Các ấn phẩm

Tre xanh xuống phố

Những sản phẩm tinh tế làm từ tre xanh mới đây đã theo chân những cô gái Vân Kiều góp mặt thật ấn tượng tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch tại thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Hai đại diện đến từ ba nhóm sản xuất tre thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Tà Puông (xã Hướng Việt) và thôn Cù Bai (xã Hướng Lập) đã góp mặt tại chương trình, với những sản phẩm được chế tác tinh tế từ họ nhà tre.

Từ những khu rừng trên vùng núi cao Hướng Hóa, những cây tre, lồ ô, len xanh, đã trở thành những đồ dùng hữu ích, đồ lưu niệm xinh xắn, nhờ bàn tay khéo léo của những thanh niên người Vân Kiều. Đó là những chiếc ống hút, hộp đựng bút, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa du lịch nhỏ gọn, độc đáo, thân thiện với môi trường.

Bên gian hàng trưng bày của mình, hai cô gái trẻ đã thay mặt các nhóm sản xuất giới thiệu những sản phẩm từ tre tới các vị khách tham quan, là đại diện các doanh nghiệp du lịch. Họ đã tự tin chia sẻ với khách về quá trình sản xuất, đặc điểm của các sản phẩm, trao đổi về nhu cầu thị trường.

Đây là dịp hữu ích để những thanh niên Vân Kiều gặp gỡ những khách hàng tiềm năng, tạo thêm cơ hội cho những sản phẩm chính tay mình làm ra, và cũng chính là cơ hội để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống cho cộng đồng mình.

Từ tre xanh mộc mạc đến những đồ vật tinh tế, từ bản làng vùng cao tới thị trường đô thành, đó là một quãng đường dài, cần nhiều tâm sức, nỗ lực. Sự góp mặt tự tin, ấn tượng của nhóm sản xuất tre tại Hội nghị là tín hiệu tốt cho những triển vọng của tương lai.

Sự kiện diễn ra vào ngày 29/6, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tổ chức, thu hút gần 100 đại biểu là đại diện chính quyền, các cơ quan quản lý, và các doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Read more

Khởi động dự án PROSPER: Điểm tựa tươi xanh cho núi rừng Quảng Trị

Ông Tom Corrie – Tham tán thứ nhất Phái đoàn EU phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 26/6, tại Quảng Trị, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR Quảng Trị) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (PROSPER).

Tham dự Hội thảo có đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Sở Ngoại vụ, đại diện Uỷ ban Y tế Hà Lan-Việt Nam, các doanh nghiệp ngành lâm sản trong và ngoài nước và đại diện UBND các xã tham gia dự án.

Dự án PROSPER được EU và MCNV tài trợ với tổng ngân sách 800.000 Euro, được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2023) nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhóm hộ gia đình chủ rừng và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin Dự án đến các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chủ rừng. Trên cơ sở đó, các bên liên quan cùng đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai dự án một cách hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tom Corrie – Tham tán thứ nhất, Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định: “Sự kiện được diễn ra vào một thời điểm lý tưởng khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được hai bên phê chuẩn, trong khi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản của chúng ta được thực thi từ hơn một năm nay”.

Ông Tom Corrie cũng nhấn mạnh: “PROSPER hội tụ những mối quan tâm của EU tại Việt Nam trên nhiều phương diện như môi trường, thương mại, phát triển bền vững. Được triển khai tại Quảng Trị, những sáng kiến trong khuôn khổ dự án sẽ vô cùng cần thiết khi đặt trong bối cảnh rộng hơn của đất nước Việt Nam – một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và đối mặt với nguy cơ cao về nạn phá rừng”.

Tại Việt Nam, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là một trong năm lĩnh vực của Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Quản lý tài nguyên bền vững đòi hỏi phải có sự cam kết và năng lực của cộng đồng trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các kế hoạch sử dụng đất và rừng. Quảng Trị là địa phương tiên phong trong việc huy động các chủ rừng hộ gia đình và hợp tác xã tham gia trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC®. Năm 2014, Hội CCR Quảng Trị đã trở thành tổ chức đầu tiên tại Việt Nam đại diện cho chủ rừng hộ gia đình và hợp tác xã tham gia trồng rừng, được công nhận tư cách pháp nhân và có chứng nhận chứng chỉ rừng FSC®.

