Tin tức

Chuỗi cung ứng cà phê bền vững: Những khởi sắc bước đầu

Những ngày đầu tháng 11 năm 2021, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn ngày thường. Cà phê chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch cao điểm. Năm nay hứa hẹn một vụ mùa nhiều khởi sắc khi cà phê chín rộ và giá cao hơn so với mọi năm.

“Cà sắp chín rồi. Khi mô doanh nghiệp Hội An ký hợp đồng thu mua rứa hè?”. Đây là câu hỏi thường nhật của Hồ Văn Số – trưởng nhóm nông dân người Bru-Vân Kiều tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, dành cho cán bộ MCNV trong mỗi lần gặp.

Nhóm nông dân thôn Xa Ry là một trong các nhóm đã tham gia liên kết với Công ty Hội An Roastery và đơn vị chế biến tại xã Hướng Phùng từ nhiều năm qua, dưới sự hỗ trợ kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV). Qua nhiều sóng gió, thăng trầm, mối quan hệ hợp tác liên kết giữa các bên ngày càng bền chặt, củng cố thêm niềm tin về một hành trình phát triển chuỗi cung ứng cà phê bền vững.

Anh Hồ Văn Số thu hoạch cà phê.

Những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid, đặc biệt từ năm 2019 đến 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê đã được thiết lập và củng cố trong những năm qua. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh mới và tìm kiếm các nguồn lực phát triển. MCNV hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài trợ của Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) thông qua đề xuất dự án “Thúc đẩy liên kết sản xuất cà phê Arabica nông-lâm kết hợp giữa Công ty TNHH Hoi An Roastery (HAR) và nông dân tại tỉnh Quảng Trị, Việt Nam”.

Tài liệu giới thiệu về Chương trình RA cho các nhóm nông dân

Mục đích của dự án nhằm tăng cường thực hiện phương thức sản xuất theo hợp đồng (contract farming) và sản xuất cà phê có chứng nhận nhằm cải thiện chuỗi cung ứng, góp phần vào sự phát triển cà phê bền vững tại tỉnh Quảng Trị.

Cán bộ MCNV chủ trì cuộc họp liên kết niên vụ cà phê 2021

Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt lớn với sự tham gia Chương trình Chứng nhận Rainforest Alliance (RA) trong giai đoạn 2021- 2025 với tầm nhìn đến năm 2030. Nếu thực hiện một cách đầy đủ, Chương trình sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho người sản xuất cà phê, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, và giải quyết nhiều vấn đề lớn về mặt xã hội, môi trường, năng suất và chất lượng…

“Trước đây, khi chưa tham gia với doanh nghiệp, phần lớn bà con nông dân, cả người bản lẫn người Kinh, bán cà phê cho thương lái, đại lý thu mua tại thôn”, chị Hồ Thị Nương, thành viên nhóm Xa Ry chia sẻ. “Họ mua mấy thì mình bán mấy, vì bà con không biết bán cho ai”. Hiện tượng “tranh mua, tranh bán” diễn ra phổ biến trên địa bàn. Khả năng, mức độ và cơ hội tiếp cận thị trường của người nông dân rất hạn chế dẫn đến việc thu hái ồ ạt, không đảm bảo chất lượng cà phê chế biến, và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng của cây cà phê những năm tiếp theo.

Trong một vòng tròn lẩn quẩn mà không thể xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc, câu chuyện về giá bán, năng suất, sản lượng, đầu tư mua phân bón, kỹ thuật và khả năng canh tác…luôn là nỗi lo thường trực đối với người nông dân trồng cà phê. Việc mua nợ phân bón và trả nợ bằng tiền bán cà phê quả tươi dẫn đến tình trạng người nông dân lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào các đại lý vừa thu mua cà phê, vừa cung cấp phân bón.

“Sau khi tham gia liên kết, bà con bán cà cho doanh nghiệp với yêu cầu hái chọn, chất lượng tốt hơn và giá hợp đồng cũng cao hơn so với thị trường. Các nhóm có quyền thương thảo hợp đồng trước khi ký kết. Bà con được thanh toán tiền kịp thời và trả nợ mua phân bón trước đây dần dần nên cũng đỡ”.

