Góc thông tin

Khởi động dự án Inclusion 3 tại tỉnh Tây Ninh

Cuối tháng 5/2022, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), thuộc Bộ Quốc phòng, Sở Lao động- Thương binh – Xã hội và Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (dự án Hòa nhập 3) – hợp phần tại tỉnh Tây Ninh”.

Bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhà thầu quản lý – Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và các nhà thầu thực hiện dự án, gồm tổ chức MCNV, Tổ chức Hỗ trợ người Khuyết tật Việt Nam (VNAH), Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth), Công ty Tư vấn Giáo dục Hoàng Đức, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD).

Ông Nguyễn Quốc Hùng (NACCET) phát biểu tại Hội nghị.

Được thực hiện trong giai đoạn từ 2021-2026, dự án Hòa nhập do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với NACCET là cơ quan chủ quản, được triển khai tại 8 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.

Hợp phần tại tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tổng quát là hỗ trợ trực tiếp cho 7.500 người khuyết tật, cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống của 75% trong số này (khoảng 5.625 người).

Bà Nguyễn Thị Phương Nhung (tổ chức CSIP) phát biểu tại Hội nghị.

Mục tiêu chung của dự án được xây dựng từ 4 mục tiêu cụ thể là: mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng (PHCN), dịch vụ xã hội, cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của NKT và tăng cường năng lực quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ NKT của các cấp, các ban ngành liên quan. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kế hoạch triển khai các hoạt động dự án, thảo luận và thống nhất về cơ chế phối hợp, điều phối, lập kế hoạch, báo cáo của các bên liên quan trong quá trình triển khai dự án tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra về các mặt chất lượng, số lượng cũng như tiến độ.

Là một trong những nhà thầu thực hiện, MCNV sẽ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ PHCN tại tỉnh Tây Ninh thông qua hoạt động huấn luyện kỹ năng lâm sàng cho 15 cán bộ PHCN (12 cán bộ vật lý trị liệu, 3 cán bộ ngôn ngữ trị liệu) trong thời gian 6 tháng (tháng 6/2022 đến tháng 12/2022).

ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Công tác huấn luyện sẽ được triển khai theo hình thức ghép cặp 1 huấn luyện viên – 1 học viên hoặc theo nhóm (tối đa 3 học viên), kế hoạch huấn luyện được xây dựng cho từng học viên. Chương trình huấn luyện NNTL được thực hiện trực tuyến và với VLTL sẽ là trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiến sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, 15 kỹ thuật viên, cán bộ thực hành PHCN sẽ cung cấp dịch vụ PHCN chất lượng tới 540 bệnh nhân và 129 NKT và cải thiện chức năng cho100 NKT trong số này./.

Read more

MCNV chuyển giao dự án Tín dụng tiết kiệm Bình Đại cho địa phương

Ngày 3/6/2022, MCNV đã ký kết chuyển giao dự án Tín dụng tiết kiệm (TDTK) Bình Đại cho đối tác địa phương là Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bình Đại và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Đại tiếp tục quản lý và vận hành.

Các đại biểu tại lễ ký bàn giao dự án.

Lễ ký kết có sự tham dự của ông Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam; ông Phạm Hữu Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại – Trưởng ban quản lý dự án TDTK Bình Đại; bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch hội LHPN huyện Bình Đại – Phó ban quản lý cùng sự tham gia của các Sở, Ban, Ngành tỉnh Bến Tre và đại diện UBND cùng Hội LHPN của 11 xã và thị trấn thuộc dự án.

Giám đốc MCNV, ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ bàn giao.

Ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ chuyển giao dự án đã cho biết: “Dự án TDTK huyện Bình Đại là biểu tượng cho sự hợp tác lâu dài giữa MCNV và tỉnh Bến Tre. Dự án là niềm tự hào của MCNV về tính bền vững, hiệu quả tài chính và tác động xã hội. Cách tiếp cận linh hoạt của dự án thông qua công cụ tài chính vi mô đã hỗ trợ cho phụ nữ nghèo tại huyện Bình Đại có kiến thức và nguồn vốn để vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cho phép dự án hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho cộng đồng thích ứng với hạn mặn, giúp địa phương đạt được một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sau khi chuyển giao, UBND huyện Bình Đại cùng Hội LHPN tỉnh và huyện sẽ tiếp tục quản lý và vận hành dự án theo quy chế dự án, đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của phụ nữ nghèo trong phục hồi kinh tế hậu COVID. Dự án cũng sẽ trở thành một đối tác của MCNV trong những dự án sẽ được phát triển tiếp theo hỗ trợ cho Bến Tre và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời BQL dự án cam kết báo cáo và duy trì mối quan hệ với các nhà tài trợ Hà Lan đã và đang hỗ trợ cho dự án như quỹ Mfm, Huzla và các nhà tài trợ cá nhân Hà Lan./.

