Góc thông tin

Hoạt động trị liệu: “Chân trời mới” mở ra nhiều cơ hội

Thông qua những trải nghiệm trực quan, sinh động và chia sẻ đầy tâm huyết từ các chuyên gia, Hội thảo “Hoạt động trị liệu: cơ hội và lựa chọn” là “cầu nối” đưa tân sinh viên ngành phục hồi chức năng ĐH Y Dược TP.HCM tới gần hơn với một chuyên ngành hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

Nếu Vật lý trị liệu (VLTL) có lịch sử phát triển qua nhiều thập niên, thì Hoạt động trị liệu (HĐTL) và Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) vẫn còn là những chuyên ngành rất “trẻ” trong lĩnh vực phục hồi chức năng (PHCN) tại Việt Nam khi mới được đưa vào chương trình đào tạo chính quy tại một số trường y khoa từ năm 2016 và 2017.

Ths Lê Thanh Vân, Trưởng Bộ môn PHCN, ĐH Y Dược TP.HCM tại Hội thảo.

Tại ĐH Y Dược TP.HCM, hoàn thành năm thứ nhất với các nội dung đại cương, bước vào năm thứ hai, sinh viên ngành PHCN sẽ được lựa chọn một trong 3 chuyên ngành: VTLT, NNTL và HĐTL. Để đưa ra được quyết định đúng đắn, phù hợp, thì hiểu biết và nhận thức về các chuyên ngành một cách đầy đủ và toàn diện là hành trang không thể thiếu.

Đồng hành cùng các tân sinh viên trong định hướng chuyên ngành học, Hội thảo với chủ đề “HĐTL: Cơ hội và lựa chọn” được tổ chức bởi Bộ môn PHCN (Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược TP.HCM) vào ngày 15/10/2022. Với thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ, chương trình là “cầu nối” đưa HĐTL tới gần với các tân sinh viên, từ khái niệm HĐTL cho tới vị trí, vai trò của chuyên ngành này trong hệ thống y tế, định hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam cũng như các cơ hội nghề nghiệp HĐTL.

Là một trong những diễn giả tham dự Hội thảo, ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), đơn vị trực tiếp triển khai Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam – được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức HI – đã có phần trình bày về vai trò và các xu hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam.

“Hoạt động trị liệu có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân phục hồi các hoạt động chức năng trong sinh hoạt hằng ngày, từ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, ăn uống cho đến những hoạt động ‘cao cấp’ hơn như lao động, học tập”, ThS.BS.Phạm Dũng cho biết.

ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) chia sẻ về vị trí, vai trò của HĐTL.

Giám đốc MCNV cũng nhấn mạnh vai trò của HĐTL trong việc cải thiện khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội, thích nghi với công việc, nghề nghiệp trong tình trạng khuyết tật hoặc suy giảm chức năng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân/khách hàng.

Là giảng viên HĐTL tại ĐH Y dược TP.HCM và đồng thời là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, TS. Alexander Tú Nguyễn đã chia sẻ góc nhìn về HĐTL như một sự giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật trong việc cải thiện chức năng và chất lượng sống. Lấy ví dụ từ việc lồng ghép một điệu múa đơn giản vào một chuyển động hết sức quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày như “đứng lên ngồi xuống”, TS. Alexander Tú Nguyễn đã mang tới Hội thảo những khía cạnh đầy sáng tạo, linh hoạt của HĐTL.

TS.Alexander Tú Nguyễn với phần chia sẻ đầy sôi nổi về HĐTL và nghệ thuật

“Một điểm rất thú vị là dựa trên nền tảng kiến thức chuyên ngành, chuyên viên HĐTL có thể áp dụng bất kỳ hoạt động nào mà bệnh nhân yêu thích trong quá trình điều trị”, TS.Alexander Tú Nguyễn cho biết.