Những năm về sau, nhiều nông dân tham gia hợp tác liên kết đã bắt đầu thay đổi phương cách đầu tư trên vườn cà phê. Anh Số bổ sung: “Như tôi đây, năm 2020 đã bắt đầu chặt bỏ cây già, cho năng suất thấp và tập trung đầu tư khoảng hai nghìn cây trên một héc-ta. Thà làm ít mà chất lượng thì tốt hơn làm nhiều. Như vậy sẽ đầu tư ít tiền phân hơn, ngoài ra tôi còn trồng thêm các cây khác như cây tiêu để có thêm thu nhập khác mà lại che bóng tốt cho cây cà phê”. Trong tháng 10 năm 2021, MCNV tổ chức các đợt tập huấn, giới thiệu tổng quan về Chương trình chứng nhận Rainforest Alliance và các tiêu chuẩn cần tuân thủ. “Ban đầu bà con thấy rất khó khăn vì có rất nhiều yêu cầu trong khi bà con chưa quen với việc phải ghi chép nhật ký nông hộ, theo dõi vườn…”,  anh Võ Chánh Thi ở thôn Đại Độ bày tỏ. “Nhưng rõ ràng có rất nhiều lợi ích cho bà con. Chưa kể đến việc cải thiện chất lượng và sản lượng, khi tham gia thì các nhóm hoàn toàn an tâm về vấn đề cung ứng cà phê với giá cao và ổn định. Ngoài việc mua cà phê giá cao hơn so với thị trường, doanh nghiệp sẽ trả thêm cho bà con một ‘khoản chênh lệch’ khi tham gia Chương trình chứng nhận”.

Cà phê tươi được vận chuyển tới xưởng chế biến.

Trong niên vụ 2021 có 7 nhóm nông dân tham gia liên kết với tổng số thành viên trên 50 người, trong đó gần 40% là người dân tộc thiểu số. Hợp đồng giữa các bên đang được ký kết, theo đó các nhóm nông dân đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu thì được hưởng mức giá chênh lệch cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Cùng tham gia vào hoạt động cân đo, kiểm tra, ghi chép sau mỗi lần nhập

Trong niên vụ 2021 có 7 nhóm nông dân tham gia liên kết với tổng số thành viên trên 50 người, trong đó gần 40% là người dân tộc thiểu số. Hợp đồng giữa các bên đang được ký kết, theo đó các nhóm nông dân đáp ứng được chất lượng và khối lượng cà phê quả tươi mà doanh nghiệp yêu cầu thì được hưởng mức giá chênh lệch cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Nhân viên ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản cá nhân cho người dân tham gia dự án.

MCNV đóng vai trò xúc tiến, hỗ trợ, tư vấn và giám sát toàn bộ quá trình từ khâu thành lập nhóm và nâng cao năng lực quản lý nhóm, xây dựng và hoàn thiện hợp đồng, cung ứng và chế biến cà phê, sổ sách ghi chép, quản lý chất lượng, xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá… Bên cạnh đó, MCNV đã kết nối với ngân hàng tại địa phương hỗ trợ mở tài khoản cá nhân cho các thành viên nhóm để tiếp nhận tiền thanh toán từ doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch và kịp thời.

Với niềm tin thành công, niên vụ 2021 sẽ là bước đệm quan trọng đầu tiên trong hành trình tham gia Chương trình Chứng nhận Rainforest Alliance./.

Read more

Rừng tự nhiên đầu tiên được cấp chứng chỉ quốc tế

Dự án PROSPER qua góc nhìn của phóng viên Vnexpress tháng 11/2021.

https://vnexpress.net/rung-tu-nhien-dau-tien-duoc-cap-chung-chi-quoc-te-4383793.html?fbclid=IwAR1pbkRwfK7o7WuE1TkL6v00Cszg5T5sA5uuzjix2kUMzRArHT-CP4VzV7U

Read more

Việt Nam lần đầu tiên đào tạo thành công Thạc sĩ Ngôn ngữ trị liệu

Trong hai ngày 3 và 5/11/2021, 14 học viên chương trình Thạc sỹ (ThS) Kỹ thuật Phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Đại học Y Dược TP. HCM đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp. ThS.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam đã đến dự sự kiện và chúc mừng các tân Thạc sĩ.

Khóa đào tạo thuộc hoạt động Phát triển Đào tạo NNTL tại Việt Nam – một hợp phần của dự án DISTINCT do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, tổ chức VietHealth là chủ dự án, MCNV đảm nhiệm vai trò thực hiện, với đối tác kỹ thuật là tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA).

Lễ bảo vệ luận án diễn ra trong hai ngày, 3&5/11/2021 tại ĐH Y Dược Tp.HCM. Ảnh: ĐH Y Dược Tp.HCM

Triển khai trong hai năm đầy biến động do đại dịch COVID-19, khóa đào tạo Ths NNTL đầu tiên của Việt Nam đã phải vượt qua không ít thách thức, đặc biệt là khi đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất xảy ra trùng với giai đoạn thực hành lâm sàng và chuẩn bị đề tài tốt nghiệp của các học viên.

Nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do đại dịch, MCNV và các đối tác đã phối hợp chặt chẽ, cùng tìm các giải pháp thích ứng phù hợp nhất, đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng đào tạo.

Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, phần lớn hoạt động dạy – học đã được dự án thực hiện online, duy trì đều đặn trên nền tảng Zoom. Các kỳ lâm sàng được chuyển sang hình thức online do các chuyên viên NNTL Việt Nam hướng dẫn trực tiếp, các chuyên gia quốc tế làm cố vấn từ xa. Hoạt động thảo luận ca bệnh được thực hành qua video, sử dụng thông tin ca bệnh ảo từ ngân hàng ca bệnh Simucase. Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho đề tài tốt nghiệp, các học viên nhận được sự hỗ trợ sát sao của các giảng viên ĐH Y Dược Tp.HCM và các trường ĐH Australia.

Các đề tài luận văn tốt nghiệp vừa qua đã được Hội đồng phản biện đánh giá cao về tính mới mẻ, hàm lượng khoa học, và ý nghĩa ứng dụng lâm sàng.

Những kết quả nghiên cứu sẽ lần lượt được MCNV công bố trên
Website: http://speechtherapyvn.net/
Fanpage https://www.facebook.com/ngonngutrilieu.mcnv/

ThS.BS.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam (thứ 3, phải) chúc mừng các học viên đã bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp. Ảnh: ĐH Y Dược Tp.HCM

Hy vọng các thông tin sẽ đóng góp vào nguồn tài liệu hữu ích của giới chuyên môn và đưa NNTL đến gần hơn với cộng đồng. Việc hoàn thành khóa đào tạo ThS NNTL đầu tiên tại Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện và phát triển của một chuyên ngành còn non trẻ và hết sức mới mẻ tại Việt Nam.

Thành quả này sẽ không thể đạt được nếu không có sự giúp sức quý báu của TFA, ĐH Y Dược Tp.HCM, các bệnh viện, các chuyên gia, giảng viên NNTL trong và ngoài nước và sự nỗ lực hết mình của các học viên. MCNV xin chân thành cảm ơn tất cả các đối tác và hi vọng đây sẽ là tiền đề cho những hợp tác hiệu quả, lâu dài, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành PHCN Việt Nam./.

Read more

TẶNG THIẾT BỊ Y TẾ CHO 13 BỆNH VIỆN, TRUNG TÂM Y TẾ PHÍA NAM

50 máy theo dõi bệnh nhân là món quà hỗ trợ phòng chống dịch mà Quỹ Philips, Công ty Philips Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) gửi tặng 13 bệnh viện, trung tâm y tế tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Ngày 28/9, tại TP. HCM, đại diện Quỹ Philips, công ty Philips Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ bàn giao monitor theo dõi bệnh nhân đầu tiên cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Ngày 28/9, tại TP. HCM, đại diện Quỹ Philips, công ty Philips Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ bàn giao monitor theo dõi bệnh nhân đầu tiên cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Máy theo dõi bệnh nhân là thiết bị quan trọng trong điều trị COVID-19 diễn biến nặng, có chức năng cập nhật các chỉ số sinh tồn của người bệnh, giúp các y bác sĩ đánh giá sát sao hơn tình trạng bệnh, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và hướng điều trị phù hợp.

Từ cuối tháng 4 năm 2021, Việt Nam đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ 4 với tỷ lệ lây nhiễm ngày càng gia tăng và lan rộng đến hơn 60 tỉnh, thành phố. Điều này dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng các trang thiết bị, nhất là tại các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 ở các tâm dịch phía Nam. Trong bối cảnh này, Quỹ Philips, công ty Philips Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã quyết định dành tặng 50 máy monitor theo dõi sức khỏe bệnh nhân gửi tới 13 bệnh viện, trung tâm y tế tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Máy theo dõi bệnh nhân là thiết bị quan trọng trong điều trị COVID-19 diễn biến nặng, có chức năng cập nhật các chỉ số sinh tồn của người bệnh.

Từ cuối tháng 4 năm 2021, Việt Nam đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ 4 với tỷ lệ lây nhiễm ngày càng gia tăng và lan rộng đến hơn 60 tỉnh, thành phố. Điều này dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng các trang thiết bị, nhất là tại các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 ở các tâm dịch phía Nam. Trong bối cảnh này, Quỹ Philips, công ty Philips Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã quyết định dành tặng 50 máy monitor theo dõi sức khỏe bệnh nhân gửi tới 13 bệnh viện, trung tâm y tế tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Từ Hà Lan, Giám đốc Quỹ Philips, bà Margot Cooijmans bày tỏ tin tưởng rằng việc trao tặng máy theo dõi bệnh nhân sẽ mang lại lợi ích thiết thực đối với công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện và trung tâm y tế ở Việt Nam trong hiện tại cũng như đáp ứng nhu cầu dài hạn về thiết bị y tế trong tương lai.