Ông Phạm Dũng – Giám đốc quốc gia MCNV tại Hội thảo.
Phát huy lợi thế trên, Dự án PROSPER sẽ được thực hiện thông qua phát triển năng lực Hội CCR với trọng tâm hỗ trợ xây dựng năng lực về quản lý rừng bền vững; thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ rừng trồng FSC® và lâm sản ngoài gỗ cho nhóm chủ rừng là hộ gia đình, hợp tác xã tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận FSC® và cộng đồng, hộ gia đình tham gia quản lý bền vững rừng tự nhiên.

Dự kiến sẽ có 60 chi hội/nhóm của khoảng 3.000 nông dân là chủ rừng hộ gia đình, hợp tác xã và cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi từ Dự án. Sau 3 năm thực hiện, dự án sẽ tăng thêm 1.500 hectares rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC® và 600 ha rừng tự nhiên thực hiện quản lý rừng bền vững.

Theo ông Phạm Dũng – Giám đốc quốc gia MCNV, Quảng Trị là địa bàn hợp tác chiến lược của MCNV, nơi tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tiên từ năm 1968 và luôn là tỉnh có Dự án trọng điểm của MCNV từ đó tới nay. Gần 15 năm qua, bên cạnh y tế, MCNV đã mở rộng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực phát triển khác như hoà nhập xã hội, phát triển sinh kế.

“Với dự án PROSPER – tên viết tắt tiếng Anh có ý nghĩa “Thịnh Vượng”, chúng ta mong đợi Dự án sẽ góp phần tạo ra sự thịnh vượng cho người dân – chủ hộ rừng, sự phồn vinh cho các doanh nghiệp đối tác, đem lại sự trù phú cho màu xanh của rừng Quảng Trị và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển bền vững của tỉnh”, ông Phạm Dũng nói.

Read more

Khởi động “Sáng tạo từ Trái tim” cuộc thi Sáng kiến vì người khuyết tật

🌼Đích đến của CẢI TIẾN và SÁNG TẠO là gì, nếu không phải để đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người?

Nếu bạn là:
🔸 Chuyên gia Phục hồi chức năng
🔹Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu
🔸 Bác sỹ
🔹Điều dưỡng
🔸 Kỹ thuật viên Chỉnh hình, thiết kế thiết bị dụng cụ Phục hồi chức năng…
Hoặc bạn đang học tập, làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần có:


* Đam mê sáng tạo, khát khao cống hiến cho cộng đồng, góp phần giúp người khuyết tật trở nên độc lập trong cuộc sống? ♿️


–> Đừng bỏ lỡ Sáng tạo từ Trái tim, cuộc thi sáng tạo vì người khuyết tật với hai Hạng mục CHUYÊNKHÔNG CHUYÊN.

🏆🎉Sáng tạo từ Trái tim được tổ chức bởi Humanity & Inclusion Việt Nam và USAID, phối hợp cùng MCNV, ACDC và JICA.

Cùng tìm hiểu về cuộc thi tại website www.homemadewithheart.vn để đăng ký tham dự với chúng tôi nhé! ✍️

Hạn chót: 10/8/2020!!!

Read more

Tuyển tư vấn đánh giá cuối kỳ Dự án

Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) là một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan hoạt động tại Việt Nam từ năm 1968 trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các chương trình phát triển cộng đồng khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. 

MCNV thực hiện Dự án “Phát hiện sớm, Can thiệp sớm và Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại Cao Bằng” từ năm 2002 đến 2019. Trước khi chuyển giao Dự án vào cuối năm 2020, MCNV và đối tác tại Cao Bằng thống nhất thực hiện một hoạt động đánh giá cuối kỳ Dự án.

MCNV cần tuyển 01 chuyên gia tư vấn để thực hiện hoạt động Đánh giá cuối kỳ Dự án này. 

Ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển gồm: 

  • 01 CV (tiếng Anh và tiếng Việt);
  • Thư bày tỏ sự quan tâm và đề xuất thực hiện hoạt động.

Địa chỉ email nhận hồ sơ: thuy.nguyenthanh@mcnv.vn

Hạn cuối nộp hồ sơ: ngày 20/6/2020.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem bản Điều khoản tham chiếu đính kèm và liên hệ đến số điện thoại: 0986607351 hoặc 0243 8359005 (máy lẻ 25).

