Thích ứng với biến đổi khí hậu – 1

Những sản phẩm từ cây tre: Điểm sáng từ núi rừng Bắc Hướng Hóa

Từ năm 2018, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã hỗ trợ một số hộ dân ở các thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Cù Bai (xã Hướng Lập) và thôn Tà Puồng (xã Hướng Việt), huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sản xuất một số sản phẩm từ cây tre để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Đây là một sáng kiến hướng đến vận động cộng đồng hạn chế sử dụng các vật dụng vô cơ dùng một lần sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, đồng thời tạo cơ hội phát triển sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở tỉnh Quảng Trị.
Các sản phẩm hiện đang được sản xuất ở các thôn nói trên bao gồm: ống hút, hộp đựng bút hoặc đựng các vật dụng cá nhân khác, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa du lịch. Tất cả đều được làm bằng các loại tre sẵn có ở địa phương như lồ ô, luồng, len xanh, a ho, li a, …
MCNV cho biết hiện nay thôn Chênh Vênh có 10 hộ tham gia sản xuất ống hút từ cây len xanh. Trong năm 2019, các hộ dân trong thôn đã sản xuất với sản lượng khoảng 50.000 ống, với giá thành từ 1.000 – 3.000 đồng/ống tùy theo chất lượng, qua đó đạt doanh số gần 100 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 10 triệu đồng/hộ.
Cây len xanh thường mọc tự nhiên trên các lèn đá, gần các thác nước ở trên cao, mỗi năm chỉ khai thác được một lần khi cây đã già. Mỗi gốc cây len xanh cho khai thác được khoảng 5 – 8 cành/năm, mỗi cành cho khoảng 7 -10 đốt, khoảng cách giữa các đốt khoảng 20 – 25 cm. Sau khi khai thác về, các hộ dân sử dụng máy cắt tre do MCNV hỗ trợ, cắt len xanh thành từng ống dài 18 – 23 cm, sau đó luộc vô trùng trong 5 – 6 giờ đồng hồ.

Sau khi luộc, len xanh được lau hết lớp nhớt bám trên bề mặt ngoài và làm sạch lớp phấn bên trong lòng ống, được phơi nắng trong 7 – 8 ngày rồi mài nhẵn hai đầu ống và bó thành từng bó nhỏ để cung ứng cho thị trường.

Chị Hồ Thị Xăng (phải) và Hồ Thị Lý, 2 trong 10 thành viên của nhóm sản xuất tre thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng)

Chị Hồ Thị Xăng, một thành viên trong nhóm sản xuất thôn Chênh Vênh cho biết việc được hỗ trợ sản xuất ống hút tre mang đến niềm hi vọng đổi thay về kinh tế. Chị Xăng bảo, trước đây, hai vợ chồng ngoài đi làm rẫy, đi rừng thì ai kêu gì làm nấy. Đầu tắt mặt tối cả ngày nhưng không đủ ăn. Con cái nhỏ nên chị phải ở nhà chăm con, gánh nặng dồn lên vai chồng, chuyện thiếu đói thường xuyên diễn ra.
“Tuy việc làm ống hút tre khá công phu, đòi hỏi tuân thủ các bước để đảm bảo đẹp, vệ sinh, đúng kích thước, nhưng làm nhiều rồi thành quen. Giờ chỉ cần siêng năng thì tháng nào cũng kiếm ra tiền từ việc làm ống hút tre”, chị Xăng bộc bạch. Cách làm ăn mới không chỉ giúp những người phụ nữ như chị Xăng tìm ra phương kế đổi thay đời sống kinh tế mà còn giúp “kéo” nhiều người đàn ông ra khỏi bàn rượu, lên rừng chặt tre về sản xuất ống hút.

