Tin tức

Khánh thành & bàn giao ADL Lab cho Trường Đại học Y Dược Huế

Ngày 21/01/2021, dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) liên chuyên khoa trong chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển” (Tôi lớn mạnh – I-THRIVE) đã khánh thành và bàn giao phòng thực hành sinh hoạt hàng ngày (ADL Lab) cho Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế.

Đại diện USAID, CCIHP, MCNV và Trường ĐHYD Huế tại lễ bàn giao ADL Lab.

Dự án Tôi lớn mạnh được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với chủ dự án là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), thực hiện tại Tỉnh Quảng Nam và Tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trường ĐHYD Huế là đối tác kỹ thuật chính của Dự án Tôi lớn mạnh tại Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trường hợp tác với CCIHP để phát triển và thí điểm mô hình can thiệp PHCN liên chuyên ngành cho trẻ tự kỉ và hợp tác với MCNV trong hợp phần đào tạo, phát triển nhân lực PHCN.

Toàn cảnh ADL Lab tại Trường ĐH Y Dược Huế

Phòng thực hành hoạt động sống hàng ngày (ADL Lab) là một hạ tầng kỹ thuật quan trọng, thiết yếu trong công tác đào tạo cũng như can thiệp cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày. Dự án Tôi lớn mạnh đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để xây dựng ADL Lab tại Trường ĐHYD Huế, trong đó MCNV hỗ trợ Lab cho người lớn và CCIHP hỗ trợ Lab cho trẻ em.

ADL Lab cho người lớn được hoàn thiện trong tháng 01/2021 gồm khu vệ sinh, phòng ngủ, phòng khách, khu bếp…với thiết kế và dụng cụ hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày.

Bà Phạm Thị Lê Dung, cán bộ chương trình cấp cao thăm phòng ADL Lab.

Chiều ngày 21/01/2021, phòng ADL Lab đã chính thức được khánh thành và bàn giao cho Trường ĐH Y Dược Huế. Sau khi nhận bàn giao, ADL Lab sẽ được Trường tiếp nhận, quản lý và sử dụng trong quá trình đào tạo về Hoạt động trị liệu (HĐTL). Đồng thời ADL Lab cũng sẽ được sử dụng để phục vụ can thiệp HĐTL cho bệnh nhân tới điều trị PHCN hàng ngày tại khoa PHCN – Bệnh viện ĐHYD Huế nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.

Bà Phạm Thị Lê Dung, cán bộ chương trình cấp cao, đại diện USAID trao chứng chỉ cho các học viên.

*Trước lễ bàn giao ADL Lab, sáng cùng ngày, Hội thảo “Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ phục hồi chức năng” đã diễn ra tại thành phố Huế. Trong khuôn khổ Hội thảo, 30 học viên là các cán bộ y tế của các bệnh viện tỉnh, thành, trung tâm y tế huyện/thị/thành phố đã được trao Chứng chỉ tốt nghiệp khóa bồi dưỡng kỹ thuật PHCN về Vật lý trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu và Hoạt động trị liệu./.

Read more

Dự án Tôi lớn mạnh: Hoàn thành các khóa đào tạo 12 tháng về PHCN

Ngày 15/1/2021 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo “Tăng cường năng lực chuyên môn của cán bộ phục hồi chức năng”. Trong khuôn khổ chương trình, 26 cán bộ y tế thuộc 02 bệnh viện, 09 trung tâm y tế tại tỉnh Quảng Nam đã được trao Chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo “Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật Phục hồi chức năng” (PHCN) do MCNV phối hợp với các đối tác thực hiện.

Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam trao Chứng nhận tốt nghiệp cho học viên khóa Hoạt động trị liệu.

Khóa đào tạo được triển khai trong khuôn khổ dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng liên chuyên khoa trong chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tât phát triển” ( I-THRIVE – Tôi lớn mạnh). Dự án được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với chủ dự án là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), thực hiện tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế.

Dự án Tôi lớn mạnh gồm 03 hợp phần, trong đó có “Nâng cao năng lực của cán bộ PHCN tuyến tỉnh, huyện” do MCNV và các đối tác phối hợp thực hiện, thông qua hình thức các khóa bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN với 03 chuyên ngành là: Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu và Vật lý trị liệu.

Một buổi thực hành lâm sàng về Hoạt động trị liệu trong khuôn khổ khóa bồi dưỡng 12 tháng.

