Tin tức

Quan tâm đến sức khỏe tâm thần cho học sinh

Các rối loạn tâm thần và hành vi (RLTT & HV) ở trẻ em và thanh thiếu niên rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới. Theo nghiên cứu, ở Việt Nam có khoảng 10-20% học sinh có các vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần cần được theo dõi, tư vấn và chữa trị. Các vấn đề chính trong RLTT & HV là rối loạn cảm xúc, ứng xử, tăng động, có vấn đề với bạn bè, chống đối thầy cô và ba mẹ, trầm cảm, lo âu… dẫn đến việc học sinh sa sút trong học tập và có ý tưởng tiêu cực.

Trước thực trạng SKTT và các yếu tố liên quan đến học sinh có vấn đề SKTT, vào tháng 5/2017, tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành khảo sát thực trạng SKTT tại 3 Trường THPT Vĩnh Linh, THPT A Túc (Đakrông) và THPT Đông Hà. Kết quả của cuộc khảo sát ở Trường THPT Vĩnh Linh cho thấy, có 104 em (9,03%) có vấn đề về SKTT, 56 em (5,01%) rối loạn về cảm xúc, 27 em (2,42%) có rối loạn về hành vi, 21 em (1,88%) tăng động, 19 em (1,7%) có vấn đề về bạn bè và 22 em (1,97%) có vấn đề về tiền xã hội. Các yếu tố liên quan đến học sinh có vấn đề về SKTT gồm: Hoàn cảnh kinh tế gia đình, số anh chị em trong gia đình, kết quả học tập, số lượng bạn thân… Dựa trên kết quả khảo sát này, MCNV cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định chọn Trường THPT Vĩnh Linh để thực hiện mô hình điểm về SKTT học sinh THPT với các can thiệp toàn diện.

Theo đó, dưới sự hướng dẫn của cán bộ MCNV, Trường THPT Vĩnh Linh chọn ra 13 giáo viên tích cực và tâm huyết, trong đó có ban giám hiệu và các giáo viên bộ môn cùng cán bộ y tế trường học tham gia. Nhóm giáo viên được cung cấp các kiến thức cơ bản về SKTT & RLHV, các phương pháp kỹ năng cơ bản về tư vấn cho học sinh qua 2 lớp tập huấn nhằm giúp các em có thể tự giải quyết các vấn đề và vượt qua khó khăn của mình. Ban giám hiệu nhà trường đã chọn tư vấn cho 14 em học sinh có vấn đề về RLHV, sử dụng bộ câu hỏi HDQ 25 để khảo sát tình trạng SKTT cho học sinh khối 10 qua Google Driver. Tiếp đó, ban quản lý dự án tổ chức hội thảo để chia sẻ các phương pháp trong giáo dục RLHV học sinh với giáo viên toàn trường; chia sẻ mục đích, nội dung và hoạt động của dự án cũng như một vài kết quả hoạt động của nhóm giáo viên với toàn thể giáo viên chủ nhiệm để nhận được sự phối hợp và hỗ trợ. Để dự án phát huy hiệu quả cao và tạo sự kết nối, 2 tuần một lần, các giáo viên tổ chức buổi họp để trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm và kết quả tư vấn hoặc trao đổi các vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện trên facebook kín của nhóm. Ngoài ra, nhóm giáo viên này cũng được học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ những tư vấn của các bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Thầy giáo Trương Đình Hóa, chủ nhiệm lớp 12A3 chia sẻ: “Qua 2 đợt tập huấn, chúng tôi nhận ra rằng rối loạn SKTT không phải là bệnh “điên” như nhiều người lầm tưởng mà là các rối loạn về hành vi của học sinh. Các phương pháp giải quyết vấn đề của chương trình tập huấn đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giao tiếp, nói chuyện, giáo dục với học sinh và người thân của các em. Hiện tại, chúng tôi có khá đầy đủ kiến thức và kỹ năng để phát hiện học sinh nào có RLHV, học sinh nào cần ưu tiên tư vấn và hỗ trợ trước”. Thầy Hóa là một trong những giáo viên tích cực trong chương trình, giúp đỡ nhiều em học sinh lấy lại trạng thái tâm lý bình thường và cải thiện hiệu quả học tập. Đến nay, thầy Hóa đã giúp đỡ 8 em học sinh lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và ổn định hơn trong học tập. Điển hình như có một em thường biểu hiện trầm cảm, lầm lỳ, ít tiếp xúc với ba mẹ và các bạn trong lớp. Nguyên nhân là vì bố mẹ định hướng và thúc ép em học các môn tự nhiên để thi vào ngành kế toán trong khi em học khá tốt các môn xã hội và muốn thi vào ngành tiếng Trung. Trước sức ép từ gia đình, em ngày càng ít nói và có cảm giác bạn bè trong lớp xa lánh mình. Sau khi được tập huấn, và nắm bắt trường hợp của em này, thầy Hóa tiến hành tiếp cận, tạo niềm tin và tâm sự, chia sẻ cùng em. Tiếp đó, thầy Hóa lên phương án can thiệp bằng cách trò chuyện với bố mẹ em để vận động, phân tích cho phụ huynh nhận ra vấn đề. Từ đó, họ điều chỉnh hành vi phù hợp đối với con mình. Thầy Hóa tiếp tục tạo điều kiện để em tham gia các hoạt động của lớp để tiếp xúc, giao tiếp với các bạn trong lớp nhiều hơn. Thầy cũng trò chuyện, chia sẻ với các cô, thầy giáo bộ môn để có sự quan tâm, hỗ trợ học sinh của mình. Hiện nay, học sinh này đã vui vẻ với bố mẹ, giao tiếp, hòa đồng với bạn bè và hiệu quả học tập cao hơn trước…