Chị Hồ Thị Xăng rạng rỡ bên nồi luộc ống hút tre (Ảnh: Phan Tân Lâm)
Theo ông Hồ Văn Noi, một thành viên khác của nhóm sản xuất tre thôn Chênh Vênh, các hộ dân tham gia sản xuất ống hút tranh thủ những khi đi làm trên rẫy để khai thác len xanh và tranh thủ sản xuất ống hút những khi nông nhàn, bình quân mỗi hộ có khoảng 2 người tham gia sản xuất. Khó khăn hiện nay là số lượng cây len xanh tại địa phương ít và sinh sống ở những nơi hiểm trở rất khó khai thác. Do đó, mỗi năm người dân nơi đây chỉ khai thác len xanh trong khoảng thời gian vài tháng là thiếu nguyên liệu sản xuất.
Ông Phan Ngọc Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hướng Phùng, chia sẻ: Được sự hỗ trợ và hướng dẫn của MCNV, người dân thôn Chênh Vênh rất tích cực tham gia mô hình sản xuất ống hút từ cây len xanh. Do cây sống hoàn toàn tự nhiên nên rất hạn chế về nguồn nguyên liệu, mong các sở, ban, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ, nghiên cứu các giải pháp mở rộng diện tích trồng cây len xanh, chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và sản phẩm từ tre, ngoài ống hút từ cây len xanh, MCNV đã hỗ trợ cho 3 nhóm sản xuất ở 3 thôn tiếp tục sản xuất các sản phẩm khác từ các loại tre khác rất sẵn có ở địa phương, đặc biệt là cây a ho (tên gọi theo theo tiếng Vân Kiều) và lồ ô. Bên cạnh hỗ trợ xây dựng nhà phơi sấy, cung cấp máy móc và hướng dẫn tổ chức sản xuất cho các nhóm, MCNV còn tổ chức các lớp học nghề tiện tre cho một số thành viên chủ chốt của các nhóm sản xuất và cùng các nhóm tìm hỏi, học hỏi cách sản xuất ra các sản phẩm ngoài ống hút. Hộp đựng bút và vật dụng cá nhân, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa du lịch là những sản phẩm như vậy.

Việc sản xuất những sản phẩm này đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo, tinh tế và sự chịu khó của người sản xuất. Bù lại, khi xuất hiện trên thị trường, những sản phẩm này được người tiêu dùng rất ưa thích và đánh giá cao, đặc biệt là với khách nước ngoài. Hiện nay, Hội An Roastery, một doanh nghiệp tại Quảng Nam là đơn vị bao tiêu những sản phẩm này để bán phục vụ khách nước ngoài đến tham quan du lịch tại Phố cổ Hội An.

Ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, ống tre là sản phẩm chủ lực. Ảnh: Lê Minh Vũ

Trong tương lai gần, MCNV tiếp tục giúp các nhóm sản xuất tăng cường kết nối đến các thị trường trong nước và ngoài nước. Hiện nay, song song với hoạt động sản xuất, các nhóm cũng chú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng thêm cây len xanh ở các khu vực đồi núi gần nhà.
Hiện đã có 20 hộ gia đình ở 3 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập tham gia sản xuất các sản phẩm từ tre. Đây là giải pháp thiết thực, vừa giúp bà con tăng thu nhập, vừa giúp bà con đóng góp tích cực cho thị trường sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Thời gian tới, chúng tôi giúp bà con phát triển vùng nguyên liệu tre, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng liên kết thị trường”, một cán bộ dự án của MCNV cho biết thêm.

Con gái một thành viên nhóm sản xuất thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và những sản phẩm ống hút đã hoàn thiện. (Ảnh: Phan Tân Lâm)

Nhìn những đôi tay chai sần đã quen với việc làm nương, làm rẫy nay miệt mài sáng tạo những sản phẩm từ tre, những gương mặt sạm nắng giãn ra với nụ cười vui mà trong lòng người viết dâng lên bao bồi hồi, xúc cảm. Ngày mai, các sản phẩm tre kia của bà con sẽ được chuyển về phố xá, ra nước ngoài, thu nhập của bà con sẽ khấm khá và đều đặn hơn nhiều lần những vụ mùa trên nương rẫy nhờ trời. Những sản phẩm từ cây tre đang thực sự góp phần thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở những dãy núi xa xôi, hẻo lánh vùng biên ải.

