Sức khỏe và Dinh dưỡng – 1

MCNV ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC LỰC LƯỢNG CHỐNG DỊCH TUYẾN ĐẦU TẠI QUẢNG TRỊ

 Đại diện MCNV (trái) trao hỗ trợ cho các cán bộ Trạm Y tế xã Hướng Lập.

Nằm ở vùng biên giới giáp Lào, xã đối mặt với nguy cơ COVID-19 xâm nhập vào cộng đồng do nhập cảnh trái phép. Trước tình hình này, đội ngũ cán bộ y tế và bộ đội biên phòng xã Hướng Lập đã sát cánh trong công tác phòng dịch, với việc lập thêm các chốt kiểm soát, tăng cường phối hợp trực chốt.

Trong thời gian từ ngày 28/5 đến ngày 04/6/2021, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã trao tặng các trang thiết bị, vật phẩm phục vụ công tác phòng chống COVID-19 với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng cho Trạm Y tế và Đồn biên phòng xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Hướng Lập là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị, địa hình hiểm trở, giao thông chia cắt. Trong đợt lũ lịch sử tháng 10-11/2020, Hướng Lập từng bị cô lập hoàn toàn và chịu nhiều thiệt hại nặng nề do sạt lở đất và lũ quét.

Trong đợt lũ lịch sử tháng 10-11/2020, Hướng Lập từng bị cô lập hoàn toàn chịu nhiều thiệt hại nặng nề do sạt lở đất và lũ quét.

Trạm Y tế xã Hướng Lập là điểm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân địa phương, đa phần là đồng bào Vân Kiều. Trung bình một ngày, Trạm tiếp nhận 15 – 20 lượt người đến khám, chữa bệnh. Vào những đợt cao điểm, như ngày tiêm chủng hàng tháng, con số này lên tới 200 lượt.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trạm Y tế xã Hướng Lập có thêm chức năng tiếp nhận các trường hợp cách ly của địa phương. Trạm đã thành lập khu vực cách ly tạm thời và bố trí cán bộ trực 24/24. Tính từ tháng 4/2021 đến nay, đã có 229 trường hợp trở về từ các vùng dịch và 9 trường hợp vượt biên trái phép cách ly tập trung tại đây.

Gói hỗ trợ có ý nghĩa tiếp sức, tăng cường khả năng phòng dịch của đội ngũ cán bộ Trạm Y tế xã Hướng Lập

Thời gian gần đây, các công tác chuyên môn cũng như tổ chức hoạt động cách ly của Trạm gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng mất điện. Bởi vậy, bên cạnh các vật phẩm phòng chống COVID-19 trực tiếp như khẩu trang, nước rửa tay khô, nhiệt kế hồng ngoại thì hệ thống đèn năng lượng mặt trời là một hỗ trợ thiết thực để đáp ứng nhu cầu vận hành thiết yếu của Trạm.

“Chúng tôi hết sức cảm kích và trân trọng trước nghĩa cử cao đẹp của MCNV. Đóng góp, giúp đỡ trên là niềm động viên khích lệ lớn lao, tiếp thêm sức lực, tăng cường khả năng phòng dịch tốt hơn cho đội ngũ của Trạm Y tế”, Bác sỹ Nguyễn Thị Mùi – Trưởng Trạm y tế xã Hướng Lập chia sẻ.

Hệ thống đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt tại Trạm.

Trước đó, từ ngày 28/5-04/6/2021, MCNV cũng đã hỗ trợ các chốt biên phòng thuộc Đồn Biên phòng xã Hướng Lập các trang thiết bị gồm có 02 bếp ga, bình ga, dây điện, 12 thùng nước và dụng cụ lọc nước tại chỗ với tổng giá trị 31,5 triệu đồng. Hỗ trợ nhằm giúp các chiến sĩ đảm bảo điều kiện sinh hoạt, công tác, trong bối cảnh lực lượng biên phòng gia tăng các chốt trực, quân số để ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép để kiểm soát COVID-19.

Thượng tá Nguyễn Đình Phú (trái) bên thiết bị lọc nước do MCNV trao tặng.

Tiếp nhận gói hỗ trợ, Đại diện Đồn Biên phòng Hướng Lập, Thượng tá Nguyễn Đình Phú đã gửi lời cảm ơn chân thành tới MCNV:

“Hỗ trợ này rất thiết thực, đặc biệt hỗ trợ cho anh em tại các chốt biên phòng để đảm bảo điều kiện trực chốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19″ Thiếu tá Nguyễn Đình Phú cho biết. Dự kiến, trong tháng 6/2021, MCNV sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ thống dây điện tại các chốt trực của Đồn biên phòng xã Hướng Phùng với tổng trị giá ước tính 20 triệu đồng./.

Quảng Trị là địa bàn hợp tác chiến lược của MCNV, nơi tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tiên từ năm 1974 và luôn là tỉnh có Dự án trọng điểm của MCNV từ đó tới nay. Gần 15 năm qua, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về y tế, MCNV đã mở rộng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực phát triển khác như hoà nhập xã hội, phát triển sinh kế. Bên cạnh các Dự án hỗ trợ dài hạn, MCNV thường xuyên kết nối với các nhà hảo tâm trong và ngoài nước thực hiện những hoạt động hỗ trợ tích cực trong cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai.

