Tin tức

Hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên vùng biên giới

Quảng Trị – Trong hai ngày 25 và 26/11/2017, 14 tình nguyện viên là cán bộ của Ngân hàng HSBC (Việt Nam) đã đến thăm và thực hiện các hoạt động công tác xã hội tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.  Các tình nguyện viên đã phối hợp với MCNV tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho 280 học sinh trường trung học cơ sở xã Hướng Việt và giúp 20 trẻ em gái vị thành niên có hoàn cảnh khó khăn cùng cha mẹ của các em lập kế hoạch phát triển cá nhân nhằm giúp các em có định hướng học tập và hướng nghiệp phù hợp trong những năm tới.

Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của giới trẻ về SKSS tại huyện Hướng Việt

Hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số là dự án do MCNV mới triển khai từ tháng 8/2017 ở 6 xã biên giới Hướng Lập, Hướng Phùng, Hướng Việt, Tân Thành, Tân Long và thị trấn Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa, dọc theo biên giới Việt – Lào. Ở khu vực biên giới xa xôi này, trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số Pa Kô và Bru Vân Kiều đang phải đối mặt với những vấn đề nhức nhối về sức khỏe (cụ thể là sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản), giáo dục và xã hội. Bỏ học sớm, có thai ngoài ý muốn, tảo hôn và không có định hướng nghề nghiệp là những vấn đề đặc biệt nổi cộm. Theo số liệu báo cáo từ một đánh giá do MCNV thực hiện trong năm 2017, tỷ lệ trẻ em vị thành niên trong độ tuổi 12-19 tuổi bỏ học sớm ở huyện Hướng Hóa là 12,2%. Tỷ lệ trẻ em gái có thai ở tuổi vị thành niên là 10,2%, chiếm đến 62,3% tổng số trẻ em có thai ở tuổi vị thành niên ở tỉnh Quảng Trị. Bỏ học sớm, thiếu kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản dẫn đến có thai ngoài ý muốn được xem là những nguyên nhân chính khiến trẻ em gái vị thành niên kết hôn sớm. Giai đoạn từ 2010 đến nay ghi nhận trung bình có khoảng 120 trường hợp tảo hôn mỗi năm ở huyện Hướng Hóa.

Tình nguyện viên HSBC tham gia kịch tương tác về SKSS

Việc hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống sau này của các em. MCNV phối hợp với chính quyền địa phương và các tình nguyện viên giúp các em và gia đình lập kế hoạch phát triển cá nhân và thực hiện các kế hoạch này dựa trên những mong muốn, khả năng của các em và dựa vào nguồn lực sẵn có của gia đình và địa phương. Có những em mong muốn theo đuổi việc học tập để hoàn thành các bậc học nhưng đang đối mặt với nguy cơ bỏ học giữa chừng vì điều kiện kinh tế gia đình. Có những em mong muốn có việc làm, thu nhập nhưng chưa có cơ hội học nghề, hướng nghiệp. MCNV sẽ cung cấp học bổng và hỗ trợ học nghề đối với những trường hợp này. Ngoài ra, MCNV cũng phối hợp với đối tác địa phương tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên, cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và xã hội cho trẻ em gái, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề mà trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số đang phải đối mặt. Những can thiệp này sẽ được đẩy mạnh tại 6 xã biên giới thuộc địa bàn dự án trong thời gian tới.