Read more

Tín dụng tiết kiệm: Nguồn tiếp sức tin cậy của phụ nữ Bến Tre

Ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, hơn 10 năm nay, có một dự án được ví như nguồn tiếp sức tin cậy, giúp hàng ngàn phụ nữ vượt khó, thoát nghèo, vững vàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những đồng vốn thoát nghèo

Trước đây, gia đình chị Trương Thị Phượng (sinh năm 1972) ngụ ở Ấp Phú Thành, xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre sống dựa vào nguồn thu nhập từ mảnh vườn nhỏ trồng rau và số tiền công khiêm tốn từ việc làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng. Dù siêng năng, cần mẫn lao động nhưng cuộc sống gia đình anh chị vẫn không tránh được cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Hai con trúng tuyển Đại học, anh chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì tương lai của con sẽ sáng sủa hơn cha mẹ, lo vì việc con thành sinh viên sẽ kéo theo chồng chất chi phí trong suốt 4 năm.

Bước ngoặt đến với gia đình chị Phượng vào năm 2015, khi chị trở thành thành viên Hội liên hiệp Phụ nữ xã Phú Vang và được tiếp cận với Dự án tín dụng tiết kiệm của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và các nhà tài trợ.

Với nguồn vốn được hỗ trợ, vợ chồng chị Phượng nhanh chóng lên kế hoạch thoát nghèo. Anh chị sử dụng một phần vốn để mua gà, vịt về nuôi, phần còn lại chị Phượng dùng để mở một tiệm tạp hóa nhỏ.

Chị Trương Thị Phượng bên tiệm tạp hóa được mở nhờ nguồn vốn hỗ trợ bởi Dự án của MCNV

Chị Phượng tâm sự: Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm, việc chăn nuôi và buôn bán cũng gặp khó khăn. Nhưng nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do hội phụ nữ phối hợp tổ chức, anh chị đã nhanh chóng nắm bắt được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như kinh doanh. Số tiền lãi từ đây không chỉ là nguồn thu nhập ổn định trang trải cho đời sống gia đình, và dành dụm thêm để làm vốn quay vòng đầu tư, bên cạnh việc vay từ dự án.

Qua nhiều chu kỳ vay, qua tư vấn của cán bộ dự án và các chị em đi trước, chị Phượng đã mua thêm được 01 con bò cái, cho sinh sản thêm 02 con. Trừ hết chi phí chăn nuôi, gia đình có khoản thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. 

Việc chăn nuôi bò ít tốn thì giờ, nên cùng lúc, chồng chị Phượng có thời gian làm thêm bên ngoài. Với các công việc như phụ hồ, lưới cá, mỗi ngày anh có thể kiếm được hàng trăm nghìn đồng.

Sau 5 năm tham gia Dự án tiết kiệm tín dụng của huyện Bình Đại, vợ chồng chị Trương Thị Phượng đã quyết định làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Từ chỗ “thiếu trước, hụt sau”, giờ đây anh chị đã xây được nền tảng kinh tế vững vàng, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Căn nhà lụp xụp ngày nào cũng được sửa sang lại kiên cố, tiện nghi. 

Kinh tế ổn định, chị Phượng có thêm thời gian cho các sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, chị luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con lối xóm, các hội viên phụ nữ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chị tâm sự:

“Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, hơn ai hết, mình hiểu cái cuộc sống khổ, nghèo, thiếu thốn như thế nào, nên giờ giúp được ai điều gì là mình sẵn lòng giúp đỡ”.

Đi lên từ cảnh hàn vi, chị luôn ghi nhớ: Chính những đồng vốn và sự hỗ trợ của hội phụ nữ đã giúp chị “khởi nghiệp” và có được cuộc sống ổn định, no ấm như hôm nay…

Nước ngọt chống hạn

Những năm gần đây, Bến Tre phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn. Nguồn nước sinh hoạt do nhà máy nước cung cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống nhà máy của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn trên 2‰. 

Hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở tỉnh Bến Tre. Ảnh minh họa: TTXVN

Nằm trên cù lao An Hoá, bốn phía sông, biển bao quanh, huyện Bình Đại là địa bàn bị đe dọa bởi xâm nhập mặn, độ mặn cao, mức độ xâm nhập sâu. Người dân lao đao vì đồng chua mặn khó chăn nuôi, trồng trọt, nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất khan hiếm.

Trong “cuộc chiến” chống hạn mặn gắt gao đó, Bình Đại đã may mắn được tiếp sức bởi dự án Tín dụng tiết kiệm. Song song với hỗ trợ vốn vay sinh kế,  Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn tiếp cận vốn vay để xây ống hồ, mua dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Tới nay, 954 hộ đã được Dự án hỗ trợ tự xây ống hồ trữ nước. Từ đầu năm đến nay, dự án tiếp tục hỗ trợ cho 149 hộ vay và đang tiếp tục được chị em hưởng ứng đông đảo. 

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (ấp Tân Long, xã Thạnh Phước) cho biết: “Năm 2016, tôi đăng ký vay vốn từ Dự án 5 triệu đồng để xây 2 ống hồ chứa khoảng 4m3 nước; tiền vật tư, tiền thợ, xây ống hồ hết 6 triệu đồng…”

Chị cho biết, với 2 ống hồ nước mưa cả năm gia đình sử dụng không hết. Vào mùa nắng, nhà chị sử dụng thêm nước giếng nên dư nước mưa.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh bên ống hồ chứa nước của gia đình

Thấy được lợi ích lâu dài, năm 2018, chị tiếp tục vay thêm 5 triệu đồng từ Dự án, vận chuyển cát, đá, xi-măng về để xây thêm 2 ống hồ chứa khoảng 6 m3 nước, kinh phí khoảng 7 triệu đồng.

“Nhờ xây ống hồ chứa nước mà trong tình trạng nước mặn này gia đình tôi mới có nước sử dụng sinh hoạt, còn hiện tại nước máy đã mặn không thể nào sử dụng được…”, chị chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1985) ở ấp Vinh Tân, xã Vang Quới Đông cũng là một trong những người đã được vay vốn để tự xây dựng hệ thống trữ nước mưa, nước ngọt. Tổng thể tích trữ nước mưa mà chị đang sử dụng vào khoảng 6m3 nhỏ cho gia đình 3 người.

Chị Phương Thảo cho biết: 

“Cũng do tình hình nước nhiễm mặn đều xảy ra hàng năm nên tôi xây ống hồ để chứa nước mưa hoặc nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày. Vào năm 2016, khi biết Dự án có hỗ trợ nguồn vốn cho vay xây ống hồ, tôi làm hồ sơ đăng ký vay trong 24 tháng với mức vay là 5 triệu đồng để xây 2 ống hồ.”

Chị phấn khởi chia sẻ: “Xây được 2 ống hồ tôi rất vui, lợi ích lắm, không có ống hồ là giờ nhà tôi phải dùng nước măn như những năm trước, rồi sinh hoạt tắm rửa rất bất tiện. Sắp tới đây tôi dự định là sẽ tiếp tục vay vốn để làm thêm 2 cái ống hồ nữa do tình hình nước mặn kéo dài thì sợ sẽ không đủ nước…”

  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.
  • Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.
Read more

Bình Đại (Bến Tre): Tập huấn kỹ thuật cho 15 cán bộ dự án Tín dụng tiết kiệm

15 nhóm trưởng và thành viên dự kiến của dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về quản lý, điều hành và sinh hoạt nhóm thông qua lớp tập huấn diễn ra từ ngày 17-19/2.