Nhờ sự tư vấn, theo dõi tích cực của nhóm giáo viên nên đa số học sinh Trường THPT Vĩnh Linh đã tự giác đưa ra những kế hoạch để thay đổi bản thân theo hướng tích cực như ít nghỉ học hơn, tự giác tìm thầy, bạn để hỗ trợ học bài, sắp xếp thời gian học bài khoa học, chú ý và tự giác ăn sáng để có sức khoẻ cho học tập, hạn chế các hành vi làm ảnh hưởng đến bạn bè… Qua gặp gỡ trao đổi, các bậc phụ huynh chia sẻ rằng, họ đã có sự thay đổi đáng kể trong vấn đề SKTT của học sinh, từ đó, hợp tác tốt với giáo viên trong quá trình giáo dục tâm lý cho con em mình.

Nói về hiệu quả của dự án “Sức khỏe tâm thần học sinh THPT tại trường học”, cô giáo Lê Thị Chí, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh cho biết: “Sau gần 1 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả nhất định. Nhà trường đã thấy được kết quả làm việc của nhóm giáo viên thông qua việc tư vấn cho các em học sinh có RLHV và nhận thấy sự cần thiết của tổ tư vấn nên đã quyết định thành lập Ban tư vấn học đường (từ tháng 11/2017) do hiệu trưởng làm trưởng ban, phó hiệu trưởng làm phó ban trực. Ban gồm có 37 cán bộ, giáo viên, trong đó có các giáo viên đã được tham gia dự án SKTT học sinh làm chủ chốt. Ngoài ra, trường cũng tạo điều kiện để các giáo viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, hội thảo do dự án hỗ trợ”.

Trao đổi thêm với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ phụ trách mảng tâm thần, văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam tại Quảng Trị cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, dự án vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Đại đa số giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giáo dục SKTT cho học sinh. Nhận thức về SKTT của một số giáo viên, học sinh và phụ huynh chưa thật đầy đủ, đúng đắn nên gây khó khăn cho công tác tư vấn. Công việc của giáo viên nhiều, quỹ thời gian hạn hẹp vì thế ảnh hưởng không ít đến công tác giáo dục SKTT cho học sinh.… “Thời gian tới, MCNV sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tập huấn cho đội ngũ cốt cán làm công tác giáo dục SKTT cho học sinh. Chúng tôi cũng mong rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị sớm có hướng dẫn cụ thể về chế độ, kinh phí cho hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông để các thầy cô giáo yên tâm công tác”, bác sĩ Lan cho biết thêm.

Theo Trần Tuyền, Báo Quảng Trị

Post a comment