Trồng cây “chữa lành” vết thương của rừng ở một điểm sạt lở do lũ quét năm 2020.
Ngày 30/7 vừa qua, MCNV, tổ chức DFS (Đức), Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ và trường THPT Đông Hà đã tổ chức tour dã ngoại ket hop giáo dục thiên nhiên và môi trường dành cho học sinh tại vùng dự án của MCNV tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Đoàn tham quan tại làng du lịch sinh thái Chênh Vênh
Chuyến tham quan đã mang tới cho 39 học sinh trường THPT Đông Hà cùng các thầy cô giáo và phụ huynh những hiểu biết về giá trị của thiên nhiên, bao gồm, hệ sinh thái và rừng, nâng cao ý thức về biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, thúc đẩy hành động vì môi trường.
Trồng cây tại vùng bị sạt lở do trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020.
“Mọi thứ ở đây thật mới mẻ, lạ lẫm với em. Khi bắt đầu bước chân vào rừng, cũng giống như các bạn khác, em hơi lo là mình sẽ gặp vắt. Nhưng rồi, em phát hiện ra rằng, chuyến đi đã mang lại những bài học về thiên nhiên, môi trường. Những khoảnh khắc trải nghiệm này cũng là dịp để chúng em tập đối diện với nỗi sợ và vượt qua thử thách.”
Em Trần Nguyễn Phi Uyên thăm vùng trồng cà phê và chanh dây.Giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và các hoạt động tạo thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ.
“Tôi rất ấn tượng với chương trình này”, thầy Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng trường THPT Đông Hà cho biết. “Tất cả các em học sinh tham gia chương trình đều sống ở thành phố Đông Hà, chưa có dịp được tìm hiểu về rừng cũng như tiếp cận với cuộc sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc. Lần này các em đã có những trải nghiệm rất ý nghĩa.”
Thầy Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà
“Như tôi được biết, đây là lần đầu tiên một chương trình tham quan-học hỏi như thế này được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều chương trình tương tự được tổ chức trong tương lai, thu hút thêm nhiều học sinh tham gia!” thầy Hoàng Văn Minh chia sẻ.
Lịch sử gần 55 năm đồng hành cùng Quảng Trị của MCNV đã được phản ánh sinh động qua sự kiện triển lãm & tọa đàm “Quảng Trị – Điểm đến của ký ức” & “Quảng Trị – Khát vọng hòa bình” diễn ra ngày 25/7/2022.
Khách tham quan Bảo tàng MCNVTrước Bảo tàng MCNVTập thể cán bộ MCNV tại sự kiện.Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thăm triển lãm.Tập thể cán bộ MCNV tại sự kiện.Ông Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.Giám đốc MCNV Phạm Dũng và Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (nhiệm kỳ 2017-2020) bà Ngô Thị Hoà.Giám đốc MCNV Phạm Dũng và Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (nhiệm kỳ 2002-2006) Đinh Thị Minh Huyền.Ông Ad Spijker, cựu tình nguyện viên MCNV, nguyên đại diện tổ chức Nông – Lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam trình bày tham luận tại tọa đàm.
Chuỗi sự kiện do Viện Phim Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, các đơn vị liên quan trong đó có MCNV phối hợp tổ chức.
Triển lãm được tổ chức trong không gian ý nghĩa là Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị.
Triển lãm trưng bày khoảng 200 bức ảnh, áp phích và hiện vật về Quảng Trị theo 4 chủ đề: “Hồi ức Quảng Trị”, “Đoàn kết quốc tế vì Quảng Trị”, “Hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh”, “Quảng Trị – Điểm đến an toàn và thân thiện”.
Chủ đề “Đoàn kết quốc tế vì Quảng Trị” trưng bày nhiều bức ảnh tư liệu quý phản ánh những hỗ trợ của MCNV, “cầu nối” tình đoàn kết của nhân dân Hà Lan dành cho tỉnh Quảng Trị như ủng hộ thuốc men, nhu yếu phẩm trong thời chiến, quá trình xây dựng bệnh viện Đông Hà, đào tạo cán bộ y tế sau chiến tranh…
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Dũng, Giám đốc MCNV phát biểu: “MCNV vô cùng vinh dự và tự hào khi đã và đang giữ vững vai trò là cầu nối mang tấm lòng của bè bạn quốc tế, không chỉ Hà Lan mà cả cộng đồng Châu Âu, và thời gian qua có thêm tình đoàn kết của người dân Mỹ, đến với nhân dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới”./.
