Góc thông tin

Dự án PROSPER trên sóng VOV

Nhân ngày Đa dạng sinh học thế giới (22/5), MCNV xin gửi tới các bạn phóng sự phát thanh mới nhất về dự án PROSPER đã được phát trên kênh VOV5 của Đài tiếng nói Việt Nam cũng trong tháng 5.

https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/rung-cho-mau-xanh-am-no-va-cuoc-song-thinh-vuong-979899.vov

Read more

Kết quả và triển vọng từ Dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông”

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Sau gần hai năm thực hiện, Dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông” tài trợ bởi Đại sứ quán (ĐSQ) Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đã bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống của nhóm người yếu thế tại vùng sâu, vùng xa.

Với kinh phí 100.000 Euro (gần 2,6 tỉ đồng), Dự án do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị và Hội Người khuyết tật (NKT), Nạn nhân da cam/Điôxin, Bảo trợ NKT và Bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Trị thực hiện. Những kết quả, thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai dự án cũng như kế hoạch để phát huy kết quả của Dự án đã được báo cáo và thảo luận tại Hội thảo tổng kết Dự án diễn ra chiều 4/5/2021, tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Dân tộc – Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị; Sở Tài nguyên & Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị; Hội Người khuyết tật – Nạn nhân Da cam/Điôxin, Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị; UBND, Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Dân tộc các huyện Đakrông và Hướng Hóa cùng đại diện lãnh đạo UBND, cán bộ địa chính từ 13 xã thuộc 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa. Bí thư thứ hai của ĐSQ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Peeters Robbie và Giám đốc MCNV Việt Nam, ông Phạm Dũng tham dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến.

Trong gần 2 năm triển khai (7/2019-3/2021), Dự án đã tập trung hỗ trợ nguồn lực cải tạo đất ở, đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD), góp phần đem lại cơ hội hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT ở huyện Đakrông và Hướng Hóa.

Tuy gặp phải không ít khó khăn, gián đoạn do COVID-19 và đợt lũ lụt lịch sử tháng 10-11/2020, dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, trong tổng số 112 hộ gia đình tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn dự án, 94 hộ đã được hỗ trợ san tạo mặt bằng 13.558 m2 diện tích đất ở và 84.080 m2 diện tích đất sản xuất; 18 hộ được cấp giấy CNQSD đất ở. Đây là cơ sở để xác lập tài sản của mỗi gia đình, thúc đẩy chất lượng tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Anh Hồ Văn Chế (thôn Cúp, xã Húc Nghì, huyện Đăkrông) một cá nhân hưởng lợi từ Dự án. Ảnh: Phan Tân Lâm

Trong khuôn khổ dự án, một bộ cơ sở dữ liệu về tình trạng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của hơn 22.000 hộ NKT đã được xây dựng, nhằm hỗ trợ trong tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam có mô hình này. Bên cạnh đó, các hội thảo, tập huấn truyền thông tại cộng đồng về quyền sử dụng đất, chính sách, dịch vụ liên quan đã được tổ chức, góp phần nâng cao năng lực Hội NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE trong việc xây dựng và kêu gọi vận động chính sách hỗ trợ cho NKT trong toàn tỉnh.

Qua những hoạt động này, Dự án đã góp phần đẩy nhanh hơn việc thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về “Chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2022”. Các mô hình từ dự án được đánh giá sẽ mang lại đóng góp về mặt phương pháp cho tiến trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 2021-2030 về Phát triển kinh tế xã hội vùng Dân tộc thiểu số, trong đó có 02 dự án về đất và ổn định dân cư.

Bí thư thứ hai ĐSQ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Peeters Robbie phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư thứ hai ĐSQ Vương quốc Hà Lan, ông Peeters Robbie đã ôn lại lịch sử của mối gắn kết bền chặt giữa đất nước Hà Lan và tỉnh Quảng Trị bắt đầu với sự hình thành của MCNV vào năm 1968.

Ông khẳng định: Mối gắn kết này vẫn đang được tiếp nối một cách rõ nét trong hiện tại trên tinh thần hỗ trợ bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người. Nói về Dự án, ông Peeters Robbie nhấn mạnh niềm tin rằng mọi cá nhân cần được trao cơ hội công bằng để tự lực tạo dựng cuộc sống cho mình và khẳng định “Dự án đang góp phần tạo nên một “sân chơi” bình đẳng”.

