Người khuyết tật và người cao tuổi -1

HUẤN LUYỆN LÂM SÀNG VẬT LÝ TRỊ LIỆU: TRAO CƠ HỘI ĐỔI THAY

Khoá huấn luyện kỹ năng lâm sàng Vật lý trị liệu đã mang lại những thay đổi như thế nào đối với học viên? Cùng lắng nghe những tâm sự của học viên Lê Hoàng Lộc (phòng khám Tani Health, TP.Tây Ninh) !

Tốt nghiệp Đại Học Y Dược TP.HCM, cầm tấm bằng Cử nhân Vật lý trị liệu trên tay, em quyết định về quê ở Tây Ninh để lập nghiệp. Rời thành phố cũng đồng nghĩa với việc em sẽ phải chấp nhận khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoá học bổ sung kiến thức từ trường…

Trong hơn hai năm làm việc tại bệnh viện công của tỉnh, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nên việc có thể tham dự những lớp học ngắn hạn, dài hạn ở trường đại học y dược của em cũng bị hạn chế hơn. Khi làm việc ở một môi trường bệnh viện thực tế, không có thầy cô bên cạnh để hướng dẫn như lúc đi thực tập, trong những lúc gặp nhiều ca bệnh thực sự khó, bản thân thì vẫn chưa đủ kinh nghiệm để giải quyết, em thực sự không biết phải hỏi ai. Đôi khi tự tìm hiểu kiến thức trên các trang nghiên cứu thì lại chưa biết cách chọn lọc thông tin. Em cũng cố gắng tham gia nhiều khoá CME để nâng cao kiến thức, nhưng khi về áp dụng lên bệnh nhân thì cũng gặp không ít khó khăn vì lý thuyết luôn khác hẳn thực tế.
Khi em được biết đến có một khoá học mà ở đó chúng em có thể được kèm 1:1, mà còn ở tại nơi làm việc, được chỉ dạy trực tiếp trên bệnh nhân tại đó thì em đã rất là hào hứng nhưng vẫn có gì đó e ngại vì chưa dám tin.
Lúc đó em nghĩ: “Sao mà được như vậy chứ, các thầy cô rất bận rộn, vã lại còn ở rất xa, thì sao có thể về tận nơi để truyền dạy cho từng cá nhân như vậy được?”
Mang một suy nghĩ vừa vui mừng vừa ngờ vực suốt mấy tháng liền, trong thời gian đó em cũng đã có nhiều bước đi mới, em đã nghỉ việc ở bệnh viện công và tự mở cho mình một phòng khám riêng để có thể điều trị cho bệnh nhân của mình một cách toàn diện hơn, có thể áp dụng đúng theo những phương pháp đã học, lấy bệnh nhân làm trung tâm, có nhiều thời gian hơn để điều trị theo ý muốn của mình.

Huấn luyện thực địa tại phòng khám của học viên.

Sau hơn 3 tháng em đã mở được 2 phòng khám để có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều bệnh nhân. Song song với việc đó thì trách nhiệm của em ngày càng nặng hơn, bản thân luôn đòi hỏi kiến thức phải ngày càng được nâng cao hơn để có thể điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Việc đó càng thôi thúc em phải luôn tìm tòi và cố gắng tham gia nhiều khoá học hơn nữa.
Khi nhận được tin tổ chức Uỷ ban Y Tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) bắt đầu chuẩn bị cho khoá huấn luyện lâm sàng Vật lý trị liệu, lại một lần nữa em cảm thấy rất vui nhưng cũng rất…sợ. Sợ mình sẽ không có cơ hội được tham gia vì mình đã nghỉ việc ở bệnh viện công, nên em đã chủ động liên hệ với thầy cô ở trường để nắm được thêm thông tin và cố gắng đăng kí để được tham gia khoá huấn luyện này.

Huấn luyện thực địa tại phòng khám của học viên

Và rồi thật may mắn em đã được tham gia, khoá huấn luyện đúng như những thông tin mà em biết đến trước đó, nào là được kèm 1:1, nào là được các thầy cô đến tận nơi chỉ dạy, được cầm tay chỉ việc, được chia sẻ kinh nghiệm thực tế…và còn rất rất nhiều thứ nữa. Thực sự đến lúc đó em mới dám tin là mình được như vậy.
Trong suốt quá trình học tập, em được chính cô giáo Trưởng Bộ môn Vật lý trị liệu của trường mình chỉ dạy, em thực sự vô cùng bất ngờ và không khi nào ngừng cảm thán khi được học tập và làm việc trực tiếp với cô tại chính phòng khám của mình.
Cô đã dạy em rất nhiều, nó không còn là những kiến thức đơn thuần nữa mà nó luôn trực tiếp, rất nhiều những kinh nghiệm thực tế, giúp em giải quyết được rất rất nhiều thắc mắc, khó khăn, những câu hỏi trước đó. Giúp em hiểu rõ hơn, thực hiện đúng kĩ thuật hơn và cải thiện hẳn kĩ năng lâm sàng của bản thân. Với phương châm cho em “cần câu cá” chứ không phải những “con cá” có sẵn, cô đã giúp em biết được mình cần phải làm gì, đọc tài liệu ở đâu, đánh giá thông tin như thế nào mỗi khi gặp một vấn đề khó. Từ đó em đã tự tin hơn rất

HLV Lê Thanh Vân (Hội Vật lý trị liệu Việt Nam) (giữa), Cử nhân Lê Hoàng Lộc (ngoài cùng, trái) và đồng nghiệp tại phòng khám tại TP.Tây Ninh.