Cán bộ HSBC chụp ảnh lưu niệm cùng trẻ em gái dân tộc thiểu số

 

Một số hoạt động tình nguyện HSBC thực hiện tại huyện Hướng Việt, tỉnh Quảng Trị:

Read more

Giám đốc Quốc gia MCNV Việt Nam đón nhận Kỷ niệm chương Vì Sức khỏe Nhân dân

Sáng ngày 5/12/2017, Bộ Y tế đã phối hợp cùng trường Đại học Kỹ thuật Y tế (ĐHKTYT) Hải Dương tổ chức lễ trao tặng Kỷ niệm chương vì sức khoẻ nhân dân cho Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Dũng – Giám đốc MCNV tại Việt Nam, ghi nhận những đóng góp và cống hiến của ông trong gần 20 năm qua trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho người khuyết tật và nâng cao sức khoẻ người dân. Thay mặt cho Bộ Y tế, Bà Hoàng Thị Thơm, phó Vụ trưởng Vụ truyền thông – thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã trao quyết định khen thưởng của Bộ trưởng và Kỷ niệm chương cho Bs. Phạm Dũng. Đây không chỉ là vinh dự đối với cá nhân Bs Phạm Dũng mà cũng là niềm vui, tự hào của tổ chức MCNV, là niềm động viên cổ vũ các đồng nghiệp đang tích cực hoạt động nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân Việt Nam nói chung và phục hồi chức năng cho người khuyết tật nói riêng. Trước đó không lâu, Bs. Nguyễn Ngọc Lan, cán bộ điều phối chương trình MCNV cũng vinh dự được nhận Kỷ niệm chương vì Sức khỏe Nhân dân, cho những cống hiến, đóng góp không mệt mỏi của bà trong việc cải thiện, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần cho người dân.

Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương Vì Sức khỏe Nhân dân cho Bs. Phạm Dũng

Cũng trong ngày này, 37 học viên đến từ 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương của khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ đã bắt đầu khoá đào tạo Cử nhân phục hồi chức năng, chuyên ngành Hoạt động trị liệu (HĐTL) tại trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Lễ khai giảng khoá học được tổ chức với sự tham dự của Ban lãnh đạo, các phòng ban liên quan của nhà trường, Bộ Y tế, đại diện cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức HI, tổ chức MCNV. Đây là khoá đào tạo HĐTL trình độ cử nhân lần đầu tiên được tổ chức cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Trước đó, vào tháng 3 năm 2017, trường ĐH Y Dược Tp HCM cũng đã khai giảng khoá học tương tự. Cả hai khoá học này là một phần của Dự án “Phát triển đào tạo hoạt động trị liệu tại Việt Nam” trong 5 năm, từ 2016-2020 do MCNV phối hợp cùng tổ chức HI, trường ĐHKTYT Hải Dương và ĐHYD Tp HCM thực hiện với sự tài trợ của USAID và hỗ trợ kỹ thuật từ trường ĐH Manipal – Ấn Độ.

Lễ Khai giảng khoá đào tạo Cử nhân phục hồi chức năng, chuyên ngành Hoạt động trị liệu (HĐTL) tại trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương

Read more

Khai giảng khóa đào tạo cử nhân về Hoạt động Trị liệu (HĐTL)

Tại Việt Nam, ngành phục hồi chức năng đã phát triển trong suốt hơn 40 năm qua, tuy nhiên vẫn còn có một khoảng trống còn bỏ ngỏ, đó là Hoạt động trị liệu (HĐTL). Hiện công tác phục hồi chức năng ở Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào Vật lý trị liệu (VLTL) do chưa có một kỹ thuật viên HĐLT được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Với sự hỗ trợ từ cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID), MCNV đã và đang triển khai dự án 5 năm về “Phát triển ngành đào tạo HĐTL tại Việt Nam” với mục tiêu nhằm thiết lập các điều kiện nền tảng và cần thiết để phát triển hệ thống đào tạo chuyên ngành HĐTL, gồm đào tạo nhóm giảng viên nguồn về HĐTL, xây dựng chương trình đào tạo HĐTL hệ cử nhân và đưa ra các chính sách, khuyến nghị liên quan tới HĐTL tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án bao gồm 1) Phát triển một đội ngũ giảng viên nòng cốt về HĐTL cho trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y Dược thành phố Hồ Chí Minh; 2) Xây dựng chương trình đào tạo về HĐTL hệ cử nhân; 3) Thực hiện thí điểm chương trình đào tạo HĐTL hệ cử nhân tại hai trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Y Dược thành phố Hồ Chí Minh; và 4) Thành lập 2 cơ sở thực hành HĐTL để hỗ trợ thực hành trong quá trình đào tạo HĐTL.

