Thích ứng với biến đổi khí hậu – 1

Tổng kết Dự án PROSPER: Những kết quả đột phá

Ngày 10/2/2023, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR) phối hợp với MCNV tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (Dự án PROSPER) do Liên minh Châu Âu (EU) và MCNV đồng tài trợ.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích báo cáo, chia sẻ thông tin về những kết quả Dự án đạt được, thảo luận, rút ra các bài học kinh nghiệm về mô hình tổ chức, cách thức triển khai các hoạt động, từ đó đưa ra những đề xuất để duy trì và phát huy những kết quả Dự án. 

Sau 3 năm triển khai dự án (tháng 2/2020 – tháng 2/2023), Hội CCR Quảng Trị và các chi hội là đại diện cho chủ rừng nhóm hộ gia đình, cộng đồng đã tham gia sâu vào tiến trình giảm phát thải và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Với khoảng 2.880 ha rừng trồng gỗ keo đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC, Hội CCR và các chi hội đóng góp vào lượng giảm phát thải hằng năm nhờ những thay đổi về thực hành kỹ thuật lâm sinh của chủ rừng.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, 2.145 ha rừng tự nhiên của 5 chi hội miền núi được cấp chứng nhận FSC dịch vụ sinh thái (FSC-ES) đã đóng góp hấp thụ hằng năm khoảng 7.000 tấn CO2.  Hiện các chi hội đang tiếp cận nguồn chi trả tự nguyện hằng năm cho 7.000 tấn CO2, với mức chi trả khoảng 10 euro cho 1 tấn CO2, tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.

Bên cạnh đó, các mô hình du lịch cộng đồng dựa trên các rừng có chứng nhận FSC về dịch vụ hệ sinh thái cũng đang mở ra một cơ hội về phát triển sinh kế cộng đồng gắn với quản lý rừng bền vững. Các kết quả ban đầu đã đóng góp vào Nghị quyết số 02-NQ/HU về Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hướng Hóa.

Giám đốc MCNV Việt Nam, ông Phạm Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam khẳng định: Dự án PROSPER thể hiện nỗ lực mở rộng các hoạt động của tổ chức trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu tại Quảng Trị, một trong những tỉnh đối tác chiến lược của MCNV.

Theo ông Phạm Dũng, PROSPER là dự án trọng điểm của MCNV trong bối cảnh mô hình phát triển chứng chỉ rừng cho nhóm hộ gia đình ngày càng được nhân rộng tại các địa phương, mà Quảng Trị là tỉnh tiên phong, nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của chính phủ về giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý.

Nhân dịp này, Giám đốc MCNV đã bày tỏ lòng cảm ơn trân trọng tới nhà tài trợ EU, Hội CCR Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hoá và các huyện, xã tham gia dự án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng Công an và Bội đội biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc tỉnh, Ban Quản lý rừng, các đơn vị chuyên môn trong tỉnh, các tổ chức bạn như WWF, các doanh nghiệp, và đặc biệt là các chủ hộ rừng nhóm hộ gia đình.

“Chính sự tham gia và đóng góp của các hộ gia đình là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của Dự án!” ông Phạm Dũng khẳng định.

Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa đã đánh giá cao những hỗ trợ mà MCNV đã và đang dành cho tỉnh Quảng Trị, trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho phát triển tại Việt Nam ngày càng giảm dần.

Theo ông Phạm Trọng Hổ, mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, dự án PROSPER đã tạo được các kết quả mang tính đột phá, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực quản lý rừng cộng đồng, phát triển sinh kế cho cộng đồng miền núi, phát triển rừng trồng gắn với phòng hộ và đặc biệt là nỗ lực trong đóng góp vào giảm phát thải.

“Chúng tôi nghĩ rằng các kết quả từ dự án PROSPER hoàn toàn có cơ hội nhân rộng thông qua việc lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như huy động nguồn lực từ các dự án phát triển và các doanh nghiệp đang triển khai trên địa bàn huyện Hướng Hóa”, ông Phạm Trọng Hổ nhận định.

Các đại biểu tham quan thực địa trước thềm Hội thảo kết thúc dự án PROSPER.

Dự án Thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (gọi tắt là Dự án PROSPER) do Liên minh Châu Âu tài trợ chính, MCNV đồng tài trợ và trực tiếp quản lý, phối hợp với Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị triển khai từ 2020.

Dự án thực hiện với mục tiêu nâng cao năng lực, vai trò của các chủ hộ rừng nhóm gia đình tham gia vào dịch vụ môi trường rừng, đóng góp vào việc hạn chế giảm phát thải thông qua các giải pháp tăng cường diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ FSC, tăng cường diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ gắn với các mô hình sinh kế rừng bền vững.