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp của chuyên ngành HĐTL, ThS.BS.Phạm Dũng nhận định: Nhu cầu PHCN tại Việt Nam đang tăng cao trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trong khi đó, nhân lực ngành PHCN, nhất là trong những lĩnh vực mới như NNTL và HĐTL còn rất hạn chế. Do vậy, những sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Theo Bộ môn PHCN, ĐH Y Dược TP.HCM, cơ hội dành cho Cử nhân HĐTL rất rộng mở. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chuyên ngành này đã nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị tuyển dụng như các bệnh viện lớn, trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ, các dự án cộng đồng. Nhiều cựu sinh viên chuyên ngành HĐTL tại ĐH Y Dược TP.HCM hiện đang công tác tại nhiều đơn vị chuyên môn uy tín như bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Bệnh viện C Đà Nẵng, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam.
Tốt nghiệp khóa 1 chương trình Cử nhân HĐTL, anh Hồ Lê Trung hiện đang là Trưởng đơn vị HĐTL tại Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN (Bệnh viện 1A) tại TP.HCM. Chia sẻ cảm nhận sau 2 năm gắn bó với ngành HĐTL, anh cho biết: “Trong lĩnh vực HĐTL, các bạn rất cần sự tỉ mỉ, tinh tế, biết quan sát bệnh nhân, chăm sóc cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Chuyên viên cũng rất cần sự sáng tạo, nhất là khi cần làm những dụng cụ để tập cho bệnh nhân”.

Theo anh Hồ Lê Trung, đơn vị HĐTL tại bệnh viện anh đang công tác có những khu “chuyên dụng”, chẳng hạn một phòng lớn được sắp xếp như căn hộ thực sự, với phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… Ở đó, bệnh nhân (sau chấn thương sọ não, bị khiếm khuyết chi…) sẽ được tập thực hiện những công việc hàng ngày trong một môi trường quen thuộc như ở nhà, ví dụ như tập pha nước chấm, xúc ăn với dụng cụ cải tiến…

Tại Hội thảo, bên cạnh những chia sẻ từ “người trong nghề”,các tân sinh viên còn được làm quen với HĐTL một cách trực quan, sinh động qua các trò chơi trải nghiệm như di chuyển trên xe lăn, dùng một tay mặc áo, làm vệ sinh cá nhân hay đọc chữ phản chiếu qua gương. Đây là những hoạt động hữu ích góp phần bồi đắp sự thấu hiểu đối với những trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, người khuyết tật, đồng thời thể hiện cụ thể và rõ nét vai trò của chuyên viên HĐTL trong góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ./.

*Những trải nghiệm đáng nhớ tại Hội thảo HĐTL: Cơ hội và Lựa chọn:

Trải nghiệm vẽ lại hình phản chiếu qua gương để hiểu cảm giác của bệnh nhân gặp khó khăn đọc/viết
Trải nghiệm điều khiển xe lăn, di chuyển với khung tập đi và nạng
Mô phỏng vệ sinh cá nhân bằng một tay
Thử sức với việc mặc áo bằng một tay
Read more

Hoàn thành tất cả các mục tiêu Dự án “Phát triển đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam”

Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án Phát triển đào tạo Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, trong đó có hoàn thành đào tạo 14 Thạc sĩ và 20 Cử nhân NNTL đầu tiên của Việt Nam.

Sau thành công của khóa Thạc sĩ NNTL, việc hoàn thành khóa Cử nhân NNTL là mốc son quan trọng tiếp theo của Dự án “Phát triển đào tạo NNTL tại Việt Nam” – một hợp phần của Dự án “Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho trẻ em khuyết tật” – DISTINCT do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua tổ chức VietHealth.

TS.Lê Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng phát biểu tại Lễ tốt nghiệp.

Dự án “Phát triển đào tạo NNTL tại Việt Nam” được Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) thực hiện trong 5 năm (1/10/2017 – 30/9/2022) với hỗ trợ kỹ thuật đến từ tổ chức Trinh Foundation Australia, với mục tiêu khởi tạo một nền tảng vững chắc cho hệ thống đào tạo chuyên ngành NNTL chính quy tại Việt Nam. Ngày 27/9/2022 Hội thảo Tổng kết Dự án đã được MCNV và các đối tác phối hợp tổ chức nhằm đánh giá quá trình triển khai và rút kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện.  

Bà Ritu Tariyal – Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát biểu tại chương trình Tổng kết Dự án.

Trước đó vào ngày 26/9/2022, một Hội thảo Chuyên đề về NNTL đã diễn ra qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của khoảng 120 đại biểu.

ThS.BS.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam và Bà Bronwyn Coop, Giám đốc tổ chức TFA tại Hội thảo chuyên đề NNTL chiều 26/9/2022.

