Tin tức

Thổ cẩm Xí Thoại: Nét duyên Phú Yên giữa lòng Hà Nội

Lần đầu tiên những sản phẩm thổ cẩm của làng nghề truyền thống Xí Thoại (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã tới với thủ đô Hà Nội trong không gian trưng bày, giới thiệu làng nghề thổ cẩm Xí Thoại.

Chương trình diễn ra từ ngày 20/4/2024 tới hết ngày 15/5/2024 tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức.

Với sự tài trợ của MCNV, hai nghệ nhân Lê Thị Thu Điền và So Thị Chuyển đã đại diện các tổ nhóm sản xuất thổ cẩm tới Hà Nội tham dự lễ khai mạc sự kiện vào chiều 20/4 với những màn trình diễn dệt thổ cẩm tinh xảo và những sản phẩm thổ cẩm thủ công độc đáo, phong phú như áo, váy truyền thống, khăn choàng, ví cầm tay, hộp đựng bút, túi điện thoại…

Bà Trần Thị Thuý Lan, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội và ông Đàm Đại Hữu, Gíam đốc công ty TNHH Lữ hành Đại Hữu tặng hoa chúc mừng hai nghệ nhân Lê Thị Thu Điền và So Thị Chuyển tại lễ khai mạc.

Thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân có 219 hộ dân sinh sống, chủ yếu dân tộc Ba Na (chiếm 95%). Nghề dệt thổ cẩm nơi đây có lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển. Khởi đầu từ các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ, nhờ nét đẹp độc đáo riêng, thổ cẩm Xí Thoại dần được ưa chuộng và trở thành mặt hàng được buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên.

Dệt thổ cẩm rất công phu, vì người nghệ nhân phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu sao cho đúng.

Điểm đặc biệt của thổ cẩm nằm ở bề mặt vải được dệt rất cầu kỳ, tạo nên những ô hoa văn nổi lên trông giống như được thêu tay, dù thực tế toàn bộ quá trình đều được thực hiện trên khung cửi. Dệt thổ cẩm rất công phu, vì người nghệ nhân phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu sao cho đúng. Nếu trong quá trình dệt có lỗi sai hay quên thì phải tháo ra và sửa ngay lại chỗ đó.

Trên các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Ba Na, hoạ tiết thường thấy là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời – đất, âm – dương, rừng núi, lá hoa. Mỗi tấm thổ cẩm là một bức tranh thu nhỏ miêu tả thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Màu sắc chủ đạo của thổ cẩm Ba Na là trắng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sự vươn lên, sức sống và tình yêu. Màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, thiên nhiên. Màu đen cũng là màu sắc được người Ba Na tôn sùng hơn cả.

Trước nguy cơ nghề truyền thống dần mai một, những năm gần đây, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có nhiều nỗ lực tích cực để bảo tồn phát huy thổ cẩm Xí Thoại.

Trong khuôn khổ “Dự án Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân” đồng tài trợ bởi quỹ GSRD (Hà Lan) năm 2023, MCNV đã hỗ trợ bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn Xí Thoại bằng các hoạt động như: thành lập, điều phối các tổ hợp tác, tổ chức tham quan học tập tại Hợp tác xã tỉnh bạn, các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, hỗ trợ trang thiết bị và dụng cụ, liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, quảng bá tiếp thị sản phẩm..Hiện nay tổ hợp tác dệt thổ cẩm Xí Thoại do MCNV hỗ trợ có 22 thành viên và có thể mở rộng thêm nếu phát triển thị trường tốt.

“Mình đam mê dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ. Nhưng trước đây đa phần là dệt áo váy, khăn choàng truyền thống thôi. Gần đây, được Dự án tạo điều kiện tham gia tập huấn, đi học hỏi ở hợp tác xã bạn tại Quảng Nam, mình và các chị em trong tổ đã biết làm thêm nhiều sản phẩm mới, hiện đại hơn như những chiếc ví, chiếc túi rút. Đây là lần đầu tiên mình mang sản phẩm tới thủ đô Hà Nội. Sau chuyến đi này, mình sẽ tiếp tục học hỏi để dệt được nhiều sản phẩm hơn nữa, quảng bá rộng hơn về thổ cẩm Xí Thoại và truyền nghề cho thế hệ trẻ trong cộng đồng!”

Nghệ nhân Lê Thị Thu Điền trình diễn dệt thổ cẩm tại lễ khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình Giới thiệu làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biếtêt: Đây là lần đầu tiên Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với khu vực miền Trung tổ chức sự kiện quảng bá về nghề dệt thổ cẩm, bày tỏ mong muốn các đơn vị giao lưu, giới thiệu về nghề, nét đặc trưng và nét đẹp của văn hóa vùng miền tới người dân trên cả nước.

 TS.Trần Đoàn Lâm, nhà nghiên cứu văn hoá, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam đánh giá cao thổ cẩm Xí Thoại ở góc độ một di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh Phú Yên, dựa trên hai yếu tố là những đặc trưng về hoạ tiết, hoa văn thể hiện bản sắc dân tộc và những bí quyết của từng công đoạn như dệt may, cách dàn sợi trên khung dệt…

TS.Trần Đoàn Lâm phát biểu tại lễ khai mạc.

Theo TS. Trần Đoàn Lâm, sự kiện Giới thiệu thổ cẩm Xí Thoại diễn ra tại thủ đô Hà Nội –  “tấm gương phản chiếu những tinh tuý vùng miền của đất nước, cũng như “đầu tàu của cả nước về bảo tồn, phát huy di sản”  sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm văn hoá, du lịch của tỉnh Phú Yên, mở ra triển vọng về đầu ra cho các hộ làm nghề, cũng như tiềm năng phát triển du lịch làng nghề trong tương lai.

Clip sự kiện khai mạc chương trình Giới thiệu làng nghề thổ cẩm Xí Thoại:

 

 

Read more

19 bác sĩ tốt nghiệp khoá phục hồi chức năng cơ bản 6 tháng

12/4/2024 – 19 bác sĩ đến từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum đã hoàn thành khóa đào tạo 6 tháng về Phục hồi chức năng (PHCN) cơ bản và được cấp Chứng chỉ Đào tạo kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh.
Tới dự lễ bế giảng có TS. Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET); ông Anthony Kolb, Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển Hòa nhập, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ThS.Bs.Trần Hùng Minh (Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và Dân số (CCIHP), ThS. Trương Hiền Anh (Phó Giám đốc Dự án Hoà Nhập 2b, tổ chức Humanity and Inclusion), ThS.BS.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam, PGS.TS.Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm PHCN và ThS.BS.Vũ Văn Nhân, Phó Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y Dược Bạch Mai.

