Tin tức

Khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành vật lý trị liệu

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) của các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành vật lý trị liệu với chủ đề Tai biến mạch máu não (TBMMN) trong 05 ngày từ 05-09/9/2022 tại Thành phố Huế.

Một tiết học lý thuyết trong khóa học.

Các học viên tham gia khóa đào tạo gồm 33 bác sĩ, kỹ thuật viên, y sĩ và điều dưỡng đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã và trung tâm công tác xã hội trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Khoá đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).

Khóa đào tạo kéo dài 05 ngày đã trang bị và cập nhật đầy đủ cho các học viên những kiến thức, kỹ năng thực hành khám lượng giá, chẩn đoán và PHCN cho bệnh nhân TBMMN như các nguyên tắc PHCN sau TBMMN, các can thiệp, phòng ngừa biến chứng ở các giai đoạn khác nhau của TBMMN, phối hợp nhóm đa chuyên ngành trong PHCN TBMMN…

Học viên thảo luận nhóm, lập kế hoạch can thiệp cho ca bệnh giả định dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Các nội dung này được giảng viên truyền tải tới học viên thông qua các bài giảng lý thuyết kèm theo minh hoạ bằng việc làm mẫu, sau đó học viên được thực hành và nhận phản hồi các kỹ thuật vật lý trị liệu trên ca bệnh giả định tại lớp như các kỹ thuật dịch chuyển sớm, chăm sóc chống sặc, hỗ trợ di chuyển sau TBMMN…

Sau khi thực hành trên lớp, học viên được thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế. Học viên được chia thành 04 nhóm, mỗi nhóm được phân công thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh thực tế, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp. Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh.

Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày trên lớp toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh. Những chia sẻ bổ sung của các học viên trong nhóm, những phản hồi của các học viên các nhóm khác cũng như những ý kiến góp ý của giảng viên cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về khóa học, ThS. Lê Thị Kim Phượng, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết:

Nhìn chung, các học viên có tinh thần ham học hỏi, tham gia vào lớp học rất tích cực. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng các học viên đến từ những đơn vị công tác khác nhau đã rất nhanh chóng hòa nhập với lớp, phối hợp tốt với nhau trong quá trình làm việc nhóm, vận dụng kiến thức rất linh hoạt, từ thực hành trên ca bệnh giả định cho tới ca bệnh thực tế tại bệnh viện”.

Học viên thực hành kỹ thuật dịch chuyển sớm trên ca bệnh giả định

Theo ThS. Lê Thị Kim Phượng, trong số 33 học viên có 8 học viên đã tốt nghiệp chuyên ngành PHCN. Đây là một thuận lợi cho việc thực hành theo nhóm vì mỗi nhóm đều có thành viên đã có nền tảng về PHCN đóng vai trò nòng cốt, hỗ trợ cho các thành viên còn lại.

Mặt khác, chính sự đa dạng về xuất phát điểm chuyên môn của các học viên trong lớp lại tạo điều kiện thuận lợi cho học viên làm quen với mô hình nhóm can thiệp đa chuyên ngành PHCN cho bệnh nhân TBMMN. Tuy chưa có đầy đủ các thành viên để thực hành mô hình này một cách hoàn chỉnh, song tôi tin rằng qua đây, học viên sẽ hình thành được những khái niệm, ý tưởng về nhóm đa chuyên ngành, là bước chuẩn bị để có thể đề xuất, thảo luận về triển khai mô hình này tại cơ sở y tế của họ trong tương lai” ThS. Lê Thị Kim Phượng khẳng định.

Thảo luận nhóm thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp sau khám lượng giá trên bệnh nhân tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ về cảm nhận sau khóa học, chị Trần Thanh Minh, bác sĩ y học cổ truyền, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà cho biết:

Trước đây tôi từng được học bồi dưỡng về TBMMN nhưng chỉ học sơ qua trong một chương trình gồm nhiều nội dung khác. Đây là lần đầu tiên tôi được học riêng về chủ đề TBMMN và học rất chuyên sâu, nên tôi tin rằng khóa học sẽ giúp ích được cho tôi rất nhiều công việc thực tế hàng ngày. Điều tôi thích nhất về khóa học là sự xen kẽ liên tục giữa lý thuyết và thực hành. Việc học viên được thực hành trên ca bệnh giả định ngay tại lớp ngay sau mỗi nội dung lý thuyết là phương pháp rất hợp lý, nhờ đó chúng tôi có thể tiếp thu bài dễ dàng hơn, rèn luyện được kỹ năng ngay trong buổi học, không bị quên kiến thức. Những kiến thức học được trong khóa học, khi trở về đơn vị công tác, tôi có thể áp dụng cho cả những dạng bệnh nhân khác, không chỉ sau TBMMN, ví dụ như bệnh nhân bị giảm sút chức năng vận động do các nguyên nhân khác”.

Học viên hướng dẫn bài tập đề kháng với băng thun cho người nhà bệnh nhân

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, anh Lê Phú Trường, y sĩ y học cổ truyền Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với nội dung khung Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF).Trước đây, tôi từng được biết tới khung ICF, nhưng qua khóa học này, tôi mới thực sự hiểu rõ về khung ICF, biết cách vận dụng khung ICF trong việc lượng giá một trường hợp bệnh nhân và trình bày một cách tự tin”.

Thực hành lâm sàng tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế

Dự định của anh Lê Phú Trường trong thời gian tới là có thể áp dụng được những nội dung đã học vào hỗ trợ bệnh nhân đến điều trị tại đơn vị mà anh đang công tác, trong đó đa phần là bệnh nhân TBMMN giai đoạn mãn.

Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Học viên thực hành hỗ trợ bệnh nhân di chuyển tại Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế
Khóa đào tạo liên tục về VLTL chủ đề TBMMN nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án. Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.