Trong 5 năm thực hiện, Dự án Phát triển đào tạo NNTL tại Việt Nam đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đã đề ra, trong đó có việc hoàn thành khóa Thạc sĩ NNTL (phối hợp với ĐH Y Dược TP.HCM) và Cử nhân NNTL đầu tiên (phối hợp với Trường ĐH Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng).

Hai khóa đào tạo Thạc sĩ và Cử nhân NNTL bao quát tất cả những phạm vi thực hành NNTL theo chuẩn quốc tế về đào tạo NNTL, trong đó có lượng giá, chẩn đoán, củng cố, phục hồi chức năng, tư vấn và dịch vụ phòng ngừa cho người ở mọi lứa tuổi gặp các vấn đề về ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát trong lời nói, giao tiếp – nhận thức, nuốt do chấn thương, ung thư, đột quỵ hoặc các bệnh lý thần kinh tiến triển.

Đa số giảng viên tham gia giảng dạy là các chuyên gia quốc tế, đến từ Anh, Hoa Kỳ, New Zealand và Australia.

Nội dung đào tạo căn cứ theo hướng dẫn của Hiệp hội quốc tế về NNTL và Bệnh học ngôn ngữ (International Association of Logopedics and Phoniatric/ IALP), tham khảo chương trình đào tạo NNTL của Đại học Alberta (Canada) và Đại học Sydney (Australia) và sau đó được thiết kế, điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh đặc thù của Việt Nam.

PGS.TS.Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược Tp.HCM phát biểu tại sự kiện tổng kết dự án.

Song song với việc hoàn thành hai khóa đào tạo chính quy này, Dự án cũng đã hỗ trợ 04 đơn vị đào tạo y khoa là Đại học Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng, Trường ĐH Y Dược Huế và Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương trong công tác tạo nguồn, nâng cao năng lực giảng viên và xây dựng các chương trình đào tạo hệ Cử nhân và Thạc sỹ.

Trong khuôn khổ Dự án, một mạng lưới các chuyên gia giảng dạy, thực hành NNTL và đơn vị lâm sàng đã được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành NNTL tại Việt Nam trên cả hai phương diện đào tạo và dịch vụ.

Bên cạnh đó, Dự án cũng chú trọng vào việc đưa NNTL – chuyên ngành còn hết sức mới mẻ tại Việt Nam – tới gần hơn với cộng đồng với việc ra mắt trang web về NNTL đầu tiên (http://speechtherapyvn.net/ ) và trang Facebook Fanpage NNTL (https://www.facebook.com/ngonngutrilieu.mcnv) với những cập nhật thường xuyên, hữu ích.

Đại biểu dự Lễ tốt nghiệp của khóa Cử nhân NNTL đầu tiên & Họp tổng kết Dự án.

  Những thành công đạt được trong bối cảnh đầy thách thức do đại dịch COVID-19 thể hiện sự nỗ lực, cam kết mạnh mẽ của MCNV và sự đồng hành tận tâm của nhà tài trợ – USAID, các Cơ quan, Ban, Ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước, các đơn vị phục hồi chức năng tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương và rất nhiều tổ chức, cá nhân giàu tâm huyết với NNTL./.    

*Những con số ấn tượng:

Một số hình ảnh từ sự kiện:

Đại diện MCNV, USAID và TFA tặng hoa chúc mừng khóa Cử nhân NNTL đầu tiên.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề về NNTL theo hình thức trực tiếp.
Bà Bronwyn Coop (Giám đốc TFA), bà Sarah Day và bà Megan Nevel (tình nguyện viên tổ chức TFA)
Read more

Ngôn ngữ trị liệu: Chuỗi sự kiện đặc biệt tháng 9/2022

Tiếp nối khóa đào tạo Thạc sĩ Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) đầu tiên đã tốt nghiệp vào cuối tháng 4/2022 tại ĐH Y Dược TP.HCM, ngày 27/9/2022 tới đây, 20 Cử nhân NNTL đầu tiên sẽ nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

Nhân dịp này, MCNV phối hợp cùng các đối tác tổ chức chuỗi sự kiện trong đó có Sinh hoạt chuyên đề về NNTL.

– Thời gian: 13.30 – 17.30 chiều 26/9/2022

– Chương trình có phiên dịch Anh – Việt

– Đại biểu quan tâm vui lòng đăng ký tham dự trực tuyến tại https://us06web.zoom.us/…/reg…/WN_bp-hce-gQju_H8iVG40lFg trước ngày 22/9/2022.