Bàn giao thiết bị tại Bệnh viện dã chiến số 6 ngày 29/9/2021

Theo ông Hugo Luik, Tổng Giám đốc Công ty Philips Việt Nam, sự ủng hộ này thể hiện cam kết đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam của doanh nghiệp. “Chúng tôi mong rằng những hỗ trợ sẽ làm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế tại các bệnh viện dã chiến của Việt Nam, nơi đang điều trị cho một số lượng rất lớn bệnh nhân nặng”, ông Hugo Luik cho biết.

Về phía MCNV, Giám đốc MCNV Việt Nam, thạc sỹ, bác sĩ Phạm Dũng chia sẻ: Có thể đồng hành cùng quỹ Philips đưa các thiết bị y tế tới đúng nơi cần là vinh dự của MCNV. MCNV hi vọng dịch COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát, cuộc sống, học tập, lao động sản xuất của người dân sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

Chiều  30/9/2021, việc bàn giao 50 máy cho 13 cơ sở y tế đã hoàn tất.

Read more

Đánh giá chứng chỉ rừng FSC lần đầu tiên đối với rừng cộng đồng ở Việt Nam

(VOV5) Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững do Liên minh châu Âu và Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đang đồng hành cùng tỉnh Quảng Trị trong công tác bảo vệ và trồng rừng bền vững. Sau thời gian triển khai ở các địa phương, dự án PROSPER – quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC đã mang đến giải pháp tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho người dân nghèo nơi đây.

Ngày quốc tế FSC năm 2021 (24/09) với chủ đề “Chống biến đổi khí hậu và lâm nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.

“Trước đây, chúng tôi không hề biết chứng nhận FSC nghĩa là gì. Bây giờ chúng tôi hiểu rằng FSC là một chứng nhận quốc tế trong quản lý rừng bền vững, và nếu rừng chúng tôi được chứng nhận FSC thì điều đó có nghĩa là người ta thừa nhận rừng cộng đồng thôn chúng tôi được quản lý và bảo vệ tốt, lâm sản ngoài gỗ từ rừng cộng đồng chúng tôi có thể được mua với giá tốt hơn, các nhà tài trợ có thể quan tâm hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng”, ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), chia sẻ bên lề lớp tập huấn về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC do Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR Quảng Trị) và MCNV phối hợp tổ chức.

Ông Hồ Văn Chiến chia sẻ ý kiến tại hội thảo các bên tham vấn về quản lý Rừng bền vững.

Quả thực như ông Chiến nói, hơn 20 thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh đều tỏ vẻ ngơ ngác, hoặc cúi mặt, hoặc cười ngượng và ngó lơ khi cán bộ tập huấn hỏi xem có ai biết hoặc từng nghe nói về chứng chỉ quản lý rừng FSC chưa. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Ở Việt Nam, khái niệm “chứng chỉ FSC” vẫn còn mơ hồ với phần lớn công chúng ở miền xuôi, kể cả với những người có tham gia trồng rừng, huống hồ đây là những bà con ở khu vực miền núi quanh năm chủ yếu gắn bó với nương rẫy để lo cái ăn cho gia đình và cái học cho con cái. Và, chỉ khi được cán bộ tập huấn của Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị giải thích về chứng chỉ rừng FSC và lí do tại sao nên tham gia chứng chỉ rừng FSC, mọi người mới vỡ lẽ và một không khí hào hứng, sôi nổi thảo luận về cách trồng, công tác quản lý và bảo vệ rừng như thế nào ở địa phương.
Đó là chuyện diễn ra cách đây chưa lâu. Vậy mà bây giờ chính những người nông dân chân chất này đang chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ đánh giá FSC giai đoạn 2021-2025 của Hội CCR Quảng Trị, trong đó có diện tích 774 ha rừng cộng đồng mà họ là thành viên tham gia quản lý. Hoạt động đánh giá này dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10/2021. Được biết, đây sẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam, rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý tham gia chứng nhận FSC lâm sản ngoài gỗ. Cùng tham gia kỳ đánh giá chứng chỉ FSC lần này ở khu vực miền núi còn có rừng cộng đồng thôn Hồ với diện tích khoảng 800 ha ở xã Hướng Sơn lân cận, cách thôn Chênh Vênh khoảng 20km.