Cán bộ chuyên trách chủ trì tập huấn

Lớp tập huấn nhằm tạo điều kiện để các nhóm tiết kiệm và vay vốn được tiếp cận với những kiến thức cần thiết về lĩnh vực vốn vay, tiếp cận và quản lý tốt nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Trong 03 ngày diễn ra tập huấn, các cán bộ dự án đã giúp các học viên nắm bắt được một số vấn đề chung về tín dụng, nhóm tín dụng; phát triển, quản lý và điều hành nhóm vay vốn, giới thiệu về hoạt động của dự án (mục đích hoạt động, đối tượng khách hàng, chính sách vay vốn, huy động tiết kiệm bắt buộc…); hướng dẫn về cách lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ và một số kỹ năng tại buổi đi thực tế trong quá trình vận hành và quản lý nguồn vốn của Dự án .
Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ dự án tại địa bàn, 15 học viên đã có được những hiểu biết nền tảng về tín dụng, nhóm tín dụng cũng như việc phát triển và quản lý và điều hành nhóm vay vốn

Bên cạnh đó, các nhóm trưởng tham gia cũng được cán bộ chuyên trách giải đáp một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác vay vốn tại cơ sở, cách nắm bắt thông tin vay vốn…

Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị, sau khi hoàn thành lớp tập huấn, các học viên đã có thêm sự tự tin, sẵn sàng trong tiếp cận quản lý nguồn vốn của dự án, để giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương.

“Thông qua lớp tập huấn, Ban quản lý mong muốn mỗi học viên sau này sẽ là một cộng tác viên đắc lực cho Ban quản lý dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại trong công tác vận hành và quản lý nguồn vốn thời gian tới”, bà Võ Thị Bé Hai – Phó Trưởng ban quản lý Dự án chia sẻ.

Tập huấn Tín dụng tiết kiệm
  • Dự án Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại được MCNV và các nhà tài trợ triển khai từ năm 2009.
  • Đến nay dự án đã triển khai tại 11 xã và thị trấn, cung cấp nguồn tín dụng và các hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội cho trên 5.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Dự án hiện nay đã tự chủ về mặt tài chính và hoạt động theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre.
  • Trên cơ sở tín dụng vi mô, dự án không ngừng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình, tăng cường hiểu biết và học hỏi, phòng tránh tác hại hạn mặn và hỗ trợ địa phương xây dựng Nông thôn mới.
Read more

Hợp tác và Xây dựng Mạng lưới Nâng cao Giáo dục và Dinh dưỡng

Bối cảnh

Cải thiện dinh dưỡng và an ninh lương thực tiếp tục là một ưu tiên trong hoạt động của MCNV tại Lào, đặc biệt là tại các khu vực có người dân tộc thiểu số sinh sống. Dinh dưỡng và an ninh lương thực liên hệ mật thiết với nhau và đòi hỏi các tiếp cận liên ngành như Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội quốc Gia của chính phủ Lào đã nêu rõ: “Dinh dưỡng là một trong những lĩnh vực đang đối mặt với những thách thức trong quá trình triển khai bởi nó liên quan chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác như an ninh lương thực, tiếp cận và tiêu dùng lương thực. Việc đối mặt với các vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả và chia sẻ trách nhiệm giữ các cơ quan hữu quan như y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường, công nghiệp và thương mại..v.v.”[1].

Hành động của MCNV

Tại Lào, gần đây MCNV đã bắt đầu chương trình “Hợp tác và Xây dựng Mạng lưới Nâng cao Giáo dục và Dinh dưỡng”, viết tắt là CANTEEN. Đây là một chương trình 4,5 năm (Từ 01/2017 – 06/2021) do EU tài trợ 75% ngân sách. Chương trình tập trung nâng cao năng lực cho các Tổ chức dân sự xã hội (CSO) và chính quyền địa phương (LA) để cùng hợp tác hướng đến các mục tiêu phát triển. Chương trình có 2 mục tiêu cụ thể như sau:

  1.  Xây dựng năng lực cho ít nhất 6 chính quyền địa phương, 1 tổ chức phi lợi nhuận  và 20 ban phát triển thôn để cùng họp tác và cung cấp các dịch vụ liên quan đến dinh dưỡng nhằm cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và đời sống cho hơn 6,000 người dân tộc thiểu số ở 20 thôn vùng sâu vùng xa ở huyện Nong, tỉnh Savannakhet.
  2. Tăng cường năng lực về đối thoại chính sách và tăng cường sự tham gia, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các quan hệ đối tác đa ngành để khuyến khích nhân rộng các mô hình thành công và tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình phát triển.