Dự án Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Việt Nam tài trợ bởi USAID thông qua tổ chức VietHealth với tư vấn kỹ thuật từ tổ chức Trinh Foundation Australia được MCNV triển khai thực hiện từ năm 2017 đến cuối tháng 9/2022.

Read more

Khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành vật lý trị liệu

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) của các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành vật lý trị liệu với chủ đề Tai biến mạch máu não (TBMMN) trong 05 ngày từ 05-09/9/2022 tại Thành phố Huế.

Một tiết học lý thuyết trong khóa học.

Các học viên tham gia khóa đào tạo gồm 33 bác sĩ, kỹ thuật viên, y sĩ và điều dưỡng đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã và trung tâm công tác xã hội trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Khoá đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).

Khóa đào tạo kéo dài 05 ngày đã trang bị và cập nhật đầy đủ cho các học viên những kiến thức, kỹ năng thực hành khám lượng giá, chẩn đoán và PHCN cho bệnh nhân TBMMN như các nguyên tắc PHCN sau TBMMN, các can thiệp, phòng ngừa biến chứng ở các giai đoạn khác nhau của TBMMN, phối hợp nhóm đa chuyên ngành trong PHCN TBMMN…

Học viên thảo luận nhóm, lập kế hoạch can thiệp cho ca bệnh giả định dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Các nội dung này được giảng viên truyền tải tới học viên thông qua các bài giảng lý thuyết kèm theo minh hoạ bằng việc làm mẫu, sau đó học viên được thực hành và nhận phản hồi các kỹ thuật vật lý trị liệu trên ca bệnh giả định tại lớp như các kỹ thuật dịch chuyển sớm, chăm sóc chống sặc, hỗ trợ di chuyển sau TBMMN…

Sau khi thực hành trên lớp, học viên được thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế. Học viên được chia thành 04 nhóm, mỗi nhóm được phân công thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh thực tế, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp. Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh.

Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày trên lớp toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh. Những chia sẻ bổ sung của các học viên trong nhóm, những phản hồi của các học viên các nhóm khác cũng như những ý kiến góp ý của giảng viên cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về khóa học, ThS. Lê Thị Kim Phượng, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết:

Nhìn chung, các học viên có tinh thần ham học hỏi, tham gia vào lớp học rất tích cực. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng các học viên đến từ những đơn vị công tác khác nhau đã rất nhanh chóng hòa nhập với lớp, phối hợp tốt với nhau trong quá trình làm việc nhóm, vận dụng kiến thức rất linh hoạt, từ thực hành trên ca bệnh giả định cho tới ca bệnh thực tế tại bệnh viện”.

Học viên thực hành kỹ thuật dịch chuyển sớm trên ca bệnh giả định

Theo ThS. Lê Thị Kim Phượng, trong số 33 học viên có 8 học viên đã tốt nghiệp chuyên ngành PHCN. Đây là một thuận lợi cho việc thực hành theo nhóm vì mỗi nhóm đều có thành viên đã có nền tảng về PHCN đóng vai trò nòng cốt, hỗ trợ cho các thành viên còn lại.

Mặt khác, chính sự đa dạng về xuất phát điểm chuyên môn của các học viên trong lớp lại tạo điều kiện thuận lợi cho học viên làm quen với mô hình nhóm can thiệp đa chuyên ngành PHCN cho bệnh nhân TBMMN. Tuy chưa có đầy đủ các thành viên để thực hành mô hình này một cách hoàn chỉnh, song tôi tin rằng qua đây, học viên sẽ hình thành được những khái niệm, ý tưởng về nhóm đa chuyên ngành, là bước chuẩn bị để có thể đề xuất, thảo luận về triển khai mô hình này tại cơ sở y tế của họ trong tương lai” ThS. Lê Thị Kim Phượng khẳng định.