nhiều trong công việc, kỹ năng lâm sàng được nâng cao rõ rệt, bệnh nhân của em được cải thiện rất hiệu quả.
Qua quá trình học tập thì em lại được thêm một đặc quyền là mỗi khi gặp vấn đề khó thì có thể nhắn tin trao đổi trực tiếp với cô, cô luôn nhiệt tình hướng dẫn cho em. Quả thật điều này khích lệ tinh thần rất nhiều trên con đường điều trị bệnh cho bệnh nhân của em.
Em thực sự rất cám ơn Dự án Hoà Nhập 3, cảm ơn tổ chức MCNV, CSIP và nhà trợ USAID đã đem lại khoá huấn luyện vô cùng hữu ích như vậy, giúp cho những người làm nghề như chúng em ngày càng tốt hơn, điều trị cho bệnh nhân càng hiệu quả hơn. Em mong rằng khoá huấn luyện sẽ được duy trì và ngày càng được nhân rộng hơn nữa, để giúp cho ngành Vật lý trị liệu sẽ ngày càng được vững mạnh, kiến thức của kĩ thuật viên ngày càng được chuẩn hoá và nâng cao./.

Read more

Dấu ấn từ Hội nghị khoa học Hoạt động trị liệu 2023

Ngày 17/7/2023, ĐH Y Dược TP.HCM và MCNV đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học Hoạt động trị liệu (HĐTL) 2023. Đây là hoạt động thuộc Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam do MCNV triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án ADMIRE do USAID tài trợ thông qua tổ chức Humanity and Inclusion (HI).

Mục tiêu Hội nghị là góp phần mang đến cơ hội học hỏi, trau dồi chuyên môn, nâng cao năng lực nghề nghiệp, và tăng cường kết nối giữa các chuyên gia, các cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa quan tâm tới HĐTL.

ThS.Samantha Shann, Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới trình bày tham luận “Liên đoàn HĐTL thế giới: Nâng cao giá trị của HĐTL”

Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó 200 đại biểu tham dự trực tiếp là đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, các cơ sở y tế, các đơn vị đào tạo và các chuyên gia, giảng viên, sinh viên ngành PHCN trong và ngoài nước.

Hội nghị có sự tham dự của 04 báo cáo viên chính – là những chuyên gia HĐTL đầu ngành từ Anh, Úc và Ấn Độ. Đó là ThS.Samantha – Chủ tịch LĐ HĐTL thế giới; GS.TS.Anne Cusick – Trưởng Bộ môn HĐTL, ĐH Sydney (Úc); GS.TS.Lynette Mackenzie, Phó Chủ tịch Nhóm Châu Á Thái Bình Dương – Liên đoàn HĐTL thế giới và PGS.TS.Shovan Saha – Chủ tịch Hiệp hội Trị liệu bàn tay Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Hội nghị có sự tham dự của các báo cáo viên trong nước, với các tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực hành HĐTL từ những đơn vị PHCN uy tín như Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 1A và những bài thuyết trình về những dự án HĐTL với cộng đồng của sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH.Y Dược TP.HCM đã thay mặt Nhà trường bày tỏ sự vinh dự khi được phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học về một lĩnh vực đã có lịch sử “hình thành tương đối lâu đời trên thế giới nhưng còn mới tại Việt Nam”, và khẳng định: Hội nghị là một dấu mốc ý nghĩa quan trọng đối với trường, đánh dấu một bước trưởng thành của HĐTL tại Việt Nam”.

Đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (KHCN & ĐT), Bộ Y tế, ThS.Phạm Ngọc Bằng nhấn mạnh: Cục KHCN&ĐT hi vọng hội nghị sẽ giúp cung cấp thêm minh chứng về việc sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực HĐTL từ các nước, góp phần giúp Bộ Y tế đưa ra những quy định phù hợp, đảm bảo tính hội nhập trong quá trình xây dựng chính sách về PHCN tại Việt Nam.

Trong diễn văn chúc mừng, ThS.Samantha Shann, Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới phát biểu:

Trong suốt quá trình đồng hành và dõi theo sự phát triển của HĐTL tại Việt Nam, Liên đoàn rất ấn tượng với những nỗ lực, sự cam kết của Việt Nam trong việc phát triển sâu và rộng chuyên ngành này và gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã tham gia khởi xướng phát triển HĐTL tại Việt Nam vì những đóng góp, quyết tâm, tâm huyết đối với lĩnh vực này.

ThS. Samantha Shann cũng bày tỏ sự vui mừng trước những tín hiệu tích cực như sự quan tâm của tổ chức Y tế thế giới (WHO), những bước tiến của chính phủ, các cơ quan quản lý Việt Nam trong việc ban hành và thực thi những chính sách, quy định góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển HĐTL.

ThS.Samantha Shann nhấn mạnh: Với những điều kiện thuận lợi này, Liên đoàn HĐTL thế giới và ngành HĐTL Việt Nam “sẽ có nhiều cơ hội làm việc cùng nhau để tiếp tục vận động, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của HĐTL, đề ra những quy định và thực hành tốt nhất.”

Đại diện tổ chức HI – đơn vị quản lý Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam, ông Didier Demey đã gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ của các hội chuyên môn như Hội Phục hồi chức năng, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam và đối tác triển khai dự án – MCNV trong việc xây dựng và phát triển một chuyên ngành mới như HĐTL tại Việt Nam. Sự hợp tác này đã tạo ra nhiều thành quả đáng ghi nhận như xây dựng được chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và hoàn thành đào tạo khóa Cử nhân đầu tiên của ngành.

Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới tặng hoa chúc mừng Mạng lưới HĐTL Việt Nam

Hội nghị khoa học HĐTL cũng chứng kiến lễ ra mắt Mạng lưới HĐTL Việt Nam, với 9 thành viên chủ chốt. Sự hình thành mạng lưới nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực thực hành HĐTL, tăng cường nhận thức của xã hội về HĐTL và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, quản lý dịch vụ và đào tạo về HĐTL.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc MCNV Việt Nam, ThS.BS.Phạm Dũng đã bày tỏ sự vui mừng khi được chứng kiến “những thế hệ đầu tiên được đào tạo bài bản về bậc Cử nhân, Thạc sĩ về HĐTL đã góp mặt, có những bài trình bày tại Hội nghị, bên cạnh các giáo sư, chuyên gia HĐTL uy tín trên thế giới.”
Chứng kiến sự ra mắt của Mạng lưới HĐTL Việt Nam, ThS.BS.Phạm Dũng khẳng định: Đây là dấu mốc quan trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghề nghiệp đối với sự phát triển của một ngành nghề.

Tại Hội nghị, Giám đốc MCNV bày tỏ tin tưởng những dấu mốc này là những bước tiến nền tảng rất quan trọng, để các tổ chức, cơ quan hữu quan và những người đam mê HĐTL cùng phối hợp hướng tới tương lai tốt đẹp hơn của ngành.
“MCNV cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở đào tạo, thực hành, để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của HĐTL trong tương lai, và mong các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong chặng đường tiếp theo”, ThS.BS.Phạm Dũng phát biểu./.

Một số hình ảnh từ Hội nghị khoa học HĐTL 2023:

Các báo cáo viên chính, Giám đốc MCNV Việt Nam và các thành viên Mạng lưới HĐTL Việt Nam

PGS.TS.Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.

PGS.TS.Shovan Saha (ĐH Manipal, Ấn Độ) với bài trình bày “Những câu chuyện từ Ấn Độ về nẹp bản địa và dụng cụ thích nghi truyền cảm hứng cho HĐTL tại Việt Nam”. PGS.TS.Shovan Saha từng giảng dạy hơn 60 khóa đào tạo HĐTL và là chủ nhân của 4 bằng sáng chế về nẹp & dụng cụ trợ giúp bàn tay.

GS.TS.Anne Cusick  (Trưởng Bộ môn HĐTL, ĐH Sydney) với bài trình bày “HĐTL trong phục hồi chức năng thần kinh cho người sau đột quỵ”. GS.TS.Anne Cusick  có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và quản lý giáo dục, với nhiều công trình nghiên cứu về phục hồi chức năng thần kinh và thể chất.

GS.TS.Lynette Mackenzie (ĐH Sydney) với bài trình bày “HĐTL trong thế kỷ 21” GS. Lynette Mackenzie là tác giả của bảng công cụ HOMEFAST được sử dụng để đánh giá các yếu tố, nguy cơ té ngã tại nhà cho người cao tuổi. Bà cũng là Tổng biên tập tạp chí Occupational Therapy International.

ThS.Nguyễn Khắc Tuấn (Giảng viên Trường ĐH KTYT Hải Dương) với bài trình bày “Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng quay trở lại công việc trong 6 tháng sau tổn thương bàn tay của những người lao động tay chân tại Ấn Độ”

CN.Hồ Lê Trung (Bệnh viện 1A) với bài trình bày “Can thiệp nhóm cho trẻ bại não”

CN Nguyễn Thị Bình (Bệnh viện 30/4) với bài trình bày Tập luyện nhận thức cho bệnh nhân tại đơn vị Sa sút trí tuệ, Bệnh viện 30-4

Nhóm sinh viên Nguyễn Thúy Duy & Phao Huỳnh Thảo Như (ĐH Y Dược TP.HCM) trình bày về “Nâng cao nhận thức của giáo viên ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Đồng Tháp về HĐTL và tăng cường tiếp cận cho trẻ khuyết tật”

Sinh viên Hà Thị Lan (Trường ĐH KTYT Hải Dương) với bài trình bày “Phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi”.

Read more

Hoạt động trị liệu: “Chân trời mới” mở ra nhiều cơ hội

Thông qua những trải nghiệm trực quan, sinh động và chia sẻ đầy tâm huyết từ các chuyên gia, Hội thảo “Hoạt động trị liệu: cơ hội và lựa chọn” là “cầu nối” đưa tân sinh viên ngành phục hồi chức năng ĐH Y Dược TP.HCM tới gần hơn với một chuyên ngành hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

Nếu Vật lý trị liệu (VLTL) có lịch sử phát triển qua nhiều thập niên, thì Hoạt động trị liệu (HĐTL) và Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) vẫn còn là những chuyên ngành rất “trẻ” trong lĩnh vực phục hồi chức năng (PHCN) tại Việt Nam khi mới được đưa vào chương trình đào tạo chính quy tại một số trường y khoa từ năm 2016 và 2017.

Ths Lê Thanh Vân, Trưởng Bộ môn PHCN, ĐH Y Dược TP.HCM tại Hội thảo.

Tại ĐH Y Dược TP.HCM, hoàn thành năm thứ nhất với các nội dung đại cương, bước vào năm thứ hai, sinh viên ngành PHCN sẽ được lựa chọn một trong 3 chuyên ngành: VTLT, NNTL và HĐTL. Để đưa ra được quyết định đúng đắn, phù hợp, thì hiểu biết và nhận thức về các chuyên ngành một cách đầy đủ và toàn diện là hành trang không thể thiếu.

Đồng hành cùng các tân sinh viên trong định hướng chuyên ngành học, Hội thảo với chủ đề “HĐTL: Cơ hội và lựa chọn” được tổ chức bởi Bộ môn PHCN (Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược TP.HCM) vào ngày 15/10/2022. Với thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ, chương trình là “cầu nối” đưa HĐTL tới gần với các tân sinh viên, từ khái niệm HĐTL cho tới vị trí, vai trò của chuyên ngành này trong hệ thống y tế, định hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam cũng như các cơ hội nghề nghiệp HĐTL.