Read more

Ký biên bản ghi nhớ với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về Phục hồi chức năng

Sáng 2/6, tại Hà Nội, Giám đốc quốc gia MCNV, Thạc sỹ Phạm Dũng đã tham gia lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và 8 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế về hoạt động Phục hồi chức năng.

Biên bản ghi nhớ thể hiện cam kết triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thúc đẩy phát triển ngành phục hồi chức năng Việt Nam và các hoạt động trợ giúp người khuyết tật.

08 tổ chức tham gia ký Biên bản ghi nhớ gồm: Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC); Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH); Humanity & Inclusion (HI), the International Center (IC); Viện dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD); Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững – VietHealth, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân Số (CCIHP); Ủy ban y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV),

Cùng ngày, đại diện MCNV cũng đã tham gia Hội thảo góp ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Điều số 93 về Phục hồi chức năng).

Cục Quản lý Khám chữa bệnh ký kết với 8 tổ chức phi chính phủ về Hoạt động phục hồi chức năng – Cục quản lý khám chữa bệnh

 Theo tổng điều tra quốc gia về người khuyết tật do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào tháng 1/2019, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, tương đương 7,09% dân số. Báo cáo cũng cho biết, có 13% dân số Việt Nam, ước tính gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Bên cạnh đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với khoảng 11 triệu người cao tuổi, do đó nhu cầu Phục hồi chức năng là rất cao.

Read more

Giúp hàng trăm em bé Chăm H’roi ngoan khỏe

Cách thành phố Tuy Hòa hơn 100 km về phía Tây Bắc, xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Ðồng Xuân (Phú Yên) biệt lập với đồng bằng. Ở đây có 100% bà con là người Chăm H’roi. 25% số trẻ bị suy dinh dưỡng. Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã thống kê như trên và tổ chức này đã phối hợp cùng địa phương giúp cho các em bé có những bữa ăn cũng như cuộc sống tốt hơn.

Lo suy dinh dưỡng

Trái với cái tên toát lên vẻ trù phú, màu mỡ, Phú Mỡ được biết đến là xã “3 nhất” của tỉnh Phú Yên: “cao nhất, xa nhất, nghèo nhất”.

Với nhân khẩu hơn 3000 người, 100% là dân tộc Chăm H’roi, hơn 70% người dân ở đây thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đồng bào sống bằng nghề chính là nương rẫy, thu nhập chủ yếu dựa vào cây sắn, giá cả không ổn định nên đời sống rất bấp bênh. Cơm, lá sắn, rau rừng, muối ớt là những thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày.

Theo khảo sát của MCNV và trường Đại học (ĐH) Y Dược Huế vào tháng 3/2018, 76,7% hộ gia đình xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) không có đủ lương thực thực phẩm ăn trong một năm. Trong khu dân cư, các cửa hàng tạp hóa chỉ bán mì tôm, cháo ăn liền, bánh kẹo. Ở trường mầm non cũng không tổ chức ăn bán trú hay ăn sáng, do không đủ kinh phí.

Bởi vậy, ở xã Phú Mỡ, cứ trung bình trong 100 trẻ thì có đến 25 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi hoặc thiếu cân. Cá biệt ở một số thôn tỉ lệ này lên đến trên 50%.

Chị Mang Thị Sự, 25 tuổi, có hai con: một trai (6 tuổi) và một gái (3 tuổi). Hai bé đều vàng vọt, xanh xao vì kém ăn, suy dinh dưỡng. Mỗi lần đến bữa, chị Sự phải mất rất nhiều công sức dỗ con ăn mà các bé vẫn lắc đầu quầy quậy.

Chị Mang Thị Sự chuẩn bị bữa ăn cho gia đình

Theo MCNV, bên cạnh nguyên nhân điều kiện kinh tế eo hẹp, thì nhận thức về dinh dưỡng còn hạn chế của các hộ gia đình cũng góp phần dẫn đến tình trạng này. Ngay cả những hộ có khả năng tiếp cận với thực phẩm đầy đủ hơn, trẻ vẫn biếng ăn, suy dinh dưỡng, do chế độ ăn thiếu các vi chất cần thiết.

Thay đổi nhận thức

Từ tháng 6/2018, những lo lắng của chị Mang Thị Sự và các chị em trong xã Phú Mỡ bắt đầu được giải tỏa nhờ dự án “Nhân rộng các sáng kiến phòng chống suy dinh dưỡng dựa trên các giải pháp nông nghiệp tại khu vực miền núi Việt Nam và Lào” (gọi tắt là tiếp cận Dinh dưỡng – Nông nghiệp – Nutrition Sensitive Agriculture – NSA) do MCNV triển khai.

Tham gia dự án, lần đầu tiên chị Sự được học những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, biết cách vào bếp chế biến những món ăn ngon miệng, đủ chất cho trẻ mà vẫn vừa túi tiền.

Đơn giản như cùng một số tiền, chị Sự đã biết cách đa dạng hóa các nguyên liệu thực phẩm, chế biến những món dễ ăn, phù hợp với khẩu vị và hệ tiêu hóa của trẻ. Những món ăn trên mâm cơm vừa có màu sắc bắt mắt, vừa hợp khẩu vị trẻ, và quan trọng hơn là giàu dinh dưỡng.