Link file: https://drive.google.com/file/d/10A6SncUa59mq9vmvbL3lP7Gc6MbUz3r-/view?usp=sharing

Read more

Hứa hẹn những mùa gặt nơi rẻo cao

Chậm rãi cuốc bộ bên những thửa đất rộng vừa được san ủi bằng phẳng trên khu vực đồi núi thuộc thôn Cựp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, ba chàng trai khuyết tật đồng bào Vân Kiều hồ hởi trò chuyện về những dự định trong tương lai gần.

(Từ trái qua) Các anh Hồ Văn Chế, Hồ Văn Ngơi và Hồ Văn Nghiên. Ảnh: Phan Tân Lâm

“Đất của mình rộng. Mình sẽ dành một thửa để trồng lúa nước, còn một thửa để làm trại nuôi gà.” Hồ Văn Chế, 41 tuổi, một tay chống nạng, tay kia chỉ về hai thửa đất liền kề vừa được san ủi của mình, tươi cười thổ lộ ý định của bản thân.

“Còn em chưa lập gia đình và đang dựa dẫm hoàn toàn vào bố mẹ. Sắp tới em sẽ làm ruộng lúa nước để có thể sẻ chia lương thực cùng bố mẹ. Như vậy, em sẽ cảm thấy mình bớt vô dụng.” Hồ Văn Ngơi, 36 tuổi, cố ngẩng mặt lên một chút để thổ lộ tâm sự. Nửa trên cơ thể của Ngơi bị gập về phía trước do khuyết tật bẩm sinh nên anh rất khó khăn mỗi khi ngửng đầu nhìn thẳng về phía trước. Nhưng không khó để thoáng nhận ra nụ cười mỉm mang nhiều hy vọng trên khuôn mặt hơi chúi xuống của anh.

Hồ Văn Nghiên, 26 tuổi, thì ôn tồn nhẩm tính: “Giờ cũng sắp đến mùa mưa rồi. Nước mưa sẽ làm giàu cho đất và làm ổn định đất. Đến cuối năm nay là có thể gieo mạ, và tháng 4 năm sau sẽ là mùa gặt lúa nước đầu tiên của ba anh em mình.”

Anh Hồ Văn Ngơi (trái) và Hồ Văn Chế. Ảnh: Phan Tân Lâm

Nghiên đã lập gia đình và có 3 cậu con trai nhỏ. Giống như nhiều gia đình khác ở thôn Cựp, vợ chồng Nghiên dành phần lớn thời gian làm lụng vất vả trên những đồi lúa rẫy xa nhà để có cái ăn cho cả nhà. Khi những cơn mưa đầu mùa đến vào đầu tháng 6, vợ chồng Nghiên bắt đầu đi trỉa lúa. Những hạt giống chắc khỏe được “gửi gắm” vào đất núi chờ nảy mầm. 3-4 tháng sau là đã có thể tuốt lúa.

Thế nhưng, Nghiên cho biết, lúa rẫy thu hoạch mỗi năm chỉ được một vụ, và mỗi vụ chỉ được khoảng 5 bao (tức 1,5 tạ), chỉ đủ ăn cho gia đình trong chưa đầy 3 tháng. Trong khi vợ ở nhà chăm con, Nghiên phải dành nhiều thời gian đi làm thuê kiếm tiền mua gạo cho gia đình dùng trong những tháng còn lại trong năm. Một số chủ rừng ở địa phương thuê nhân công thu hoạch rừng keo khi đến vụ. Nghiên có thể kiếm 150.000đ/một ngày công, nhưng công việc này là hết sức thất thường.

“Làm lúa rẫy cũng vất vả lắm vì vừa xa nhà, vừa phải trèo cao.” Trầm ngâm một lúc, Nghiên chia sẻ tiếp, “Với người thường đã rất vất vả, huống hồ chi nói đến với những người khuyết tật như bọn em. Riêng như em đây, từ nhà đến rẫy khoảng 4 cây số đường gập ghềnh, đi bộ hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Em hỏng mắt thì còn đi được, chứ khuyết tật như anh Chế và anh Ngơi thì làm sao mà đi được!”.