Là một trong những diễn giả tham dự Hội thảo, ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), đơn vị trực tiếp triển khai Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam – được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức HI – đã có phần trình bày về vai trò và các xu hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam.

“Hoạt động trị liệu có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân phục hồi các hoạt động chức năng trong sinh hoạt hằng ngày, từ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, ăn uống cho đến những hoạt động ‘cao cấp’ hơn như lao động, học tập”, ThS.BS.Phạm Dũng cho biết.

ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) chia sẻ về vị trí, vai trò của HĐTL.

Giám đốc MCNV cũng nhấn mạnh vai trò của HĐTL trong việc cải thiện khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội, thích nghi với công việc, nghề nghiệp trong tình trạng khuyết tật hoặc suy giảm chức năng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân/khách hàng.

Là giảng viên HĐTL tại ĐH Y dược TP.HCM và đồng thời là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, TS. Alexander Tú Nguyễn đã chia sẻ góc nhìn về HĐTL như một sự giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật trong việc cải thiện chức năng và chất lượng sống. Lấy ví dụ từ việc lồng ghép một điệu múa đơn giản vào một chuyển động hết sức quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày như “đứng lên ngồi xuống”, TS. Alexander Tú Nguyễn đã mang tới Hội thảo những khía cạnh đầy sáng tạo, linh hoạt của HĐTL.

TS.Alexander Tú Nguyễn với phần chia sẻ đầy sôi nổi về HĐTL và nghệ thuật

“Một điểm rất thú vị là dựa trên nền tảng kiến thức chuyên ngành, chuyên viên HĐTL có thể áp dụng bất kỳ hoạt động nào mà bệnh nhân yêu thích trong quá trình điều trị”, TS.Alexander Tú Nguyễn cho biết.

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp của chuyên ngành HĐTL, ThS.BS.Phạm Dũng nhận định: Nhu cầu PHCN tại Việt Nam đang tăng cao trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trong khi đó, nhân lực ngành PHCN, nhất là trong những lĩnh vực mới như NNTL và HĐTL còn rất hạn chế. Do vậy, những sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Theo Bộ môn PHCN, ĐH Y Dược TP.HCM, cơ hội dành cho Cử nhân HĐTL rất rộng mở. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chuyên ngành này đã nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị tuyển dụng như các bệnh viện lớn, trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ, các dự án cộng đồng. Nhiều cựu sinh viên chuyên ngành HĐTL tại ĐH Y Dược TP.HCM hiện đang công tác tại nhiều đơn vị chuyên môn uy tín như bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Bệnh viện C Đà Nẵng, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam.
Tốt nghiệp khóa 1 chương trình Cử nhân HĐTL, anh Hồ Lê Trung hiện đang là Trưởng đơn vị HĐTL tại Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN (Bệnh viện 1A) tại TP.HCM. Chia sẻ cảm nhận sau 2 năm gắn bó với ngành HĐTL, anh cho biết: “Trong lĩnh vực HĐTL, các bạn rất cần sự tỉ mỉ, tinh tế, biết quan sát bệnh nhân, chăm sóc cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Chuyên viên cũng rất cần sự sáng tạo, nhất là khi cần làm những dụng cụ để tập cho bệnh nhân”.

Theo anh Hồ Lê Trung, đơn vị HĐTL tại bệnh viện anh đang công tác có những khu “chuyên dụng”, chẳng hạn một phòng lớn được sắp xếp như căn hộ thực sự, với phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… Ở đó, bệnh nhân (sau chấn thương sọ não, bị khiếm khuyết chi…) sẽ được tập thực hiện những công việc hàng ngày trong một môi trường quen thuộc như ở nhà, ví dụ như tập pha nước chấm, xúc ăn với dụng cụ cải tiến…

Tại Hội thảo, bên cạnh những chia sẻ từ “người trong nghề”,các tân sinh viên còn được làm quen với HĐTL một cách trực quan, sinh động qua các trò chơi trải nghiệm như di chuyển trên xe lăn, dùng một tay mặc áo, làm vệ sinh cá nhân hay đọc chữ phản chiếu qua gương. Đây là những hoạt động hữu ích góp phần bồi đắp sự thấu hiểu đối với những trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, người khuyết tật, đồng thời thể hiện cụ thể và rõ nét vai trò của chuyên viên HĐTL trong góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ./.

*Những trải nghiệm đáng nhớ tại Hội thảo HĐTL: Cơ hội và Lựa chọn:

Trải nghiệm vẽ lại hình phản chiếu qua gương để hiểu cảm giác của bệnh nhân gặp khó khăn đọc/viết
Trải nghiệm điều khiển xe lăn, di chuyển với khung tập đi và nạng
Mô phỏng vệ sinh cá nhân bằng một tay
Thử sức với việc mặc áo bằng một tay
Read more

Ngôn ngữ trị liệu: Chuỗi sự kiện đặc biệt tháng 9/2022

Tiếp nối khóa đào tạo Thạc sĩ Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) đầu tiên đã tốt nghiệp vào cuối tháng 4/2022 tại ĐH Y Dược TP.HCM, ngày 27/9/2022 tới đây, 20 Cử nhân NNTL đầu tiên sẽ nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

Nhân dịp này, MCNV phối hợp cùng các đối tác tổ chức chuỗi sự kiện trong đó có Sinh hoạt chuyên đề về NNTL.

– Thời gian: 13.30 – 17.30 chiều 26/9/2022

– Chương trình có phiên dịch Anh – Việt

– Đại biểu quan tâm vui lòng đăng ký tham dự trực tuyến tại https://us06web.zoom.us/…/reg…/WN_bp-hce-gQju_H8iVG40lFg trước ngày 22/9/2022.

