Tin tức

Khảo sát thực địa Dự án Tăng cường chất lượng hoa quả Việt Nam

Trung tuần tháng 4/2022, đại diện MCNV và các chuyên gia nông nghiệp đã có chuyến khảo sát thực địa tại các hộ nông dân trồng xoài, thanh long và bưởi tại 4 tỉnh Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre.

Hoạt động khảo sát nhằm lựa chọn các hộ nông dân phù hợp để tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật cao trong khuôn khổ dự án “Tăng cường chất lượng hoa quả Việt Nam” do MCNV và Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp triển khai.

Đoàn dự án thăm vườn xoài của một hộ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp.

Đoàn khảo sát gồm đại diện Hội nông dân Việt Nam, MCNV và các chuyên gia từ 3 công ty uy tín trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm định chất lượng đất, nước là Bayer Vietnam, Yara và Eurofins.

Trong chuyến công tác, đoàn đã giới thiệu với các hộ dân về mục tiêu, hướng hỗ trợ của dự án, cũng như những tiêu chí lựa chọn. Cụ thể, để được lựa chọn tham gia mô hình trình diễn, mỗi hộ cần có diện tích vườn cây ăn quả tối thiểu 1 hecta, người dân có tinh thần tích cực với việc học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến năng suất, chất lượng của nông sản. Đối với các hộ tới thăm, đoàn cũng đã thực hiện khảo sát các yếu tố như nguồn nước tưới, kỹ thuật canh tác, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thị trường xuất khẩu…

Hoạt động kiểm định chất lượng đất tại một vườn bưởi tại tỉnh Bến Tre.

Qua chuyến khảo sát, các chuyên gia dự án đánh giá cao nỗ lực của bà con nông dân trong canh tác và đã lựa chọn được 2 hộ đủ tiêu chí tham gia mô hình trình diễn gồm một hộ trồng bưởi tại tỉnh Bến Tre và một hộ trồng xoài tại tỉnh Đồng Tháp. Đoàn sẽ tiếp tục khảo sát để lựa chọn thêm 2 hộ phù hợp tại tỉnh Bình Thuận và Long An.

Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là chủ dự án và MCNV cung cấp viện trợ. Dự án được thực hiện trong 3 năm tại 4 tỉnh gồm: Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận và Long An.

Ngân sách dự án hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó ngân sách do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng. Ngân sách do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng (tương đương 80.105 euro)./.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong hơn 2 năm qua, việc tiêu thụ các loại hoa quả tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nói chung và địa bàn dự án nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Một nông dân trồng xoài tại tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Bà con ai đến hái, tôi cho hết luôn, vì giá bán lâu nay vẫn ở dưới mức giá thành sản xuất.”
Còn tại tỉnh Bình Thuận, nếu như người dân sẽ “hòa vốn” với giá bán 9 nghìn đồng cho 1 kg thanh long, thì có thời điểm, giá của loại quả này chỉ còn 2-3 nghìn đồng/kg. Có những vụ thu hoạch tràn lan, bán không được bà con đành phải đổ bỏ hoặc cho bò ăn.
Bởi vậy, trong hơn 2 năm qua, đa số các hộ chọn cách làm “cầm chừng”, tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất (có khi cắt giảm tới 80% chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu…) để đợi thị trường phục hồi sau đại dịch, hi vọng có thể bán với mức giá tốt hơn (12-13 nghìn đồng trở lên). Trong bối cảnh này, các hoạt động của dự án, với cầu nối là Hội Nông dân và MCNV sẽ mở ra hướng tiếp cận nhiều triển vọng, góp phần tạo ra một cơ chế hợp tác bền vững, trực tiếp giữa các công ty hàng đầu châu Âu với người nông dân.