Chế, Nghiên và Ngơi không phải không có đất sản xuất nông nghiệp gần nhà. Gia đình cả ba chàng trai khuyết tật này đều được xã cấp đất sản xuất từ lâu, nhưng vì đất đai cằn cỗi và địa hình đồi dốc gập ghềnh nên các anh không thể làm lụng được gì trên mảnh đất của chính mình. Chỉ đến gần đây khi nhận được sự hỗ trợ san tạo mặt bằng, các anh mới tìm thấy niềm hy vọng về những vụ mùa lúa nước trĩu bông trên những thửa đất tuy cũ mà mới của mình.

Tương lai tươi sáng đang chờ đợi Hồ Văn Chế và nhiều người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phan Tân Lâm

Hỗ trợ san tạo mặt bằng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động trọng tâm của dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho các hộ gia đình người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số” do MCNV phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị và Hội Người khuyết tật – Nạn nhân Da cam/Dioxin, Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (Hội NKT-NNDC, BTNKT & BVQTE) tỉnh Quảng Trị triển khai ở các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh.

Dự án được hỗ trợ tài chính bởi Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020. Dự kiến sẽ có khoảng 100 hộ gia đình của những người khuyết tật như Chế, Ngơi và Nghiên được hỗ trợ san tạo mặt mặt đất ở và đất sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm hộ gia đình người khuyết tật khác sẽ hưởng lợi từ dự án nhờ được tiếp cận tốt hơn với các thông tin, chính sách, dịch vụ về quyền sử dụng đất, đồng thời Hội NKT-NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh Quảng Trị cũng được nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ hội viên người khuyết tật tiếp cận tốt hơn với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người khuyết tật.

Mới hôm qua, Chế, Ngơi và Nghiên còn trầm tư, lo lắng vì gia đình luôn thiếu gạo ăn. Hôm nay, các anh đã bắt đầu hình dung về những ngày thu hoạch vụ lúa nước đầu tiên trên mảnh đất của mình. Ngày đó không còn xa …!

Read more

Những sản phẩm từ cây tre: Điểm sáng từ núi rừng Bắc Hướng Hóa

Từ năm 2018, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã hỗ trợ một số hộ dân ở các thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Cù Bai (xã Hướng Lập) và thôn Tà Puồng (xã Hướng Việt), huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sản xuất một số sản phẩm từ cây tre để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Đây là một sáng kiến hướng đến vận động cộng đồng hạn chế sử dụng các vật dụng vô cơ dùng một lần sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, đồng thời tạo cơ hội phát triển sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở tỉnh Quảng Trị.
Các sản phẩm hiện đang được sản xuất ở các thôn nói trên bao gồm: ống hút, hộp đựng bút hoặc đựng các vật dụng cá nhân khác, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa du lịch. Tất cả đều được làm bằng các loại tre sẵn có ở địa phương như lồ ô, luồng, len xanh, a ho, li a, …
MCNV cho biết hiện nay thôn Chênh Vênh có 10 hộ tham gia sản xuất ống hút từ cây len xanh. Trong năm 2019, các hộ dân trong thôn đã sản xuất với sản lượng khoảng 50.000 ống, với giá thành từ 1.000 – 3.000 đồng/ống tùy theo chất lượng, qua đó đạt doanh số gần 100 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 10 triệu đồng/hộ.
Cây len xanh thường mọc tự nhiên trên các lèn đá, gần các thác nước ở trên cao, mỗi năm chỉ khai thác được một lần khi cây đã già. Mỗi gốc cây len xanh cho khai thác được khoảng 5 – 8 cành/năm, mỗi cành cho khoảng 7 -10 đốt, khoảng cách giữa các đốt khoảng 20 – 25 cm. Sau khi khai thác về, các hộ dân sử dụng máy cắt tre do MCNV hỗ trợ, cắt len xanh thành từng ống dài 18 – 23 cm, sau đó luộc vô trùng trong 5 – 6 giờ đồng hồ.

Sau khi luộc, len xanh được lau hết lớp nhớt bám trên bề mặt ngoài và làm sạch lớp phấn bên trong lòng ống, được phơi nắng trong 7 – 8 ngày rồi mài nhẵn hai đầu ống và bó thành từng bó nhỏ để cung ứng cho thị trường.

