Tin tức

MCNV triển khai dự án phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam

Vào ngày 25/4/2019 tại Thành phố Huế và ngày 26/4/2019 tại Thành phố Tam Kỳ, MCNV cùng với Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP), Sở Y tế của hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã tổ chức Lễ giới thiệu và khởi động Dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng liên chuyên khoa trong chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tât phát triển” (gọi tắt là Dự án I THRIVE – Tôi lớn mạnh). Đến tham dự sự kiện, tại mỗi tỉnh có khoảng 60 đại biểu đến từ USAID; VUSTA; Bộ Y tế; Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan; Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng; Trường Đại học Y Dược Huế; Hội Người khuyết tật;các bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế huyện tham gia dự án; và các tổ chức đang hỗ trợ người khuyết tật tại địa bàn tỉnh. Các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác long trọng giữa CCIHP, MCNV và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.

Các hoạt động của Dự án Tôi lớn mạnh tập trung vào 3 mục tiêu:

  1. Nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ Phục hồi chức năng (PHCN) tuyến tỉnh và huyện trong hoạt động trị liệu (HĐTL), ngôn ngữ trị liệu (NNTL) và vật lý trị liệu (VLTL);
  2. Phát triển dịch vụ liên chuyên khoa và tăng cường can thiệp với sự tham gia của cha mẹ trẻ khuyết tật;
  3. Cải thiện và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về can thiệp cho trẻ tự kỷ và phối hợp liên chuyên khoa PHCN;

Các hoạt động thuộc mục tiêu 1 sẽ do MCNV chịu trách nhiệm triển khai với sự hợp tác của một số trường đại học quốc tế và trong nước. Theo đó, Dự án dự kiến sẽ đào tạo cho 24 kỹ thuật viên (KTV) chuyên ngành HĐTL, 24 KTV chuyên ngành NNTL và 9 KTV chuyên ngành VLTL nhằm phát triển nguồn nhân lực PHCN cho các trung tâm y tế/bệnh viện tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trọng tâm là tuyến huyện. Sau 1 năm được học lý thuyết và thực hành tại Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng và Trường Đại học Y Dược Huế, tất cả 57 học viên sẽ được tình nguyện viên quốc tế hướng dẫn thực hành tại cơ sở y tế nơi mình làm việc. Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ cho các bệnh viện tỉnh và trung tâm y tế huyện các trang thiết bị phục hồi chức năng cơ bản.

Dự án Tôi lớn mạnh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là Cơ quan chủ quản, CCIHP là Chủ Dự án và MCNV là đơn vị đồng thực hiện. Thời gian triển khai Dự án là 3 năm, từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 10 năm 2021 tại Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tỉnh Quảng Nam. Dự án được thực hiện với mong đợi thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ PHCN liên chuyên khoa tại tuyến tỉnh và tuyến huyện ở Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tỉnh Quảng Nam để có thể áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác.

Read more

Những chiếc ống hút tre từ rừng xanh biên giới

Đồng bào Bru – Vân Kiều ở khu vực miền núi huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, lấy tre từ những triền đá cheo leo bên những con suối uốn lượn dọc dãy Trường Sơn. Thân tre được cạo vỏ, làm sạch ruột, cắt thành các ống dài 20cm, sau đó được luộc, làm sạch và phơi khô để trở thành những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đó chính là những chiếc ống hút tre.

