Tin tức

Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh – Câu chuyện của tôi

Đôi mắt đen và sáng, dáng người nhỏ nhắn, giọng hát giàu cảm xúc – đó là những ấn tượng đầu tiên mà cậu học trò nhỏ học lớp 10 để lại trong tôi tại Lễ khai giảng năm học 2017-2018. Tiết dạy đầu tiên của năm học, thật bất ngờ, tôi gặp lại cậu học trò ấy ở ngay trong lớp mình phụ trách với những âm thanh khùng khục phát ra vài lần từ vị trí em ngồi, bờ vai gầy của em thỉnh thoảng rung lên càng làm tôi chú ý. Hình ảnh của em cứ ám ảnh tôi mãi… Mình sẽ giúp  cậu trò nhỏ này – tôi quyết định.

Qua trao đổi với các giáo viên, bạn bè và mẹ của em tôi biết được Em là học trò ngoan, học khá đều các môn, có năng khiếu ca hát và khiêu vũ, thích chơi với bạn gái hơn là bạn cùng giới. Em sống tình cảm, nhất là rất thương mẹ, muốn học tốt để sau này là chỗ dựa cho mẹ và các em. Em không nhớ rõ bị tật khùng khục trong cổ họng và rùng mình từ khi nào nhưng có lẽ cách đây hai năm, những dấu hiệu này thường xuất hiện khi em gặp chuyện buồn/lo lắng nhiều đặc biệt là vào các dịp kiểm tra học kỳ hoặc thi. Tật này đã làm cho em ít tự tin khi nói chuyện hoặc giao tiếp với bạn bè. Có lẽ điều này đã làm cho các bạn trai trong lớp ít chơi với em hơn – Tôi nghĩ.

Vận dụng những kiến thức và kỹ năng sàng lọc sức khoẻ tâm thần (SKTT) mà tôi có được sau khi tham gia các lớp tập huấn về Sức khoẻ tâm thần học sinh và sự hỗ trợ của các Bác sỹ , tôi đã nhận ra em đã bị “Rối loạn TIC”. Đây là một vận động hay phát âm không chủ ý, xảy ra nhanh, tái diễn, không có nhịp và thường liên quan đến một nhóm cơ nhất định. TIC xuất hiện đột ngột và không có mục đích rõ ràng. Các TIC thường không thể kìm nén được, nhưng nói chung cũng có thể làm mất đi tạm thời trong thời gian vài phút đến vài giờ do chủ ý hay do lãng quên.  Trẻ em và vị thành niên là các đối tượng thường bộc lộ các hành vi TIC, chúng thường xảy ra sau một nhân tố kích thích, hoặc do phản ứng lại với các tình huống từ bên trong. Mức độ nặng nhẹ của các TIC rất khác nhau. Có khi TIC biểu hiện gần giống hành vi bình thường, nhưng cũng có thể là TIC rất nặng ảnh hưởng đến học tập và lao động của trẻ. Tư vấn cho gia đình và trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị rối loạn TIC. Gia đình trẻ bị TIC có thể lo sợ và có các phản ứng khác nhau. Do đó, cần giải thích rõ cho các thành viên gia đình hiểu biết về TIC, không quá lo sợ Tic, không xem TIC là vấn đề gì lớn, đồng thời có thái độ đúng mực với các trẻ có rối loạn TIC. Khi điều trị TIC phải xem xét và tính đến các trường hợp trẻ có bệnh lý kèm theo hay kết hợp không? Trẻ rối loạn TIC cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và liệu pháp hành vi, thuốc được chỉ định khi Bác sỹ thấy thật cần thiết.

Tôi đã lên kế hoạch cụ thể để giúp em vượt qua sự tự ti, hạn chế dần dần rồi bỏ thói quen đồng thời tăng cường giao tiếp và hoà nhập với các bạn. Đầu tiên, tôi trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với em và mẹ em để họ hiểu như thế nào là hội chứng TIC, hướng dẫn liệu pháp hành vi và thư giãn bằng thở bụng để em lựa chọn các giải pháp khắc phục phù hợp. Mẹ em sau khi hiểu vấn đề đã không còn lo lắng, không tạo áp lực và đã luôn luôn động viên em để giúp em thay đổi. Em đã nhận ra vấn đề của mình, tự tin và muốn thay đổi để hoàn thiện bản thân. Mong muốn của em là được hoà đồng cùng với bạn bè trong lớp, một số hoạt động em tự đặt ra cho bản thân để hạn chế rối loạn TIC mà em gặp phải: (i) phát huy sở trường mà em yêu thích như hát/nhảy; (ii) hít thở sâu khi chuẩn bị kiểm tra/thi hoặc có chuyện buồn; (iii) tự hạn chế những tiếng khục khục ở cổ họng để bạn bè không cười nhạo, giúp em tự tin hơn; (iv) liệt kê ra các người bạn trai thân thiết và tin tưởng để trao đổi chia sẻ việc học cũng như các chủ đề bất kỳ; (v) chủ động tham gia với các hoạt động/trò chơi do các bạn nam trong lớp tổ chức.

Hàng tuần, có khi hàng ngày, tôi và giáo viên chủ nhiệm luôn đồng hành để theo dõi tiến triển và động viên em bằng những lời khen kịp thời. Từ đó đã tạo động lực để em thay đổi.

Sau 3 tháng, thời gian chưa nhiều nhưng em đã có những thay đổi đáng mừng. Em đã khắc phục được phần nào tật của bản thân mà chưa phải dùng thuốc. Em chan hòa với bạn bè hơn, tích cực tham gia các hoạt động của lớp/trường đặc biệt là văn nghệ. Điều làm tôi hạnh phúc hơn cả là em đã đạt Danh hiệu học sinh giỏi của học kỳ I và  được các bạn bầu làm Bí thư chi đoàn.

Qua câu chuyện của em và những ngày tháng tham gia với dự án “Chăm sóc SKTT học sinh tại trường học”, tôi thấy rằng SKTT hoặc Rối loạn hành vi (RLHV) là một vấn đề cần được quan tâm trong trường học. Bất kể học sinh nào cũng có thể có vấn đề về SKTT/RLHV và đó là dấu hiệu hay gặp của những học sinh mà chúng ta dễ xếp vào nhóm “học sinh cá biệt”. Không chỉ có học sinh học lực yếu, chưa chăm ngoan mà ngay cả những học sinh ngoan, giỏi cũng có thể có nguy cơ bị RLHV. Nếu chúng ta không kịp thời phát hiện, giáo dục tâm lý có thể dẫn đến hậu quả  xấu.

Nhà giáo không chỉ truyền đạt tri thức, giáo dục đạo đức mà còn có đầy đủ các kỹ năng trong giao tiếp, giáo dục kỹ năng sống để hướng dẫn/hỗ trợ/theo dõi sự thay đổi của học sinh dựa trên các vấn đề gặp phải và mong muốn thay đổi của các em. Để làm được điều đó quả thật là không hề đơn giản nhưng tôi tin rằng nếu có tâm huyết với nghề nghiệp và học sinh  thân yêu, các nhà giáo – những kỹ sư tâm hồn – sẽ thành công.

*MCNV ghi

Post a comment