Sức khỏe và Dinh dưỡng – 1

Hoạt động trị liệu: “Chân trời mới” mở ra nhiều cơ hội

Thông qua những trải nghiệm trực quan, sinh động và chia sẻ đầy tâm huyết từ các chuyên gia, Hội thảo “Hoạt động trị liệu: cơ hội và lựa chọn” là “cầu nối” đưa tân sinh viên ngành phục hồi chức năng ĐH Y Dược TP.HCM tới gần hơn với một chuyên ngành hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

Nếu Vật lý trị liệu (VLTL) có lịch sử phát triển qua nhiều thập niên, thì Hoạt động trị liệu (HĐTL) và Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) vẫn còn là những chuyên ngành rất “trẻ” trong lĩnh vực phục hồi chức năng (PHCN) tại Việt Nam khi mới được đưa vào chương trình đào tạo chính quy tại một số trường y khoa từ năm 2016 và 2017.

Ths Lê Thanh Vân, Trưởng Bộ môn PHCN, ĐH Y Dược TP.HCM tại Hội thảo.

Tại ĐH Y Dược TP.HCM, hoàn thành năm thứ nhất với các nội dung đại cương, bước vào năm thứ hai, sinh viên ngành PHCN sẽ được lựa chọn một trong 3 chuyên ngành: VTLT, NNTL và HĐTL. Để đưa ra được quyết định đúng đắn, phù hợp, thì hiểu biết và nhận thức về các chuyên ngành một cách đầy đủ và toàn diện là hành trang không thể thiếu.

Đồng hành cùng các tân sinh viên trong định hướng chuyên ngành học, Hội thảo với chủ đề “HĐTL: Cơ hội và lựa chọn” được tổ chức bởi Bộ môn PHCN (Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược TP.HCM) vào ngày 15/10/2022. Với thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ, chương trình là “cầu nối” đưa HĐTL tới gần với các tân sinh viên, từ khái niệm HĐTL cho tới vị trí, vai trò của chuyên ngành này trong hệ thống y tế, định hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam cũng như các cơ hội nghề nghiệp HĐTL.

Là một trong những diễn giả tham dự Hội thảo, ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), đơn vị trực tiếp triển khai Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam – được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức HI – đã có phần trình bày về vai trò và các xu hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam.

“Hoạt động trị liệu có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân phục hồi các hoạt động chức năng trong sinh hoạt hằng ngày, từ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, ăn uống cho đến những hoạt động ‘cao cấp’ hơn như lao động, học tập”, ThS.BS.Phạm Dũng cho biết.

ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) chia sẻ về vị trí, vai trò của HĐTL.

Giám đốc MCNV cũng nhấn mạnh vai trò của HĐTL trong việc cải thiện khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội, thích nghi với công việc, nghề nghiệp trong tình trạng khuyết tật hoặc suy giảm chức năng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân/khách hàng.

Là giảng viên HĐTL tại ĐH Y dược TP.HCM và đồng thời là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, TS. Alexander Tú Nguyễn đã chia sẻ góc nhìn về HĐTL như một sự giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật trong việc cải thiện chức năng và chất lượng sống. Lấy ví dụ từ việc lồng ghép một điệu múa đơn giản vào một chuyển động hết sức quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày như “đứng lên ngồi xuống”, TS. Alexander Tú Nguyễn đã mang tới Hội thảo những khía cạnh đầy sáng tạo, linh hoạt của HĐTL.

TS.Alexander Tú Nguyễn với phần chia sẻ đầy sôi nổi về HĐTL và nghệ thuật

“Một điểm rất thú vị là dựa trên nền tảng kiến thức chuyên ngành, chuyên viên HĐTL có thể áp dụng bất kỳ hoạt động nào mà bệnh nhân yêu thích trong quá trình điều trị”, TS.Alexander Tú Nguyễn cho biết.

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp của chuyên ngành HĐTL, ThS.BS.Phạm Dũng nhận định: Nhu cầu PHCN tại Việt Nam đang tăng cao trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trong khi đó, nhân lực ngành PHCN, nhất là trong những lĩnh vực mới như NNTL và HĐTL còn rất hạn chế. Do vậy, những sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Theo Bộ môn PHCN, ĐH Y Dược TP.HCM, cơ hội dành cho Cử nhân HĐTL rất rộng mở. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chuyên ngành này đã nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị tuyển dụng như các bệnh viện lớn, trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ, các dự án cộng đồng. Nhiều cựu sinh viên chuyên ngành HĐTL tại ĐH Y Dược TP.HCM hiện đang công tác tại nhiều đơn vị chuyên môn uy tín như bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Bệnh viện C Đà Nẵng, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam.
Tốt nghiệp khóa 1 chương trình Cử nhân HĐTL, anh Hồ Lê Trung hiện đang là Trưởng đơn vị HĐTL tại Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN (Bệnh viện 1A) tại TP.HCM. Chia sẻ cảm nhận sau 2 năm gắn bó với ngành HĐTL, anh cho biết: “Trong lĩnh vực HĐTL, các bạn rất cần sự tỉ mỉ, tinh tế, biết quan sát bệnh nhân, chăm sóc cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Chuyên viên cũng rất cần sự sáng tạo, nhất là khi cần làm những dụng cụ để tập cho bệnh nhân”.

