MCNV xây tặng sân chơi, mang niềm vui cho hàng trăm em nhỏ dân tộc Vân Kiều tỉnh Quảng Trị

Hai sân chơi mới được xây dựng tại thôn Hoong (xã Hướng Linh) và thôn Moi (xã Hướng Sơn) hứa hẹn sẽ mang tới một mùa hè vui tươi, bổ ích và an toàn cho hàng trăm em nhỏ dân tộc Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).

Hai sân chơi được thiết kế với màu sắc sinh động, thân thiện với trẻ em lứa tuổi từ 5 đến 12. Ở những cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện biên giới Hướng Hóa, thiếu thốn cơ sở vật chất như sân chơi trẻ em là tình trạng thường thấy, dẫn tới việc các em vui chơi ở những môi trường nhiều rủi ro như bờ sông, lề đường hoặc thiếu vệ sinh như sân nhà, nơi gia súc được chăn thả. Nhu cầu về không gian vui chơi lành mạnh, an toàn lại càng trở nên cần thiết khi hè đến.

Từ bãi đất trống các sân chơi đã được xây dựng, giúp trẻ em có chỗ vui chơi an toàn, bổ ích. Ảnh: Lê Minh Vũ

Từ tháng 8/2018 tới nay, tổng cộng 09 sân chơi với tổng kinh phí 5.500 euro (140 triệu đồng) đã được Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) xây tặng trẻ em huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Các sân chơi được tài trợ bởi quỹ Suus Van Hekken, doanh nghiệp Hội An Roastery và những nhà tài trợ cá nhân của MCNV. Xây dựng sân chơi là một hoạt động thuộc dự án “Hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số” do MCNV khởi động tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vào năm 2017. Từ năm 2019, dự án có tên là “Phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số”.

Sân chơi mang lại niềm vui cho hàng trăm em nhỏ dân tộc Vân Kiều huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Lê Minh Vũ)

Mục tiêu chính của dự án là giải quyết các vấn đề trẻ em gái trong độ tuổi 12-19 tại địa phương gặp phải như bỏ học, mang thai ngoài ý muốn, tảo hôn, thất nghiệp. Trong quá trình triển khai dự án tại cộng đồng, MCNV đã nhận thấy thực trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em trên địa bàn huyện Hướng Hóa và quyết định hỗ trợ cho hạng mục này.

Trong hai năm qua, khoảng 1.000 trẻ em dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với những sân chơi vui tươi, bổ ích, an toàn. Những không gian vui chơi tốt sẽ phát huy vai trò thiết thực và tích cực trong việc hỗ trợ phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em, từ đó mang lại lợi ích gián tiếp cho gia đình và cộng đồng trẻ em sinh sống, cũng như khuyến khích sự quan tâm đối với trẻ em từ các cấp, ngành, địa phương.

Read more

Ra mắt “ngôi nhà” Hoạt động trị liệu trực tuyến Việt Nam

Là một trong những chuyên ngành của Phục hồi chức năng, Hoạt động trị liệu (trị liệu bằng hoạt động) có vai trò quan trọng trong việc cải thiện các hoạt động hàng ngày của con người, đã bị suy giảm/mất đi do khuyết tật, tai nạn, bệnh tật. Các hoạt động này có nhiều mức độ, từ cơ bản nhất như tự di chuyển, ăn uống, tắm rửa cho tới cao hơn là nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho tới phức tạp nhất như giao lưu xã hội, học tập, làm việc.

Trên thế giới, Hoạt động trị liệu (HĐTL) có một lịch sử phát triển khá lâu đời. Tại Mỹ và Châu Âu, các hiệp hội HĐTL đã có mặt trên 100 năm. Ở nhiều nước Châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, chuyên ngành này cũng đã phát triển sớm từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Tại Việt Nam, HĐTL vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, và do đó nhận thức về ngành cũng như nguồn nhân lực cho ngành đều còn hạn chế.

Nắm bắt được thực tế này, năm 2015, dự án Phát triển ngành HĐTL tại Việt Nam đã được khởi động. Dự án được triển khai bởi MCNV, dưới sự tài trợ của USAID thông qua tổ chức Humanity & Inclusion (HI).