Với sự hỗ trợ của MCNV, 03 nhóm sản xuất ống hút tre với sự tham gia của 21 hộ gia đình hiện đang hoạt động hiệu quả ở các xã Hướng Phùng, Hướng Lập và Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Mỗi nhóm có thể sản xuất trung bình 5.000 ống hút tre mỗi tháng để đáp ứng các đơn đặt hàng, từ đó đem lại thu nhập tốt hơn cho các hộ tham gia. Hỗ trợ của MCNV bao gồm: Tập huấn hướng dẫn sản xuất và quản lý nhóm; Cung cấp máy cắt tre và một số thiết bị khác; Phát triển vùng nguyên liệu tre; Kiểm soát chất lượng & liên kết thị trường. Trong 6 tháng qua, việc sản xuất ống hút tre đã tạo thêm thu nhập khoảng 75 triệu đồng cho các hộ gia đình này, cho phép họ trang trải chi phí cho con cái và sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Sản xuất ống hút tre là hoạt động thuộc Dự án Hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số do MCNV triển khai tại Hướng Hóa. Ở những thôn bản miền núi xa xôi dọc khu vực biên giới Việt – Lào, trẻ em gái vị thành niên đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và dai dẳng: bỏ học, kết hôn sớm, mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, không có việc làm và thiếu thu nhập. Những vấn đề này ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và tương lai của các em. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có sự can thiệp toàn diện, bao gồm nâng cao nhận thức và truyền thông thay đổi hành vi về sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, phát triển kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế, hỗ trợ vật chất, đào tạo nghề và tạo việc làm. Trên hết, nghèo đói được xem là nguyên nhân sâu xa của các vấn đề mà trẻ em gái vị thành niên đang đối mặt. Do đó, điều quan trọng là cần giúp gia đình của các em có thêm thu nhập và công việc ổn định, từ đó họ có thể hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống các em. Sản xuất ống hút tre trở thành một giải pháp tốt để tạo thu nhập, đồng thời hưởng ứng xu hướng sử dụng các sản phẩm thay thế đồ nhựa để bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, MCNV mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quan tâm đến các sản phẩm thay thế đồ nhựa để giúp các nhóm sản xuất ở Hướng Hóa phát triển thêm nhiều sản phẩm khác từ tre, chẳng hạn như bộ đồ ăn du lịch và đồ dùng trang trí gia đình. Bằng cách tạo ra các sản phẩm tre thay thế các sản phẩm nhựa, đồng bào dân tộc ít người Bru Vân Kiều ở Hướng Hóa không chỉ có thể cải thiện cuộc sống cho con em mình mà còn đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển của xã hội.

Read more

Chương trình đào tạo Thạc sỹ kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu

Ngôn ngữ trị liệu là một lĩnh vực chuyên môn thuộc ngành kỹ thuật Phục hồi chức năng, gồm các dịch vụ: đánh giá, chẩn đoán, tạo chức năng, phục hồi chức năng, tư vấn và phòng ngừa cho người có rối loạn về âm ngữ, ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát trong giao tiếp, nhận thức và nuốt do sự chậm trễ trong phát triển hoặc do chấn thương, ung thư, đột quỵ hoặc bệnh thần kinh tiến triển. Ngôn ngữ trị liệu nhằm mục đích giúp mọi người giao tiếp và nuốt có hiệu quả để có thể học tập và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, tạo điều kiện cho họ tăng trình độ học vấn, năng lực làm việc và hòa nhập xã hội, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật” (Dự án DISTINCT) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, do Trung tâm Phát triển Sức khoẻ Bền vững (VietHealth) – đơn vị chủ dự án, triển khai thực hiện từ năm 2015 đến năm 2022, trong đó có hoạt động “Phát triển đào tạo Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam” do tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam (MCNV) điều phối.

Với mục đích góp phần xây dựng nền tảng hướng tới phát triển vững chắc và có hệ thống mạng lưới đào tạo kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam, từ tháng 11/2017 đến nay, Uỷ ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) hợp tác với Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng và thực hiện Đề án mở ngành đào tạo Thạc sỹ kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt.

Trong quá trình xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, do trong nước chưa sẵn có đội ngũ chuyên gia, giảng viên đáp ứng yêu cầu về bằng cấp chuyên môn và chức danh nên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với trường Đại học Sydney (Úc) và tổ chức Trinh Foundation (Úc) để xây dựng Khung chương trình, giáo trình đào tạo và kế hoạch đào tạo với tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam.

Ngày 18/6/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1709/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng trình độ thạc sỹ.

Đề án mở ngành đào tạo Thạc sỹ kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu được phê duyệt và chính thức triển khai thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực theo trình độ, chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu, đáp ứng nhu cầu khám đánh giá, chẩn đoán và can thiệp phục hồi chức năng nói chung và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân nói riêng; góp phần giải quyết những thách thức đối với hệ thống cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, với mạng lưới cán bộ y tế, kỹ thuật viên phục hồi chức năng; đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và góp phần nâng cao nền y dược học Việt Nam. Đồng thời, Đề án cũng đảm bảo yêu cầu về khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VietHealth trân trọng chúc mừng kết quả tốt đẹp bước đầu của MCNV và trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. VietHealth cam kết và rất hân hạnh tiếp tục đồng hành với MCNV trong việc triển khai hoạt động “Phát triển đào tạo Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam” trong khuôn khổ Dự án DISTINCT do USAID tài trợ.

(Nguồn: VietHealth)

Read more

Phim tài liệu MCNV lên sóng VTV4!

Sau rất nhiều nỗ lực, tối ngày 15/03/2018, Bộ phim tài liệu đầu tiên về Giáo dục Hòa nhập cho Trẻ khuyết tật Cao Bằng của MCNV đã phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV4.