Chị tâm sự, các bé nhà chị bây giờ, thay vì trốn tránh, sợ hãi những giờ ăn, thì hào hứng hẳn. “Món nào có màu sắc rực rỡ nó thích lắm. Bữa nào mà con ăn được  một chén, chén rưỡi là trong lòng mình vui lắm. Nó tự ăn xong nó tự đứng lên cân hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con được mấy ký rồi?” người mẹ trẻ kể, mắt lấp lánh niềm vui.

Một người thay đổi rồi đến một nhóm, dần dần hình thành nhiều nhóm. Hàng tháng hoặc hàng tuần, các nhóm phụ nữ lại có một buổi họp mặt, chia sẻ về tình hình sức khỏe, dinh dưỡng của con cái, học hỏi những gương nuôi con khỏe, cập nhật những trường hợp cần theo dõi, chỉ cho nhau cách đi chợ, lên thực đơn, cách chế biến những món ăn bổ dưỡng, vừa túi tiền.

Giải “bài toán” dinh dưỡng

Giúp các hộ gia đình thay đổi nhận thức là một trong rất nhiều những hoạt động hỗ trợ giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng của dự án NSA. Các hoạt động được triển khai với sự tham gia chặt chẽ của bốn bên: y tế, nông nghiệp, giáo dục  và dịch vụ tư nhân.

Dưới sự phối hợp của đội ngũ cán bộ y tế địa phương, các hội thảo, tập huấn cấp huyện, xã và thôn bản được triển khai. Cán bộ y tế, các bà mẹ nhóm trưởng, giáo viên mầm non được tập huấn về dinh dưỡng, vệ sinh môi trường. Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng được can thiệp điều trị.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình được tập huấn tăng gia sản xuất, cải thiện dinh dưỡng từ chính mảnh vườn, thửa ruộng, khoảng sân nhà mình như nuôi gà đẻ trứng, trồng xen canh các loại rau, quả nhiều dinh dưỡng…

Để tăng thêm chất lượng bữa ăn của trẻ, dự án NSA cũng tài trợ cho các trường mầm non cung cấp bữa trưa, bữa sáng tại trường cũng như định hướng cho các thành phần kinh tế tư nhân (hàng ăn, tiệm tạp hóa) kinh doanh những sản phẩm dinh dưỡng như cháo dinh dưỡng, bánh, bột ngũ cốc, góp phần giúp các hộ gia đình tiếp cận với các sản phẩm dinh dưỡng một cách thuận lợi hơn.

Dự án NSA được MCNV triển khai tại huyện Đồng Xuân trong giai đoạn 2017-2020, với sự phối hợp của các đối tác là tổ chức phi chính phủ WOTRO, trường Đại học Vrije Amsterdam (Hà Lan); Đại học Nông Lâm Huế, Đại học Y Dược Huế.

Không chỉ giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam, dự án NSA còn hỗ trợ trẻ em Lào tại 10 thôn của huyện Nong – tỉnh Savannakhet. Hiện tại, phía Lào đã hoàn thành khảo sát ban đầu, được chia sẻ kiến thức và bộ công cụ khảo sát định lượng nghiên cứu, được tập huấn về phương pháp nghiên cứu, phân tích số liệu, xây dựng kế hoạch can thiệp và đã tổ chức một số hoạt động can thiệp bước đầu.

Dự án dinh dưỡng của MCNV là một nỗ lực hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) của Liên hợp quốc về xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phi Yến (Báo Thời đại)

Read more

Nông nghiệp dinh dưỡng ở Lào và Việt Nam

Cải thiện chế độ ăn uống thông qua nông nghiệp dinh dưỡng

Bối cảnh

Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng tình trạng đói kém vẫn là một vấn đề lớn ở Lào với hơn 44% trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của các em về lâu dài. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở huyện Nòng, một trong những khu vực nghèo nhất tại Lào nơi mà người dân có thể bị thiếu thốn lương thực nhiều tháng trong năm.

Vai trò của MCNV

Để giải quyết những vấn đề này, MCNV đã áp dụng cách tiếp cận nhạy cảm với dinh dưỡng đối với các hoạt động về nông nghiệp và sinh kế ở một số làng bản nghèo nhất của huyện. Cách tiếp cận này đã được sử dụng trong chương trình cải thiện dinh dưỡng của MCNV tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

Cách tiếp cận này nhằm hướng đến sự đóng góp tối đa của ngành nông nghiệp cho dinh dưỡng và ghi nhận những lợi ích từ một chế độ ăn đa dạng và có dinh dưỡng cũng như sự quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc hỗ trợ các sinh kế của nông thôn. Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm cho thị trường thì những người dân sử dụng đất đai của họ để canh tác nhiều chủng loại nông phẩm từ hoa quả, rau, vật nuôi và cá. Ở Nòng,MCNV đã hỗ trợ phát triển các ao cá, cung cấp hạt giống và dụng cụ làm vườn và nâng cao các dịch vụ thú y để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi. Cách tiếp cận của MCNV đối với nông nghiệp còn kéo theo việc khuyến khích bình đẳng giới và cung cấp giáo dục về dinh dưỡng để nhờ đó các hộ dân quen với việc cái thiện dinh dưỡng, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em. Ví dụ như chúng tôi đã xem xét sự phân công lao động giữa đàn ông và phụ nữ để đảm bảo rằng các bà mẹ có đủ thời gian để cho con của họ bú. Cuối cùng, MCNV đã áp dụng cách tiếp cận đa ngành đối với dinh dưỡng, liên kết ngành nông nghiệp với các ngành khác như giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội để giải quyết những nguyên nhân khác của tình trạng suy dinh dưỡng.