Theo anh Hồ Lê Trung, đơn vị HĐTL tại bệnh viện anh đang công tác có những khu “chuyên dụng”, chẳng hạn một phòng lớn được sắp xếp như căn hộ thực sự, với phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… Ở đó, bệnh nhân (sau chấn thương sọ não, bị khiếm khuyết chi…) sẽ được tập thực hiện những công việc hàng ngày trong một môi trường quen thuộc như ở nhà, ví dụ như tập pha nước chấm, xúc ăn với dụng cụ cải tiến…

Tại Hội thảo, bên cạnh những chia sẻ từ “người trong nghề”,các tân sinh viên còn được làm quen với HĐTL một cách trực quan, sinh động qua các trò chơi trải nghiệm như di chuyển trên xe lăn, dùng một tay mặc áo, làm vệ sinh cá nhân hay đọc chữ phản chiếu qua gương. Đây là những hoạt động hữu ích góp phần bồi đắp sự thấu hiểu đối với những trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, người khuyết tật, đồng thời thể hiện cụ thể và rõ nét vai trò của chuyên viên HĐTL trong góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ./.

*Những trải nghiệm đáng nhớ tại Hội thảo HĐTL: Cơ hội và Lựa chọn:

Trải nghiệm vẽ lại hình phản chiếu qua gương để hiểu cảm giác của bệnh nhân gặp khó khăn đọc/viết
Trải nghiệm điều khiển xe lăn, di chuyển với khung tập đi và nạng
Mô phỏng vệ sinh cá nhân bằng một tay
Thử sức với việc mặc áo bằng một tay
Read more

Ngôn ngữ trị liệu: Chuỗi sự kiện đặc biệt tháng 9/2022

Tiếp nối khóa đào tạo Thạc sĩ Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) đầu tiên đã tốt nghiệp vào cuối tháng 4/2022 tại ĐH Y Dược TP.HCM, ngày 27/9/2022 tới đây, 20 Cử nhân NNTL đầu tiên sẽ nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

Nhân dịp này, MCNV phối hợp cùng các đối tác tổ chức chuỗi sự kiện trong đó có Sinh hoạt chuyên đề về NNTL.

– Thời gian: 13.30 – 17.30 chiều 26/9/2022

– Chương trình có phiên dịch Anh – Việt

– Đại biểu quan tâm vui lòng đăng ký tham dự trực tuyến tại https://us06web.zoom.us/…/reg…/WN_bp-hce-gQju_H8iVG40lFg trước ngày 22/9/2022.

Dự án Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Việt Nam tài trợ bởi USAID thông qua tổ chức VietHealth với tư vấn kỹ thuật từ tổ chức Trinh Foundation Australia được MCNV triển khai thực hiện từ năm 2017 đến cuối tháng 9/2022.

Read more

Khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành vật lý trị liệu

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) của các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành vật lý trị liệu với chủ đề Tai biến mạch máu não (TBMMN) trong 05 ngày từ 05-09/9/2022 tại Thành phố Huế.

Một tiết học lý thuyết trong khóa học.

Các học viên tham gia khóa đào tạo gồm 33 bác sĩ, kỹ thuật viên, y sĩ và điều dưỡng đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã và trung tâm công tác xã hội trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Khoá đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).

Khóa đào tạo kéo dài 05 ngày đã trang bị và cập nhật đầy đủ cho các học viên những kiến thức, kỹ năng thực hành khám lượng giá, chẩn đoán và PHCN cho bệnh nhân TBMMN như các nguyên tắc PHCN sau TBMMN, các can thiệp, phòng ngừa biến chứng ở các giai đoạn khác nhau của TBMMN, phối hợp nhóm đa chuyên ngành trong PHCN TBMMN…

Học viên thảo luận nhóm, lập kế hoạch can thiệp cho ca bệnh giả định dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Các nội dung này được giảng viên truyền tải tới học viên thông qua các bài giảng lý thuyết kèm theo minh hoạ bằng việc làm mẫu, sau đó học viên được thực hành và nhận phản hồi các kỹ thuật vật lý trị liệu trên ca bệnh giả định tại lớp như các kỹ thuật dịch chuyển sớm, chăm sóc chống sặc, hỗ trợ di chuyển sau TBMMN…

Sau khi thực hành trên lớp, học viên được thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế. Học viên được chia thành 04 nhóm, mỗi nhóm được phân công thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh thực tế, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp. Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh.

Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày trên lớp toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh. Những chia sẻ bổ sung của các học viên trong nhóm, những phản hồi của các học viên các nhóm khác cũng như những ý kiến góp ý của giảng viên cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về khóa học, ThS. Lê Thị Kim Phượng, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết:

Nhìn chung, các học viên có tinh thần ham học hỏi, tham gia vào lớp học rất tích cực. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng các học viên đến từ những đơn vị công tác khác nhau đã rất nhanh chóng hòa nhập với lớp, phối hợp tốt với nhau trong quá trình làm việc nhóm, vận dụng kiến thức rất linh hoạt, từ thực hành trên ca bệnh giả định cho tới ca bệnh thực tế tại bệnh viện”.

Học viên thực hành kỹ thuật dịch chuyển sớm trên ca bệnh giả định

Theo ThS. Lê Thị Kim Phượng, trong số 33 học viên có 8 học viên đã tốt nghiệp chuyên ngành PHCN. Đây là một thuận lợi cho việc thực hành theo nhóm vì mỗi nhóm đều có thành viên đã có nền tảng về PHCN đóng vai trò nòng cốt, hỗ trợ cho các thành viên còn lại.