Đầu tháng 3/2017, khóa đào tạo Cử nhân ngành HĐTL đã được khai giảng tại ĐH Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tháng 11/2017, giảng viên ĐH Manipal Ấn Độ đã sang giảng dạy môn chuyên ngành HĐTL tại ĐH Y Dược TP HCM. Ngày 5/12/2017, khóa đào tạo cử nhân HĐTL cũng được khai giảng tại ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Có thể coi đây là những dấu mốc quan trọng trong việc phát triển ngành HĐTL tại Việt Nam.

Read more

Tập huấn Kỹ năng tư vấn Sức khỏe Tâm thần tại Trường học

Từ ngày 9 đến 11/10/2017, tại thành phố Đà Nẵng MCNV đã tổ chức tập huấn về “Kỹ năng tư vấn sức khỏe tâm thần tại trường học” cho nhóm giáo viên chủ chốt của Trường THPT Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tập huấn do hai bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Đã Nẵng hướng dẫn. Mục đích lớp tập huấn (i) Cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản của các phương pháp tâm lý trị liệu (liệu pháp nhận thức, liệu pháp quan hệ, liệu pháp hành vi, liệu pháp cá nhân và liệu pháp nhóm) (ii) Giáo viên có khả năng phát hiện, hỗ trợ và theo dõi tiến triển của học sinh có rối loạn hành vi (RLHV) bằng các công cụ: SDQ25, test lượng giá Beck, PHQ9) (iii) Lập kế hoạch thực hiện sau tập huấn của nhóm giáo viên.

Đây là lớp tập huấn thứ 2 về kỹ năng tư sức khỏe tâm thần (SKTT) tại trường học cho 12 giáo viên đã được Trường THPT Vĩnh Linh chọn lọc từ các bộ môn tiếng Anh, Toán, Vật lý, Sinh học, Giáo dục công dân … Tập huấn là 1 trong những hoạt động can thiệp của dự án SKTT tại trường học do MCNV và Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Trị thực hiện nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng về tư vấn SKTT cho đội ngũ giáo viên. Bằng những phương pháp giảng dạy tích cực: đóng kịch, thảo luận nhóm, trò chơi, đố vui … các giảng viên đã mang đến không khí thảo luận sôi nổi, vui cười của các học viên để giúp họ nắm được các kiến thức cơ bản về rối loạn SKTT và hành vi thường gặp ở học sinh cũng như cách giải quyết vấn đề để giúp học sinh vượt qua các khó khăn của mình.

Cuối đợt tập huấn nhóm giáo viên đã lập kế hoạch thực hiện đến hết 2017 với các nội dung chính: (i) Chuyển tải 1 số kiến thức cơ bản về RLHV cho các giáo viên tự nguyện, thích học hỏi; (ii) Cung cấp thông tin về rối loạn hành vi cho học sinh ở 6 lớp có GV chủ nhiệm đã được tập huấn (iii) Giáo dục tâm lý và theo dõi sự thay đổi cho 15-20 em có RL hành vi.

Cô giáo Trần Nữ Diệu T. giáo viên dạy toán đã tâm sự: “Tôi rất may mắn được tham gia lớp tập huấn này. Lớp tập huấn đã giúp tôi nhận ra những sai sót đã gặp lâu nay trong việc giao tiếp/ứng xử với học sinh. Các kiến thức và kỹ năng của lớp học sẽ giúp tôi ứng dụng không chỉ ở trường học mà còn trong gia đình, trước tiên là với con tôi. Xin cám ơn ban giám hiệu, cám ơn dự án và cám ơn các giảng viên.”

