Những ngày đầu tháng 11 năm 2021, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn ngày thường. Cà phê chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch cao điểm. Năm nay hứa hẹn một vụ mùa nhiều khởi sắc khi cà phê chín rộ và giá cao hơn so với mọi năm.
“Cà sắp chín rồi. Khi mô doanh nghiệp Hội An ký hợp đồng thu mua rứa hè?”. Đây là câu hỏi thường nhật của Hồ Văn Số – trưởng nhóm nông dân người Bru-Vân Kiều tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, dành cho cán bộ MCNV trong mỗi lần gặp.
Nhóm nông dân thôn Xa Ry là một trong các nhóm đã tham gia liên kết với Công ty Hội An Roastery và đơn vị chế biến tại xã Hướng Phùng từ nhiều năm qua, dưới sự hỗ trợ kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV). Qua nhiều sóng gió, thăng trầm, mối quan hệ hợp tác liên kết giữa các bên ngày càng bền chặt, củng cố thêm niềm tin về một hành trình phát triển chuỗi cung ứng cà phê bền vững.
Những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid, đặc biệt từ năm 2019 đến 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê đã được thiết lập và củng cố trong những năm qua. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh mới và tìm kiếm các nguồn lực phát triển. MCNV hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài trợ của Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) thông qua đề xuất dự án “Thúc đẩy liên kết sản xuất cà phê Arabica nông-lâm kết hợp giữa Công ty TNHH Hoi An Roastery (HAR) và nông dân tại tỉnh Quảng Trị, Việt Nam”.
Mục đích của dự án nhằm tăng cường thực hiện phương thức sản xuất theo hợp đồng (contract farming) và sản xuất cà phê có chứng nhận nhằm cải thiện chuỗi cung ứng, góp phần vào sự phát triển cà phê bền vững tại tỉnh Quảng Trị.
Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt lớn với sự tham gia Chương trình Chứng nhận Rainforest Alliance (RA) trong giai đoạn 2021- 2025 với tầm nhìn đến năm 2030. Nếu thực hiện một cách đầy đủ, Chương trình sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho người sản xuất cà phê, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, và giải quyết nhiều vấn đề lớn về mặt xã hội, môi trường, năng suất và chất lượng…
“Trước đây, khi chưa tham gia với doanh nghiệp, phần lớn bà con nông dân, cả người bản lẫn người Kinh, bán cà phê cho thương lái, đại lý thu mua tại thôn”, chị Hồ Thị Nương, thành viên nhóm Xa Ry chia sẻ. “Họ mua mấy thì mình bán mấy, vì bà con không biết bán cho ai”. Hiện tượng “tranh mua, tranh bán” diễn ra phổ biến trên địa bàn. Khả năng, mức độ và cơ hội tiếp cận thị trường của người nông dân rất hạn chế dẫn đến việc thu hái ồ ạt, không đảm bảo chất lượng cà phê chế biến, và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng của cây cà phê những năm tiếp theo.
Trong một vòng tròn lẩn quẩn mà không thể xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc, câu chuyện về giá bán, năng suất, sản lượng, đầu tư mua phân bón, kỹ thuật và khả năng canh tác…luôn là nỗi lo thường trực đối với người nông dân trồng cà phê. Việc mua nợ phân bón và trả nợ bằng tiền bán cà phê quả tươi dẫn đến tình trạng người nông dân lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào các đại lý vừa thu mua cà phê, vừa cung cấp phân bón.
“Sau khi tham gia liên kết, bà con bán cà cho doanh nghiệp với yêu cầu hái chọn, chất lượng tốt hơn và giá hợp đồng cũng cao hơn so với thị trường. Các nhóm có quyền thương thảo hợp đồng trước khi ký kết. Bà con được thanh toán tiền kịp thời và trả nợ mua phân bón trước đây dần dần nên cũng đỡ”.
Những năm về sau, nhiều nông dân tham gia hợp tác liên kết đã bắt đầu thay đổi phương cách đầu tư trên vườn cà phê. Anh Số bổ sung: “Như tôi đây, năm 2020 đã bắt đầu chặt bỏ cây già, cho năng suất thấp và tập trung đầu tư khoảng hai nghìn cây trên một héc-ta. Thà làm ít mà chất lượng thì tốt hơn làm nhiều. Như vậy sẽ đầu tư ít tiền phân hơn, ngoài ra tôi còn trồng thêm các cây khác như cây tiêu để có thêm thu nhập khác mà lại che bóng tốt cho cây cà phê”. Trong tháng 10 năm 2021, MCNV tổ chức các đợt tập huấn, giới thiệu tổng quan về Chương trình chứng nhận Rainforest Alliance và các tiêu chuẩn cần tuân thủ. “Ban đầu bà con thấy rất khó khăn vì có rất nhiều yêu cầu trong khi bà con chưa quen với việc phải ghi chép nhật ký nông hộ, theo dõi vườn…”, anh Võ Chánh Thi ở thôn Đại Độ bày tỏ. “Nhưng rõ ràng có rất nhiều lợi ích cho bà con. Chưa kể đến việc cải thiện chất lượng và sản lượng, khi tham gia thì các nhóm hoàn toàn an tâm về vấn đề cung ứng cà phê với giá cao và ổn định. Ngoài việc mua cà phê giá cao hơn so với thị trường, doanh nghiệp sẽ trả thêm cho bà con một ‘khoản chênh lệch’ khi tham gia Chương trình chứng nhận”.
Trong niên vụ 2021 có 7 nhóm nông dân tham gia liên kết với tổng số thành viên trên 50 người, trong đó gần 40% là người dân tộc thiểu số. Hợp đồng giữa các bên đang được ký kết, theo đó các nhóm nông dân đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu thì được hưởng mức giá chênh lệch cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Trong niên vụ 2021 có 7 nhóm nông dân tham gia liên kết với tổng số thành viên trên 50 người, trong đó gần 40% là người dân tộc thiểu số. Hợp đồng giữa các bên đang được ký kết, theo đó các nhóm nông dân đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu thì được hưởng mức giá chênh lệch cao hơn nhiều so với giá thị trường.
MCNV đóng vai trò xúc tiến, hỗ trợ, tư vấn và giám sát toàn bộ quá trình từ khâu thành lập nhóm và nâng cao năng lực quản lý nhóm, xây dựng và hoàn thiện hợp đồng, cung ứng và chế biến cà phê, sổ sách ghi chép, quản lý chất lượng, xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá… Bên cạnh đó, MCNV đã kết nối với ngân hàng tại địa phương hỗ trợ mở tài khoản cá nhân cho các thành viên nhóm để tiếp nhận tiền thanh toán từ doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch và kịp thời.
Với niềm tin thành công, niên vụ 2021 sẽ là bước đệm quan trọng đầu tiên trong hành trình tham gia Chương trình Chứng nhận Rainforest Alliance./.