Các kết quả đạt được

Thông qua việc hợp tác với các tổ chức từ các ủy ban phát triển thôn đến Bộ nông nghiệp, MCNV đã cải thiện việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trong khi vẫn bảo tồn đất đai và nguồn nước mà những người dân vẫn sử dụng để sinh hoạt. Điều quan trọng nhất là hoạt động này đã giảm tình trạng đói và suy dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe của trẻ em để đạt được những lợi ích về lâu vê dài.

Định hướng tương lai

Trong thời gian sắp tới, MCNV sẽ làm việc với Diễn đàn kiến thức về thực phẩm và kinh doanh của đại học Vries, Hà Lan để triển khai nghiên cứu về những tác động của nông nghiệp dinh dưỡng để đảm bảo rằng mô hình này có thể được nhân rộng hơn cho nhiều người dân ở Lào và các nước khác.

Thông tin về dự án dinh dưỡng với Diễn đàn kiến thức về thực phẩm và kinh doanh ở đường link sau:

http://knowledge4food.net/research-project/scaling-up-nutrition-sensitive-agricultural-initiatives-in-vietman-and-laos/

Read more

Sức khỏe sinh sản và tình dục cho trẻ vị thành niên dân tộc thiểu số

Bối cảnh

Hướng Hóa là một huyện miền núi ở tỉnh Quảng Trị, giáp giới với Lào. Huyện Hướng Hóa có dân số gần 80.000 dân, trong đó hơn 50% là dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều và Pa Cô. MCNV hiện đang thực hiện dự án ở các thôn, bản thuộc 5 xã nằm sát biên giới. Dân số ở khu vực này là 12.353 người, trong đó có 1.999 hộ nghèo (16.2%) và 9.835 người dân tộc thiểu số (79.6%)

Ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều và Pa Cô không có chữ viết. Cũng vì lẽ đó, người dân khó tiếp cận các nguồn thông tin, còn chất lượng dịch vụ y tế thì không cao. Họ chủ yếu trồng chuối, sắn, ngô, lúa trên đồi núi có chất lượng đất kém. Họ làm việc chăm chỉ nhưng không có đủ thu nhập để có thể trang trải các chi phí về chăm sóc y tế và giáo dục. Giống như nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác, người Bru Vân Kiều và Pa Cô chịu ảnh hưởng của nghèo đói và bị tụt hậu trong quá trình phát triển.

Vấn đề

Theo phong tục tập quán địa phương, trẻ vị thành niên Bru Vân Kiều và Pa Cô được cha mẹ cho phép tự do kết bạn trai gái từ khá sớm. Các em cũng thường lập gia đình khi còn rất trẻ, đặc biệt nhiều em gái lấy chồng khi chưa đến tuổi 18. Trẻ vị thành niên có xu hướng quan hệ tình dục sớm, nhưng lại thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Điều này khiến các em dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn. Một mặt sức khỏe sinh sản và tình dục không thực sự được giảng dạy ở trường học, mặt khác trẻ vị thành niên khó tiếp cận với các nguồn thông tin có tính giáo dục về lĩnh vực này thông qua các kênh khác. Kể cả khi nhận thức rõ các vấn đề về sức khỏe sinh sản và tình dục, các trẻ vị thành niên cũng tránh đề cập đến vì lí do quá “nhạy cảm” hoặc quá “riêng tư”.

Một khảo sát với trẻ vị thành niên trong vùng năm 2013 cho thấy có đến 56% trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi đã từng quan hệ tình dục, 78% không biết tự bảo vệ để phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, 14% số em gái có thai ngoài ý muốn, và 97% thiếu các kiến thức cơ bản về ngừa thai.

Vai trò của MCNV

Năm 2015, MCNV triển khai một dự án để giúp giải quyết thực trạng này. MCNV tổ chức các hội thảo với các nhóm thanh thiếu niên và y tế thôn bản (YTTB) tích cực ở 2 xã trong vùng. Các hội thảo này giúp các thanh thiếu niên có được những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, cùng nhau phân tích những vấn đề nổi cộm của các em, xây dựng giải pháp và thống nhất kế hoạch hành động cụ thể. Các thanh thiếu niên chia sẻ các câu chuyện thực tế mà các em biết ở cộng đồng mình, về những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến chủ đề sức khỏe sinh sản và tình dục. Với sự hỗ trợ của MCNV và YTTB, các thanh thiếu niên xây dựng các câu chuyện thành những tiểu phẩm kịch bóng mờ và múa rối. Sau đó, các em trình bày những tiểu phẩm này ở cộng đồng mình để truyền thông tương tác với mọi người về những khía cạnh khác nhau . Các buổi truyền thông được các thanh thiếu niên tổ chức định kỳ hàng tháng và có sự tham gia của các nhóm sở thích khác ở cộng đồng, như nhóm hip-hop, nhóm hát RAP, CLB bóng đá, …

Bên cạnh đó, một số thanh thiếu niên đã tình nguyện bán bao cao su tại nhà mình, điều này giúp những người trẻ tuổi cảm thấy thoải mái hơn thay vì tìm đến các cơ sở y tế. Các thanh thiếu niên cũng sử dụng phương pháp kể chuyện ảnh, chuyển thể các câu chuyện ảnh sang dạng hoạt họa và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Kết quả đạt được

Một trong những thay đổi quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ vị thành niên về các vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục của mình. Các em cũng mạnh dạn chia sẻ với bạn bè, gia đình và những người xung quanh để góp phần nâng cao nhận thức của mọi người. Đây là điều mà trước đây các em không bao giờ dám làm.