Ngày 18/6, đoàn công tác của tổ chức WWF từ Anh và Việt Nam đã tới thăm vùng dự án PROSPER do Liên minh Châu Âu (EU) và MCNV tài trợ thực hiện tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Thăm vùng nguyên liệu bồ kết cùng đội tuần tra rừng của thôn Trăng Tà Puồng
Chuyến thăm nhằm mục tiêu đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận Khung hợp tác giữa MCNV và WWF vào ngày 15/12/2021 liên quan đến dự án PROSPER và các Dự án thuộc Chương trình Rừng của WWF-Việt Nam ở Trung Trường Sơn (CAL).
Thăm vùng trồng trẩu xen cây bản địa
Thông qua việc huy động các nguồn lực để đóng góp nhiều hơn vào quản lý rừng bền vững, Thỏa thuận Khung tập trung vào các lĩnh vực: (i) Cải thiện và duy trì hệ thống chứng nhận FSC® của Hội CCR Quảng Trị; (ii) Thúc đẩy liên kết thị trường giữa giữa các nhóm hộ và công ty chế biến đối với các chuỗi cung ứng liên quan như mây tre có chứng chỉ FSC và các lâm sản ngoài gỗ khác; (iii) Hỗ trợ các mô hình kinh doanh tiềm năng để phát triển các dự án về tre, dược liệu, tiếp cận được nguồn tài trợ từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan và Quỹ Phục hồi Cảnh quan; và (iv) Phát triển các đề xuất dự án về phục hồi rừng trồng bằng cây bản địa và các loại cây lâm sản ngoài gỗ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. /.
Trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, MCNV triển khai thí điểm mô hình phục hồi chức năng (PHCN) theo nhóm đa chuyên ngành tại 9 cơ sở y tế ở 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, gồm:
Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng Tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm y tế Huyện Phú Vang, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm y tế Huyện Phú Ninh.
Để thực hiện mô hình, MCNV cần tuyển dụng một (01) chuyên gia tư vấn để hỗ trợ điều phối và giám sát sự tham gia của các cơ sở y tế. Thời gian làm việc: tháng 7 – tháng 12 năm 2022.
Hạn nộp hồ sơ: trước ngày 1/7/2022.
Thông tin chi tiết: https://drive.google.com/file/d/175e72hFINllsFZchV5Q-5Mfw1gGed6mW/view?usp=sharing
Đoàn trao đổi với một nông dân người dân tộc thiểu số tại vườn cà phê áp dụng phương thức nông lâm kết hợp
Ngày 14/6/2022, đoàn công tác gồm đại diện tập đoàn tư vấn Gesellschaft für Agrarprojekte (GFA), Deutsche Forstservice GmbH (DFS) (CHLB Đức) và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã có chuyến thăm và làm việc tại vùng dự án PROSPER do Liên minh Châu Âu và MCNV tài trợ tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Thăm vùng nguyên liệu Tràm Năm Gân tại xã Hướng Phùng
Trong chuyến công tác, đoàn đã tham quan mô hình trồng cà phê theo hướng nông-lâm kết hợp, thăm vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ và tham gia tour du lịch trải nghiệm các điểm đến tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, nơi có rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận FSC® về quản lý rừng bền vững.
Tham quan Đồi Sa Mươi thuộc rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được cấp chứng nhận
Mục tiêu của chuyến công tác nhằm thiết kế và triển khai dịch vụ du lịch giáo dục về thiên nhiên và môi trường gắn với công tác quản lý rừng bền vững tại địa phương, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới để khai thác những thế mạnh và tiềm năng của du lịch địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái do cộng đồng quản lý./.
Cuối tháng 5/2022, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), thuộc Bộ Quốc phòng, Sở Lao động- Thương binh – Xã hội và Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (dự án Hòa nhập 3) – hợp phần tại tỉnh Tây Ninh”.
Bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhà thầu quản lý – Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và các nhà thầu thực hiện dự án, gồm tổ chức MCNV, Tổ chức Hỗ trợ người Khuyết tật Việt Nam (VNAH), Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth), Công ty Tư vấn Giáo dục Hoàng Đức, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD).
Ông Nguyễn Quốc Hùng (NACCET) phát biểu tại Hội nghị.
Được thực hiện trong giai đoạn từ 2021-2026, dự án Hòa nhập do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với NACCET là cơ quan chủ quản, được triển khai tại 8 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.
Hợp phần tại tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tổng quát là hỗ trợ trực tiếp cho 7.500 người khuyết tật, cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống của 75% trong số này (khoảng 5.625 người).
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung (tổ chức CSIP) phát biểu tại Hội nghị.
Mục tiêu chung của dự án được xây dựng từ 4 mục tiêu cụ thể là: mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng (PHCN), dịch vụ xã hội, cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của NKT và tăng cường năng lực quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ NKT của các cấp, các ban ngành liên quan.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kế hoạch triển khai các hoạt động dự án, thảo luận và thống nhất về cơ chế phối hợp, điều phối, lập kế hoạch, báo cáo của các bên liên quan trong quá trình triển khai dự án tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra về các mặt chất lượng, số lượng cũng như tiến độ.
Là một trong những nhà thầu thực hiện, MCNV sẽ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ PHCN tại tỉnh Tây Ninh thông qua hoạt động huấn luyện kỹ năng lâm sàng cho 15 cán bộ PHCN (12 cán bộ vật lý trị liệu, 3 cán bộ ngôn ngữ trị liệu) trong thời gian 6 tháng (tháng 6/2022 đến tháng 12/2022).
ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Công tác huấn luyện sẽ được triển khai theo hình thức ghép cặp 1 huấn luyện viên – 1 học viên hoặc theo nhóm (tối đa 3 học viên), kế hoạch huấn luyện được xây dựng cho từng học viên. Chương trình huấn luyện NNTL được thực hiện trực tuyến và với VLTL sẽ là trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dự kiến sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, 15 kỹ thuật viên, cán bộ thực hành PHCN sẽ cung cấp dịch vụ PHCN chất lượng tới 540 bệnh nhân và 129 NKT và cải thiện chức năng cho100 NKT trong số này./.
Ngày 3/6/2022, MCNV đã ký kết chuyển giao dự án Tín dụng tiết kiệm (TDTK) Bình Đại cho đối tác địa phương là Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bình Đại và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Đại tiếp tục quản lý và vận hành.
Các đại biểu tại lễ ký bàn giao dự án.
Lễ ký kết có sự tham dự của ông Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam; ông Phạm Hữu Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại – Trưởng ban quản lý dự án TDTK Bình Đại; bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch hội LHPN huyện Bình Đại – Phó ban quản lý cùng sự tham gia của các Sở, Ban, Ngành tỉnh Bến Tre và đại diện UBND cùng Hội LHPN của 11 xã và thị trấn thuộc dự án.
Giám đốc MCNV, ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ bàn giao.
Ông Phạm Dũng phát biểu tại lễ chuyển giao dự án đã cho biết: “Dự án TDTK huyện Bình Đại là biểu tượng cho sự hợp tác lâu dài giữa MCNV và tỉnh Bến Tre. Dự án là niềm tự hào của MCNV về tính bền vững, hiệu quả tài chính và tác động xã hội. Cách tiếp cận linh hoạt của dự án thông qua công cụ tài chính vi mô đã hỗ trợ cho phụ nữ nghèo tại huyện Bình Đại có kiến thức và nguồn vốn để vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cho phép dự án hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho cộng đồng thích ứng với hạn mặn, giúp địa phương đạt được một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Sau khi chuyển giao, UBND huyện Bình Đại cùng Hội LHPN tỉnh và huyện sẽ tiếp tục quản lý và vận hành dự án theo quy chế dự án, đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của phụ nữ nghèo trong phục hồi kinh tế hậu COVID. Dự án cũng sẽ trở thành một đối tác của MCNV trong những dự án sẽ được phát triển tiếp theo hỗ trợ cho Bến Tre và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời BQL dự án cam kết báo cáo và duy trì mối quan hệ với các nhà tài trợ Hà Lan đã và đang hỗ trợ cho dự án như quỹ Mfm, Huzla và các nhà tài trợ cá nhân Hà Lan./.