19 học viên nhận Chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo

Khoá đào tạo do MCNV phối hợp với Viện đào tạo và Nghiên cứu Y Dược Bạch Mai và Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai thực hiện trong khuôn khổ Dự án Hoà Nhập 1 và 2.
Nội dung khoá học gồm 43 bài học từ đại cương đến chi tiết về PHCN cơ bản các mặt bệnh thường gặp, gồm 1056 tiết học, tương đương với 1056 giờ tín chỉ, trong đó số giờ thực hành chiếm 80%.
Thay mặt tập thể học viên, bác sĩ Hoàng Nhật Quang Thái (BV PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế) phát biểu:
“Chúng em đã được các thầy cô giảng dạy nhiều kiến thức mới về PHCN, được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh, nhiều cách điều trị, cách chăm sóc, cách xử trí bệnh nhân… Đó là nền tảng để chúng em thực hành nghề nghiệp khi trở lại làm việc, cũng như là cơ sở tạo thuận lợi cho quá trình học chuyên sâu sau này, để có thể áp dụng được những kiến thức đã học vào thực tế, giúp cho tay nghề ngày càng vững và người khuyết tật được hưởng dịch vụ chất lượng cao và toàn diện.”

Bác sĩ Hoàng Nhật Quang Thái (Bệnh viện PHCN tỉnh Thừa Thiên – Huế) phát biểu.

Chia sẻ về kế hoạch sau khi trở về địa phương, bác sĩ Thái cho biết anh sẽ nỗ lực ứng dụng một cách linh hoạt và triệt để những kiến thức, kỹ năng đã học vào việc cung cấp các dịch vụ PHCN cho người khuyết tật, đồng thời tăng cường chia sẻ, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và liên tục cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng trong cung cấp dịch vụ PHCN.

Đây là lần thứ hai MCNV phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khoá đào tạo 6 tháng về PHCN cơ bản dành cho bác sĩ. Theo PGS.TS.Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ở khoá đào tạo lần này, sự phối hợp giữa MCNV và Bệnh viện Bạch Mai đã ngày càng trở nên hiệu quả và nhấn mạnh điều này sẽ giúp ích cho công tác đào tạo, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn của bệnh viện Bạch Mai với các cơ sở y tế không chỉ tại miền Bắc mà còn tại miền Trung, Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa. Việc lan toả kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm sẽ góp phần tạo điều kiện cho bệnh nhân, người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương, giảm bớt chi phí cũng như vất vả, trở ngại trong việc di chuyển.

PGS.TS.Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại lễ bế giảng.

Về Dự án Hoà Nhập 1 và 2:

– Nhà tài trợ: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
– Chủ dự án: Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET).
– Đơn vị quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và tổ chức Humanity and Inclusion (HI).
– Uỷ ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) là một trong những đơn vị triển khai thực hiện một số mục tiêu Dự án Hoà Nhập, trong đó có các hợp phần đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác PHCN.
Read more

Khoá Thạc sĩ Ngôn ngữ trị liệu thứ hai tốt nghiệp

Ngày 21/3/2024, 12 học viên khoá thứ hai của chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu tại ĐH Y Dược TP.HCM đã chính thức tốt nghiệp.

TS.Trần Thuỵ Khánh Linh (Phó Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược TP.HCM), ThS.BS.Phạm Dũng – Giám đốc quốc gia MCNV và ThS.Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (Điều phối Dự án NNTL) và tập thể học viên khoá 2. 

Khóa thứ hai của Chương trình Thạc sĩ NNTL  khai giảng tháng 2 năm 2022 với 12 học viên là các cán bộ, giảng viên đang công tác tại các đơn vị phục hồi chức năng tại nhiều bệnh viện và cơ sở đào tạo khu vực miền Trung và miền Nam.

Bên cạnh đội ngũ giảng viên và cố vấn chuyên môn từ các trường đại học và các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam và quốc tế, khoá thứ hai nhận được sự đồng hành tích cực của các học viên tốt nghiệp khoá đầu tiên ở vai trò trợ giảng.

Sau hai năm miệt mài học tập và nghiên cứu, tất cả 12 học viên đã vượt qua những thử thách của một chuyên ngành đầy mới mẻ và xuất  sắc hoàn thành chương trình đào tạo.

Tại lễ tốt nghiệp, thay mặt khoá Thạc sĩ NNTL thứ hai, chị Nguyễn Thị Minh Châu (Cán bộ Khoa PHCN, Bệnh viện An Bình) chia sẻ cảm xúc về hành trình 02 năm học tập đáng nhớ:

“Chúng em đã trải qua vô vàn thử thách trong suốt những tháng ngày học tập, những giờ thi căng thẳng, những ngày vất vả thu thập và xử lý số liệu nghiên cứu. Với sự nỗ lực không ngừng và sự hỗ trợ tốt nhất từ phía tổ chức MCNV cùng các thầy cô Ban giám hiệu Đại học Y Dược, các thầy cô của Bộ môn Phục hồi chức năng, các thầy cô hướng dẫn, chúng em đã vượt qua được tất cả và đã hoàn thành chương trình học với kết quả hơn mong đợi.”

Lễ chúc mừng các học viên khoá Thạc sĩ NNTL thứ 2 do MCNV tổ chức.

Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển đào tạo Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Việt Nam” – một hợp phần của Dự án “Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho trẻ em khuyết tật” (DISTINCT) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua tổ chức VietHealth, MCNV đã phối hợp với tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA) cùng ĐH Y Dược TP.HCM triển khai khoá thạc sĩ NNTL đầu tiên tại Việt Nam (khoá 2019-2021).
Tiếp đó, MCNV đã huy động tài trợ và hợp tác với TFA để tiếp tục hỗ trợ ĐH Y Dược TP.HCM tuyển sinh và thực hiện khoá thứ 2 (2021-2023).
Tiếp nối thành công này, MCNV đang thảo luận cùng các đối tác để có định hướng triển khai tiếp các khoá Thạc sĩ NNTL trong thời gian tới.