Các khóa học được khai giảng vào tháng 11/2020, có thời gian 12 tháng, được giảng dạy bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ Đại học Manipal (Ấn Độ), Đại học Y Dược Huế và Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng.

Trong thời gian triển khai, khóa học đã gặp không ít thách thức do đại dịch COVID-19 và thiên tai bất thường ở miền Trung. Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, tất cả 80 học viên đã xuất sắc hoàn thành khóa học.

Nói về khóa Ngôn ngữ trị liệu mình vừa hoàn thành, chị Alăng Ếp (dân tộc Cơ Tu) cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ:

“Trước đây, mình hầu như không biết gì về Ngôn ngữ trị liệu. Nhờ khóa học, mình đã có những hiểu biết khá toàn diện về NNTL, như các kỹ thuật cơ bản, đối tượng áp dụng… Ngoài ra, mình còn được thực tập tại ba bệnh viện lớn tại Thành phố Đà Nẵng, được tham gia hỗ trợ các em nhỏ. Đây là điều mình yêu thích nhất. Mình mong rằng trong tương lai, mình sẽ có thể đem những điều đã học về giúp đỡ cho đồng bào mình!”

Các học viên thực hành Ngôn ngữ trị liệu.

Phát biểu tại sự kiện, Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc quốc gia MCNV đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của tập thể học viên, giảng viên trong một năm qua. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển nguồn nhân lực cũng như các dịch vụ PHCN theo hướng đa ngành, đặc biệt là tại các tuyến cơ sở.

Trao bằng cho các học viên khóa Hoạt động trị liệu.

Khóa đào tạo được hoàn thành cũng là thời điểm MCNV và các đối tác bước vào giai đoạn mới của I-THRIVE, với nhiệm vụ triển khai hỗ trợ thực hành lâm sàng cho học viên đã tốt nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sử dụng nhân lực tại tuyến cơ sở./.

Read more

Nedspice tài trợ bữa ăn học đường cho 190 em nhỏ miền núi Đồng Xuân (Phú Yên)

Cuối tuần qua, thông qua dự án Dự án Dinh dưỡng nông nghiệp (NSA) của MCNV, công ty nông sản Nedspice Processing Vietnam đã trao tặng 5.000 USD (khoảng 125 triệu đồng) tài trợ cho mô hình bữa ăn học đường tại huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Nguồn kinh phí này sẽ được dùng để hỗ trợ 50% chi phí bữa ăn trưa cho 190 trẻ mẫu giáo tại 6 điểm trường tại huyện Đồng Xuân trong học kỳ 2 năm học 2020-2021 (tháng 1-tháng 5/2021).

Chi phí mỗi bữa ăn là 12.000đ, trong đó Nedspice tài trợ 6.000đ, phụ huynh đóng góp 6.000đ. Cơ sở chế biến, cung cấp các suất ăn do Nhà trường, phụ huynh lựa chọn, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, vệ sinh.

Một bữa ăn trưa của học sinh mầm non tại Phú Yên trong khuôn khổ dự án NSA.

Đây là một mô hình bữa ăn học đường tại điểm trường chưa có bán trú do Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đồng Xuân tiên phong thực hiện. Thông qua mô hình này, huyện Đồng Xuân đã có 425 trẻ tại 15 điểm trường miền núi được tiếp cận những bữa ăn nóng hổi, bổ dưỡng ngay tại trường.

Bữa ăn học đường là một hợp phần trong Dự án Dinh dưỡng Nông nghiệp (NSA) do MCNV tài trợ tại huyện Đồng Xuân từ năm 2017. Mục tiêu dự án nhằm cải thiện suy dinh dưỡng dai dẳng tại miền núi Phú Yên./.

Read more

Một tay gánh vác lo toan

Cô Nguyễn Thị Kết, ấp Giồng Bông, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trần Lê Hiệu

9 năm trước, do tai nạn giao thông, cô Nguyễn Thị Kết bị thương nặng. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, song di chứng để lại khiến cánh tay phải của cô Kết gần như liệt hoàn toàn, khi bị quặt hẳn về một phía, buông thõng xuống thẳng đờ. Cô chỉ có thể nhấc tay lên được một cách yếu ớt, nhưng những cử động của bàn tay, ngón tay thì bằng 0.