Dự án TDTK Bình Đại được hình thành năm 2009 trên hai xã ban đầu với số vốn gần 300tr đồng.
Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, phục vụ khoảng 1700 khách hàng thường xuyên vay vốn tín dung vi mô và tiết kiệm với tổng nguồn vốn quay vòng trên 12 tỷ VND.
Tính đến nay dự án đã cung cấp hơn 8800 khoản vay hỗ trợ cho hàng nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
TS. BS. Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Trong 3 ngày 20-22/5/2022, tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo y khoa liên tục về cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) tại nhà cho 20 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN của Khoa PHCN, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc (ĐKKV MNPB) Quảng Nam.
ThS.BS. Hà Chân Nhân,Trưởng Bộ môn PHCN Trường ĐHYD Huế giới thiệu về Phân loại quốc tế về hoạt động chức năng, khuyết tật và sức khỏe (khung ICF).
Trong 3 ngày diễn ra khóa đào tạo, các học viên đã được tăng cường những kiến thức, kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà một cách toàn diện, theo cách tiếp cận đa chuyên ngành với quy trình 4 bước: khám lượng giá và xác định mục tiêu, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá kết quả can thiệp.
Hoạt động thảo luận nhóm
Lớp tập huấn được thiết kế với nhiều nội dung phong phú, mang tính thực tiễn cao, bao gồm: hướng dẫn tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, các nội dung lý thuyết kết hợp với hoạt động thảo luận nhóm và thực hành lâm sàng về PHCN đa chuyên ngành, công cụ lượng giá hoạt động chức năng. Đặc biệt, các học viên được thực hành các bước triển khai cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà cho 2 bệnh nhân ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua phối hợp nhóm đa chuyên ngành, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu.
Thực hành khám lượng giá theo nhóm đa chuyên ngành trên bệnh nhân
Sau 2 ngày học lý thuyết và thực hành trên lớp tại bệnh viện, học viên được chia thành bốn nhóm, thực hành 2 trong số 4 bước cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, gồm khám lượng giá, xác định mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp trên hai trường hợp: một bệnh nhân nữ liệt tủy do chấn thương cột sống và một bệnh nhân nam bị liệt do di chứng tai biến mạch máu não.
Học viên thực hành lượng giá tại nhà bệnh nhân
Đánh giá tổng kết khóa học, ThS.BS.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhận xét: Về cơ bản, các học viên đã phân biệt được sự khác nhau giữa cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà và tại bệnh viện, thực hiện được các bước theo trình tự hợp lý, theo đúng hướng tiếp cận đa chuyên ngành và đã có cái nhìn tổng quát hơn về PHCN. ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhấn mạnh nguyên tắc “coi người khuyết tật là trung tâm” cũng như lưu ý với các học viên về tầm quan trọng của việc tương tác, phối hợp với gia đình người khuyết tật để việc cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà được triển khai thuận lợi và hiệu quả.
ThS.BS. Phạm Dũng phát biểu tổng kết khóa đào tạo.
Khoá đào tạo 3 ngày là một hoạt động để chuẩn bị cho việc triển khai mô hình cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc phòng; nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Toàn bộ 20 học viên sẽ được Trường ĐHYD Huế cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục. Sau khóa đào tạo, các học viên sẽ thực hiện khám sàng lọc 300 người khuyết tật tại các xã thuộc Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam; trong đó 200 người khuyết tật vận động sẽ được nhận các dịch vụ can thiệp PHCN tại nhà bởi nhóm cán bộ PHCN đa chuyên ngành của Bệnh viện ĐKKV MNPB Quảng Nam./.
Tập thể học viên cùng Ban Giám hiệu trường ĐHYD Huế, USAID, và MCNV tại lễ khai giảng
Ngày 16/5/2022, tại Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành hoạt động trị liệu (HĐTL).