Các em thanh thiếu niên ở địa bàn được can thiệp cảm thấy bản thân có vai trò và động lực để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng mình. Các em cũng trở nên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau hơn trước. Trước đây, đã từng có những mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm thanh thiếu niên ở các xã khác nhau trong vùng, điều đó khiến các em không dám đi từ xã này đến xã khác vì sợ bị đánh lộn. Bây giờ, nhờ cùng nhau tham gia các hoạt động của dự án, các em đã trở nên thân thiện, đoàn kết với nhau chứ không còn giữ thái độ thù địch. Đây có thể được xem là một giá trị gia tăng của dự án.

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi can thiệp, giám sát và đánh giá để biết thêm những thay đổi khác về kiến thức, thái độ và hành vi của thanh thiếu niên.

Định hướng tương lai

MCNV sẽ duy trì các hoạt động dự án ở 2 xã A Túc và A Xing, huyện Hướng Hóa, và tìm cách nhân rộng mô hình đến các xã lân cận trong năm 2017 và 2018 để đem lại lợi ích cho khoảng 1.300 trẻ vị thành niên trong vùng. Chúng tôi sẽ tăng cường phát huy vai trò của các nhóm phụ huynh và trường học (bậc THPT và THCS) góp phần thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đơn vị y tế và Hội Y tế thôn bản để áp dụng các sáng kiến truyền thông trực tuyến cho trẻ vị thành niên.

Các bài học kinh nghiệm của dự án này sẽ được tài liệu hóa và chia sẻ với các ngành y tế địa phương và một số tổ chức có liên quan như Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Liên minh Barefoot Guide, ARROW, ADF, WGNRR.

Read more

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

Bối cảnh

Những trẻ em sinh ra thiếu cân hoặc không được cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng trong những năm đầu đời thường có nhiều khả năng tử vong khi còn nhỏ. Nếu những đứa trẻ này có thể sống thì tình trạng suy dinh dưỡng cũng sẽ dẫn đến những vấn đề sức khỏe cũng như khả năng phát triển trí tuệ về sau. Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các nước như Việt Nam và Lào tăng đều đặn trong những thập kỉ qua, điều này cho thấy rằng tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao không thể chấp nhận được trong nhóm dân tộc thiểu số và những người có hoàn cảnh khó khăn khác. Do những bất lợi về phát triển mà trẻ em suy dinh dưỡng phải đối mặt, gia đình các em còn gặp khó khăn về mặt tài chính. Những khó khăn này khiến các em ở độ tuổi nhỏ lớn lên trở thành những thế hệ trẻ khó khăn tiếp theo.

Dinh dưỡng đầy đủ là quyền của trẻ em

Suy dinh dưỡng ở trẻ em có liên quan chặt chẽ với sự nghèo khó của cha mẹ và trình độ học vấn của cha mẹ. Đó là một vấn đề phức tạp không chỉ bao gồm việc tiếp cận thực phẩm an toàn và bổ dưỡng mà còn nâng cao nhận thức và kiến thức, niềm tin,những điều cấm kỵ đối với thực phẩm, cũng như sự giảm chất lượng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển toàn cầu trong hệ thống thực phẩm. Đối với phát triển kinh tế tự cung tự cấp trước đây của đồng bào dân tộc thiểu số (trồng cây công nghiệp thay vì thức ăn riêng của họ) và một cách hiện đại hơn (tiền để mua thức ăn vặt ở chợ) đã làm mọi thứ tệ hơn.

Chính phủ Việt Nam đã đầu tư những nỗ lực lớn trong nhiều năm qua nhưng ở các vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa sự phát triển rất chậm, nếu có. Do đó tổ chức phi chính phủ như MCNV đã sát cánh cùng các cơ quan nhà nước để áp dụng các cách tiếp cận tốt hơn phù hợp hơn với bối cảnh địa phương.

Vai trò của MCNV

Trong mười năm qua, MCNV đã đặc biệt quan tâm đến suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt tại các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên ở Việt Nam, cũng như Savannakhet tại Lào. Tại Phú Yên tập trung vào nâng cao nhận thức và hoạt động tự lực của các bà mẹ ở cấp thôn. Ở Khánh Hòa bột ngũ cốc dinh dưỡng được phát triển được sản xuất tại địa phương và được phân phối bởi hệ thống y tế cho tất cả các gia đình có trẻ em suy dinh dưỡng trong huyện. Tại Lào tập trung vào những thay đổi nông nghiệp, chẳng hạn như nhà vườn, ao cá và chăn nuôi nhỏ. Tác động tích cực đã được chứng minh trong tại một số nơi thí điểm nhưng hiện tại việc kết hợp các phương pháp tiếp cận tốt nhất để tìm ra cách hiệu quả nhất để tăng quy mô và đạt được được mục tiêu tại địa điểm rộng lớn là rất cấp bách.