Ở chương trình CANTEEN, MCNV hợp tác chặt chẽ với CODA – một tổ chức phi lợi nhuận tại Lào và Sở Y tế Savannakhet để thúc đẩy làm việc hợp tác và tập thể giữa các cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức dựa vào cộng đồng ở huyện Nong nhằm cải thiện dinh dưỡng và an ninh lương thực ở cấp huyện và cấp thôn. Những kinh nghiệm và bài học rút ra từ công tác điều phối đa ngành này sẽ được chia sẻ với các đối tác liên quan ở cấp tỉnh và quốc gia là những người đang làm việc cùng nhau để cải thiện dinh dưỡng và an ninh lương thực ở Lào.

Các kết quả mong đợi

Trong 4,5 năm triển khai dự án, chương trình CANTEEN sẽ hỗ trợ hàng loạt hoạt động để đạt được các kết quả mong đợi sau:

Kết quả 1.1: Các bên tham gia như chính quyền địa phương, tổ chức dân sự xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) được tăng cường năng lực để cung cấp các dịch vụ dinh dưỡng hiệu quả cho những nhóm người dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Hoạt động này cần tăng cường năng lực cho tổ chức và cán bộ của các LA và CSO. Các phương thức xây dựng năng lực cụ thể sẽ được thiết kế dựa trên các phân tích về các khoảng trống hiện tại và nhu cầu tương lai của mỗi tổ chức tham gia. Đối với 20 Ban phát triển thôn, chương trình sẽ sử dụng những nguồn tài trợ nhỏ để hỗ trợ họ cải thiện các kỹ năng bằng cách thực hành chu trình của những dự án thí điểm nhỏ.

Kết quả 1.2Giảm suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực ở các thôn thuộc dự án thông qua áp dụng cách tiếp cận hội tụ giữa các bên liên quan chủ chốt về y tế, nông nghiệp và giáo dục. Hoạt động này được thiết kế đặc biệt để minh chứng tính hiệu quả của cách tiếp cận này trong việc giảm các trường hợp suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực ở các thôn được lựa chọn. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm việc cùng nhau để đạt được kết quả cuối cùng. Tất cả những can thiệp đến cách ngành (như giáo dục, nông nghiệp và y tế) được thiết kế chú trọng đến dinh dưỡng và hướng đế tạo ra các bằng chứng về các cách làm giúp giảm thiểu mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Các cách tiếp cận được đề xuất này đã đề cập đến 14 trong 22 hoạt động ưu tiên được xác định trong Chiến lược dinh dưỡng quốc gia đến năm 2025 và Kế hoạch hành động 2016 – 2020 được thiết kế để giảm suy dinh dưỡng nhanh chóng và bền vững, chú trọng vào bình đẳng giới và quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Kế quả 2.1: Tăng cường tính hiệu quả cho môi trường thể chế của các CSO và LA với mạng lưới mạnh hơn để có khả năng vận động cho các cách tiếp cận bền vững sử dụng các bằng chứng từ can thiệp của dự án. Điều này cho thấy cách tiếp cận bền vững và được nhân rộng ở huyện Nong, sử dụng các bằng chứng đã có để biện luận cho việc nhân rộng, sửa đổi ở các khu vực khác tại Lào. Chương trình sẽ tăng cường các liên kết với các mạng lưới dân sự xã hội như Liên minh tăng cường dinh dưỡng. Hoạt động này sẽ gia tăng giá trị cho các kế hoạch của chính phủ Lào khi họ đang mở rộng các cách tiếp cận hội tụ ở các tỉnh khác, gồm cả tỉnh Savannakhet và sẽ tìm kiếm bằng chứng và hỗ trợ việc triển khai và mở rộng hiệu quả.

[1] Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội quôc gia 5 năm 2016 – 2020: phần 1: thành tựu và các bài học kinh nghiệm, Lào.

