Ngày 17/7/2023, ĐH Y Dược TP.HCM và MCNV đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học Hoạt động trị liệu (HĐTL) 2023. Đây là hoạt động thuộc Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam do MCNV triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án ADMIRE do USAID tài trợ thông qua tổ chức Humanity and Inclusion (HI).
Mục tiêu Hội nghị là góp phần mang đến cơ hội học hỏi, trau dồi chuyên môn, nâng cao năng lực nghề nghiệp, và tăng cường kết nối giữa các chuyên gia, các cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa quan tâm tới HĐTL.
ThS.Samantha Shann, Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới trình bày tham luận “Liên đoàn HĐTL thế giới: Nâng cao giá trị của HĐTL”
Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó 200 đại biểu tham dự trực tiếp là đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, các cơ sở y tế, các đơn vị đào tạo và các chuyên gia, giảng viên, sinh viên ngành PHCN trong và ngoài nước.
Hội nghị có sự tham dự của 04 báo cáo viên chính – là những chuyên gia HĐTL đầu ngành từ Anh, Úc và Ấn Độ. Đó là ThS.Samantha – Chủ tịch LĐ HĐTL thế giới; GS.TS.Anne Cusick – Trưởng Bộ môn HĐTL, ĐH Sydney (Úc); GS.TS.Lynette Mackenzie, Phó Chủ tịch Nhóm Châu Á Thái Bình Dương – Liên đoàn HĐTL thế giới và PGS.TS.Shovan Saha – Chủ tịch Hiệp hội Trị liệu bàn tay Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Hội nghị có sự tham dự của các báo cáo viên trong nước, với các tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực hành HĐTL từ những đơn vị PHCN uy tín như Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 1A và những bài thuyết trình về những dự án HĐTL với cộng đồng của sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH.Y Dược TP.HCM đã thay mặt Nhà trường bày tỏ sự vinh dự khi được phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học về một lĩnh vực đã có lịch sử “hình thành tương đối lâu đời trên thế giới nhưng còn mới tại Việt Nam”, và khẳng định: Hội nghị là một dấu mốc ý nghĩa quan trọng đối với trường, đánh dấu một bước trưởng thành của HĐTL tại Việt Nam”.
Đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (KHCN & ĐT), Bộ Y tế, ThS.Phạm Ngọc Bằng nhấn mạnh: Cục KHCN&ĐT hi vọng hội nghị sẽ giúp cung cấp thêm minh chứng về việc sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực HĐTL từ các nước, góp phần giúp Bộ Y tế đưa ra những quy định phù hợp, đảm bảo tính hội nhập trong quá trình xây dựng chính sách về PHCN tại Việt Nam.
Trong diễn văn chúc mừng, ThS.Samantha Shann, Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới phát biểu:
Trong suốt quá trình đồng hành và dõi theo sự phát triển của HĐTL tại Việt Nam, Liên đoàn rất ấn tượng với những nỗ lực, sự cam kết của Việt Nam trong việc phát triển sâu và rộng chuyên ngành này và gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã tham gia khởi xướng phát triển HĐTL tại Việt Nam vì những đóng góp, quyết tâm, tâm huyết đối với lĩnh vực này.
ThS. Samantha Shann cũng bày tỏ sự vui mừng trước những tín hiệu tích cực như sự quan tâm của tổ chức Y tế thế giới (WHO), những bước tiến của chính phủ, các cơ quan quản lý Việt Nam trong việc ban hành và thực thi những chính sách, quy định góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển HĐTL.
ThS.Samantha Shann nhấn mạnh: Với những điều kiện thuận lợi này, Liên đoàn HĐTL thế giới và ngành HĐTL Việt Nam “sẽ có nhiều cơ hội làm việc cùng nhau để tiếp tục vận động, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của HĐTL, đề ra những quy định và thực hành tốt nhất.”
Đại diện tổ chức HI – đơn vị quản lý Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam, ông Didier Demey đã gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ của các hội chuyên môn như Hội Phục hồi chức năng, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam và đối tác triển khai dự án – MCNV trong việc xây dựng và phát triển một chuyên ngành mới như HĐTL tại Việt Nam. Sự hợp tác này đã tạo ra nhiều thành quả đáng ghi nhận như xây dựng được chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và hoàn thành đào tạo khóa Cử nhân đầu tiên của ngành.
