người khuyết tật

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Điện Biên mở rộng cửa đón học sinh

Hướng dẫn trẻ tập vẽ trên màn hình tương tác, một hoạt động giúp tăng cường kỹ năng vận động tinh.

Năm học 2021-2022, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên sẵn sàng đón thêm 50 học sinh, nâng tổng số học sinh đang được can thiệp tại đây lên 90 em. Tin chi tiết được đăng tải trên báo Giáo dục & Thời đại: Link:

https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/trung-tam-ho-tro-phat-trien-gd-hoa-nhap-tinh-dien-bien-mo-rong-cua-don-hoc-sinh-4V1cLH47R.html

Read more

Một tay gánh vác lo toan

Cô Nguyễn Thị Kết, ấp Giồng Bông, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trần Lê Hiệu

9 năm trước, do tai nạn giao thông, cô Nguyễn Thị Kết bị thương nặng. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, song di chứng để lại khiến cánh tay phải của cô Kết gần như liệt hoàn toàn, khi bị quặt hẳn về một phía, buông thõng xuống thẳng đờ. Cô chỉ có thể nhấc tay lên được một cách yếu ớt, nhưng những cử động của bàn tay, ngón tay thì bằng 0.

Biến cố ập đến bất ngờ đã làm thay đổi cuộc đời cô Kết. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, cô bắt đầu học cách chung sống với khiếm khuyết trên cơ thể. Không oán trách số phận, không buông xuôi, không đổ lỗi cho bất cứ ai, cô quyết tâm khắc phục những khó khăn của bản thân. Cô tập sử dụng tay trái để làm mọi việc, để không chỉ có thể sống độc lập, mà còn chăm sóc cho mẹ già (nay đã qua đời), và tiếp tục cần mẫn lao động.

Cô nuôi thỏ, nuôi gà, trồng rau, khi có khách đặt thì lại nấu rau câu dừa chuyển lên thành phố. Ở tuổi 55, chỉ với một tay mà cô Kết vẫn làm băng băng được đủ thứ việc, từ nấu nướng, hái rau, cho thỏ ăn cho tới chặt dừa, lột vỏ dừa, hay thậm chí là tự đóng chuồng cho thỏ để tiết kiệm tiền.

Cô đến với nghề nuôi thỏ từ 4 năm nay. Trung bình cô nuôi khoảng một trăm con thỏ, gần đây cô xuất chuồng 30 con, và đang nuôi tiếp 40 con còn lại, trong đó có khoảng 20 thỏ cái đang sinh sản. Thức ăn cho thỏ là rau lá trong vườn (rau muống, rau lang, củ đậu) được phơi khô. Chuồng trại luôn được vệ sinh thường xuyên để môi trường sạch sẽ, thỏ khỏe mạnh.

Chỉ với một tay nhưng cô Kết có thể làm được mọi việc, gồm cả chặt dừa. Ảnh: Trần Lê Hiệu

Vừa qua, cô Kết vay của nhóm tín dụng tiết kiệm 5 triệu đồng để “cất thêm nhà” cho thỏ (mua vật liệu như tre, gỗ, lưới thép gai…).

Nuôi thỏ không vất vả như nuôi dê nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm. Từ cho thỏ ăn, tới lo cho thỏ bệnh (sổ mũi, đau bụng), chăm thỏ mẹ sắp sinh, cho tới những việc không tên như “đưa” những chú thỏ thích lang thang về chuồng, “giải cứu” một thỏ con mới chỉ bằng nắm tay, bị sảy chân rớt khỏi khe chuồng, bị gà, vịt “đe dọa”.

Hết chăm thỏ, chăm gà vịt, vườn rau, cô lại sốt sắng mang một chùm dừa ra mời khách. Vẫn một tay, nhờ thêm một bàn chân cố định, cầm con dao sắc bén do “một tay” mình mài, cô điềm nhiên vừa trò chuyện vui vẻ, vừa từng nhát chặt trái dừa ngon ơ, chuẩn xác trước ánh mắt thán phục ngỡ ngàng của những người lần đầu gặp cô.

Như cây dừa mọc trên đất mặn, đất cằn, biết chắt lọc, vươn lên kết trái ngọt lành, cô Nguyễn Thị Kết đã vượt lên hoàn cảnh không thuận lợi để vươn lên, lan tỏa sự lạc quan, yêu đời, yêu lao động tới những người xung quanh. /.

Read more