Sức khỏe và Dinh dưỡng - 1

sức khỏe sinh sản và tình dục ở tỉnh Điện Biên

Bối cảnh

Thanh niên Việt Nam, đặc biệt là nhóm thanh niên dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi ở Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe và vấn đề xã hội. Đây là hệ quả của việc thiếu kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS). Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi thanh niên và vị thành niên cao nhất thế giới, 83,3 trường hợp/1000 phụ nữ. Năm 2012, Việt Nam cũng là đất nước đứng đầu về số ca HIV nhiễm mới trong khu vực các quốc gia đất liền của Đông Nam Á, và hơn 1/3 số người nhiễm HIV trong độ tuổi dưới 30. Đại dịch HIV đang có xu hướng phát triển nhanh hơn ở những khu vực có trình độ học vấn thấp, và thường là vùng dân tộc thiểu số. Rất nhiều những vấn đề hiện nay là hệ quả của việc thiếu giáo dục toàn diện về SKSS và HIV ở nhóm người trẻ tuổi. Nhóm này chưa được cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự tin bảo vệ chính mình để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Xu hướng gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân, tảo hôn và sinh con sớm ngày càng phổ biến ở nhóm này. Bên cạnh đó, tình trạng nghèo đói và môi trường sinh sống tại khu vực xa xôi hẻo lánh là các yếu tố giới hạn đáng kể sự tiếp cận thông tin về SKSS. Ở những khu vực này, kết quả của chương trình giáo dục sức khỏe đang bị ảnh hưởng tiêu cực do thiếu các dịch vụ thân thiện về SKSS và HIV dành cho nhóm thanh thiếu niên.

Vai trò của MCNV

Nhằm góp phần nâng cao SKSS, sức khỏe tình dục tại Việt Nam, MCNV đã chủ trương hỗ trợ nhóm vị thành niên dân tộc thiểu số trong việc nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục SKSS và các dịch vụ liên quan. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành triển khai một dự án thí điểm tại Điện Biên, có tên gọi: “tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT miền núi tỉnh Điện Biên”. Dự án này được triển khai trong 3 năm tại 2 trường THPT nhằm tổ chức các hoạt động giáo dục và kỹ năng sống về SKSS cho các học sinh vị thành niên dân tộc thiểu số, trang bị kiến thức và kỹ năng về các hành vi an toàn tình dục cho học sinh qua đó giúp đối tượng đích có thêm nhiều lựa chọn và quyết định trong lĩnh vực SKSS.

Hoạt động giáo dục của dự án tập trung vào đối tượng dân tộc thiểu số tại các trường nội trú với các hoạt động tiếp cận dựa vào nhà trường và câu lạc bộ. Những thông tin truyền thông về SKSS sẽ được cung cấp bởi giáo viên, nhân viên y tế, cùng phối hợp với sự chia sẻ của nhóm phụ nữ sống chung với H. Câu lạc bộ của học sinh được thành lập và duy trì nhằm kết nối học sinh với một cộng đồng rộng rãi, bao gồm cả bên trong và bên ngoài nhà trường, thông qua các hoạt động truyền thông sáng tạo như kịch/tiểu phẩm, bài hát, âm nhạc, trò chơi, sự kiện truyền thông.

Dự án cũng sử dụng những kênh truyền thông đa phương tiện để kết nối và truyền thông cho học sinh. Những kiến thức và kỹ năng mới về phương pháp theo từng chủ đề được hướng dẫn cụ thể trong tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên tạo cơ hội cho giáo viên có khả năng sáng tạo, và học hỏi nhiều phương pháp dạy học tích cực và hiện đại. Bằng những việc làm đó, kiến thức và kỹ năng của giáo viên được nâng cao, củng cố thêm nghiệp vụ giáo dục nhằm giảng dạy tốt hơn về những đề tài nhạy cảm về sức khỏe sinh sản.

Định hướng tương lai

Trong tương lai, MCNV mong muốn mở rộng dự án này tới các trường khác tại tỉnh Điện Biên và các tỉnh khác tại Việt Nam. Sau khi kết thúc dự án thí điểm, bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục SKSS dành cho giáo viên sẽ được xuất bản và và giới thiệu trong hệ thống giáo dục từ cấp quốc gia đến cấp quận huyện. Những can thiệp của dự án cũng sẽ được chia sẻ rộng rãi ở trong khu vực, đặc biệt là trong Diễn đàn sức khỏe vị thành niên vừa được tổ chức tại Lào vào tháng 11 năm 2016.