“Trong bối cảnh COVID-19 và đợt thiên tai lịch sử diễn ra vào tháng 10, 11 tại Quảng Trị, chúng ta có thể tự hào về những kết quả đạt được.”, ông Peeters nhấn mạnh. Đánh giá cao những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân đã góp phần hoàn thành Dự án, ông bày tỏ mong đợi về một chuyến thăm tới vùng dự án trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị, ông Lê Văn Quyền đã đánh giá cao những tác động Dự án đem lại cho địa phương. Theo ông, Dự án đã đóng góp thiết thực vào nhu cầu đất ở và đất sản xuất cho NKT, với sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, đơn vị như Ban Dân tộc, Hội NKT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng đăng ký đất đai và tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh đó, ông Lê Văn Quyền cũng bày tỏ mong muốn dự án về đất đai cần được thực hiện trong thời gian dài hơn để mang đến những tác động lớn hơn.

Hội thảo tổng kết Dự án đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nhằm phát huy kết quả đạt được sau khi kết thúc Dự án. Theo đó, Hội NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh cần có chiến lược tiếp cận các nguồn lực từ các nhà tài trợ và các doanh nghiệp bên cạnh chính sách nhà nước, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách đất đai cần được tiếp tục duy trì./.

Read more

MCNV kết thúc Dự án phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại Cao Bằng

Trong 18 năm thực hiện, Dự án Phát hiện sớm, Can thiệp sớm và Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tỉnh Cao Bằng đã mang lại nhiều hỗ trợ thiết thực cho công tác người khuyết tật tại địa phương.

Một giờ học tại Trung tâm.

Dự án Phát hiện sớm, Can thiệp sớm và Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật thuộc Chương trình Hỗ trợ người khuyết tật do MCNV triển khai tại tỉnh Cao Bằng được triển khai từ tháng 4/2002. Dự án hướng tới 03 mục tiêu cụ thể gồm:

 -Tăng cường năng lực cán bộ, giáo viên về phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ khuyết tật;

-Tăng cường năng lực tổ chức cho các đơn vị tham gia dự án, đặc biệt là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh được hỗ trợ để có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cung cấp dịch vụ cho trẻ khuyết tật trên phạm vi toàn tỉnh;

– Tăng cường năng lực hệ thống hỗ trợ và thực hiện phát hiện sớm-can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ khuyết tật.

Trên tinh thần đó, Dự án tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm Phục hồi Chức năng và Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Cao Bằng (Trung tâm PHCN và GDHN).

Giờ ra chơi tại Trung tâm.

Sau 18 năm triển khai, Dự án đã chính thức kết thúc vào cuối năm 2020 và được bàn giao lại cho Sở GD ĐT Tỉnh. Những kết quả tích cực cả về lượng và chất của dự án được phản ánh trong báo cáo của nhà giáo Vũ Văn Dương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng và PGS.TS Lê Văn Tạc – chuyên gia độc lập thực hiện đánh giá cuối kỳ Dự án.
Theo đó, Dự án đã góp phần tăng tỉ lệ trẻ khuyết tật được đến trường của toàn tỉnh Cao Bằng lên gần gấp 3 lần, từ dưới 30% vào năm 2002 lên 89,1% vào năm học 2020-2021.

Sau khi Trung tâm PHCN và GDHN được thành lập đến nay, tổng cộng 560 trẻ khuyết tật đã được nhận vào Trung tâm, được can thiệp, phục hồi chức năng và hỗ trợ phát triển các kỹ năng tiền học đường, v.v. Khoảng 80% (453) trẻ trong số này đã được chuyển ra đi học  hòa nhập tại các trường học trên địa bàn sinh sống.

Trong khuôn khổ Dự án, hàng ngàn lượt khám sàng lọc, đánh giá cho trẻ cũng như tập huấn cho cán bộ trường học, giáo viên, phụ huynh đã được triển khai rộng rãi tại tỉnh Cao Bằng.

Theo đánh giá từ báo cáo cuối kỳ, với những hoạt động hỗ trợ xuyên suốt 18 năm qua, Dự án đã mang lại những tác động tích cực đối với việc phát triển hệ thống giáo dục trẻ khuyết tật, bao gồm đẩy nhanh việc thực hiện Quyền của người khuyết tật tại tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có đặc thù văn hóa, xã hội, tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao.

Đặc biệt, việc hình thành và hoạt động bền vững của Trung tâm Phục hồi chức năng và Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh, dự án đã góp phần mang lại cơ hội bình đẳng trong can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.

Song song với đó, dự án đã hỗ trợ các cá nhân, đơn vị tham gia nâng cao năng lực về chuyên môn về khuyết tật và các kỹ năng làm việc như báo cáo, quản lý nhân sự, lập và quản lý dự án,v.v.

Giờ học tại Trung tâm.

