Tin tức

24 giáo viên Điện Biên lần đầu tiếp cận TEACCH

Cuối tháng 7 vừa qua, 24 cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên và nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với TEACCH – phương pháp giáo dục thân thiện với trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ – giao tiếp”.

Diễn ra từ ngày 27 – 30/7, khóa tập huấn là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa MCNV và Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên trong năm 2020.

TEACCH (Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp) là một chương trình tiếp cận theo suốt cuộc đời nhằm giúp những trẻ bị hội chứng tự kỷ mà mục tiêu của nó là trang bị cho trẻ một cuộc sống hữu ích trong gia đình và cộng đồng.

TEACCH được thực hành từ thập niên 1970 bởi các chuyên gia tâm lý, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học North Carolina, Mỹ. Ngày nay, TEACCH được sử dụng khá phổ biến tại hầu hết các bang ở Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ và Châu Á.

Bản chất TEACCH là quá trình dạy học có cấu trúc, trong đó tạo điều kiện tối đa những gì tiếp thu bằng thị giác, giảm thiểu những hướng dẫn bằng lời vốn gặp khó khăn ở trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ-giao tiếp.

Nhận thấy việc áp dụng Chương trình TEACCH có thể giúp giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên và các giáo viên dạy trẻ khuyết tật thực hiện các hoạt động hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ và trẻ có khó khăn về ngôn ngữ – giao tiếp được hiệu quả hơn nên MCNV và đối tác đã thống nhất tổ chức một lớp tập huấn áp dụng TEACCH, tăng cường năng lực cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên về kỹ năng kết hợp các kỹ thuật, phương pháp khác nhau trong chương trình can thiệp cho trẻ khuyết tật.

Trong 4 ngày tập huấn, dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Kim Quý, Giám đốc chuyên môn của Văn phòng Tham vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em (Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam), các học viên đã được làm quen với các khái niệm, kỹ thuật trong TEACCH, tiếp cận với cách vận dụng các lĩnh vực của TEACCH theo từng lứa tuổi cho trẻ như Bắt chước, Nhận thức, Vận động thô, Vận động tinh, Phối hợp mắt và tay, Kỹ năng ngôn ngữ, các yếu tố cơ bản của tiết dạy học thiết kế theo phương pháp TEACCH.

TS.Nguyễn Thị Kim Quý (áo đen) hướng dẫn các học viên thực hành áp dụng TEACCH.

Sau khóa tập huấn, các học viên đã có những hiểu biết cần thiết về TEACCH, và chia sẻ nhiều điều tâm đắc về phương pháp tiếp cận này:

Các nội dung, phương pháp dạy học theo TEACCH rất hữu ích và thực tiễn, sẽ được Trung tâm áp dụng vào công tác chỉ đạo chuyên môn, xây dựng hồ sơ giáo án cũng như giảng dạy trong năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.

(Chị Mai Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên).

“TEACCH là cách tiếp cận tập trung vào các kỹ năng của trẻ thay vì những hạn chế. Điều tôi tâm đắc nhất về khóa tập huấn là được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để thiết kế một tiết học theo phương pháp TEACCH.”

(Anh Cà Văn Thu, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, trị liệu và tư vấn, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên).

“Sau khóa tập huấn, tôi đã nhận thức được việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ – giao tiếp, và có cách can thiệp kịp thời cho trẻ mang lại hiệu quả rất tốt. Tôi sẽ nghiên cứu nâng cao nhận thức để có thể phát hiện sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ và có thể dùng TEACCH để xây dựng hoạt động thử áp dụng hỗ trợ lồng ghép can thiệp cho 1 số trẻ qua quan sát và đối chiếu với TEACCH chủ yếu là trẻ tự kỷ mức độ nhẹ.”

Chị Phạm Thanh Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Công Chất, huyện Điện Biên).
  • Điện Biên là tỉnh biên giới phía Tây Bắc Việt Nam, dân số là gần 550.000 người. Theo số liệu khảo sát tại thời điểm năm 2018, toàn tỉnh hiện có 3.041 trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-18 tuổi.
  • Từ năm 2014, MCNV bắt đầu các hoạt động hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại tỉnh Điện Biên. Từ năm 2016, MCNV và Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong việc thành lập và vận động nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên.
  • MCNV và Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã thành công trong việc vận động được Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn VINGROUP cam kết nguồn tài chính xây dựng một phần cơ sở vật chất cho Trung tâm, gồm 01 dãy nhà 02 tầng gồm 08 phòng.
  • Tháng 10/2019, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên chính thức đi vào hoạt động.
  • Tháng 12/2019, Trung tâm bắt đầu nhận trẻ khuyết tật vào học. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận chăm sóc và giáo dục bán trú cho 40 trẻ khuyết tật các dạng, tuổi từ 3 đến 15.