Góc thông tin

Khảo sát thực địa Dự án Tăng cường chất lượng hoa quả Việt Nam

Trung tuần tháng 4/2022, đại diện MCNV và các chuyên gia nông nghiệp đã có chuyến khảo sát thực địa tại các hộ nông dân trồng xoài, thanh long và bưởi tại 4 tỉnh Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre.

Hoạt động khảo sát nhằm lựa chọn các hộ nông dân phù hợp để tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật cao trong khuôn khổ dự án “Tăng cường chất lượng hoa quả Việt Nam” do MCNV và Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp triển khai.

Đoàn dự án thăm vườn xoài của một hộ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp.

Đoàn khảo sát gồm đại diện Hội nông dân Việt Nam, MCNV và các chuyên gia từ 3 công ty uy tín trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm định chất lượng đất, nước là Bayer Vietnam, Yara và Eurofins.

Trong chuyến công tác, đoàn đã giới thiệu với các hộ dân về mục tiêu, hướng hỗ trợ của dự án, cũng như những tiêu chí lựa chọn. Cụ thể, để được lựa chọn tham gia mô hình trình diễn, mỗi hộ cần có diện tích vườn cây ăn quả tối thiểu 1 hecta, người dân có tinh thần tích cực với việc học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến năng suất, chất lượng của nông sản. Đối với các hộ tới thăm, đoàn cũng đã thực hiện khảo sát các yếu tố như nguồn nước tưới, kỹ thuật canh tác, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thị trường xuất khẩu…

Hoạt động kiểm định chất lượng đất tại một vườn bưởi tại tỉnh Bến Tre.

Qua chuyến khảo sát, các chuyên gia dự án đánh giá cao nỗ lực của bà con nông dân trong canh tác và đã lựa chọn được 2 hộ đủ tiêu chí tham gia mô hình trình diễn gồm một hộ trồng bưởi tại tỉnh Bến Tre và một hộ trồng xoài tại tỉnh Đồng Tháp. Đoàn sẽ tiếp tục khảo sát để lựa chọn thêm 2 hộ phù hợp tại tỉnh Bình Thuận và Long An.

Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là chủ dự án và MCNV cung cấp viện trợ. Dự án được thực hiện trong 3 năm tại 4 tỉnh gồm: Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận và Long An.

Ngân sách dự án hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó ngân sách do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng. Ngân sách do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng (tương đương 80.105 euro)./.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong hơn 2 năm qua, việc tiêu thụ các loại hoa quả tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nói chung và địa bàn dự án nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Một nông dân trồng xoài tại tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Bà con ai đến hái, tôi cho hết luôn, vì giá bán lâu nay vẫn ở dưới mức giá thành sản xuất.”
Còn tại tỉnh Bình Thuận, nếu như người dân sẽ “hòa vốn” với giá bán 9 nghìn đồng cho 1 kg thanh long, thì có thời điểm, giá của loại quả này chỉ còn 2-3 nghìn đồng/kg. Có những vụ thu hoạch tràn lan, bán không được bà con đành phải đổ bỏ hoặc cho bò ăn.
Bởi vậy, trong hơn 2 năm qua, đa số các hộ chọn cách làm “cầm chừng”, tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất (có khi cắt giảm tới 80% chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu…) để đợi thị trường phục hồi sau đại dịch, hi vọng có thể bán với mức giá tốt hơn (12-13 nghìn đồng trở lên). Trong bối cảnh này, các hoạt động của dự án, với cầu nối là Hội Nông dân và MCNV sẽ mở ra hướng tiếp cận nhiều triển vọng, góp phần tạo ra một cơ chế hợp tác bền vững, trực tiếp giữa các công ty hàng đầu châu Âu với người nông dân.
Read more

Xây dựng chương trình huấn luyện kỹ năng lâm sàng vật lý trị liệu

Trong hai ngày 19 & 20/3/2022, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam (VNPTA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Xây dựng tài liệu hướng dẫn huấn luyện kỹ năng lâm sàng vật lý trị liệu”.

Hơn 30 đại biểu từ các tổ chức MCNV, VNPTA, VietHealth, VNAH, các giảng viên, chuyên gia vật lý trị liệu (VLTL) từ Đại học (ĐH) Y Dược Tp.HCM, ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng và một số bệnh viện trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh đã tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 3 triển khai tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, nhằm cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET) – Bộ Quốc Phòng. Nhà thầu quản lý là Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP).

Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó năng lực của đội ngũ cung cấp dịch vụ đóng vai trò then chốt.