Mặt khác, chính sự đa dạng về xuất phát điểm chuyên môn của các học viên trong lớp lại tạo điều kiện thuận lợi cho học viên làm quen với mô hình nhóm can thiệp đa chuyên ngành PHCN cho bệnh nhân TBMMN. Tuy chưa có đầy đủ các thành viên để thực hành mô hình này một cách hoàn chỉnh, song tôi tin rằng qua đây, học viên sẽ hình thành được những khái niệm, ý tưởng về nhóm đa chuyên ngành, là bước chuẩn bị để có thể đề xuất, thảo luận về triển khai mô hình này tại cơ sở y tế của họ trong tương lai” ThS. Lê Thị Kim Phượng khẳng định.

Thảo luận nhóm thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp sau khám lượng giá trên bệnh nhân tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ về cảm nhận sau khóa học, chị Trần Thanh Minh, bác sĩ y học cổ truyền, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà cho biết:

Trước đây tôi từng được học bồi dưỡng về TBMMN nhưng chỉ học sơ qua trong một chương trình gồm nhiều nội dung khác. Đây là lần đầu tiên tôi được học riêng về chủ đề TBMMN và học rất chuyên sâu, nên tôi tin rằng khóa học sẽ giúp ích được cho tôi rất nhiều công việc thực tế hàng ngày. Điều tôi thích nhất về khóa học là sự xen kẽ liên tục giữa lý thuyết và thực hành. Việc học viên được thực hành trên ca bệnh giả định ngay tại lớp ngay sau mỗi nội dung lý thuyết là phương pháp rất hợp lý, nhờ đó chúng tôi có thể tiếp thu bài dễ dàng hơn, rèn luyện được kỹ năng ngay trong buổi học, không bị quên kiến thức. Những kiến thức học được trong khóa học, khi trở về đơn vị công tác, tôi có thể áp dụng cho cả những dạng bệnh nhân khác, không chỉ sau TBMMN, ví dụ như bệnh nhân bị giảm sút chức năng vận động do các nguyên nhân khác”.

Học viên hướng dẫn bài tập đề kháng với băng thun cho người nhà bệnh nhân

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, anh Lê Phú Trường, y sĩ y học cổ truyền Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với nội dung khung Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF).Trước đây, tôi từng được biết tới khung ICF, nhưng qua khóa học này, tôi mới thực sự hiểu rõ về khung ICF, biết cách vận dụng khung ICF trong việc lượng giá một trường hợp bệnh nhân và trình bày một cách tự tin”.

Thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Dự định của anh Lê Phú Trường trong thời gian tới là có thể áp dụng được những nội dung đã học vào hỗ trợ bệnh nhân đến điều trị tại đơn vị mà anh đang công tác, trong đó đa phần là bệnh nhân TBMMN giai đoạn mãn.

Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Học viên thực hành hỗ trợ bệnh nhân di chuyển tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế
Khóa đào tạo liên tục về VLTL chủ đề TBMMN nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án. Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.
Read more

Đào tạo liên tục nâng cao năng lực phục hồi chức năng người khuyết tật

Một tiết học lý thuyết trong khóa học

GD&TĐ – Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng của hệ thống y tế cơ sở, vừa qua, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về Vật lý trị liệu các bệnh lý vùng lưng.

Học viên gồm 27 cán bộ y tế đang cung cấp dịch vụ vật lý trị liệu tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn Tỉnh Quảng Trị. Khoá học được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh phun rải nặng chất da cam” do USAID tài trợ, cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng.

Giảng viên hướng dẫn cách lượng giá chức năng thần kinh cơ trên ca bệnh giả định

Qua 5 ngày, từ 15-19/8/2022, khóa đào tạo đã trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng khám lượng giá, chẩn đoán và phục hồi chức năng các bệnh lý vùng lưng như đau lưng cơ năng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hoá cột sống lưng, hẹp ống sống thắt lưng… bằng các bài tập vận động hiệu quả. Chương trình đào tạo gồm phần nội dung lý thuyết được giảng viên truyền đạt dễ hiểu, minh hoạ qua các bài tập thực hành trên lớp, sau đó là thực hành lâm sàng trên bệnh nhân tại cơ sở y tế.

Học viên được hướng dẫn thực hành các test và các khung logic áp dụng trong quá trình lượng giá, thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch can thiệp như khung SOAP (Subjective, Objective, Assessment, and Plan); Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF), mẫu Kế hoạch phát triển cá nhân (PDP- Personal Development Planning). Phần thực hành kỹ thuật, học viên được hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật điều trị VLTL, các bài tập trị liệu cho các bệnh lý vùng lưng như: kéo dãn cơ, gập/ duỗi, nghiêng bên, xoay… hay các bài tập Williams, bài tập McKenzie. Học viên được chia thành các nhóm để thực hành các kỹ thuật can thiệp tại lớp trên bệnh nhân giả định, đóng vai với sự hướng dẫn của các giảng viên trước khi áp dụng trên bệnh nhân thực tế.