Phim tái hiện chân thực, sinh động những khó khăn, vất vả mà trẻ khuyết tật và gia đình các em phải trải qua để có thể đến trường và hòa nhập xã hội. Phim cũng nói lên tình yêu vô điều kiện và sự quan tâm, ân cần, chăm sóc mà các thầy cô giáo dành cho các em, giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bộ phim tài liệu được mang tên “Con có thể đến trường” được phát sóng lúc 20.30 ngày 15/03/2018 trên kênh VTV4.

Để xem trọn phim, xin mời quý vị bấm vào đây.

Để xem bản giới thiệu phim, xin mời quý vị bấm vào đây.

Phim với phụ đề tiếng Anh, xin vui lòng bấm vào đây.

Sau khi phim được phát sóng, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã gọi điện đến chúc mừng MCNV về bộ phim cảm động và ý nghĩa này. Đây là niềm vui, niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của MCNV trong việc tiếp tục công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập xã hội tại cộng đồng.

Read more

Nhóm sinh viên Lào theo học Thạc sỹ về Y tế công cộng có mặt tại Hà Nội

Ngày 5 tháng 3 năm 2018, Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội tổ chức một sự kiện chào đón 10 sinh viên theo học Thạc sỹ Y tế Công cộng đến từ trường Đại học Khoa học Y tế Lào (UHS). Đây là nhóm sinh viên đầu tiên tham gia chương trình Thạc sỹ Y tế Công cộng hai năm, nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường đại học, trong đó có các hoạt động nghiên cứu cả ở Lào và Việt Nam.

Hiệu Trưởng trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, Giáo sư Bùi Thị Thu Hà, đã trình bày lịch trình học trong 8 tháng tới tại Hà Nội.
Các bạn sinh viên sẽ theo học chương trình Thạc sỹ Y tế Công cộng gồm các mô-đun về sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, quản lý bệnh viện, tài chính y tế, thống kê sinh học, làm giảm khoảng cách giữa nghiên cứu và hoạch định chính sách, dịch tễ học, sức khoẻ môi trường và các chủ đề khác. Trong năm thứ hai, học viên Thạc sỹ Y tế Công cộng trở lại Đại học Khoa học Y tế Lào ở Viêng Chăn để chuẩn bị luận án và một số hội thảo nghiên cứu.

Nền giáo dục qua biên giới mang tính đột phá này được EU tài trợ trong khuôn khổ chương trình LEARN (Công bằng qua Mạng Phân tích chính sách và Nghiên cứu) trong 5 năm nhằm nâng cao năng lực của các cơ sở y tế công cộng ở Lào. Chương trình LEARN tập hợp nhiều đối tác làm việc trong lĩnh vực giáo dục và chính sách y tế cho mục đích này. Tham dự buổi lễ khai mạc tại Hà Nội là đại diện của đối tác LEARN, gồm có Viện Y tế Công cộng Lào (Quyền Giám đốc TS. Sengchanh Kounnavong), Trường Đại học Y tế Công cộng (TS. Nguyễn Thanh Hà), Trường Đại học Khoa học Y tế Lào (TS. Vanphanom Sychareun), MCNV (Giám đốc Quốc gia Lào TS. Charles Silva), LEARN (Quản lý Chương trình Suzanna Lipscombe) và các khách mời khác.

 

Read more

Bạo lực học đường – Tại sao vậy?

Ngày 19/3, MCNV đã phối hợp với Đoàn trường Trung học Phổ thông Vĩnh Linh truyền thông lồng ghép về sức khoẻ tâm thần (SKTT) thông qua Diễn đàn thanh niên với chủ đề “Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường”. Đây là một trong những hoạt động đã cam kết thực hiện giữa MCNV, Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Trị và Trường Trung học phổ thông Vĩnh Linh của dự án Chăm sóc SKTT học sinh giai đoạn 2017 -2018 nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về SKTT.

Buổi truyền thông được thực hiện trong tiết chào cờ đầu tuần với sự tham gia hơn 600 học sinh của 16 lớp học khối 10 và khối 12.

Thông qua các vở kịch do học sinh tự xây dựng cùng với phương pháp tương tác (trao đổi) với học sinh, buổi truyền thông đã giúp các em nhận biết nguyên nhân của bạo lực học đường là do học sinh có vấn đề về: hành vi, cảm xúc, nhóm bạn và kỹ năng tiền xã hội. Từ đó đã giúp cho các em xác định các biện pháp phù hợp để hạn chế “Bạo lực học đường”.