Dự án TDTK Bình Đại được hình thành năm 2009 trên hai xã ban đầu với số vốn gần 300tr đồng.

Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, phục vụ khoảng 1700 khách hàng thường xuyên vay vốn tín dung vi mô và tiết kiệm với tổng nguồn vốn quay vòng trên 12 tỷ VND.

Tính đến nay dự án đã cung cấp hơn 8800 khoản vay hỗ trợ cho hàng nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.


Read more

ĐÀO TẠO Y KHOA LIÊN TỤC VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TẠI NHÀ

TS. BS. Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Trong 3 ngày 20-22/5/2022, tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo y khoa liên tục về cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) tại nhà cho 20 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN của Khoa PHCN, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc (ĐKKV MNPB) Quảng Nam.

ThS.BS. Hà Chân Nhân,Trưởng Bộ môn PHCN Trường ĐHYD Huế giới thiệu về Phân loại quốc tế về hoạt động chức năng, khuyết tật và sức khỏe (khung ICF).

Trong 3 ngày diễn ra khóa đào tạo, các học viên đã được tăng cường những kiến thức, kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà một cách toàn diện, theo cách tiếp cận đa chuyên ngành với quy trình 4 bước: khám lượng giá và xác định mục tiêu, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá kết quả can thiệp.

Hoạt động thảo luận nhóm

Lớp tập huấn được thiết kế với nhiều nội dung phong phú, mang tính thực tiễn cao, bao gồm: hướng dẫn tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, các nội dung lý thuyết kết hợp với hoạt động thảo luận nhóm và thực hành lâm sàng về PHCN đa chuyên ngành, công cụ lượng giá hoạt động chức năng. Đặc biệt, các học viên được thực hành các bước triển khai cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà cho 2 bệnh nhân ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua phối hợp nhóm đa chuyên ngành, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu.

Thực hành khám lượng giá theo nhóm đa chuyên ngành trên bệnh nhân

Sau 2 ngày học lý thuyết và thực hành trên lớp tại bệnh viện, học viên được chia thành bốn nhóm, thực hành 2 trong số 4 bước cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, gồm khám lượng giá, xác định mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp trên hai trường hợp: một bệnh nhân nữ liệt tủy do chấn thương cột sống và một bệnh nhân nam bị liệt do di chứng tai biến mạch máu não.

Học viên thực hành lượng giá tại nhà bệnh nhân

Đánh giá tổng kết khóa học, ThS.BS.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhận xét: Về cơ bản, các học viên đã phân biệt được sự khác nhau giữa cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà và tại bệnh viện, thực hiện được các bước theo trình tự hợp lý, theo đúng hướng tiếp cận đa chuyên ngành và đã có cái nhìn tổng quát hơn về PHCN.
ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhấn mạnh nguyên tắc “coi người khuyết tật là trung tâm” cũng như lưu ý với các học viên về tầm quan trọng của việc tương tác, phối hợp với gia đình người khuyết tật để việc cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà được triển khai thuận lợi và hiệu quả.

ThS.BS. Phạm Dũng phát biểu tổng kết khóa đào tạo.

Khoá đào tạo 3 ngày là một hoạt động để chuẩn bị cho việc triển khai mô hình cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Toàn bộ 20 học viên sẽ được Trường ĐHYD Huế cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục.
Sau khóa đào tạo, các học viên sẽ thực hiện khám sàng lọc 300 người khuyết tật tại các xã thuộc Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam; trong đó 200 người khuyết tật vận động sẽ được nhận các dịch vụ can thiệp PHCN tại nhà bởi nhóm cán bộ PHCN đa chuyên ngành của Bệnh viện ĐKKV MNPB Quảng Nam./.

Read more

Khai giảng khóa đào tạo 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành hoạt động trị liệu

Tập thể học viên cùng Ban Giám hiệu trường ĐHYD Huế, USAID, và MCNV tại lễ khai giảng

Ngày 16/5/2022, tại Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành hoạt động trị liệu (HĐTL).

Lễ khai giảng có sự tham dự của đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Ban Giám hiệu Trường ĐHYD Huế; các thầy, cô giáo phụ trách lớp học và 34 học viên là các điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN, y sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế của các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định.

Khóa đào tạo HĐTL này nằm trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2 do USAID tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc Phòng. Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) là hai nhà thầu quản lí của Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2. Với vai trò là nhà thầu thực hiện, một trong những mục tiêu MCNV đặt ra là triển khai các khóa đào tạo để cung cấp thêm lực lượng cán bộ mới tham gia vào hoạt động chuyên môn PHCN.

Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế đã bày tỏ sự trân trọng đối với những hỗ trợ tích cực của Dự án dành cho Trường ĐHYD Huế nói chung và Bộ môn PHCN nói riêng trong việc phát triển năng lực, kỹ thuật chuyên môn và những hỗ trợ về cơ sở vật chất cần thiết để triển khai hoạt động thực hành cho các khóa đào tạo HĐTL. GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐTL trong mô hình PHCN đa chuyên ngành, cùng các biện pháp trị liệu khác như Vật lý trị liệu (VLTL), Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, chăm sóc điều dưỡng và các chuyên khoa khác trong việc cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người khuyết tật.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế phát biểu khai mạc tại lễ khai giảng

Đại diện cho các nhà thầu quản lý và thực hiện dự án, ThS. BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của chương trình đào tạo ngắn hạn này, trong đó có những đóng góp không thể thiếu của Trường ĐHYD Huế và các anh, chị học viên.

ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhận định: Khóa học có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống PHCN tại các địa phương. Các anh, chị học viên thuộc số những người đầu tiên được đào tạo HĐTL tại Việt Nam. MCNV và lãnh đạo các đơn vị gửi gắm niềm tin sâu sắc vào những nỗ lực của các anh, chị học viên trong việc hoàn thành tốt khóa học, hoàn thành mục tiêu dự án cũng như mục tiêu nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại các địa phương. Ông cũng bày tỏ mong đợi Trường ĐHYD Huế sẽ trở thành một trung tâm đào tạo về HĐTL cho các tỉnh miền Trung với các khóa đào tạo ngắn hạn được thiết kế tốt, đào tạo có chất lượng và hiệu quả, góp phần lấp đầy những khoảng trống về nhân lực trong hệ thống PHCN.

ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại buổi lễ khai giảng

Chương trình khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành HĐTL được thiết kế với 13 môn học, giảng dạy trong tổng số 750 giờ học (225 giờ lý thuyết và 525 giờ thực hành). Khóa học được chia thành 3 kỳ học, mỗi kỳ 10 tuần, giữa các học kỳ tại trường ĐHYD Huế, các học viên sẽ quay trở lại cơ sở y tế của mình để tự học trong 2 tuần với bài tập được giao nhằm ứng dụng các kiến thức, kĩ năng được học tại chính cơ sở y tế nơi học viên đang công tác.

ThS. BS. Hà Chân Nhân, Trưởng Bộ môn PHCN, Trường ĐHYD Huế
trình bày về Chương trình khóa học tại lễ khai giảng

Anh Lê Đại Dương, kỹ thuật viên PHCN, Khoa PHCN, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, một trong số những học viên của khóa học cho biết, anh từng được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về HĐTL qua một khóa học 7 tuần, nội dung chính là can thiệp HĐTL cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Anh Dương mong đợi, khóa học 9 tháng tới đây sẽ cung cấp cho anh những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn về HĐTL để có thể can thiệp hỗ trợ cho những loại hình bệnh tật đa dạng mà bệnh viện thường tiếp nhận như tổn thương não, tai biến sau tai nạn, tổn thương tủy sống, v.v…

Chị Lê Thị Quỳnh Vân, Khoa Nội tổng hợp – An dưỡng – Nhi, Bệnh viện Y Dược cổ truyền – PHCN Tỉnh Kon Tum cho biết: Tại đơn vị công tác, nhu cầu bệnh nhân cần tới HĐTL là rất lớn, nhất là trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn rất hạn chế, chỉ tập trung vào VLTL. Thông qua khóa học, chị Quỳnh Vân hi vọng bản thân sẽ trau dồi được những kiến thức và kỹ năng về lượng giá, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá sau can thiệp, góp phần vào việc phát triển HĐTL tại bệnh viện, giúp các bệnh nhân có điều kiện được tiếp cận với HĐTL ngay tại khu vực sinh sống, thay vì phải di chuyển xa.

Đại diện các học viên, anh Đặng Xuân Tùng, Kĩ thuật viên VLTL, Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế
bày tỏ sự cảm ơn đối với dự án tại lễ khai giảng

Ngay sau lễ khai giảng, các học viên sẽ tham gia buổi học đầu tiên vào sáng 17/5/2022 tại Trường ĐHYD Huế. Kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục về PHCN chuyên ngành HĐTL./.

Read more

MCNV, Bệnh viện Bạch Mai khai giảng khóa Phục hồi chức năng cơ bản

Tập thể học viên cùng Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và USAID, NACCET, CCIHP, CCRD và MCNV

Ngày 18/5/2022, trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ khai giảng khóa học PHCN cơ bản.