Read more

Vun đắp tình yêu thiên nhiên, môi trường cho thế hệ tương lai

Trồng cây “chữa lành” vết thương của rừng ở một điểm sạt lở do lũ quét năm 2020.

Ngày 30/7 vừa qua, MCNV, tổ  chức DFS (Đức), Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ và trường THPT Đông Hà đã tổ chức tour dã ngoại ket hop giáo dục thiên nhiên và môi trường dành cho học sinh tại vùng dự án của MCNV tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đoàn tham quan tại làng du lịch sinh thái Chênh Vênh

Chuyến tham quan đã mang tới cho 39 học sinh trường THPT Đông Hà cùng các thầy cô giáo và phụ huynh những hiểu biết về giá trị của thiên nhiên, bao gồm, hệ sinh thái và rừng, nâng cao ý thức về biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, thúc đẩy hành động vì môi trường.

Trồng cây tại vùng bị sạt lở do trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020.

“Mọi thứ ở đây thật mới mẻ, lạ lẫm với em. Khi bắt đầu bước chân vào rừng, cũng giống như các bạn khác, em hơi lo là mình sẽ gặp vắt. Nhưng rồi, em phát hiện ra rằng, chuyến đi đã mang lại những bài học về thiên nhiên, môi trường. Những khoảnh khắc trải nghiệm này cũng là dịp để chúng em tập đối diện với nỗi sợ và vượt qua thử thách.”

Em Trần Nguyễn Phi Uyên thăm vùng trồng cà phê và chanh dây.
Giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và các hoạt động tạo thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ.

“Tôi rất ấn tượng với chương trình này”, thầy Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng trường THPT Đông Hà cho biết. “Tất cả các em học sinh tham gia chương trình đều sống ở thành phố Đông Hà, chưa có dịp được tìm hiểu về rừng cũng như tiếp cận với cuộc sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc. Lần này các em đã có những trải nghiệm rất ý nghĩa.”

Thầy Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà

“Như tôi được biết, đây là lần đầu tiên một chương trình tham quan-học hỏi như thế này được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều chương trình tương tự được tổ chức trong tương lai, thu hút thêm nhiều học sinh tham gia!” thầy Hoàng Văn Minh chia sẻ.

Read more

Đoàn WWF thăm vùng dự án PROSPER

Thăm vườn ươm cây bản địa tại HTX Sơn Nguyên

Ngày 18/6, đoàn công tác của tổ chức WWF từ Anh và Việt Nam đã tới thăm vùng dự án PROSPER do Liên minh Châu Âu (EU) và MCNV tài trợ thực hiện tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Thăm vùng nguyên liệu bồ kết cùng đội tuần tra rừng của thôn Trăng Tà Puồng

Chuyến thăm nhằm mục tiêu đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận Khung hợp tác giữa MCNV và WWF vào ngày 15/12/2021 liên quan đến dự án PROSPER và các Dự án thuộc Chương trình Rừng của WWF-Việt Nam ở Trung Trường Sơn (CAL).

Thăm vùng trồng trẩu xen cây bản địa

Thông qua việc huy động các nguồn lực để đóng góp nhiều hơn vào quản lý rừng bền vững, Thỏa thuận Khung tập trung vào các lĩnh vực: (i) Cải thiện và duy trì hệ thống chứng nhận FSC® của Hội CCR Quảng Trị; (ii) Thúc đẩy liên kết thị trường giữa giữa các nhóm hộ và công ty chế biến đối với các chuỗi cung ứng liên quan như mây tre có chứng chỉ FSC và các lâm sản ngoài gỗ khác; (iii) Hỗ trợ các mô hình kinh doanh tiềm năng để phát triển các dự án về tre, dược liệu, tiếp cận được nguồn tài trợ từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan và Quỹ Phục hồi Cảnh quan; và (iv) Phát triển các đề xuất dự án về phục hồi rừng trồng bằng cây bản địa và các loại cây lâm sản ngoài gỗ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. /.

Read more

Thăm vùng dự án PROSPER nhằm thiết kế và triển khai dịch vụ du lịch giáo dục về thiên nhiên và môi trường

Đoàn trao đổi với một nông dân người dân tộc thiểu số tại vườn cà phê áp dụng phương thức nông lâm kết hợp

Ngày 14/6/2022, đoàn công tác gồm đại diện tập đoàn tư vấn Gesellschaft für Agrarprojekte (GFA), Deutsche Forstservice GmbH (DFS) (CHLB Đức) và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã có chuyến thăm và làm việc tại vùng dự án PROSPER do Liên minh Châu Âu và MCNV tài trợ tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.