Người dân và cán bộ dự án thảo luận về bản đồ hiện trạng rừng cộng đồng ở thôn Chênh Vênh

Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ là những chi hội quản lý rừng tự nhiên ở miền núi đầu tiên của Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị, được kết nạp vào Hội lần lượt vào năm 2020 và 2021. Bên cạnh 2 chi hội rừng tự nhiên cộng đồng, Hội CCR Quảng Trị hiện có 37 chi hội khác là những chi hội thành viên trồng rừng keo gỗ lớn ở các huyện đồng bằng ở Quảng Trị, với tổng số thành viên là 538 hộ gia đình và tổng diện tích tham gia FSC là 4.399 ha (trong đó có 2.837 ha diện tích rừng trồng keo gỗ lớn & 1.562 ha diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý).
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (dự án PROSPER) do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, nhiều hoạt động khác nhau đã được thực hiện một cách tích cực nhằm giúp hai cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ có sự chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá.

Hướng dẫn điều tra trữ lượng tre trong cộng đồng Chênh Vênh

Song song với các hoạt động tập huấn, hội thảo cung cấp kiến thức về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, các hoạt động khảo sát, đánh giá liên quan cũng được thực hiện đối với 02 rừng cộng đồng này: điều tra trữ lượng mây & tre, đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao, đánh giá tác động môi trường & xã hội. Kết quả của những đánh giá này được sử dụng để giúp hai Ban quản lý rừng cộng đồng củng cố kế hoạch quản lý rừng bền vững, bao gồm kế hoạch phát triển và khai thác bền vững đối với lâm sản ngoài gỗ (LSNG), đồng thời được bổ sung vào kế hoạch chiến lược của Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, trong hai năm qua (2020 -2021), với sự hỗ trợ từ dự án PROSPER, người dân ở các thôn miền núi đã trồng mới hơn 300.000 cây trẩu và cây bản địa tại khu vực Bắc Hướng Hóa.

Paneau truyền thông về Rừng ở thôn Chênh Vênh

Chứng nhận FSC đối với lâm sản ngoài gỗ rừng cộng đồng có ý nghĩa quan trọng đối với Hội Chứng chỉ Rừng Quảng Trị và hai cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ trên các phương diện kinh tế, môi trường & xã hội: Nâng cao giá trị kinh tế lâm sản ngoài gỗ. Thu hút sự quan tâm đầu tư và hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật lẫn chính sách đối với những Ban quản lý này; Thúc đẩy tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng; Thúc đẩy bảo vệ, trồng và làm giàu rừng; Góp phần bảo vệ môi trường rừng; …
Tháng 6/2021, Hồ Xa Lăng đã tham gia cùng đại diện lãnh đạo Hội CCR Quảng Trị và một số đơn vị khác đi học hỏi mô hình trồng, khai thác và cung ứng mây bền vững ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Anh hy vọng trong những năm tới cây mây ở rừng cộng đồng thôn Hồ cũng được phát triển, bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả, được cung ứng ra thị trường thông qua kết nối với doanh nghiệp có trách nhiệm về quản lý & bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho bà con trong thôn.

Anh Hồ Xa Lăng ( giữa) giới thiệu về rừng cộng đồng thôn Hồ cho một nhóm tư vấn

Từ chỗ hoàn toàn lạ lẫm với khái niệm “chứng chỉ FSC”, nhiều người dân ở thôn Chênh Vênh và thôn Hồ như ông Hồ Văn Chiến và anh Hồ Xa Lăng đang thay đổi tư duy để những cánh rừng của cộng đồng mình dần dần được quản lý và bảo vệ tốt hơn “theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Chứng chỉ rừng FSC là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, do Hội đồng quản trị rừng quốc tế đã xây dựng với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Chứng nhận quản lý rừng FSC® được chấp nhận trên toàn cầu và có giá trị trong 5 năm. Tuy nhiên, mỗi năm FSC đều đánh giá để kiểm tra các nhà sản xuất có tuân thủ các cam kết về quả lý rừng bền vững hay không.

Nguồn: https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/danh-gia-chung-chi-rung-fsc-lan-dau-tien-doi-voi-rung-cong-dong-o-viet-nam-1028988.vov

Read more

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Điện Biên mở rộng cửa đón học sinh

Hướng dẫn trẻ tập vẽ trên màn hình tương tác, một hoạt động giúp tăng cường kỹ năng vận động tinh.

