Khởi động Dự án Hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa

Ngày 29/8/2017, MCNV phối hợp với Hội Y tế thôn bản tỉnh Quảng Trị và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Hướng Hóa triển khai khởi động Dự án Hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa. Sự kiện được tổ chức với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Ban Dân tộc miền núi, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Quảng Trị, đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Chi hội Y tế thôn bản huyện Hướng Hóa và các tổ chức quốc tế PLAN và Tầm nhìn Thế giới.

Các khảo sát về thực trạng sức khỏe, giáo dục và xã hội của trẻ em gái vị thành niên ở huyện Hướng Hóa do MCNV phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Quảng Trị tiến hành trước đó cho thấy: Trong năm 2016, ở Hướng Hóa, có 301/483 trẻ em gái vị thành niên (từ 10 – 12 tuổi) có thai ngoài ý muốn (chiếm 62,3% tổng số trẻ em gái vị thành niên có thai trong toàn tỉnh), 120 trường hợp tảo hôn, 30% trẻ em gái vị thành niên 15 tuổi và 50% trẻ em gái vị thành niên 16 tuổi đã bắt đầu quan hệ tình dục. Nguyên nhân chính là do trẻ em gái thiếu kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, cũng như bị ảnh hưởng bởi tập tục văn hóa và nhận thức hạn chế của người dân địa phương về các vấn đề của trẻ em gái.

Trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến cuối năm 2018, các hoạt động dự án sẽ được triển khai ở các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Tân Thành, Tân Long và thị trấn Lao Bảo. Dự án nhằm mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và có thai ngoài ý muốn ở trẻ em gái vị thành niên và được thực hiện với 3 nhóm can thiệp chính: (i) phát triển kỹ năng sống, xây dựng năng lực và tạo cơ hội phát triển cá nhân cho trẻ em gái vị thành niên; (ii) cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội của trẻ em gái vị thành niên; (iii) nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề của trẻ em gái vị thành niên. Kế hoạch hành động của Dự án bao gồm các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; thành lập và tổ chức sinh hoạt các nhóm, câu lạc bộ trẻ em gái vị thành niên; khám và tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên; hỗ trợ học bổng, học nghề và khởi nghiệp với trẻ em gái vị thành niên có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên cho trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và có thai ngoài ý muốn ở trẻ em gái vị thành niên. Dự án sẽ do MCNV, Hội y tế thôn bản tỉnh Quảng Trị và Huyện Đoàn Hướng Hóa phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm CSSKSS tỉnh Quảng Trị và Trung tâm y tế huyện Hướng Hoá.

 

*Ảnh: Bà Phan Thị Liên, Chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh Quảng Trị, giới thiệu hình ảnh nhân vật biểu trưng của dự án có tên gọi là Mun Arai.

Read more

HỘI THẢO TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG

Ngày 28/8/2017, MCNV phối hợp với Sở Y tế Quảng Trị tổ chức Hội thảo “Tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng” với sự tham gia của hơn 30 đại biểu của ngành y tế,  ngành Lao động thương binh xã hội tuyến tỉnh và 9 huyện/thị và 6 cán bộ y tế thôn xã của 2 xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Tú huyện Vĩnh Linh.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích: chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Tạị hội thảo, các đại biểu tham dự đã chia sẻ thông tin và thảo luận về một số vấn đề quan trọng như: (i) Tình hình quản lý người bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; (ii) Các chính sách và chế độ hỗ trợ hỗ trợ cho bệnh nhân tâm thần trong thời gian qua; (iii) Hiệu quả và bài học kinh nghiệm từ mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng do MCNV hỗ trợ đã được triển khai tại 2 xã A Xing, Thanh huyện Hướng Hóa và 2 xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tú huyện Vĩnh Linh trong giai đoạn 2013-2016 (iv) Thảo luận về khả năng phối hợp giữa các bên liên quan trong việc nhân rộng mô hình chăm sóc SKTT dựa vào nhóm gia đình người bệnh tâm thần tại cơ sở.