Read more

Nông nghiệp dinh dưỡng ở Lào và Việt Nam

Cải thiện chế độ ăn uống thông qua nông nghiệp dinh dưỡng

Bối cảnh

Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng tình trạng đói kém vẫn là một vấn đề lớn ở Lào với hơn 44% trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của các em về lâu dài. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở huyện Nòng, một trong những khu vực nghèo nhất tại Lào nơi mà người dân có thể bị thiếu thốn lương thực nhiều tháng trong năm.

Vai trò của MCNV

Để giải quyết những vấn đề này, MCNV đã áp dụng cách tiếp cận nhạy cảm với dinh dưỡng đối với các hoạt động về nông nghiệp và sinh kế ở một số làng bản nghèo nhất của huyện. Cách tiếp cận này đã được sử dụng trong chương trình cải thiện dinh dưỡng của MCNV tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

Cách tiếp cận này nhằm hướng đến sự đóng góp tối đa của ngành nông nghiệp cho dinh dưỡng và ghi nhận những lợi ích từ một chế độ ăn đa dạng và có dinh dưỡng cũng như sự quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc hỗ trợ các sinh kế của nông thôn. Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm cho thị trường thì những người dân sử dụng đất đai của họ để canh tác nhiều chủng loại nông phẩm từ hoa quả, rau, vật nuôi và cá. Ở Nòng,MCNV đã hỗ trợ phát triển các ao cá, cung cấp hạt giống và dụng cụ làm vườn và nâng cao các dịch vụ thú y để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi. Cách tiếp cận của MCNV đối với nông nghiệp còn kéo theo việc khuyến khích bình đẳng giới và cung cấp giáo dục về dinh dưỡng để nhờ đó các hộ dân quen với việc cái thiện dinh dưỡng, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em. Ví dụ như chúng tôi đã xem xét sự phân công lao động giữa đàn ông và phụ nữ để đảm bảo rằng các bà mẹ có đủ thời gian để cho con của họ bú. Cuối cùng, MCNV đã áp dụng cách tiếp cận đa ngành đối với dinh dưỡng, liên kết ngành nông nghiệp với các ngành khác như giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội để giải quyết những nguyên nhân khác của tình trạng suy dinh dưỡng.

Các kết quả đạt được

Thông qua việc hợp tác với các tổ chức từ các ủy ban phát triển thôn đến Bộ nông nghiệp, MCNV đã cải thiện việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trong khi vẫn bảo tồn đất đai và nguồn nước mà những người dân vẫn sử dụng để sinh hoạt. Điều quan trọng nhất là hoạt động này đã giảm tình trạng đói và suy dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe của trẻ em để đạt được những lợi ích về lâu vê dài.

Định hướng tương lai

Trong thời gian sắp tới, MCNV sẽ làm việc với Diễn đàn kiến thức về thực phẩm và kinh doanh của đại học Vries, Hà Lan để triển khai nghiên cứu về những tác động của nông nghiệp dinh dưỡng để đảm bảo rằng mô hình này có thể được nhân rộng hơn cho nhiều người dân ở Lào và các nước khác.

Thông tin về dự án dinh dưỡng với Diễn đàn kiến thức về thực phẩm và kinh doanh ở đường link sau:

http://knowledge4food.net/research-project/scaling-up-nutrition-sensitive-agricultural-initiatives-in-vietman-and-laos/

Read more

Ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng nghèo ven biển tỉnh Bến Tre

Bối cảnh

Serious drought and saline intrusion in Ben Tre 2016

Tình trạng khô hạn ở Bến Tre vào năm 2016

Biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng gây ra những tác động trực tiếp đến điều kiện sống của một lượng lớn cư dân ở các nước đang phát triển, nơi họ phải dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên.