Kịch truyền thông về phòng chống BL học đường do các bạn học sinh THPT Vĩnh Linh biểu diễn

Read more

Chương trình phát triển Chuỗi giá trị trái cây thanh long tại Việt Nam

Từ ngày 12 đến ngày 20 tháng 3 năm 2018, ông Guus Paardekooper, tổng giám đốc MCNV đã có chuyến công tác và làm việc tại Việt Nam để huy động các đối tác tiềm năng cùng phát triển Chương trình Chuỗi giá trị Trái Thanh long. Cùng tham gia chương trình lần này có giám đốc của Công ty Đất, Nước và Lương thực “Land Water Food Consult” và Công ty Bureau Leeters đến từ Hà Lan. Phía Việt Nam có sự tham gia của Hội Nông dân Việt Nam (VNFU).

Đoàn đại biểu đã tham gia một loạt các cuộc họp với các đối tác quan trọng để bàn luận về chương trình và trao đổi về những cơ hội hợp tác trong tương lai. Đoàn đại biểu Liên minh Châu âu tại Việt Nam, ĐSQ Hà Lan, ĐSQ Úc, cũng như các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khác như GIZ và Helvetas thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng hợp tác để thực hiện chương trình. Nhóm cũng có những trao đổi chuyên sâu với cấp chính quyền địa phương tại Quảng Trị, Long An và Bình Thuận cũng như các đối tác địa phương như các hợp tác xã sản xuất, các nhóm mua, cơ sở chế biến, các viện nghiên cứu và công ty xuất khẩu. Nhóm sẽ xúc tiến tìm kiếm các thị trường xuất khẩu cao cấp như thị trường châu Âu.

Đoàn đại biểu trong cuộc gặp và làm việc với ĐSQ Hà Lan tại VN

Thanh long là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đồng thời phù hợp với chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Cây thuộc họ Hylocereus, xương rồng, do đó có khả năng chịu hạn cao. Người nông dân nhận thức được điều này, do đó diện tích trồng thanh long tăng nhanh trong những năm qua, giúp cải thiện đời sống cho người nông dân so với việc trồng lúa.

Tuy nhiên, diện tích mở rộng nhanh này cũng tiềm ẩn những rủi ro, do quá trình sản xuất, sử dụng không bền vững đầu vào, mối đe dọa ngày càng tăng của sâu bệnh và bệnh tật, do đó cho ra sản phẩm kém chất lượng. Điều này cũng ảnh hưởng đến cơ hội kết nối và tiếp cận thị trường (trong nước và quốc tế). Hơn nữa, việc làm trong các khu vực sản xuất lớn sẽ trở nên phụ thuộc vào chỉ một cột trụ kinh tế, làm cho lao động và việc làm trong khu vực trở nên nhạy cảm với thiên tai. Sản xuất chính trong khu vực nằm ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Các tỉnh khác, như Quảng Trị, ngày càng quan tâm đến việc mở rộng diện tích trồng thanh long. Do đó, chính quyền địa phương đã củng cố tầm quan trọng của sáng kiến ​​này.

Ông Guus Paardekooper, tổng giám đốc MCNV gặp và làm việc với ông Phạm Tiến Nam, phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

 

Gặp và làm việc tại ĐSQ Úc tại Hà Nội

Mục tiêu tổng quát của dự án là thực hiện chuỗi giá trị vững chắc của thanh long ở các tỉnh miền Nam Việt Nam, dựa trên thực tiễn sản xuất và phân phối bền vững, theo định hướng thị trường đầu ra và vị trí thị trường trong nước và quốc tế lâu dài, từ đó tạo ra sự bền vững tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Chương trình được thực hiện sẽ đóng góp đáng kể vào các mục tiêu thiên niên kỷ tại VN. Với 4 gói can thiệp hoàn chỉnh, gồm có Phân tích chuỗi giá trị và quan hệ đối tác, Nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật canh tác và sau thu hoạch, Quản lý tri thức, và Phát huy các thông lệ tốt, chương trình dự kiến hỗ trợ cho 1000 nông dân tiến tới thực hành tốt trong vòng 5 năm, đồng thời giúp đỡ các hộ gia đình trong vùng dự án phát triển mô hình sinh kế mới để cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Read more

Quan tâm đến sức khỏe tâm thần cho học sinh

Các rối loạn tâm thần và hành vi (RLTT & HV) ở trẻ em và thanh thiếu niên rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới. Theo nghiên cứu, ở Việt Nam có khoảng 10-20% học sinh có các vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần cần được theo dõi, tư vấn và chữa trị. Các vấn đề chính trong RLTT & HV là rối loạn cảm xúc, ứng xử, tăng động, có vấn đề với bạn bè, chống đối thầy cô và ba mẹ, trầm cảm, lo âu… dẫn đến việc học sinh sa sút trong học tập và có ý tưởng tiêu cực.