Biến cố ập đến bất ngờ đã làm thay đổi cuộc đời cô Kết. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, cô bắt đầu học cách chung sống với khiếm khuyết trên cơ thể. Không oán trách số phận, không buông xuôi, không đổ lỗi cho bất cứ ai, cô quyết tâm khắc phục những khó khăn của bản thân. Cô tập sử dụng tay trái để làm mọi việc, để không chỉ có thể sống độc lập, mà còn chăm sóc cho mẹ già (nay đã qua đời), và tiếp tục cần mẫn lao động.

Cô nuôi thỏ, nuôi gà, trồng rau, khi có khách đặt thì lại nấu rau câu dừa chuyển lên thành phố. Ở tuổi 55, chỉ với một tay mà cô Kết vẫn làm băng băng được đủ thứ việc, từ nấu nướng, hái rau, cho thỏ ăn cho tới chặt dừa, lột vỏ dừa, hay thậm chí là tự đóng chuồng cho thỏ để tiết kiệm tiền.

Cô đến với nghề nuôi thỏ từ 4 năm nay. Trung bình cô nuôi khoảng một trăm con thỏ, gần đây cô xuất chuồng 30 con, và đang nuôi tiếp 40 con còn lại, trong đó có khoảng 20 thỏ cái đang sinh sản. Thức ăn cho thỏ là rau lá trong vườn (rau muống, rau lang, củ đậu) được phơi khô. Chuồng trại luôn được vệ sinh thường xuyên để môi trường sạch sẽ, thỏ khỏe mạnh.

Chỉ với một tay nhưng cô Kết có thể làm được mọi việc, gồm cả chặt dừa. Ảnh: Trần Lê Hiệu

Vừa qua, cô Kết vay của nhóm tín dụng tiết kiệm 5 triệu đồng để “cất thêm nhà” cho thỏ (mua vật liệu như tre, gỗ, lưới thép gai…).

Nuôi thỏ không vất vả như nuôi dê nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm. Từ cho thỏ ăn, tới lo cho thỏ bệnh (sổ mũi, đau bụng), chăm thỏ mẹ sắp sinh, cho tới những việc không tên như “đưa” những chú thỏ thích lang thang về chuồng, “giải cứu” một thỏ con mới chỉ bằng nắm tay, bị sảy chân rớt khỏi khe chuồng, bị gà, vịt “đe dọa”.

Hết chăm thỏ, chăm gà vịt, vườn rau, cô lại sốt sắng mang một chùm dừa ra mời khách. Vẫn một tay, nhờ thêm một bàn chân cố định, cầm con dao sắc bén do “một tay” mình mài, cô điềm nhiên vừa trò chuyện vui vẻ, vừa từng nhát chặt trái dừa ngon ơ, chuẩn xác trước ánh mắt thán phục ngỡ ngàng của những người lần đầu gặp cô.

Như cây dừa mọc trên đất mặn, đất cằn, biết chắt lọc, vươn lên kết trái ngọt lành, cô Nguyễn Thị Kết đã vượt lên hoàn cảnh không thuận lợi để vươn lên, lan tỏa sự lạc quan, yêu đời, yêu lao động tới những người xung quanh. /.

Read more

Bến Tre: Hàng trăm tấn rác thải gia đình được xử lý thành công năm 2020

Trong năm 2020, 1150 hộ gia đình tại thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đã xử lý hiệu quả 458 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 74% được xử lý thành phân bón hữu cơ.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Võ Thị Ái Hòa phát biểu tại Hội nghị tổng kết.

Những kết quả trên được công bố tại Hội nghị tổng kết dự án “Biến rác thải sinh hoạt thành phân bón để phát triển vườn rau xanh” đã diễn ra trong tháng 12/2020 tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân các địa bàn dự án gồm thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành và các nhóm môi trường tại địa phương.

Đại biểu dự Hội nghị tổng kết dự án

Dự án “Biến rác thải sinh hoạt thành phân bón để phát triển vườn rau xanh” do MCNV phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre thực hiện với nguồn kinh phí do công ty UPS tài trợ.

Thông qua việc tài trợ 50% chi phí trang thiết bị (thùng ủ compost) cũng như tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật, trong năm 2020, dự án đã giúp 1150 hộ thực hiện phân loại và xử lý rác hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Thùng ủ phân compost trang bị cho một khu chợ ở tỉnh Bến Tre.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre và MCNV, (dựa trên kết quả giám sát 90 hộ điển hình), lượng rác của 1150 hộ gia đình tham gia là 38,2 tấn/tháng, tương đương với 458 tấn/năm. Trong đó có khoảng 339 tấn (74%) là rác hữu cơ, được xử lý thành phân bón cho vườn rau gia đình.