Định hướng tương lai

Trong những năm tới MCNV sẽ tập trung công việc của mình vào suy dinh dưỡng ở Lào nơi mà vấn đề nghiêm trọng nhất. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách học tập có hệ thống, lấy kinh nghiệm ở Việt Nam và Lào và xem sự can thiệp như thế nào là tốt nhất có thể được áp dụng bằng cách sử dụng bối cảnh địa phương của Lào. Cùng với người dân địa phương các dịch vụ về sức khỏe, nông nghiệp và giáo dục cần phải làm việc cùng nhau. MCNV sẽ hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Đại học Tự do của Amsterdam và các viện nghiên cứu quốc gia quan trọng ở Việt Nam và Lào để đưa ra bằng chứng về hiệu quả và tính bền vững của các can thiệp. Bằng chứng này sau đó sẽ được phổ biến rộng rãi để thuyết phục các cơ quan chính phủ và các nhà hoạch định chính sách để tăng cường nỗ lực nhằm tăng số lượng trẻ em có thể bắt đầu cuộc sống với nhiều hy vọng hơn về một tương lai khỏe mạnh

Read more

Hỗ trợ người khuyết tật

Bối cảnh

Khoảng 7,8% người Việt Nam là người khuyết tật (NKT) và khoảng 75% NKT sống ở khu vực nông thôn. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật. Theo đó, Chính phủ cam kết bảo đảm quyền của NKT dựa trên nguyên tắc bình đẳng về cơ hội và phát triển hòa nhập trong một xã hội không rào cản. Để thực hiện các quyền này, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật người khuyết tật. Trên cơ sở này, trong 10 năm qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ NKT, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội và đào tạo nghề.

Vấn đề

Tuy nhiên, nhiều NKT vẫn bị tách biệt trong cuộc sống. Khoảng 35% trẻ khuyết tật ở độ tuổi tiểu học chưa từng bao giờ đi học trong khi con số này ở nhóm trẻ không khuyết tật là 3%. Vẫn còn khoảng 42% NKT có thể làm việc và mong muốn được làm việc nhưng không thể tìm được việc làm; con số này ở nhóm người không khuyết tật là 4%. NKT đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội và trong cuộc sống khi họ không thể tiếp cận được các phương tiện giao thông hoặc công trình công cộng; không thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội do ít tiếp cận được với thông tin và truyền thông; không thể hưởng lợi từ quá trình phát triển vì tiếng nói của họ không được lắng nghe và nhu cầu của không được tính đến trong thiết kế các chương trình. Nguyên nhân là do năng lực hạn chế của các bên cung cấp dịch vụ công trong quá trình thực thi chính sách và của cả NKT trong việc lên tiếng, thể hiện nhu cầu trong khi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với NKT vẫn còn tồn tại.

Vai trò của MCNV

Nhiều năm qua, MCNV đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hòa nhâp cho NKT ở Việt Nam. Chương trình hỗ trợ NKT được bắt đầu với các hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (CBR) như là một phần trong Chương trình phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý (CMHD) ở tỉnh Quảng Trị vào đầu những năm 1990. Sau đó, các hoạt động được mở rộng và triển khai tại các tỉnh Đăk Lăk (1998), Cao Bằng (2001), Phú Yên (2002), Khánh Hòa (2005) và Điện Biên (2014). Hiện tại, Chương trình hỗ trợ NKT của MCNV có bốn hợp phần, gồm:

  • Phục hồi chức năng y tế
  • Giáo dục hòa nhập
  • Tăng thu nhập
  • Tăng cường năng lực cho NKT và các tổ chức của NKT

Chương trình hỗ trợ NKT được thực hiện với sự hợp tác của các đối tác nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương, dựa trên hệ thống dịch vụ công có sẵn. MCNV luôn luôn huy động sự tham gia của NKT và gia đình trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Chương trình chú trọng vào việc tạo ra các dịch vụ mới phù hợp với hoàn cảnh văn hóa và nguồn lực của địa phương nhằm mục đích tạo ra những thay đổi bền vững về chất lượng cuộc sống của NKT. Chương trình cũng tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng năng lực cho các bên liên quan từ cấp độ cá nhân, bao gồm cả NKT, đến cấp độ thể chế/mạng lưới. Tất cả những hỗ trợ cho NKT đều dựa trên nhu cầu thực tế của bản thân NKT và được cung cấp, quản lý với sự tham gia đầy đủ của NKT.

Kết quả đạt được

Hơn 20.000 NKT, trẻ em khuyết tật và gia đình của NKT đã được hưởng lợi từ các hoạt động hỗ trợ về y tế, giáo dục, tài chính và xã hội của chương trình. Khoảng 60% NKT cải thiện được tình trạng tự lập của mình trong cuộc sống hằng ngày nhờ vào các hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng tại nhà và dịch vụ chuyển tuyến. 70% NKT nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo nhờ vào các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho các hoạt động tăng thu nhập. 88% trẻ khuyết tật ở tuổi đi học trên địa bàn dự án được tiếp cận với giáo dục phù hợp. Tổng cộng có 47 Hội NKT được hỗ trợ để góp tiếng nói và bày tỏ quan điểm của NKT thông qua kênh truyền thông và các cuộc đối thoại về chính sách và dịch vụ ở tại cộng đồng của họ. Những Hội NKT này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho 55% thành viên của mình tham gia vào các hoạt động thể thao và xã hội ở tất cả các cấp. Mô hình CBR do MCNV khởi xướng được Bộ Y tế ghi nhận, đưa vào chính sách về phục hồi chức năng và được các địa phương khác học tập và áp dụng.