Các thành viên tham gia hội thảo đánh giá cao mô hình nhóm gia đình người bệnh tâm thần và hy vọng rằng Sở y tế cùng với Sở lao động thương binh xã hội tìm kiếm nguồn hỗ trợ để nhân rộng mô hình trong thời gian tới nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc người bệnh cho gia đình cũng như nâng cao sự tự tin, giảm mặc cảm để hòa nhập cộng đồng của gia đình và người bệnh tâm thần.

*Ảnh: Bs Mai Năm – Phó Giám đốc Sở y tế Quảng Trị phát biểu ý kiến.

Read more

Đại diện MCNV và các Quỹ phát triển cộng đồng do MCNV hỗ trợ làm việc với công ty PwC tại TP HCM để tìm kiếm hỗ trợ

Ngày 12 tháng 9 năm 2017, đại diện 7 quỹ phát triển cộng đồng tại tỉnh Phú Yên và cán bộ của MCNV đã có buổi làm việc với đại diện công ty PricewaterhouseCoopers  (PwC) tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động này là bước đầu tiên trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) từ PwC về dịch vụ tư vấn tài chính và pháp luật để giúp cho các quỹ tài chính vi mô do MCNV hỗ trợ tại tỉnh Quảng Trị, Phú Yên và Bến Tre có thể tự vững trong quá trình phát triển Quỹ.

MCNV đã và đang hỗ trợ nhiều chương trình hoà nhập xã hội và nâng cao sức khoẻ tại các tỉnh nêu trên trong nhiều năm. Trong mỗi chương trình đó thì hợp phần tài chính vi mô đóng vai trò chất kết dính và xúc tác kết nối các nhóm hưởng lợi để họ cam kết tham gia thực hiện các mục tiêu dự án, đồng thời cải thiện sự hòa nhập tài chính cho người nghèo. Mục tiêu của MCNV trong thời gian tới là hỗ trợ các hợp phần tài chính vi mô này trở thành các quỹ tự chủ để các quỹ có thể tự hoạt động bền vững và tiếp tục cung cấp các hỗ trợ về tài chính và xã hội cho người nghèo tại địa phương với sự hỗ trợ tối thiểu từ MCNV.

PwC là công ty có uy tín và quy mô trong cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính và pháp luật  tại Việt Nam. PwC đã hỗ trợ các khoản CSR hỗ trợ cho Trẻ em khuyết tật thông qua dự án của MCNV. PwC hiện quan tâm đến hỗ trợ mảng tài chính vi mô của MCNV để có thể sử dụng chuyên môn kỹ thuật của mình và tạo cơ hội cho nhân viên phát triển năng lực  trong lĩnh vực phát triển quỹ cộng đồng đầy thách thức.

MCNV và PwC sẽ tiếp tục thảo luận để cụ thể hoá kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.

Đại diện hai bên trong buổi làm việc ngày 12/9 tại văn phòng PwC TP HCM

Read more

Hội thảo giới thiệu sách “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh THPT”

Sáng ngày 9/9/2017 tại TP Điện Biên Phủ, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Điện Biên tổ chức hội thảo giới thiệu cuốn sách mới dành cho giáo viên các trường THPT, có tựa đề “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh THPT”, với sự tham gia của đại diện 31 trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Với mục đích hỗ trợ các nhà trường THPT và giáo viên trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh, cuốn sách cung cấp nhiều kiến thức quan trọng, thiết thực, bổ ích liên quan đến các vấn đề: Giới và giới tính; tình bạn, tình yêu lứa tuổi học sinh THPT; cơ chế thụ thai và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục; vấn đề xâm hại và lạm dụng tình dục vị thành niên; chăm sóc vệ sinh thân thể; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Ông Nguyễn Quốc Anh, Điều phối viên MCNV trao giải thưởng tại Hội thảo

Cuốn sách được xuất bản là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT miền núi tỉnh Điện Biên” do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam hỗ trợ. Ấn phẩm được hoàn thành trong khoảng thời gian 1 năm 6 tháng, với sự tham gia tích cực của 5 giáo viên THPT của tỉnh Điện Biên; 2 cán bộ Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam và 1 tiến sỹ đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là nâng cao năng lực cho giáo viên THPT về giảng dạy các chủ đề về SKSS cho học sinh THPT, đặc biệt là các em gái người dân tộc thiểu số.