Về mặt chính sách, dự án đã chia sẻ, cung cấp kinh nghiệm, minh chứng thực tiễn để góp phần thúc đẩy ban hành các chủ trương, chính sách của địa phương và quốc gia như: Luật Người khuyết tật (NKT), các văn bản dưới Luật…

Với những đóng góp kể trên, mô hình Dự án được đánh giá có tính khả thi cao tại địa bàn miền núi khó khăn, hoàn toàn có thể được áp dụng đối với những tỉnh có điều kiện kinh tế và đặc điểm văn hóa xã hội ở các tỉnh, đặc biệt ở các tỉnh miền núi như tỉnh Điện Biên.

*Ý kiến đánh giá của đại diện các bên tham gia Dự án:

MCNV làm việc chuyên nghiệp, có chuyên môn cao nên tất cả các hoạt động hỗ trợ của dự án đều rất hiệu quả, đúng với nhu cầu của địa phương chúng tôi và của đối tượng hưởng lợi” (Cán bộ Sở GD&ĐT Cao Bằng)  

“Tỷ lệ trẻ khuyết tật đi học tăng cao hằng năm, trẻ ít bỏ học, nhà trường và gia đình phối hợp hỗ trợ trẻ ngày càng tốt cũng là một trong những kết quả do có sự tác động của dự án từ lâu đến nay”  (BGH trường có trẻ khuyết tật học hòa nhập)

  “Chúng tôi rất trân trọng những hỗ trợ chuyên nghiệp, lâu dài và nhiệt tâm, nhiệt tình của MCNV cho ngành GD tỉnh Cao Bằng trong lĩnh vực phát hiện sớm – can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ khuyết tật ở Cao Bằng. MCNV là khởi đầu quan trọng bậc nhất cho sự thành công và hiệu quả của công tác khuyết tật hiện nay của Cao Bằng. Mười tám năm hỗ trợ của MCNV là một quãng thời gian dài, hiếm có tổ chức phi chính phủ nào có thể thực hiện được dự án và cung cấp hỗ trợ dài như thế”  (Lãnh đạo Sở GD&ĐT Cao Bằng)  

“Với những kết quả đạt được như trên, MCNV và đối tác đã thống nhất rằng đây là thời điểm ngành Giáo dục Cao Bằng tiếp nhận và chủ động hoàn toàn trong việc thực hiện tiếp các hoạt động Dự án hỗ trợ trẻ khuyết tật do MCNV hỗ trợ tại Cao Bằng cam kết các giải pháp và công việc tiếp theo để ngày càng đẩy mạnh các thành quả đã đạt được, hỗ trợ khuyết tật hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng, thực hiện có chất lượng hơn các quyền của trẻ khuyết tật.” (đại diện MCNV)  
Read more

Đại diện Phái đoàn Liên minh châu ÂU thăm vùng dự án PROSPER

Trong hai ngày 14-15/4/2021, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã tới thăm dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” (PROSPER) do MCNV thực hiện ở tỉnh Quảng Trị.

Chuyến thực địa là dịp để nhà tài trợ EU và tổ chức MCNV nhìn lại những kết quả mà dự án đã đạt được trong năm đầu tiên một cách trực quan thông qua tham quan các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên, vườn ươm… của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR), các hợp tác xã tham gia dự án, như vùng trồng thông, trồng keo của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Hưng (Hải Phú, Hải Lăng); vườn ươm keo giống chất lượng cao của HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn (Cam Nghĩa, Cam Lộ).

Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam: Bà Camille G. Lavirotte, (Tùy viên, Phó ban Tài chính, Hợp đồng & Kiểm toán) (thứ 4 từ phải sang); Bà Nguyễn Hồng Anh (Quản lý Chương trình) (thứ 5 từ trái sang), bà Đinh Thúy Ngọc (Cán bộ Tài chính, Hợp đồng) (thứ 4 từ trái sang), các cán bộ MCNV và Hội Chứng chỉ rừng Quảng Trị

Song song với đó, đoàn cũng đã gặp gỡ, trao đổi với các Chi hội CCR, các ban quản lý rừng cộng đồng, các hộ dân được hưởng lợi của thôn Hồ (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa), HTX nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây và Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa).

Bà Nguyễn Hồng Anh (trái), Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam thăm HTX Nông nghiệp Phú Hưng, huyện Hải Lăng.

Các chi hội đã giới thiệu với đoàn về các hoạt động đã và đang được triển khai trong một năm kể từ khi tham gia dự án như: xây dựng quy ước quản lý rừng bền vững, tuần tra, giám sát, kết hợp nuôi dưỡng rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ…

Trưởng nhóm rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) giới thiệu với các đại biểu về hoạt động của nhóm.

