Các đại biểu tham dự Hội thảo

Sau gần hai năm thực hiện, Dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình có người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông” tài trợ bởi Đại sứ quán (ĐSQ) Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đã bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống của nhóm người yếu thế tại vùng sâu, vùng xa.

Với kinh phí 100.000 Euro (gần 2,6 tỉ đồng), Dự án do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị và Hội Người khuyết tật (NKT), Nạn nhân da cam/Điôxin, Bảo trợ NKT và Bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Trị thực hiện. Những kết quả, thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai dự án cũng như kế hoạch để phát huy kết quả của Dự án đã được báo cáo và thảo luận tại Hội thảo tổng kết Dự án diễn ra chiều 4/5/2021, tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Dân tộc – Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị; Sở Tài nguyên & Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị; Hội Người khuyết tật – Nạn nhân Da cam/Điôxin, Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị; UBND, Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Dân tộc các huyện Đakrông và Hướng Hóa cùng đại diện lãnh đạo UBND, cán bộ địa chính từ 13 xã thuộc 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa. Bí thư thứ hai của ĐSQ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Peeters Robbie và Giám đốc MCNV Việt Nam, ông Phạm Dũng tham dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến.

Trong gần 2 năm triển khai (7/2019-3/2021), Dự án đã tập trung hỗ trợ nguồn lực cải tạo đất ở, đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD), góp phần đem lại cơ hội hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT ở huyện Đakrông và Hướng Hóa.

Tuy gặp phải không ít khó khăn, gián đoạn do COVID-19 và đợt lũ lụt lịch sử tháng 10-11/2020, dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, trong tổng số 112 hộ gia đình tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn dự án, 94 hộ đã được hỗ trợ san tạo mặt bằng 13.558 m2 diện tích đất ở và 84.080 m2 diện tích đất sản xuất; 18 hộ được cấp giấy CNQSD đất ở. Đây là cơ sở để xác lập tài sản của mỗi gia đình, thúc đẩy chất lượng tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Anh Hồ Văn Chế (thôn Cúp, xã Húc Nghì, huyện Đăkrông) một cá nhân hưởng lợi từ Dự án. Ảnh: Phan Tân Lâm

Trong khuôn khổ dự án, một bộ cơ sở dữ liệu về tình trạng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của hơn 22.000 hộ NKT đã được xây dựng, nhằm hỗ trợ trong tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam có mô hình này. Bên cạnh đó, các hội thảo, tập huấn truyền thông tại cộng đồng về quyền sử dụng đất, chính sách, dịch vụ liên quan đã được tổ chức, góp phần nâng cao năng lực Hội NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE trong việc xây dựng và kêu gọi vận động chính sách hỗ trợ cho NKT trong toàn tỉnh.

Qua những hoạt động này, Dự án đã góp phần đẩy nhanh hơn việc thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về “Chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2022”. Các mô hình từ dự án được đánh giá sẽ mang lại đóng góp về mặt phương pháp cho tiến trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 2021-2030 về Phát triển kinh tế xã hội vùng Dân tộc thiểu số, trong đó có 02 dự án về đất và ổn định dân cư.

Bí thư thứ hai ĐSQ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Peeters Robbie phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư thứ hai ĐSQ Vương quốc Hà Lan, ông Peeters Robbie đã ôn lại lịch sử của mối gắn kết bền chặt giữa đất nước Hà Lan và tỉnh Quảng Trị bắt đầu với sự hình thành của MCNV vào năm 1968.

Ông khẳng định: Mối gắn kết này vẫn đang được tiếp nối một cách rõ nét trong hiện tại trên tinh thần hỗ trợ bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người. Nói về Dự án, ông Peeters Robbie nhấn mạnh niềm tin rằng mọi cá nhân cần được trao cơ hội công bằng để tự lực tạo dựng cuộc sống cho mình và khẳng định “Dự án đang góp phần tạo nên một “sân chơi” bình đẳng”.

“Trong bối cảnh COVID-19 và đợt thiên tai lịch sử diễn ra vào tháng 10, 11 tại Quảng Trị, chúng ta có thể tự hào về những kết quả đạt được.”, ông Peeters nhấn mạnh. Đánh giá cao những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân đã góp phần hoàn thành Dự án, ông bày tỏ mong đợi về một chuyến thăm tới vùng dự án trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị, ông Lê Văn Quyền đã đánh giá cao những tác động Dự án đem lại cho địa phương. Theo ông, Dự án đã đóng góp thiết thực vào nhu cầu đất ở và đất sản xuất cho NKT, với sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, đơn vị như Ban Dân tộc, Hội NKT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng đăng ký đất đai và tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh đó, ông Lê Văn Quyền cũng bày tỏ mong muốn dự án về đất đai cần được thực hiện trong thời gian dài hơn để mang đến những tác động lớn hơn.

Hội thảo tổng kết Dự án đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nhằm phát huy kết quả đạt được sau khi kết thúc Dự án. Theo đó, Hội NKT, NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh cần có chiến lược tiếp cận các nguồn lực từ các nhà tài trợ và các doanh nghiệp bên cạnh chính sách nhà nước, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách đất đai cần được tiếp tục duy trì./.