Trước thực trạng SKTT và các yếu tố liên quan đến học sinh có vấn đề SKTT, vào tháng 5/2017, tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành khảo sát thực trạng SKTT tại 3 Trường THPT Vĩnh Linh, THPT A Túc (Đakrông) và THPT Đông Hà. Kết quả của cuộc khảo sát ở Trường THPT Vĩnh Linh cho thấy, có 104 em (9,03%) có vấn đề về SKTT, 56 em (5,01%) rối loạn về cảm xúc, 27 em (2,42%) có rối loạn về hành vi, 21 em (1,88%) tăng động, 19 em (1,7%) có vấn đề về bạn bè và 22 em (1,97%) có vấn đề về tiền xã hội. Các yếu tố liên quan đến học sinh có vấn đề về SKTT gồm: Hoàn cảnh kinh tế gia đình, số anh chị em trong gia đình, kết quả học tập, số lượng bạn thân… Dựa trên kết quả khảo sát này, MCNV cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định chọn Trường THPT Vĩnh Linh để thực hiện mô hình điểm về SKTT học sinh THPT với các can thiệp toàn diện.

Theo đó, dưới sự hướng dẫn của cán bộ MCNV, Trường THPT Vĩnh Linh chọn ra 13 giáo viên tích cực và tâm huyết, trong đó có ban giám hiệu và các giáo viên bộ môn cùng cán bộ y tế trường học tham gia. Nhóm giáo viên được cung cấp các kiến thức cơ bản về SKTT & RLHV, các phương pháp kỹ năng cơ bản về tư vấn cho học sinh qua 2 lớp tập huấn nhằm giúp các em có thể tự giải quyết các vấn đề và vượt qua khó khăn của mình. Ban giám hiệu nhà trường đã chọn tư vấn cho 14 em học sinh có vấn đề về RLHV, sử dụng bộ câu hỏi HDQ 25 để khảo sát tình trạng SKTT cho học sinh khối 10 qua Google Driver. Tiếp đó, ban quản lý dự án tổ chức hội thảo để chia sẻ các phương pháp trong giáo dục RLHV học sinh với giáo viên toàn trường; chia sẻ mục đích, nội dung và hoạt động của dự án cũng như một vài kết quả hoạt động của nhóm giáo viên với toàn thể giáo viên chủ nhiệm để nhận được sự phối hợp và hỗ trợ. Để dự án phát huy hiệu quả cao và tạo sự kết nối, 2 tuần một lần, các giáo viên tổ chức buổi họp để trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm và kết quả tư vấn hoặc trao đổi các vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện trên facebook kín của nhóm. Ngoài ra, nhóm giáo viên này cũng được học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ những tư vấn của các bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Thầy giáo Trương Đình Hóa, chủ nhiệm lớp 12A3 chia sẻ: “Qua 2 đợt tập huấn, chúng tôi nhận ra rằng rối loạn SKTT không phải là bệnh “điên” như nhiều người lầm tưởng mà là các rối loạn về hành vi của học sinh. Các phương pháp giải quyết vấn đề của chương trình tập huấn đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giao tiếp, nói chuyện, giáo dục với học sinh và người thân của các em. Hiện tại, chúng tôi có khá đầy đủ kiến thức và kỹ năng để phát hiện học sinh nào có RLHV, học sinh nào cần ưu tiên tư vấn và hỗ trợ trước”. Thầy Hóa là một trong những giáo viên tích cực trong chương trình, giúp đỡ nhiều em học sinh lấy lại trạng thái tâm lý bình thường và cải thiện hiệu quả học tập. Đến nay, thầy Hóa đã giúp đỡ 8 em học sinh lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và ổn định hơn trong học tập. Điển hình như có một em thường biểu hiện trầm cảm, lầm lỳ, ít tiếp xúc với ba mẹ và các bạn trong lớp. Nguyên nhân là vì bố mẹ định hướng và thúc ép em học các môn tự nhiên để thi vào ngành kế toán trong khi em học khá tốt các môn xã hội và muốn thi vào ngành tiếng Trung. Trước sức ép từ gia đình, em ngày càng ít nói và có cảm giác bạn bè trong lớp xa lánh mình. Sau khi được tập huấn, và nắm bắt trường hợp của em này, thầy Hóa tiến hành tiếp cận, tạo niềm tin và tâm sự, chia sẻ cùng em. Tiếp đó, thầy Hóa lên phương án can thiệp bằng cách trò chuyện với bố mẹ em để vận động, phân tích cho phụ huynh nhận ra vấn đề. Từ đó, họ điều chỉnh hành vi phù hợp đối với con mình. Thầy Hóa tiếp tục tạo điều kiện để em tham gia các hoạt động của lớp để tiếp xúc, giao tiếp với các bạn trong lớp nhiều hơn. Thầy cũng trò chuyện, chia sẻ với các cô, thầy giáo bộ môn để có sự quan tâm, hỗ trợ học sinh của mình. Hiện nay, học sinh này đã vui vẻ với bố mẹ, giao tiếp, hòa đồng với bạn bè và hiệu quả học tập cao hơn trước…