Lễ khai giảng có sự tham dự của bà Ritu Tariyal, Giám đốc phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – nhà tài trợ; ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) – chủ dự án; PGS.TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định; đại diện Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD) – hai nhà thầu quản lý của dự án. 17 học viên của khóa học là các bác sĩ đến từ 3 tỉnh Quảng Trị, Kon Tum và Bình Định, trong đó, đa số đang công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ.Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi Lễ khai giảng

Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai là Trung tâm thực hiện chuyên môn theo nhóm kỹ thuật PHCN với đầy đủ các thành viên: bác sĩ chuyên khoa PHCN, điều dưỡng PHCN, kỹ thuật viên chỉnh hình, chân tay giả, ngôn ngữ trị liệu và số đơn vị chuyên khoa sâu như PHCN tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, cơ-xương khớp… Bệnh viện cũng đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác Quốc tế với nhiều tổ chức như Tổ chức giúp đỡ người tàn tật Quốc tế, Trung tâm quốc gia về sức khỏe và y tế toàn cầu…

Bà Ritu Tariyal, Giám đốc phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát biểu tại Lễ khai giảng.

Với thời lượng 6 tháng, chương trình sẽ cung cấp cho các học viên các kiến thức, kỹ năng, thái độ về chẩn đoán, điều trị một số bệnh thường gặp trong chuyên ngành PHCN. Các môn học bao gồm: giải phẫu chức năng, sinh lý, bệnh học, và PHCN cơ bản thông qua chuỗi các bài giảng lý thuyết và phân tích các ca bệnh lâm sàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) phát biểu tại Lễ khai giảng.

Khóa đào tạo PHCN cơ bản tại Bệnh viện Bạch Mai hướng tới mục tiêu giải quyết những hạn chế về nhân lực, một trong những thách thức lớn nhất đối với các cơ sở y tế địa phương tại Việt Nam, mang lại những hỗ trợ kịp thời và đầy đủ, tăng thêm cơ hội hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ khai giảng.

Tại Lễ khai giảng, những đề xuất của các học viên cũng đã được chia sẻ và ghi nhận. Đa số học viên bày tỏ: mong muốn lớn nhất là thông qua khóa học, có thể học hỏi được thật nhiều kinh nghiệm lâm sàng cũng như lý thuyết để ứng dụng hiệu quả tại đơn vị công tác cũng như phục vụ địa phương.

Những đề xuất của học viên đã được ghi nhận tại lễ khai giảng.

Ngay sau lễ khai giảng, các học viên đã tham gia buổi học đầu tiên vào buổi chiều cùng ngày tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai. Học viên hoàn thành chương trình 6 tháng sẽ được cấp chứng chỉ PHCN theo thông tư 22/2013 và 26/2020 về đào tạo liên tục của Bộ Y tế./

Read more

Thêm nguồn tài liệu hữu ích phục vụ nghiên cứu Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam

Nguồn tài liệu nghiên cứu hiếm hoi về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam đã được bổ sung một cách có ý nghĩa sau khi thông tin về kết quả nghiên cứu của 14 học viên lớp ThS. Kỹ thuật Phục hồi chức năng chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu đầu tiên tại Việt Nam được chính thức công bố tại Hội thảo Chia sẻ kết quả từ một số nghiên cứu về Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam.

Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 28/04/2022 tại Tp.HCM do MCNV và ĐH Y Dược Tp.HCM phối hợp tổ chức, với khoảng 140 đại biểu tham dự thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các đại biểu dự Hội thảo trực tiếp tại Tp.HCM sáng 28/4/2022.

Hội thảo có sự tham dự của ThS. BS. Nguyễn Phương Hiền – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo; bà Ritu Tariyal  – Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Giáo sư Lindy McAllister – ĐH Sydney, Australia, đại diện Ban giám đốc tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA);  PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược Tp.HCM; PGS.TS.Nguyễn Ngọc Dung, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Ths.Bs. Lê Quang Dương, Giám đốc tổ chức VietHealth,  Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam; các chuyên gia quốc tế, giảng viên, tình nguyện viên, cố vấn và giám sát viên lâm sàng, phiên dịch viên, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, học viên ngôn ngữ trị liệu, giáo viên và các nhà chuyên môn khác…tham gia trực tuyến qua nền tảng Zoom từ Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam…

Bà Ritu Tariyal  – Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dự Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ tóm lược các kết quả nghiên cứu từ luận văn tốt nghiệp của khóa 1 chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại ĐH Y Dược TP.HCM trong khuôn khổ dự án “Phát triển Đào tạo NNTL tại Việt Nam”. Dự án được tài trợ bởi USAID thông qua tổ chức VietHealth và được thực hiện bởi MCNV với tư vấn kỹ thuật từ tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA). Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, chuyên ngành NNTL được đào tạo chính quy ở bậc Thạc sĩ. Dự án được khởi động vào cuối năm 2017.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược Tp.HCM phát biểu tại Hội thảo.