Định hướng tương lai

MCNV sẽ áp dụng các bài học kinh nghiệm hỗ trợ NKT cho những địa bàn mới, ưu tiên khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình sẽ chú trọng vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan để lồng ghép vấn đề khuyết tật vào các chương trình phát triển chung của cộng đồng xã hội. Các dự án cụ thể sẽ được thiết kế cho NKT và các tổ chức, hội của NKT nhằm tăng cường năng lực vận động chính sách về quyền của NKT. MCNV cũng sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng nguồn nhân lực liên quan đến khuyết tật, đồng thời cũng sẽ thu thập bằng chứng về chi phí – hiệu quả của các can thiệp để làm căn cứ vận động chính sách.

Read more

Phát triển mạng lưới nhân viên y tế thôn bản

Bối cảnh

Ở Việt Nam, nhân viên y tế thôn bản (YTTB) là những người hoạt động ở cơ sở, gần gũi với người dân và thường được ví von là “cánh tay nối dài” của ngành y tế. Nhân viên YTTB hoạt động như những tình nguyện viên, được tập huấn, đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhân viên YTTB có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công việc của họ chủ yếu gắn liền với hoạt động của các trạm y tế xã, phường. Ở địa phương của mình, YTTB tham gia công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn sức khỏe và họ được đa số người dân biết đến. Các hoạt động của YTTB rất quan trọng không chỉ cho người dân ở cộng đồng mà còn quan trọng cho ngành y tế, đặc biệt trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho nhóm người nghèo và đồng bào vùng sâu vùng xa.

Vai trò của MCNV

Trong nhiều năm qua, MCNV hỗ trợ xây dựng năng lực và nâng cao chất lượng công việc của YTTB ở 3 tỉnh Cao Bằng, Phú Yên và Quảng Trị. Ở các tỉnh này, Hội YTTB đã được thành lập với mạng lưới khoảng 1.200 hội viên ở Cao Bằng, 700 hội viên ở Phú Yên và 1.100 hội viên ở Quảng Trị. Việc thành lập Hội YTTB nhằm hướng đến đáp ứng nhu cầu của YTTB về học tập, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. Hội YTTB cũng đóng vai trò đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của nhân viên YTTB.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của YTTB là truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Điều này được nêu rõ trong Thông tư 07/2013/TT-BYT của Bộ Y tế. MCNV giúp các Hội YTTB nâng cao chất lượng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe bằng cách học hỏi và áp dụng các phương pháp sáng tạo trong truyền thông thay đổi hành vi. Một số phương pháp sáng tạo mà các Hội YTTB đã áp dụng bao gồm kịch, kịch bóng mờ, sáng tác và hát dân ca, phương pháp cùng tham gia làm phim, “ảnh biết nói” và múa rối. Tuy khác nhau về mặt kỹ thuật những những phương pháp này hướng đến tăng cường sự tương tác giữa YTTB và người dân và có thể áp dụng được đối với hầu hết các chủ đề khác nhau. Hiện nay, các Hội YTTB đã có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm sử dụng những phương pháp này, áp dụng một cách hiệu quả và thường xuyên để góp phần thay đổi kiến thức, thái độ và hành vi của người dân về các vấn đề sức khỏe. Trong giai đoạn 2011-2015, các Hội YTTB ở các tỉnh Cao Bằng, Phú Yên và Quảng Trị đã áp dụng các phương pháp này để thực hiện tổng cộng 807 buổi truyền thông cho các nhóm đối tượng khác nhau, thu hút sự tham gia của hơn 26.500 người dân ở 3 tỉnh.

Hoạt động của các Hội YTTB được chính quyền và các tổ chức, đoàn thể đánh giá cao. Trong những năm qua, các Hội YTTB đã hợp tác với nhiều đơn vị trong ngành y tế, chẳng hạn như Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và các Trung tâm y tế huyện, trong các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng. Ở Quảng Trị, Hội YTTB đã tập huấn phương pháp truyền thông sáng tạo cho CLB những người bị mắc nhiễm HIV, sau đó chính những thành viên của CLB này thực hiện các buổi truyền thông với người dân để trao đổi về chủ đề này. Các hội YTTB cũng có nhiều kinh nghiệm làm việc với các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Một trong những can thiệp đáng chú ý của Hội YTTB là sử dụng các phương pháp sáng tạo để truyền thông cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt – Lào nhằm góp phần đối phó với các vấn đề sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên.