Với vai trò nhà thầu thực hiện dự án, MCNV phối hợp với các đối tác kỹ thuật gồm VNPTA, chuyên gia của Liên đoàn Vật lý Trị liệu Thế giới và tổ chức Trinh Foundation Australia, để triển khai các hoạt động tăng cường nguồn nhân lực phục hồi chức năng thông qua huấn luyện kỹ năng lâm sàng các cán bộ, nhân viên y tế đang cung cấp dịch vụ vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Dần, Chủ tịch VNPTA đã đánh giá cao kinh nghiệm hoạt động của MCNV tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo PHCN. Ông bày tỏ hi vọng VNPTA và MCNV sẽ hợp tác thành công, đóng góp vào sự phát triển chuyên nghiệp hơn của nhân lực chuyên ngành VLTL nói riêng cũng như PHCN nói chung.

Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch VNPTA phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam chia sẻ thông tin tổng quan về khóa huấn luyện. Theo đó, trong thời gian 9 tháng, Dự án sẽ nâng cao năng lực cho 25 học viên là cán bộ đã tốt nghiệp các khóa đào tạo 6 tháng, hệ Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân chuyên ngành VLTL và hiện tại đang làm VLTL tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, đơn vị công lập, tư nhân, ở ba tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai.

Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo kế hoạch, trong 160 giờ học, các cán bộ VLTL sẽ được huấn luyện các nội dung gồm: tư duy lâm sàng, kỹ năng giao tiếp, hợp tác với đồng nghiệp trong nhóm PHCN đa chuyên ngành, cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật can thiệp hiện đại, xây dựng kế hoạch can thiệp, triển khai và đánh giá kết quả can thiệp.

Hình thức huấn luyện sẽ kết hợp giữa hướng dẫn phương pháp làm việc trên nền tảng trực tuyến và cập nhật kiến thức, huấn luyện kỹ năng lâm sàng trực tiếp tại cơ sở làm việc của học viên, hướng tới mục tiêu sau khi tốt nghiệp, 25 học viên sẽ tự tin hơn về chuyên môn, nghề nghiệp, đủ năng lực để cung cấp dịch vụ VLTL hiệu quả cho 900 bệnh nhân và hỗ trợ khoảng 250 người khuyết tật.

Hiên tại, công tác tuyển chọn đội ngũ huấn luyện viên (HLV) đã hoàn thành. Nhóm HLV gồm 6 người đã được dự án hỗ trợ tham gia khóa tập huấn online về kỹ năng huấn luyện có chứng chỉ quốc tế.

Hoạt động thảo luận xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn dành cho HLV.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn dành cho HLV và lên kế hoạch triển khai huấn luyện trong cả khóa học 9 tháng./.

Read more

Tổng kết Dự án Tôi lớn mạnh

Trong hai ngày 02 – 03/03/2022, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) phối hợp cùng Sở Y tế Tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sở Y tế Tỉnh Quảng Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) tổ chức Lễ tổng kết dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng liên chuyên khoa hỗ trợ trẻ em khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển” (tên gọi tắt: “Tôi lớn mạnh – I Thrive”).

Đại biểu tham gia Lễ tổng kết Dự án trên nền tảng Zoom.

Dự án Tôi lớn mạnh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, CCIHP là chủ dự án và MCNV là đơn vị đồng thực hiện được triển khai từ tháng 9/2018 tới tháng 3/2022.

Lễ tổng kết Dự án có sự tham gia của đại diện USAID, CCIHP, MCNV, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, Sở Y Tế, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Trường Đai học Y Dược Huế, các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế và các đơn vị đối tác tại hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam.

Tại sự kiện, các đại biểu đã đánh giá cao những kết quả dự án đạt được, như đã hỗ trợ 100% đơn vị y tế tuyến huyện của tỉnh Thừa Thiên – Huế và 50% trung tâm y tế tuyến huyện của tỉnh Quảng Nam nâng cao năng lực về kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) đa chuyên ngành và các trang thiết bị PHCN cơ bản. Hoạt động nâng cao năng lực được thực hiện thông qua các khóa tập huấn toàn thời gian trong 12 tháng về 3 chuyên ngành PHCN là Hoạt động trị liệu (HĐTL), Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) và Vật lý trị liệu (VLTL) cho 56 nhân viên y tế tuyến tỉnh và huyện.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có chương trình đào tạo 12 tháng về kỹ thuật PHCN, đặc biệt là HĐTL. Sau khóa đào tạo, các học viên đã trở về đơn vị công tác, cung cấp dịch vụ PHCN cho 4.086 người bệnh có nhu cầu PHCN, trong đó 89% là dịch vụ VLTL, 41% là dịch vụ HĐTL và 6% là dịch vụ NNTL.