Sau quá trình chuẩn bị khẩn trương và với sự tham gia của nhiều bên, với sự hỗ trợ tích cực của 2 Bộ liên quan là Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, khóa ThS. NNTL chính thức bắt đầu vào tháng 11/2019. Tháng 11/2021, khóa đào tạo đã hoàn thành khi tất cả 14 học viên bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, với những đề tài nghiên cứu về NNTL trên nhiều khía cạnh như mất ngôn ngữ, trải nghiệm của gia đình có trẻ khuyết tật ngôn ngữ, trải nghiệm và năng lực về ngôn ngữ trị liệu của người làm PHCN dựa vào cộng đồng, công cụ sàng lọc ngôn ngữ cho trẻ 3 – 4 tuổi, đặc điểm lời nói của trẻ có rối loạn âm lời nói, người lớn nói lắp,…

ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Những đề tài nghiên cứu kể trên đã được các Hội đồng phản biện luận văn của các học viên đánh giá cao về tính mới mẻ, hàm lượng khoa học cũng như ý nghĩa ứng dụng. Với Hội thảo lần này, các nhóm nghiên cứu cùng các đối tác có liên quan đã nỗ lực để chia sẻ, phổ biến thông tin từ các nghiên cứu đến với cộng đồng, với những người có chung mối quan tâm về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu nghiên cứu về NNTL còn khan hiếm tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu Thạc sĩ Nguyễn Đức Sinh và Thạc sĩ Nguyễn Văn Duân báo cáo kết quả đề tài Nghiên cứu: Trải nghiệm của gia đình có trẻ mắc khuyết tật giao tiếp tại Tp. HCM và tỉnh Quảng Nam.
Thạc sĩ Lương Thị Cẩm Vân, thạc sĩ Hoàng Thị Huyền Trang với Nghiên cứu: Sự sẵn sàng, kiến thức và trải nghiệm của nhân viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng khi làm việc với người khuyết tật giao tiếp và nuốt.

Bên cạnh các đề tài luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, Hội thảo cũng là cầu nối để các nhà chuyên môn NNTL trao đổi, giới thiệu các nghiên cứu chuyên sâu và cập nhật nhất như “Bộ lượng giá Mất ngôn ngữ tiếng Việt” (TS.Lê Khánh Điền – Phó Chủ tịch Hội NNTL Châu Á – Thái Bình Dương), “Ảnh hưởng của phương ngữ trong nhận diện và xác định mức độ nghiêm trọng của rối loạn âm lời nói ở trẻ em VN” (TS.Phạm Thị Bền, trường ĐH Sư phạm Hà Nội)… Cùng với đó, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận về những vấn đề như xây dựng các khóa đào tạo NNTL tiếp theo, tầm quan trọng của việc thành lập Hội NNTL Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển chuyên ngành NNTL một cách sâu rộng, chính thống, chính quy, đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu của người bệnh, người khuyết tật, những khách hàng cần tới dịch vụ hỗ trợ NNTL tại Việt Nam.

*Sáng ngày 29/4/2022, 14 học viên khóa 1 chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật PHCN chuyên ngành NNTL đã dự lễ nhận bằng tốt nghiệp tại ĐH Y Dược TP.HCM và chính thức trở thành những Thạc sĩ NNTL đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.

14 Tân Thạc sĩ NNTL tại lễ trao bằng tốt nghiệp sáng 29/4/2022.
(Hàng 1, từ phải qua) Bà Nguyễn Thị Hoa Lê (USAID), bà Ngô Y Sa (phiên dịch viên dự án NNTL), GS.Lindy McAllister (ĐH Sydney, đại diện TFA), ông Phạm Dũng (giám đốc MCNV Việt Nam), ông Lê Quang Dương (giám đốc VietHealth), bà Nguyễn Phương Hiền (Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Các đại biểu tại lễ chúc mừng hoàn thành khóa Thạc sĩ NNTL đầu tiên tại Việt Nam.
Read more

Khởi động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở miền núi Quảng Trị

Ngày 20/4/2022, MCNV phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sự kiện khởi động hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC® tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Tham dự sự kiện này có đại diện các sở, ban, ngành liên quan các cấp: Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại & Du lịch, Huyện Ủy, Ban Tuyên giáo & UBND huyện Hướng Hóa cùng các phòng, ban liên quan.

Tại sự kiện này, các đại biểu và khách mời có dịp trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái của cộng đồng thôn Chênh Vênh, như tham quan điểm cắm trại Đồi Sa Mươi, thác và suối Chênh Vênh, tuyến thăm rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý, điểm dã ngoại xóm Rờ Vê, thưởng thức ẩm thực các món ăn ngon từ sản vật địa phương, thưởng thức chương trình ca nhạc, tìm hiểu những nét độc đáo của văn hóa bản địa, …

Quầy hàng giới thiệu sản vật địa phương.