Thăm vùng nguyên liệu Tràm Năm Gân tại xã Hướng Phùng

Trong chuyến công tác, đoàn đã tham quan mô hình trồng cà phê theo hướng nông-lâm kết hợp, thăm vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ và tham gia tour du lịch trải nghiệm các điểm đến tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, nơi có rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận FSC®  về quản lý rừng bền vững.  

Tham quan Đồi Sa Mươi thuộc rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được cấp chứng nhận

Mục tiêu của chuyến công tác nhằm thiết kế và triển khai dịch vụ du lịch giáo dục về thiên nhiên và môi trường gắn với công tác quản lý rừng bền vững tại địa phương, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới để khai thác những thế mạnh và tiềm năng của du lịch địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái do cộng đồng quản lý./.

Read more

MCNV chuyển giao dự án Tín dụng tiết kiệm Bình Đại cho địa phương

Ngày 3/6/2022, MCNV đã ký kết chuyển giao dự án Tín dụng tiết kiệm (TDTK) Bình Đại cho đối tác địa phương là Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bình Đại và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Đại tiếp tục quản lý và vận hành.

Các đại biểu tại lễ ký bàn giao dự án.

Lễ ký kết có sự tham dự của ông Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam; ông Phạm Hữu Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại – Trưởng ban quản lý dự án TDTK Bình Đại; bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch hội LHPN huyện Bình Đại – Phó ban quản lý cùng sự tham gia của các Sở, Ban, Ngành tỉnh Bến Tre và đại diện UBND cùng Hội LHPN của 11 xã và thị trấn thuộc dự án.

Giám đốc MCNV, ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ bàn giao.

Ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ chuyển giao dự án đã cho biết: “Dự án TDTK huyện Bình Đại là biểu tượng cho sự hợp tác lâu dài giữa MCNV và tỉnh Bến Tre. Dự án là niềm tự hào của MCNV về tính bền vững, hiệu quả tài chính và tác động xã hội. Cách tiếp cận linh hoạt của dự án thông qua công cụ tài chính vi mô đã hỗ trợ cho phụ nữ nghèo tại huyện Bình Đại có kiến thức và nguồn vốn để vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cho phép dự án hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho cộng đồng thích ứng với hạn mặn, giúp địa phương đạt được một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sau khi chuyển giao, UBND huyện Bình Đại cùng Hội LHPN tỉnh và huyện sẽ tiếp tục quản lý và vận hành dự án theo quy chế dự án, đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của phụ nữ nghèo trong phục hồi kinh tế hậu COVID. Dự án cũng sẽ trở thành một đối tác của MCNV trong những dự án sẽ được phát triển tiếp theo hỗ trợ cho Bến Tre và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời BQL dự án cam kết báo cáo và duy trì mối quan hệ với các nhà tài trợ Hà Lan đã và đang hỗ trợ cho dự án như quỹ Mfm, Huzla và các nhà tài trợ cá nhân Hà Lan./.

Dự án TDTK Bình Đại được hình thành năm 2009 trên hai xã ban đầu với số vốn gần 300tr đồng.

Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, phục vụ khoảng 1700 khách hàng thường xuyên vay vốn tín dung vi mô và tiết kiệm với tổng nguồn vốn quay vòng trên 12 tỷ VND.

Tính đến nay dự án đã cung cấp hơn 8800 khoản vay hỗ trợ cho hàng nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.


Read more

Khởi động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở miền núi Quảng Trị

Ngày 20/4/2022, MCNV phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sự kiện khởi động hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC® tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Tham dự sự kiện này có đại diện các sở, ban, ngành liên quan các cấp: Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại & Du lịch, Huyện Ủy, Ban Tuyên giáo & UBND huyện Hướng Hóa cùng các phòng, ban liên quan.

Tại sự kiện này, các đại biểu và khách mời có dịp trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái của cộng đồng thôn Chênh Vênh, như tham quan điểm cắm trại Đồi Sa Mươi, thác và suối Chênh Vênh, tuyến thăm rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý, điểm dã ngoại xóm Rờ Vê, thưởng thức ẩm thực các món ăn ngon từ sản vật địa phương, thưởng thức chương trình ca nhạc, tìm hiểu những nét độc đáo của văn hóa bản địa, …

Quầy hàng giới thiệu sản vật địa phương.