Kết quả đạt được

Các hội YTTB cũng thường hợp tác và hỗ trợ các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là các hội/CLB người khuyết tật, trong việc sử dụng các phương pháp sáng tạo để bồi dưỡng kỹ năng sống cho người khuyết tật. Ở Quảng Trị, Hội YTTB được một số tổ chức quốc tế như World Vision International hay Handicapped International mời tập huấn cho các tổ chức đối tác của họ. Năm 2013, Hội YTTB Quảng Trị tham gia cùng MCNV để hướng dẫn các tập huấn tương tự cho các đối tác của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ở các tỉnh Bến Tre và Hải Dương. Trước đó, Hội YTTB cũng đã từng tập huấn phương pháp truyền thông sáng tạo cho tình nguyện viên y tế ở huyện Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào.

Định hướng tương lai

Mô hình hoạt động của Hội YTTB ở các tỉnh Cao Bằng, Phú Yên và Quảng Trị đã được chia sẻ với Bộ Y tế và được Bộ đánh giá cao. Các Hội YTTB này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nhân rộng mô hình hội YTTB ở các tỉnh khác ở Việt Nam trong tương lai.

Read more

sức khỏe sinh sản và tình dục ở tỉnh Điện Biên

Bối cảnh

Thanh niên Việt Nam, đặc biệt là nhóm thanh niên dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi ở Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe và vấn đề xã hội. Đây là hệ quả của việc thiếu kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS). Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi thanh niên và vị thành niên cao nhất thế giới, 83,3 trường hợp/1000 phụ nữ. Năm 2012, Việt Nam cũng là đất nước đứng đầu về số ca HIV nhiễm mới trong khu vực các quốc gia đất liền của Đông Nam Á, và hơn 1/3 số người nhiễm HIV trong độ tuổi dưới 30. Đại dịch HIV đang có xu hướng phát triển nhanh hơn ở những khu vực có trình độ học vấn thấp, và thường là vùng dân tộc thiểu số. Rất nhiều những vấn đề hiện nay là hệ quả của việc thiếu giáo dục toàn diện về SKSS và HIV ở nhóm người trẻ tuổi. Nhóm này chưa được cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự tin bảo vệ chính mình để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Xu hướng gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân, tảo hôn và sinh con sớm ngày càng phổ biến ở nhóm này. Bên cạnh đó, tình trạng nghèo đói và môi trường sinh sống tại khu vực xa xôi hẻo lánh là các yếu tố giới hạn đáng kể sự tiếp cận thông tin về SKSS. Ở những khu vực này, kết quả của chương trình giáo dục sức khỏe đang bị ảnh hưởng tiêu cực do thiếu các dịch vụ thân thiện về SKSS và HIV dành cho nhóm thanh thiếu niên.

Vai trò của MCNV

Nhằm góp phần nâng cao SKSS, sức khỏe tình dục tại Việt Nam, MCNV đã chủ trương hỗ trợ nhóm vị thành niên dân tộc thiểu số trong việc nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục SKSS và các dịch vụ liên quan. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành triển khai một dự án thí điểm tại Điện Biên, có tên gọi: “tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT miền núi tỉnh Điện Biên”. Dự án này được triển khai trong 3 năm tại 2 trường THPT nhằm tổ chức các hoạt động giáo dục và kỹ năng sống về SKSS cho các học sinh vị thành niên dân tộc thiểu số, trang bị kiến thức và kỹ năng về các hành vi an toàn tình dục cho học sinh qua đó giúp đối tượng đích có thêm nhiều lựa chọn và quyết định trong lĩnh vực SKSS.

Hoạt động giáo dục của dự án tập trung vào đối tượng dân tộc thiểu số tại các trường nội trú với các hoạt động tiếp cận dựa vào nhà trường và câu lạc bộ. Những thông tin truyền thông về SKSS sẽ được cung cấp bởi giáo viên, nhân viên y tế, cùng phối hợp với sự chia sẻ của nhóm phụ nữ sống chung với H. Câu lạc bộ của học sinh được thành lập và duy trì nhằm kết nối học sinh với một cộng đồng rộng rãi, bao gồm cả bên trong và bên ngoài nhà trường, thông qua các hoạt động truyền thông sáng tạo như kịch/tiểu phẩm, bài hát, âm nhạc, trò chơi, sự kiện truyền thông.

Dự án cũng sử dụng những kênh truyền thông đa phương tiện để kết nối và truyền thông cho học sinh. Những kiến thức và kỹ năng mới về phương pháp theo từng chủ đề được hướng dẫn cụ thể trong tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên tạo cơ hội cho giáo viên có khả năng sáng tạo, và học hỏi nhiều phương pháp dạy học tích cực và hiện đại. Bằng những việc làm đó, kiến thức và kỹ năng của giáo viên được nâng cao, củng cố thêm nghiệp vụ giáo dục nhằm giảng dạy tốt hơn về những đề tài nhạy cảm về sức khỏe sinh sản.

Định hướng tương lai

Trong tương lai, MCNV mong muốn mở rộng dự án này tới các trường khác tại tỉnh Điện Biên và các tỉnh khác tại Việt Nam. Sau khi kết thúc dự án thí điểm, bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục SKSS dành cho giáo viên sẽ được xuất bản và và giới thiệu trong hệ thống giáo dục từ cấp quốc gia đến cấp quận huyện. Những can thiệp của dự án cũng sẽ được chia sẻ rộng rãi ở trong khu vực, đặc biệt là trong Diễn đàn sức khỏe vị thành niên vừa được tổ chức tại Lào vào tháng 11 năm 2016.

Read more