Học sinh tiểu học tại Bến Tre được tiếp cận với thùng compost.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ dự án, năm 2020, 10 buổi tập huấn làm vườn rau sạch đã được tổ chức cho 350 chị em thành viên, tổ chức truyền thông cho 750 học sinh tiểu học về phân loại rác thải thùng phân loại rác được trang bị cho 2 chợ và 15 trường tiểu học và mầm non./.

Read more

Ngành HĐTL Việt Nam có thêm 12 Cử nhân

Ảnh: Trần Hữu Đức

Ngày 24/12/2020, Đại học Y Dược Tp.HCM đã trao bằng tốt nghiệp cho 12 Cử nhân chuyên ngành Hoạt động trị liệu (HĐTL), Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học.

Giám đốc quốc gia MCNV Việt Nam, Ths.Bs.Phạm Dũng đã tới dự lễ tốt nghiệp. Nhân dịp này, Ths.Bs.Phạm Dũng đã trao quà chúc mừng thành quả sau 4 năm học tập nghiêm túc của 12 sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành HĐTL.

Giám đốc MCNV cũng bày tỏ niềm vui khi ngành HĐTL Việt Nam có thêm nguồn nhân lực trẻ và chúc các Tân cử nhân sẽ đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp cũng như con đường học tập, nghiên cứu trong tương lai.

Trên thế giới, tại Mỹ và Châu Âu, các hiệp hội HĐTL đã có mặt trên 100 năm. Ở nhiều nước Châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, chuyên ngành này cũng đã phát triển sớm từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Tại Việt Nam, HĐTL vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, hạn chế về nguồn nhân lực.

Trước thực tế này, năm 2015, dự án Phát triển ngành HĐTL tại Việt Nam đã được khởi động. Dự án được triển khai bởi MCNV, dưới sự tài trợ của USAID thông qua tổ chức Humanity & Inclusion (HI). Một trong những hợp phần quan trọng của dự án là xây dựng chương trình đào tạo hệ Cử nhân HĐTL tại Đại học Y dược TPHCM và Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Với vai trò là đơn vị triển khai dự án, MCNV đã tham gia hỗ trợ hai trường trong nhiều hoạt động then chốt như: xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo giảng viên “nguồn”, hỗ trợ cơ sở, vật chất.

Read more

MCNV lần thứ 5 liên tiếp nhận Kỷ niệm chương đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam

Ngày 21/12/2020, tại Trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VN, MCNV đã được nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương ghi nhận đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam. Đây là lần thứ 5 liên tiếp MCNV được nhận vinh dự này.

Sự kiện là hoạt động thường niên do VUFO tổ chức với mục đích đánh giá về công tác phi chính phủ nước ngoài đã được thực hiện trong năm và đề xuất các phương án tăng cường hiệu quả viện trợ trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga đã đánh giá cao vai trò của bạn bè quốc tế trong đó có hơn 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Theo bà Nguyễn Phương Nga, các tổ chức, mà điển hình là 50 tổ chức được nhận Bằng khen lần này, đã hưởng ứng lời kêu gọi của VUFO, nỗ lực chung tay với nhân dân Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19; ứng phó khẩn cấp với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai ở một số tỉnh miền Trung với các chương trình, dự án, các hoạt động cụ thể, thiết thực, kịp thời.

Theo số liệu từ Ban điều phối viện trợ nhân dân (VUFO), tổng giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam năm 2020 ước đạt 250 triệu USD, trong đó có 9 triệu USD dành cho khắc phục hậu quả thiên tai và 6,5 triệu USD dành cho phòng chống COVID-19.

Read more

Bước đầu tìm lại tương lai

Anh Hồ Văn Cát trên lô đất ruộng vừa được san ủi

Thiên tai đi qua, người dân vùng núi Hướng Phùng (huyện Hướng Hòa, tỉnh Quảng Trị) bước vào một hành trình mới, hành trình gây dựng lại tương lai...

“Suốt ba hôm nay em không ngủ được, anh ơi. Em mừng quá nên không ngủ được.” Hồ Văn Cát (thôn Mã Lai – Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vừa cười vừa hớn hở xoa hai tay vào nhau. Đứng bên lô đất ruộng 0,35 ha chia thành 5 thửa gọn gàng, khuôn mặt Cát đầy rạng rỡ dưới ánh nắng chiều. Đôi mắt hân hoan như một em nhỏ được quà.