Nhờ sự tư vấn, theo dõi tích cực của nhóm giáo viên nên đa số học sinh Trường THPT Vĩnh Linh đã tự giác đưa ra những kế hoạch để thay đổi bản thân theo hướng tích cực như ít nghỉ học hơn, tự giác tìm thầy, bạn để hỗ trợ học bài, sắp xếp thời gian học bài khoa học, chú ý và tự giác ăn sáng để có sức khoẻ cho học tập, hạn chế các hành vi làm ảnh hưởng đến bạn bè… Qua gặp gỡ trao đổi, các bậc phụ huynh chia sẻ rằng, họ đã có sự thay đổi đáng kể trong vấn đề SKTT của học sinh, từ đó, hợp tác tốt với giáo viên trong quá trình giáo dục tâm lý cho con em mình.

Nói về hiệu quả của dự án “Sức khỏe tâm thần học sinh THPT tại trường học”, cô giáo Lê Thị Chí, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh cho biết: “Sau gần 1 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả nhất định. Nhà trường đã thấy được kết quả làm việc của nhóm giáo viên thông qua việc tư vấn cho các em học sinh có RLHV và nhận thấy sự cần thiết của tổ tư vấn nên đã quyết định thành lập Ban tư vấn học đường (từ tháng 11/2017) do hiệu trưởng làm trưởng ban, phó hiệu trưởng làm phó ban trực. Ban gồm có 37 cán bộ, giáo viên, trong đó có các giáo viên đã được tham gia dự án SKTT học sinh làm chủ chốt. Ngoài ra, trường cũng tạo điều kiện để các giáo viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, hội thảo do dự án hỗ trợ”.

Trao đổi thêm với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ phụ trách mảng tâm thần, văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam tại Quảng Trị cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, dự án vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Đại đa số giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giáo dục SKTT cho học sinh. Nhận thức về SKTT của một số giáo viên, học sinh và phụ huynh chưa thật đầy đủ, đúng đắn nên gây khó khăn cho công tác tư vấn. Công việc của giáo viên nhiều, quỹ thời gian hạn hẹp vì thế ảnh hưởng không ít đến công tác giáo dục SKTT cho học sinh.… “Thời gian tới, MCNV sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tập huấn cho đội ngũ cốt cán làm công tác giáo dục SKTT cho học sinh. Chúng tôi cũng mong rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị sớm có hướng dẫn cụ thể về chế độ, kinh phí cho hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông để các thầy cô giáo yên tâm công tác”, bác sĩ Lan cho biết thêm.

Theo Trần Tuyền, Báo Quảng Trị

Read more

MCNV và tỉnh Quảng Trị: 50 năm đồng hành phát triển

UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với MCNV tổ chức tọa đàm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hà Lan – Việt Nam (1973-2018) và 50 năm thành lập MCNV (1968-2018). Buổi tọa đàm diễn ra vào ngày 12/4/2018 tại Khách sạn Sài Gòn – Đông Hà, Tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đại diện các sở, ban, ngành, các tổ chức đối tác của MCNV tại Quảng Trị và cơ quan thông tấn, báo chí. Buổi tọa đàm còn có sự tham dự của Bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, tập thể cán bộ của Văn phòng MCNV miền Trung và các khánh mời đặc biệt gồm các nhà tài trợ và cựu lãnh đạo và cán bộ của MCNV đến từ Hà Lan. Trong không khí ấm cúng, thân mật và vui vẻ của buổi tọa đàm, đại diện các bên cùng nhau ôn lại những điểm mốc đáng nhớ trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước, cũng như quá trình hợp tác phát triển giữa MCNV và tỉnh Quảng Trị.