Bên cạnh đó, đại diện các nhóm hưởng lợi cũng chia sẻ về kế hoạch hoạt động trong năm tiếp theo, tập trung vào quản lý rừng bền vững gắn với sinh kế cộng đồng, như mở rộng diện tích trồng trẩu (loài cây bản địa nhiều tiềm năng kinh tế), tham gia chuỗi cung ứng trẩu bền vững, liên kết cộng đồng trong quản lý, kinh doanh mây tre có chứng chỉ FSC, phát triển du lịch sinh thái…

Vườn ươm keo giống chất lượng cao của HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Dự án PROSPER có tổng giá trị 800.000 euro (trong đó 600.000 euro do EU tài trợ, 200.000 euro do MCNV tài trợ) được triển khai tại tỉnh Quảng Trị từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2023.

Dự kiến đặt mục tiêu sẽ có 60 chi hội/nhóm của khoảng 3.000 nông dân là chủ rừng hộ gia đình, hợp tác xã và cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi từ Dự án. Sau 3 năm thực hiện, dự án sẽ tăng thêm 1.500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC® và 600 ha rừng tự nhiên được chứng nhận quản lý rừng bền vững.

Tới nay, sau 1 năm triển khai, trong bối cảnh nhiều thách thức do đại dịch COVID-19 và thiên tai, dự án đã nỗ lực triển khai được nhiều hoạt động đóng góp vào quản lý rừng bền vững như: hỗ trợ các nhóm chủ rừng trong tham gia chứng nhận FSC, thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững lâm sản ngoài gỗ, phát triển vườn ươm keo giống chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng rừng,  sử dụng ứng dụng quản lý dữ liệu về rừng trên điện thoại thông minh…

*Infographic kết quả dự án PROSPER sau 1 năm triển khai:

Read more

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và đất nông nghiệp ở miền núi Quảng Trị

Thiếu đất ở và sản xuất là tình trạng chung của rất nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở tỉnh Quảng Trị. Tại huyện Hướng Hóa, con số này là 719 hộ và tại huyện Đakrông là 795 hộ.

Thông tin trên được công bố tại hội thảo “Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị” do MCNV và Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức vào ngày 29/01/2021.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc – Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, các Sở Tài chính, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc, Hội Người khuyết tật – Nạn nhân Da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị, đại diện UBND và các phòng, ban liên quan ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Hội thảo diễn ra ngày 29/01/2021 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo tập trung chia sẻ và thảo luận kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị sau 2 năm đầu triển khai.

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án “Chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2022”. 

Đề án này được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018. Theo đó, hàng năm tỉnh bố trí 80% ngân sách và huyện bố trí 20% ngân sách để thực hiện kế hoạch, trong đó có 1.189 hộ được hỗ trợ kinh phí 600.000đ/hộ để tạo mặt bằng đất ở với hạn mức giao đất 400m2.  

Cùng với đó, 2.768 hộ được hỗ trợ về đất sản xuất và kinh phí đo vẽ, cấp giấy CNQSD đất sản xuất. Tổng kinh phí là hơn 8.6 tỷ đồng.

Kết quả đợt khảo sát gần đây do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị thực hiện cho thấy, sau 02 năm đầu thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, số lượng hộ gia đình đối tượng được cấp giấy CNQSD đất ở và đất sản xuất là rất thấp.

Cụ thể, ở huyện Hướng Hóa, mặc dù 1.123/1.123 hộ gia đình đối tượng nhận được hỗ trợ kinh phí 600.000đ/hộ để tạo mặt bằng đất ở, nhưng chỉ có 34/1.123 hộ đã được cấp giấy CNQSD đất ở và 187/2.029 hộ đã được cấp giấy CNQSD đất sản xuất tính đến cuối năm 2020. 

Đợt khảo sát cũng cho thấy số lượng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và đất sản xuất là rất cao (719 hộ ở Hướng Hóa và 795 hộ ở Đakrông). Bên cạnh đó, có khoảng 1.450 hộ ở Đakrông và Hướng Hóa tuy có đất sản xuất nhưng chưa được hỗ trợ san tạo mặt bằng để canh tác nông nghiệp. Kết quả của đợt khảo sát cho thấy các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa đang gặp nhiều thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Có thể kể đến sự thiếu quỹ đất ở các địa phương, sự phân bổ ngân sách khá ít ỏi từ Trung ương, sự thiếu phối hợp giữa các phòng, ban liên quan, sự bất cập trong quản lý và chia sẻ dữ liệu đất đai…

Anh Hồ Văn Ngời (trái) và Hồ Văn Chế hai cá nhân ở thôn Cúp, xã Húc Nghì, huyện Đăk Krông, được hỗ trợ bởi dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số”. Ảnh: Phan Tân Lâm

Tại hội thảo, MCNV và Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cũng cập nhật tiến độ và kết quả thực hiện Dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số” ở 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa./.