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho ngành HĐTL của Việt Nam thông qua đào tạo giảng viên bậc Đại học, dự án hướng tới việc phát triển ngành HĐTL với tầm nhìn dài hạn, trong đó có việc xây dựng một mạng lưới kết nối các nhà HĐTL. Website HĐTL Việt Nam ra mắt tháng 7/2020 là một trong những nỗ lực của dự án nhằm đạt được mục tiêu này.

Với hai ngôn ngữ Việt – Anh, website là kênh thông tin chính thức và chuyên nghiệp đầu tiên về HĐTL tại Việt Nam, cung cấp nền tảng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm về lĩnh vực mới mẻ nhưng giàu tiềm năng này.

Các nhà HĐTL, sinh viên ngành Y, học sinh cuối cấp Trung học phổ thông cũng như bất kỳ cá nhân, tổ chức, cộng đồng quan tâm, đều có thể tìm thấy những thông tin cần thiết về kỹ thuât HĐTL, ứng dụng trong đời sống cũng như văn bản pháp quy, giáo dục-hướng nghiệp HĐTL.

–> Ghé thăm “ngôi nhà” chung của HĐTL Việt Nam tại địa chỉ otvietnam.net!

Read more

Nghĩa cử đẹp của một tổ nhóm hợp tác

Hôm nay (ngày 10/7) chúng tôi có dịp tới thăm tổ may gia công xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên tới vùng dự án chương trình Tăng quyền cho phụ nữ (WE) của MCNV trong năm 2020.

Là 1 trong số 19 tổ nhóm hợp tác do Quỹ Jumpstart (Hà Lan) tài trợ, tổ may được thành lập vào tháng 1/2019, đã tạo công ăn việc làm cho 20 thành viên với sản phẩm chính là trang phục nữ, ga trải giường…Thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi thành viên là 3-4 triệu đồng và được đánh giá là nguồn sinh kế phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang ngày càng khắc nghiệt tại tỉnh Bến Tre.

Từ tháng 3/2020, do đại dịch COVID-19, lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ, việc sản xuất kinh doanh của nhóm cũng bị tạm dừng. Sự xáo trộn này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các thành viên tổ nhóm may xã Tân Thiềng. Thế nhưng, thay vì lo lắng, hoang mang, các thành viên của nhóm đã sử dụng khoảng thời gian trống này cho một hoạt động rất ý nghĩa : May khẩu trang vải miễn phí tặng cộng đồng.

20 thành viên cần mẫn, cùng sự tiếp sức của trưởng nhóm Nguyễn Thị Ngọc Yến, người đã bỏ tiền túi để trả công khuyến khích các chị em may khẩu trang (1.000 đồng/sản phẩm), trong tháng 3 và 4/2020, hơn 10.000 chiếc khẩu trang vải đã được hoàn thành. Số khẩu trang này đã được trao tặng cho người dân trong xã Tân Thiềng cũng như huyện Chợ Lách, trong đó, một nửa số khẩu trang (5.000 chiếc) đã được tặng cho các trường học trên địa bàn.

Không chỉ tạo sinh kế cho chị em phụ nữ khó khăn, tổ nhóm may Tân Thiềng còn tạo điểu kiện để các thành viên thể hiện ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, góp phần đẩy lùi đại dịch.

Với những đóng góp đó, vừa qua, tổ nhóm may Tân Thiềng đã được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre

Từ tháng 6/2020, sau khi dịch đã được khống chế, tổ may đã khôi phục hoạt động sản xuất với tinh thần phấn khởi, nhiệt huyết.

Cùng chờ đợi những cập nhật mới về hoạt động của tổ nhóm nhé!

Read more

Lan tỏa thông điệp cộng đồng bảo vệ rừng qua hội trại

Cuối tuần qua, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tổ chức sự kiện hội trại  “Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”.

Hội trại diễn ra tại khu vực đèo Sa Mù, thuộc địa phận xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ở độ cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển.

Hơn 1.000 người đã đến tham dự sự kiện độc đáo này, gồm đại diện chính quyền, các cơ quan, ban ngành liên quan tại địa phương, đông đảo du khách và đồng bào dân tộc ít người sinh sống tại các thôn, bản khu vực vùng đệm của rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Hội trại “Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Hoạt động này cũng hướng đến kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (7/7/2010 – 7/7/2020).