Để các dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở thôn Chênh Vênh chính thức đi vào hoạt động ngày hôm nay, trong hơn nửa năm qua, MCNV đã phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa và UBND xã Hướng Phùng tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch cho cộng đồng thôn Chênh Vênh và Ban quản lý rừng cộng đồng của thôn này. Các hỗ trợ chính bao gồm: sửa chữa, nâng cấp nhà cửa làm homestay cho một số hộ gia đình, trang bị dụng cụ phục vụ hoạt động dã ngoại ngoài trời (như lều, trại, chăn, chiếu, …), cải tạo cảnh quan cắm trại khu vực ven suối, lắp đặt các pa nô chỉ dẫn, xây nhà vệ sinh, tập huấn về quản lý du lịch cộng đồng và tập huấn về kỹ năng phục vụ ẩm thực, …

Tại buổi lễ chính của sự kiện, Ông Phạm Trọng Hổ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa – khẳng định cộng đồng thôn Chênh Vênh, với điều kiện tự nhiên lý tưởng và văn hóa bản địa đặc sắc, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh sự hỗ trợ của MCNV là hết sức thiết thực, có thể đặt nền tảng để cộng đồng này phát triển hoạt động du lịch sinh thái lâu dài gắn với công tác quản lý rừng bền vững.

Ông Nguyễn Đình Đại – Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị phát biểu tại sự kiện.

Ông Nguyễn Đình Đại – Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị – cho biết cộng đồng thôn Chênh Vênh với gần 100 hộ gia đình Bru Vân Kiều đang quản lý một diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng và hộ gia đình quản lý lên đến 1.000 héc-ta. Việc phát triển sinh kế và thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ, du lịch cộng đồng và các dịch vụ hệ sinh thái có ý nghĩa quan trọng, giúp cộng đồng này quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Cô gái Vân Kiều trong trang phục truyền thống.

Với sự hỗ trợ của MCNV thông qua dự án PROSPER do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, trong năm 2021 rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, cùng với rừng cộng đồng thôn Hồ (xã Hướng Sơn), tự hào trở thành hai rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận FSC® của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ cộng đồng thôn Chênh Vênh củng cố và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, MCNV sẽ tiếp tục tìm cách kết nối các nhà tài trợ, các doanh nghiệp có trách nhiệm để họ tự nguyện chi trả cho dịch vụ hệ sinh thái do cộng đồng này cung cấp, như các dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, …

Read more

Dự án hợp tác mới giữa GSRD và MCNV sẽ hỗ trợ hơn 1.000 phụ nữ, trẻ em nghèo tại Phú Yên

Ngày 25 tháng 03 năm 2022, MNCV phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đồng Xuân” (viết tắt là Dự án BIJPO). 

Được triển khai trong 3 năm tháng (tháng 04 năm 2022 đến tháng 04 năm 2025), dự án BIJPO kế thừa những thành tựu đạt được từ dự án “Cải thiện trình trạng suy dinh dưỡng dựa trên giải pháp nông nghiệp” do MCNV triển khai thực hiện tại địa phương.

BIJPO hướng tới mục tiêu cải thiện thu nhập và tình trạng an ninh lương thực thông qua cải thiện điều kiện làm việc và tình trạng sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với những thách thức mới do tác động từ đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu tại các khu vực miền núi và vùng DTTS. Dự án BIJPO đóng góp trực tiếp cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Một gia đình nhỏ ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên

Đối tượng dự án bao gồm phụ nữ và trẻ em DTTS thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn, đang sinh sống trên địa bàn 15 thôn miền núi của 6 xã: Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Phước, Đa Lộc và Xuân Lãnh.

Trong khuôn khổ dự án, 15 tổ hợp tác sẽ được thành lập tại 15 thôn. Các thành viên sẽ được tham dự các lớp tập huấn về lên kế hoạch, quản lý sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất, đào tạo tay nghề… Các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ sẽ dựa trên những hình thức sinh kế sẵn có tại địa phương như bóc vỏ keo bằng máy, hoặc các ngành nghề mới mà thành viên mong muốn tham gia, như tổ sản xuất nấm keo sấy, tổ đan lát các sản phẩm nhựa theo đơn hàng của các doanh nghiệp… Ngoài ra, dự án cũng thực hiện các hoạt động để kết nối giữa các tổ và doanh nghiệp cũng như các hoạt động học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác.