Dự án được tài trợ bởi Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và do MCNV phối hợp với Ban Dân tộc và Hội NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh Quảng Trị thực hiện trong giai đoạn tháng 7/2019 – tháng 12/2020. 

Dự án này góp phần giúp 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực về vận động chính sách cho Hội NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh Quảng Trị, giúp Hội xây dựng cơ sở dữ liệu về tình trạng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của NKT để Hội có thể hỗ trợ NKT tiếp cận chính sách đất đai một cách tốt hơn.

Với ngân sách 100.000 EUR, tương đương hơn 2,6 tỷ đồng, bên cạnh các hoạt động khảo sát thực trạng, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, dự án đã hỗ trợ san tạo mặt bằng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho gần 100 hộ gia đình có NKT dân tộc thiểu số ở Đakrông và Hướng Hóa và đang trong quá trình hỗ trợ cấp giấy CNQSD đất ở và đất nông nghiệp cho 30 hộ khác ở 2 huyện này.

Read more

Dự án Tôi lớn mạnh giúp Thừa Thiên – Huế tăng cường nhân lực phục hồi chức năng

Ngày 21/01/2021, tại Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã diễn ra Hội thảo Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ phục hồi chức năng. Sự kiện do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Sở Y tế Tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) liên chuyên khoa trong chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tât phát triển” (I-THRIVE – Tôi lớn mạnh) được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với chủ dự án là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), thực hiện tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế.

Dự án Tôi lớn mạnh có ba mục tiêu, trong đó mục tiêu “Nâng cao năng lực của cán bộ PHCN tuyến tỉnh và tuyến huyện” do MCNV triển khai thông qua các khóa bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN theo hình thức đào tạo 12 tháng kết hợp học lý thuyết, thực hành trên lớp và thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Các chuyên ngành được đào tạo là Hoạt động trị liệu, Vật lý trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu; do Trường Đại học Y Dược Huế và Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng thực hiện.

Hội thảo là sự kiện để Dự án đánh giá kết quả đào tạo, trao chứng chỉ cho các học viên tốt nghiệp và thống nhất kế hoạch hỗ trợ thực hành lâm sàng tại cơ sở cũng như đề xuất sử dụng nguồn nhân lực theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ được bồi dưỡng.

Ths. Bs. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo báo cáo của Dự án, qua hơn 1 năm học tập, tất cả 80 học viên đã hoàn thành khóa học, trong đó có 30 học viên là các y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN đến từ Tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Phát biểu tại Hội thảo, Ths. Bs. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV tại Việt Nam đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của tập thể học viên, giảng viên trong một năm nhiều biến động do đại dịch COVID và thiên tai, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển nguồn nhân lực cũng như các dịch vụ PHCN theo hướng tiếp cận đa ngành.

Bà Phạm Thị Lê Dung, cán bộ chương trình cấp cao, đại diện USAID trao chứng chỉ cho các học viên.

Khóa đào tạo được hoàn thành cũng là thời điểm MCNV và các đối tác bước vào giai đoạn mới của I-THRIVE, với nhiệm vụ triển khai hỗ trợ thực hành lâm sàng cho học viên đã tốt nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sử dụng nhân lực tại tuyến cơ sở.

Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, tại Hội thảo, đại diện Sở Y tế Tỉnh Thừa Thiên – Huế, đại diện các Bệnh viện, Trung tâm y tế có cán bộ được tham gia đào tạo trong dự án Tôi lớn mạnh đã tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan tới sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo, tạo điều kiện công tác đúng chuyên môn cho cán bộ PHCN, truyền thông nâng cao nhận thức về PHCN trong cộng đồng./.

*Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 2,4 tỷ người có nhu cầu PHCN ở các mức độ khác nhau.

*Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 và là một trong số các Quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Theo kết quả Tổng điều tra dân số của Tổng cục thống kê, hiện tại, Việt Nam có khoảng 12 triệu người từ 60 trở lên – khoảng 13% dân số, dự báo sẽ tăng lên 23 triệu người vào năm 2053, chiếm 20% dân số) .

*Song song với đó là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (đột quỵ, tim mạch), các chấn thương do tai nạn. Đây là những yếu tố khiến cho nhu cầu phục hồi chức năng của người dân đang tăng nhanh hiện nay và trong những năm tới.

*Tại Việt Nam, 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, khó có điều kiện được tiếp cận với PHCN.

*Thực trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết về việc lồng ghép dịch vụ PHCN vào các cơ sở y tế đa khoa, phổ biến PHCN tới các tuyến y tế cơ sở và theo hướng tiếp cận đa ngành. Tuy nhiên, nhân lực PHCN tại Việt Nam còn khá hạn chế, nhất là ở tuyến cơ sở. Các chương trình đào tạo tại chỗ, liên tục và ngắn hạn cho cán bộ y tế địa phương có thể được xem là giải pháp phù hợp để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt trong giai đoạn hiện nay.