Các đại biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế (trái) và đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Song song với công tác tập huấn, dự án đã xây dựng và triển khai chương trình can thiệp với sự tham gia của Nhóm đa chuyên ngành trong PHCN tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và sự tham gia của cha mẹ cho trẻ có khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển. Bên cạnh đó, dự án cũng đã đạt được một kết quả quan trọng là xây dựng và hoàn thiện “Hướng dẫn quốc gia về can thiệp và quản lý đối với trẻ em và thanh thiếu niên có rối loạn phổ tự kỉ” và “Hướng dẫn về Cơ chế phối hợp liên chuyên khoa trong phục hồi chức năng”. Những kết quả từ dự án Tôi lớn mạnh được kỳ vọng sẽ là nền tảng để các dự án về PHCN trong tương lai sẽ được triển khai hiệu quả hơn, mang lại hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật.  

Read more

Xây dựng Chương trình khóa học 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành Vật lý trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu

Đại biểu tham dự hội thảo xây dựng chương trình NNTL 9 tháng.

Ngày 24/02/2022, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Trường Đại học Kỹ thuật Y dược (ĐHKTYD) Đà Nẵng đã tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến Xây dựng Chương trình khóa học 09 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành vật lý trị liệu (VLTL) và ngôn ngữ trị liệu (NNTL). Hội thảo có sự tham gia của 30 đại biểu là đại diện của Hội Phục hồi chức năng Việt Nam; Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng (CCRD); Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP); Trường ĐHKTYD Đà Nẵng; Bệnh viện đa khoa khu vực Miền núi phía Bắc Tỉnh Quảng Nam, Trung tâm y tế Huyện Phú Ninh và Trung tâm y tế Huyện Quế Sơn.

Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (viết tắt là Dự án Hòa nhập) do USAID tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET) trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Hai trong 3 nhà thầu quản lý của Dự án là CCRD và CCIHP. MCNV là một trong các nhà thầu thực hiện, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động tăng cường nguồn nhân lực phục hồi chức năng tại 8 tỉnh dự án là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai.

Đại biểu tham dự hội thảo xây dựng chương trình VLTL 9 tháng.

Trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập, một trong những mục tiêu của MCNV là “Đào tạo trung hạn nhằm cung cấp thêm lực lượng cán bộ mới tham gia vào hoạt động chuyên môn PHCN”. Các hoạt động được MCNV chịu trách nhiệm triển khai với sự hợp tác của một số trường đại học. Trường ĐHKTYD Đà Nẵng là đối tác của MCNV trong việc tổ chức triển khai khóa đào tạo PHCN chuyên ngành VLTL, NNTL và một số khóa đào tạo liên tục về VLTL cho cán bộ đang công tác trong lĩnh vực PHCN. Việc xây dựng chương trình khóa học 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL và NNTL là một hoạt động giúp đạt được mục tiêu này.

Tại hội thảo, TS. BS. Lê Thị Thúy, Phó hiệu trưởng Trường ĐHKTYD Đà Nẵng đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành cùng MCNV để thực hiện các hoạt động dự án nhằm đạt kết quả tốt nhất.

ThS. BS. Cao Bích Thủy, Phó trưởng Bộ môn VLTL – PHCN đã giới thiệu chi tiết về Dự thảo Chương trình đào tạo 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL và NNTL. Trong buổi hội thảo, ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu và điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình hoàn thiện Chương trình đào tạo 9 tháng về PHCN chuyên ngành VLTL & NNTL của Trường ĐH Kỹ Thuật Y Dược Đà Nẵng và MCNV.

Read more

Xây dựng Chương trình khóa học 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành Hoạt động trị liệu

Sáng ngày 23/02/2022, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến Xây dựng Chương trình khóa học 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành hoạt động trị liệu (HĐTL).

Hội thảo có sự tham gia của hơn 30 đại biểu là đại diện Hội Phục hồi chức năng Việt Nam; Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD); Trường ĐHYD Huế; Sở Y tế Tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng Tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Y tế Huyện Phú Vang.

Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (viết tắt là Dự án Hòa nhập) do USAID tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET) trực thuộc Bộ tư lệnh hóa học, Bộ Quốc Phòng. CCIHP, CCRD là các nhà thầu quản lý và MCNV là một trong các nhà thầu thực hiện, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động tăng cường nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ PHCN tại 8 tỉnh dự án gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai.

MCNV sẽ hợp tác với một số trường đại học trong nước để thực hiện mục tiêu “Đào tạo trung hạn nhằm cung cấp thêm lực lượng cán bộ mới tham gia vào hoạt động chuyên môn PHCN”. ĐHYD Huế là đối tác của MCNV trong việc tổ chức triển khai khóa đào tạo PHCN chuyên ngành HĐTL 9 tháng, một trong các hoạt động giúp đạt được mục tiêu này.

Tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế đã khẳng định cam kết đồng hành cùng với MCNV trong việc tổ chức khóa học 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành HĐTL một cách hiệu quả, đồng thời tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động hết sức có ý nghĩa khác của MCNV trong công tác đào tạo để cải thiện chất lượng các dịch vụ PHCN.

