Chậm rãi cuốc bộ bên những thửa đất rộng vừa được san ủi bằng phẳng trên khu vực đồi núi thuộc thôn Cựp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, ba chàng trai khuyết tật đồng bào Vân Kiều hồ hởi trò chuyện về những dự định trong tương lai gần.

(Từ trái qua) Các anh Hồ Văn Chế, Hồ Văn Ngơi và Hồ Văn Nghiên. Ảnh: Phan Tân Lâm

“Đất của mình rộng. Mình sẽ dành một thửa để trồng lúa nước, còn một thửa để làm trại nuôi gà.” Hồ Văn Chế, 41 tuổi, một tay chống nạng, tay kia chỉ về hai thửa đất liền kề vừa được san ủi của mình, tươi cười thổ lộ ý định của bản thân.

“Còn em chưa lập gia đình và đang dựa dẫm hoàn toàn vào bố mẹ. Sắp tới em sẽ làm ruộng lúa nước để có thể sẻ chia lương thực cùng bố mẹ. Như vậy, em sẽ cảm thấy mình bớt vô dụng.” Hồ Văn Ngơi, 36 tuổi, cố ngẩng mặt lên một chút để thổ lộ tâm sự. Nửa trên cơ thể của Ngơi bị gập về phía trước do khuyết tật bẩm sinh nên anh rất khó khăn mỗi khi ngửng đầu nhìn thẳng về phía trước. Nhưng không khó để thoáng nhận ra nụ cười mỉm mang nhiều hy vọng trên khuôn mặt hơi chúi xuống của anh.

Hồ Văn Nghiên, 26 tuổi, thì ôn tồn nhẩm tính: “Giờ cũng sắp đến mùa mưa rồi. Nước mưa sẽ làm giàu cho đất và làm ổn định đất. Đến cuối năm nay là có thể gieo mạ, và tháng 4 năm sau sẽ là mùa gặt lúa nước đầu tiên của ba anh em mình.”

Anh Hồ Văn Ngơi (trái) và Hồ Văn Chế. Ảnh: Phan Tân Lâm

Nghiên đã lập gia đình và có 3 cậu con trai nhỏ. Giống như nhiều gia đình khác ở thôn Cựp, vợ chồng Nghiên dành phần lớn thời gian làm lụng vất vả trên những đồi lúa rẫy xa nhà để có cái ăn cho cả nhà. Khi những cơn mưa đầu mùa đến vào đầu tháng 6, vợ chồng Nghiên bắt đầu đi trỉa lúa. Những hạt giống chắc khỏe được “gửi gắm” vào đất núi chờ nảy mầm. 3-4 tháng sau là đã có thể tuốt lúa.

Thế nhưng, Nghiên cho biết, lúa rẫy thu hoạch mỗi năm chỉ được một vụ, và mỗi vụ chỉ được khoảng 5 bao (tức 1,5 tạ), chỉ đủ ăn cho gia đình trong chưa đầy 3 tháng. Trong khi vợ ở nhà chăm con, Nghiên phải dành nhiều thời gian đi làm thuê kiếm tiền mua gạo cho gia đình dùng trong những tháng còn lại trong năm. Một số chủ rừng ở địa phương thuê nhân công thu hoạch rừng keo khi đến vụ. Nghiên có thể kiếm 150.000đ/một ngày công, nhưng công việc này là hết sức thất thường.

“Làm lúa rẫy cũng vất vả lắm vì vừa xa nhà, vừa phải trèo cao.” Trầm ngâm một lúc, Nghiên chia sẻ tiếp, “Với người thường đã rất vất vả, huống hồ chi nói đến với những người khuyết tật như bọn em. Riêng như em đây, từ nhà đến rẫy khoảng 4 cây số đường gập ghềnh, đi bộ hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Em hỏng mắt thì còn đi được, chứ khuyết tật như anh Chế và anh Ngơi thì làm sao mà đi được!”.

Chế, Nghiên và Ngơi không phải không có đất sản xuất nông nghiệp gần nhà. Gia đình cả ba chàng trai khuyết tật này đều được xã cấp đất sản xuất từ lâu, nhưng vì đất đai cằn cỗi và địa hình đồi dốc gập ghềnh nên các anh không thể làm lụng được gì trên mảnh đất của chính mình. Chỉ đến gần đây khi nhận được sự hỗ trợ san tạo mặt bằng, các anh mới tìm thấy niềm hy vọng về những vụ mùa lúa nước trĩu bông trên những thửa đất tuy cũ mà mới của mình.

Tương lai tươi sáng đang chờ đợi Hồ Văn Chế và nhiều người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phan Tân Lâm

Hỗ trợ san tạo mặt bằng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động trọng tâm của dự án “Thúc đẩy tiếp cận đất ở và đất nông nghiệp cho các hộ gia đình người khuyết tật đồng bào dân tộc thiểu số” do MCNV phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị và Hội Người khuyết tật – Nạn nhân Da cam/Dioxin, Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (Hội NKT-NNDC, BTNKT & BVQTE) tỉnh Quảng Trị triển khai ở các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh.

Dự án được hỗ trợ tài chính bởi Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020. Dự kiến sẽ có khoảng 100 hộ gia đình của những người khuyết tật như Chế, Ngơi và Nghiên được hỗ trợ san tạo mặt mặt đất ở và đất sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm hộ gia đình người khuyết tật khác sẽ hưởng lợi từ dự án nhờ được tiếp cận tốt hơn với các thông tin, chính sách, dịch vụ về quyền sử dụng đất, đồng thời Hội NKT-NNDC, BTNKT & BVQTE tỉnh Quảng Trị cũng được nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ hội viên người khuyết tật tiếp cận tốt hơn với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người khuyết tật.

Mới hôm qua, Chế, Ngơi và Nghiên còn trầm tư, lo lắng vì gia đình luôn thiếu gạo ăn. Hôm nay, các anh đã bắt đầu hình dung về những ngày thu hoạch vụ lúa nước đầu tiên trên mảnh đất của mình. Ngày đó không còn xa …!