Cũng ở nơi đây, hai tuần trước, Cát hoang mang tâm sự với cán bộ xã Hướng Phùng “Nếu không được giúp đỡ, có lẽ gia đình em chết mất, anh ơi!”. Khi đó, toàn bộ ruộng lúa của gia đình Cát bị vùi sâu dưới những lớp đất cát và sỏi đá sau khi những trận lũ liên tục quét qua đây. Ruộng lúa cúa Cát nằm gần con suối nên nhanh chóng bị “xóa sổ”.

Hi vọng trên những mảnh đất mới được san ủi.

Gia đình Cát gồm 8 người, trong đó có 5 con nhỏ. Cái ăn của cả nhà hoàn toàn lệ thuộc vào những thửa ruộng này. Mỗi năm, vợ chồng Cát thu hoạch khoảng 2 tấn lúa, đủ ăn trong năm cho cả gia đình. Vụ lúa đông xuân, vụ mùa duy nhất của họ sẽ bắt đầu vào tháng 12. Nếu không có sự can thiệp bằng cơ giới, toàn bộ ruộng lúa sẽ bị bỏ hoang, tương lai của cả 8 thành viên trong gia đình không biết sẽ đi về đâu.

Nếu không có sự can thiệp bằng cơ giới, toàn bộ ruộng lúa sẽ bị bỏ hoang.

Gia đình Hồ Văn Cát là một trong 4 hộ nghèo đầu tiên ở thôn Mã Lai – Pun được Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và UBND xã Hướng Phùng ưu tiên hỗ trợ nạo vét, cải tạo ruộng lúa sau lũ, với diện tích tổng cộng 1 ha. Tiếp theo, cũng ở xã này, MCNV sẽ tiếp tục hỗ trợ nạo vét thêm 2 ha diện tích ruộng lúa bị vùi lấp của nhiều hộ gia đình khó khăn khác. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho công việc này, 250 triệu đồng, được những người dân Hà Lan đóng góp thông qua MCNV.

Con số 3 ha ruộng lúa được nạo vét là khá nhỏ bé nếu so sánh với tổng diện tích ruộng lúa nước đã bị vùi lấp ở xã Hướng Phùng – hơn 33 ha trên tổng diện tích 70 ha lúa nước toàn xã.

Tuy nhiên, với Hướng Phùng, mọi sự hỗ trợ dù là nhỏ nhất đều là đáng quý giữa thời điểm khó khăn này, như ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng đã trăn trở chia sẻ với cán bộ MCNV:

“Giúp được chừng nào tốt chừng đấy, anh ạ. Những hộ MCNV đang giúp là những hộ nghèo, khó khăn nhất. Nếu không có sự giúp đỡ này thì không biết đến bao giờ cuộc sống của họ mới trở lại như trước đây!”

Anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ MCNV (ngoài cùng, phải) và người dân tại địa bàn được hỗ trợ san ủi ruộng.

Đi qua khu vực Bắc Hướng Hóa những ngày này, đập vào mắt là những mảng sạt lở khổng lồ của núi rừng, những bãi đất đá ùn tắc dày cộm vùi lấp những đồng lúa nước trước đây, những rẫy sắn vàng lá báo hiệu gốc đã bị ung thối do úng nước, những thửa vườn cà phê bị trôi sạt, những dòng nước suối vẩn đục, những công trình giao thông và thủy lợi bị hư hỏng nặng, … và những ánh mắt buồn bã của những người nông dân mất đi sinh kế.

Đường vào Hướng Phùng vẫn còn bề bộn.

Khó có thể nói chính xác được phải mất bao lâu, cộng đồng dân cư vùng núi Bắc Hướng Hóa mới có thể tái thiết lại đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Nhưng chắc chắn một điều, họ không đơn độc trên hành trình nhiều cam go này. Cùng chính quyền địa phương, các cá nhân, tổ chức có tấm lòng sẻ chia, MCNV đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân Bắc Hướng Hóa, là góp phần là điểm tựa cho hành trình tìm lại tương lai sau thiên tai của đồng bào.

  • Những trận lũ kinh hoàng liên tiếp quét qua từ ngày 6/10 đến giữa tháng 11 năm nay đã để lại những hậu quả khủng khiếp đối với Quảng Trị nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung.
  • Tại Quảng Trị, đã có 58 người chết, trong đó 1 người chưa tìm thấy thi thể. Những thiệt hại về của cải, vật chất và mùa vụ khó có thể thống kê đầy đủ.