 

Read more

Hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật 3/12/2017

Tháng 12 lại về trong cái lạnh của mùa đông vùng cao miền núi, nhưng thầy và trò Trung tâm PHCN&GDHN trẻ khuyết tật Cao Bằng lại thấy thật ấm áp và đầy tình yêu thương. Vì đây là thời gian Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12.

Được sự hỗ trợ về kinh phí của Ủy ban y tế Hà Lan – Việt Nam, sáng ngày 01 tháng 12 Trung tâm tổ chức cho các cháu đi Siêu thị, vườn hoa và vui chơi tại khu vui chơi “Mặt trời tí hon” Thành phố, tại đây các em rất vui thích khi được tham gia vào các trò chơi như: Lái ô tô, đi tàu điện, chơi thú nhún, nhảy nhà phao…

Học sinh Trung tâm, dưới sự chăm sóc dạy dỗ của cán bộ, giáo viên cùng với những cố gắng của bản thân đã không chỉ đạt được những tiến bộ trong học tập mà trong các buổi sinh hoạt tập thể hàng tuần, các em còn được tập luyện các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao đặc biệt là văn nghệ. Vì vậy, chiều ngày 01/12 Trung tâm tổ chức Hội thi văn nghệ, để các lớp có dịp được biểu diễn các tiết mục văn nghệ của lớp mình. 07 tiết mục tham gia đã chinh phục Ban giám khảo, các bậc phụ huynh bằng những ca khúc thật ý nghĩa về những người khuyết tật, và những điệu múa vô cùng duyên dáng nhưng không kém phần sôi động. Kết quả đã đạt: 01 giải xuất sắc, 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba và 02 giải khuyến khích.

Kết thúc hội thi cô Tô Thị Nga, Giám đốc Trung tâm đã trao quà cho các lớp và phát biểu động viên, khen ngợi tất cả các em học sinh đã có nhiều cố gắng trong các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế người khuyết tật.

Khép lại một ngày kỷ niệm, thầy và trò đều vui vẻ, phấn khởi và đây cũng sẽ là một kỷ niệm đẹp của các em  trong thời gian học tập tại Trung tâm.

Một số hoạt động ý nghĩa kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật 3/12

Read more

Hội thảo xây dựng Khung chương trình đào tạo chuyên ngành Âm ngữ trị liệu Trình độ Thạc sỹ

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022, thông qua Dự án DISTINCT của tổ chức VietHealth, MCNV được nhận tài trợ từ tổ chức USAID để tiến hành Dự án Phát triển đào tạo Âm ngữ trị liệu tại (ANTL) Việt Nam. Dự án này nhằm mục đích góp phần thiết lập nền tảng vững chắc cho công tác phát triển đào tạo ngành ANTL tại Việt Nam một cách có hệ thống. Đại học Y Dược Tp. HCM và Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng tham gia Dự án với tư cách là hai đối tác thực hiện của Dự án. Tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA) tham gia với tư cách là Tư vấn chuyên môn cho Dự án.

Trong thời gian từ 13 đến 15/12/2017, tại Tp. HCM, với sự hỗ trợ  về chuyên môn từ tổ chức The Tring Foundation Australia, MCNV và Đại học Y Dược Tp. HCM đồng tổ chức hoạt động “Hội thảo xây dựng Khung chương trình đào tạo chuyên ngành Âm ngữ Trị liệu (ANTL) trình độ Thạc sỹ tại Việt Nam”. Mục đích của Hội thảo là xây dựng khung chương trình đào tạo và Kế hoạch đào tạo chuyên ngành ANTL trình độ Thạc sỹ phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam.

Read more

Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh – Câu chuyện của tôi

Đôi mắt đen và sáng, dáng người nhỏ nhắn, giọng hát giàu cảm xúc – đó là những ấn tượng đầu tiên mà cậu học trò nhỏ học lớp 10 để lại trong tôi tại Lễ khai giảng năm học 2017-2018. Tiết dạy đầu tiên của năm học, thật bất ngờ, tôi gặp lại cậu học trò ấy ở ngay trong lớp mình phụ trách với những âm thanh khùng khục phát ra vài lần từ vị trí em ngồi, bờ vai gầy của em thỉnh thoảng rung lên càng làm tôi chú ý. Hình ảnh của em cứ ám ảnh tôi mãi… Mình sẽ giúp  cậu trò nhỏ này – tôi quyết định.