Để các đại biểu có được cái nhìn tổng quan về chương trình khóa học, chuẩn bị tốt cho các nội dung thảo luận, góp ý tại hội thảo, ThS. BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV đã thông tin tới các đại biểu chi tiết về cách tiếp cận khoa học, bài bản trong việc điều chỉnh chương trình khóa học 12 tháng đã được phê duyệt trước đây trong khuôn khổ dự án Tôi lớn mạnh (I Thrive) thành Chương trình khóa học 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành HĐTL thông qua việc thực hiện các khảo sát, phỏng vấn sâu và nghiên cứu tài liệu sẵn có. Từ đó, MCNV đưa ra đề xuất khung năng lực mong đợi của khóa đào tạo, làm định hướng để lược bỏ, rút ngắn hay bổ sung các nội dung đào tạo phù hợp. Khung chương trình khóa đào tạo HĐTL 9 tháng cũng được ThS. BS. Hà Chân Nhân, Trưởng Bộ môn PHCN, Trường ĐHYD Huế trình bày và được các đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận sôi nổi tại hội thảo.

Dự kiến, sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, MCNV và Trường ĐHYD Huế sẽ điều chỉnh khung chương trình và đề cương chi tiết của khóa đào tạo, trình Hội đồng Trường ĐHYD Huế thẩm định và phê duyệt, sẵn sàng cho công tác tuyển sinh và đào tạo trong tháng 4 năm 2022./.

Read more

Giới thiệu Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam

Ngày 21/1/2022 Hội thảo giới thiệu Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Dự án có tổng ngân sách 906.665 Euro, trong đó gần 50% được tài trợ bởi chính phủ Hà Lan thông qua Cơ quan doanh nghiệp Hà Lan (RVO), với mục tiêu cải thiện chất lượng của trái thanh long, bưởi và xoài tại 4 tỉnh Bình Thuận, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp.

Trong dự án này, MCNV đóng vai trò triển khai thực hiện, phối hợp với các đối tác kỹ thuật là các doanh nghiệp Hà Lan có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường như Eurofins, YARA, Bayer, Prins, các đơn vị nghiên cứu trong nước. Đối tác tiếp nhận dự án là Hội Nông dân Việt Nam.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre.

Các hoạt động dự án được thực hiện xuyên suốt các“mắt xích’ trong chuỗi giá trị trái cây, gồm cải thiện các thực hành canh tác bao gồm sử dụng phân bón, kỹ thuật tưới tiêu, hóa chất bảo vệ thực phẩm, xử lý sau thu hoạch và phân phối tới thị trường Châu Âu. Các hoạt động này sẽ được giới thiệu và chuyển giao bởi các doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường từ Hà Lan, thông qua các mô hình trình diễn tại 4 tỉnh.

Các hoạt động nâng cao năng lực cũng là một phần quan trọng của dự án. Trong 3 năm thực hiện, dự kiến sẽ có 72 lớp tập huấn dành cho ít nhất 600 nông dân, 12 lớp tập huấn cho cán bộ địa phương và 12 sự kiện trao đổi kiến thức, liên kết thị trường.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp.

Nằm trong Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, mục tiêu xa hơn của dự án là tạo ra sự thay đổi trong phương thức canh tác và xuất khẩu sản phẩm của ngành trồng trọt nhằm tạo ra tăng trưởng bền vững và việc làm, cũng như tạo ra mối liên hệ đối tác giữa các công ty Hà Lan và đối tác Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Nếu đạt được các mục tiêu này, dự án sẽ là một điển hình trong chiến lược hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam./.

Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận
Hội Nông dân tỉnh Long An

oi

Read more

Khóa Thạc sỹ Ngôn ngữ trị liệu đầu tiên: Nhìn lại một hành trình

Một buổi học trên giảng đường của sinh viên khóa Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng, chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu, ĐH Y Dược TP.HCM

Vượt qua những trở ngại do đại dịch COVID-19 gây ra, tháng 11/2021, 14 học viên chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng, chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Đại học (ĐH) Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp. Đây cũng chính là khóa Thạc sỹ NNTL đầu tiên được đào tạo trong nước, đánh dấu bước khởi sắc quan trọng trong phát triển chuyên ngành này tại Việt Nam.