“Thiệt hại mưa lũ miền Trung không thể tính bằng con số”, “… 10 năm nữa cũng chưa phục hồi như trước đây được. Dù Nhà nước có cấp ngay 30.000 tỷ đồng vẫn không thể tái thiết được như cũ”. (Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Vnexpress ngày 28/11/2020).

Bài & ảnh: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)

Read more

Dự án Tôi lớn mạnh Tuyển TNV Vật lý trị liệu

Đóng góp vào việc tăng cường dịch vụ PHCN trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở tuyến tỉnh và tuyến huyện, MCNV đang triển khai dự án Tôi lớn mạnh ở 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Trong khuôn khổ dự án này, MCNV hỗ trợ Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược (ĐHKTYD) Đà Nẵng tổ chức khóa tập huấn 12 tháng về Vật lý trị liệu (VLTL).

MCNV đang tìm một tình nguyện viên có kinh nghiệm về thực hành VLTL để hỗ trợ lâm sàng cho các cán bộ y tế đã kết thúc khóa học 12 tháng nêu trên tại cơ sở y tế (CSYT) nơi họ làm việc.

Để biết thông tin chi tiết, truy cập: 

https://drive.google.com/file/d/1gctRB3WnPEq3YuaGRZwNkZU1ftOiRP2x/view?usp=sharing

Read more

95 tân sinh viên Kỹ thuật Phục hồi chức năng được định hướng chuyên ngành

Sáng ngày 7 tháng 11 năm 2020 Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Tp HCM đã tổ chức hội thảo định hướng chọn chuyên ngành cho tân sinh viên khoá Cử nhân kỹ thuật Phục hồi chức năng khoá 20 (niên khoá 2020-2024). Tổng cộng có 95 sinh viên đã được trúng tuyển và theo học ngành kỹ thuật phục hồi chức năng.

Theo kế hoạch, ĐHYD Tp Hồ Chí Minh sẽ đào tạo 2 chuyên ngành: Vật lý trị liệu và Hoạt động trị liệu cho khoá K20 này

. Chọn học chuyên ngành nào là chắc chắn là băn khoăn của nhiều em sinh viên. Vì vậy buổi Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, giúp các em tự tin vào sự lựa chọn chuyên ngành mình sẽ theo đuổi không chỉ trong 4 năm học tại ĐHYD Tp HCM mà còn là hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Tại Hội thảo, các giảng viên, chuyên gia, khách mời từ các cơ sở bệnh viện PHCN đã giúp cho 95 tân sinh viên hiểu hơn về vai trò của ngành PHCN trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ, đặc điểm, đối tượng làm việc, vị trí và cơ hội nghề nghiệp đối với từng chuyên ngành Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu.

Đặc biệt, đối với chuyên ngành Hoạt động trị liệu và một chuyên ngành mới bắt đầu được đào  tạo bậc cử nhân tại Việt Nam, Hội thảo đã mời nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp khóa đầu tiên tới để chia sẻ với các em tân sinh viên. Sau khi kết thúc Hội thảo, các tân sinh viên Cử nhân kỹ thuật PHCN đã thấy tự tin khẳng định về sự lựa chọn theo học ngành PHCN. Nhiều sinh viên đã có quyết định theo học chuyên ngành Hoạt động trị liệu.

ĐHYD Tp HCM là một trong 2 cơ sở đào tạo khối ngành sức khoẻ hợp tác với MCNV để triển khai thí điểm đào tạo Hoạt động trị liệu bậc cử nhân khoá đầu tiên tại Việt Nam trong thời gian 4 năm 2016-2020. Tháng 8/2020 đã có 21 cử nhân kỹ thuật PHCN, chuyên ngành HĐTL tốt nghiệp và 100% đã có việc làm đúng chuyên ngành theo học. Hiện nay đang có rất nhiều bệnh viện, cơ sở PHCN có nhu cầu tuyển dụng cử nhân HĐTL nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp còn rất ít. MCNV và ĐHYD Tp HCM hy vọng sẽ có nhiều em sinh viên K20 – kỹ thuật PHCN sẽ đăng ký lựa chọn theo học chuyên ngành HĐTL trong niên khoá 2020-2024, khoá đào tạo HĐTL bậc cử nhân thứ hai của ĐHYD Tp HCM.     

Read more