Để các dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở thôn Chênh Vênh chính thức đi vào hoạt động ngày hôm nay, trong hơn nửa năm qua, MCNV đã phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa và UBND xã Hướng Phùng tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch cho cộng đồng thôn Chênh Vênh và Ban quản lý rừng cộng đồng của thôn này. Các hỗ trợ chính bao gồm: sửa chữa, nâng cấp nhà cửa làm homestay cho một số hộ gia đình, trang bị dụng cụ phục vụ hoạt động dã ngoại ngoài trời (như lều, trại, chăn, chiếu, …), cải tạo cảnh quan cắm trại khu vực ven suối, lắp đặt các pa nô chỉ dẫn, xây nhà vệ sinh, tập huấn về quản lý du lịch cộng đồng và tập huấn về kỹ năng phục vụ ẩm thực, …

Tại buổi lễ chính của sự kiện, Ông Phạm Trọng Hổ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa – khẳng định cộng đồng thôn Chênh Vênh, với điều kiện tự nhiên lý tưởng và văn hóa bản địa đặc sắc, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh sự hỗ trợ của MCNV là hết sức thiết thực, có thể đặt nền tảng để cộng đồng này phát triển hoạt động du lịch sinh thái lâu dài gắn với công tác quản lý rừng bền vững.

Ông Nguyễn Đình Đại – Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị phát biểu tại sự kiện.

Ông Nguyễn Đình Đại – Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị – cho biết cộng đồng thôn Chênh Vênh với gần 100 hộ gia đình Bru Vân Kiều đang quản lý một diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng và hộ gia đình quản lý lên đến 1.000 héc-ta. Việc phát triển sinh kế và thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ, du lịch cộng đồng và các dịch vụ hệ sinh thái có ý nghĩa quan trọng, giúp cộng đồng này quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Cô gái Vân Kiều trong trang phục truyền thống.

Với sự hỗ trợ của MCNV thông qua dự án PROSPER do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, trong năm 2021 rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, cùng với rừng cộng đồng thôn Hồ (xã Hướng Sơn), tự hào trở thành hai rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận FSC® của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ cộng đồng thôn Chênh Vênh củng cố và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, MCNV sẽ tiếp tục tìm cách kết nối các nhà tài trợ, các doanh nghiệp có trách nhiệm để họ tự nguyện chi trả cho dịch vụ hệ sinh thái do cộng đồng này cung cấp, như các dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, …

Read more

Khai giảng khóa đào tạo 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu và vật lý trị liệu

PGS.TS.Nguyễn Khắc Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng phát biểu tại lễ khai giảng

Ngày 26/4/2022, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược (ĐHKTYD) Đà Nẵng tổ chức lễ khai giảng 02 khóa đào tạo 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu (NNTL) và chuyên ngành vật lý trị liệu (VLTL).

Lễ khai giảng có sự tham dự của đại diện Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD); MCNV; Trường ĐHKTYD Đà Nẵng; các thầy, cô giáo phụ trách lớp học và 48 học viên là các điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN, y sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Kon Tum và Bình Định. Hai khóa đào tạo này nằm trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc Phòng. Hai trong số ba nhà thầu quản lý của Dự án Hòa Nhập 1 và Hòa nhập 2 là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và CCRD. Với vai trò là nhà thầu thực hiện, một trong những mục tiêu MCNV đặt ra trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập là “Đào tạo trung hạn nhằm cung cấp thêm lực lượng cán bộ mới tham gia vào hoạt động chuyên môn phục hồi chức năng”. Các khóa đào tạo này được triển khai với sự hợp tác của Trường ĐHKTYD Đà Nẵng nhằm đạt được mục tiêu này.

Tại lễ khai giảng, PGS.TS. Nguyễn Khắc Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKTYD Đà Nẵng chia sẻ: “Là một trong những đơn vị đào tạo PHCN, trong những năm qua, Trường ĐHKTYD Đà Nẵng đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có MCNV. Nhà trường đánh giá cao những đóng góp của MCNV trong việc xây dựng nguồn nhân lực PHCN tại miền Trung – Tây Nguyên”. PGS.TS. Nguyễn Khắc Minh khẳng định: “Trên nền tảng hợp tác thành công với MCNV qua một số dự án, gần đây nhất là Dự án “Phát triển đào tạo NNTL tại Việt Nam”, Trường ĐHKTYD Đà Nẵng hy vọng sẽ đóng góp vào thành công của Dự án Hòa nhập, đáp ứng thiết thực cho nhu cầu nhân lực ngành PHCN”.

Thay mặt cho các nhà thầu quản lý và nhà thầu thực hiện, Giám đốc quốc gia MCNV, ThS. BS. Phạm Dũng bày tỏ sự tin tưởng MCNV dành cho Trường ĐHKTYD Đà Nẵng, một đơn vị có năng lực chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong đào tạo PHCN, đặc biệt là năng lực đào tạo chuyên môn của nhà trường được củng cố, hoàn thiện trong 5 năm qua với các phương pháp tiếp cận và phương pháp làm việc hiện đại học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành của Ôx-trây-lia qua dự án “Phát triển đào tạo NNTL tại Việt Nam”.