Bên cạnh 15 tổ hợp tác, dự án cũng sẽ tạo điều kiện cho 30 nhóm hộ sản xuất nông nghiệp với khoảng 450 thành viên nữ tham gia. Hình thức hỗ trợ sẽ thông qua các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp – an ninh lương thực, cây giống, vật nuôi, vật tư để các thành viên nhóm thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp vừa mang lại thu nhập vừa tạo thực phẩm tại chỗ. Các mô hình nông nghiệp sẽ do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan giới thiệu. Các thành viên nhóm sẽ tự chọn mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình. Những mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2018 -2020 như nuôi vịt, nuôi gà lấy trứng, nuôi cá, nuôi ếch, trồng các loại cây ăn quả, vườn rau và trồng đậu xen sắn sẽ được khuyến khích nhân rộng. Sản phẩm từ các mô hình nông nghiệp này sẽ được cung ứng cho các chợ, các tư thương lưu động và sử dụng tại hộ gia đình, cộng đồng./.

Read more

Vun trồng những mùa vui

Giữa cái nắng oi ả ban trưa đầu mùa khô ở Bắc Hướng Hóa, anh Hồ Văn Dinh, 49 tuổi, ở thôn Nguồn Rào Pin (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một tay cầm rựa, men theo ven suối, thoăn thoắt sải bước tiến về hướng ngọn núi Tà Bang sừng sững.

Sau đợt thiên tai lịch sử diễn ra vào tháng 10/2020, những vết nứt lớn đã xuất hiện trên núi Tà Bang. Để đảm bảo an toàn cho bà con trước nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã khẩn trương tổ chức di dời 32 hộ dân sinh sống quanh chân núi tới nơi ở mới.

Sau một hồi leo dốc liên tục trên quãng đường gập ghềnh gần 2km, anh Dinh dừng lại, chỉ tay vào lô đất trống ngổn ngang đất đá ở lưng chừng núi: “Ở đó, anh trồng trẩu và lát hoa. Diện tích lô này là 1,6 héc-ta”. Từ xa nhìn lại, nơi anh Dinh nói tới trông giống như một vùng đất trống đồi trọc cằn cỗi, không gì có thể mọc nổi ngoài những vạt cỏ hoang và vài đám cây bụi thấp lưa thưa.

Thế nhưng, tiến lại gần một chút, là đã có thể thấy được thấp thoáng màu xanh tươi mới của những cây trẩu non, cao tầm một gang tay, đang vươn lên khỏi mặt đất, xen kẽ cùng những cây lát hoa.

Cây trẩu hơn 3 tháng tuổi trước đỉnh núi Tà Bàng. Ảnh: MCNV

“Nhà anh có 3 đứa con trai đều đã lập gia đình. Những cây này là vợ chồng anh, các con trai và con dâu cùng trồng trong 3-4 ngày liên tục. Trồng hơn 3 tháng rồi, nay anh có thể nói chắc chắn tỷ lệ sống của cây là gần 100% đấy”, anh Dinh hồ hởi kể, trong khi hai tay hối hả vun đất cho cây.

Gia đình anh Dinh là một trong 100 hộ gia đình ở 4 thôn (Hồ, Nguồn Rào Pin, Ra Ly Rào và Xy Ry) thuộc 2 xã Hướng Sơn và Hướng Phùng được dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (viết tắt: PROSPER) do Liên minh châu Âu (EU) và MCNV đồng tài trợ.

Anh Hồ Văn Dinh vun đất trồng trẩu. Ảnh: MCNV

Năm 2021, dự án PROSPER đã hỗ trợ một phần kinh phí nhân công lao động cho 100 hộ kể trên trồng trẩu hỗn giao với các loài cây bản địa khác (lõi thọ, lát hoa, xoan nhừ) với tổng diện tích 139,4 héc-ta. Công thức trồng cho mỗi héc-ta là 1.333 cây, bao gồm 1.067 cây trẩu và 266 cây bản địa khác.

Cũng trong năm 2021, MCNV đã thí điểm trồng trẩu chống sạt lở ở một số địa điểm thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Lập và Hướng Việt với tổng diện tích 42 héc-ta. Trước đó, trong năm 2020, dự án cũng đã hỗ trợ 2 thôn khác ở xã Hướng Phùng trồng rừng tương tự trên diện tích gần 120 héc-ta. Như vậy, tính đến nay, sau 2 năm, dự án PROSPER đã hỗ trợ người dân ở khu vực Bắc Hướng Hóa trồng rừng trên tổng diện tích khoảng 300 héc-ta.