Read more

Nông nghiệp và sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu

Bối cảnh

Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nông dân nhiều nơi trong khu vực đang phản ánh về việc mùa mưa trở nên khó đoán trước, lượng mưa ít và đến muộn dẫn đến tình trạng mất mùa. Việc thiếu hụt nước ngọt từ sông Mê kông bởi các đập giữ nước ở vùng làm giảm lưu lượng nước và việc mực nước biển tăng đang dẫn đến việc xâm nhập mặn ngày càng nặng hơn. Điều này đã trở thành một vấn đề trầm trọng tại tỉnh Bến Tre, nơi MCNV đã làm việc nhiều năm nay,  khigiống bưởi hồng da xanh, đặc sản của vùng này đang dần bị thoái hoá.

Vai trò của MCNV

Biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng nhóm người nghèo và bị lề hoá thường bị ảnh hưởng nặng nề và sớm nhất. VÌ thế, MCNV rất chú trọng để thử nghiệm và giới thiệu nhiều hình thức nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở những nơi mà chúng tôi hoạt động. Những cách tiếp cận bền vững giúp ngăn chặn hoặc phục hồi việc xói mòn độ phì nhiêu của đất và bảo tồn việc sử dụng nước ngọt là một trong những định hướng quan trọng nhất. Những phương pháp này không đòi hỏi đầu tư lớn là điều thuận lợi cho những người nghèo. Bên cạnh đó, để bình ổn cuộc sống của những người nghèo đang bị tác động bởi hạn hán và ngập mặn, MCNV đã đưa ra những tập huấn về kỹ thuật và cung cấp tín dụng cho phụ nữ nghèo khởi nghiệp với các hoạt động tạo thu nhập thay thế như chăn nuôi và nghề thủ công. Việc thành lập những mô hình hợp tác xã mới cho phụ nữ nghèo dựa vào những thế mạnh ngành nghề truyền thống và kinh nghiệm thị trường là một cách tiếp cận mới mà MCNV đang thử nghiệm tại tỉnh Bến Tre. Mô hình này hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều cơi hội hơn cho người nghèo bởi vì nó giảm thiểu chi phí sản xuất và tang hiệu quả trong việc sử dụng nhân lực.

Trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra vào đầu năm 2016, MCNV đã đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả với sáng kiến hỗ trợ phụ nữ nghèo xây dựng những hồ chứa nước lớn để dự trữ nước mưa phục vụ cho nhu cầu nấu nướng trong mùa khô. Các khoản vay quay vòng giúp xây dựng hồ chứa nước đã giúp 160 hộ xây dựng 296 hồ chứa với tổng dung tích 829m3 nước mưa có thể dự trữ cho mùa khô. Số lượng các hộ nghèo có thể xây hồ chứa sẽ được tăng lên nữa trong năm tới khi các khoản vay hiện tại được quay vòng.

Vấn đề nông nghiệp bền vững đang liên quan mật thiết đến nhu cầu ngày càng tăng đối với sản xuất thực phẩm dinh dưỡng và an toàn và cho một dân số đang phát triển. Sự quan tâm ngày càng nhiều đến an toàn thực phẩm của nhóm những người khá giả ở các khu vực thành thị của Việt Nam thực sự lại đang tạo ra những cơ hội sinh kế cho những nông dân dân tộc thiểu số nghèo trong việc trồng trọt sản phẩm hữu cơ. Nếu đất đai của họ được giữ gìn để không bị ô nhiễm thì trong tương lai sẽ có thể trở thành một trong những tài sản có giá trị. Đã có những dấu hiệu cho thấy rằng những nhà hoạch định chính sách có thể không ủng hộ cách họ vẫn thường làm là sử dụng những giải pháp công nghệ cao và quy mô lớn mà các doanh nghiệp lớn về nông nghiệp và hoá chất nông nghiệp đang quảng bá mạnh mẽ.

Định hướng tương lai

MCNV đang phát triển lĩnh vực “Nông nghiệp dinh dưỡng” tại một trong những khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số nghèo và ở vùng xa xôi nhất tại Lào. Những khu vực này rất xa các khu vực thành thị nên dự án chú trọng vào việc giúp người dân tự cung tự cấp bền vững, đồng thời cải thiện sự tiếp cận đối với thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai trong bối cảnh rừng và các tài nguyên thiên nhiên đang bị suy giảm.

Read more