Thực hành lâm sàng: khám lượng giá trên ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị

Các giờ thực hành lâm sàng được thực hiện trên bệnh nhân tại Khoa Phọc hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị trong 1,5 ngày với 8 ca khám lượng giá và 4 ca can thiệp. Học viên được yêu cầu thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp. Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh. Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh trước lớp. Những ý kiến góp ý của giảng viên cũng như những chia sẻ của các học viên trong nhóm cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng chương trình và giảng dạy, giảng viên Nguyễn Đình Hoàng (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) cho biết: “Do đặc điểm của các khóa đào tạo liên tục là thời lượng ngắn, nên khi xây dựng chương trình, cần dành nhiều thời gian để cân nhắc, chọn lọc kỹ những nội dung sẽ đưa vào bài giảng, đáp ứng sát nhất nhu cầu của học viên. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cũng cần lưu ý điều chỉnh linh hoạt các hướng dẫn thực hành sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị học viên đang công tác”.

Nhận xét về khóa học, giảng viên Lê Đặng Anh Vũ (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) đánh giá cao tinh thần học tập tích cực và nghiêm túc của các học viên, đồng thời chia sẻ: “Ở chương trình đào tạo liên tục, điều khiến tôi phải lưu ý nhất, đó là học viên có xuất phát điểm không giống nhau. Bởi vậy, tôi luôn nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức của tất cả học viên trong lớp bằng cách dành thời gian giải đáp thắc mắc của học viên sau khi hoàn thành giảng dạy mỗi nội dung, đồng thời, dành thời gian chia sẻ thêm nguồn tài liệu cả cơ bản và chuyên sâu để học viên tham khảo. Sau khi khóa học kết thúc, nhiều học viên đã trao đổi số điện thoại, địa chỉ email để tiếp tục liên hệ với giảng viên Nguyễn Đình Hoàng và tôi về các vấn đề chuyên môn trong quá trình công tác sau này.”

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, học viên Lê Thị Hữu Chung, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải (Thị xã Quảng Trị) chia sẻ: “Điều tâm đắc nhất là được tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật cập nhật nhất về phương pháp chẩn đoán, can thiệp mới, có hiệu quả hơn trên những dạng bệnh lý vùng lưng thường gặp, ví dụ như sử dụng phương pháp khám SLUMP để phát hiện nhóm cơ co thắt vùng lưng cho bệnh nhân.”

Giảng viên, học viên và cán bộ MCNV tại lễ bế mạc khóa đào tạo

Chị Chung cho biết, khoa Phục hồi chức năng chị đang công tác tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bệnh lý vùng lưng, đa số làm các nghề lao động nặng như việc đồng áng, phụ hồ xây dựng. Những cơn đau khiến bệnh nhân bị suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần, gây khó khăn trong di chuyển, vận động, khiến họ buộc phải nghỉ làm, trong khi phải gánh thêm chi phí điều trị, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình. “Tôi sẽ nỗ lực để vận dụng tốt nhất những gì được học từ khóa đào tạo vào công tác PHCN, giúp bệnh nhân và gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống. Tôi rất cảm ơn dự án Hòa nhập 1, đặc biệt là MCNV và Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng đã tổ chức khóa học này. Kiến thức không bao giờ là đủ, nhất là trong ngành y. Trong thời gian tới, tôi mong được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về các chủ đề liên quan tới thoái hóa khớp gối, khớp vai.” chị Lê Thị Hữu Chung cho biết.

Còn với anh Nguyễn Mậu Trường, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, đây là lần đầu tiên anh được học một cách chi tiết, bài bản về phương pháp can thiệp đối với bệnh lý vùng lưng, đặc biệt là can thiệp di động khớp. Việc học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thông qua tình huống mô phỏng cũng như thực hành lâm sàng trực tiếp trên ca bệnh thực tế giúp anh nắm bắt các kiến thức, kỹ năng một cách dễ dàng và chắc chắn hơn. “Kết thúc khóa học, tôi được phân công tiếp tục can thiệp cho một trong những ca bệnh đã được nhóm tôi khám lượng giá và can thiệp 1 lần trong khóa học. Tôi sẽ tiếp tục vận dụng những gì đã học vào thực tế, dưới sự hỗ trợ từ xa của các thầy hướng dẫn ở Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.” anh chia sẻ. Anh Trường bày tỏ, sau này nếu có điều kiện, anh có nguyện vọng được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về những chủ đề mà các cán bộ tuyến cơ sở không được tiếp cận, như kỹ thuật PNF (kỹ thuật tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ áp dụng cho người bệnh bị tổn thương thần kinh trung ương) để hỗ trợ những bệnh nhân sau tai biến mạch máu não. Đào tạo liên tục nâng cao năng lực phục hồi chức năng người khuyết tật.

Phát biểu bế mạc khóa đào tạo, đại diện MCNV, ThS.Bs.Trần Thu Thủy, Phó Giám đốc Dự án Hòa nhập 1, nhấn mạnh: “MCNV rất mừng là khóa đào tạo không chỉ cập nhật được cho các bạn học viên những kiến thức, kỹ năng mới trong thực hành VLTL mà còn kết nối được các bạn với nhau và với các giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng để các bạn cũng như các giảng viên có thể hỗ trợ tích cực cho nhau trong quá trình thực hành khám và điều trị VLTL nói chung và các bệnh lý vùng lưng nói riêng tại cơ sở y tế của mình”. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Khóa đào tạo liên tục về VLTL các bệnh lý vùng lưng nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án. Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-lien-tuc-nang-cao-nang-luc-phuc-hoi-chuc-nang-nguoi-khuyet-tat-post605411.html

Read more

Tuyển tư vấn cho hoạt động phục hồi chức năng theo nhóm đa chuyên ngành

Trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, MCNV triển khai thí điểm mô hình phục hồi chức năng (PHCN) theo nhóm đa chuyên ngành tại 9 cơ sở y tế ở 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, gồm:

Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng Tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm y tế Huyện Phú Vang, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm y tế Huyện Phú Ninh.