Năm học 2021-2022, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên sẵn sàng đón thêm 50 học sinh, nâng tổng số học sinh đang được can thiệp tại đây lên 90 em. Tin chi tiết được đăng tải trên báo Giáo dục & Thời đại: Link:

https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/trung-tam-ho-tro-phat-trien-gd-hoa-nhap-tinh-dien-bien-mo-rong-cua-don-hoc-sinh-4V1cLH47R.html

Read more

Tham vấn về kế hoạch quản lý rừng bền vững của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị giai đoạn 2021-2025

Ngày 26/8/2021, tại Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, MCNV phối hợp với Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR) tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan về kế hoạch quản lý rừng bền vững của Hội CCR Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 và các nội dung chuẩn bị cho đánh giá chứng chỉ FSC® lâm sản ngoài gỗ cho rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) và thôn Hồ (xã Hướng Sơn).

Tham dự Hội thảo có đại diện Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa, Phòng NN & PTNT huyện Hướng Hóa, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, Dự án quản lý rừng bền vững – Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức, UBND xã Hướng Phùng, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ và thôn Chênh Vênh, HTX Chân Mây – xã Hướng Phùng, các chuyên gia tư vấn bên ngoài, Hội CCR Quảng Trị và MCNV.

Năm 2021 là một năm quan trọng đối với Hội CCR Quảng Trị khi Hội sẽ được đánh giá cấp chứng chỉ FSC® giai đoạn 2021-2025. Để đáp ứng các yêu cầu đánh giá FSC®, với sự hỗ trợ của MCNV trong thời gian vừa qua thông qua dự án PROSPER do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, Hội CCR Quảng Trị đã tích cực hỗ trợ 37 chi hội CCR ở các huyện đồng bằng xây dựng năng lực, củng cố hệ thống quản lý, giám sát, ứng dụng phần mềm điện thoại thông minh trong quản lý rừng trồng, thực hiện nhiều hoạt động trồng rừng, chăm sóc, khai thác, lập vườn ươm cây giống keo chất lượng cao, … tuân thủ 10 nguyên tắc FSC® trong quản lý rừng bền vững.

Trưởng văn phòng MCNV Quảng Trị, ông Nguyễn Đình Đại phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MCNV

Bên cạnh đó, Hội CCR Quảng Trị cũng đã kết nạp thêm 03 chi hội CCR ở khu vực miền núi, bao gồm Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ và HTX Chân Mây. Với sự tham gia của các ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ, đây sẽ là lần đầu tiên các diện tích rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý tham gia đánh giá chứng chỉ FSC® đối với lâm sản ngoài gỗ. 

Thời gian qua, MCNV và Hội CCR Quảng Trị đã mời các chuyên gia tư vấn bên ngoài thực hiện các đánh giá liên quan đến 02 rừng cộng đồng này, bao gồm đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao, điều tra trữ lượng mây & tre, đánh giá tác động môi trường & xã hội. 

Ban quản lý 02 rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ cũng đã được tập huấn các kiến thức cơ bản về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC®, tập huấn sơ cấp cứu ban đầu, tham quan mô hình khai thác và cung ứng mây bền vững, được trang bị các dụng cụ bảo hộ để tuần tra bảo vệ rừng, …

Trên cơ sở góp ý của các bên liên quan tại hội thảo này, MCNV và các đơn vị tư vấn bên ngoài sẽ hỗ trợ Hội CCR Quảng Trị tiếp tục hoàn thiện các bước chuẩn bị cho kỳ đánh giá chứng chỉ FSC®. Hoạt động đánh giá này dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 9/2021.

Read more

Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh: Những nét phác họa đầu tiên

Trái ngược hẳn với ấn tượng “xứ cát trắng, gió Lào” khi nói đến Quảng Trị, huyện Hướng Hóa có khí hậu quanh năm ôn hòa, dịu mát. Đây cũng là vùng đất của những danh thắng thiên nhiên thơ mộng, nổi tiếng với những ngọn thác hoang sơ, kỳ vỹ. Một trong số đó là thác Chênh Vênh.

Thác Chênh Vênh thuộc địa phận thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nằm giữa núi rừng hoang sơ, với dòng nước trong lành, mát lạnh, địa danh này bắt đầu được biết đến rộng rãi trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ sự phát triển của thông tin liên lạc và điều kiện giao thông.