Theo PGS – TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT, đây là một trong những cuốn sách đi tiên phong, đáp ứng các yêu cầu đặt ra về đổi mới căn bản, toàn diện về lĩnh vực chăm sóc SKSS cho học sinh lứa tuổi THPT.

Đây là tài liệu có giá trị khoa học, tính ứng dụng thực tiễn cao, bổ ích cho các chuyên gia, các thầy cô giáo, các nhà quản lý, tổ chức đoàn thể, học sinh và phụ huynh quan tâm về vấn đề trên. Cũng nhân dịp này, dự án đã trao tặng trên 400 cuốn sách cho các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Được biết, ngoài việc xuất bản sách, trong thời gian 3 năm (2015 – 2017), dự án còn triển khai nhiều hoạt động liên quan khác, như: Truyền thông can thiệp, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng giảng dạy cho giáo viên các trường THPT trên địa bàn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên; hỗ trợ thành lập và tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ “Tuổi chúng mình”, nhằm tạo diễn đàn cho học sinh trao đổi, chia sẻ kiến thức về các vấn đề liên quan.

Read more

Cơ hội học làm phim tài liệu miễn phí

Tuyển tham dự viên cho khóa học làm phim tài liệu

BẠN LÀ NGƯỜI:
SẴN SÀNG học hỏi và TÌM HIỀU về bình đẳng giới và phát triển cộng đồng.
ĐAM MÊ và SÁNG TẠO trong việc xây dựng các sản phẩm truyền thông bằng hình ảnh.
HỢP TÁC và CAM KẾT tham gia các hoạt động của dự án. 
MONG MUỐN sản xuất sản phẩm truyền thông mang DẤU ẤN của riêng mình.

Hãy tham gia với chúng tôi:

Dự án “Cung cấp thông tin về bình đẳng giới và phát triển cộng đồng thông qua các sản phẩm truyền thông trực quan” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan (MCNV) thực hiện. Dự án hướng tới việc xây dựng các sản phẩm truyền thông trực quan (phim ngắn, clip, hình ảnh…) về bình đẳng giới và phát triển cộng đồng nhằm tăng cường sự tiếp cận và nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về bình đẳng giới và phát triển cộng đồng.
Tham gia Dự án, bạn có cơ hội:

Tìm hiểu các kiến thức cơ bản của thể loại phim tài liệu điện ảnh thông qua các khóa đào tạo miễn phí.
Học các kĩ năng cơ bản về việc làm phim, kỹ năng phát triển ý tưởng phim, kỹ năng quay phim, dựng phim, phỏng vấn…
Được tài trợ chi phí đi thực tế thực hành làm phim.
Chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của những chuyên gia trong lĩnh vực phim ảnh, báo chí, truyền thông, bình đẳng giới và phát triển cộng đồng.
Hoàn thành một phim tài liệu của chính mình dưới sự hướng dẫn của các nhà làm phim có uy tín.
Gia nhập cộng đồng làm phim trẻ, giao lưu với những người cùng đam mê và sở thích.
Chia sẻ tác phẩm của mình tới cộng đồng.
Rèn luyện các kỹ năng sống như tính độc lập, sự tự tin, khả năng quan sát, khả năng giao tiếp, tính kỷ luật, khả năng làm việc độc lập cũng như khả năng làm việc nhóm.