Khoảng trống lớn trong đáp ứng nhu cầu can thiệp ngôn ngữ trị liệu

Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) là một ngành sức khỏe ứng dụng, cung cấp dịch vụ hỗ trợ những người có khiếm khuyết, rối loạn về ngôn ngữ, giao tiếp và nuốt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những rối loạn, khiếm khuyết này, như hội chứng tự kỷ, bại não, khuyết tật trí tuệ, chấn thương sọ não, đột quỵ, bệnh Parkinson, dị tật sứt môi, hở hàm ếch, ung thư vùng đầu – cổ…Tình trạng không thể nói hoặc nói ú ớ, lắp bắp, phát âm bị méo…gây trở ngại nghiêm trọng đối với hoạt động giao tiếp, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống, tạo những rào cản không nhỏ đối với việc hòa nhập xã hội cũng như tiếp cận giáo dục và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Trên thế giới, NNTL đã có lịch sử gần 100 năm, tính từ cột mốc là sự ra đời của tổ chức chuyên môn đầu tiên về NNTL tại Mỹ (ASHA). Ngày nay, NNTL đã trở nên phổ biến tại châu Âu, Australia và một số nước phát triển khác. Tại Việt Nam, NNTL được biết tới khoảng 10 năm trở lại đây, bắt đầu dưới hình thức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược Huế và Trường ĐH KT Y-Dược Đà Nẵng.

Nhu cầu về NNTL tại Việt Nam là rất lớn. Theo Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam năm 2016, hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên – khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật (thuộc một trong các dạng: vận động, nghe, nhìn, thần kinh, v.v). Dù không có thống kê chính thức về số người cần trị liệu ngôn ngữ, theo nghiên cứu “Disability in Vietnam 1999: A Meta-analysis of the Data” (Kane, 1999) 17-27% trong tổng số người khuyết tật tại Việt Nam có vấn đề về “ngôn ngữ”.

Mặc dù nhu cầu can thiệp ngôn ngữ trị liệu là rất lớn, nhưng việc đáp ứng nhu cầu còn là rất hạn chế. Theo nghiên cứu “Khảo sát Nhu cầu Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” do MCNV thực hiện năm 2018, ở thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam chỉ có khoảng 65 người được đào tạo và có kiến thức, kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ kể trên. Trước nhu cầu bức thiết này, từ cuối năm 2017, với nguồn tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức VietHealth và tư vấn chuyên môn từ tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) bắt đầu hỗ trợ cho việc xây dựng và triển khai các khóa đào tạo chính quy đầu tiên về NNTL tại Việt Nam, bao gồm chương trình Thạc sỹ tại ĐH Y Dược Tp.HCM và chương trình Cử nhân tại trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

Hành trình vượt khó

Một buổi học về khe môi, hở hàm ếch trong khóa đào tạo Thạc sỹ NNTL tại ĐH Y Dược Tp.HCM

Khóa đào tạo Thạc sỹ NNTL tại ĐH Y Dược Tp.HCM được chính thức bắt đầu từ tháng 11/2019, với tổng cộng 14 học viên, là các cán bộ, giảng viên đến từ ĐH Y Dược Tp. HCM, trường ĐH Y Dược Huế, trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và trường Trung cấp Y tế tỉnh Tây Ninh. Triển khai trong hai năm đầy biến động do đại dịch COVID-19, khóa đào tạo Ths NNTL đầu tiên của Việt Nam đã phải vượt qua không ít thách thức, đặc biệt là khi đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất xảy ra trùng với giai đoạn thực hành lâm sàng và chuẩn bị đề tài tốt nghiệp của các học viên trong năm 2021. Nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do đại dịch, MCNV và các đối tác đã phối hợp chặt chẽ, cùng tìm các giải pháp thích ứng phù hợp nhất, đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng đào tạo, mà cụ thể là chuyển đổi hình thức giảng dạy và thực hành từ trực tiếp sang trực tuyến, vừa đảm bảo an toàn cho giảng viên, học viên đồng thời đảm bảo chất lượng, tiến độ đào tạo.

Cụ thể, từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, phần lớn hoạt động dạy – học đã được dự án thực hiện online, duy trì đều đặn trên nền tảng Zoom. Các kỳ lâm sàng được chuyển sang hình thức online do các chuyên viên NNTL Việt Nam hướng dẫn trực tiếp, các chuyên gia quốc tế làm cố vấn từ xa. Hoạt động thảo luận ca bệnh được thực hành qua video, sử dụng thông tin ca bệnh ảo từ ngân hàng ca bệnh Simucase. Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho đề tài tốt nghiệp, các học viên nhận được sự hỗ trợ sát sao của các giảng viên ĐH Y Dược Tp.HCM và các trường ĐH tại Australia. Để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình này, dự án có trợ lý hỗ trợ sắp xếp lịch họp trực tuyến giữa các cặp học viên – giáo sư hướng dẫn có kèm phiên dịch, tư vấn để học viên xác định mục đích, nội dung, phương pháp nghiên cứu.

Những “trái ngọt” đầu tiên và triển vọng

Với những nỗ lực thích ứng, đầu tháng 11/2021, 14/14 học viên đã hoàn thành việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, với những đề tài được Hội đồng phản biện đánh giá cao về tính mới mẻ, hàm lượng khoa học, và ý nghĩa ứng dụng lâm sàng như các nghiên cứu về nói lắp, công cụ đánh giá âm lời nói ở trẻ nhỏ, khuyết tật giao tiếp, nhu cầu đào tạo về NNTL của nhân viên PHCN dựa vào cộng đồng…

Học viên Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng, chuyên ngành NNTL (ĐH Y Dược TP.HCM) bảo vệ luận văn tốt nghiệp tháng 11/2021.

