trước đỉnh núi Tà Bàng. Ảnh: MCNV

“Nhà anh có 3 đứa con trai đều đã lập gia đình. Những cây này là vợ chồng anh, các con trai và con dâu cùng trồng trong 3-4 ngày liên tục. Trồng hơn 3 tháng rồi, nay anh có thể nói chắc chắn tỷ lệ sống của cây là gần 100% đấy”, anh Dinh hồ hởi kể, trong khi hai tay hối hả vun đất cho cây.

Gia đình anh Dinh là một trong 100 hộ gia đình ở 4 thôn (Hồ, Nguồn Rào Pin, Ra Ly Rào và Xy Ry) thuộc 2 xã Hướng Sơn và Hướng Phùng được dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (viết tắt: PROSPER) do Liên minh châu Âu (EU) và MCNV đồng tài trợ.

Anh Hồ Văn Dinh vun đất trồng trẩu. Ảnh: MCNV

Năm 2021, dự án PROSPER đã hỗ trợ một phần kinh phí nhân công lao động cho 100 hộ kể trên trồng trẩu hỗn giao với các loài cây bản địa khác (lõi thọ, lát hoa, xoan nhừ) với tổng diện tích 139,4 héc-ta. Công thức trồng cho mỗi héc-ta là 1.333 cây, bao gồm 1.067 cây trẩu và 266 cây bản địa khác.

Cũng trong năm 2021, MCNV đã thí điểm trồng trẩu chống sạt lở ở một số địa điểm thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Lập và Hướng Việt với tổng diện tích 42 héc-ta. Trước đó, trong năm 2020, dự án cũng đã hỗ trợ 2 thôn khác ở xã Hướng Phùng trồng rừng tương tự trên diện tích gần 120 héc-ta. Như vậy, tính đến nay, sau 2 năm, dự án PROSPER đã hỗ trợ người dân ở khu vực Bắc Hướng Hóa trồng rừng trên tổng diện tích khoảng 300 héc-ta.

Trồng trẩu góp phần giữ đất, giữ nguồn nước. Ảnh: MCNV

“Trồng trẩu trước hết là để góp phần giữ đất, giữ nguồn nước. Cây này dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng ở đây”, anh Dinh tiếp tục chia sẻ. “Về lâu dài, cây này đem lại lợi ích kinh tế. Cứ đến mùa quả trẩu chín, nhà nào cũng đi nhặt hạt trẩu bán để có thêm thu nhập.”

Theo anh Dinh, trong mấy năm gần đây, hạt trẩu tươi có giá bình quân khoảng 5.000đ – 6.000đ/kg, còn hạt trẩu đã phơi khô thì có giá cao hơn gần gấp đôi. Khi được hỏi gia đình anh kiếm thêm thu nhập khoảng bao nhiêu từ một vụ thu hoạch hạt trẩu, anh cười xòa: “Chịu thôi, anh không biết tính toán. Chỉ biết là có thêm tiền để mua mắm, mua muối, mua lương thực cho gia đình”.

Biết được giá trị của cây trẩu, anh Dinh và gia đình đã trồng trẩu từ hơn 10 năm trước trên một lô đất khác của gia đình có diện tích 1,2 héc-ta, cách lô đất mới trồng không xa. Mỗi vụ thu hoạch đến, khi quả trẩu chín, vợ chồng anh lại đến đó thu nhặt hạt để bán.

Hạt trẩu được các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất dầu trẩu, như một nguyên liệu trong công nghiệp vật liệu phủ gỗ, véc-ni, sơn, mực in…, được ưa chuộng bởi khả năng bảo vệ, tạo vẻ bóng, đẹp tự nhiên, bền chắc cho đồ nội thất, công trình xây dựng.

Theo một khảo sát do MCNV thực hiện năm 2020, khu vực Bắc Hướng Hóa có khoảng 2.400 héc-ta trẩu trồng xen và 300 héc-ta trồng phân tán hộ gia đình, tạo nên sản lượng hạt khô lên đến 1.500 tấn, có giá trị kinh tế tương đương 15 tỷ đồng/năm. Ước tính, mỗi héc-ta rừng trẩu, nếu được trồng và chăm sóc tốt, sau 4 năm cho sản lượng 3-4 tấn hạt khô, đem lại giá trị kinh tế 30-40 triệu đồng/năm.

Nhận ra giá trị kinh tế và môi trường từ cây trẩu, gần đây, huyện Hướng Hóa đã đưa cây trẩu vào danh mục các loài cây trồng trọng điểm trong kế hoạch thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị./.