Dự án Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Việt Nam tài trợ bởi USAID thông qua tổ chức VietHealth với tư vấn kỹ thuật từ tổ chức Trinh Foundation Australia được MCNV triển khai thực hiện từ năm 2017 đến cuối tháng 9/2022.

Read more

Khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành vật lý trị liệu

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) của các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành vật lý trị liệu với chủ đề Tai biến mạch máu não (TBMMN) trong 05 ngày từ 05-09/9/2022 tại Thành phố Huế.

Một tiết học lý thuyết trong khóa học.

Các học viên tham gia khóa đào tạo gồm 33 bác sĩ, kỹ thuật viên, y sĩ và điều dưỡng đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã và trung tâm công tác xã hội trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Khoá đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).

Khóa đào tạo kéo dài 05 ngày đã trang bị và cập nhật đầy đủ cho các học viên những kiến thức, kỹ năng thực hành khám lượng giá, chẩn đoán và PHCN cho bệnh nhân TBMMN như các nguyên tắc PHCN sau TBMMN, các can thiệp, phòng ngừa biến chứng ở các giai đoạn khác nhau của TBMMN, phối hợp nhóm đa chuyên ngành trong PHCN TBMMN…

Học viên thảo luận nhóm, lập kế hoạch can thiệp cho ca bệnh giả định dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Các nội dung này được giảng viên truyền tải tới học viên thông qua các bài giảng lý thuyết kèm theo minh hoạ bằng việc làm mẫu, sau đó học viên được thực hành và nhận phản hồi các kỹ thuật vật lý trị liệu trên ca bệnh giả định tại lớp như các kỹ thuật dịch chuyển sớm, chăm sóc chống sặc, hỗ trợ di chuyển sau TBMMN…

Sau khi thực hành trên lớp, học viên được thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế. Học viên được chia thành 04 nhóm, mỗi nhóm được phân công thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh thực tế, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp. Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh.

Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày trên lớp toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh. Những chia sẻ bổ sung của các học viên trong nhóm, những phản hồi của các học viên các nhóm khác cũng như những ý kiến góp ý của giảng viên cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về khóa học, ThS. Lê Thị Kim Phượng, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết:

Nhìn chung, các học viên có tinh thần ham học hỏi, tham gia vào lớp học rất tích cực. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng các học viên đến từ những đơn vị công tác khác nhau đã rất nhanh chóng hòa nhập với lớp, phối hợp tốt với nhau trong quá trình làm việc nhóm, vận dụng kiến thức rất linh hoạt, từ thực hành trên ca bệnh giả định cho tới ca bệnh thực tế tại bệnh viện”.

Học viên thực hành kỹ thuật dịch chuyển sớm trên ca bệnh giả định

Theo ThS. Lê Thị Kim Phượng, trong số 33 học viên có 8 học viên đã tốt nghiệp chuyên ngành PHCN. Đây là một thuận lợi cho việc thực hành theo nhóm vì mỗi nhóm đều có thành viên đã có nền tảng về PHCN đóng vai trò nòng cốt, hỗ trợ cho các thành viên còn lại.

Mặt khác, chính sự đa dạng về xuất phát điểm chuyên môn của các học viên trong lớp lại tạo điều kiện thuận lợi cho học viên làm quen với mô hình nhóm can thiệp đa chuyên ngành PHCN cho bệnh nhân TBMMN. Tuy chưa có đầy đủ các thành viên để thực hành mô hình này một cách hoàn chỉnh, song tôi tin rằng qua đây, học viên sẽ hình thành được những khái niệm, ý tưởng về nhóm đa chuyên ngành, là bước chuẩn bị để có thể đề xuất, thảo luận về triển khai mô hình này tại cơ sở y tế của họ trong tương lai” ThS. Lê Thị Kim Phượng khẳng định.

Thảo luận nhóm thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp sau khám lượng giá trên bệnh nhân tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ về cảm nhận sau khóa học, chị Trần Thanh Minh, bác sĩ y học cổ truyền, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà cho biết:

Trước đây tôi từng được học bồi dưỡng về TBMMN nhưng chỉ học sơ qua trong một chương trình gồm nhiều nội dung khác. Đây là lần đầu tiên tôi được học riêng về chủ đề TBMMN và học rất chuyên sâu, nên tôi tin rằng khóa học sẽ giúp ích được cho tôi rất nhiều công việc thực tế hàng ngày. Điều tôi thích nhất về khóa học là sự xen kẽ liên tục giữa lý thuyết và thực hành. Việc học viên được thực hành trên ca bệnh giả định ngay tại lớp ngay sau mỗi nội dung lý thuyết là phương pháp rất hợp lý, nhờ đó chúng tôi có thể tiếp thu bài dễ dàng hơn, rèn luyện được kỹ năng ngay trong buổi học, không bị quên kiến thức. Những kiến thức học được trong khóa học, khi trở về đơn vị công tác, tôi có thể áp dụng cho cả những dạng bệnh nhân khác, không chỉ sau TBMMN, ví dụ như bệnh nhân bị giảm sút chức năng vận động do các nguyên nhân khác”.

Học viên hướng dẫn bài tập đề kháng với băng thun cho người nhà bệnh nhân

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, anh Lê Phú Trường, y sĩ y học cổ truyền Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với nội dung khung Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF).Trước đây, tôi từng được biết tới khung ICF, nhưng qua khóa học này, tôi mới thực sự hiểu rõ về khung ICF, biết cách vận dụng khung ICF trong việc lượng giá một trường hợp bệnh nhân và trình bày một cách tự tin”.

Thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Dự định của anh Lê Phú Trường trong thời gian tới là có thể áp dụng được những nội dung đã học vào hỗ trợ bệnh nhân đến điều trị tại đơn vị mà anh đang công tác, trong đó đa phần là bệnh nhân TBMMN giai đoạn mãn.

Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Học viên thực hành hỗ trợ bệnh nhân di chuyển tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế
Khóa đào tạo liên tục về VLTL chủ đề TBMMN nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án. Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.
Read more

Đào tạo liên tục nâng cao năng lực phục hồi chức năng người khuyết tật

Một tiết học lý thuyết trong khóa học

GD&TĐ – Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng của hệ thống y tế cơ sở, vừa qua, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về Vật lý trị liệu các bệnh lý vùng lưng.

Học viên gồm 27 cán bộ y tế đang cung cấp dịch vụ vật lý trị liệu tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn Tỉnh Quảng Trị. Khoá học được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh phun rải nặng chất da cam” do USAID tài trợ, cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng.

Giảng viên hướng dẫn cách lượng giá chức năng thần kinh cơ trên ca bệnh giả định

Qua 5 ngày, từ 15-19/8/2022, khóa đào tạo đã trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng khám lượng giá, chẩn đoán và phục hồi chức năng các bệnh lý vùng lưng như đau lưng cơ năng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hoá cột sống lưng, hẹp ống sống thắt lưng… bằng các bài tập vận động hiệu quả. Chương trình đào tạo gồm phần nội dung lý thuyết được giảng viên truyền đạt dễ hiểu, minh hoạ qua các bài tập thực hành trên lớp, sau đó là thực hành lâm sàng trên bệnh nhân tại cơ sở y tế.

Học viên được hướng dẫn thực hành các test và các khung logic áp dụng trong quá trình lượng giá, thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch can thiệp như khung SOAP (Subjective, Objective, Assessment, and Plan); Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF), mẫu Kế hoạch phát triển cá nhân (PDP- Personal Development Planning). Phần thực hành kỹ thuật, học viên được hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật điều trị VLTL, các bài tập trị liệu cho các bệnh lý vùng lưng như: kéo dãn cơ, gập/ duỗi, nghiêng bên, xoay… hay các bài tập Williams, bài tập McKenzie. Học viên được chia thành các nhóm để thực hành các kỹ thuật can thiệp tại lớp trên bệnh nhân giả định, đóng vai với sự hướng dẫn của các giảng viên trước khi áp dụng trên bệnh nhân thực tế.

Thực hành lâm sàng: khám lượng giá trên ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị

Các giờ thực hành lâm sàng được thực hiện trên bệnh nhân tại Khoa Phọc hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị trong 1,5 ngày với 8 ca khám lượng giá và 4 ca can thiệp. Học viên được yêu cầu thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp. Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh. Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh trước lớp. Những ý kiến góp ý của giảng viên cũng như những chia sẻ của các học viên trong nhóm cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng chương trình và giảng dạy, giảng viên Nguyễn Đình Hoàng (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) cho biết: “Do đặc điểm của các khóa đào tạo liên tục là thời lượng ngắn, nên khi xây dựng chương trình, cần dành nhiều thời gian để cân nhắc, chọn lọc kỹ những nội dung sẽ đưa vào bài giảng, đáp ứng sát nhất nhu cầu của học viên. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cũng cần lưu ý điều chỉnh linh hoạt các hướng dẫn thực hành sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị học viên đang công tác”.

Nhận xét về khóa học, giảng viên Lê Đặng Anh Vũ (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) đánh giá cao tinh thần học tập tích cực và nghiêm túc của các học viên, đồng thời chia sẻ: “Ở chương trình đào tạo liên tục, điều khiến tôi phải lưu ý nhất, đó là học viên có xuất phát điểm không giống nhau. Bởi vậy, tôi luôn nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức của tất cả học viên trong lớp bằng cách dành thời gian giải đáp thắc mắc của học viên sau khi hoàn thành giảng dạy mỗi nội dung, đồng thời, dành thời gian chia sẻ thêm nguồn tài liệu cả cơ bản và chuyên sâu để học viên tham khảo. Sau khi khóa học kết thúc, nhiều học viên đã trao đổi số điện thoại, địa chỉ email để tiếp tục liên hệ với giảng viên Nguyễn Đình Hoàng và tôi về các vấn đề chuyên môn trong quá trình công tác sau này.”

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, học viên Lê Thị Hữu Chung, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải (Thị xã Quảng Trị) chia sẻ: “Điều tâm đắc nhất là được tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật cập nhật nhất về phương pháp chẩn đoán, can thiệp mới, có hiệu quả hơn trên những dạng bệnh lý vùng lưng thường gặp, ví dụ như sử dụng phương pháp khám SLUMP để phát hiện nhóm cơ co thắt vùng lưng cho bệnh nhân.”

Giảng viên, học viên và cán bộ MCNV tại lễ bế mạc khóa đào tạo

Chị Chung cho biết, khoa Phục hồi chức năng chị đang công tác tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bệnh lý vùng lưng, đa số làm các nghề lao động nặng như việc đồng áng, phụ hồ xây dựng. Những cơn đau khiến bệnh nhân bị suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần, gây khó khăn trong di chuyển, vận động, khiến họ buộc phải nghỉ làm, trong khi phải gánh thêm chi phí điều trị, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình. “Tôi sẽ nỗ lực để vận dụng tốt nhất những gì được học từ khóa đào tạo vào công tác PHCN, giúp bệnh nhân và gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống. Tôi rất cảm ơn dự án Hòa nhập 1, đặc biệt là MCNV và Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng đã tổ chức khóa học này. Kiến thức không bao giờ là đủ, nhất là trong ngành y. Trong thời gian tới, tôi mong được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về các chủ đề liên quan tới thoái hóa khớp gối, khớp vai.” chị Lê Thị Hữu Chung cho biết.