MCNV chính thức được thành lập vào ngày 18/11/1968 trong phong trào phản kháng Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra trên khắp thế giới. Trong những năm đầu tiên, có đến hơn 600 bác sĩ, dược sĩ, y tá và giảng viên các trường đại học tại Hà Lan đã tình nguyện tham gia các hoạt động của MCNV. Còn số nhà tài trợ ủng hộ cho MCNV lên đến hơn 65.000 người. Những hoạt động ban đầu của MCNV chủ yếu là quyên góp, cung cấp thuốc men và thiết bị y tế cho Việt Nam. Ngoài ra, nhiều phương tiện phục vụ cho cuộc sống và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam  như xe đạp, máy khâu cũng được người dân Hà Lan quyên góp ủng hộ thông qua MCNV.

Các nhà tài trợ lâu năm của MCNV có mặt và biểu diễn tại sự kiện

Năm 1973, MCNV phát động một chiến dịch toàn quốc ở Hà Lan nhằm gây quỹ hỗ trợ xây dựng một bệnh viện cho tỉnh Quảng Trị, nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đây là một bệnh viện lắp ghép, kết cấu chính bằng nhôm và được sản xuất tại Hà Lan. Việc lắp ghép và xây dựng bệnh viện bắt đầu được tiến hành vào năm 1975, hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1977. Tên ban đầu của bệnh viện là Bệnh viện Đông Hà, nhưng sau này được chính quyền và người dân địa phương gọi một cách quen thuộc là Bệnh viện Hà Lan. Bệnh viện Hà Lan đã góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân Quảng Trị trong suốt 20 năm cho đến khi tỉnh xây dựng một bệnh viện mới vào năm 1997. Cở sở của Bệnh viện Hà Lan cũ được chuyển giao lại cho Trung tâm đào tạo nhân lực y tế của tỉnh và sau đó là Trường Trung học Y tế Quảng Trị (ngày nay là Trường Cao đẳng Y tế). Cũng chính trên nền đất này, Văn phòng MCNV miền Trung chính thức được thành lập vào năm 1999 và triển khai các hoạt động dự án khác nhau cho đến ngày hôm nay. Và cũng chính tại đây, năm 2006 MCNV đã xây dựng một phòng trưng bày các kỷ vật ghi dấu các sự kiện, hoạt động của tổ chức và cũng là dấu ấn của tình đoàn kết, hết lòng ủng hộ, hỗ trợ của nhân dân Hà Lan dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến và giai đoạn hoà bình tái thiết phát triển đất nước.

UBND tỉnh Quảng Trị trao bằng khen cho Giáo sư Pamela Wright và ông Ab Stokvis vì những đóng góp của ông bà cho tỉnh Quảng Trị

Trải qua 50 năm phát triển, MCNV đã không ngừng thay đổi để đáp ứng với những đổi mới, phát triển ở Việt Nam. Từ những hoạt động hỗ trợ thuốc men và dụng cụ y tế ban đầu, từ cuối những năm 80 đến đầu những năm 90, MCNV hợp tác với Chính phủ Việt Nam triển khai các chương trình quốc gia về phòng chống bệnh tật như chương trình phòng chống lao, phòng chống sốt rét và sốt xuất huyết. Năm 1993, chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Quảng Trị, đặt nền tảng cho chương trình Phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý sau này. MCNV chú trọng đến việc xây dựng năng lực và hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các đối tác địa phương nhằm hỗ trợ cho nhóm những dân chịu nhiều thiệt thòi, đó là người nghèo, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, người có vấn đề sức khỏe tâm thần, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những đóng góp của MCNV đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được chính phủ Việt Nam ghi nhận, thể hiện qua 3 lần đón nhận Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng vào các năm 1977, 1993 và 2004.

Cán bộ MCNV chụp hình lưu niệm cùng các vị khách quý

Buổi tọa đàm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hà Lan – Việt Nam và 50 năm thành lập MCNV tại Quảng Trị thể hiện tình đoàn kết sâu đậm giữa chính phủ và nhân dân hai nước Hà Lan – Việt Nam và là sự ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp của MCNV đối với công tác phát triển ở Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cũng như các đối tác của MCNV ở địa phương đánh giá cao những đóng góp tích cực của MCNV và mong đợi MCNV tiếp tục hợp tác với tỉnh Quảng Trị trong những năm tới, đặc biệt trong các các lĩnh vực phát triển sức khỏe cộng đồng, quản lý nguồn nước và phát triển sinh kế nông nghiệp bền vững.