Thảo luận nhóm thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp sau khám lượng giá trên bệnh nhân tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ về cảm nhận sau khóa học, chị Trần Thanh Minh, bác sĩ y học cổ truyền, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà cho biết:

Trước đây tôi từng được học bồi dưỡng về TBMMN nhưng chỉ học sơ qua trong một chương trình gồm nhiều nội dung khác. Đây là lần đầu tiên tôi được học riêng về chủ đề TBMMN và học rất chuyên sâu, nên tôi tin rằng khóa học sẽ giúp ích được cho tôi rất nhiều công việc thực tế hàng ngày. Điều tôi thích nhất về khóa học là sự xen kẽ liên tục giữa lý thuyết và thực hành. Việc học viên được thực hành trên ca bệnh giả định ngay tại lớp ngay sau mỗi nội dung lý thuyết là phương pháp rất hợp lý, nhờ đó chúng tôi có thể tiếp thu bài dễ dàng hơn, rèn luyện được kỹ năng ngay trong buổi học, không bị quên kiến thức. Những kiến thức học được trong khóa học, khi trở về đơn vị công tác, tôi có thể áp dụng cho cả những dạng bệnh nhân khác, không chỉ sau TBMMN, ví dụ như bệnh nhân bị giảm sút chức năng vận động do các nguyên nhân khác”.

Học viên hướng dẫn bài tập đề kháng với băng thun cho người nhà bệnh nhân

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, anh Lê Phú Trường, y sĩ y học cổ truyền Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với nội dung khung Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF).Trước đây, tôi từng được biết tới khung ICF, nhưng qua khóa học này, tôi mới thực sự hiểu rõ về khung ICF, biết cách vận dụng khung ICF trong việc lượng giá một trường hợp bệnh nhân và trình bày một cách tự tin”.

Thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Dự định của anh Lê Phú Trường trong thời gian tới là có thể áp dụng được những nội dung đã học vào hỗ trợ bệnh nhân đến điều trị tại đơn vị mà anh đang công tác, trong đó đa phần là bệnh nhân TBMMN giai đoạn mãn.

Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Học viên thực hành hỗ trợ bệnh nhân di chuyển tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế
Khóa đào tạo liên tục về VLTL chủ đề TBMMN nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án. Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.
Read more

Đào tạo liên tục nâng cao năng lực phục hồi chức năng người khuyết tật

Một tiết học lý thuyết trong khóa học

GD&TĐ – Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng của hệ thống y tế cơ sở, vừa qua, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về Vật lý trị liệu các bệnh lý vùng lưng.

Học viên gồm 27 cán bộ y tế đang cung cấp dịch vụ vật lý trị liệu tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn Tỉnh Quảng Trị. Khoá học được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh phun rải nặng chất da cam” do USAID tài trợ, cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng.

Giảng viên hướng dẫn cách lượng giá chức năng thần kinh cơ trên ca bệnh giả định

Qua 5 ngày, từ 15-19/8/2022, khóa đào tạo đã trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng khám lượng giá, chẩn đoán và phục hồi chức năng các bệnh lý vùng lưng như đau lưng cơ năng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hoá cột sống lưng, hẹp ống sống thắt lưng… bằng các bài tập vận động hiệu quả. Chương trình đào tạo gồm phần nội dung lý thuyết được giảng viên truyền đạt dễ hiểu, minh hoạ qua các bài tập thực hành trên lớp, sau đó là thực hành lâm sàng trên bệnh nhân tại cơ sở y tế.

Học viên được hướng dẫn thực hành các test và các khung logic áp dụng trong quá trình lượng giá, thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch can thiệp như khung SOAP (Subjective, Objective, Assessment, and Plan); Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF), mẫu Kế hoạch phát triển cá nhân (PDP- Personal Development Planning). Phần thực hành kỹ thuật, học viên được hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật điều trị VLTL, các bài tập trị liệu cho các bệnh lý vùng lưng như: kéo dãn cơ, gập/ duỗi, nghiêng bên, xoay… hay các bài tập Williams, bài tập McKenzie. Học viên được chia thành các nhóm để thực hành các kỹ thuật can thiệp tại lớp trên bệnh nhân giả định, đóng vai với sự hướng dẫn của các giảng viên trước khi áp dụng trên bệnh nhân thực tế.

Thực hành lâm sàng: khám lượng giá trên ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị

Các giờ thực hành lâm sàng được thực hiện trên bệnh nhân tại Khoa Phọc hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị trong 1,5 ngày với 8 ca khám lượng giá và 4 ca can thiệp. Học viên được yêu cầu thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp. Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh. Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh trước lớp. Những ý kiến góp ý của giảng viên cũng như những chia sẻ của các học viên trong nhóm cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng chương trình và giảng dạy, giảng viên Nguyễn Đình Hoàng (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) cho biết: “Do đặc điểm của các khóa đào tạo liên tục là thời lượng ngắn, nên khi xây dựng chương trình, cần dành nhiều thời gian để cân nhắc, chọn lọc kỹ những nội dung sẽ đưa vào bài giảng, đáp ứng sát nhất nhu cầu của học viên. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cũng cần lưu ý điều chỉnh linh hoạt các hướng dẫn thực hành sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị học viên đang công tác”.

