Ở tổ 7, ấp Vinh Tân, xã Vang Qưới Đông, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, có một người phụ nữ đã không chỉ thoát nghèo thành công, mà còn trở thành “đầu tàu” dẫn dắt, tạo động lực cho nhiều chị em vươn lên trong cuộc sống…

Năm 2017, được Hội phụ nữ giới thiệu nguồn vốn Dự án tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại, cho đến tháng 7 năm 2017 chị Thảo đã tiếp cận nguồn vốn lần đầu với số tiền 5.000.000 đồng về chăn nuôi heo để phát triển thêm phần kinh tế của gia đình.

Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Thị Phương Thảo, trưởng nhóm Tín dụng tiết kiệm tổ 7, ấp Vinh Tân, xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại. Gặp chị Thảo bây giờ, ít ai biết được rằng, mới chỉ vài năm trước, người trưởng nhóm năng động, quyết đoán ấy vẫn còn phải lam lũ xoay xở cho sinh kế của gia đình mình. Cần cù lao động nhưng công việc làm thuê thời vụ chỉ mang lại cho vợ chồng chị Thảo nguồn thu nhập ít ỏi, bấp bênh. Trong khi đó, muốn làm kinh tế chủ động, tăng gia sản xuất thì anh chị lại không có vốn.

Với mong muốn đem lại điểm tựa thoát nghèo cho những hoàn cảnh khó khăn, giàu nghị lực, tháng 7/2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vang Quới Đông đã giới thiệu chị Nguyễn Thị Phương Thảo với nguồn vốn từ Dự án tín dụng tiết kiệm do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) triển khai tại huyện Bình Đại.

Khoản vay đầu tiên của chị Thảo trị giá 5 triệu đồng. Được các cán bộ Dự án hướng dẫn tỉ mỉ về cách quản lý, sử dụng vốn hợp lý để quay vòng vốn, trả lãi đúng hạn, chị mạnh dạn mua heo giống, thức ăn gia súc, sửa sang chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Cảm thấy nguồn vốn mang lại lợi ích thiết thực, chị Thảo đã động viên thêm các chị em có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn cùng tham gia vay vốn, và trở thành Trưởng một nhóm Tín dụng tiết kiệm với 7 thành viên mới. Với những khoản vay từ 3 đến 5 triệu đồng, họ sử dụng vốn vào những mục đích đa dạng như nuôi bò, mua máy may, xây ống hồ trữ nước…

Thấm thoát hơn ba năm đã qua kể từ ngày đầu đến với Dự án, với sự tháo vát của mình, nhóm của chị Thảo đã tích lũy đủ số vốn để mua một số máy may về, cùng 4 chị em khác học nghề may và đã lập tổ may gia công. Công việc này vừa giúp các thành viên có thu nhập ổn định, lại thoải mái về thời gian, có thể vừa làm vừa chăm sóc gia đình.

Năm 2020 đến với nhiều khó khăn do dịch COVID – 19. Nhận thức được những nguy cơ của dịch bệnh, trong các buổi họp nhóm, bên cạnh việc chia sẻ về tài chính, chị Thảo thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở các thành viên về những biện pháp an toàn như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tới nơi đông người…

Chị Thảo (đầu tiên, bên phải) và hai thành viên trong nhóm.

Tháng 9 năm 2020 đánh dấu chu kỳ vay thứ 6 của chị Nguyễn Thị Phương Thảo. Lần này số vốn vay đã tăng lên gấp 3. Với 15 triệu đồng, chị đầu tư chăm sóc vườn dừa và phát triển nhóm may gia công, tiếp tục nỗ lực làm kinh tế cho gia đình và dẫn dắt những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn./.

  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.
  • Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.