Vào những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, thác Chênh Vênh trở thành địa điểm thư giãn, nghỉ ngơi lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Trị. Ở đây, người ta có thể thỏa sức bơi lội, câu cá, nhóm lửa trại… mà không cần trả bất kỳ một khoản phí nào.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Chênh Vênh. Ảnh: MCNV

Du lịch miễn phí có tính hấp dẫn cao, tuy nhiên kèm theo đó là những nguy cơ mất an toàn. Thác ở Hướng Hóa đa số có vách đá cao hiểm trở, trơn trượt, nhiều hầm, hố sâu, nước chảy xiết. Trong khi đó, phần lớn những con thác này lại chưa được đưa vào quản lý, nên các khu vực nguy hiểm không được khoanh vùng, dựng biển báo, không có lực lượng cứu hộ trực xung quanh. Thác thường nằm cách xa khu dân cư nên khi sự cố phát sinh thì việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, một bộ phận khách tham quan còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức và kỹ năng an toàn cũng như đồ dùng phòng hộ. Những yếu tố này đã dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Trong 4 năm trở lại đây, riêng tại khu vực thác Chênh Vênh đã có 2 trường hợp đuối nước tử vong, xảy ra gần nhất vào tháng 5/2020.

Đá suối trơn trượt, nước chảy xiết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại thác Chênh Vênh. Ảnh: MCNV

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với du khách, du lịch tự phát còn có khả năng tác động xấu lên môi trường, khi không được quy hoạch, quản lý, giám sát chặt chẽ. Thói quen xả rác bừa bãi, tự đốt lửa nấu ăn, hút thuốc…của một số du khách có thể dẫn tới nhiều hậu quả như ô nhiễm nguồn nước, đất, cháy rừng…

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của danh thắng địa phương để tạo nên các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hướng Hóa đã lên kế hoạch tổng thể phát triển du lịch, trong đó có việc quản lý và khai thác những thác nước đẹp trên địa bàn như thác Chênh Vênh.

Đồng hành cùng địa phương trong việc triển khai kế hoạch này là Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV). Từ mối gắn kết hơn 50 năm với tỉnh Quảng Trị, MCNV đã và đang thực hiện nhiều dự án cộng đồng tại huyện Hướng Hóa, trong đó có dự án ”Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (dự án PROSPER, do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ).

MCNV và đại diện chính quyền cùng người dân xã Hướng Phùng họp về kế hoạch phát triển du lịch. Ảnh: MCNV

Trong khuôn khổ dự án này, MCNV đang thực hiện các hỗ trợ phát triển du lịch thác Chênh Vênh, với các hoạt động đầu tư vào cảnh quan gồm: dựng lán tre cho khách tham quan thuê, trang bị thùng rác và đào hố xử lý rác thải, lắp đặt biển chỉ dẫn, bảng thông tin về rừng cộng đồng, thành lập đội quản lý, bảo vệ du lịch thác…

Đội ngũ phục vụ và quản lý được lựa chọn từ chính các thành viên tổ bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh. Gần đây MCNV cũng đã phối hợp với trạm y tế xã Hướng Phùng tập huấn cho Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh về các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động.

Các lán tre đã được dựng ở khu vực thác Chênh Vênh. Ảnh: MCNV

Được biết, trong thời gian vài ngày cuối tháng 4 – đầu tháng 5/2021, lượng khách tới với khu du lịch thác Chênh Vênh khá đông. Trong những 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, doanh thu từ việc thu phí du lịch đạt 4 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với những người làm dịch vụ ở thác Chênh Vênh. Từ chỗ du lịch tự phát, từ khi đi vào khai thác chính thức, du khách đến đây đóng phí du lịch (120.000đ/lán tre và 10.000đ/người/phí vào cổng), trong đó 50% số tiền được trả cho người tham gia phục vụ, 50% đóng góp vào Quỹ bảo vệ rừng của thôn Chênh Vênh.

Hoạt động dọn dẹp rác thải tại thác Chênh Vênh do một thành viên tổ bảo vệ rừng thực hiện. Ảnh: MCNV

Trong thời gian tới, dự án sẽ triển khai thêm các quầy hàng ăn uống, bày bán các nông sản địa phương tại khu du lịch thác Chênh Vênh, đồng thời sẽ hỗ trợ cho đội ngũ phục vụ du lịch tại đây được tham gia các khóa tập huấn kĩ năng như hướng dẫn khách, thuyết minh, đón tiếp, nấu ăn, bán hàng để nâng cao tính chuyên nghiệp.