Nhận xét về khóa học, giảng viên Lê Đặng Anh Vũ (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) đánh giá cao tinh thần học tập tích cực và nghiêm túc của các học viên, đồng thời chia sẻ: “Ở chương trình đào tạo liên tục, điều khiến tôi phải lưu ý nhất, đó là học viên có xuất phát điểm không giống nhau. Bởi vậy, tôi luôn nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức của tất cả học viên trong lớp bằng cách dành thời gian giải đáp thắc mắc của học viên sau khi hoàn thành giảng dạy mỗi nội dung, đồng thời, dành thời gian chia sẻ thêm nguồn tài liệu cả cơ bản và chuyên sâu để học viên tham khảo. Sau khi khóa học kết thúc, nhiều học viên đã trao đổi số điện thoại, địa chỉ email để tiếp tục liên hệ với giảng viên Nguyễn Đình Hoàng và tôi về các vấn đề chuyên môn trong quá trình công tác sau này.”

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, học viên Lê Thị Hữu Chung, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải (Thị xã Quảng Trị) chia sẻ: “Điều tâm đắc nhất là được tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật cập nhật nhất về phương pháp chẩn đoán, can thiệp mới, có hiệu quả hơn trên những dạng bệnh lý vùng lưng thường gặp, ví dụ như sử dụng phương pháp khám SLUMP để phát hiện nhóm cơ co thắt vùng lưng cho bệnh nhân.”

Giảng viên, học viên và cán bộ MCNV tại lễ bế mạc khóa đào tạo

Chị Chung cho biết, khoa Phục hồi chức năng chị đang công tác tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bệnh lý vùng lưng, đa số làm các nghề lao động nặng như việc đồng áng, phụ hồ xây dựng. Những cơn đau khiến bệnh nhân bị suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần, gây khó khăn trong di chuyển, vận động, khiến họ buộc phải nghỉ làm, trong khi phải gánh thêm chi phí điều trị, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình. “Tôi sẽ nỗ lực để vận dụng tốt nhất những gì được học từ khóa đào tạo vào công tác PHCN, giúp bệnh nhân và gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống. Tôi rất cảm ơn dự án Hòa nhập 1, đặc biệt là MCNV và Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng đã tổ chức khóa học này. Kiến thức không bao giờ là đủ, nhất là trong ngành y. Trong thời gian tới, tôi mong được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về các chủ đề liên quan tới thoái hóa khớp gối, khớp vai.” chị Lê Thị Hữu Chung cho biết.

Còn với anh Nguyễn Mậu Trường, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, đây là lần đầu tiên anh được học một cách chi tiết, bài bản về phương pháp can thiệp đối với bệnh lý vùng lưng, đặc biệt là can thiệp di động khớp. Việc học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thông qua tình huống mô phỏng cũng như thực hành lâm sàng trực tiếp trên ca bệnh thực tế giúp anh nắm bắt các kiến thức, kỹ năng một cách dễ dàng và chắc chắn hơn. “Kết thúc khóa học, tôi được phân công tiếp tục can thiệp cho một trong những ca bệnh đã được nhóm tôi khám lượng giá và can thiệp 1 lần trong khóa học. Tôi sẽ tiếp tục vận dụng những gì đã học vào thực tế, dưới sự hỗ trợ từ xa của các thầy hướng dẫn ở Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.” anh chia sẻ. Anh Trường bày tỏ, sau này nếu có điều kiện, anh có nguyện vọng được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về những chủ đề mà các cán bộ tuyến cơ sở không được tiếp cận, như kỹ thuật PNF (kỹ thuật tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ áp dụng cho người bệnh bị tổn thương thần kinh trung ương) để hỗ trợ những bệnh nhân sau tai biến mạch máu não. Đào tạo liên tục nâng cao năng lực phục hồi chức năng người khuyết tật.