Read more

Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương: Hội thảo định hướng chọn chuyên ngành Hoạt động trị liệu

Sáng ngày 20 tháng 1 năm 2021 Khoa Phục hồi chức năng, Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương đã tổ chức hội thảo định hướng chọn chuyên ngành cho tân sinh viên khoá Cử nhân kỹ thuật Phục hồi chức năng niên khoá 2020-2024.

Tổng cộng có 90 sinh viên đã được trúng tuyển và theo học ngành kỹ thuật phục hồi chức năng. Theo kế hoạch, ĐHKTYT Hải Dương sẽ đào tạo 2 chuyên ngành: Vật lý trị liệu và Hoạt động trị liệu cho khoá niên khoá 2020-2024 này. Chọn học chuyên ngành nào là chắc chắn là băn khoăn của nhiều em sinh viên. Vì vậy buổi Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, giúp các em tự tin vào sự lựa chọn chuyên ngành mình sẽ theo đuổi không chỉ trong 4 năm học tại trường mà còn là hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

90 tân sinh viên đã được làm quen với Hoạt động trị liệu, Vật lý trị liệu qua chương trình định hướng.

Tại Hội thảo, các giảng viên, chuyên gia, khách mời từ các cơ sở bệnh viện PHCN đã giúp cho các em tân sinh viên hiểu hơn về vai trò của ngành PHCN trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ, đặc điểm, đối tượng làm việc, vị trí và cơ hội nghề nghiệp đối với từng chuyên ngành Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu.

Đặc biệt, đối với chuyên ngành Hoạt động trị liệu, 02 thày cô của Khoa là cán bộ đã tốt nghiệp Cử nhân Hoạt động trị liệu và hiện đang theo học khoá Thạc sĩ Hoạt động trị liệu tại Manipal – Ấn Độ đã có bài trình bày, chia sẻ về đặc điểm nghề nghiệp, nội dung học tập và cơ hội việc làm với các em tân sinh viên.

Giảng viên Nguyễn Khắc Tuấn (hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ HĐTL tại Đại học Manipal, Ấn Độ) chia sẻ với các tân sinh viên về ngành học.

Sau khi kết thúc Hội thảo, các tân sinh viên Cử nhân kỹ thuật PHCN đã thấy tự tin khẳng định về sự lựa chọn theo học ngành PHCN. Nhiều sinh viên đã có quyết định theo học chuyên ngành Hoạt động trị liệu.

ĐHKTYT Hải Dương là một trong 2 cơ sở đào tạo khối ngành sức khoẻ hợp tác với MCNV để triển khai thí điểm đào tạo Hoạt động trị liệu bậc cử nhân khoá đầu tiên tại Việt Nam trong thời gian 4 năm 2016-2020 với sự tài trợ tài chính của USAID thông qua tổ chức HI. Tháng 8/2019 đã có 36 cử nhân kỹ thuật PHCN, chuyên ngành HĐTL tốt nghiệp và 100% đã có việc làm đúng chuyên ngành theo học. Hiện nay đang có rất nhiều bệnh viện, cơ sở PHCN có nhu cầu tuyển dụng cử nhân HĐTL nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp còn rất ít.

Sinh viên đặt câu hỏi về HĐTL, VLTL.

MCNV và ĐHKTYT Hải Dương hy vọng sẽ có nhiều em sinh viên sẽ đăng ký lựa chọn theo học chuyên ngành HĐTL trong niên khoá 2020-2024, khoá đào tạo HĐTL bậc cử nhân thứ hai của ĐHKTYT Hải Dương./.

Read more

MC Đại Nghĩa chung sức với MCNV trồng 100 hecta rừng ở Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị)

Ngày 22/01/2021, dự án PROSPER đã nhận được số tiền tài trợ 850 triệu đồng từ Quỹ Tài khoản An Vui của MC.Đại Nghĩa.

MC Đại Nghĩa (áo đỏ) trồng cây cùng MCNV.

Số tiền này sẽ được sử dụng để trồng 100 hecta rừng với trên 128.500 cây các loại gồm trẩu, cây lõi thọ, cây xoan đỏ, góp phần phủ xanh lại một số diện tích rừng đã mất ở Bắc Hướng Hóa do lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong tháng 10 và 11 năm 2020.