Chị Hồ Thị Xăng (phải) và Hồ Thị Lý, 2 trong 10 thành viên của nhóm sản xuất tre thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng)

Chị Hồ Thị Xăng, một thành viên trong nhóm sản xuất thôn Chênh Vênh cho biết việc được hỗ trợ sản xuất ống hút tre mang đến niềm hi vọng đổi thay về kinh tế. Chị Xăng bảo, trước đây, hai vợ chồng ngoài đi làm rẫy, đi rừng thì ai kêu gì làm nấy. Đầu tắt mặt tối cả ngày nhưng không đủ ăn. Con cái nhỏ nên chị phải ở nhà chăm con, gánh nặng dồn lên vai chồng, chuyện thiếu đói thường xuyên diễn ra.
“Tuy việc làm ống hút tre khá công phu, đòi hỏi tuân thủ các bước để đảm bảo đẹp, vệ sinh, đúng kích thước, nhưng làm nhiều rồi thành quen. Giờ chỉ cần siêng năng thì tháng nào cũng kiếm ra tiền từ việc làm ống hút tre”, chị Xăng bộc bạch. Cách làm ăn mới không chỉ giúp những người phụ nữ như chị Xăng tìm ra phương kế đổi thay đời sống kinh tế mà còn giúp “kéo” nhiều người đàn ông ra khỏi bàn rượu, lên rừng chặt tre về sản xuất ống hút.

Chị Hồ Thị Xăng rạng rỡ bên nồi luộc ống hút tre (Ảnh: Phan Tân Lâm)
Theo ông Hồ Văn Noi, một thành viên khác của nhóm sản xuất tre thôn Chênh Vênh, các hộ dân tham gia sản xuất ống hút tranh thủ những khi đi làm trên rẫy để khai thác len xanh và tranh thủ sản xuất ống hút những khi nông nhàn, bình quân mỗi hộ có khoảng 2 người tham gia sản xuất. Khó khăn hiện nay là số lượng cây len xanh tại địa phương ít và sinh sống ở những nơi hiểm trở rất khó khai thác. Do đó, mỗi năm người dân nơi đây chỉ khai thác len xanh trong khoảng thời gian vài tháng là thiếu nguyên liệu sản xuất.
Ông Phan Ngọc Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hướng Phùng, chia sẻ: Được sự hỗ trợ và hướng dẫn của MCNV, người dân thôn Chênh Vênh rất tích cực tham gia mô hình sản xuất ống hút từ cây len xanh. Do cây sống hoàn toàn tự nhiên nên rất hạn chế về nguồn nguyên liệu, mong các sở, ban, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ, nghiên cứu các giải pháp mở rộng diện tích trồng cây len xanh, chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và sản phẩm từ tre, ngoài ống hút từ cây len xanh, MCNV đã hỗ trợ cho 3 nhóm sản xuất ở 3 thôn tiếp tục sản xuất các sản phẩm khác từ các loại tre khác rất sẵn có ở địa phương, đặc biệt là cây a ho (tên gọi theo theo tiếng Vân Kiều) và lồ ô. Bên cạnh hỗ trợ xây dựng nhà phơi sấy, cung cấp máy móc và hướng dẫn tổ chức sản xuất cho các nhóm, MCNV còn tổ chức các lớp học nghề tiện tre cho một số thành viên chủ chốt của các nhóm sản xuất và cùng các nhóm tìm hỏi, học hỏi cách sản xuất ra các sản phẩm ngoài ống hút. Hộp đựng bút và vật dụng cá nhân, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa du lịch là những sản phẩm như vậy.

Việc sản xuất những sản phẩm này đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo, tinh tế và sự chịu khó của người sản xuất. Bù lại, khi xuất hiện trên thị trường, những sản phẩm này được người tiêu dùng rất ưa thích và đánh giá cao, đặc biệt là với khách nước ngoài. Hiện nay, Hội An Roastery, một doanh nghiệp tại Quảng Nam là đơn vị bao tiêu những sản phẩm này để bán phục vụ khách nước ngoài đến tham quan du lịch tại Phố cổ Hội An.

Ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, ống tre là sản phẩm chủ lực. Ảnh: Lê Minh Vũ

Trong tương lai gần, MCNV tiếp tục giúp các nhóm sản xuất tăng cường kết nối đến các thị trường trong nước và ngoài nước. Hiện nay, song song với hoạt động sản xuất, các nhóm cũng chú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng thêm cây len xanh ở các khu vực đồi núi gần nhà.
Hiện đã có 20 hộ gia đình ở 3 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập tham gia sản xuất các sản phẩm từ tre. Đây là giải pháp thiết thực, vừa giúp bà con tăng thu nhập, vừa giúp bà con đóng góp tích cực cho thị trường sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Thời gian tới, chúng tôi giúp bà con phát triển vùng nguyên liệu tre, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng liên kết thị trường”, một cán bộ dự án của MCNV cho biết thêm.

Con gái một thành viên nhóm sản xuất thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và những sản phẩm ống hút đã hoàn thiện. (Ảnh: Phan Tân Lâm)

Nhìn những đôi tay chai sần đã quen với việc làm nương, làm rẫy nay miệt mài sáng tạo những sản phẩm từ tre, những gương mặt sạm nắng giãn ra với nụ cười vui mà trong lòng người viết dâng lên bao bồi hồi, xúc cảm. Ngày mai, các sản phẩm tre kia của bà con sẽ được chuyển về phố xá, ra nước ngoài, thu nhập của bà con sẽ khấm khá và đều đặn hơn nhiều lần những vụ mùa trên nương rẫy nhờ trời. Những sản phẩm từ cây tre đang thực sự góp phần thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở những dãy núi xa xôi, hẻo lánh vùng biên ải.

Read more

Tín dụng tiết kiệm: Nguồn tiếp sức tin cậy của phụ nữ Bến Tre

Ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, hơn 10 năm nay, có một dự án được ví như nguồn tiếp sức tin cậy, giúp hàng ngàn phụ nữ vượt khó, thoát nghèo, vững vàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những đồng vốn thoát nghèo

Trước đây, gia đình chị Trương Thị Phượng (sinh năm 1972) ngụ ở Ấp Phú Thành, xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre sống dựa vào nguồn thu nhập từ mảnh vườn nhỏ trồng rau và số tiền công khiêm tốn từ việc làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng. Dù siêng năng, cần mẫn lao động nhưng cuộc sống gia đình anh chị vẫn không tránh được cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Hai con trúng tuyển Đại học, anh chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì tương lai của con sẽ sáng sủa hơn cha mẹ, lo vì việc con thành sinh viên sẽ kéo theo chồng chất chi phí trong suốt 4 năm.

Bước ngoặt đến với gia đình chị Phượng vào năm 2015, khi chị trở thành thành viên Hội liên hiệp Phụ nữ xã Phú Vang và được tiếp cận với Dự án tín dụng tiết kiệm của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và các nhà tài trợ.

Với nguồn vốn được hỗ trợ, vợ chồng chị Phượng nhanh chóng lên kế hoạch thoát nghèo. Anh chị sử dụng một phần vốn để mua gà, vịt về nuôi, phần còn lại chị Phượng dùng để mở một tiệm tạp hóa nhỏ.

Chị Trương Thị Phượng bên tiệm tạp hóa được mở nhờ nguồn vốn hỗ trợ bởi Dự án của MCNV

Chị Phượng tâm sự: Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm, việc chăn nuôi và buôn bán cũng gặp khó khăn. Nhưng nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do hội phụ nữ phối hợp tổ chức, anh chị đã nhanh chóng nắm bắt được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như kinh doanh. Số tiền lãi từ đây không chỉ là nguồn thu nhập ổn định trang trải cho đời sống gia đình, và dành dụm thêm để làm vốn quay vòng đầu tư, bên cạnh việc vay từ dự án.

Qua nhiều chu kỳ vay, qua tư vấn của cán bộ dự án và các chị em đi trước, chị Phượng đã mua thêm được 01 con bò cái, cho sinh sản thêm 02 con. Trừ hết chi phí chăn nuôi, gia đình có khoản thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. 

Việc chăn nuôi bò ít tốn thì giờ, nên cùng lúc, chồng chị Phượng có thời gian làm thêm bên ngoài. Với các công việc như phụ hồ, lưới cá, mỗi ngày anh có thể kiếm được hàng trăm nghìn đồng.