Phát biểu bế mạc khóa đào tạo, đại diện MCNV, ThS.Bs.Trần Thu Thủy, Phó Giám đốc Dự án Hòa nhập 1, nhấn mạnh: “MCNV rất mừng là khóa đào tạo không chỉ cập nhật được cho các bạn học viên những kiến thức, kỹ năng mới trong thực hành VLTL mà còn kết nối được các bạn với nhau và với các giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng để các bạn cũng như các giảng viên có thể hỗ trợ tích cực cho nhau trong quá trình thực hành khám và điều trị VLTL nói chung và các bệnh lý vùng lưng nói riêng tại cơ sở y tế của mình”. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Khóa đào tạo liên tục về VLTL các bệnh lý vùng lưng nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án. Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-lien-tuc-nang-cao-nang-luc-phuc-hoi-chuc-nang-nguoi-khuyet-tat-post605411.html

Read more

Vun đắp tình yêu thiên nhiên, môi trường cho thế hệ tương lai

Trồng cây “chữa lành” vết thương của rừng ở một điểm sạt lở do lũ quét năm 2020.

Ngày 30/7 vừa qua, MCNV, tổ  chức DFS (Đức), Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ và trường THPT Đông Hà đã tổ chức tour dã ngoại ket hop giáo dục thiên nhiên và môi trường dành cho học sinh tại vùng dự án của MCNV tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đoàn tham quan tại làng du lịch sinh thái Chênh Vênh

Chuyến tham quan đã mang tới cho 39 học sinh trường THPT Đông Hà cùng các thầy cô giáo và phụ huynh những hiểu biết về giá trị của thiên nhiên, bao gồm, hệ sinh thái và rừng, nâng cao ý thức về biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, thúc đẩy hành động vì môi trường.

Trồng cây tại vùng bị sạt lở do trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020.

“Mọi thứ ở đây thật mới mẻ, lạ lẫm với em. Khi bắt đầu bước chân vào rừng, cũng giống như các bạn khác, em hơi lo là mình sẽ gặp vắt. Nhưng rồi, em phát hiện ra rằng, chuyến đi đã mang lại những bài học về thiên nhiên, môi trường. Những khoảnh khắc trải nghiệm này cũng là dịp để chúng em tập đối diện với nỗi sợ và vượt qua thử thách.”

Em Trần Nguyễn Phi Uyên thăm vùng trồng cà phê và chanh dây.
Giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và các hoạt động tạo thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ.

“Tôi rất ấn tượng với chương trình này”, thầy Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng trường THPT Đông Hà cho biết. “Tất cả các em học sinh tham gia chương trình đều sống ở thành phố Đông Hà, chưa có dịp được tìm hiểu về rừng cũng như tiếp cận với cuộc sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc. Lần này các em đã có những trải nghiệm rất ý nghĩa.”

Thầy Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà

“Như tôi được biết, đây là lần đầu tiên một chương trình tham quan-học hỏi như thế này được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều chương trình tương tự được tổ chức trong tương lai, thu hút thêm nhiều học sinh tham gia!” thầy Hoàng Văn Minh chia sẻ.

Read more

Quảng Trị, từ “Điểm đến ký ức” tới “Khát vọng hòa bình”

Lịch sử gần 55 năm đồng hành cùng Quảng Trị của MCNV đã được phản ánh sinh động qua sự kiện triển lãm & tọa đàm “Quảng Trị – Điểm đến của ký ức” & “Quảng Trị – Khát vọng hòa bình” diễn ra ngày 25/7/2022.

Chuỗi sự kiện do Viện Phim Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, các đơn vị liên quan trong đó có MCNV phối hợp tổ chức.

Triển lãm được tổ chức trong không gian ý nghĩa là Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị.

Triển lãm trưng bày khoảng 200 bức ảnh, áp phích và hiện vật về Quảng Trị theo 4 chủ đề: “Hồi ức Quảng Trị”, “Đoàn kết quốc tế vì Quảng Trị”, “Hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh”, “Quảng Trị – Điểm đến an toàn và thân thiện”.

Chủ đề “Đoàn kết quốc tế vì Quảng Trị” trưng bày nhiều bức ảnh tư liệu quý phản ánh những hỗ trợ của MCNV, “cầu nối” tình đoàn kết của nhân dân Hà Lan dành cho tỉnh Quảng Trị như ủng hộ thuốc men, nhu yếu phẩm trong thời chiến, quá trình xây dựng bệnh viện Đông Hà, đào tạo cán bộ y tế sau chiến tranh…

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Dũng, Giám đốc MCNV phát biểu: “MCNV vô cùng vinh dự và tự hào khi đã và đang giữ vững vai trò là cầu nối mang tấm lòng của bè bạn quốc tế, không chỉ Hà Lan mà cả cộng đồng Châu Âu, và thời gian qua có thêm tình đoàn kết của người dân Mỹ, đến với nhân dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới”./.