Đến với hội trại, khách tham quan được khám phá đời sống đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Vân Kiều qua những căn trại đẹp mắt, được dựng lên từ những vật liệu thiên nhiên như tre, mây, tranh, cọ, trang trí bằng những công cụ độc đáo của bà con như “a đư”, “a chói”, “a noác”…

Mỗi trại là một gian trưng bày các lâm sản ngoài gỗ và nông sản đặc trưng của địa phương, với điểm nhấn là những đồ dùng, đồ lưu niệm được chế tác một cách tinh tế do các nhóm sản xuất tre ở các thôn Cù Bai (xã Hướng Lập), thôn Trăng – Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) với sự hỗ trợ của MCNV. Đây cũng là những sáng kiến được đại diện lãnh đạo ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương đánh giá cao khi tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc ít người phát triển sinh kế nhờ khai thác lâm sản ngoài gỗ hiệu quả gắn với công tác quản lý rừng bền vững.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông về công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, hội trại đã ghi dấu trong lòng du khách với những hoạt động thể thao, thưởng thức ẩm thực, vui chơi giải trí, nổi bật là màn trình diễn sôi động của ban nhạc Tiamo, những điệu múa vui tươi quanh lửa trại.

Chương trình khép lại với buổi tọa đàm kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, với những câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ về quãng đường đã qua, cũng như những định hướng, mục tiêu trong thời gian tới.

Trước mắt, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và MCNV đang tiếp tục lập kế hoạch cho các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới với trọng tâm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời giúp cộng đồng sống gần rừng phát triển sinh kế một cách bền vững. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2020 – 2022.

Read more

Tre xanh xuống phố

Những sản phẩm tinh tế làm từ tre xanh mới đây đã theo chân những cô gái Vân Kiều góp mặt thật ấn tượng tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch tại thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Hai đại diện đến từ ba nhóm sản xuất tre thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Tà Puông (xã Hướng Việt) và thôn Cù Bai (xã Hướng Lập) đã góp mặt tại chương trình, với những sản phẩm được chế tác tinh tế từ họ nhà tre.

Từ những khu rừng trên vùng núi cao Hướng Hóa, những cây tre, lồ ô, len xanh, đã trở thành những đồ dùng hữu ích, đồ lưu niệm xinh xắn, nhờ bàn tay khéo léo của những thanh niên người Vân Kiều. Đó là những chiếc ống hút, hộp đựng bút, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa du lịch nhỏ gọn, độc đáo, thân thiện với môi trường.

Bên gian hàng trưng bày của mình, hai cô gái trẻ đã thay mặt các nhóm sản xuất giới thiệu những sản phẩm từ tre tới các vị khách tham quan, là đại diện các doanh nghiệp du lịch. Họ đã tự tin chia sẻ với khách về quá trình sản xuất, đặc điểm của các sản phẩm, trao đổi về nhu cầu thị trường.

Đây là dịp hữu ích để những thanh niên Vân Kiều gặp gỡ những khách hàng tiềm năng, tạo thêm cơ hội cho những sản phẩm chính tay mình làm ra, và cũng chính là cơ hội để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống cho cộng đồng mình.

Từ tre xanh mộc mạc đến những đồ vật tinh tế, từ bản làng vùng cao tới thị trường đô thành, đó là một quãng đường dài, cần nhiều tâm sức, nỗ lực. Sự góp mặt tự tin, ấn tượng của nhóm sản xuất tre tại Hội nghị là tín hiệu tốt cho những triển vọng của tương lai.

Sự kiện diễn ra vào ngày 29/6, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tổ chức, thu hút gần 100 đại biểu là đại diện chính quyền, các cơ quan quản lý, và các doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Read more

Khởi động dự án PROSPER: Điểm tựa tươi xanh cho núi rừng Quảng Trị

Ông Tom Corrie – Tham tán thứ nhất Phái đoàn EU phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 26/6, tại Quảng Trị, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR Quảng Trị) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (PROSPER).

Tham dự Hội thảo có đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Sở Ngoại vụ, đại diện Uỷ ban Y tế Hà Lan-Việt Nam, các doanh nghiệp ngành lâm sản trong và ngoài nước và đại diện UBND các xã tham gia dự án.

Dự án PROSPER được EU và MCNV tài trợ với tổng ngân sách 800.000 Euro, được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2023) nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhóm hộ gia đình chủ rừng và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin Dự án đến các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chủ rừng. Trên cơ sở đó, các bên liên quan cùng đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai dự án một cách hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tom Corrie – Tham tán thứ nhất, Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định: “Sự kiện được diễn ra vào một thời điểm lý tưởng khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được hai bên phê chuẩn, trong khi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản của chúng ta được thực thi từ hơn một năm nay”.