Sau 5 năm tham gia Dự án tiết kiệm tín dụng của huyện Bình Đại, vợ chồng chị Trương Thị Phượng đã quyết định làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Từ chỗ “thiếu trước, hụt sau”, giờ đây anh chị đã xây được nền tảng kinh tế vững vàng, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Căn nhà lụp xụp ngày nào cũng được sửa sang lại kiên cố, tiện nghi. 

Kinh tế ổn định, chị Phượng có thêm thời gian cho các sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, chị luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con lối xóm, các hội viên phụ nữ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chị tâm sự:

“Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, hơn ai hết, mình hiểu cái cuộc sống khổ, nghèo, thiếu thốn như thế nào, nên giờ giúp được ai điều gì là mình sẵn lòng giúp đỡ”.

Đi lên từ cảnh hàn vi, chị luôn ghi nhớ: Chính những đồng vốn và sự hỗ trợ của hội phụ nữ đã giúp chị “khởi nghiệp” và có được cuộc sống ổn định, no ấm như hôm nay…

Nước ngọt chống hạn

Những năm gần đây, Bến Tre phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn. Nguồn nước sinh hoạt do nhà máy nước cung cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống nhà máy của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn trên 2‰. 

Hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở tỉnh Bến Tre. Ảnh minh họa: TTXVN

Nằm trên cù lao An Hoá, bốn phía sông, biển bao quanh, huyện Bình Đại là địa bàn bị đe dọa bởi xâm nhập mặn, độ mặn cao, mức độ xâm nhập sâu. Người dân lao đao vì đồng chua mặn khó chăn nuôi, trồng trọt, nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất khan hiếm.

Trong “cuộc chiến” chống hạn mặn gắt gao đó, Bình Đại đã may mắn được tiếp sức bởi dự án Tín dụng tiết kiệm. Song song với hỗ trợ vốn vay sinh kế,  Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn tiếp cận vốn vay để xây ống hồ, mua dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Tới nay, 954 hộ đã được Dự án hỗ trợ tự xây ống hồ trữ nước. Từ đầu năm đến nay, dự án tiếp tục hỗ trợ cho 149 hộ vay và đang tiếp tục được chị em hưởng ứng đông đảo. 

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (ấp Tân Long, xã Thạnh Phước) cho biết: “Năm 2016, tôi đăng ký vay vốn từ Dự án 5 triệu đồng để xây 2 ống hồ chứa khoảng 4m3 nước; tiền vật tư, tiền thợ, xây ống hồ hết 6 triệu đồng…”

Chị cho biết, với 2 ống hồ nước mưa cả năm gia đình sử dụng không hết. Vào mùa nắng, nhà chị sử dụng thêm nước giếng nên dư nước mưa.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh bên ống hồ chứa nước của gia đình

Thấy được lợi ích lâu dài, năm 2018, chị tiếp tục vay thêm 5 triệu đồng từ Dự án, vận chuyển cát, đá, xi-măng về để xây thêm 2 ống hồ chứa khoảng 6 m3 nước, kinh phí khoảng 7 triệu đồng.

“Nhờ xây ống hồ chứa nước mà trong tình trạng nước mặn này gia đình tôi mới có nước sử dụng sinh hoạt, còn hiện tại nước máy đã mặn không thể nào sử dụng được…”, chị chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1985) ở ấp Vinh Tân, xã Vang Quới Đông cũng là một trong những người đã được vay vốn để tự xây dựng hệ thống trữ nước mưa, nước ngọt. Tổng thể tích trữ nước mưa mà chị đang sử dụng vào khoảng 6m3 nhỏ cho gia đình 3 người.

Chị Phương Thảo cho biết: 

“Cũng do tình hình nước nhiễm mặn đều xảy ra hàng năm nên tôi xây ống hồ để chứa nước mưa hoặc nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày. Vào năm 2016, khi biết Dự án có hỗ trợ nguồn vốn cho vay xây ống hồ, tôi làm hồ sơ đăng ký vay trong 24 tháng với mức vay là 5 triệu đồng để xây 2 ống hồ.”