⭐️Ứng viên quan tâm vui lòng gửi CV cá nhân và điền thông tin chi tiết theo bản đăng ký đính kèm, gửi về:
Ban Quản lý Dự án – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.
Ms. Hà Nhật Linh – Cán bộ Dự án
Email: linh.hanhat@gmail.com
SĐT: 043 728 6547/ 0973048890

Read more

Nghiên cứu hồi cứu các can thiệp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Từ ngày 25/9 đến 12/10, MCNV và Viện nghiên cứu Athena – Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan thực hiện nghiên cứu hồi cứu kinh nghiệm của 08 năm áp dụng can thiệp tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở 4 thôn Kỳ Đu, Phú Sơn xã Xuân Quang 2 và Xí Thoại, Hà Rai xã Xuân Lãnh huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Mục đích của nghiên cứu hồi cứu nhằm xác định các kinh nghiệm, kiến thức và tính thực tiển của các can thiệp có tính nhạy cảm về dinh dưỡng (nutrition sensitive intervention) và các can thiệp trực tiếp can thiệp dinh dưỡng (nutrition specific intervention) để xác định các giải pháp phù hợp trong việc đề xuất nhân rộng tiếp cận dinh dưỡng nông nghiệp (nutrition sensitive agriculture) tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Phú Yên nhằm góp phần cải thiện an ninh lương thực và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi.

Tham dự viên chụp ảnh lưu niệm

Kế hoạch nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện: (i) phỏng vấn cá nhân 15 cán bộ ngành y tế từ thôn đến tỉnh và các cán bộ lãnh đạo của Ủy bân nhân dã xã, ngành giáo dục và nông nghiệp phát triển nông thôn; (ii) 06 thảo luận nhóm với đại diện các ban ngành Y tế, Giáo dục-Đào tạo, Nông nghiệp phát triển nông thôn và Hội Phụ nữ của tuyến tỉnh và huyện Đồng Xuân (iii) 14 thảo luận nhóm cùng với người dân, nhóm các bà mẹ/ông bố có con dưới 5 tuổi ở 4 thôn.

Sau 05 ngày tham gia nghiên cứu, chị Sabina thành viên nghiên cứu của nhóm đến từ Viện nghiên cứu Athena – Đại học Vrije Amsterdam chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về kết quả và tác động lâu dài của chương trình phòng chống Suy dinh dưỡng dựa vào cộng đồng mà MCNV đã hỗ trợ ở các xã. Nhóm bà mẹ thôn Phú Sơn xã Xuân Quang 2 và Xí Thoại xã Xuân Lãnh đã chia sẻ cùng chúng tôi là từ đầu năm 2016 đến nay mặc dầu dự án đã kết thúc nhưng các nhóm bà mẹ vẫn sinh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm nuôi con. Một số bà mẹ có con đã được 09 tuổi nhưng vẫn tham gia sinh hoạt nhóm bà mẹ để chia sẻ kinh nghiệm nuôi con với các bà mẹ trẻ có con dưới 5 tuổi”

Ảnh trên: Thảo luận nhóm bà mẹ có con dưới 5 tuổi thôn Kỳ Đu xã Xuân Quang 2

Read more

Kết quả khảo sát thực trạng sức khỏe tâm thần tại trường THPT tỉnh Quảng Trị

Ngày 8/9/2017, MCNV phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Trị tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng sức khỏe tâm thần học sinh Trung học phổ thông tỉnh Quảng Trị” với sự tham gia của đại diện Sở Giáo dục – Đạo tạo và Ban giám hiệu của 31 trường Trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng SKTT học sinh THPT đã được khảo sát vào tháng 5/2017 và tham vấn ý kiến đại biểu để xây dựng mô hình điểm can thiệp về vấn đề SKTT học sinh.