Để thực hiện mô hình, MCNV cần tuyển dụng một (01) chuyên gia tư vấn để hỗ trợ điều phối và giám sát sự tham gia của các cơ sở y tế. Thời gian làm việc: tháng 7 – tháng 12 năm 2022.

Hạn nộp hồ sơ: trước ngày 1/7/2022.

Thông tin chi tiết: https://drive.google.com/file/d/175e72hFINllsFZchV5Q-5Mfw1gGed6mW/view?usp=sharing

Read more

Khởi động dự án Inclusion 3 tại tỉnh Tây Ninh

Cuối tháng 5/2022, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), thuộc Bộ Quốc phòng, Sở Lao động- Thương binh – Xã hội và Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (dự án Hòa nhập 3) – hợp phần tại tỉnh Tây Ninh”.

Bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhà thầu quản lý – Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và các nhà thầu thực hiện dự án, gồm tổ chức MCNV, Tổ chức Hỗ trợ người Khuyết tật Việt Nam (VNAH), Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth), Công ty Tư vấn Giáo dục Hoàng Đức, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD).

Ông Nguyễn Quốc Hùng (NACCET) phát biểu tại Hội nghị.

Được thực hiện trong giai đoạn từ 2021-2026, dự án Hòa nhập do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với NACCET là cơ quan chủ quản, được triển khai tại 8 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.

Hợp phần tại tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tổng quát là hỗ trợ trực tiếp cho 7.500 người khuyết tật, cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống của 75% trong số này (khoảng 5.625 người).

Bà Nguyễn Thị Phương Nhung (tổ chức CSIP) phát biểu tại Hội nghị.

Mục tiêu chung của dự án được xây dựng từ 4 mục tiêu cụ thể là: mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng (PHCN), dịch vụ xã hội, cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của NKT và tăng cường năng lực quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ NKT của các cấp, các ban ngành liên quan. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kế hoạch triển khai các hoạt động dự án, thảo luận và thống nhất về cơ chế phối hợp, điều phối, lập kế hoạch, báo cáo của các bên liên quan trong quá trình triển khai dự án tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra về các mặt chất lượng, số lượng cũng như tiến độ.

Là một trong những nhà thầu thực hiện, MCNV sẽ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ PHCN tại tỉnh Tây Ninh thông qua hoạt động huấn luyện kỹ năng lâm sàng cho 15 cán bộ PHCN (12 cán bộ vật lý trị liệu, 3 cán bộ ngôn ngữ trị liệu) trong thời gian 6 tháng (tháng 6/2022 đến tháng 12/2022).

ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Công tác huấn luyện sẽ được triển khai theo hình thức ghép cặp 1 huấn luyện viên – 1 học viên hoặc theo nhóm (tối đa 3 học viên), kế hoạch huấn luyện được xây dựng cho từng học viên. Chương trình huấn luyện NNTL được thực hiện trực tuyến và với VLTL sẽ là trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiến sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, 15 kỹ thuật viên, cán bộ thực hành PHCN sẽ cung cấp dịch vụ PHCN chất lượng tới 540 bệnh nhân và 129 NKT và cải thiện chức năng cho100 NKT trong số này./.

Read more

ĐÀO TẠO Y KHOA LIÊN TỤC VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TẠI NHÀ

TS. BS. Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Trong 3 ngày 20-22/5/2022, tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo y khoa liên tục về cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) tại nhà cho 20 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN của Khoa PHCN, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc (ĐKKV MNPB) Quảng Nam.

ThS.BS. Hà Chân Nhân,Trưởng Bộ môn PHCN Trường ĐHYD Huế giới thiệu về Phân loại quốc tế về hoạt động chức năng, khuyết tật và sức khỏe (khung ICF).

Trong 3 ngày diễn ra khóa đào tạo, các học viên đã được tăng cường những kiến thức, kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà một cách toàn diện, theo cách tiếp cận đa chuyên ngành với quy trình 4 bước: khám lượng giá và xác định mục tiêu, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá kết quả can thiệp.

Hoạt động thảo luận nhóm

Lớp tập huấn được thiết kế với nhiều nội dung phong phú, mang tính thực tiễn cao, bao gồm: hướng dẫn tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, các nội dung lý thuyết kết hợp với hoạt động thảo luận nhóm và thực hành lâm sàng về PHCN đa chuyên ngành, công cụ lượng giá hoạt động chức năng. Đặc biệt, các học viên được thực hành các bước triển khai cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà cho 2 bệnh nhân ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua phối hợp nhóm đa chuyên ngành, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu.