Nhân dịp lễ tốt nghiệp của khoá Thạc sĩ NNTL thứ hai, MCNV xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của TFA, ĐH Y Dược Tp.HCM, các bệnh viện, các chuyên gia, giảng viên NNTL trong và ngoài nước và sự nỗ lực hết mình của các học viên. Chúng tôi tin tưởng rằng, những kết quả đã đạt được sẽ tạo đà cho những hợp tác hiệu quả, lâu dài, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành PHCN Việt Nam./.

Read more

Đại sứ Hà Lan đánh giá cao đóng góp của MCNV tại Quảng Trị

Vào ngày 7/3, MCNV đã vinh dự được đón Ngài Kees van Baar  – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đến thăm vùng dự án của tổ chức tại tỉnh Quảng Trị .

Đại sứ Hà Lan thăm rừng cộng đồng tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Đại sứ Kees van Baar đã tìm hiểu một số mô hình dự án của MCNV tại khu vực miền núi Bắc Hướng Hóa và đánh giá cao các sáng kiến của MCNV trong việc hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số thực hiện quản lý rừng bền vững gắn với phát triển sinh kế, thúc đẩy các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ, cải thiện dịch vụ hệ sinh thái rừng, canh tác cà phê nông lâm kết hợp…

Đại sứ Kees van Baar cũng tới thăm Văn phòng và Nhà lưu niệm của MCNV tại Tp. Đông Hà để tìm hiểu về lịch sử hợp tác và phát triển giữa MCNV và tỉnh Quảng Trị trong suốt hơn 50 năm qua.

Đại sứ Kees van Baar thăm hộ sản xuất cà phê nông lâm tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Tại Quảng Trị, Đại sứ Hà Lan đã hội đàm với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng. Đại sứ đánh giá cao tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống của bà con vùng dự án do MCNV hỗ trợ và bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho MCNV trong việc triển khai các hoạt động tại địa phương.

Về phần mình, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam – Hà Lan nói chung, Quảng Trị – Hà Lan nói riêng và những đóng góp của các chương trình, dự án nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ Hà Lan trong đó có MCNV.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – ông Võ Văn Hưng tiếp Đại sứ Hà Lan Kees van Baar.

Ông Võ Văn Hưng khẳng định: Các chương trình, dự án MCNV thực hiện đã mang lại những thay đổi tích cực về nhiều mặt trong đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, hòa nhập xã hội, phát triển sinh kế cộng đồng, quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ và các đối tác Hà Lan quan tâm, hỗ trợ kết nối Quảng Trị với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Lan, cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển, đồng thời hỗ trợ MCNV trong công tác gây quỹ, phát triển nguồn lực để triển khai các dự án tại địa phương đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới./.

(t/h theo Báo Quảng Trị)

Read more

Hội thảo Ngôn ngữ trị liệu Châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam

Lần đầu tiên, một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế của Hiệp hội Ngôn ngữ trị liệu Châu Á – Thái Bình Dương sẽ được tổ chức tại Đông Nam Á, cụ thể là tại TP.HCM, Việt Nam trong các ngày 14-16/12/2023. MCNV đóng góp vào Hội thảo dưới tư cách đồng tổ chức.

Đây là một trong những cơ hội quý giá để các nhà Ngôn ngữ trị liệu còn non trẻ của Việt Nam được giao lưu, gặp gỡ, chỉa sẻ chuyên môn và kết nối mạng lưới với các chuyên gia NNTL đến từ khắp nơi trên thế giới, để có thể học hỏi thêm bằng chứng khoa học trong lĩnh vực NNTL, nhằm phát triển ngành NNTL ở Việt Nam, hướng đến mục tiêu phục vụ tốt hơn cho sức khỏe và nhu cầu của người có vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp, lời nói và nuốt.

Thêm thông tin tại: https://apsslhconference.net/

 

Read more

HUẤN LUYỆN LÂM SÀNG VẬT LÝ TRỊ LIỆU: TRAO CƠ HỘI ĐỔI THAY

Khoá huấn luyện kỹ năng lâm sàng Vật lý trị liệu đã mang lại những thay đổi như thế nào đối với học viên? Cùng lắng nghe những tâm sự của học viên Lê Hoàng Lộc (phòng khám Tani Health, TP.Tây Ninh) !

Tốt nghiệp Đại Học Y Dược TP.HCM, cầm tấm bằng Cử nhân Vật lý trị liệu trên tay, em quyết định về quê ở Tây Ninh để lập nghiệp. Rời thành phố cũng đồng nghĩa với việc em sẽ phải chấp nhận khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoá học bổ sung kiến thức từ trường…

Trong hơn hai năm làm việc tại bệnh viện công của tỉnh, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nên việc có thể tham dự những lớp học ngắn hạn, dài hạn ở trường đại học y dược của em cũng bị hạn chế hơn. Khi làm việc ở một môi trường bệnh viện thực tế, không có thầy cô bên cạnh để hướng dẫn như lúc đi thực tập, trong những lúc gặp nhiều ca bệnh thực sự khó, bản thân thì vẫn chưa đủ kinh nghiệm để giải quyết, em thực sự không biết phải hỏi ai. Đôi khi tự tìm hiểu kiến thức trên các trang nghiên cứu thì lại chưa biết cách chọn lọc thông tin. Em cũng cố gắng tham gia nhiều khoá CME để nâng cao kiến thức, nhưng khi về áp dụng lên bệnh nhân thì cũng gặp không ít khó khăn vì lý thuyết luôn khác hẳn thực tế.
Khi em được biết đến có một khoá học mà ở đó chúng em có thể được kèm 1:1, mà còn ở tại nơi làm việc, được chỉ dạy trực tiếp trên bệnh nhân tại đó thì em đã rất là hào hứng nhưng vẫn có gì đó e ngại vì chưa dám tin.
Lúc đó em nghĩ: “Sao mà được như vậy chứ, các thầy cô rất bận rộn, vã lại còn ở rất xa, thì sao có thể về tận nơi để truyền dạy cho từng cá nhân như vậy được?”
Mang một suy nghĩ vừa vui mừng vừa ngờ vực suốt mấy tháng liền, trong thời gian đó em cũng đã có nhiều bước đi mới, em đã nghỉ việc ở bệnh viện công và tự mở cho mình một phòng khám riêng để có thể điều trị cho bệnh nhân của mình một cách toàn diện hơn, có thể áp dụng đúng theo những phương pháp đã học, lấy bệnh nhân làm trung tâm, có nhiều thời gian hơn để điều trị theo ý muốn của mình.