Lá cọ được thu gom để làm nguyên liệu dựng nhà truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Ảnh: MCNV

Thác Chênh Vênh là hạng mục đầu tiên trong tổ hợp “Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh” mà MCNV đang hỗ trợ xã Hướng Phùng thực hiện. Dự án được MCNV tài trợ 650 triệu đồng, được triển khai trong 6 tháng cuối năm 2021, bao gồm các hoạt động cải tạo, nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: xây dựng nhà sàn truyền thống của người Bru-Vân Kiều, các quầy bán nông sản. hệ thống nước sạch, nhà tắm sử dụng năng lượng mặt trời, cải tạo cảnh quan và lối đi bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương…

Xây dựng hồ cá phục vụ du lịch. Ảnh: MCNV

Sáng kiến này được triển khai dựa trên những lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng như vị trí thuận lợi của Chênh Vênh khi nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh nối với kỳ quan Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Đây cũng là nơi còn lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Vân Kiều – Pa Cô, với những nghề thủ công truyền thống như đan lát, thủ công mây tre, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, ẩm thực truyền thống.

Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh trong quá trình xây dựng. Ảnh: MCNV

Tính riêng năm 2018 và 2019, lượng du khách đến huyện Hướng Hóa đã tăng từ 10 – 16%, tương đương trên 30.000 lượt, trong đó có khoảng 14.000 lượt khách nước ngoài. Hiện tại do tình hình dịch bệnh phức tạp nên hoạt động du lịch trên cả nước đang tạm thời chững lại. Trong tương lai, khi dịch COVID-19 được kiểm soát và dự án hoàn thành, “Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh” sẽ trở thành một “mắt xích”, làm phong phú thêm chuỗi điểm đến cùng tuyến đường như tượng đài Chiến thắng Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri, di tích khảo cổ Khu công xưởng chế tác đồ đá Hướng Lập, đèo Sa Mù, động Brai, thác Tà Puồng, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của du lịch Việt Nam sau đại dịch./.

Read more

Cuộc thi Sáng tạo với Trái tim gia hạn nộp bài tới 30/9/2021

Trải qua hơn 1 tháng từ ngày chính thức phát động, bên cạnh các bài dự thi gửi về, Ban tổ chức Sáng tạo với Trái tim cũng nhận được những chia sẻ của các thí sinh về những khó khăn trong việc chuẩn bị bài dự thi giữa bối cảnh giãn cách xã hội (đặc biệt là việc tìm kiếm/mua nguyên vật liệu).
 
Để giúp khắc phục trở ngại này, Ban tổ chức đã quyết định lùi hạn nộp bài thi tới ngày 30/9/2021 (thay vì 30/8/2021 như trong các thông báo trước).

Các bạn có thể tìm hiểu về thể lệ cuộc thi và đăng ký tham gia tại: Web: https://homemadewithheart.vn/the-le-cuoc-thi/ Fanpage: https://www.facebook.com/HumanityInclusionVietnam/

Ban tổ chức hi vọng rằng sự điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thí sinh phát huy được trọn vẹn khả năng sáng tạo của mình!

Các mốc thời gian kết thúc bình chọn, lễ trao giải sẽ được chúng tôi công bố trong những thông báo tiếp theo (dự kiến trong tháng 10/2021)./.

Read more

Thử sức, thỏa sức Sáng tạo với trái tim

Cuộc thi Homemade with Heart (Sáng tạo với Trái tim) mùa thứ 02 đã mở đơn đăng ký.

Được khởi xướng bởi tổ chức Humanity & Inclusion, đây là sân chơi dành cho mọi cá nhân/tập thể có sáng kiến mới, cải tiến, ý tưởng, sản phẩm giúp cải thiện đời sống, nâng cao tính tự chủ, sự tham gia của người khuyết tật.  

Đặc biệt, đối với các y, bác sĩ, chuyên gia, kỹ thuật viên, điều dưỡng trong ngành Phục hồi chức năng, cuộc thi còn là cơ hội thử sức lý tưởng, khẳng định năng lực, phẩm chất nghề nghiệp, và khơi gợi cảm hứng sáng tạo, lan tỏa tinh thần cộng đồng.  

Là một trong những đơn vị tham gia phối hợp tổ chức cuộc thi, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) hy vọng, thông tin về Sáng tạo với Trái tim sẽ đến được với đông đảo những người quan tâm, những ứng viên triển vọng của cuộc thi.

Tìm hiểu về thể lệ cuộc thi và đăng ký tham gia tại: https://homemadewithheart.vn/the-le-cuoc-thi/ (hạn chót đăng ký 31/8/2021) Các bạn cũng có thể cập nhật những thông tin mới nhất về cuộc thi trên fanpage của Humanity & Inclusion tại: https://www.facebook.com/HumanityInclusionVietnam/

Sáng tạo với Trái tim được tài trợ bởi tổ chức Humanity & Inclusion Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), phối hợp cùng MCNV, ACDC và JICA.

Read more