Thực hành khám lượng giá theo nhóm đa chuyên ngành trên bệnh nhân

Sau 2 ngày học lý thuyết và thực hành trên lớp tại bệnh viện, học viên được chia thành bốn nhóm, thực hành 2 trong số 4 bước cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, gồm khám lượng giá, xác định mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp trên hai trường hợp: một bệnh nhân nữ liệt tủy do chấn thương cột sống và một bệnh nhân nam bị liệt do di chứng tai biến mạch máu não.

Học viên thực hành lượng giá tại nhà bệnh nhân

Đánh giá tổng kết khóa học, ThS.BS.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhận xét: Về cơ bản, các học viên đã phân biệt được sự khác nhau giữa cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà và tại bệnh viện, thực hiện được các bước theo trình tự hợp lý, theo đúng hướng tiếp cận đa chuyên ngành và đã có cái nhìn tổng quát hơn về PHCN.
ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhấn mạnh nguyên tắc “coi người khuyết tật là trung tâm” cũng như lưu ý với các học viên về tầm quan trọng của việc tương tác, phối hợp với gia đình người khuyết tật để việc cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà được triển khai thuận lợi và hiệu quả.

ThS.BS. Phạm Dũng phát biểu tổng kết khóa đào tạo.

Khoá đào tạo 3 ngày là một hoạt động để chuẩn bị cho việc triển khai mô hình cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Toàn bộ 20 học viên sẽ được Trường ĐHYD Huế cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục.
Sau khóa đào tạo, các học viên sẽ thực hiện khám sàng lọc 300 người khuyết tật tại các xã thuộc Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam; trong đó 200 người khuyết tật vận động sẽ được nhận các dịch vụ can thiệp PHCN tại nhà bởi nhóm cán bộ PHCN đa chuyên ngành của Bệnh viện ĐKKV MNPB Quảng Nam./.

Read more

Khai giảng khóa đào tạo 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành hoạt động trị liệu

Tập thể học viên cùng Ban Giám hiệu trường ĐHYD Huế, USAID, và MCNV tại lễ khai giảng

Ngày 16/5/2022, tại Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành hoạt động trị liệu (HĐTL).

Lễ khai giảng có sự tham dự của đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Ban Giám hiệu Trường ĐHYD Huế; các thầy, cô giáo phụ trách lớp học và 34 học viên là các điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN, y sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế của các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định.

Khóa đào tạo HĐTL này nằm trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2 do USAID tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc Phòng. Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) là hai nhà thầu quản lí của Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2. Với vai trò là nhà thầu thực hiện, một trong những mục tiêu MCNV đặt ra là triển khai các khóa đào tạo để cung cấp thêm lực lượng cán bộ mới tham gia vào hoạt động chuyên môn PHCN.

Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế đã bày tỏ sự trân trọng đối với những hỗ trợ tích cực của Dự án dành cho Trường ĐHYD Huế nói chung và Bộ môn PHCN nói riêng trong việc phát triển năng lực, kỹ thuật chuyên môn và những hỗ trợ về cơ sở vật chất cần thiết để triển khai hoạt động thực hành cho các khóa đào tạo HĐTL. GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐTL trong mô hình PHCN đa chuyên ngành, cùng các biện pháp trị liệu khác như Vật lý trị liệu (VLTL), Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, chăm sóc điều dưỡng và các chuyên khoa khác trong việc cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người khuyết tật.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế phát biểu khai mạc tại lễ khai giảng

Đại diện cho các nhà thầu quản lý và thực hiện dự án, ThS. BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của chương trình đào tạo ngắn hạn này, trong đó có những đóng góp không thể thiếu của Trường ĐHYD Huế và các anh, chị học viên.

ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhận định: Khóa học có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống PHCN tại các địa phương. Các anh, chị học viên thuộc số những người đầu tiên được đào tạo HĐTL tại Việt Nam. MCNV và lãnh đạo các đơn vị gửi gắm niềm tin sâu sắc vào những nỗ lực của các anh, chị học viên trong việc hoàn thành tốt khóa học, hoàn thành mục tiêu dự án cũng như mục tiêu nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại các địa phương. Ông cũng bày tỏ mong đợi Trường ĐHYD Huế sẽ trở thành một trung tâm đào tạo về HĐTL cho các tỉnh miền Trung với các khóa đào tạo ngắn hạn được thiết kế tốt, đào tạo có chất lượng và hiệu quả, góp phần lấp đầy những khoảng trống về nhân lực trong hệ thống PHCN.

ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại buổi lễ khai giảng

Chương trình khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành HĐTL được thiết kế với 13 môn học, giảng dạy trong tổng số 750 giờ học (225 giờ lý thuyết và 525 giờ thực hành). Khóa học được chia thành 3 kỳ học, mỗi kỳ 10 tuần, giữa các học kỳ tại trường ĐHYD Huế, các học viên sẽ quay trở lại cơ sở y tế của mình để tự học trong 2 tuần với bài tập được giao nhằm ứng dụng các kiến thức, kĩ năng được học tại chính cơ sở y tế nơi học viên đang công tác.