Huấn luyện thực địa tại phòng khám của học viên.

Sau hơn 3 tháng em đã mở được 2 phòng khám để có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều bệnh nhân. Song song với việc đó thì trách nhiệm của em ngày càng nặng hơn, bản thân luôn đòi hỏi kiến thức phải ngày càng được nâng cao hơn để có thể điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Việc đó càng thôi thúc em phải luôn tìm tòi và cố gắng tham gia nhiều khoá học hơn nữa.
Khi nhận được tin tổ chức Uỷ ban Y Tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) bắt đầu chuẩn bị cho khoá huấn luyện lâm sàng Vật lý trị liệu, lại một lần nữa em cảm thấy rất vui nhưng cũng rất…sợ. Sợ mình sẽ không có cơ hội được tham gia vì mình đã nghỉ việc ở bệnh viện công, nên em đã chủ động liên hệ với thầy cô ở trường để nắm được thêm thông tin và cố gắng đăng kí để được tham gia khoá huấn luyện này.

Huấn luyện thực địa tại phòng khám của học viên

Và rồi thật may mắn em đã được tham gia, khoá huấn luyện đúng như những thông tin mà em biết đến trước đó, nào là được kèm 1:1, nào là được các thầy cô đến tận nơi chỉ dạy, được cầm tay chỉ việc, được chia sẻ kinh nghiệm thực tế…và còn rất rất nhiều thứ nữa. Thực sự đến lúc đó em mới dám tin là mình được như vậy.
Trong suốt quá trình học tập, em được chính cô giáo Trưởng Bộ môn Vật lý trị liệu của trường mình chỉ dạy, em thực sự vô cùng bất ngờ và không khi nào ngừng cảm thán khi được học tập và làm việc trực tiếp với cô tại chính phòng khám của mình.
Cô đã dạy em rất nhiều, nó không còn là những kiến thức đơn thuần nữa mà nó luôn trực tiếp, rất nhiều những kinh nghiệm thực tế, giúp em giải quyết được rất rất nhiều thắc mắc, khó khăn, những câu hỏi trước đó. Giúp em hiểu rõ hơn, thực hiện đúng kĩ thuật hơn và cải thiện hẳn kĩ năng lâm sàng của bản thân. Với phương châm cho em “cần câu cá” chứ không phải những “con cá” có sẵn, cô đã giúp em biết được mình cần phải làm gì, đọc tài liệu ở đâu, đánh giá thông tin như thế nào mỗi khi gặp một vấn đề khó. Từ đó em đã tự tin hơn rất

HLV Lê Thanh Vân (Hội Vật lý trị liệu Việt Nam) (giữa), Cử nhân Lê Hoàng Lộc (ngoài cùng, trái) và đồng nghiệp tại phòng khám tại TP.Tây Ninh.

nhiều trong công việc, kỹ năng lâm sàng được nâng cao rõ rệt, bệnh nhân của em được cải thiện rất hiệu quả.
Qua quá trình học tập thì em lại được thêm một đặc quyền là mỗi khi gặp vấn đề khó thì có thể nhắn tin trao đổi trực tiếp với cô, cô luôn nhiệt tình hướng dẫn cho em. Quả thật điều này khích lệ tinh thần rất nhiều trên con đường điều trị bệnh cho bệnh nhân của em.
Em thực sự rất cám ơn Dự án Hoà Nhập 3, cảm ơn tổ chức MCNV, CSIP và nhà trợ USAID đã đem lại khoá huấn luyện vô cùng hữu ích như vậy, giúp cho những người làm nghề như chúng em ngày càng tốt hơn, điều trị cho bệnh nhân càng hiệu quả hơn. Em mong rằng khoá huấn luyện sẽ được duy trì và ngày càng được nhân rộng hơn nữa, để giúp cho ngành Vật lý trị liệu sẽ ngày càng được vững mạnh, kiến thức của kĩ thuật viên ngày càng được chuẩn hoá và nâng cao./.

Read more

Thúc đẩy kết nối, hướng đến hợp tác bền vững

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân” (BIJPO), MCNV phối hợp cùng các đối tác tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, tổ chức thành công chuyến làm việc giữa Zannier Hotels Bãi San Hô và đại diện chính quyền địa phương cùng cộng đồng tại các xã Đa Lộc và Xuân Lãnh vào ngày 27 tháng 9 năm 2023.

 Zannier Hotels có trụ sở tại Pháp, hoạt động tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Zannier Hotels Bãi San Hô, toạ lạc ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vừa nhận được hai giải thưởng “Khách sạn sang trọng bậc nhất Việt Nam năm 2023” và “Khách sạn Boutique xuất sắc nhất Việt Nam năm 2023” do tạp chí World Business Outlook bình chọn và trao giải.

Khảo sát Suối Mơ ở xã Đa Lộc

Khảo sát Suối Mơ ở xã Đa Lộc

Chia sẻ cùng sứ mệnh và giá trị cốt lõi của MCNV trong việc khuyến khích và hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng, thúc đẩy tạo thu nhập và phát huy giá trị văn hoá bản địa, các đại diện cấp cao của Zannier Hotels Bãi San Hô khảo sát khu vực Suối Mơ và Vực Hòm, và làm việc với tổ dệt thổ cẩm của cộng đồng Ba Na.

Working with brocade weaving group in Xuan Lanh commune

Làm việc với nhóm dệt thổ cẩm tại xã Xuân Lãnh

Đoàn rất ấn tượng với tiềm năng phát triển mô hình du lịch sinh thái do cộng đồng quản lý, khả năng kết nối với các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm, và cung cấp các dịch vụ như trình diễn dệt thổ cẩm và biểu diễn nghệ thuật truyền thống cồng chiêng. Zannier Hotels Bãi San Hô cam kết đặt hàng các sản phẩm thổ cẩm phục vụ cho mùa Giáng Sinh năm nay.