Lễ khai giảng có sự tham dự của đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Ban Giám hiệu Trường ĐHYD Huế; các thầy, cô giáo phụ trách lớp học và 34 học viên là các điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN, y sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế của các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định.
Khóa đào tạo HĐTL này nằm trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2 do USAID tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc Phòng. Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) là hai nhà thầu quản lí của Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2. Với vai trò là nhà thầu thực hiện, một trong những mục tiêu MCNV đặt ra là triển khai các khóa đào tạo để cung cấp thêm lực lượng cán bộ mới tham gia vào hoạt động chuyên môn PHCN.
Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế đã bày tỏ sự trân trọng đối với những hỗ trợ tích cực của Dự án dành cho Trường ĐHYD Huế nói chung và Bộ môn PHCN nói riêng trong việc phát triển năng lực, kỹ thuật chuyên môn và những hỗ trợ về cơ sở vật chất cần thiết để triển khai hoạt động thực hành cho các khóa đào tạo HĐTL. GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐTL trong mô hình PHCN đa chuyên ngành, cùng các biện pháp trị liệu khác như Vật lý trị liệu (VLTL), Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, chăm sóc điều dưỡng và các chuyên khoa khác trong việc cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người khuyết tật.
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế phát biểu khai mạc tại lễ khai giảng
Đại diện cho các nhà thầu quản lý và thực hiện dự án, ThS. BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của chương trình đào tạo ngắn hạn này, trong đó có những đóng góp không thể thiếu của Trường ĐHYD Huế và các anh, chị học viên.
ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhận định: Khóa học có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống PHCN tại các địa phương. Các anh, chị học viên thuộc số những người đầu tiên được đào tạo HĐTL tại Việt Nam. MCNV và lãnh đạo các đơn vị gửi gắm niềm tin sâu sắc vào những nỗ lực của các anh, chị học viên trong việc hoàn thành tốt khóa học, hoàn thành mục tiêu dự án cũng như mục tiêu nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại các địa phương. Ông cũng bày tỏ mong đợi Trường ĐHYD Huế sẽ trở thành một trung tâm đào tạo về HĐTL cho các tỉnh miền Trung với các khóa đào tạo ngắn hạn được thiết kế tốt, đào tạo có chất lượng và hiệu quả, góp phần lấp đầy những khoảng trống về nhân lực trong hệ thống PHCN.
ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại buổi lễ khai giảng
Chương trình khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành HĐTL được thiết kế với 13 môn học, giảng dạy trong tổng số 750 giờ học (225 giờ lý thuyết và 525 giờ thực hành). Khóa học được chia thành 3 kỳ học, mỗi kỳ 10 tuần, giữa các học kỳ tại trường ĐHYD Huế, các học viên sẽ quay trở lại cơ sở y tế của mình để tự học trong 2 tuần với bài tập được giao nhằm ứng dụng các kiến thức, kĩ năng được học tại chính cơ sở y tế nơi học viên đang công tác.
ThS. BS. Hà Chân Nhân, Trưởng Bộ môn PHCN, Trường ĐHYD Huế trình bày về Chương trình khóa học tại lễ khai giảng
Anh Lê Đại Dương, kỹ thuật viên PHCN, Khoa PHCN, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, một trong số những học viên của khóa học cho biết, anh từng được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về HĐTL qua một khóa học 7 tuần, nội dung chính là can thiệp HĐTL cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Anh Dương mong đợi, khóa học 9 tháng tới đây sẽ cung cấp cho anh những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn về HĐTL để có thể can thiệp hỗ trợ cho những loại hình bệnh tật đa dạng mà bệnh viện thường tiếp nhận như tổn thương não, tai biến sau tai nạn, tổn thương tủy sống, v.v…
Chị Lê Thị Quỳnh Vân, Khoa Nội tổng hợp – An dưỡng – Nhi, Bệnh viện Y Dược cổ truyền – PHCN Tỉnh Kon Tum cho biết: Tại đơn vị công tác, nhu cầu bệnh nhân cần tới HĐTL là rất lớn, nhất là trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn rất hạn chế, chỉ tập trung vào VLTL. Thông qua khóa học, chị Quỳnh Vân hi vọng bản thân sẽ trau dồi được những kiến thức và kỹ năng về lượng giá, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá sau can thiệp, góp phần vào việc phát triển HĐTL tại bệnh viện, giúp các bệnh nhân có điều kiện được tiếp cận với HĐTL ngay tại khu vực sinh sống, thay vì phải di chuyển xa.
