PROSPER

Trồng phục hồi rừng ở các điểm sạt lở

Tháng 11 vừa qua, người dân thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa) mang theo hạt trẩu và dụng cụ lao động đến các điểm sạt lở ở cánh rừng tự nhiên do người dân thôn này quản lý và bảo vệ để trồng lại rừng. Những điểm sạt lở này do thiên tai gây ra vào cuối năm 2020, mỗi điểm rộng hàng nghìn m2.

10ha rừng bị sạt lở ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn) được người dân trồng cây trẩu để phục hồi rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Sau một năm, các điểm sạt lở vẫn không có cây cối mọc lên, thậm chí là cỏ dại. Đợt này, người dân Ra Ly Rào trồng cây trẩu trên diện tích 10ha. Đây là đợt trồng cây phục hồi rừng ở các điểm sạt lở đầu tiên tại huyện Hướng Hóa. Việc trồng phục hồi rừng được thực hiện dưới sự tài trợ của Liên Minh Châu Âu/EU và MCNV (Dự án PROSPER).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình, cho hay người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. “Chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá khả năng bám rễ, giữ đất của cây trẩu ở các điểm sạt lở, tham vấn các bên liên quan rồi mới có phương án nhân rộng”, ông Tùng cho hay. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến 326ha rừng tự nhiên bị sạt lở, thiệt hại 100%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình (ngoài cùng, trái) cho biết: Người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Tham gia trồng cây, chị Hồ Thị Chung, cho biết rất phấn khởi vì được hỗ trợ trồng lại rừng, vừa phủ xanh, chống sạt lở, lâu dài cây trẩu cho quả để có thêm thu nhập. “Tôi mong muốn dự án hỗ trợ trồng thêm ở nhiều điểm sạt lở khác”, chị Chung nói. Ngoài ra, Dự án PROSPER còn hỗ trợ người dân các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn trồng trẩu, lõi thọ, lát hoa, xoan nhừ trên diện tích đất lâm nghiệp hộ gia đình. Đây là đất trống đồi trọc, không được nông dân canh tác do chất lượng đất không tốt và nông dân không có năng lực tài chính để trồng rừng.

Chị Hồ Thị Chung, một thành viên tham gia trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Việc này nhằm tăng độ che phủ rừng, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc thu nhặt hạt trẩu và chi trả dịch vụ môi trường rừng ở vùng rừng trồng thuộc lưu vực thủy điện. Trong năm 2021, Dự án PROSPER hỗ trợ trồng rừng trên diện tích gần 140ha ở các xã Hướng Phùng và Hướng Sơn. Trong năm 2020, Dự án PROSPER cũng đã hỗ trợ hơn 70 hộ gia đình ở các thôn Chênh Vênh và Mã Lai Pun (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa) trồng rừng trẩu xen với cây lõi thọ trên diện tích gần 120 ha đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình quản lý. MCNV đã và đang chia sẻ mô hình thông qua mạng lưới các tổ chức, nhà tài trợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm sự hợp tác nhân rộng mô hình.

Trẩu là cây bản địa ở huyện Hướng Hóa, trước đây thường mọc tự nhiên, những năm gần đây được người dân trồng để lấy hạt. Cây trẩu thường mọc ở vùng đất khô, ráo nước ở trong rừng thưa hoặc ven rừng rậm. Cây trung bình cao 10 đến 15m. Hạt trẩu được người dân bán với giá 8 đến 12 nghìn đồng mỗi kg hạt khô, dùng để ép lấy dầu, dùng trong công nghiệp sản xuất sơn, véc-ni, vật liệu phủ gỗ, mực in, keo bảo vệ vi mạch điện tử../.

Hoàng Táo

Read more

Rừng tự nhiên đầu tiên được cấp chứng chỉ quốc tế

Dự án PROSPER qua góc nhìn của phóng viên Vnexpress tháng 11/2021.

https://vnexpress.net/rung-tu-nhien-dau-tien-duoc-cap-chung-chi-quoc-te-4383793.html?fbclid=IwAR1pbkRwfK7o7WuE1TkL6v00Cszg5T5sA5uuzjix2kUMzRArHT-CP4VzV7U

Read more

Đánh giá chứng chỉ rừng FSC lần đầu tiên đối với rừng cộng đồng ở Việt Nam

(VOV5) Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững do Liên minh châu Âu và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đang đồng hành cùng tỉnh Quảng Trị trong công tác bảo vệ và trồng rừng bền vững. Sau thời gian triển khai ở các địa phương, dự án PROSPER – quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC đã mang đến giải pháp tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho người dân nghèo nơi đây.

Ngày quốc tế FSC năm 2021 (24/09) với chủ đề “Chống biến đổi khí hậu và lâm nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.

“Trước đây, chúng tôi không hề biết chứng nhận FSC nghĩa là gì. Bây giờ chúng tôi hiểu rằng FSC là một chứng nhận quốc tế trong quản lý rừng bền vững, và nếu rừng chúng tôi được chứng nhận FSC thì điều đó có nghĩa là người ta thừa nhận rừng cộng đồng thôn chúng tôi được quản lý và bảo vệ tốt, lâm sản ngoài gỗ từ rừng cộng đồng chúng tôi có thể được mua với giá tốt hơn, các nhà tài trợ có thể quan tâm hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng”, ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), chia sẻ bên lề lớp tập huấn về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC do Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR Quảng Trị) và MCNV phối hợp tổ chức.

Ông Hồ Văn Chiến chia sẻ ý kiến tại hội thảo các bên tham vấn về quản lý Rừng bền vững.