Wrap-up meeting among relevant parties

Họp tổng kết giữa các bên liên quan

MCNV tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy kết nối và hợp tác thông qua việc tổng hợp các sáng kiến, ý tưởng và hỗ trợ xây dựng biên bản ghi nhớ giữa Zannier Hotels Bãi San Hô, chính quyền địa phương và cộng đồng, hướng đến hành trình phát triển bền vững.

Dự án “Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân” do MCNV phối hợp với huyện Đồng Xuân triển khai thực hiện với nguồn tài trợ từ quỹ GSRD (Hà Lan) từ tháng 4/2022-4/2025.

Read more

Tập huấn kỹ năng cho 123 người chăm sóc của người khuyết tật

Trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1, sáng ngày 23/9/2023, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; và các trung tâm y tế huyện triển khai 5 lớp hướng dẫn dành cho người chăm sóc (NCS) về kỹ năng chăm sóc cho người khuyết tật (NKT). Các lớp này được tổ chức tại thị xã Quảng Trị và huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Mỗi lớp được tổ chức trong 2 ngày.

Bác sĩ Võ Phi Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huếphát biểu khai mạc lớp hướng dẫn

Mỗi lớp hướng dẫn NCS được 01 giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược (ĐHKTYD) Đà Nẵng và 01 điều dưỡng viên tuyến huyện phối hợp giảng dạy. Có 123 NCS là thành viên gia đình của NKT đã tham dự, trong đó, thị xã Quảng Trị: 19, huyện Hướng Hóa: 60, huyện Nam Đông: 16 và huyện Hiệp Đức: 28.

Giảng viên trường ĐHKTYD Đà Nẵng hướng dẫn lớp tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Điều dưỡng viên hướng dẫn lớp tại Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Nội dung giảng dạy cho NCS bao gồm những kỹ năng chăm sóc cơ bản hàng ngày cho NKT như hỗ trợ ăn uống; chăm sóc đại tiểu tiện; tắm rửa, gội đầu, vệ sinh mắt, tai, mũi, răng miệng cho NKT, phòng chống loét, phòng chống té ngã v.v.v

Thực hành cho NKT ăn, lớp hướng dẫn  tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế 

Thực hành mặc áo cho NKT, lớp hướng dẫn tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Phương pháp hướng dẫn chú trọng vào việc sử dụng hình ảnh, quan sát làm mẫu và thực hành các kỹ năng chăm sóc trên NKT giả định, đóng vai. Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng từ giảng viên, NCS cũng hào hứng và sôi nổi chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc NKT hàng ngày của mình.

Tham dự lớp học, nhiều NCS đã có những chia sẻ xúc động.

NCS Hoàng Thị Tốt (lớp hướng dẫn thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) rơm rớm nước mắt khi nhắc đến người con bị bại não do di chứng chất da cam bà đã chăm sóc 37 năm nay. Bà kể lại: Nhận được giấy mời tham gia lớp hướng dẫn chăm sóc NKT, bà đã động viên con chịu khó ở nhà cho bà đi dự lớp để về chăm sóc con được tốt hơn.

NCS Hoàng Thị Tốt thực hành vệ sinh mắt, mũi, tai cho NKT

Ông Mai Văn Ca – một NCS tại xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ “Tôi rất phấn khởi khi được nghe giới thiệu về nội dung hướng dẫn trong khoá học. Sáng nay, được hướng dẫn và thực hành cách cho NKT ăn và đi tiểu, tôi đã học được nhiều kiến thức mới và bổ ích. Bản thân tôi đã chăm sóc vợ tôi, bị liệt, nằm tại chỗ 3 năm. Việc chăm sóc khá khó khăn nên tôi hy vọng tham gia lớp sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng hữu ích để tôi chăm sóc vợ tôi tốt hơn”.

Thực hành xúc ăn cho NKT tại lớp hướng dẫn, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam

Một NCS tại lớp hướng dẫn ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chăm sóc cho chồng bị liệt 7 năm vui mừng chia sẻ: “Lúc ông mới bị liệt, cũng được bên y tế người ta cho cái này (cái capot), nhưng tôi không biết làm thế nào nên cứ để đấy. Hôm nay, may quá, được cô giáo giảng cho biết cách để về làm cho ông, vệ sinh cho sạch sẽ”.

Kết thúc ngày đầu tiên, NCS thể hiện niềm vui vì được mời tham gia lớp, học được nhiều kiến thức và kỹ năng thiết thực để áp dụng trong những việc mà họ cần làm hàng ngày cho người thân của mình.

Ba lớp hướng dẫn tiếp theo sẽ được tổ chức trong các ngày 25-26/9/2023 thêm cho 88 NCS tại thị xã Quảng Trịhuyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các lớp hướng dẫn kỹ năng chăm sóc cho NKT nhằm mục đích góp phần cải thiện chất lượng sống của NKT thông qua việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho NCS. Sau khi hoàn thành các lớp hướng dẫn cho NCS, MCNV sẽ triển khai cung cấp dịch vụ chăm sóc cho NKT, trong đó NCS đóng vai trò thực hiện chính, dưới sự giám sát hỗ trợ của các điều dưỡng viên tuyến huyện.

(Nguyễn Hương Giang – MCNV)

Read more

Trong vòng tay rừng

(Bài gốc trên trang FSC quốc tế: https://fsc.org/en/newscentre/stories/living-in-the-embrace-of-forests, biên dịch bởi Nguyễn Thanh Tùng/MCNV)

Hình ảnh: Nhà báo Phan Tân Lâm

Rừng là một phần thiết yếu trong cuộc sống của người dân thôn Chênh Vênh và thôn Hồ. Nằm ở khu vực biên giới Việt – Lào, tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam, vùng đất này được bao phủ bởi những cánh rừng nhiệt đới. Cộng đồng dân cư nơi đây là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, vốn sinh sống trong và xung quanh những khu rừng này trong nhiều thập kỷ. Thôn Chênh Vênh thuộc xã Hướng Phùng, còn thôn Hồ thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.