MCNV và Sở Giáo dục đào tạo Quảng Trị đã sử dụng bộ câu hỏi SDQ25 của WHO để tiến hành khảo sát SKTT toàn bộ học sinh THPT ở 3 Trường A Túc, Vĩnh Linh và Đông Hà đại diện cho 3 vùng miền khác nhau ở Quảng Trị: miền núi, đồng bằng và thành phố/thị xã. Mục đích khảo sát nhằm (i) xác định tỉ lệ học sinh có vấn đề về SKTT; (ii) tìm hiểu các yếu tố tố liên quan đến học sinh có vấn đề về SKTT.

Kết quả khảo sát cho thấy: trong tổng số 2.637 em tham gia khảo sát có 293 (11.08%) em có vấn đề về SKTT (tổng số điểm trả lời SDQ25 > 20) và 550 (20,86%) em nguy cơ có vấn đề về SKTT (tổng số điểm trả lời SDQ25 từ 16 – 19). Các yếu tố liên quan đến 293 em có vấn đề về SKTT là (i) hoàn cảnh kinh tế gia đình: các em có hoàn cảnh gia đình nghèo có vấn đề về SKTT cao nhất (23,15% với p < 0.001); (ii) số anh chị em trong gia đình: các em có hơn 5 anh/chị em có vấn đề về SKTT cao nhất (20,79% với p < 0.001) ; (iii) kết quả học tập: các em có kết quả học tập yếu có vấn đề về SKTT cao nhất (26,79% với p < 0.001); (iv) số lượng bạn thân: các em không có bạn thân có vấn đề về SKTT cao nhất (24,18% với p < 0.001); (v) tham gia các hoạt động ngoại khóa: các em không tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường có vấn đề về SKTT cao nhất (15,20% với p = 0.001)

Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Trị đã thống nhất cùng MCNV triển khai dự án SKTT ở trường THPT Vĩnh Linh trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến cuối năm 2018. Dự án nhằm mục đích góp phần cải thiện tình trạng SKTT học sinh thông qua “Mô hình can thiệp chăm sóc SKTT toàn diện” với các can thiệp chính (i) tư vấn và điều trị cho các em có vấn đề về SKTT; (ii) đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng tư vấn cho nhóm giáo viên; (iii) truyền thông nâng cao nhận thức về SKTT cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Dự án sẽ được MCNV và Sở Giáo dục đào tạo Quảng Trị đánh giá vào cuối năm 2018 và đề xuất nhân rộng mô hình trong tỉnh.

Read more

Lễ trao tặng phim tư liệu giữa MCNV, Viện lưu trữ JORIS IVENS và Viện Phim Việt Nam

Ngày 19/10/2017,  Viện Phim Việt Nam (VFI) cùng các bên liên quan đã tổ chức lễ đón nhận phim tư liệu lịch sử cùng hiện vật quý do MCNV và Viện lưu trữ Joris Ivens trao tặng. Sự kiện đã diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động với sự hiện diện của ông Vương Duy Biên, thứ trưởng bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Ông Guus Paardekooper, Tổng giám đốc MCNV, ông Vũ Nguyên Hùng, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, ông Ad Spikers, đại diện Viện lưu trữ Joris Ivens cùng đông đảo khách mời.

Tại buổi lễ MCNV đã trao tặng cho Viện phim Việt Nam 28 bộ phim tư liệu nhựa do các nhà làm phim nước ngoài quay tại Việt Nam những năm 1970, Viện Lưu trữ Joris Ivens tặng 4 bộ phim cùng hơn 2.000 trang tài liệu giấy, 140 ảnh và áp phích do nhà làm phim nổi tiếng người Hà Lan, Joris Ivens thực hiện tại Việt Nam từ năm 1965 đến 1968.