Còn với anh Nguyễn Mậu Trường, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, đây là lần đầu tiên anh được học một cách chi tiết, bài bản về phương pháp can thiệp đối với bệnh lý vùng lưng, đặc biệt là can thiệp di động khớp. Việc học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thông qua tình huống mô phỏng cũng như thực hành lâm sàng trực tiếp trên ca bệnh thực tế giúp anh nắm bắt các kiến thức, kỹ năng một cách dễ dàng và chắc chắn hơn. “Kết thúc khóa học, tôi được phân công tiếp tục can thiệp cho một trong những ca bệnh đã được nhóm tôi khám lượng giá và can thiệp 1 lần trong khóa học. Tôi sẽ tiếp tục vận dụng những gì đã học vào thực tế, dưới sự hỗ trợ từ xa của các thầy hướng dẫn ở Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.” anh chia sẻ. Anh Trường bày tỏ, sau này nếu có điều kiện, anh có nguyện vọng được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về những chủ đề mà các cán bộ tuyến cơ sở không được tiếp cận, như kỹ thuật PNF (kỹ thuật tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ áp dụng cho người bệnh bị tổn thương thần kinh trung ương) để hỗ trợ những bệnh nhân sau tai biến mạch máu não. Đào tạo liên tục nâng cao năng lực phục hồi chức năng người khuyết tật.

Phát biểu bế mạc khóa đào tạo, đại diện MCNV, ThS.Bs.Trần Thu Thủy, Phó Giám đốc Dự án Hòa nhập 1, nhấn mạnh: “MCNV rất mừng là khóa đào tạo không chỉ cập nhật được cho các bạn học viên những kiến thức, kỹ năng mới trong thực hành VLTL mà còn kết nối được các bạn với nhau và với các giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng để các bạn cũng như các giảng viên có thể hỗ trợ tích cực cho nhau trong quá trình thực hành khám và điều trị VLTL nói chung và các bệnh lý vùng lưng nói riêng tại cơ sở y tế của mình”. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Khóa đào tạo liên tục về VLTL các bệnh lý vùng lưng nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án. Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-lien-tuc-nang-cao-nang-luc-phuc-hoi-chuc-nang-nguoi-khuyet-tat-post605411.html

Read more

Tuyển tư vấn cho hoạt động phục hồi chức năng theo nhóm đa chuyên ngành

Trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, MCNV triển khai thí điểm mô hình phục hồi chức năng (PHCN) theo nhóm đa chuyên ngành tại 9 cơ sở y tế ở 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, gồm:

Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng Tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm y tế Huyện Phú Vang, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm y tế Huyện Phú Ninh.

Để thực hiện mô hình, MCNV cần tuyển dụng một (01) chuyên gia tư vấn để hỗ trợ điều phối và giám sát sự tham gia của các cơ sở y tế. Thời gian làm việc: tháng 7 – tháng 12 năm 2022.

Hạn nộp hồ sơ: trước ngày 1/7/2022.

Thông tin chi tiết: https://drive.google.com/file/d/175e72hFINllsFZchV5Q-5Mfw1gGed6mW/view?usp=sharing

Read more

Khởi động dự án Inclusion 3 tại tỉnh Tây Ninh

Cuối tháng 5/2022, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), thuộc Bộ Quốc phòng, Sở Lao động- Thương binh – Xã hội và Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (dự án Hòa nhập 3) – hợp phần tại tỉnh Tây Ninh”.

Bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhà thầu quản lý – Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và các nhà thầu thực hiện dự án, gồm tổ chức MCNV, Tổ chức Hỗ trợ người Khuyết tật Việt Nam (VNAH), Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth), Công ty Tư vấn Giáo dục Hoàng Đức, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD).

Ông Nguyễn Quốc Hùng (NACCET) phát biểu tại Hội nghị.

Được thực hiện trong giai đoạn từ 2021-2026, dự án Hòa nhập do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với NACCET là cơ quan chủ quản, được triển khai tại 8 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.

Hợp phần tại tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tổng quát là hỗ trợ trực tiếp cho 7.500 người khuyết tật, cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống của 75% trong số này (khoảng 5.625 người).

Bà Nguyễn Thị Phương Nhung (tổ chức CSIP) phát biểu tại Hội nghị.

Mục tiêu chung của dự án được xây dựng từ 4 mục tiêu cụ thể là: mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng (PHCN), dịch vụ xã hội, cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của NKT và tăng cường năng lực quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ NKT của các cấp, các ban ngành liên quan. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kế hoạch triển khai các hoạt động dự án, thảo luận và thống nhất về cơ chế phối hợp, điều phối, lập kế hoạch, báo cáo của các bên liên quan trong quá trình triển khai dự án tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra về các mặt chất lượng, số lượng cũng như tiến độ.

Là một trong những nhà thầu thực hiện, MCNV sẽ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ PHCN tại tỉnh Tây Ninh thông qua hoạt động huấn luyện kỹ năng lâm sàng cho 15 cán bộ PHCN (12 cán bộ vật lý trị liệu, 3 cán bộ ngôn ngữ trị liệu) trong thời gian 6 tháng (tháng 6/2022 đến tháng 12/2022).

ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Công tác huấn luyện sẽ được triển khai theo hình thức ghép cặp 1 huấn luyện viên – 1 học viên hoặc theo nhóm (tối đa 3 học viên), kế hoạch huấn luyện được xây dựng cho từng học viên. Chương trình huấn luyện NNTL được thực hiện trực tuyến và với VLTL sẽ là trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiến sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, 15 kỹ thuật viên, cán bộ thực hành PHCN sẽ cung cấp dịch vụ PHCN chất lượng tới 540 bệnh nhân và 129 NKT và cải thiện chức năng cho100 NKT trong số này./.