ThS. BS. Hà Chân Nhân, Trưởng Bộ môn PHCN, Trường ĐHYD Huế
trình bày về Chương trình khóa học tại lễ khai giảng

Anh Lê Đại Dương, kỹ thuật viên PHCN, Khoa PHCN, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, một trong số những học viên của khóa học cho biết, anh từng được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về HĐTL qua một khóa học 7 tuần, nội dung chính là can thiệp HĐTL cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Anh Dương mong đợi, khóa học 9 tháng tới đây sẽ cung cấp cho anh những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn về HĐTL để có thể can thiệp hỗ trợ cho những loại hình bệnh tật đa dạng mà bệnh viện thường tiếp nhận như tổn thương não, tai biến sau tai nạn, tổn thương tủy sống, v.v…

Chị Lê Thị Quỳnh Vân, Khoa Nội tổng hợp – An dưỡng – Nhi, Bệnh viện Y Dược cổ truyền – PHCN Tỉnh Kon Tum cho biết: Tại đơn vị công tác, nhu cầu bệnh nhân cần tới HĐTL là rất lớn, nhất là trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn rất hạn chế, chỉ tập trung vào VLTL. Thông qua khóa học, chị Quỳnh Vân hi vọng bản thân sẽ trau dồi được những kiến thức và kỹ năng về lượng giá, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá sau can thiệp, góp phần vào việc phát triển HĐTL tại bệnh viện, giúp các bệnh nhân có điều kiện được tiếp cận với HĐTL ngay tại khu vực sinh sống, thay vì phải di chuyển xa.

Đại diện các học viên, anh Đặng Xuân Tùng, Kĩ thuật viên VLTL, Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế
bày tỏ sự cảm ơn đối với dự án tại lễ khai giảng

Ngay sau lễ khai giảng, các học viên sẽ tham gia buổi học đầu tiên vào sáng 17/5/2022 tại Trường ĐHYD Huế. Kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục về PHCN chuyên ngành HĐTL./.

Read more

MCNV, Bệnh viện Bạch Mai khai giảng khóa Phục hồi chức năng cơ bản

Tập thể học viên cùng Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và USAID, NACCET, CCIHP, CCRD và MCNV

Ngày 18/5/2022, trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ khai giảng khóa học PHCN cơ bản.

Lễ khai giảng có sự tham dự của bà Ritu Tariyal, Giám đốc phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – nhà tài trợ; ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) – chủ dự án; PGS.TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định; đại diện Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD) – hai nhà thầu quản lý của dự án. 17 học viên của khóa học là các bác sĩ đến từ 3 tỉnh Quảng Trị, Kon Tum và Bình Định, trong đó, đa số đang công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ.Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi Lễ khai giảng

Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai là Trung tâm thực hiện chuyên môn theo nhóm kỹ thuật PHCN với đầy đủ các thành viên: bác sĩ chuyên khoa PHCN, điều dưỡng PHCN, kỹ thuật viên chỉnh hình, chân tay giả, ngôn ngữ trị liệu và số đơn vị chuyên khoa sâu như PHCN tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, cơ-xương khớp… Bệnh viện cũng đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác Quốc tế với nhiều tổ chức như Tổ chức giúp đỡ người tàn tật Quốc tế, Trung tâm quốc gia về sức khỏe và y tế toàn cầu…

Bà Ritu Tariyal, Giám đốc phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát biểu tại Lễ khai giảng.

Với thời lượng 6 tháng, chương trình sẽ cung cấp cho các học viên các kiến thức, kỹ năng, thái độ về chẩn đoán, điều trị một số bệnh thường gặp trong chuyên ngành PHCN. Các môn học bao gồm: giải phẫu chức năng, sinh lý, bệnh học, và PHCN cơ bản thông qua chuỗi các bài giảng lý thuyết và phân tích các ca bệnh lâm sàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) phát biểu tại Lễ khai giảng.

Khóa đào tạo PHCN cơ bản tại Bệnh viện Bạch Mai hướng tới mục tiêu giải quyết những hạn chế về nhân lực, một trong những thách thức lớn nhất đối với các cơ sở y tế địa phương tại Việt Nam, mang lại những hỗ trợ kịp thời và đầy đủ, tăng thêm cơ hội hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ khai giảng.

Tại Lễ khai giảng, những đề xuất của các học viên cũng đã được chia sẻ và ghi nhận. Đa số học viên bày tỏ: mong muốn lớn nhất là thông qua khóa học, có thể học hỏi được thật nhiều kinh nghiệm lâm sàng cũng như lý thuyết để ứng dụng hiệu quả tại đơn vị công tác cũng như phục vụ địa phương.

Những đề xuất của học viên đã được ghi nhận tại lễ khai giảng.

Ngay sau lễ khai giảng, các học viên đã tham gia buổi học đầu tiên vào buổi chiều cùng ngày tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai. Học viên hoàn thành chương trình 6 tháng sẽ được cấp chứng chỉ PHCN theo thông tư 22/2013 và 26/2020 về đào tạo liên tục của Bộ Y tế./

Read more

Thêm nguồn tài liệu hữu ích phục vụ nghiên cứu Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam

Nguồn tài liệu nghiên cứu hiếm hoi về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam đã được bổ sung một cách có ý nghĩa sau khi thông tin về kết quả nghiên cứu của 14 học viên lớp ThS. Kỹ thuật Phục hồi chức năng chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu đầu tiên tại Việt Nam được chính thức công bố tại Hội thảo Chia sẻ kết quả từ một số nghiên cứu về Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam.

Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 28/04/2022 tại Tp.HCM do MCNV và ĐH Y Dược Tp.HCM phối hợp tổ chức, với khoảng 140 đại biểu tham dự thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các đại biểu dự Hội thảo trực tiếp tại Tp.HCM sáng 28/4/2022.