Tổng giám đốc MCNV Guus Paardekooper trao tặng phim cho Viện Phim Việt Nam

Các bộ phim, tư liệu này đã được đông đảo bạn bè quốc tế quan tâm và từng giành nhiều giải thưởng quốc tế. Trong số những bộ phim được trao tặng, “Cuộc gặp gỡ Hồ Chủ tịch” là một trong những thước phim cuối cùng của nước ngoài thu hình và ghi âm lời nói Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim “Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân” là bộ phim ấn tượng nhất về Việt Nam của Joris Ivens, được quay tại Quảng Trị năm 1967 khi cuộc chiến tranh Việt – Mỹ leo thang căng thẳng từng nhận Giải thưởng quốc tế Hòa Bình Lenin. Phim “Bệnh viện Đông Hà, tỉnh Quảng Trị” ghi lại quá trình xây dựng bệnh viện đầu tiên tại Đông Hà – Quảng Trị từ nguồn quyên góp của người dân Hà Lan thông qua MCNV.

Trong bài phát biểu của mình, bà Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Nieken Trooters nhấn mạnh: “Phim ảnh, đặc biệt là phim tài liệu là những phương tiện tuyệt vời để nắm bắt, lưu giữ cuộc sống và lịch sử. Những cuốn phim tài liệu hay có thể gợi mở suy nghĩ và tranh luận, truyền cảm hứng cho hành động của chúng ta, giúp chúng ta hiểu được các nền văn hóa và thời đại khác”.

Bà Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Nieken Trooster phát biểu tại Lễ trao tặng phim

Ông Adrian Spijkers, đại diện Viện Lưu trữ Joris Ivens, cho biết: “Đây là những hình ảnh mà chúng ta hiếm thấy trên truyền hình. Qua những thước phim như thế này, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên thật gần gũi khi Người cùng trò chuyện với các anh hùng trẻ tuổi và lắng nghe họ kể về những khó khăn và nỗ lực, hy sinh trên chiến trường để giành thắng lợi “.

Ông Adrian Spijkers trao tặng phim và tư liệu cho VFI

Ông Guus Paardekooper, Tổng giám đốc MCNV bày tỏ sự tin tưởng vào việc sử dụng hiệu quả các bộ phim và tư liệu quý này: “Tôi tin tưởng rằng Viện phim Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả những bộ phim quý này với mục đích giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam hiểu biết hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc.”

Lễ Trao tặng phim còn đón một nhân vật đặc biệt, bà Xuân Phượng, nguyên là bác sĩ và phiên dịch cho đạo diễn Joris Ivens trong quá trình làm phim tại Việt Nam. Những chia sẻ của bà về người thầy Joris Ivens và tình yêu mà ông cùng người vợ của mình dành cho Việt Nam, như câu chuyện vợ chồng ông phải cầm cố ngôi nhà đang sống để trang trải các chi phí đi lại và làm phim nhằm tiết kiệm cho Chính phủ Việt Nam, hay chuyện ông cùng ê kíp quay phim dưới làn mưa bom bão đạn mà theo ông là “99 phần chết, chỉ có 1 phần sống” đã giúp đại biểu dự buổi lễ hiểu thêm ý nghĩa và giá trị của các thước phim của Joris Ivens với ấn tượng và xúc động sâu sắc.

Bà Xuân Phượng, nguyên bác sĩ và phiên dịch của Joris Ivens chia sẻ tại sự kiện

Quan khách chụp ảnh lưu niệm tại Lễ trao tặng phim

Đài Truyền hình quốc gia Việt Nam – kênh VTV4 và đông đảo các hãng thông tấn đã đến đưa tin về sự kiện ý nghĩa này.

VTV4 đưa tin về Lễ trao tặng phim tại đây.

