tăng quyền cho phụ nữ

Một tay gánh vác lo toan

Cô Nguyễn Thị Kết, ấp Giồng Bông, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trần Lê Hiệu

9 năm trước, do tai nạn giao thông, cô Nguyễn Thị Kết bị thương nặng. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, song di chứng để lại khiến cánh tay phải của cô Kết gần như liệt hoàn toàn, khi bị quặt hẳn về một phía, buông thõng xuống thẳng đờ. Cô chỉ có thể nhấc tay lên được một cách yếu ớt, nhưng những cử động của bàn tay, ngón tay thì bằng 0.

Biến cố ập đến bất ngờ đã làm thay đổi cuộc đời cô Kết. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, cô bắt đầu học cách chung sống với khiếm khuyết trên cơ thể. Không oán trách số phận, không buông xuôi, không đổ lỗi cho bất cứ ai, cô quyết tâm khắc phục những khó khăn của bản thân. Cô tập sử dụng tay trái để làm mọi việc, để không chỉ có thể sống độc lập, mà còn chăm sóc cho mẹ già (nay đã qua đời), và tiếp tục cần mẫn lao động.

Cô nuôi thỏ, nuôi gà, trồng rau, khi có khách đặt thì lại nấu rau câu dừa chuyển lên thành phố. Ở tuổi 55, chỉ với một tay mà cô Kết vẫn làm băng băng được đủ thứ việc, từ nấu nướng, hái rau, cho thỏ ăn cho tới chặt dừa, lột vỏ dừa, hay thậm chí là tự đóng chuồng cho thỏ để tiết kiệm tiền.

Cô đến với nghề nuôi thỏ từ 4 năm nay. Trung bình cô nuôi khoảng một trăm con thỏ, gần đây cô xuất chuồng 30 con, và đang nuôi tiếp 40 con còn lại, trong đó có khoảng 20 thỏ cái đang sinh sản. Thức ăn cho thỏ là rau lá trong vườn (rau muống, rau lang, củ đậu) được phơi khô. Chuồng trại luôn được vệ sinh thường xuyên để môi trường sạch sẽ, thỏ khỏe mạnh.

Chỉ với một tay nhưng cô Kết có thể làm được mọi việc, gồm cả chặt dừa. Ảnh: Trần Lê Hiệu

Vừa qua, cô Kết vay của nhóm tín dụng tiết kiệm 5 triệu đồng để “cất thêm nhà” cho thỏ (mua vật liệu như tre, gỗ, lưới thép gai…).

Nuôi thỏ không vất vả như nuôi dê nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm. Từ cho thỏ ăn, tới lo cho thỏ bệnh (sổ mũi, đau bụng), chăm thỏ mẹ sắp sinh, cho tới những việc không tên như “đưa” những chú thỏ thích lang thang về chuồng, “giải cứu” một thỏ con mới chỉ bằng nắm tay, bị sảy chân rớt khỏi khe chuồng, bị gà, vịt “đe dọa”.

Hết chăm thỏ, chăm gà vịt, vườn rau, cô lại sốt sắng mang một chùm dừa ra mời khách. Vẫn một tay, nhờ thêm một bàn chân cố định, cầm con dao sắc bén do “một tay” mình mài, cô điềm nhiên vừa trò chuyện vui vẻ, vừa từng nhát chặt trái dừa ngon ơ, chuẩn xác trước ánh mắt thán phục ngỡ ngàng của những người lần đầu gặp cô.

Như cây dừa mọc trên đất mặn, đất cằn, biết chắt lọc, vươn lên kết trái ngọt lành, cô Nguyễn Thị Kết đã vượt lên hoàn cảnh không thuận lợi để vươn lên, lan tỏa sự lạc quan, yêu đời, yêu lao động tới những người xung quanh. /.

Read more

Từ tín dụng tiết kiệm đến nông nghiệp thông minh

Chị Trần Thị Kim Thúy bên khu vườn nhà. Ảnh: Trần Lê Hiệu

Kể từ năm 2009, dự án Tín dụng tiết kiệm do MCNV triển khai đã giúp hàng ngàn phụ nữ Bến Tre vươn lên thoát nghèo. Qua hơn 10 năm, dự án vẫn tiếp tục trao cho các chị em “hành trang” thiết thực để phát triển kinh tế.