Bên cạnh đó, Dự án cũng đã tạo ra những kết quả bền vững bước đầu như hỗ trợ tăng cường năng lực cho nhân sự của Bộ môn PHCN của ĐH Y Dược Tp. HCM trong việc xây dựng đề án đào tạo trình Bộ GD&ĐT để xin cấp phép mở một mã ngành hoàn toàn mới ở trình độ thạc sỹ.

Với thành công được cấp mã đào tạo thạc sỹ KT PHCN, ĐH YD Tp. HCM đã được cấp phép để đào tạo cả chuyên ngành Hoạt động trị liệu và Vật lý trị liệu chứ không chỉ là NNTL. Dự án đã mua và cung cấp cho hai trường là ĐH Y Dược Tp. HCM và trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng các máy móc, trang thiết bị dạy học cơ bản để áp dụng trong đào tạo NNTL. Các trang thiết bị này được sử dụng lâu dài sau khi Dự án kết thúc. Đồng thời, dự án cũng tạo cơ hội và kết nối giảng viên, các trường ĐH đối tác, học viên tham gia các khóa đào tạo với chuyên gia, mạng lưới các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực NNTL trên thế giới.

Một buổi học lâm sàng trên ca bệnh từ Simucase của sinh viên khóa Cử nhân Ngôn ngữ trị liệu trường ĐH Y Dược Đà Nẵng

Trên nền những hỗ trợ và kết quả của Dự án mang lại, các trường ĐH được hưởng lợi từ Dự án đã có những bước khởi động để hướng tới đào tạo lâu dài và bên vững bậc Cử nhân NNTL cho lực lượng làm công tác PHCN ở Việt Nam. Cụ thể, ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh đã tiếp tục tuyển sinh khóa ThS. NNTL thứ hai với trọng tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn lâm sàng tại các đơn vị bệnh viện. Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tuyển sinh khóa Cử nhân NNTL đầu tiên của trường và cũng là khóa cử nhân NNTL thứ hai trên toàn quốc, sau khóa thí điểm của Dự án ở trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Những bước khởi đầu hướng đến duy trì và phát huy tính bền vững của Dự án đang thể hiện nhiều triển vọng phát triển cho ngành NNTL ở Việt Nam./.

Read more

Vun trồng những mùa vui

Giữa cái nắng oi ả ban trưa đầu mùa khô ở Bắc Hướng Hóa, anh Hồ Văn Dinh, 49 tuổi, ở thôn Nguồn Rào Pin (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một tay cầm rựa, men theo ven suối, thoăn thoắt sải bước tiến về hướng ngọn núi Tà Bang sừng sững.

Sau đợt thiên tai lịch sử diễn ra vào tháng 10/2020, những vết nứt lớn đã xuất hiện trên núi Tà Bang. Để đảm bảo an toàn cho bà con trước nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã khẩn trương tổ chức di dời 32 hộ dân sinh sống quanh chân núi tới nơi ở mới.

Sau một hồi leo dốc liên tục trên quãng đường gập ghềnh gần 2km, anh Dinh dừng lại, chỉ tay vào lô đất trống ngổn ngang đất đá ở lưng chừng núi: “Ở đó, anh trồng trẩu và lát hoa. Diện tích lô này là 1,6 héc-ta”. Từ xa nhìn lại, nơi anh Dinh nói tới trông giống như một vùng đất trống đồi trọc cằn cỗi, không gì có thể mọc nổi ngoài những vạt cỏ hoang và vài đám cây bụi thấp lưa thưa.

Thế nhưng, tiến lại gần một chút, là đã có thể thấy được thấp thoáng màu xanh tươi mới của những cây trẩu non, cao tầm một gang tay, đang vươn lên khỏi mặt đất, xen kẽ cùng những cây lát hoa.

Cây trẩu hơn 3 tháng tuổi trước đỉnh núi Tà Bàng. Ảnh: MCNV

“Nhà anh có 3 đứa con trai đều đã lập gia đình. Những cây này là vợ chồng anh, các con trai và con dâu cùng trồng trong 3-4 ngày liên tục. Trồng hơn 3 tháng rồi, nay anh có thể nói chắc chắn tỷ lệ sống của cây là gần 100% đấy”, anh Dinh hồ hởi kể, trong khi hai tay hối hả vun đất cho cây.

Gia đình anh Dinh là một trong 100 hộ gia đình ở 4 thôn (Hồ, Nguồn Rào Pin, Ra Ly Rào và Xy Ry) thuộc 2 xã Hướng Sơn và Hướng Phùng được dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (viết tắt: PROSPER) do Liên minh châu Âu (EU) và MCNV đồng tài trợ.