Tháng 11 năm 2021, 1.561 ha diện tích rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ nhận chứng chỉ FSC®, trở thành những cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận FSC cho rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý và bảo vệ. Ngoài ra, ba loài tre (vầu, a ho/lồ ô và nứa) ở những cánh rừng này đã được chứng nhận FSC-FM/CoC về khai thác và sản xuất lâm sản ngoài gỗ một cách bền vững. Việc khai thác gỗ từ những khu rừng này bị nghiêm cấm tuyệt đối.

Cả hai thôn đều là thành viên của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp chuyên về quản lý rừng bền vững, đó là Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR). Hầu hết các hộ gia đình tại hai thôn là thành viên của ban quản lý rừng cộng đồng, bởi vậy tất cả thành viên trong thôn đều gắn bó và có ý thức tham gia vào các vấn đề liên quan đến rừng.

Đã từ rất lâu, ngay cả trước khi nghe nói về FSC, giữ gìn sự trù phú của rừng là một phần không thể thiếu trong đời sống của các cộng đồng nơi đây. Họ bảo vệ rừng và sinh vật rừng khỏi những kẻ săn trộm, khai thác gỗ bất hợp pháp và bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự cân bằng và bình yên của thiên nhiên. Vì sao người dân thôn Chênh Vênh và thôn Hồ lại dành thời gian, công sức cho việc bảo vệ và chăm sóc rừng?

Giá trị của rừng

Văn hóa và truyền thống của người Vân Kiều rất coi trọng rừng. Họ tin rằng khi con người qua đời, nơi an nghỉ cuối cùng là trong rừng. Họ phân định các khu vực riêng biệt trong rừng để dành cho người chết yên nghỉ. Những khu vực này rất linh thiêng, không ai được phép ra vào quấy rầy. Một tập tục văn hóa khác liên quan đến rừng được thấy trong dịp lễ hội. Người dân dâng hương và thức ăn cho thần linh trong rừng, cầu xin các ngài phù hộ và che chở cho họ khỏi thiên tai.

Những khu rừng này đóng vai trò là rừng đầu nguồn trong vùng và duy trì nguồn nước cho những con suối. Đối với người dân thôn Chênh Vênh, nguồn nước này rất quan trọng. Lúa nước là một trong những nguồn thu chính của họ, và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chảy ra từ rừng. Những khu rừng này cũng đảm bảo lượng mưa lớn cho khu vực, giữ cho sông suối không khô cạn.

Hai cộng đồng này chia sẻ mối quan hệ cộng sinh với rừng – họ bảo vệ và chăm sóc hệ động, thực vật rừng, trong khi rừng cung cấp cho họ nhiều lâm sản ngoài gỗ (LSNG) phong phú. Tre được khai thác bền vững đang dần trở thành một nguồn thu nhập tốt ở Chênh Vênh. Cộng đồng thôn đã thành lập tổ sản xuất sản phẩm tre, trong đó có sản xuất ống hút thân thiện với môi trường từ một loài tre có tên địa phương là Len Xanh. Loài tre này có thân nhỏ, rỗng, chắc. Thân tre được cắt khúc, luộc, phơi khô trước khi sử dụng làm ống hút. Phần lớn các sản phẩm từ tre như ống hút, cốc tre, hộp tre, ống đựng nhang… được cung ứng cho Doanh nghiệp Nhiên Thảo Quảng Trị để doanh nghiệp này bán ra thị trường từ cửa hàng ở Đông Hà hoặc bán qua mạng.

Cộng đồng nơi đây còn trồng cây trẩu. Trong công nghiệp, hạt trẩu được ép dầu để sản xuất các chất liệu phủ gỗ, giúp bảo vệ gỗ khỏi mối mọt và tăng độ bền cho gỗ. Người dân địa phương thu nhặt hạt trẩu để bán cho các thương lái và doanh nghiệp có nhu cầu, trong đó có một doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, những LSNG với những công dụng khác nhau cũng được thu hái để cải thiện thu nhập của người dân trong vùng, như hạt bồ kết để sản xuất dầu gội đầu, quả bồ hòn để sản xuất xà phòng rửa tay và nước lau sàn. Rừng cũng đem lại nguồn gia vị phong phú như quế, gừng … cùng nhiều loài rau rừng, thảo dược.

“Chúng tôi tìm thấy nhiều tài nguyên quý giá có sẵn trong rừng. Nhờ rừng, chúng tôi có thức ăn, có thuốc men và có vật liệu để làm nhà. Chúng tôi không cần phải đến quầy thuốc tây khi bị đau bụng vì chúng tôi có thuốc chữa tự nhiên từ rừng,” Hồ Thị Xăng, một bà mẹ trẻ có hai con và là thành viên của tổ bảo vệ rừng thôn Chênh Vênh, vừa cười khúc khích vừa nói.

Chung tay bảo vệ rừng tự nhiên

Trong suốt chuyến thăm ở thôn Chênh Vênh và thôn Hồ, chúng tôi đã nhiều lần được chứng kiến người Vân Kiều thực hiện rất nghiêm túc việc bảo vệ rừng. Lịch tuần tra rừng của các tổ bảo vệ ở mỗi thôn là ba hoặc bốn lần mỗi tháng. Mỗi tổ bảo vệ rừng có khoảng năm thành viên. Tất cả đều tự nguyện đăng ký tham gia dù công việc này không mang lại thu nhập tức thời. Một số tổ bảo vệ rừng có cả thành viên nữ tham gia.

“Với chúng tôi, việc tuần tra bảo vệ rừng có lẽ không phải việc làm để tạo thu nhập. Chúng tôi cảm thấy rất gắn bó với những khu rừng này,” Hồ Xa Lăng, một thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ, trải lòng bên tách trà.

Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), một tổ chức phi chính phủ Hà Lan có nhiều năm hoạt động dự án ở huyện Hướng Hóa, đã giúp những cộng đồng này trải qua một quá trình để đạt được chứng nhận FSC. Quá trình này bắt đầu bằng việc tham gia làm thành viên của Hội CCR Quảng Trị và từng bước hiểu được giá trị và lợi ích của chứng chỉ FSC. MCNV đã giúp cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ xây dựng các phương thức quản lý rừng tốt hơn và bền vững hơn, trong đó có việc dùng ứng dụng điện thoại thông minh trong quản lý rừng, cho phép các tổ tuần tra bảo vệ rừng trực tiếp cập nhật các dữ liệu quan trọng lên hệ thống quản lý thông tin của Hội CCR Quảng Trị.