Qua trao đổi với các giáo viên, bạn bè và mẹ của em tôi biết được Em là học trò ngoan, học khá đều các môn, có năng khiếu ca hát và khiêu vũ, thích chơi với bạn gái hơn là bạn cùng giới. Em sống tình cảm, nhất là rất thương mẹ, muốn học tốt để sau này là chỗ dựa cho mẹ và các em. Em không nhớ rõ bị tật khùng khục trong cổ họng và rùng mình từ khi nào nhưng có lẽ cách đây hai năm, những dấu hiệu này thường xuất hiện khi em gặp chuyện buồn/lo lắng nhiều đặc biệt là vào các dịp kiểm tra học kỳ hoặc thi. Tật này đã làm cho em ít tự tin khi nói chuyện hoặc giao tiếp với bạn bè. Có lẽ điều này đã làm cho các bạn trai trong lớp ít chơi với em hơn – Tôi nghĩ.

Vận dụng những kiến thức và kỹ năng sàng lọc sức khoẻ tâm thần (SKTT) mà tôi có được sau khi tham gia các lớp tập huấn về Sức khoẻ tâm thần học sinh và sự hỗ trợ của các Bác sỹ , tôi đã nhận ra em đã bị “Rối loạn TIC”. Đây là một vận động hay phát âm không chủ ý, xảy ra nhanh, tái diễn, không có nhịp và thường liên quan đến một nhóm cơ nhất định. TIC xuất hiện đột ngột và không có mục đích rõ ràng. Các TIC thường không thể kìm nén được, nhưng nói chung cũng có thể làm mất đi tạm thời trong thời gian vài phút đến vài giờ do chủ ý hay do lãng quên.  Trẻ em và vị thành niên là các đối tượng thường bộc lộ các hành vi TIC, chúng thường xảy ra sau một nhân tố kích thích, hoặc do phản ứng lại với các tình huống từ bên trong. Mức độ nặng nhẹ của các TIC rất khác nhau. Có khi TIC biểu hiện gần giống hành vi bình thường, nhưng cũng có thể là TIC rất nặng ảnh hưởng đến học tập và lao động của trẻ. Tư vấn cho gia đình và trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị rối loạn TIC. Gia đình trẻ bị TIC có thể lo sợ và có các phản ứng khác nhau. Do đó, cần giải thích rõ cho các thành viên gia đình hiểu biết về TIC, không quá lo sợ Tic, không xem TIC là vấn đề gì lớn, đồng thời có thái độ đúng mực với các trẻ có rối loạn TIC. Khi điều trị TIC phải xem xét và tính đến các trường hợp trẻ có bệnh lý kèm theo hay kết hợp không? Trẻ rối loạn TIC cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và liệu pháp hành vi, thuốc được chỉ định khi Bác sỹ thấy thật cần thiết.