Read more

Tăng cường tiếng nói cho các nhóm bị lãng quên tại Lào

Ngày 29/3/2018, các đối tác của dự án LICM (Học tập về Sử dụng các Phương pháp Truyền thông Sáng tạo) đã nhóm họp tại Viêng Chăn để cùng xem lại câu chuyện thành công và các bài học sau hơn một năm cùng hợp tác thực hiện các hoạt động. Dự án này do MCNV điều phối, nỗ lực hướng đến việc tăng quyền cho các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương tại Lào, cung cấp cho họ các kỹ năng và phương tiện hiệu quả hơn trong việc vận động chính sách nâng cao quyền của mình. Mỗi đối tác trong chương trình đại diện cho một nhóm thanh niên riêng biệt: Tự hào là chính mình (đại diện cho nhóm Đồng tính, Song tính, Chuyển giới), Hội người khuyết tật Lào (đại diện cho nhóm thanh niên khuyết tật) và Trung tâm Thanh niên Viêng Chăn (Các nhóm thanh niên dân tộc thiểu số).

Một trong số các vấn đề sớm được dự án nhận ra đó là phần lớn dân số Lào (khoảng 60% dân số) là thanh niên dưới 25 tuổi, nhưng những người trẻ tuổi chưa có nhiều cơ hội để đưa ra quyết định liên quan đến chính cuộc sống của họ. Các thực hành và chính sách có thể được thanh niên truyền thông tốt hơn, ví dụ các vấn đề liên quan đến quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục của thanh niên, đặc biệt là thanh niên dễ bị tổn thương. Nhằm giúp nâng cao kiến thức về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục của thanh niên dễ bị tổn thương tại Lào, MCNV Lào đã phối hợp với ba tổ chức tại Lào thực hiện dự án LICM (Học tập về Sử dụng các Phương pháp Truyền thông Sáng tạo) mang tính chất như một dự án nghiên cứu – hành động. Điều này cho phép dự án LICM khai phá tiềm năng của các phương pháp truyền thông sáng tạo đa dạng như hát, múa, sân khấu, video có sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, vận động chính sách thay đổi hành vi…

Đào tạo về Kể chuyện qua Hình ảnh (Photo Voice) do các thành viên Hội người khuyết tật Lào tổ chức.

LICM đã minh chứng cho việc thanh niên dễ tổn thương Lào hoàn toàn có thể truyền thông về các thực hành và chính sách về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục tại các địa bàn họ sinh sống. Các hoạt động tập trung vào cải thiện các biện pháp truyền thông, trong đó có hội thảo vận động chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, triển lãm ảnh, đào tạo về các phương pháp truyền thông sáng tạo, các sự kiện vận động chính sách với thanh niên đồng đẳng và các nhà ban hành chính sách. Một trong số những kết quả mang tính sáng tạo nhất mà dự án LICM làm được đó là dàn dựng và trình diễn các vở kịch bóng mờ (shadow dramas), giúp truyền thông về các vấn đề xã hội phức tạp theo hình thức hấp dẫn:

https://www.youtube.com/watch?v=wNJxZeWwLEE (Tình yêu bị ngăn cấm)

https://www.youtube.com/watch?v=GGUiy_Iv3xA (Cuộc đời của Kham)

https://www.youtube.com/watch?v=pXYJmTB-jAE&feature=youtu.be (Kam Phaeng Huk)

https://www.youtube.com/watch?v=cgUfLr3kHYM&feature=youtu.be (Phouthai)

Dự án do VOICE – một quỹ sáng kiến giúp hỗ trợ những người chịu nhiều kỳ thị và bị gạt ra ngoài lề xã hội tại mười nước có thu nhập thấp và trung bình thấp tại Châu Phi và Châu á. Nhằm kết nối và tăng cường các tiếng nói của người yếu thế, giúp không ai bị bỏ lại phía sau, sáng kiến này do Bộ Ngoại giao Hà Lan hỗ trợ tài chính. Dự án LICM cũng đóng vai trò đồng hỗ trợ tài chính cho MCNV trong Chương trình LEARN (Thúc đẩy Bình đẳng thông qua Phân tích Chính sách và Hỗ trợ mạng lưới Nghiên cứu) – chương trình 5 năm nhằm tăng cường năng lực cho các viện y tế công cộng tại Lào, mang các đối tác hoạt động trong lĩnh vực chính sách giáo dục và y tế tại gần nhau hướng đến mục đích chung.

Read more