Anh Hồ Văn Dinh vun đất trồng trẩu. Ảnh: MCNV

Năm 2021, dự án PROSPER đã hỗ trợ một phần kinh phí nhân công lao động cho 100 hộ kể trên trồng trẩu hỗn giao với các loài cây bản địa khác (lõi thọ, lát hoa, xoan nhừ) với tổng diện tích 139,4 héc-ta. Công thức trồng cho mỗi héc-ta là 1.333 cây, bao gồm 1.067 cây trẩu và 266 cây bản địa khác.

Cũng trong năm 2021, MCNV đã thí điểm trồng trẩu chống sạt lở ở một số địa điểm thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Lập và Hướng Việt với tổng diện tích 42 héc-ta. Trước đó, trong năm 2020, dự án cũng đã hỗ trợ 2 thôn khác ở xã Hướng Phùng trồng rừng tương tự trên diện tích gần 120 héc-ta. Như vậy, tính đến nay, sau 2 năm, dự án PROSPER đã hỗ trợ người dân ở khu vực Bắc Hướng Hóa trồng rừng trên tổng diện tích khoảng 300 héc-ta.

Trồng trẩu góp phần giữ đất, giữ nguồn nước. Ảnh: MCNV

“Trồng trẩu trước hết là để góp phần giữ đất, giữ nguồn nước. Cây này dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng ở đây”, anh Dinh tiếp tục chia sẻ. “Về lâu dài, cây này đem lại lợi ích kinh tế. Cứ đến mùa quả trẩu chín, nhà nào cũng đi nhặt hạt trẩu bán để có thêm thu nhập.”

Theo anh Dinh, trong mấy năm gần đây, hạt trẩu tươi có giá bình quân khoảng 5.000đ – 6.000đ/kg, còn hạt trẩu đã phơi khô thì có giá cao hơn gần gấp đôi. Khi được hỏi gia đình anh kiếm thêm thu nhập khoảng bao nhiêu từ một vụ thu hoạch hạt trẩu, anh cười xòa: “Chịu thôi, anh không biết tính toán. Chỉ biết là có thêm tiền để mua mắm, mua muối, mua lương thực cho gia đình”.

Biết được giá trị của cây trẩu, anh Dinh và gia đình đã trồng trẩu từ hơn 10 năm trước trên một lô đất khác của gia đình có diện tích 1,2 héc-ta, cách lô đất mới trồng không xa. Mỗi vụ thu hoạch đến, khi quả trẩu chín, vợ chồng anh lại đến đó thu nhặt hạt để bán.

Hạt trẩu được các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất dầu trẩu, như một nguyên liệu trong công nghiệp vật liệu phủ gỗ, véc-ni, sơn, mực in…, được ưa chuộng bởi khả năng bảo vệ, tạo vẻ bóng, đẹp tự nhiên, bền chắc cho đồ nội thất, công trình xây dựng.

Theo một khảo sát do MCNV thực hiện năm 2020, khu vực Bắc Hướng Hóa có khoảng 2.400 héc-ta trẩu trồng xen và 300 héc-ta trồng phân tán hộ gia đình, tạo nên sản lượng hạt khô lên đến 1.500 tấn, có giá trị kinh tế tương đương 15 tỷ đồng/năm. Ước tính, mỗi héc-ta rừng trẩu, nếu được trồng và chăm sóc tốt, sau 4 năm cho sản lượng 3-4 tấn hạt khô, đem lại giá trị kinh tế 30-40 triệu đồng/năm.

Nhận ra giá trị kinh tế và môi trường từ cây trẩu, gần đây, huyện Hướng Hóa đã đưa cây trẩu vào danh mục các loài cây trồng trọng điểm trong kế hoạch thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị./.

Read more

Webinar: Hoạt động trị liệu trong Phục hồi chức năng bàn tay

Bàn tay đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các sinh hoạt sống hàng ngày. Di chứng của các tổn thương do tai nạn bệnh lý…có thể ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng bàn tay của người bệnh. Hoạt động trị liệu (HĐTL), đặc biệt là với các dụng cụ trợ giúp có tác dụng hỗ trợ người bệnh lấy lại sự độc lập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhằm tăng cường cơ hội trao đổi kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề Phục hồi chức năng: “Tầm với không giới hạn”, với các diễn giả đến từ khoa Hoạt động trị liệu, Trường Y khoa Manipal (thuộc Manipal Academy of Higher Education) – (MAHE) Ấn Độ).

Thời gian: 14h00 – 16h00 ngày Chủ nhật 16 tháng 01 năm 2022

Hình thức: trực tuyến trên nền tảng Zoom (có phiên dịch ngôn ngữ Anh – Việt). Đăng ký tại: https://bit.ly/3f8pbNG

*Hạn đăng ký: 14/01/2022

(Vui lòng sử dụng tên thật để đăng ký – Link tham dự sự kiện sẽ được gửi tự động tới các đại biểu đã đăng ký).