MC Đại Nghĩa được công chúng yêu mến không chỉ ở tài năng nghệ thuật mà còn ở tấm lòng luôn hướng về cộng đồng. Thông qua Quỹ Tài khoản An Vui do chính mình sáng lập, anh đã thực hiện nhiều dự án thiện nguyện, như xây trường học, cầu đường, mổ mắt miễn phí cho người nghèo… Những năm gần đây, MC Đại Nghĩa trăn trở về các vấn đề môi trường, nhất là rừng bị tàn phá do cháy rừng, khai thác trái phép, thiên tai…

“Điều này đã thôi thúc bản thân tôi phải làm điều gì đó để gây dựng lại những “mảng xanh” đã mất đi, MC Đại Nghĩa chia sẻ.

Cơ duyên từ một chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị đã đưa MC Đại Nghĩa đến với MCNV. Khi biết về dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu (PROSPER) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ đang được MCNV triển khai, MC Đại Nghĩa đã lựa chọn MCNV là người bạn đồng hành cùng mình góp sức bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, MC Đại Nghĩa chia sẻ: Đây là dự án mà anh đã ấp ủ mấy năm nay nhưng chưa có duyên thực hiện, khi chứng kiến rừng bị suy thoái do nhiều nguyên nhân, nhất là con người.

“Điều này đã thôi thúc tôi muốn đóng góp vào việc phục hồi những mảng xanh đã mất đi do con người chúng ta…Trong một chuyến công tác tại Quảng Trị, Quảng Bình trong mùa bão lũ vừa rồi, ca sĩ Mỹ Hạnh và tôi đã được kết nối với MCNV. Rất vui khi được biết MCNV là tổ chức có nhiều dự án cộng đồng, trong đó có trồng rừng,” MC Đại Nghĩa phát biểu.

MC.Đại Nghĩa phát biểu tại sự kiện

“Khi biết tới MCNV, tôi cảm thấy như đã tìm được người mình vẫn tìm kiếm lâu nay”, anh cho biết.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng Văn phòng MCNV tại tỉnh Quảng Trị cho biết đây là một hợp phần của dự án PROSPER do MCNV và Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện từ 2020-2023, với mục tiêu phát triển Rừng bền vững gắn với phát triển sinh kế cho người dân địa phương.

“Vai trò của tổ chức MCNV chúng tôi là giúp cho nông dân chăm sóc rừng tốt và kết nối với doanh nghiệp một cách bền vững. Như vậy tất cả đều hưởng lợi chung trong mục tiêu bền vững như vậy. Hôm nay chúng ta có một vài mô hình trồng tại một trong 15 điểm sạt lở do thiên tai vừa qua…. Việc trồng rừng ngoài tao ra sinh kế trong tương lai cho bà con, còn trước mắt hạn chế những sạt lở trong mùa mưa tiếp theo”, ông Nguyễn Đình Đại chia sẻ.

Trong khuôn khổ Lễ Phát động trồng rừng, những cây xanh đầu tiên đã được chính tay MC Đại Nghĩa và hơn 20 nghệ sĩ bè bạn cùng MCNV vun trồng tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Trong hành trình trồng rừng này, các nghệ sĩ cũng đã ủng hộ 1.000 suất quà Tết cho đồng bào Vân Kiều tại các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng của huyện Hướng Hóa./.

Read more

Khánh thành & bàn giao ADL Lab cho Trường Đại học Y Dược Huế

Ngày 21/01/2021, dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) liên chuyên khoa trong chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển” (Tôi lớn mạnh – I-THRIVE) đã khánh thành và bàn giao phòng thực hành sinh hoạt hàng ngày (ADL Lab) cho Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế.

Đại diện USAID, CCIHP, MCNV và Trường ĐHYD Huế tại lễ bàn giao ADL Lab.

Dự án Tôi lớn mạnh được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với chủ dự án là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), thực hiện tại Tỉnh Quảng Nam và Tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trường ĐHYD Huế là đối tác kỹ thuật chính của Dự án Tôi lớn mạnh tại Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trường hợp tác với CCIHP để phát triển và thí điểm mô hình can thiệp PHCN liên chuyên ngành cho trẻ tự kỉ và hợp tác với MCNV trong hợp phần đào tạo, phát triển nhân lực PHCN.

Toàn cảnh ADL Lab tại Trường ĐH Y Dược Huế

Phòng thực hành hoạt động sống hàng ngày (ADL Lab) là một hạ tầng kỹ thuật quan trọng, thiết yếu trong công tác đào tạo cũng như can thiệp cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày. Dự án Tôi lớn mạnh đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để xây dựng ADL Lab tại Trường ĐHYD Huế, trong đó MCNV hỗ trợ Lab cho người lớn và CCIHP hỗ trợ Lab cho trẻ em.