Ông Tom Corrie cũng nhấn mạnh: “PROSPER hội tụ những mối quan tâm của EU tại Việt Nam trên nhiều phương diện như môi trường, thương mại, phát triển bền vững. Được triển khai tại Quảng Trị, những sáng kiến trong khuôn khổ dự án sẽ vô cùng cần thiết khi đặt trong bối cảnh rộng hơn của đất nước Việt Nam – một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và đối mặt với nguy cơ cao về nạn phá rừng”.

Tại Việt Nam, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là một trong năm lĩnh vực của Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Quản lý tài nguyên bền vững đòi hỏi phải có sự cam kết và năng lực của cộng đồng trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các kế hoạch sử dụng đất và rừng. Quảng Trị là địa phương tiên phong trong việc huy động các chủ rừng hộ gia đình và hợp tác xã tham gia trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC®. Năm 2014, Hội CCR Quảng Trị đã trở thành tổ chức đầu tiên tại Việt Nam đại diện cho chủ rừng hộ gia đình và hợp tác xã tham gia trồng rừng, được công nhận tư cách pháp nhân và có chứng nhận chứng chỉ rừng FSC®.

Ông Phạm Dũng – Giám đốc quốc gia MCNV tại Hội thảo.
Phát huy lợi thế trên, Dự án PROSPER sẽ được thực hiện thông qua phát triển năng lực Hội CCR với trọng tâm hỗ trợ xây dựng năng lực về quản lý rừng bền vững; thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ rừng trồng FSC® và lâm sản ngoài gỗ cho nhóm chủ rừng là hộ gia đình, hợp tác xã tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận FSC® và cộng đồng, hộ gia đình tham gia quản lý bền vững rừng tự nhiên.

Dự kiến sẽ có 60 chi hội/nhóm của khoảng 3.000 nông dân là chủ rừng hộ gia đình, hợp tác xã và cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi từ Dự án. Sau 3 năm thực hiện, dự án sẽ tăng thêm 1.500 hectares rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC® và 600 ha rừng tự nhiên thực hiện quản lý rừng bền vững.

Theo ông Phạm Dũng – Giám đốc quốc gia MCNV, Quảng Trị là địa bàn hợp tác chiến lược của MCNV, nơi tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tiên từ năm 1968 và luôn là tỉnh có Dự án trọng điểm của MCNV từ đó tới nay. Gần 15 năm qua, bên cạnh y tế, MCNV đã mở rộng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực phát triển khác như hoà nhập xã hội, phát triển sinh kế.

“Với dự án PROSPER – tên viết tắt tiếng Anh có ý nghĩa “Thịnh Vượng”, chúng ta mong đợi Dự án sẽ góp phần tạo ra sự thịnh vượng cho người dân – chủ hộ rừng, sự phồn vinh cho các doanh nghiệp đối tác, đem lại sự trù phú cho màu xanh của rừng Quảng Trị và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển bền vững của tỉnh”, ông Phạm Dũng nói.

Read more

Khởi động “Sáng tạo từ Trái tim” cuộc thi Sáng kiến vì người khuyết tật

🌼Đích đến của CẢI TIẾN và SÁNG TẠO là gì, nếu không phải để đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người?

Nếu bạn là:
🔸 Chuyên gia Phục hồi chức năng
🔹Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu
🔸 Bác sỹ
🔹Điều dưỡng
🔸 Kỹ thuật viên Chỉnh hình, thiết kế thiết bị dụng cụ Phục hồi chức năng…
Hoặc bạn đang học tập, làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần có:


* Đam mê sáng tạo, khát khao cống hiến cho cộng đồng, góp phần giúp người khuyết tật trở nên độc lập trong cuộc sống? ♿️


–> Đừng bỏ lỡ Sáng tạo từ Trái tim, cuộc thi sáng tạo vì người khuyết tật với hai Hạng mục CHUYÊNKHÔNG CHUYÊN.

🏆🎉Sáng tạo từ Trái tim được tổ chức bởi Humanity & Inclusion Việt Nam và USAID, phối hợp cùng MCNV, ACDC và JICA.

Cùng tìm hiểu về cuộc thi tại website www.homemadewithheart.vn để đăng ký tham dự với chúng tôi nhé! ✍️

Hạn chót: 10/8/2020!!!