Trồng trẩu góp phần giữ đất, giữ nguồn nước. Ảnh: MCNV

“Trồng trẩu trước hết là để góp phần giữ đất, giữ nguồn nước. Cây này dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng ở đây”, anh Dinh tiếp tục chia sẻ. “Về lâu dài, cây này đem lại lợi ích kinh tế. Cứ đến mùa quả trẩu chín, nhà nào cũng đi nhặt hạt trẩu bán để có thêm thu nhập.”

Theo anh Dinh, trong mấy năm gần đây, hạt trẩu tươi có giá bình quân khoảng 5.000đ – 6.000đ/kg, còn hạt trẩu đã phơi khô thì có giá cao hơn gần gấp đôi. Khi được hỏi gia đình anh kiếm thêm thu nhập khoảng bao nhiêu từ một vụ thu hoạch hạt trẩu, anh cười xòa: “Chịu thôi, anh không biết tính toán. Chỉ biết là có thêm tiền để mua mắm, mua muối, mua lương thực cho gia đình”.

Biết được giá trị của cây trẩu, anh Dinh và gia đình đã trồng trẩu từ hơn 10 năm trước trên một lô đất khác của gia đình có diện tích 1,2 héc-ta, cách lô đất mới trồng không xa. Mỗi vụ thu hoạch đến, khi quả trẩu chín, vợ chồng anh lại đến đó thu nhặt hạt để bán.

Hạt trẩu được các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất dầu trẩu, như một nguyên liệu trong công nghiệp vật liệu phủ gỗ, véc-ni, sơn, mực in…, được ưa chuộng bởi khả năng bảo vệ, tạo vẻ bóng, đẹp tự nhiên, bền chắc cho đồ nội thất, công trình xây dựng.

Theo một khảo sát do MCNV thực hiện năm 2020, khu vực Bắc Hướng Hóa có khoảng 2.400 héc-ta trẩu trồng xen và 300 héc-ta trồng phân tán hộ gia đình, tạo nên sản lượng hạt khô lên đến 1.500 tấn, có giá trị kinh tế tương đương 15 tỷ đồng/năm. Ước tính, mỗi héc-ta rừng trẩu, nếu được trồng và chăm sóc tốt, sau 4 năm cho sản lượng 3-4 tấn hạt khô, đem lại giá trị kinh tế 30-40 triệu đồng/năm.

Nhận ra giá trị kinh tế và môi trường từ cây trẩu, gần đây, huyện Hướng Hóa đã đưa cây trẩu vào danh mục các loài cây trồng trọng điểm trong kế hoạch thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị./.

Read more

Trồng phục hồi rừng ở các điểm sạt lở

Tháng 11 vừa qua, người dân thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa) mang theo hạt trẩu và dụng cụ lao động đến các điểm sạt lở ở cánh rừng tự nhiên do người dân thôn này quản lý và bảo vệ để trồng lại rừng. Những điểm sạt lở này do thiên tai gây ra vào cuối năm 2020, mỗi điểm rộng hàng nghìn m2.

10ha rừng bị sạt lở ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn) được người dân trồng cây trẩu để phục hồi rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Sau một năm, các điểm sạt lở vẫn không có cây cối mọc lên, thậm chí là cỏ dại. Đợt này, người dân Ra Ly Rào trồng cây trẩu trên diện tích 10ha. Đây là đợt trồng cây phục hồi rừng ở các điểm sạt lở đầu tiên tại huyện Hướng Hóa. Việc trồng phục hồi rừng được thực hiện dưới sự tài trợ của Liên Minh Châu Âu/EU và MCNV (Dự án PROSPER).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình, cho hay người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. “Chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá khả năng bám rễ, giữ đất của cây trẩu ở các điểm sạt lở, tham vấn các bên liên quan rồi mới có phương án nhân rộng”, ông Tùng cho hay. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến 326ha rừng tự nhiên bị sạt lở, thiệt hại 100%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình (ngoài cùng, trái) cho biết: Người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Tham gia trồng cây, chị Hồ Thị Chung, cho biết rất phấn khởi vì được hỗ trợ trồng lại rừng, vừa phủ xanh, chống sạt lở, lâu dài cây trẩu cho quả để có thêm thu nhập. “Tôi mong muốn dự án hỗ trợ trồng thêm ở nhiều điểm sạt lở khác”, chị Chung nói. Ngoài ra, Dự án PROSPER còn hỗ trợ người dân các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn trồng trẩu, lõi thọ, lát hoa, xoan nhừ trên diện tích đất lâm nghiệp hộ gia đình. Đây là đất trống đồi trọc, không được nông dân canh tác do chất lượng đất không tốt và nông dân không có năng lực tài chính để trồng rừng.