Kể từ khi được cấp chứng chỉ FSC, công tác tuần tra được tăng cường để đáp ứng các yêu cầu của chứng chỉ. Hai BQL rừng cộng đồng cũng cải thiện các phương pháp thu thập dữ liệu để đáp ứng các yêu cầu đánh giá FSC hàng năm. Ứng dụng điện thoại thông minh trong quản lý rừng góp phần giúp hai BQL bảo vệ rừng tốt hơn. Ngoài ra, MCNV còn đóng vai trò quan trọng trong việc tập huấn nâng cao năng lực cho người dân, giới thiệu cho người dân các phương pháp thực hành tốt nhất về quản lý rừng bền vững và khai thác LSNG bền vững. Nhờ đó, người dân điều chỉnh các phương thức quản lý rừng và khai thác LSNG để cải thiện tình trạng rừng cộng đồng. MCNV cũng giúp người dân hai thôn xác định các lợi ích kinh tế của các LSNG đã được mua bán và sử dụng qua nhiều thế hệ. Với sự giúp đỡ của các dự án quốc tế tài trợ, MCNV đang tạo ra liên kết thị trường cho những sản phẩm này. Chứng nhận FSC sẽ cho phép cộng đồng tiếp cận thị trường và giá cả tốt hơn cho sản phẩm của họ.

Rõ ràng, cộng đồng địa phương đã quan tâm sâu sắc đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng của họ từ rất lâu trước khi được chứng nhận. Nhưng với chứng nhận FSC, họ có thể tiếp cận các nguồn lực mới để cải thiện các thực hành mà họ đã áp dụng qua nhiều thế hệ.

“Rừng cho chúng tôi thức ăn, dược liệu và vật liệu làm nhà. Rừng cũng bảo vệ những con suối cung cấp nước cho ruộng đồng và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân trong thôn. Rừng duy trì sự cân bằng thời tiết và chống sạt lở. Và giờ đây, với chứng chỉ FSC, chúng tôi có thể sản xuất các sản phẩm tre từ nguồn tre được khai thác bền vững. Thị trường có nhiều nhu cầu đối với những sản phẩm này”, ông Hồ Văn Chiến, Trưởng BQL Rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh cho biết.

Khát vọng tương lai  

Người dân thôn Chênh Vênh và thôn Hồ, với sự giúp đỡ của MCNV và nguồn tài trợ từ Liên minh Châu Âu, bắt đầu nhận ra giá trị to lớn của công việc mà họ đang làm và của các nguồn tài nguyên rừng mà họ đang bảo vệ. Những khu rừng này có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với họ mà còn đối với cả thế giới.

Những thành công bước đầu của cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ đã tạo động lực để những thôn lân cận cùng tham gia áp dụng và nhân rộng mô hình. Kết quả là, thêm 03 thôn – thôn Cát (xã Hướng Sơn), thôn Trăng Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Xa Bai (xã Hướng Linh) – đã tham gia vào Hội CCR Quảng Trị.

Tháng 11/2022, thôn Chênh Vênh, thôn Hồ cùng 03 thôn này đã được cấp chứng chỉ FSC Dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon. Được biết, đây là những rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chỉ dịch vụ hệ sinh thái với tổng diện tích 2.145 ha.

Việc cấp chứng chỉ FSC cho những cánh rừng này đã làm nổi bật hoạt động quản lý rừng của cộng đồng địa phương. Một số tổ chức quốc tế và các cộng đồng khác ở Việt Nam và khu vực thể hiện sự quan tâm học hỏi từ mô hình này.

Điều này có khả năng dẫn đến nhiều diện tích rừng tự nhiên sẽ được chứng nhận FSC, qua đó đảm bảo quản lý rừng một cách bền vững và tạo cơ hội cho cộng đồng được tiếp nhận chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhà tài trợ tiềm năng.

Những cánh rừng này là ví dụ tuyệt vời về sức mạnh của các cộng đồng địa phương cùng hợp lực với FSC để đảm bảo những khu rừng thân yêu của họ luôn khỏe mạnh và phục hồi tốt cho các thế hệ mai sau.

Read more

Dấu ấn từ Hội nghị khoa học Hoạt động trị liệu 2023

Ngày 17/7/2023, ĐH Y Dược TP.HCM và MCNV đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học Hoạt động trị liệu (HĐTL) 2023. Đây là hoạt động thuộc Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam do MCNV triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án ADMIRE do USAID tài trợ thông qua tổ chức Humanity and Inclusion (HI).

Mục tiêu Hội nghị là góp phần mang đến cơ hội học hỏi, trau dồi chuyên môn, nâng cao năng lực nghề nghiệp, và tăng cường kết nối giữa các chuyên gia, các cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa quan tâm tới HĐTL.

ThS.Samantha Shann, Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới trình bày tham luận “Liên đoàn HĐTL thế giới: Nâng cao giá trị của HĐTL”

Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó 200 đại biểu tham dự trực tiếp là đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, các cơ sở y tế, các đơn vị đào tạo và các chuyên gia, giảng viên, sinh viên ngành PHCN trong và ngoài nước.

Hội nghị có sự tham dự của 04 báo cáo viên chính – là những chuyên gia HĐTL đầu ngành từ Anh, Úc và Ấn Độ. Đó là ThS.Samantha – Chủ tịch LĐ HĐTL thế giới; GS.TS.Anne Cusick – Trưởng Bộ môn HĐTL, ĐH Sydney (Úc); GS.TS.Lynette Mackenzie, Phó Chủ tịch Nhóm Châu Á Thái Bình Dương – Liên đoàn HĐTL thế giới và PGS.TS.Shovan Saha – Chủ tịch Hiệp hội Trị liệu bàn tay Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Hội nghị có sự tham dự của các báo cáo viên trong nước, với các tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực hành HĐTL từ những đơn vị PHCN uy tín như Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 1A và những bài thuyết trình về những dự án HĐTL với cộng đồng của sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH.Y Dược TP.HCM đã thay mặt Nhà trường bày tỏ sự vinh dự khi được phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học về một lĩnh vực đã có lịch sử “hình thành tương đối lâu đời trên thế giới nhưng còn mới tại Việt Nam”, và khẳng định: Hội nghị là một dấu mốc ý nghĩa quan trọng đối với trường, đánh dấu một bước trưởng thành của HĐTL tại Việt Nam”.

Đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (KHCN & ĐT), Bộ Y tế, ThS.Phạm Ngọc Bằng nhấn mạnh: Cục KHCN&ĐT hi vọng hội nghị sẽ giúp cung cấp thêm minh chứng về việc sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực HĐTL từ các nước, góp phần giúp Bộ Y tế đưa ra những quy định phù hợp, đảm bảo tính hội nhập trong quá trình xây dựng chính sách về PHCN tại Việt Nam.

Trong diễn văn chúc mừng, ThS.Samantha Shann, Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới phát biểu:

Trong suốt quá trình đồng hành và dõi theo sự phát triển của HĐTL tại Việt Nam, Liên đoàn rất ấn tượng với những nỗ lực, sự cam kết của Việt Nam trong việc phát triển sâu và rộng chuyên ngành này và gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã tham gia khởi xướng phát triển HĐTL tại Việt Nam vì những đóng góp, quyết tâm, tâm huyết đối với lĩnh vực này.

ThS. Samantha Shann cũng bày tỏ sự vui mừng trước những tín hiệu tích cực như sự quan tâm của tổ chức Y tế thế giới (WHO), những bước tiến của chính phủ, các cơ quan quản lý Việt Nam trong việc ban hành và thực thi những chính sách, quy định góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển HĐTL.

ThS.Samantha Shann nhấn mạnh: Với những điều kiện thuận lợi này, Liên đoàn HĐTL thế giới và ngành HĐTL Việt Nam “sẽ có nhiều cơ hội làm việc cùng nhau để tiếp tục vận động, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của HĐTL, đề ra những quy định và thực hành tốt nhất.”

Đại diện tổ chức HI – đơn vị quản lý Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam, ông Didier Demey đã gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ của các hội chuyên môn như Hội Phục hồi chức năng, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam và đối tác triển khai dự án – MCNV trong việc xây dựng và phát triển một chuyên ngành mới như HĐTL tại Việt Nam. Sự hợp tác này đã tạo ra nhiều thành quả đáng ghi nhận như xây dựng được chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và hoàn thành đào tạo khóa Cử nhân đầu tiên của ngành.

Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới tặng hoa chúc mừng Mạng lưới HĐTL Việt Nam

Hội nghị khoa học HĐTL cũng chứng kiến lễ ra mắt Mạng lưới HĐTL Việt Nam, với 9 thành viên chủ chốt. Sự hình thành mạng lưới nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực thực hành HĐTL, tăng cường nhận thức của xã hội về HĐTL và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, quản lý dịch vụ và đào tạo về HĐTL.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc MCNV Việt Nam, ThS.BS.Phạm Dũng đã bày tỏ sự vui mừng khi được chứng kiến “những thế hệ đầu tiên được đào tạo bài bản về bậc Cử nhân, Thạc sĩ về HĐTL đã góp mặt, có những bài trình bày tại Hội nghị, bên cạnh các giáo sư, chuyên gia HĐTL uy tín trên thế giới.”
Chứng kiến sự ra mắt của Mạng lưới HĐTL Việt Nam, ThS.BS.Phạm Dũng khẳng định: Đây là dấu mốc quan trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghề nghiệp đối với sự phát triển của một ngành nghề.

Tại Hội nghị, Giám đốc MCNV bày tỏ tin tưởng những dấu mốc này là những bước tiến nền tảng rất quan trọng, để các tổ chức, cơ quan hữu quan và những người đam mê HĐTL cùng phối hợp hướng tới tương lai tốt đẹp hơn của ngành.
“MCNV cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở đào tạo, thực hành, để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của HĐTL trong tương lai, và mong các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong chặng đường tiếp theo”, ThS.BS.Phạm Dũng phát biểu./.

Một số hình ảnh từ Hội nghị khoa học HĐTL 2023:

Các báo cáo viên chính, Giám đốc MCNV Việt Nam và các thành viên Mạng lưới HĐTL Việt Nam

PGS.TS.Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.

PGS.TS.Shovan Saha (ĐH Manipal, Ấn Độ) với bài trình bày “Những câu chuyện từ Ấn Độ về nẹp bản địa và dụng cụ thích nghi truyền cảm hứng cho HĐTL tại Việt Nam”. PGS.TS.Shovan Saha từng giảng dạy hơn 60 khóa đào tạo HĐTL và là chủ nhân của 4 bằng sáng chế về nẹp & dụng cụ trợ giúp bàn tay.

GS.TS.Anne Cusick  (Trưởng Bộ môn HĐTL, ĐH Sydney) với bài trình bày “HĐTL trong phục hồi chức năng thần kinh cho người sau đột quỵ”. GS.TS.Anne Cusick  có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và quản lý giáo dục, với nhiều công trình nghiên cứu về phục hồi chức năng thần kinh và thể chất.

GS.TS.Lynette Mackenzie (ĐH Sydney) với bài trình bày “HĐTL trong thế kỷ 21” GS. Lynette Mackenzie là tác giả của bảng công cụ HOMEFAST được sử dụng để đánh giá các yếu tố, nguy cơ té ngã tại nhà cho người cao tuổi. Bà cũng là Tổng biên tập tạp chí Occupational Therapy International.

ThS.Nguyễn Khắc Tuấn (Giảng viên Trường ĐH KTYT Hải Dương) với bài trình bày “Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng quay trở lại công việc trong 6 tháng sau tổn thương bàn tay của những người lao động tay chân tại Ấn Độ”

CN.Hồ Lê Trung (Bệnh viện 1A) với bài trình bày “Can thiệp nhóm cho trẻ bại não”

CN Nguyễn Thị Bình (Bệnh viện 30/4) với bài trình bày Tập luyện nhận thức cho bệnh nhân tại đơn vị Sa sút trí tuệ, Bệnh viện 30-4

Nhóm sinh viên Nguyễn Thúy Duy & Phao Huỳnh Thảo Như (ĐH Y Dược TP.HCM) trình bày về “Nâng cao nhận thức của giáo viên ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Đồng Tháp về HĐTL và tăng cường tiếp cận cho trẻ khuyết tật”

Sinh viên Hà Thị Lan (Trường ĐH KTYT Hải Dương) với bài trình bày “Phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi”.

Read more