Bối cảnh
Rối loạn sức khỏe tâm thần chiếm một phần lớn trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Chính sách và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện còn ít quan tâm đến sức khỏe tâm thần. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần thuộc Bộ Y Tế đã cung cấp chăm sóc y tế miễn phí ở hầu hết các địa bàn ở Việt Nam nhưng hầu như chỉ tập trung vào bệnh tâm thần phân liệt và bệnh động kinh, và có một số khu vực thí điểm về bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có chương trình tập trung vào việc hỗ trợ xã hội đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Mặc dù đã có những chương trình hỗ trợ này, nhưng những bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm, và gia đình của họ vẫn còn chưa ý thức được những khả năng chăm sóc, điều trị và đồng thời vẫn bị kì thị từ cộng đồng.
Vấn đề
Ở hầu hết các tỉnh nông thôn như Quảng Trị và Phú Yên ở Việt Nam, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế từ cấp tỉnh cho đến cấp thôn. Nhân viên y tế, đặc biệt là Y tế thôn bản, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và thái độ làm việc với bệnh nhân tâm thần. Việc khám sàng lọc và phát hiện sớm còn rất hạn chế, không có giáo dục nâng cao sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý. Giáo trình đào tạo về sức khỏe tâm thần tại các trường y tế không được cập nhập thường xuyên. Nếu không có sự tư vấn hoặc chăm sóc tại nhà trong cộng đồng, bệnh nhân tâm thần vẫn tự mặc cảm hoặc bị cộng đồng kì thị
Vai trò của MCNV
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và gia đình họ, MCNV đã hợp tác với tổ chức phi chính phủ quốc tế Sáng kiến Toàn cầu về Tâm thần học (GIP) và các đơn vị y tế cấp tỉnh để bước đầu thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng ở huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị, và huyện Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên.
Hoạt động đầu tiên là phát triển năng lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, từ cấp thôn đến cấp tỉnh đặc biệt là cấp xã và cấp thôn. Việc phát triển năng lực được thực hiện thông qua các giảng viên tại các Trường đại học y tế thông qua các hội thảo tập huấn, tham quan học tập và huấn luyện bởi các bác sĩ từ bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Chúng tôi đã tập huấn về kiến thức cơ bản và khả năng phát hiện, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần cũng như sử dụng các công cụ sàng lọc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Sau đó, các nhóm tự lực của gia đình có người rối loạn tâm thần được thành lập thông qua Hội người khuyết tật để các bệnh nhân tâm thần và gia đình họ có thể gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong quá trình chăm sóc người bệnh.
Tiếp đó, MCNV hỗ trợ các kế hoạch phát triển cá nhân cho người rối loạn tâm thần. Những kế hoạch này dựa vào tình trạng của từng cá nhân nhằm mục đích điều trị toàn diện, hòa nhập xã hội và nâng cao điều kiện sống của họ.
Các nhân viên y tế thôn bản được tập huấn và hướng dẫn để họ có khả năng thực hiện việc thay đổi hành vi giao tiếp bằng cách sử dụng các phương pháp sáng tạo (chẳng hạn như phim hoặc kịch rối) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần và giảm sự kì thị cũng như phân biệt đối xử mà những người bệnh vẫn phải đối mặt.
Kết quả đạt được
Kết quả từ một số nghiên cứu bởi các sinh viên Hà Lan chỉ ra rằng những cán bộ y tế được tập huấn đã nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, họ có khả năng chăm sóc tại nhà và tư vấn cho người bệnh tâm thần.
Những nhân viên y tế thôn bản được tập huấn đã sử dụng công cụ chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (SQR – WHO 1994) để sàng lọc 12,008 người độ tuổi từ 18 đến 65, trong số đó đã phát hiện 755 người có nguy cơ về sức khỏe tâm thần. Gần 100 người trong số đó được điều trị và tư vấn. Kết quả này đã cho thấy nhiều người được tiếp cận với chương trình sức khỏe tâm thần quốc gia hơn và bây giờ đã có thể được tiếp cận đầy đủ hơn các chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp.
Sáu nhóm gia đình có người rối loạn tâm thần gồm có hơn 120 gia đình với bệnh nhân tâm thần, những người này đã cho thấy sự cải thiện trong quá trình điều trị của họ, đã nhận được hỗ trợ xã hội và ít bị kì thị hơn trong cộng đồng. Gánh nặng của gia đình trong chăm sóc người bệnh đã giảm nhờ sự thay đổi tích cực trong hành vi của bệnh nhân tâm thần và uống thuốc đêu đặn dưới sự hỗ trợ của gia đình.
“Cảm ơn sự hỗ trợ của MCNV, em trai tôi bây giờ uống thuốc rất đều. Cậu ấy thường xem tivi, gánh nước cho gia đình bất cứ khi nào đi ra suối để tắm. Em tôi có thể chăn trâu và dê. Mọi người trong làng đều vui khi thấy em đã hồi phục, thỉnh thoảng họ nói chuyện với em, những đứa trẻ rủ em cùng chơi bóng đá với chúng.
Hai năm trước, chúng tôi đã nhốt em trong một cái cũi gỗ. Chúng tôi đặt thức ăn và nước uống trong cũi 2 lần một ngày, em ấy chỉ ăn khi nào muốn. Em vệ sinh cá nhân trong cũi và chúng tôi đưa em đi tắm mỗi tháng một lần. Mỗi lần được ra ngoài, em rất vui và cầu xin chúng tôi đừng khóa em trong cũi nữa.”
Trên đây là lời của Hồ Văn Kun, anh trai của Ken, một bệnh nhân tâm thần ở Xã Xy, Hướng Hóa, Quảng Trị
Định hướng tương lai
Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng đã cho thấy sự hiệu quả trong việc giúp đỡ các bệnh nhân tâm thần và gia đình ở những vùng nông thôn ở Việt Nam. Nếu có thêm kinh phí, chúng tôi sẽ mở rộng can thiệp để hỗ trợ 6,800 bệnh nhân tâm thần ở nhiều xã hơn tại Phú Yên và Quảng Trị.
Những bài học kinh nghiệm từ dự án này sẽ được tài liệu hóa chia sẻ với các cơ quan, tổ chức liên quan như BasicNeeds, hội nghị ALHA, và các nhà hoạch định chính sách y tế tại Việt Nam nhằm hướng đến những tác động lâu dài và rộng lớn hơn đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam nói chung.