Quả thực như ông Chiến nói, hơn 20 thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh đều tỏ vẻ ngơ ngác, hoặc cúi mặt, hoặc cười ngượng và ngó lơ khi cán bộ tập huấn hỏi xem có ai biết hoặc từng nghe nói về chứng chỉ quản lý rừng FSC chưa. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Ở Việt Nam, khái niệm “chứng chỉ FSC” vẫn còn mơ hồ với phần lớn công chúng ở miền xuôi, kể cả với những người có tham gia trồng rừng, huống hồ đây là những bà con ở khu vực miền núi quanh năm chủ yếu gắn bó với nương rẫy để lo cái ăn cho gia đình và cái học cho con cái. Và, chỉ khi được cán bộ tập huấn của Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị giải thích về chứng chỉ rừng FSC và lí do tại sao nên tham gia chứng chỉ rừng FSC, mọi người mới vỡ lẽ và một không khí hào hứng, sôi nổi thảo luận về cách trồng, công tác quản lý và bảo vệ rừng như thế nào ở địa phương.
Đó là chuyện diễn ra cách đây chưa lâu. Vậy mà bây giờ chính những người nông dân chân chất này đang chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ đánh giá FSC giai đoạn 2021-2025 của Hội CCR Quảng Trị, trong đó có diện tích 774 ha rừng cộng đồng mà họ là thành viên tham gia quản lý. Hoạt động đánh giá này dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10/2021. Được biết, đây sẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam, rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý tham gia chứng nhận FSC lâm sản ngoài gỗ. Cùng tham gia kỳ đánh giá chứng chỉ FSC lần này ở khu vực miền núi còn có rừng cộng đồng thôn Hồ với diện tích khoảng 800 ha ở xã Hướng Sơn lân cận, cách thôn Chênh Vênh khoảng 20km.

Người dân và cán bộ dự án thảo luận về bản đồ hiện trạng rừng cộng đồng ở thôn Chênh Vênh

Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ là những chi hội quản lý rừng tự nhiên ở miền núi đầu tiên của Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị, được kết nạp vào Hội lần lượt vào năm 2020 và 2021. Bên cạnh 2 chi hội rừng tự nhiên cộng đồng, Hội CCR Quảng Trị hiện có 37 chi hội khác là những chi hội thành viên trồng rừng keo gỗ lớn ở các huyện đồng bằng ở Quảng Trị, với tổng số thành viên là 538 hộ gia đình và tổng diện tích tham gia FSC là 4.399 ha (trong đó có 2.837 ha diện tích rừng trồng keo gỗ lớn & 1.562 ha diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý).
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (dự án PROSPER) do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, nhiều hoạt động khác nhau đã được thực hiện một cách tích cực nhằm giúp hai cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ có sự chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá.

Hướng dẫn điều tra trữ lượng tre trong cộng đồng Chênh Vênh

Song song với các hoạt động tập huấn, hội thảo cung cấp kiến thức về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, các hoạt động khảo sát, đánh giá liên quan cũng được thực hiện đối với 02 rừng cộng đồng này: điều tra trữ lượng mây & tre, đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao, đánh giá tác động môi trường & xã hội. Kết quả của những đánh giá này được sử dụng để giúp hai Ban quản lý rừng cộng đồng củng cố kế hoạch quản lý rừng bền vững, bao gồm kế hoạch phát triển và khai thác bền vững đối với lâm sản ngoài gỗ (LSNG), đồng thời được bổ sung vào kế hoạch chiến lược của Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, trong hai năm qua (2020 -2021), với sự hỗ trợ từ dự án PROSPER, người dân ở các thôn miền núi đã trồng mới hơn 300.000 cây trẩu và cây bản địa tại khu vực Bắc Hướng Hóa.

Paneau truyền thông về Rừng ở thôn Chênh Vênh

Chứng nhận FSC đối với lâm sản ngoài gỗ rừng cộng đồng có ý nghĩa quan trọng đối với Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị và hai cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ trên các phương diện kinh tế, môi trường & xã hội: Nâng cao giá trị kinh tế lâm sản ngoài gỗ. Thu hút sự quan tâm đầu tư và hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật lẫn chính sách đối với những Ban quản lý này; Thúc đẩy tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng; Thúc đẩy bảo vệ, trồng và làm giàu rừng; Góp phần bảo vệ môi trường rừng; …
Tháng 6/2021, Hồ Xa Lăng đã tham gia cùng đại diện lãnh đạo Hội CCR Quảng Trị và một số đơn vị khác đi học hỏi mô hình trồng, khai thác và cung ứng mây bền vững ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Anh hy vọng trong những năm tới cây mây ở rừng cộng đồng thôn Hồ cũng được phát triển, bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả, được cung ứng ra thị trường thông qua kết nối với doanh nghiệp có trách nhiệm về quản lý & bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho bà con trong thôn.

Anh Hồ Xa Lăng ( giữa) giới thiệu về rừng cộng đồng thôn Hồ cho một nhóm tư vấn

Từ chỗ hoàn toàn lạ lẫm với khái niệm “chứng chỉ FSC”, nhiều người dân ở thôn Chênh Vênh và thôn Hồ như ông Hồ Văn Chiến và anh Hồ Xa Lăng đang thay đổi tư duy để những cánh rừng của cộng đồng mình dần dần được quản lý và bảo vệ tốt hơn “theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Chứng chỉ rừng FSC là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, do Hội đồng quản trị rừng quốc tế đã xây dựng với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Chứng nhận quản lý rừng FSC® được chấp nhận trên toàn cầu và có giá trị trong 5 năm. Tuy nhiên, mỗi năm FSC đều đánh giá để kiểm tra các nhà sản xuất có tuân thủ các cam kết về quả lý rừng bền vững hay không.

Nguồn: https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/danh-gia-chung-chi-rung-fsc-lan-dau-tien-doi-voi-rung-cong-dong-o-viet-nam-1028988.vov

Read more