Hội thảo có sự tham dự của ThS. BS. Nguyễn Phương Hiền – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo; bà Ritu Tariyal  – Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Giáo sư Lindy McAllister – ĐH Sydney, Australia, đại diện Ban giám đốc tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA);  PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược Tp.HCM; PGS.TS.Nguyễn Ngọc Dung, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Ths.Bs. Lê Quang Dương, Giám đốc tổ chức VietHealth,  Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam; các chuyên gia quốc tế, giảng viên, tình nguyện viên, cố vấn và giám sát viên lâm sàng, phiên dịch viên, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, học viên ngôn ngữ trị liệu, giáo viên và các nhà chuyên môn khác…tham gia trực tuyến qua nền tảng Zoom từ Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam…

Bà Ritu Tariyal  – Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dự Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ tóm lược các kết quả nghiên cứu từ luận văn tốt nghiệp của khóa 1 chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại ĐH Y Dược TP.HCM trong khuôn khổ dự án “Phát triển Đào tạo NNTL tại Việt Nam”. Dự án được tài trợ bởi USAID thông qua tổ chức VietHealth và được thực hiện bởi MCNV với tư vấn kỹ thuật từ tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA). Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, chuyên ngành NNTL được đào tạo chính quy ở bậc Thạc sĩ. Dự án được khởi động vào cuối năm 2017.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược Tp.HCM phát biểu tại Hội thảo.

Sau quá trình chuẩn bị khẩn trương và với sự tham gia của nhiều bên, với sự hỗ trợ tích cực của 2 Bộ liên quan là Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, khóa ThS. NNTL chính thức bắt đầu vào tháng 11/2019. Tháng 11/2021, khóa đào tạo đã hoàn thành khi tất cả 14 học viên bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, với những đề tài nghiên cứu về NNTL trên nhiều khía cạnh như mất ngôn ngữ, trải nghiệm của gia đình có trẻ khuyết tật ngôn ngữ, trải nghiệm và năng lực về ngôn ngữ trị liệu của người làm PHCN dựa vào cộng đồng, công cụ sàng lọc ngôn ngữ cho trẻ 3 – 4 tuổi, đặc điểm lời nói của trẻ có rối loạn âm lời nói, người lớn nói lắp,…

ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Những đề tài nghiên cứu kể trên đã được các Hội đồng phản biện luận văn của các học viên đánh giá cao về tính mới mẻ, hàm lượng khoa học cũng như ý nghĩa ứng dụng. Với Hội thảo lần này, các nhóm nghiên cứu cùng các đối tác có liên quan đã nỗ lực để chia sẻ, phổ biến thông tin từ các nghiên cứu đến với cộng đồng, với những người có chung mối quan tâm về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu nghiên cứu về NNTL còn khan hiếm tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu Thạc sĩ Nguyễn Đức Sinh và Thạc sĩ Nguyễn Văn Duân báo cáo kết quả đề tài Nghiên cứu: Trải nghiệm của gia đình có trẻ mắc khuyết tật giao tiếp tại Tp. HCM và tỉnh Quảng Nam.
Thạc sĩ Lương Thị Cẩm Vân, thạc sĩ Hoàng Thị Huyền Trang với Nghiên cứu: Sự sẵn sàng, kiến thức và trải nghiệm của nhân viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng khi làm việc với người khuyết tật giao tiếp và nuốt.

Bên cạnh các đề tài luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, Hội thảo cũng là cầu nối để các nhà chuyên môn NNTL trao đổi, giới thiệu các nghiên cứu chuyên sâu và cập nhật nhất như “Bộ lượng giá Mất ngôn ngữ tiếng Việt” (TS.Lê Khánh Điền – Phó Chủ tịch Hội NNTL Châu Á – Thái Bình Dương), “Ảnh hưởng của phương ngữ trong nhận diện và xác định mức độ nghiêm trọng của rối loạn âm lời nói ở trẻ em VN” (TS.Phạm Thị Bền, trường ĐH Sư phạm Hà Nội)… Cùng với đó, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận về những vấn đề như xây dựng các khóa đào tạo NNTL tiếp theo, tầm quan trọng của việc thành lập Hội NNTL Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển chuyên ngành NNTL một cách sâu rộng, chính thống, chính quy, đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu của người bệnh, người khuyết tật, những khách hàng cần tới dịch vụ hỗ trợ NNTL tại Việt Nam.

*Sáng ngày 29/4/2022, 14 học viên khóa 1 chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật PHCN chuyên ngành NNTL đã dự lễ nhận bằng tốt nghiệp tại ĐH Y Dược TP.HCM và chính thức trở thành những Thạc sĩ NNTL đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.

14 Tân Thạc sĩ NNTL tại lễ trao bằng tốt nghiệp sáng 29/4/2022.
(Hàng 1, từ phải qua) Bà Nguyễn Thị Hoa Lê (USAID), bà Ngô Y Sa (phiên dịch viên dự án NNTL), GS.Lindy McAllister (ĐH Sydney, đại diện TFA), ông Phạm Dũng (giám đốc MCNV Việt Nam), ông Lê Quang Dương (giám đốc VietHealth), bà Nguyễn Phương Hiền (Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Các đại biểu tại lễ chúc mừng hoàn thành khóa Thạc sĩ NNTL đầu tiên tại Việt Nam.
Read more