Tôi đã lên kế hoạch cụ thể để giúp em vượt qua sự tự ti, hạn chế dần dần rồi bỏ thói quen đồng thời tăng cường giao tiếp và hoà nhập với các bạn. Đầu tiên, tôi trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với em và mẹ em để họ hiểu như thế nào là hội chứng TIC, hướng dẫn liệu pháp hành vi và thư giãn bằng thở bụng để em lựa chọn các giải pháp khắc phục phù hợp. Mẹ em sau khi hiểu vấn đề đã không còn lo lắng, không tạo áp lực và đã luôn luôn động viên em để giúp em thay đổi. Em đã nhận ra vấn đề của mình, tự tin và muốn thay đổi để hoàn thiện bản thân. Mong muốn của em là được hoà đồng cùng với bạn bè trong lớp, một số hoạt động em tự đặt ra cho bản thân để hạn chế rối loạn TIC mà em gặp phải: (i) phát huy sở trường mà em yêu thích như hát/nhảy; (ii) hít thở sâu khi chuẩn bị kiểm tra/thi hoặc có chuyện buồn; (iii) tự hạn chế những tiếng khục khục ở cổ họng để bạn bè không cười nhạo, giúp em tự tin hơn; (iv) liệt kê ra các người bạn trai thân thiết và tin tưởng để trao đổi chia sẻ việc học cũng như các chủ đề bất kỳ; (v) chủ động tham gia với các hoạt động/trò chơi do các bạn nam trong lớp tổ chức.

Hàng tuần, có khi hàng ngày, tôi và giáo viên chủ nhiệm luôn đồng hành để theo dõi tiến triển và động viên em bằng những lời khen kịp thời. Từ đó đã tạo động lực để em thay đổi.

Sau 3 tháng, thời gian chưa nhiều nhưng em đã có những thay đổi đáng mừng. Em đã khắc phục được phần nào tật của bản thân mà chưa phải dùng thuốc. Em chan hòa với bạn bè hơn, tích cực tham gia các hoạt động của lớp/trường đặc biệt là văn nghệ. Điều làm tôi hạnh phúc hơn cả là em đã đạt Danh hiệu học sinh giỏi của học kỳ I và  được các bạn bầu làm Bí thư chi đoàn.

Qua câu chuyện của em và những ngày tháng tham gia với dự án “Chăm sóc SKTT học sinh tại trường học”, tôi thấy rằng SKTT hoặc Rối loạn hành vi (RLHV) là một vấn đề cần được quan tâm trong trường học. Bất kể học sinh nào cũng có thể có vấn đề về SKTT/RLHV và đó là dấu hiệu hay gặp của những học sinh mà chúng ta dễ xếp vào nhóm “học sinh cá biệt”. Không chỉ có học sinh học lực yếu, chưa chăm ngoan mà ngay cả những học sinh ngoan, giỏi cũng có thể có nguy cơ bị RLHV. Nếu chúng ta không kịp thời phát hiện, giáo dục tâm lý có thể dẫn đến hậu quả  xấu.

Nhà giáo không chỉ truyền đạt tri thức, giáo dục đạo đức mà còn có đầy đủ các kỹ năng trong giao tiếp, giáo dục kỹ năng sống để hướng dẫn/hỗ trợ/theo dõi sự thay đổi của học sinh dựa trên các vấn đề gặp phải và mong muốn thay đổi của các em. Để làm được điều đó quả thật là không hề đơn giản nhưng tôi tin rằng nếu có tâm huyết với nghề nghiệp và học sinh  thân yêu, các nhà giáo – những kỹ sư tâm hồn – sẽ thành công.

*MCNV ghi

Read more

Đại diện Quỹ Hulza đến thăm dự án Tài chính vi mô tại tỉnh Bến Tre

Ngày 22 tháng Tư năm 2017, Bà Monique Smiers và bà Hoàng Phương Phi đại diện Quỹ Hulza, Hà Lan đã đến thăm dự án tài chính vi mô của MCNV tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Hai chị đã đến thăm xã Thới Lai, một xã mới của dự án từ tháng 12 năm 2016 với nguồn tài trợ tài chính của Quỹ Hulza.

Thới Lai là một trong 9 xã trong dự án tài chính vi mô do MCNV và Hội phụ nữ triển khai. Sau 4 tháng triển khai, xã Thới Lai đã cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cho 138 phụ nữ nghèo với nguồn vốn ban đầu là 20,000 euro từ quỹ Hulza. Trong đó 94 hộ gia đình đã sử dụng các khoản vay nhỏ để xây dựng các bể chứa nước giúp trữ nước mưa phụ vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và nước uống cho vật nuôi trong mùa khô. 43 hộ khác đã vay tiền để đầu tư vào kinh doanh gia đình. Dự án cũng đã giải ngân 1 khoản vay cho nhóm sản xuất và 13 khoản vay khác để mua bảo hiểm y tế.