Chị Trần Thị Kim Thúy (ấp Bình Hòa, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại) gắn bó với nghề nông đã 30 năm nay. Trồng rau màu mang lại nguồn thu nhập chính, vừa trang trải sinh hoạt gia đình và nuôi con ăn học.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, hai con chị Thúy theo học ngành cơ khí tại TPHCM rồi lần lượt được tuyển sang làm việc tại Nhật Bản. Chị Thúy tâm sự, các con đều đã trưởng thành, công việc ở nước ngoài ổn định, hoàn toàn tự lập, nên anh chị rất yên tâm và phấn khởi.

Ở nhà, hai vợ chồng tiếp tục chăm lo làm kinh tế. Qua quan sát, học hỏi từ các hộ lân cận, cũng như nghe các con chia sẻ về “nông nghiệp thông minh” ở nước ngoài, anh chị quyết định từng bước đầu tư vào các thiết bị công nghệ cao hỗ trợ việc chăm bón vườn rau.

Đầu năm 2020, với sự tài trợ của Quỹ MfM (Hà Lan), dự án Tín dụng tiết kiệm thuộc chương trình Tăng quyền cho phụ nữ do MCNV triển khai được mở rộng đến thị trấn Bình Đại nơi chị Thúy sinh sống. Được biết về những lợi ích thiết thực mà mô hình này đã đem lại cho hàng ngàn phụ nữ tỉnh mình, chị Thúy nhanh chóng nắm bắt cơ hội trở thành thành viên của một trong 9 nhóm tín dụng tiết kiệm ở thị trấn Bình Đại.

Vốn vay tín dụng vi mô đã giúp chị Thúy trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại. Ảnh: Trần Lê Hiệu

Chị Thúy chia sẻ: “Tham gia nhóm, mình được tiếp cận với nguồn vốn vay gọn nhẹ, linh động, phù hợp với mục đích của mình. Mình đã vay 10 triệu đồng từ dự án, nhờ đó mà góp đủ tiền để lắp bộ thiết bị tưới nhỏ giọt trị giá 30 triệu đồng.”

Từ khi có hệ thống tưới, việc chăm sóc vườn rau của vợ chồng chị Thúy nhẹ nhàng đi đáng kể. Hệ thống tưới nhỏ giọt đã thay con người gánh vác những công đoạn tốn công sức. Thay vì gánh từng thùng nước nặng trĩu vai dưới trời nắng gắt, giờ chỉ cần vài thao tác điều khiển, nước đã được tự động bơm lên bằng máy, đi qua những ống dẫn, vòi phun tới từng gốc cây.

Tiết kiệm sức lao động chỉ là một trong rất nhiều những lợi ích mà tưới nhỏ giọt đem lại cho những hộ gia đình làm nông nghiệp như chị Thúy, khi nước được ngấm thẳng tới rễ cây, tăng hấp thụ. Thiết bị cũng cho phép người dùng điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp với nhu cầu của từng loại cây, giúp tiết kiệm, sử dụng nước có hiệu quả. Bên cạnh đó, tưới nhỏ giọt còn ngăn ngừa lãng phí nước do bay hơi, hạn chế cỏ dại và tránh xói mòn đất. Đây là những lợi ích thiết thực đối với những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và hạn mặn như tỉnh Bến Tre.

Ngắm nhìn những vòi phun mang những “cơn mưa nhỏ” tưới mát cho khu vườn, chị Thúy hồ hởi chia sẻ ước mơ: ” Hai vợ chồng đang cố gắng để đưa rau nhà trồng đi xa, hi vọng có thể được kết nối với các siêu thị, đảm bảo giá cả ổn định.”…

  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.
  • Dưới sự tài trợ của quỹ Microcredit for Mothers (MfM) (Hà Lan), năm 2020, dự án đã mở rộng tới địa bàn mới là thị trấn Bình Đại.
  • Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.

Read more