ThS.Bs.Phạm Dũng phát biểu tại lễ khai giảng.

Tại lễ khai giảng, ThS.Bs. Phạm Dũng cũng khẳng định: “Khóa học sẽ đem lại nhiều kiến thức hữu ích cho các học viên, những người không chỉ đơn thuần thực hiện các hoạt động kĩ thuật trong giai đoạn dự án, mà sẽ trở thành những hạt nhân nòng cốt của lực lượng PHCN trong dài hạn, đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung”. Theo Ths.Bs. Phạm Dũng, trong tương lai, MCNV mong muốn cùng Trường ĐHKTYD Đà Nẵng tiếp tục tìm các nguồn lực, phát triển năng lực cho Trường trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật PHCN và lan tỏa tới toàn hệ thống, toàn ngành PHCN. Nếu VLTL đã được biết tới rộng rãi trong nhiều năm qua, thì NNTL còn là chuyên ngành mới. Tại lễ khai giảng, một số học viên NNTL đã chia sẻ cảm nhận, mong đợi của mình về khóa học.

Anh Hồ Sĩ Tâm Minh (Kỹ thuật viên VLTL, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) đã được tiếp cận với NNTL qua 3 học phần được lồng ghép trong chương trình học Cao đẳng và đã từng sử dụng những kiến thức này để hỗ trợ bệnh nhân gặp các vấn đề khó khăn về nói, nuốt ở mức độ cơ bản. Với vốn kiến thức hạn chế, anh chưa đủ khả năng để tự lượng giá, chẩn đoán và xác định các mục tiêu can thiệp NNTL. Tham gia khóa học này, mục tiêu ưu tiên của anh là có được các kiến thức, kỹ năng về NNTL để có thể hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân gặp các vấn đề về rối loạn nuốt, đồng thời có được các kỹ năng chuyên sâu hơn trong can thiệp cho các bệnh nhân sau phẫu thuật, sau cai máy thở.

Một học viên khác của khóa học, chị Võ Thị Hòa (Điều dưỡng, Bệnh viện PHCN tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Xuất phát điểm của mình là chuyên ngành điều dưỡng, vì yêu thích PHCN nên sau đó mình có học thêm một khóa 12 tháng về VLTL. Mình rất yêu thích NNTL bởi đây là chuyên ngành thú vị, ý nghĩa, có tính ứng dụng cao không chỉ trong nghề PHCN mà trong cuộc sống thường ngày nữa. Sau khi học xong khóa học này, mình rất mong được làm việc trong lĩnh vực NNTL”.

Các giảng viên giới thiệu về chương trình NNTL và VLTL.

Hai khóa học NNTL và VLTL 9 tháng sẽ được triển khai ngay sau lễ khai giảng. Dự án kỳ vọng sau khi hoàn thành các khóa học, các cơ sở y tế ở 5 tỉnh dự án sẽ có thêm nguồn nhân lực để cung cấp dịch vụ PHCN đa chuyên ngành, tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ PHCN chất lượng cao./.

Read more

Dự án hợp tác mới giữa GSRD và MCNV sẽ hỗ trợ hơn 1.000 phụ nữ, trẻ em nghèo tại Phú Yên

Ngày 25 tháng 03 năm 2022, MNCV phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đồng Xuân” (viết tắt là Dự án BIJPO). 

Được triển khai trong 3 năm tháng (tháng 04 năm 2022 đến tháng 04 năm 2025), dự án BIJPO kế thừa những thành tựu đạt được từ dự án “Cải thiện trình trạng suy dinh dưỡng dựa trên giải pháp nông nghiệp” do MCNV triển khai thực hiện tại địa phương.

BIJPO hướng tới mục tiêu cải thiện thu nhập và tình trạng an ninh lương thực thông qua cải thiện điều kiện làm việc và tình trạng sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với những thách thức mới do tác động từ đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu tại các khu vực miền núi và vùng DTTS. Dự án BIJPO đóng góp trực tiếp cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Một gia đình nhỏ ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên

Đối tượng dự án bao gồm phụ nữ và trẻ em DTTS thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn, đang sinh sống trên địa bàn 15 thôn miền núi của 6 xã: Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Phước, Đa Lộc và Xuân Lãnh.

Trong khuôn khổ dự án, 15 tổ hợp tác sẽ được thành lập tại 15 thôn. Các thành viên sẽ được tham dự các lớp tập huấn về lên kế hoạch, quản lý sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất, đào tạo tay nghề… Các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ sẽ dựa trên những hình thức sinh kế sẵn có tại địa phương như bóc vỏ keo bằng máy, hoặc các ngành nghề mới mà thành viên mong muốn tham gia, như tổ sản xuất nấm keo sấy, tổ đan lát các sản phẩm nhựa theo đơn hàng của các doanh nghiệp… Ngoài ra, dự án cũng thực hiện các hoạt động để kết nối giữa các tổ và doanh nghiệp cũng như các hoạt động học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác.

