Tin tức

Tín dụng tiết kiệm: Nguồn tiếp sức tin cậy của phụ nữ Bến Tre

Ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, hơn 10 năm nay, có một dự án được ví như nguồn tiếp sức tin cậy, giúp hàng ngàn phụ nữ vượt khó, thoát nghèo, vững vàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những đồng vốn thoát nghèo

Trước đây, gia đình chị Trương Thị Phượng (sinh năm 1972) ngụ ở Ấp Phú Thành, xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre sống dựa vào nguồn thu nhập từ mảnh vườn nhỏ trồng rau và số tiền công khiêm tốn từ việc làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng. Dù siêng năng, cần mẫn lao động nhưng cuộc sống gia đình anh chị vẫn không tránh được cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Hai con trúng tuyển Đại học, anh chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì tương lai của con sẽ sáng sủa hơn cha mẹ, lo vì việc con thành sinh viên sẽ kéo theo chồng chất chi phí trong suốt 4 năm.

Bước ngoặt đến với gia đình chị Phượng vào năm 2015, khi chị trở thành thành viên Hội liên hiệp Phụ nữ xã Phú Vang và được tiếp cận với Dự án tín dụng tiết kiệm của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và các nhà tài trợ.

Với nguồn vốn được hỗ trợ, vợ chồng chị Phượng nhanh chóng lên kế hoạch thoát nghèo. Anh chị sử dụng một phần vốn để mua gà, vịt về nuôi, phần còn lại chị Phượng dùng để mở một tiệm tạp hóa nhỏ.

Chị Trương Thị Phượng bên tiệm tạp hóa được mở nhờ nguồn vốn hỗ trợ bởi Dự án của MCNV

Chị Phượng tâm sự: Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm, việc chăn nuôi và buôn bán cũng gặp khó khăn. Nhưng nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do hội phụ nữ phối hợp tổ chức, anh chị đã nhanh chóng nắm bắt được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như kinh doanh. Số tiền lãi từ đây không chỉ là nguồn thu nhập ổn định trang trải cho đời sống gia đình, và dành dụm thêm để làm vốn quay vòng đầu tư, bên cạnh việc vay từ dự án.

Qua nhiều chu kỳ vay, qua tư vấn của cán bộ dự án và các chị em đi trước, chị Phượng đã mua thêm được 01 con bò cái, cho sinh sản thêm 02 con. Trừ hết chi phí chăn nuôi, gia đình có khoản thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. 

Việc chăn nuôi bò ít tốn thì giờ, nên cùng lúc, chồng chị Phượng có thời gian làm thêm bên ngoài. Với các công việc như phụ hồ, lưới cá, mỗi ngày anh có thể kiếm được hàng trăm nghìn đồng.

Sau 5 năm tham gia Dự án tiết kiệm tín dụng của huyện Bình Đại, vợ chồng chị Trương Thị Phượng đã quyết định làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Từ chỗ “thiếu trước, hụt sau”, giờ đây anh chị đã xây được nền tảng kinh tế vững vàng, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Căn nhà lụp xụp ngày nào cũng được sửa sang lại kiên cố, tiện nghi. 

Kinh tế ổn định, chị Phượng có thêm thời gian cho các sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, chị luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con lối xóm, các hội viên phụ nữ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chị tâm sự:

“Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, hơn ai hết, mình hiểu cái cuộc sống khổ, nghèo, thiếu thốn như thế nào, nên giờ giúp được ai điều gì là mình sẵn lòng giúp đỡ”.

Đi lên từ cảnh hàn vi, chị luôn ghi nhớ: Chính những đồng vốn và sự hỗ trợ của hội phụ nữ đã giúp chị “khởi nghiệp” và có được cuộc sống ổn định, no ấm như hôm nay…

Nước ngọt chống hạn

Những năm gần đây, Bến Tre phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn. Nguồn nước sinh hoạt do nhà máy nước cung cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống nhà máy của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn trên 2‰. 

Hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở tỉnh Bến Tre. Ảnh minh họa: TTXVN

Nằm trên cù lao An Hoá, bốn phía sông, biển bao quanh, huyện Bình Đại là địa bàn bị đe dọa bởi xâm nhập mặn, độ mặn cao, mức độ xâm nhập sâu. Người dân lao đao vì đồng chua mặn khó chăn nuôi, trồng trọt, nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất khan hiếm.

Trong “cuộc chiến” chống hạn mặn gắt gao đó, Bình Đại đã may mắn được tiếp sức bởi dự án Tín dụng tiết kiệm. Song song với hỗ trợ vốn vay sinh kế,  Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn tiếp cận vốn vay để xây ống hồ, mua dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Tới nay, 954 hộ đã được Dự án hỗ trợ tự xây ống hồ trữ nước. Từ đầu năm đến nay, dự án tiếp tục hỗ trợ cho 149 hộ vay và đang tiếp tục được chị em hưởng ứng đông đảo. 

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (ấp Tân Long, xã Thạnh Phước) cho biết: “Năm 2016, tôi đăng ký vay vốn từ Dự án 5 triệu đồng để xây 2 ống hồ chứa khoảng 4m3 nước; tiền vật tư, tiền thợ, xây ống hồ hết 6 triệu đồng…”

Chị cho biết, với 2 ống hồ nước mưa cả năm gia đình sử dụng không hết. Vào mùa nắng, nhà chị sử dụng thêm nước giếng nên dư nước mưa.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh bên ống hồ chứa nước của gia đình

Thấy được lợi ích lâu dài, năm 2018, chị tiếp tục vay thêm 5 triệu đồng từ Dự án, vận chuyển cát, đá, xi-măng về để xây thêm 2 ống hồ chứa khoảng 6 m3 nước, kinh phí khoảng 7 triệu đồng.

“Nhờ xây ống hồ chứa nước mà trong tình trạng nước mặn này gia đình tôi mới có nước sử dụng sinh hoạt, còn hiện tại nước máy đã mặn không thể nào sử dụng được…”, chị chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1985) ở ấp Vinh Tân, xã Vang Quới Đông cũng là một trong những người đã được vay vốn để tự xây dựng hệ thống trữ nước mưa, nước ngọt. Tổng thể tích trữ nước mưa mà chị đang sử dụng vào khoảng 6m3 nhỏ cho gia đình 3 người.

Chị Phương Thảo cho biết: 

“Cũng do tình hình nước nhiễm mặn đều xảy ra hàng năm nên tôi xây ống hồ để chứa nước mưa hoặc nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày. Vào năm 2016, khi biết Dự án có hỗ trợ nguồn vốn cho vay xây ống hồ, tôi làm hồ sơ đăng ký vay trong 24 tháng với mức vay là 5 triệu đồng để xây 2 ống hồ.”

Chị phấn khởi chia sẻ: “Xây được 2 ống hồ tôi rất vui, lợi ích lắm, không có ống hồ là giờ nhà tôi phải dùng nước măn như những năm trước, rồi sinh hoạt tắm rửa rất bất tiện. Sắp tới đây tôi dự định là sẽ tiếp tục vay vốn để làm thêm 2 cái ống hồ nữa do tình hình nước mặn kéo dài thì sợ sẽ không đủ nước…”

  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.
  • Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.