Read more

Đoàn WWF thăm vùng dự án PROSPER

Thăm vườn ươm cây bản địa tại HTX Sơn Nguyên

Ngày 18/6, đoàn công tác của tổ chức WWF từ Anh và Việt Nam đã tới thăm vùng dự án PROSPER do Liên minh Châu Âu (EU) và MCNV tài trợ thực hiện tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Thăm vùng nguyên liệu bồ kết cùng đội tuần tra rừng của thôn Trăng Tà Puồng

Chuyến thăm nhằm mục tiêu đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận Khung hợp tác giữa MCNV và WWF vào ngày 15/12/2021 liên quan đến dự án PROSPER và các Dự án thuộc Chương trình Rừng của WWF-Việt Nam ở Trung Trường Sơn (CAL).

Thăm vùng trồng trẩu xen cây bản địa

Thông qua việc huy động các nguồn lực để đóng góp nhiều hơn vào quản lý rừng bền vững, Thỏa thuận Khung tập trung vào các lĩnh vực: (i) Cải thiện và duy trì hệ thống chứng nhận FSC® của Hội CCR Quảng Trị; (ii) Thúc đẩy liên kết thị trường giữa giữa các nhóm hộ và công ty chế biến đối với các chuỗi cung ứng liên quan như mây tre có chứng chỉ FSC và các lâm sản ngoài gỗ khác; (iii) Hỗ trợ các mô hình kinh doanh tiềm năng để phát triển các dự án về tre, dược liệu, tiếp cận được nguồn tài trợ từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan và Quỹ Phục hồi Cảnh quan; và (iv) Phát triển các đề xuất dự án về phục hồi rừng trồng bằng cây bản địa và các loại cây lâm sản ngoài gỗ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. /.

Read more

Tuyển tư vấn cho hoạt động phục hồi chức năng theo nhóm đa chuyên ngành

Trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, MCNV triển khai thí điểm mô hình phục hồi chức năng (PHCN) theo nhóm đa chuyên ngành tại 9 cơ sở y tế ở 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, gồm:

Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng Tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm y tế Huyện Phú Vang, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm y tế Huyện Phú Ninh.

Để thực hiện mô hình, MCNV cần tuyển dụng một (01) chuyên gia tư vấn để hỗ trợ điều phối và giám sát sự tham gia của các cơ sở y tế. Thời gian làm việc: tháng 7 – tháng 12 năm 2022.

Hạn nộp hồ sơ: trước ngày 1/7/2022.

Thông tin chi tiết: https://drive.google.com/file/d/175e72hFINllsFZchV5Q-5Mfw1gGed6mW/view?usp=sharing

Read more

Thăm vùng dự án PROSPER nhằm thiết kế và triển khai dịch vụ du lịch giáo dục về thiên nhiên và môi trường

Đoàn trao đổi với một nông dân người dân tộc thiểu số tại vườn cà phê áp dụng phương thức nông lâm kết hợp

Ngày 14/6/2022, đoàn công tác gồm đại diện tập đoàn tư vấn Gesellschaft für Agrarprojekte (GFA), Deutsche Forstservice GmbH (DFS) (CHLB Đức) và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã có chuyến thăm và làm việc tại vùng dự án PROSPER do Liên minh Châu Âu và MCNV tài trợ tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.


Thăm vùng nguyên liệu Tràm Năm Gân tại xã Hướng Phùng

Trong chuyến công tác, đoàn đã tham quan mô hình trồng cà phê theo hướng nông-lâm kết hợp, thăm vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ và tham gia tour du lịch trải nghiệm các điểm đến tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, nơi có rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận FSC®  về quản lý rừng bền vững.  

Tham quan Đồi Sa Mươi thuộc rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được cấp chứng nhận

Mục tiêu của chuyến công tác nhằm thiết kế và triển khai dịch vụ du lịch giáo dục về thiên nhiên và môi trường gắn với công tác quản lý rừng bền vững tại địa phương, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới để khai thác những thế mạnh và tiềm năng của du lịch địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái do cộng đồng quản lý./.

Read more