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Ms.Từ Phi Yến (Cán bộ Truyền thông MCNV): yen.tuphi@mcnv.vn

Nội dung:

I. Thuyết trình:

1/ Vai trò của dụng cụ trợ giúp đơn giản trong cải thiện kết quả chức năng. (Tiến sĩ HĐTL Shovan Saha, giảng viên MAHE)

2/ Vai trò của nẹp và bài tập trị liệu trong ca bệnh thương tổn mất da kiểu lột găng ở bàn tay. (CN.Nguyễn Khắc Tuấn, giảng viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, học viên Cao học HĐTL MAHE).

3/ Ứng dụng của nẹp trong phục hồi chức năng bàn tay (CN.Phạm Ngọc Đạt, ĐH Y Dược TP.HCM, học viên Cao học HĐTL MAHE).

II. Thảo luận chung

Read more

Trồng phục hồi rừng ở các điểm sạt lở

Tháng 11 vừa qua, người dân thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa) mang theo hạt trẩu và dụng cụ lao động đến các điểm sạt lở ở cánh rừng tự nhiên do người dân thôn này quản lý và bảo vệ để trồng lại rừng. Những điểm sạt lở này do thiên tai gây ra vào cuối năm 2020, mỗi điểm rộng hàng nghìn m2.

10ha rừng bị sạt lở ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn) được người dân trồng cây trẩu để phục hồi rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Sau một năm, các điểm sạt lở vẫn không có cây cối mọc lên, thậm chí là cỏ dại. Đợt này, người dân Ra Ly Rào trồng cây trẩu trên diện tích 10ha. Đây là đợt trồng cây phục hồi rừng ở các điểm sạt lở đầu tiên tại huyện Hướng Hóa. Việc trồng phục hồi rừng được thực hiện dưới sự tài trợ của Liên Minh Châu Âu/EU và MCNV (Dự án PROSPER).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình, cho hay người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. “Chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá khả năng bám rễ, giữ đất của cây trẩu ở các điểm sạt lở, tham vấn các bên liên quan rồi mới có phương án nhân rộng”, ông Tùng cho hay. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến 326ha rừng tự nhiên bị sạt lở, thiệt hại 100%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình (ngoài cùng, trái) cho biết: Người dân được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần tiền công trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Tham gia trồng cây, chị Hồ Thị Chung, cho biết rất phấn khởi vì được hỗ trợ trồng lại rừng, vừa phủ xanh, chống sạt lở, lâu dài cây trẩu cho quả để có thêm thu nhập. “Tôi mong muốn dự án hỗ trợ trồng thêm ở nhiều điểm sạt lở khác”, chị Chung nói. Ngoài ra, Dự án PROSPER còn hỗ trợ người dân các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn trồng trẩu, lõi thọ, lát hoa, xoan nhừ trên diện tích đất lâm nghiệp hộ gia đình. Đây là đất trống đồi trọc, không được nông dân canh tác do chất lượng đất không tốt và nông dân không có năng lực tài chính để trồng rừng.

Chị Hồ Thị Chung, một thành viên tham gia trồng rừng. Ảnh: Phan Tân Lâm

Việc này nhằm tăng độ che phủ rừng, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc thu nhặt hạt trẩu và chi trả dịch vụ môi trường rừng ở vùng rừng trồng thuộc lưu vực thủy điện. Trong năm 2021, Dự án PROSPER hỗ trợ trồng rừng trên diện tích gần 140ha ở các xã Hướng Phùng và Hướng Sơn. Trong năm 2020, Dự án PROSPER cũng đã hỗ trợ hơn 70 hộ gia đình ở các thôn Chênh Vênh và Mã Lai Pun (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa) trồng rừng trẩu xen với cây lõi thọ trên diện tích gần 120 ha đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình quản lý. MCNV đã và đang chia sẻ mô hình thông qua mạng lưới các tổ chức, nhà tài trợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm sự hợp tác nhân rộng mô hình.

Trẩu là cây bản địa ở huyện Hướng Hóa, trước đây thường mọc tự nhiên, những năm gần đây được người dân trồng để lấy hạt. Cây trẩu thường mọc ở vùng đất khô, ráo nước ở trong rừng thưa hoặc ven rừng rậm. Cây trung bình cao 10 đến 15m. Hạt trẩu được người dân bán với giá 8 đến 12 nghìn đồng mỗi kg hạt khô, dùng để ép lấy dầu, dùng trong công nghiệp sản xuất sơn, véc-ni, vật liệu phủ gỗ, mực in, keo bảo vệ vi mạch điện tử../.

Hoàng Táo

Read more