Chị phấn khởi chia sẻ: “Xây được 2 ống hồ tôi rất vui, lợi ích lắm, không có ống hồ là giờ nhà tôi phải dùng nước măn như những năm trước, rồi sinh hoạt tắm rửa rất bất tiện. Sắp tới đây tôi dự định là sẽ tiếp tục vay vốn để làm thêm 2 cái ống hồ nữa do tình hình nước mặn kéo dài thì sợ sẽ không đủ nước…”

  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.
  • Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.
Read more

Bình Đại (Bến Tre): Tập huấn kỹ thuật cho 15 cán bộ dự án Tín dụng tiết kiệm

15 nhóm trưởng và thành viên dự kiến của dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về quản lý, điều hành và sinh hoạt nhóm thông qua lớp tập huấn diễn ra từ ngày 17-19/2.

Cán bộ chuyên trách chủ trì tập huấn

Lớp tập huấn nhằm tạo điều kiện để các nhóm tiết kiệm và vay vốn được tiếp cận với những kiến thức cần thiết về lĩnh vực vốn vay, tiếp cận và quản lý tốt nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Trong 03 ngày diễn ra tập huấn, các cán bộ dự án đã giúp các học viên nắm bắt được một số vấn đề chung về tín dụng, nhóm tín dụng; phát triển, quản lý và điều hành nhóm vay vốn, giới thiệu về hoạt động của dự án (mục đích hoạt động, đối tượng khách hàng, chính sách vay vốn, huy động tiết kiệm bắt buộc…); hướng dẫn về cách lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ và một số kỹ năng tại buổi đi thực tế trong quá trình vận hành và quản lý nguồn vốn của Dự án .
Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ dự án tại địa bàn, 15 học viên đã có được những hiểu biết nền tảng về tín dụng, nhóm tín dụng cũng như việc phát triển và quản lý và điều hành nhóm vay vốn

Bên cạnh đó, các nhóm trưởng tham gia cũng được cán bộ chuyên trách giải đáp một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác vay vốn tại cơ sở, cách nắm bắt thông tin vay vốn…

Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị, sau khi hoàn thành lớp tập huấn, các học viên đã có thêm sự tự tin, sẵn sàng trong tiếp cận quản lý nguồn vốn của dự án, để giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương.

“Thông qua lớp tập huấn, Ban quản lý mong muốn mỗi học viên sau này sẽ là một cộng tác viên đắc lực cho Ban quản lý dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại trong công tác vận hành và quản lý nguồn vốn thời gian tới”, bà Võ Thị Bé Hai – Phó Trưởng ban quản lý Dự án chia sẻ.

Tập huấn Tín dụng tiết kiệm
  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.
  • Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.
Read more

MCNV hưởng ứng tinh thần Ngày Quốc tế về Người khuyết tật 3/12

Ngày Quốc tế về Người khuyết tật (ngày 03/12) do Chương trình Thế giới Hành động về Người khuyết tật khởi xướng và được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 1992. Ngày này được ra đời nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật, nâng cao nhận thức của các chính phủ, các tổ chức và cá nhân trong mọi cộng đồng về việc lồng ghép và tích hợp vần đề người khuyết tật trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Một trọng tâm chính của lễ kỷ niệm ngày Quốc tế về Người khuyết tật hằng năm là vận động chính sách để ban hành các luật lệ và chuẩn mực quốc tế và quốc gia liên quan đến người khuyết tật và quyền của người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào mọi lĩnh vực trong phát triển xã hội. Mỗi năm Liên hiệp quốc sẽ công bố một chủ đề khác nhau cho ngày này.

Chủ đề của Ngày quốc tế Người khuyết tật năm 2019 là “Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của người khuyết tật: hành động vì Chương trình nghị sự phát triển đến năm 2030”. Chủ đề năm nay chú trọng vào tăng cường vị thế của người khuyết tật vì sự phát triển hòa nhập, công bằng và bền vững như đã dự kiến trong Chương trình nghị sự về Sự phát triển Bền vững đến năm 2030 trong đó cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” và nhận thức về khuyết tật như là một chủ đề xuyên suốt trong quá trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Hằng năm, MCNV phối hợp với các đối tác để tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày 3/12 với tinh thần ủng hộ và hỗ trợ tối đa các hoạt động thức đẩy quyền của người khuyết tật, thể hiện sự tôn trọng nhân phẩm của người khuyết tật, tôn vinh đóng góp của người khuyết tật vào quá trình phát triển của xã hội. /.

Read more

Summary Annual Report 2016

Please find hereafter a summary of our annual report 2016.

Summary Annual Report 2016

Read more