Read more

Ký biên bản ghi nhớ với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về Phục hồi chức năng

Sáng 2/6, tại Hà Nội, Giám đốc quốc gia MCNV, Thạc sỹ Phạm Dũng đã tham gia lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và 8 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế về hoạt động Phục hồi chức năng.

Biên bản ghi nhớ thể hiện cam kết triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thúc đẩy phát triển ngành phục hồi chức năng Việt Nam và các hoạt động trợ giúp người khuyết tật.

08 tổ chức tham gia ký Biên bản ghi nhớ gồm: Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC); Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH); Humanity & Inclusion (HI), the International Center (IC); Viện dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD); Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững – VietHealth, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân Số (CCIHP); Ủy ban y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV),

Cùng ngày, đại diện MCNV cũng đã tham gia Hội thảo góp ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Điều số 93 về Phục hồi chức năng).

Cục Quản lý Khám chữa bệnh ký kết với 8 tổ chức phi chính phủ về Hoạt động phục hồi chức năng – Cục quản lý khám chữa bệnh

 Theo tổng điều tra quốc gia về người khuyết tật do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào tháng 1/2019, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, tương đương 7,09% dân số. Báo cáo cũng cho biết, có 13% dân số Việt Nam, ước tính gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Bên cạnh đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với khoảng 11 triệu người cao tuổi, do đó nhu cầu Phục hồi chức năng là rất cao.

Read more

Tuyển tư vấn đánh giá cuối kỳ Dự án

Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) là một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan hoạt động tại Việt Nam từ năm 1968 trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các chương trình phát triển cộng đồng khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. 

MCNV thực hiện Dự án “Phát hiện sớm, Can thiệp sớm và Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại Cao Bằng” từ năm 2002 đến 2019. Trước khi chuyển giao Dự án vào cuối năm 2020, MCNV và đối tác tại Cao Bằng thống nhất thực hiện một hoạt động đánh giá cuối kỳ Dự án.

MCNV cần tuyển 01 chuyên gia tư vấn để thực hiện hoạt động Đánh giá cuối kỳ Dự án này. 

Ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển gồm: 

  • 01 CV (tiếng Anh và tiếng Việt);
  • Thư bày tỏ sự quan tâm và đề xuất thực hiện hoạt động.

Địa chỉ email nhận hồ sơ: thuy.nguyenthanh@mcnv.vn

Hạn cuối nộp hồ sơ: ngày 20/6/2020.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem bản Điều khoản tham chiếu đính kèm và liên hệ đến số điện thoại: 0986607351 hoặc 0243 8359005 (máy lẻ 25).

Link file: https://drive.google.com/file/d/10A6SncUa59mq9vmvbL3lP7Gc6MbUz3r-/view?usp=sharing

Read more

Hứa hẹn những mùa gặt nơi rẻo cao

Chậm rãi cuốc bộ bên những thửa đất rộng vừa được san ủi bằng phẳng trên khu vực đồi núi thuộc thôn Cựp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, ba chàng trai khuyết tật đồng bào Vân Kiều hồ hởi trò chuyện về những dự định trong tương lai gần.

(Từ trái qua) Các anh Hồ Văn Chế, Hồ Văn Ngơi và Hồ Văn Nghiên. Ảnh: Phan Tân Lâm

“Đất của mình rộng. Mình sẽ dành một thửa để trồng lúa nước, còn một thửa để làm trại nuôi gà.” Hồ Văn Chế, 41 tuổi, một tay chống nạng, tay kia chỉ về hai thửa đất liền kề vừa được san ủi của mình, tươi cười thổ lộ ý định của bản thân.

“Còn em chưa lập gia đình và đang dựa dẫm hoàn toàn vào bố mẹ. Sắp tới em sẽ làm ruộng lúa nước để có thể sẻ chia lương thực cùng bố mẹ. Như vậy, em sẽ cảm thấy mình bớt vô dụng.” Hồ Văn Ngơi, 36 tuổi, cố ngẩng mặt lên một chút để thổ lộ tâm sự. Nửa trên cơ thể của Ngơi bị gập về phía trước do khuyết tật bẩm sinh nên anh rất khó khăn mỗi khi ngửng đầu nhìn thẳng về phía trước. Nhưng không khó để thoáng nhận ra nụ cười mỉm mang nhiều hy vọng trên khuôn mặt hơi chúi xuống của anh.