Bên cạnh 15 tổ hợp tác, dự án cũng sẽ tạo điều kiện cho 30 nhóm hộ sản xuất nông nghiệp với khoảng 450 thành viên nữ tham gia. Hình thức hỗ trợ sẽ thông qua các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp – an ninh lương thực, cây giống, vật nuôi, vật tư để các thành viên nhóm thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp vừa mang lại thu nhập vừa tạo thực phẩm tại chỗ. Các mô hình nông nghiệp sẽ do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan giới thiệu. Các thành viên nhóm sẽ tự chọn mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình. Những mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2018 -2020 như nuôi vịt, nuôi gà lấy trứng, nuôi cá, nuôi ếch, trồng các loại cây ăn quả, vườn rau và trồng đậu xen sắn sẽ được khuyến khích nhân rộng. Sản phẩm từ các mô hình nông nghiệp này sẽ được cung ứng cho các chợ, các tư thương lưu động và sử dụng tại hộ gia đình, cộng đồng./.

Read more

Khảo sát thực địa Dự án Tăng cường chất lượng hoa quả Việt Nam

Trung tuần tháng 4/2022, đại diện MCNV và các chuyên gia nông nghiệp đã có chuyến khảo sát thực địa tại các hộ nông dân trồng xoài, thanh long và bưởi tại 4 tỉnh Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre.

Hoạt động khảo sát nhằm lựa chọn các hộ nông dân phù hợp để tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật cao trong khuôn khổ dự án “Tăng cường chất lượng hoa quả Việt Nam” do MCNV và Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp triển khai.

Đoàn dự án thăm vườn xoài của một hộ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp.

Đoàn khảo sát gồm đại diện Hội nông dân Việt Nam, MCNV và các chuyên gia từ 3 công ty uy tín trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm định chất lượng đất, nước là Bayer Vietnam, Yara và Eurofins.

Trong chuyến công tác, đoàn đã giới thiệu với các hộ dân về mục tiêu, hướng hỗ trợ của dự án, cũng như những tiêu chí lựa chọn. Cụ thể, để được lựa chọn tham gia mô hình trình diễn, mỗi hộ cần có diện tích vườn cây ăn quả tối thiểu 1 hecta, người dân có tinh thần tích cực với việc học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến năng suất, chất lượng của nông sản. Đối với các hộ tới thăm, đoàn cũng đã thực hiện khảo sát các yếu tố như nguồn nước tưới, kỹ thuật canh tác, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thị trường xuất khẩu…

Hoạt động kiểm định chất lượng đất tại một vườn bưởi tại tỉnh Bến Tre.

Qua chuyến khảo sát, các chuyên gia dự án đánh giá cao nỗ lực của bà con nông dân trong canh tác và đã lựa chọn được 2 hộ đủ tiêu chí tham gia mô hình trình diễn gồm một hộ trồng bưởi tại tỉnh Bến Tre và một hộ trồng xoài tại tỉnh Đồng Tháp. Đoàn sẽ tiếp tục khảo sát để lựa chọn thêm 2 hộ phù hợp tại tỉnh Bình Thuận và Long An.

Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là chủ dự án và MCNV cung cấp viện trợ. Dự án được thực hiện trong 3 năm tại 4 tỉnh gồm: Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận và Long An.

Ngân sách dự án hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó ngân sách do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng. Ngân sách do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng (tương đương 80.105 euro)./.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong hơn 2 năm qua, việc tiêu thụ các loại hoa quả tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nói chung và địa bàn dự án nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Một nông dân trồng xoài tại tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Bà con ai đến hái, tôi cho hết luôn, vì giá bán lâu nay vẫn ở dưới mức giá thành sản xuất.”
Còn tại tỉnh Bình Thuận, nếu như người dân sẽ “hòa vốn” với giá bán 9 nghìn đồng cho 1 kg thanh long, thì có thời điểm, giá của loại quả này chỉ còn 2-3 nghìn đồng/kg. Có những vụ thu hoạch tràn lan, bán không được bà con đành phải đổ bỏ hoặc cho bò ăn.
Bởi vậy, trong hơn 2 năm qua, đa số các hộ chọn cách làm “cầm chừng”, tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất (có khi cắt giảm tới 80% chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu…) để đợi thị trường phục hồi sau đại dịch, hi vọng có thể bán với mức giá tốt hơn (12-13 nghìn đồng trở lên). Trong bối cảnh này, các hoạt động của dự án, với cầu nối là Hội Nông dân và MCNV sẽ mở ra hướng tiếp cận nhiều triển vọng, góp phần tạo ra một cơ chế hợp tác bền vững, trực tiếp giữa các công ty hàng đầu châu Âu với người nông dân.
Read more