Chị Hồ Thị Chung, một thành viên tham gia trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Việc này nhằm tăng độ che phủ rừng, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc thu nhặt hạt trẩu và chi trả dịch vụ môi trường rừng ở vùng rừng trồng thuộc lưu vực thủy điện. Trong năm 2021, Dự án PROSPER hỗ trợ trồng rừng trên diện tích gần 140ha ở các xã Hướng Phùng và Hướng Sơn. Trong năm 2020, Dự án PROSPER cũng đã hỗ trợ hơn 70 hộ gia đình ở các thôn Chênh Vênh và Mã Lai Pun (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa) trồng rừng trẩu xen với cây lõi thọ trên diện tích gần 120 ha đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình quản lý. MCNV đã và đang chia sẻ mô hình thông qua mạng lưới các tổ chức, nhà tài trợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm sự hợp tác nhân rộng mô hình.

Trẩu là cây bản địa ở huyện Hướng Hóa, trước đây thường mọc tự nhiên, những năm gần đây được người dân trồng để lấy hạt. Cây trẩu thường mọc ở vùng đất khô, ráo nước ở trong rừng thưa hoặc ven rừng rậm. Cây trung bình cao 10 đến 15m. Hạt trẩu được người dân bán với giá 8 đến 12 nghìn đồng mỗi kg hạt khô, dùng để ép lấy dầu, dùng trong công nghiệp sản xuất sơn, véc-ni, vật liệu phủ gỗ, mực in, keo bảo vệ vi mạch điện tử../.

Hoàng Táo

Read more

Chuỗi cung ứng cà phê bền vững: Những khởi sắc bước đầu

Những ngày đầu tháng 11 năm 2021, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn ngày thường. Cà phê chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch cao điểm. Năm nay hứa hẹn một vụ mùa nhiều khởi sắc khi cà phê chín rộ và giá cao hơn so với mọi năm.

“Cà sắp chín rồi. Khi mô doanh nghiệp Hội An ký hợp đồng thu mua rứa hè?”. Đây là câu hỏi thường nhật của Hồ Văn Số – trưởng nhóm nông dân người Bru-Vân Kiều tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, dành cho cán bộ MCNV trong mỗi lần gặp.

Nhóm nông dân thôn Xa Ry là một trong các nhóm đã tham gia liên kết với Công ty Hội An Roastery và đơn vị chế biến tại xã Hướng Phùng từ nhiều năm qua, dưới sự hỗ trợ kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV). Qua nhiều sóng gió, thăng trầm, mối quan hệ hợp tác liên kết giữa các bên ngày càng bền chặt, củng cố thêm niềm tin về một hành trình phát triển chuỗi cung ứng cà phê bền vững.

Anh Hồ Văn Số thu hoạch cà phê.

Những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid, đặc biệt từ năm 2019 đến 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê đã được thiết lập và củng cố trong những năm qua. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh mới và tìm kiếm các nguồn lực phát triển. MCNV hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài trợ của Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) thông qua đề xuất dự án “Thúc đẩy liên kết sản xuất cà phê Arabica nông-lâm kết hợp giữa Công ty TNHH Hoi An Roastery (HAR) và nông dân tại tỉnh Quảng Trị, Việt Nam”.

Tài liệu giới thiệu về Chương trình RA cho các nhóm nông dân

Mục đích của dự án nhằm tăng cường thực hiện phương thức sản xuất theo hợp đồng (contract farming) và sản xuất cà phê có chứng nhận nhằm cải thiện chuỗi cung ứng, góp phần vào sự phát triển cà phê bền vững tại tỉnh Quảng Trị.

Cán bộ MCNV chủ trì cuộc họp liên kết niên vụ cà phê 2021

Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt lớn với sự tham gia Chương trình Chứng nhận Rainforest Alliance (RA) trong giai đoạn 2021- 2025 với tầm nhìn đến năm 2030. Nếu thực hiện một cách đầy đủ, Chương trình sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho người sản xuất cà phê, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, và giải quyết nhiều vấn đề lớn về mặt xã hội, môi trường, năng suất và chất lượng…

“Trước đây, khi chưa tham gia với doanh nghiệp, phần lớn bà con nông dân, cả người bản lẫn người Kinh, bán cà phê cho thương lái, đại lý thu mua tại thôn”, chị Hồ Thị Nương, thành viên nhóm Xa Ry chia sẻ. “Họ mua mấy thì mình bán mấy, vì bà con không biết bán cho ai”. Hiện tượng “tranh mua, tranh bán” diễn ra phổ biến trên địa bàn. Khả năng, mức độ và cơ hội tiếp cận thị trường của người nông dân rất hạn chế dẫn đến việc thu hái ồ ạt, không đảm bảo chất lượng cà phê chế biến, và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng của cây cà phê những năm tiếp theo.