Hồ Văn Nghiên, 26 tuổi, thì ôn tồn nhẩm tính: “Giờ cũng sắp đến mùa mưa rồi. Nước mưa sẽ làm giàu cho đất và làm ổn định đất. Đến cuối năm nay là có thể gieo mạ, và tháng 4 năm sau sẽ là mùa gặt lúa nước đầu tiên của ba anh em mình.”

Anh Hồ Văn Ngơi (trái) và Hồ Văn Chế. Ảnh: Phan Tân Lâm

Nghiên đã lập gia đình và có 3 cậu con trai nhỏ. Giống như nhiều gia đình khác ở thôn Cựp, vợ chồng Nghiên dành phần lớn thời gian làm lụng vất vả trên những đồi lúa rẫy xa nhà để có cái ăn cho cả nhà. Khi những cơn mưa đầu mùa đến vào đầu tháng 6, vợ chồng Nghiên bắt đầu đi trỉa lúa. Những hạt giống chắc khỏe được “gửi gắm” vào đất núi chờ nảy mầm. 3-4 tháng sau là đã có thể tuốt lúa.

Thế nhưng, Nghiên cho biết, lúa rẫy thu hoạch mỗi năm chỉ được một vụ, và mỗi vụ chỉ được khoảng 5 bao (tức 1,5 tạ), chỉ đủ ăn cho gia đình trong chưa đầy 3 tháng. Trong khi vợ ở nhà chăm con, Nghiên phải dành nhiều thời gian đi làm thuê kiếm tiền mua gạo cho gia đình dùng trong những tháng còn lại trong năm. Một số chủ rừng ở địa phương thuê nhân công thu hoạch rừng keo khi đến vụ. Nghiên có thể kiếm 150.000đ/một ngày công, nhưng công việc này là hết sức thất thường.

“Làm lúa rẫy cũng vất vả lắm vì vừa xa nhà, vừa phải trèo cao.” Trầm ngâm một lúc, Nghiên chia sẻ tiếp, “Với người thường đã rất vất vả, huống hồ chi nói đến với những người khuyết tật như bọn em. Riêng như em đây, từ nhà đến rẫy khoảng 4 cây số đường gập ghềnh, đi bộ hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Em hỏng mắt thì còn đi được, chứ khuyết tật như anh Chế và anh Ngơi thì làm sao mà đi được!”.

Chế, Nghiên và Ngơi không phải không có đất sản xuất nông nghiệp gần nhà. Gia đình cả ba chàng trai khuyết tật này đều được xã cấp đất sản xuất từ lâu, nhưng vì đất đai cằn cỗi và địa hình đồi dốc gập ghềnh nên các anh không thể làm lụng được gì trên mảnh đất của chính mình. Chỉ đến gần đây khi nhận được sự hỗ trợ san tạo mặt bằng, các anh mới tìm thấy niềm hy vọng về những vụ mùa lúa nước trĩu bông trên những thửa đất tuy cũ mà mới của mình.

Tương lai tươi sáng đang chờ đợi Hồ Văn Chế và nhiều người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phan Tân Lâm

Hỗ trợ san tạo mặt bằng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động trọng tâm của dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho các hộ gia đình người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số” do MCNV phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị và Hội Người khuyết tật – Nạn nhân Da cam/Dioxin, Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (Hội NKT-NNDC, BTNKT & BVQTE) tỉnh Quảng Trị triển khai ở các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh.

Dự án được hỗ trợ tài chính bởi Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020. Dự kiến sẽ có khoảng 100 hộ gia đình của những người khuyết tật như Chế, Ngơi và Nghiên được hỗ trợ san tạo mặt mặt đất ở và đất sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm hộ gia đình người khuyết tật khác sẽ hưởng lợi từ dự án nhờ được tiếp cận tốt hơn với các thông tin, chính sách, dịch vụ về quyền sử dụng đất, đồng thời Hội NKT-NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh Quảng Trị cũng được nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ hội viên người khuyết tật tiếp cận tốt hơn với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người khuyết tật.

Mới hôm qua, Chế, Ngơi và Nghiên còn trầm tư, lo lắng vì gia đình luôn thiếu gạo ăn. Hôm nay, các anh đã bắt đầu hình dung về những ngày thu hoạch vụ lúa nước đầu tiên trên mảnh đất của mình. Ngày đó không còn xa …!

Read more