Bà Monique và bà Phi đã đến thăm 8 hộ gia đình và tham cuộc họp của nhóm tín dụng. Các phụ nữ nghèo ở xã Thới Lai rất vui khi chỉ cho các nhà tài trợ những bể chứa nước mới của gia đình. Những bể nước này đã giúp họ bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình và vật nuôi trong đợt hạn mặn vừa qua. Các thành viên dự án cũng đã học được rất nhiều kiến thức về quản lý tài chính và kỹ năng sản xuất thông qua các phần trao đổi trong các cuộc họp nhóm hàng tháng.

Sau chuyến thăm dự án, bà Monique đã chia sẻ: “Quỹ Hulza trân trọng cám ơn những nỗ lực của MCNV và các đối tác ở Hội Phụ nữ bởi nhờ đó chúng tôi có thể sử dụng nguồn tài trợ của mình trong một dự án tài chính vi mô
thực sự. Tôi tin tưởng rằng chúng tôi đã có một quyết định đúng đắn khi hỗ trợ cho Bến Tre và hy vọng rằng nguồn quỹ của chúng tôi sẽ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế và xã hội bền vững cho phụ nữ nghèo”.

Read more

Tân đại sứ Việt Nam tại Hà Lan thăm văn phòng MCNV tại Amsterdam

 

Thứ 6, May 12, 2017, tân đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, bà Ngô Thị Hoà đã đến thăm văn phòng MCNV tại Amsterdam. Bà Hoà mong muốn tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan trên nhiều phương diện. Để thực hiện kế hoạch này, bà đã lên danh sách các tổ chức bà sẽ đến thăm và MCNV là một trong số các tổ chức đó.

Read more

Ký kết hợp đồng dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT tỉnh Điện Biên

 

Ngày 17/05/2017, tại trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng và triển khai hoạt động dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh THPT năm 2017. Đây là một phần hoạt động của dự án thí điểm “Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT miền núi tỉnh Điện Biên”. Dự án được triển khai trong 3 năm, từ 2015 đến 2017, tại 2 trường THPT Mường Chà và THPT Phan Đình Giót, do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật, phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cùng triển khai thực hiện .

Tham dự lễ ký, về phía Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên có ông Nguyễn Mạnh Quân – trưởng BQL, phó GĐ và các ông bà đại diện phòng Giáo dục trung học và các trường THPT hưởng lợi. Về phía MCNV có ông Phạm Dũng – Giám đốc quốc gia và ông Nguyễn Quốc Anh – cán bộ điều phối chương trình, quản lý dự án tại Điện Biên.

Hai bên đã ký kết hợp đồng với khoản viện trợ 432.876.800VNĐ từ MCNV nhằm hỗ trợ các hoạt động triển khai tại Điện Biên từ tháng 5 đến tháng 12/2017. Theo kế hoạch dự án năm 2017, Sở GD và 2 trường THPT thụ hưởng dự án sẽ triển khai nhiều hoạt động như: giảng dạy SKSS tại nhà trường; tổ chức sự kiện truyền thông và các cuộc thi về SKSS; duy trì sinh hoạt CLB “tuổi chúng mình” của các em học sinh; khám phụ khoa cho học sinh.v.v… Bên cạnh đó, dự án sẽ triển khai một loạt các hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên của các trường thí điểm này về giảng dạy và truyền thông SKSS. Trong năm 2016, Dự án đã đạt được kết quả bước đầu rất ý nghĩa đó là xây dựng và thử nghiệm bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên giảng dạy và tổ chức hoạt động ngoại khoá cho học sinh nhằm nâng cao nhận thức về sức khoẻ sinh sản và tình dục an toàn.

Read more