Trong một vòng tròn lẩn quẩn mà không thể xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc, câu chuyện về giá bán, năng suất, sản lượng, đầu tư mua phân bón, kỹ thuật và khả năng canh tác…luôn là nỗi lo thường trực đối với người nông dân trồng cà phê. Việc mua nợ phân bón và trả nợ bằng tiền bán cà phê quả tươi dẫn đến tình trạng người nông dân lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào các đại lý vừa thu mua cà phê, vừa cung cấp phân bón.

“Sau khi tham gia liên kết, bà con bán cà cho doanh nghiệp với yêu cầu hái chọn, chất lượng tốt hơn và giá hợp đồng cũng cao hơn so với thị trường. Các nhóm có quyền thương thảo hợp đồng trước khi ký kết. Bà con được thanh toán tiền kịp thời và trả nợ mua phân bón trước đây dần dần nên cũng đỡ”.

Những năm về sau, nhiều nông dân tham gia hợp tác liên kết đã bắt đầu thay đổi phương cách đầu tư trên vườn cà phê. Anh Số bổ sung: “Như tôi đây, năm 2020 đã bắt đầu chặt bỏ cây già, cho năng suất thấp và tập trung đầu tư khoảng hai nghìn cây trên một héc-ta. Thà làm ít mà chất lượng thì tốt hơn làm nhiều. Như vậy sẽ đầu tư ít tiền phân hơn, ngoài ra tôi còn trồng thêm các cây khác như cây tiêu để có thêm thu nhập khác mà lại che bóng tốt cho cây cà phê”. Trong tháng 10 năm 2021, MCNV tổ chức các đợt tập huấn, giới thiệu tổng quan về Chương trình chứng nhận Rainforest Alliance và các tiêu chuẩn cần tuân thủ. “Ban đầu bà con thấy rất khó khăn vì có rất nhiều yêu cầu trong khi bà con chưa quen với việc phải ghi chép nhật ký nông hộ, theo dõi vườn…”,  anh Võ Chánh Thi ở thôn Đại Độ bày tỏ. “Nhưng rõ ràng có rất nhiều lợi ích cho bà con. Chưa kể đến việc cải thiện chất lượng và sản lượng, khi tham gia thì các nhóm hoàn toàn an tâm về vấn đề cung ứng cà phê với giá cao và ổn định. Ngoài việc mua cà phê giá cao hơn so với thị trường, doanh nghiệp sẽ trả thêm cho bà con một ‘khoản chênh lệch’ khi tham gia Chương trình chứng nhận”.

Cà phê tươi được vận chuyển tới xưởng chế biến.

Trong niên vụ 2021 có 7 nhóm nông dân tham gia liên kết với tổng số thành viên trên 50 người, trong đó gần 40% là người dân tộc thiểu số. Hợp đồng giữa các bên đang được ký kết, theo đó các nhóm nông dân đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu thì được hưởng mức giá chênh lệch cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Cùng tham gia vào hoạt động cân đo, kiểm tra, ghi chép sau mỗi lần nhập

Trong niên vụ 2021 có 7 nhóm nông dân tham gia liên kết với tổng số thành viên trên 50 người, trong đó gần 40% là người dân tộc thiểu số. Hợp đồng giữa các bên đang được ký kết, theo đó các nhóm nông dân đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu thì được hưởng mức giá chênh lệch cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Nhân viên ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản cá nhân cho người dân tham gia dự án.

MCNV đóng vai trò xúc tiến, hỗ trợ, tư vấn và giám sát toàn bộ quá trình từ khâu thành lập nhóm và nâng cao năng lực quản lý nhóm, xây dựng và hoàn thiện hợp đồng, cung ứng và chế biến cà phê, sổ sách ghi chép, quản lý chất lượng, xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá… Bên cạnh đó, MCNV đã kết nối với ngân hàng tại địa phương hỗ trợ mở tài khoản cá nhân cho các thành viên nhóm để tiếp nhận tiền thanh toán từ doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch và kịp thời.

Với niềm tin thành công, niên vụ 2021 sẽ là bước đệm quan trọng đầu tiên trong hành trình tham gia Chương trình Chứng nhận Rainforest Alliance./.

Read more