ADL Lab cho người lớn được hoàn thiện trong tháng 01/2021 gồm khu vệ sinh, phòng ngủ, phòng khách, khu bếp…với thiết kế và dụng cụ hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày.

Bà Phạm Thị Lê Dung, cán bộ chương trình cấp cao thăm phòng ADL Lab.

Chiều ngày 21/01/2021, phòng ADL Lab đã chính thức được khánh thành và bàn giao cho Trường ĐH Y Dược Huế. Sau khi nhận bàn giao, ADL Lab sẽ được Trường tiếp nhận, quản lý và sử dụng trong quá trình đào tạo về Hoạt động trị liệu (HĐTL). Đồng thời ADL Lab cũng sẽ được sử dụng để phục vụ can thiệp HĐTL cho bệnh nhân tới điều trị PHCN hàng ngày tại khoa PHCN – Bệnh viện ĐHYD Huế nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.

Bà Phạm Thị Lê Dung, cán bộ chương trình cấp cao, đại diện USAID trao chứng chỉ cho các học viên.

*Trước lễ bàn giao ADL Lab, sáng cùng ngày, Hội thảo “Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ phục hồi chức năng” đã diễn ra tại thành phố Huế. Trong khuôn khổ Hội thảo, 30 học viên là các cán bộ y tế của các bệnh viện tỉnh, thành, trung tâm y tế huyện/thị/thành phố đã được trao Chứng chỉ tốt nghiệp khóa bồi dưỡng kỹ thuật PHCN về Vật lý trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu và Hoạt động trị liệu./.

Read more

Dự án Tôi lớn mạnh: Hoàn thành các khóa đào tạo 12 tháng về PHCN

Ngày 15/1/2021 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo “Tăng cường năng lực chuyên môn của cán bộ phục hồi chức năng”. Trong khuôn khổ chương trình, 26 cán bộ y tế thuộc 02 bệnh viện, 09 trung tâm y tế tại tỉnh Quảng Nam đã được trao Chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo “Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật Phục hồi chức năng” (PHCN) do MCNV phối hợp với các đối tác thực hiện.

Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam trao Chứng nhận tốt nghiệp cho học viên khóa Hoạt động trị liệu.

Khóa đào tạo được triển khai trong khuôn khổ dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng liên chuyên khoa trong chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tât phát triển” ( I-THRIVE – Tôi lớn mạnh). Dự án được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với chủ dự án là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), thực hiện tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế.

Dự án Tôi lớn mạnh gồm 03 hợp phần, trong đó có “Nâng cao năng lực của cán bộ PHCN tuyến tỉnh, huyện” do MCNV và các đối tác phối hợp thực hiện, thông qua hình thức các khóa bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN với 03 chuyên ngành là: Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu và Vật lý trị liệu.

Một buổi thực hành lâm sàng về Hoạt động trị liệu trong khuôn khổ khóa bồi dưỡng 12 tháng.

Các khóa học được khai giảng vào tháng 11/2020, có thời gian 12 tháng, được giảng dạy bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ Đại học Manipal (Ấn Độ), Đại học Y Dược Huế và Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng.

Trong thời gian triển khai, khóa học đã gặp không ít thách thức do đại dịch COVID-19 và thiên tai bất thường ở miền Trung. Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, tất cả 80 học viên đã xuất sắc hoàn thành khóa học.

Nói về khóa Ngôn ngữ trị liệu mình vừa hoàn thành, chị Alăng Ếp (dân tộc Cơ Tu) cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ:

“Trước đây, mình hầu như không biết gì về Ngôn ngữ trị liệu. Nhờ khóa học, mình đã có những hiểu biết khá toàn diện về NNTL, như các kỹ thuật cơ bản, đối tượng áp dụng… Ngoài ra, mình còn được thực tập tại ba bệnh viện lớn tại Thành phố Đà Nẵng, được tham gia hỗ trợ các em nhỏ. Đây là điều mình yêu thích nhất. Mình mong rằng trong tương lai, mình sẽ có thể đem những điều đã học về giúp đỡ cho đồng bào mình!”

Các học viên thực hành Ngôn ngữ trị liệu.

Phát biểu tại sự kiện, Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của tập thể học viên, giảng viên trong một năm qua. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển nguồn nhân lực cũng như các dịch vụ PHCN theo hướng đa ngành, đặc biệt là tại các tuyến cơ sở.

Trao bằng cho các học viên khóa Hoạt động trị liệu.

Khóa đào tạo được hoàn thành cũng là thời điểm MCNV và các đối tác bước vào giai đoạn mới của I-THRIVE, với nhiệm vụ triển khai hỗ trợ thực hành lâm sàng cho học viên đã tốt nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sử dụng nhân lực tại tuyến cơ sở./.

Read more