Chủ tịch Liên đoàn HĐTL thế giới tặng hoa chúc mừng Mạng lưới HĐTL Việt Nam
Hội nghị khoa học HĐTL cũng chứng kiến lễ ra mắt Mạng lưới HĐTL Việt Nam, với 9 thành viên chủ chốt. Sự hình thành mạng lưới nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực thực hành HĐTL, tăng cường nhận thức của xã hội về HĐTL và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, quản lý dịch vụ và đào tạo về HĐTL.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc MCNV Việt Nam, ThS.BS.Phạm Dũng đã bày tỏ sự vui mừng khi được chứng kiến “những thế hệ đầu tiên được đào tạo bài bản về bậc Cử nhân, Thạc sĩ về HĐTL đã góp mặt, có những bài trình bày tại Hội nghị, bên cạnh các giáo sư, chuyên gia HĐTL uy tín trên thế giới.”
Chứng kiến sự ra mắt của Mạng lưới HĐTL Việt Nam, ThS.BS.Phạm Dũng khẳng định: Đây là dấu mốc quan trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghề nghiệp đối với sự phát triển của một ngành nghề.
Tại Hội nghị, Giám đốc MCNV bày tỏ tin tưởng những dấu mốc này là những bước tiến nền tảng rất quan trọng, để các tổ chức, cơ quan hữu quan và những người đam mê HĐTL cùng phối hợp hướng tới tương lai tốt đẹp hơn của ngành.
“MCNV cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở đào tạo, thực hành, để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của HĐTL trong tương lai, và mong các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong chặng đường tiếp theo”, ThS.BS.Phạm Dũng phát biểu./.
Một số hình ảnh từ Hội nghị khoa học HĐTL 2023:
Các báo cáo viên chính, Giám đốc MCNV Việt Nam và các thành viên Mạng lưới HĐTL Việt Nam
PGS.TS.Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.
PGS.TS.Shovan Saha (ĐH Manipal, Ấn Độ) với bài trình bày “Những câu chuyện từ Ấn Độ về nẹp bản địa và dụng cụ thích nghi truyền cảm hứng cho HĐTL tại Việt Nam”. PGS.TS.Shovan Saha từng giảng dạy hơn 60 khóa đào tạo HĐTL và là chủ nhân của 4 bằng sáng chế về nẹp & dụng cụ trợ giúp bàn tay.
GS.TS.Anne Cusick (Trưởng Bộ môn HĐTL, ĐH Sydney) với bài trình bày “HĐTL trong phục hồi chức năng thần kinh cho người sau đột quỵ”. GS.TS.Anne Cusick có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và quản lý giáo dục, với nhiều công trình nghiên cứu về phục hồi chức năng thần kinh và thể chất.
GS.TS.Lynette Mackenzie (ĐH Sydney) với bài trình bày “HĐTL trong thế kỷ 21” GS. Lynette Mackenzie là tác giả của bảng công cụ HOMEFAST được sử dụng để đánh giá các yếu tố, nguy cơ té ngã tại nhà cho người cao tuổi. Bà cũng là Tổng biên tập tạp chí Occupational Therapy International.
ThS.Nguyễn Khắc Tuấn (Giảng viên Trường ĐH KTYT Hải Dương) với bài trình bày “Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng quay trở lại công việc trong 6 tháng sau tổn thương bàn tay của những người lao động tay chân tại Ấn Độ”
CN.Hồ Lê Trung (Bệnh viện 1A) với bài trình bày “Can thiệp nhóm cho trẻ bại não”
CN Nguyễn Thị Bình (Bệnh viện 30/4) với bài trình bày Tập luyện nhận thức cho bệnh nhân tại đơn vị Sa sút trí tuệ, Bệnh viện 30-4
Nhóm sinh viên Nguyễn Thúy Duy & Phao Huỳnh Thảo Như (ĐH Y Dược TP.HCM) trình bày về “Nâng cao nhận thức của giáo viên ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Đồng Tháp về HĐTL và tăng cường tiếp cận cho trẻ khuyết tật”
Sinh viên Hà Thị Lan (Trường ĐH KTYT Hải Dương) với bài trình bày “Phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi”.