Đại diện các học viên, anh Đặng Xuân Tùng, Kĩ thuật viên VLTL, Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ sự cảm ơn đối với dự án tại lễ khai giảng
Ngay sau lễ khai giảng, các học viên sẽ tham gia buổi học đầu tiên vào sáng 17/5/2022 tại Trường ĐHYD Huế. Kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục về PHCN chuyên ngành HĐTL./.
Tập thể học viên cùng Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và USAID, NACCET, CCIHP, CCRD và MCNV
Ngày 18/5/2022, trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ khai giảng khóa học PHCN cơ bản.
Lễ khai giảng có sự tham dự của bà Ritu Tariyal, Giám đốc phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – nhà tài trợ; ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) – chủ dự án; PGS.TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định; đại diện Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD) – hai nhà thầu quản lý của dự án. 17 học viên của khóa học là các bác sĩ đến từ 3 tỉnh Quảng Trị, Kon Tum và Bình Định, trong đó, đa số đang công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ.Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi Lễ khai giảng
Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai là Trung tâm thực hiện chuyên môn theo nhóm kỹ thuật PHCN với đầy đủ các thành viên: bác sĩ chuyên khoa PHCN, điều dưỡng PHCN, kỹ thuật viên chỉnh hình, chân tay giả, ngôn ngữ trị liệu và số đơn vị chuyên khoa sâu như PHCN tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, cơ-xương khớp… Bệnh viện cũng đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác Quốc tế với nhiều tổ chức như Tổ chức giúp đỡ người tàn tật Quốc tế, Trung tâm quốc gia về sức khỏe và y tế toàn cầu…
Bà Ritu Tariyal, Giám đốc phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát biểu tại Lễ khai giảng.
Với thời lượng 6 tháng, chương trình sẽ cung cấp cho các học viên các kiến thức, kỹ năng, thái độ về chẩn đoán, điều trị một số bệnh thường gặp trong chuyên ngành PHCN. Các môn học bao gồm: giải phẫu chức năng, sinh lý, bệnh học, và PHCN cơ bản thông qua chuỗi các bài giảng lý thuyết và phân tích các ca bệnh lâm sàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) phát biểu tại Lễ khai giảng.
Khóa đào tạo PHCN cơ bản tại Bệnh viện Bạch Mai hướng tới mục tiêu giải quyết những hạn chế về nhân lực, một trong những thách thức lớn nhất đối với các cơ sở y tế địa phương tại Việt Nam, mang lại những hỗ trợ kịp thời và đầy đủ, tăng thêm cơ hội hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ khai giảng.
Tại Lễ khai giảng, những đề xuất của các học viên cũng đã được chia sẻ và ghi nhận. Đa số học viên bày tỏ: mong muốn lớn nhất là thông qua khóa học, có thể học hỏi được thật nhiều kinh nghiệm lâm sàng cũng như lý thuyết để ứng dụng hiệu quả tại đơn vị công tác cũng như phục vụ địa phương.
Những đề xuất của học viên đã được ghi nhận tại lễ khai giảng.
Ngay sau lễ khai giảng, các học viên đã tham gia buổi học đầu tiên vào buổi chiều cùng ngày tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai. Học viên hoàn thành chương trình 6 tháng sẽ được cấp chứng chỉ PHCN theo thông tư 22/2013 và 26/2020 về đào tạo liên tục của Bộ Y tế./
Your ticket for the: MCNV, Bệnh viện Bạch Mai khai giảng khóa Phục hồi chức năng cơ bản
Title
MCNV, Bệnh viện Bạch Mai khai giảng khóa Phục hồi chức năng cơ bản
USD
We use cookies to ensure that we give you the best experience on our website. If you continue to use this site we will assume that you are happy with it.OkNo