Read more

Diễn đàn Nghiên cứu Y tế Quốc gia (Lào) lần thứ 11

Từ 23 đến 25/10/2017, Viện Y tế Công cộng Quốc gia Lào (NIOPH) đã tổ chức chuỗi sự kiện tại Khách sạn Crowne Plaza tại thủ đô Viêng Chăn. MCNV Văn phòng Lào đã hỗ trợ Viện Y tế Công cộng Quốc gia Lào thực hiện chương trình Tăng cường Mạng lưới Nghiên cứu và Vận động Chính sách Y tế (LEARN Program) tại Lào. 256 tham dự viên đến từ 18 quốc gia đã tham dự chuỗi sự kiện, trong đó có đại diện các cơ quan nhà nước, các nhà ban hành luật, cán bộ MCNV và đại diện các tổ chức đối tác cũng đến tham dự

Ngày 23/10, “Ngày Nghiên cứu về Trẻ Vị thành niên” lần thứ hai đã diễn ra, khởi động chuỗi hoạt động tiếp theo về Trẻ Vị thành niên. Một số chuyên gia cho rằng nhóm trẻ vị thành niên chưa được quan tâm nghiên cứu đầy đủ do đa phần các nghiên cứu tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, “Ngày Nghiên cứu về Trẻ Vị thành niên” đã được tổ chức nhằm khuyến khích các  hoạt động vận động chính sách, chương trình và nghiên cứu về nhóm trẻ vị thành niên. Trong ngày hôm đó, các diễn giả đến từ nhiều tổ chức khác nhau đã trình bày các phát hiện, kết quả nghiên cứu và tổng hợp chương trình liên quan đến nhóm trẻ vị thành niên. Ông Guus Paardekooper, TGĐ MCNV điều hành phiên thảo luận chung, và bà Akke Schuurmans, cố vấn chương trình cấp cao MCNV đã trình bày các phát hiện sơ bộ về “Học tập về việc sử dụng các Phương pháp Truyền thông Sáng tạo (LICM)”. Các phương pháp này góp phần hỗ trợ nghiên cứu hành động với các nhóm dễ tổn thương như nhóm trẻ em gái lao động trong các xí nghiệp may mặc, nhóm thanh niên đồng tính – song tính – chuyển giới (LGBTI), và nhóm thanh niên khuyết tật. Thêm vào đó, các tham dự viên còn được khuyến khích chia sẻ thông tin về nhóm trẻ vị thành niên tại website SDG4A. Trang web SDG4A do Viện Y tế Công cộng Quốc gia Lào, UNFPA và MCNV xây dựng nhằm hỗ trợ người dân cộng đồng chia sẻ kiến thức về vị thành niên tại khu vực đồng bằng song Cửu Long, qua đó chuyển tải thông tin và thông điệp đến các nhà ban hành luật pháp chính sách và những người thiết kế chương trình.

Vào ngày 24 và 25 tháng 10, Diễn đàn Nghiên cứu Y tế Quốc Gia Lào lần thứ 11 và Hội thảo Thường niên Mạng lưới Khu vực lần thứ 17 về Bệnh Sán Máng (Schistosomiasis) và các bệnh do ký sinh trùng khác (Helminth Zoonosis) đã được tổ chức song song tại khách sạn Crowne Plaza. Chủ đề của Diễn đàn Nghiên cứu Y tế Quốc Gia Lào năm nay là “Tăng cường Năng lực Nghiên cứu Y tế hướng dẫn Phát triển Bền vững” rất phù hợp với chương trình LEARN của MCNV. Ngày hội thảo đầu tiên tập trung vào sức khỏe bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và bệnh sốt rét, trong khi đó ngày hội thảo thứ hai tập trung vào trao đổi kiến thức cải thiện dịch vụ và hệ thống y tế, cũng như các bệnh nhiệt đới. Ông Guus Paardekooper đã tham dự Lễ khai mạc sự kiện, Bác sĩ Dirk Essink đến từ ĐH Vrije – Amsterdam tham gia chủ trì phiên đối thoại chính sách về thông dịch kiến thức và ba nghiên cứu sinh đang được hỗ trợ trong chương trình LEARN  đã trình bày các phát hiện trong nghiên cứu của họ. Nghiên cứu của ba nghiên cứu sinh tập trung vào các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, mang thai vị thành niên và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau sinh.

Read more

Summary Annual Report 2016

Please find hereafter a summary of our annual report 2016.

Summary Annual Report 2016
Read more