Read more

MCNV chuyển giao dự án Tín dụng tiết kiệm Bình Đại cho địa phương

Ngày 3/6/2022, MCNV đã ký kết chuyển giao dự án Tín dụng tiết kiệm (TDTK) Bình Đại cho đối tác địa phương là Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bình Đại và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Đại tiếp tục quản lý và vận hành.

Các đại biểu tại lễ ký bàn giao dự án.

Lễ ký kết có sự tham dự của ông Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam; ông Phạm Hữu Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại – Trưởng ban quản lý dự án TDTK Bình Đại; bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch hội LHPN huyện Bình Đại – Phó ban quản lý cùng sự tham gia của các Sở, Ban, Ngành tỉnh Bến Tre và đại diện UBND cùng Hội LHPN của 11 xã và thị trấn thuộc dự án.

Giám đốc MCNV, ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ bàn giao.

Ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ chuyển giao dự án đã cho biết: “Dự án TDTK huyện Bình Đại là biểu tượng cho sự hợp tác lâu dài giữa MCNV và tỉnh Bến Tre. Dự án là niềm tự hào của MCNV về tính bền vững, hiệu quả tài chính và tác động xã hội. Cách tiếp cận linh hoạt của dự án thông qua công cụ tài chính vi mô đã hỗ trợ cho phụ nữ nghèo tại huyện Bình Đại có kiến thức và nguồn vốn để vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cho phép dự án hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho cộng đồng thích ứng với hạn mặn, giúp địa phương đạt được một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sau khi chuyển giao, UBND huyện Bình Đại cùng Hội LHPN tỉnh và huyện sẽ tiếp tục quản lý và vận hành dự án theo quy chế dự án, đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của phụ nữ nghèo trong phục hồi kinh tế hậu COVID. Dự án cũng sẽ trở thành một đối tác của MCNV trong những dự án sẽ được phát triển tiếp theo hỗ trợ cho Bến Tre và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời BQL dự án cam kết báo cáo và duy trì mối quan hệ với các nhà tài trợ Hà Lan đã và đang hỗ trợ cho dự án như quỹ Mfm, Huzla và các nhà tài trợ cá nhân Hà Lan./.

Dự án TDTK Bình Đại được hình thành năm 2009 trên hai xã ban đầu với số vốn gần 300tr đồng.

Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, phục vụ khoảng 1700 khách hàng thường xuyên vay vốn tín dung vi mô và tiết kiệm với tổng nguồn vốn quay vòng trên 12 tỷ VND.

Tính đến nay dự án đã cung cấp hơn 8800 khoản vay hỗ trợ cho hàng nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.


Read more

ĐÀO TẠO Y KHOA LIÊN TỤC VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TẠI NHÀ

TS. BS. Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Trong 3 ngày 20-22/5/2022, tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo y khoa liên tục về cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) tại nhà cho 20 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN của Khoa PHCN, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc (ĐKKV MNPB) Quảng Nam.

ThS.BS. Hà Chân Nhân,Trưởng Bộ môn PHCN Trường ĐHYD Huế giới thiệu về Phân loại quốc tế về hoạt động chức năng, khuyết tật và sức khỏe (khung ICF).

Trong 3 ngày diễn ra khóa đào tạo, các học viên đã được tăng cường những kiến thức, kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà một cách toàn diện, theo cách tiếp cận đa chuyên ngành với quy trình 4 bước: khám lượng giá và xác định mục tiêu, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá kết quả can thiệp.

Hoạt động thảo luận nhóm

Lớp tập huấn được thiết kế với nhiều nội dung phong phú, mang tính thực tiễn cao, bao gồm: hướng dẫn tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, các nội dung lý thuyết kết hợp với hoạt động thảo luận nhóm và thực hành lâm sàng về PHCN đa chuyên ngành, công cụ lượng giá hoạt động chức năng. Đặc biệt, các học viên được thực hành các bước triển khai cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà cho 2 bệnh nhân ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua phối hợp nhóm đa chuyên ngành, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu.

Thực hành khám lượng giá theo nhóm đa chuyên ngành trên bệnh nhân

Sau 2 ngày học lý thuyết và thực hành trên lớp tại bệnh viện, học viên được chia thành bốn nhóm, thực hành 2 trong số 4 bước cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, gồm khám lượng giá, xác định mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp trên hai trường hợp: một bệnh nhân nữ liệt tủy do chấn thương cột sống và một bệnh nhân nam bị liệt do di chứng tai biến mạch máu não.

Học viên thực hành lượng giá tại nhà bệnh nhân

Đánh giá tổng kết khóa học, ThS.BS.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhận xét: Về cơ bản, các học viên đã phân biệt được sự khác nhau giữa cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà và tại bệnh viện, thực hiện được các bước theo trình tự hợp lý, theo đúng hướng tiếp cận đa chuyên ngành và đã có cái nhìn tổng quát hơn về PHCN.
ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhấn mạnh nguyên tắc “coi người khuyết tật là trung tâm” cũng như lưu ý với các học viên về tầm quan trọng của việc tương tác, phối hợp với gia đình người khuyết tật để việc cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà được triển khai thuận lợi và hiệu quả.

ThS.BS. Phạm Dũng phát biểu tổng kết khóa đào tạo.

Khoá đào tạo 3 ngày là một hoạt động để chuẩn bị cho việc triển khai mô hình cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Toàn bộ 20 học viên sẽ được Trường ĐHYD Huế cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục.
Sau khóa đào tạo, các học viên sẽ thực hiện khám sàng lọc 300 người khuyết tật tại các xã thuộc Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam; trong đó 200 người khuyết tật vận động sẽ được nhận các dịch vụ can thiệp PHCN tại nhà bởi nhóm cán bộ PHCN đa chuyên ngành của Bệnh viện ĐKKV MNPB Quảng Nam./.

Read more